Trang chủ > Lớp Giáo lý
Ni trưởng Chúng Liên chia sẻ trực tuyến với đề tài Triển khai bốn câu kệ thị chúng của Ni trưởng Huỳnh Liên
Xem: 7490 . Đăng: 23/09/2021In ấn
Ni trưởng Chúng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài “TRIỂN KHAI BỐN CÂU KỆ THỊ CHÚNG CỦA CỐ NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN TRƯỚC KHI VIÊN TỊCH”
I. TỔNG QUAN
Đạo đức là giá trị thước đo nhân cách của một con người. Đạo đức là tính tốt hoặc những công trạng của vị ấy tạo nên. Khi nói một người có đạo đức là ý nói người đó có sự rèn luyện thực hành các lời răn dạy về đạo đức, sống chuẩn mực và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn.
Chuẩn mực đạo đức là tổng hợp các quy tắc, yêu cầu, đòi hỏi của xã hội đối với mỗi cá nhân hay nhóm xã hội, trong đó xác định ít nhiều sự chính xác về tính chất, mức độ, phạm vi, giới hạn của cái có thể, cái được phép, cái không được phép hay cái bắt buộc phải thực hiện trong hành vi xã hội của mỗi người, nhằm đảm bảo sự ổn định, giữ gìn trật tự, kỉ cương của xã hội.
Hành vi của vị ấy họ thường được định hướng và tuân theo những quy tắc, yêu cầu xã hội đó. Từ đó mà hình thành và xuất hiện trong xã hội hệ thống các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội, tham gia và phát huy tác dụng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống.
Còn đạo đức mà Tổ Sư Minh Đăng Quang đã đi theo con đường của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đó chính là nối truyền Thích Ca chánh pháp, đạo đức đó nó được thể hiện một cách rất sâu sắc, mà ba đời chư Phật cũng không ngoài đạo đức đó mà có, cho nên Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên là một vị trưởng tử Ni của Tổ lãnh đạo Ni giới Hệ phái Khất sĩ, người muốn đưa giáo lý thậm thâm vi diệu đó, là giáo lý “Tam Vô Lậu Học” để di huấn lại cho chúng đệ tử trước khi người viên tịch.
Như quý vị cũng đã biết, vào đời Lý - Trần, thiền sư Mãn Giác cũng có một bài thị chúng:
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai,
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai,
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch nghĩa:
Xuân qua trăm hoa rụng
Xuân tời trăm hoa cười
Việc đời ruỗi qua trước mắt
Cảnh già hiện ra trên đầu,
Chớ bảo xuân àn hoa rụng hết
Đêm qua một cành mai nở trước sân.
Thiền sư Mãn Giác đã mượn bài thơ này để thị chúng rằng: “Tất cả các pháp đều là vô thường, vô ngã, khổ không. Khi biết tất cả các pháp đều là vô thường thì hãy xả bỏ những chấp trước ở đời để được giải thoát giác ngộ”. Còn đối với Ni trưởng của chúng ta thật quá tuyệt vời, chỉ vọn vẹn với bốn câu kệ Thị chúng nhưng lại gói hết trọn tinh túy của đạo Phật:
Ngày đã cận cần tu gấp rút
Giới giữ sao trong sạch như xưa
Định huệ không thiếu không thừa
Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng.
Ni trưởng Huỳnh Liên, người kế nghiệp chư Tổ, xuất gia với hạnh nguyện làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ:
Con nguyện hiện thường kiếp nữ nhân
Bởi bao phụ nữ khổ trong trần
Tiện bề thân thiện con dìu dắt
Dầu phải cực lòng lốt phụ nhân
Con nguyện đời đời độ chúng sanh
Bao nhiêu cực nhọc cũng cam đành.
(Ni trưởng Huỳnh Liên)
Trên tinh thần kế thừa phương châm “Lợi đạo ích đời” của đạo Phật, cộng thêm vào đó là cả một quá trình tu tập và đạo đức cao thượng được vun đúc, bồi dưỡng qua năm tháng, Ni trưởng chẳng quản ngại khó khăn, chẳng màng danh lợi, miễn sao đem lại lợi ích an vui cho chúng sanh. Đạo đức tối thượng của người ở đây chính là tâm lượng từ bao la, và một trí tuệ tu dưỡng tự thân mà người đã thổ lộ ra những ưu tư trăn trở của mình…
Kính thưa tất cả đại chúng, không phải chúng ta là đệ tử của Người, mà chúng ta tôn trọng ca ngợi, suy tôn Thầy của mình nhưng đây chính là một triết lý rất là quan trọng đối với người học Phật, Người muốn tu đạo thì phải xả bỏ hết tất cả và nên biết rằng thế nào là vô thường, và cần nắm được tam vô lậu học là một giáo lý rất là căn bản mà mỗi hành giả trên lộ trình tìm cầu giải thoát ai cũng cần phải biết. Cho nên bốn câu thơ này không chỉ hàm ý chỉ cho sự vô thường không thôi, mà còn hàm ý cho người tu học Phật phải hiểu và tu theo Tam vô lậu học mới quán triệt được lý vô thường.
Vậy nên, vào lúc 19h30 ngày 21/09/2021 (nhằm ngày 15/08/Tân Sửu), Ni trưởng Chúng Liên - Tịnh xá Ngọc Kỳ, Tp. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam có buổi chia sẻ trực tuyến với đề tài “TRIỂN KHAI BỐN CÂU KỆ THỊ CHÚNG CỦA CỐ NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN TRƯỚC KHI VIÊN TỊCH”. Trong buổi chia sẻ hôm nay, vì thời lượng của buổi giảng có hạn, nên Ni trưởng chỉ chia sẻ sơ lược cốt lõi chủ yếu mà Cố Ni trưởng Huỳnh Liên muốn nhắn gửi lại cho hàng hậu học của chúng ta qua bốn câu kệ trên chính là Tam Vô Lậu Học (Giới - Định - Tuệ). Hy vọng rằng buổi chia sẻ hôm nay sẽ mang lại cho quý Phật tử nhiều điều bổ ích, bởi một hạt cát nhỏ chắc rằng nó cũng góp phần hình thành nên sa mạc.
II. CHÁNH VĂN
1. VÔ THƯỜNG
Cuộc sống và vạn vật xung quanh cận kề bên chúng ta, nó từng giờ từng phút luôn luôn biến đổi không ngừng theo không gian và thời gian, không có gì là tồn tại vĩnh viễn, không có gì là trường tồn vĩnh cửu, thân vô thường, tâm cũng vô thường, thời gian cũng vô thường, tiền bạc vật chất cũng vô thường. Vậy thì hà cớ gì chúng ta cứ mãi níu giữ những thứ giả tạm này để cho nó chi phối làm cho tâm mình chịu ưu bi khổ não. Mở đầu bài kệ thị chúng, Người dạy rằng: “Ngày đã cận càng tu gấp rút”
Hơn bao giờ hết, đại dịch Covid - 19 lần này bùng phát trên toàn thế giới, trong đó có đất nước Việt Nam của chúng ta cũng đang phải ghánh chịu hết sức nặng nề, đã có biết bao gia đình ly tán, chồng phải xa vợ, con xa mẹ, chịu cảnh mồ côi… Chắc hẳn trong mỗi chúng ta ai ai cũng đều thấy rõ “vô thường”. Quả thật, không có bất cứ một ranh giới nào cho người nghèo và giàu, cũng ko có một ranh giới nào cho sự sống và cái chết, giàu nghèo cũng như nhau, sự sống và cái chết chỉ trong gang tất, ấy vậy nên hơn bao giờ hết chúng ta hãy chuyên tâm tinh tấn tu học, thực hành tam vô lậu học.
Tam vô lậu học là môt pháp môn thù thắng bao gồm “Giới - Định - Tuệ”, trong ý nghĩa chiết tự thì “Lậu” còn có nghĩa là phiền não, vậy hành giả tu theo Tam Vô Lậu học sẽ giúp cho hành giả vượt ra mọi sự “sầu, bi, khổ ưu não đoanh vây”, có như vậy mới quán được lý Vô thường, chớ để thì giờ luống trôi vào những việc vô ích, kẻo không còn kịp nữa, thế nên mỗi một hành giả muốn tu hành đúng pháp, đạt kết quả tốt đẹp. Để có một đời sống tâm linh hướng thượng, hoa nở tâm khai thì hành giả đó phải tự chọn cho mình hướng đi đúng đắn mà Đức Phật đã chỉ bày.
2. TAM VÔ LẬU HỌC (GIỚI - ĐỊNH - TUỆ)
Trong bất cứ xã hội nào trên thế giới thì luật pháp được đặt ra với mục đích ngăn ngừa hành phạt những ai vi phạm pháp luật để người dân được sống thanh bình. Còn đối với người con Phật thì giới lại là những điều răn cấm cho hàng tại gia và xuất gia phải tuân theo để ngăn ngừa thân khẩu ý, làm cho ba nghiệp thanh tịnh không tạo ác nghiệp. Thế nên Ni trưởng có dạy rằng:
Giới giữ sao trong sạch như xưa
Định huệ không thiếu không thừa.
A. Giới: tức là “phòng phi chỉ ác” nghĩa là phòng điều trái quấy, dừng mọi điều ác, làm các điều thiện.
Giới có nghĩa là điều phục, chế ngự đây có nghĩa là bằng sự tỉnh giác, chế ngự bằng chánh kiến, bằng sự kham nhẫn và tinh tấn, giữ gìn, thúc liễm những hành động của thân và tâm để không tạo ác nghiệp, đạt sự thanh tịnh của ba nghiệp.
Giới mà Ni trưởng của chúng ta muốn nhắn gửi ở đây còn mang theo một thông điệp về luân lý đạo đức, cách ứng xử, nếp sống hướng thượng tốt đời đẹp đạo.
Giới gồm có các giới của người tại gia và xuất gia. Đó là ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập thiện giới cho hàng Phật tử tại gia. Sa di và Sa di Ni có 10 giới, Thức xoa ma na Ni thêm 6 học giới, Tỳ kheo 250 giới, Tỳ kheo Ni 348 giới. (Bồ tát tại gia và xuất gia có 10 giới trọng và 48 giới khinh).
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, cuốn 3, trang 73, Đức Phật có dạy 10 mục đích hình thành giới bổn như sau:
- Để tăng chúng được cực thịnh
- Để tăng chúng được an ổn
- Để chặn đứng các người khó điều phục
- Để các vị Tỳ kheo tốt được sống an ổn
- Để chế ngự các lậu học hoặc ngay trong hiện tại
- Để chặn đứng các lậu hoặc trong tương lai
- Để đem lại niềm tin thanh tịnh chính đáng cho những người chưa tin
- Để làm tăng trưởng niềm tin thanh tịnh chính đáng cho những ai đã có lòng tin
- Để cho chánh pháp được tồn tại
- Để cho giới luật được chấp nhận
Vậy giới bổn cũng không ngoài việc tránh ác hành thiện. Trong Luật tạng thì nói: “Giới là để chế ngự, chế ngự là để khỏi hối hận, không hối hận là để được hân hoan, hân hoan là để được hỷ, hỷ là để được khinh an, khinh an là để được lạc, lạc để được định, định để được chánh kiến, chánh kiến để được vô dục, vô dục để được ly tham, ly tham để được giải thoát, giải thoát để có giải thoát tri kiến, giải thoát tri kiến để đi đến vô thủ trước Niết bàn”
Trong Tăng Chi Bộ Kinh tập II quyển A, kinh số 22): Đức Phật khi nói lên bốn pháp tác thành trưởng lão thì cần phải giữ giới sau: "Ở đây này các Tỷ kheo, vị Tỷ kheo có giới, sống chế ngự với sự chế ngự các giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Là vị nghe nhiều, thọ trì điều đã được nghe, tích tụ điều đã nghe; những pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, đề cao phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Các pháp như vậy, vị ấy nghe nhiều, thọ trì đọc tụng bằng lời, quán sát với ý, thể nhập với chánh kiến. Đối với bốn thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú đạt được không khó khăn, đạt được không mệt nhọc, đạt được không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trụ vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này các Tỷ kheo, bốn pháp này tác thành vị trưởng lão:
"Ai với tâm cống cao
Nói nhiều lời phù phiếm
Với tư duy không định
Như thú không ưa pháp,
Xa địa vị trưởng lão,
Ác kiến, thiếu kính trọng.
Và ai đủ giới hạnh,
Nghe nhiều, trí biện tài,
Sống chế ngự bậc trí,
Đối với tất cả pháp.
Vị ấy với trí tuệ,
Quán thấy chơn ý nghĩa.
Đạt cứu cánh các pháp,
Không hoang vu, biện tài.
Đoạn tận sanh và chết,
Viên mãn, hành Phạm hạnh,
Vị ấy Ta gọi tên,
Trưởng lão, không lậu hoặc
Do đoạn trừ lậu hoặc
Được gọi là Trưởng Lão. "
Vào thời Đức Phật còn tại thế ở nước Xá Vệ, có một huyện dân đều quy y Tam Bảo, phụng trì năm giới và thực hành mười thiện nghiệp của Phật dạy, khắp huyện không bao giờ sát sanh, người uống rượu nấu rượu cũng không có. Trong huyện có người con dòng dõi, sắp đi buôn tha phương, trước khi đi được cha mẹ dặn dò cặn kẽ rằng “con nên cố gắng siêng năng giữ gìn 5 giới cấm, thực hành mười điều thiện... ” Người con vui vẻ ra đi, khi đi qua xứ khác gặp người bạn đồng học mời về nhà tiếp đãi, lúc đầu cậu thanh niên này cũng luôn khắc cốt ghi tâm lời cha mẹ dạy phải giữ gìn giới cấm của Phật dạy, nhưng về sau bị bạn ép, vị nễ nên uống rượu vào say luôn ba ngày, khi tỉnh lại rất ăn năn lo sợ. Công việc xong cậu thanh niên ấy trở về nhà trình lỗi của mình cho cha mẹ tường, cha mẹ tức giận mắng “Ngươi trái lời phạm giới cấm thật là loạn pháp, không phải con thảo của ta” vì nghĩ để làm gương cho xóm làng nên đuổi cậu đi. Người con bị đuổi đi qua nước khác, xin ở đậu trong một ngôi nhà, chủ nhân của ngôi nhà mà cậu thanh niên xin ở tạm qua đêm, chuyên thờ quỹ thần, nhưng lâu nay cuộc sống cứ khó khăn dồn dập, quỹ thần thấy áy náy trong lòng vì lâu nay không phù hộ được cho chủ nhà, nên rủ nhau ăn trộm vàng ngọc châu báu về dấu sau vườn và báo mộng cho chủ nhà ra đào, chủ nhà sau khi đào được vàng bạc châu báu lòng vui mừng mở yến tiệc trước tạ ơn Thần, sau chiêu đãi bạn bè cũng mời cậu thanh niên ở lại dự.
Thần vừa đến cửa, thấy trong nhà có bóng người ở nước Xá Vệ, liền tránh không vào, chủ nhà chạy theo cố mời lại, Thần trả lời: “Trong nhà ngươi có vị tôn khách ta nào dám vào”. Nói xong rồi tỏ vẻ sợ hãi bỏ chạy, chủ nhà nghĩ trong bụng, nhà ta chỉ có một người khách này thôi, thì liền kính cẩn đến thưa rằng: “Ngài có công đức gì mà vị thần của tôi thờ phụng sợ ngài mà phải tránh đi? Tôn khách trả lời; “Tôi chỉ có công đức trì 5 giới và mười điều thiện của Đức Phật. Tôi vi phạm một giới uống rượu bị cha mẹ đuổi qua trọ tại đây, nhưng còn giữ được bốn giới trên nên thiên thần ủng hộ, còn thần của ngươi thờ phụng là thần ác quỷ làm sao sánh kịp.” Chủ nhà thưa rằng: “Tôi thờ các vị thần đã lâu rồi, không có lợi ích gì nên tôi chán quá, mong ngài hoan hỷ dạy cho”. Nói rồi bèn theo vị tôn khách thọ trì tam quy ngũ giới và pháp thập thiện. Thọ xong một lòng tinh tấn phụng trì… Qua câu chuyện trên, cho thấy rằng nhờ sức mạnh của sự phụng trì giới hạnh mà người thọ trì giới, giữ gìn giới bổn vượt lên trên ngoại cảnh đạt đến chỗ giải thoát, được chư thiện thần bảo hộ.
Giới luật là tiền đề cho thiền định, từ nếp sống giới đức, mọi việc từ lời nói, tư tưởng và hành động của hành giả sẽ trở nên chân chánh, mà khi ba nghiệp chân chánh sẽ đưa đến một nội tâm hoan hỷ, nhờ tâm hoan hỷ nên thân được khinh an, thân khinh an đưa đến sự thọ lạc, nhờ lạc thọ tâm được định tĩnh nhất tâm thanh tịnh.
B. Định: Thiền định là phương pháp tập trung tư tưởng tâm trí vào một đối tượng duy nhất không cho tán loạn, để tâm trí được vắng lặng, tư duy, suy nghĩ về đối tượng của phật pháp ngõ hầu nghiệm ra chân lý của nó để tâm được an. Chúng ta có thể ngồi thiền, niệm phật, đi kinh hành, nằm ngồi… Miễn sao có thể chú tâm vào một đối tượng để tư duy quán chiếu và cuối cùng là loại bỏ những tạp niệm chung quanh đó là phương pháp thiền chỉ của Phật giáo.
Kinh pháp cú “Phẩm Bà La Môn” Đức Phật dạy:
Mặt trời chiếu sang ban ngày
Mặt trăng chiếu sang đêm dài âm u.
Định thiền chiếu sang người tu,
Phật quang chiếu sang thiên thu thế trần.
Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, bị chi phối bởi ngoại cảnh, và bao nhiêu tác động của cảnh vật bên ngoài làm cho tâm của chúng ta luôn luôn biến chuyển không ngừng trong mỗi giây mỗi giờ mỗi phút, hàng trăm ý niệm tranh nhau sanh khởi trong từng sát na, điều quan trọng nhất là những tạp niệm xấu như tham, sân, si, dục lạc làm cho tâm ta điên đảo, phiền não. Trong kinh Pháp cú “Phẩm Song Yếu” Đức Phật có dạy:
Trong các pháp do tâm làm chủ
Tâm dẫn đầu tạo đủ các duyên
Tâm nhơ tạo nghiệp chẳng hiền
Như xe lăn bánh, khổ liền theo sau.
Muốn chinh phục được nội tâm thì thiền định là một phương pháp tối ưu nhất. Theo đó hành giả khi chú tâm vào một đối tượng cho đến khi tâm có khả năng an trú và không bị tạp niệm xen lẫn, thì khi tâm định tinh thần sẽ cảm nhận được sự hỷ lạc chính sự thiền định sẽ diệt trừ được mọi phiền não để tâm được an nhiên tự tại và sau cùng chặt đứt vòng sinh tử luân hồi.
Mặc dầu định lực có sức mạnh vô song, nhưng Phật giáo chỉ dùng nó để phát triển trí tuệ mà thôi. “Tuệ” là phân biệt sự, lý, lựa chọn các pháp, dứt sự nghi ngờ, chứng lý chân thật. Tuệ là khả năng khai sáng của tâm trí, quán chiếu sự vật, thể nhập và chứng ngộ chân lý. Những Kiến thức của thế gian thì theo đạo phật đó chỉ là thế trí hữu lậu chứ không vào trí huệ vô lậu, trí huệ vô lậu của nhà Phật chính là sự công phu gia trì mà có được. Các nhà bác học, bác sĩ, luật sư, học giả tuy là những người học rộng biết nhiều, nhưng họ còn bị tham, sân, si sai khiến và phiền não quấy phá. Cái biết của họ chỉ là cái biết thế gian, cái biết hữu học mà thôi. Chỉ có trí tuệ của nhà Phật mới thật là sáng suốt triệt để phát xuất từ trong tự tánh của con người. Do đó người có trí tuệ sống trong thế gian nhưng không bị ô nhiễm của thế sự. Như vậy nhờ định mà Huệ mới phát sanh, Đối với đạo Phật trí tuệ được xem như bước tiến cuối cùng trên đường giải phóng cái tự ngã của mình.
Trong kinh Pháp cú phẩm trí giả Đức Phật dạy:
Vững vàng thay, ngọn đại sơn
Bão to, gió lớn, chẳng sờn, chẳng lay
Người đại trí vững vàng thay
Lời khen, tiếng báng, chẳng lay chẳng sờn.
(Ni trưởng Huỳnh Liên)
Vào thời Đức Phật, có một vị Tỳ kheo có tài học rộng, thông suốt giáo pháp, nhưng vẫn chưa chứng quả A La Hán, để khuyến khích thầy cố gắng đạt đến đạo quả A La Hán, Đức Phật xưng với vị ấy bằng Thầy một cách trống rỗng. Vị tăng sĩ hiểu ý và rồi ẩn mình vào rừng sâu thanh vắng hành thiền. Thầy tinh tấn thực hành thiền định để đạt được thánh quả A La Hán. Đức Phật dùng tuệ nhãn thấy vậy, liền hiện thân đến trước thầy và dạy rằng:
(Pháp Cú 282)
Hành thiền trí tuệ phát sanh
Bỏ thiền trí tuệ mong manh điêu tàn
Biết rồi đắc, thất, nguy, an
Tiến tu thiền định gia tăng trí mầu.
Hoặc ở Kinh (Pháp cú 372) Đức Phật dạy:
Không thiền định không sanh trí tuệ,
Trí tuệ không chẳng thể định thiền.
Người nào gồm đủ nhân duyên,
Định thiền, trí tuệ, gần bên niết bàn.
C. Tuệ: Trí tuệ ở đây chính là sự nhìn đúng đắn về cuộc sống, nhìn nhận đúng về nhân sinh quan và vũ trụ quan, chứ không phải nhìn nhận sự vật hiện tượng bằng cảm nhận, mà phải nhìn bằng cặp mắt tuệ, nhìn nhận bằng chánh kiến.
Trên cơ sở đó ta thấy rằng từ Giới sinh Định, từ Định phát Tuệ, nhưng thực ra đây không phải là ba giai đoạn theo thứ tự trước sau mà Giới - Định - Tuệ có mối tương quan hổ tương cho nhau, như kiền ba chân, nếu chiếc kiền ấy thiếu đi một chân sẽ trở thành phế phẩm, vậy nếu ba pháp tu đó thiếu đi một thì sẽ không thành tựu được đạo quả. Giới - Định - Tuệ chính là chìa khóa vàng để mở ra cánh cửa Niết bàn vô sanh diệt.
Câu cuối cùng trong bài kệ Ni trưởng dạy:
Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng”.
Đây chính là hạnh nguyện của một vị Bồ tát, sẵn sàng ứng hiện trong mọi hoàn cảnh, hòa nhập vào đời bằng tâm lượng vị tha để cứu độ nhân sinh, bằng thế lực thoát tục để độ thế, suy cho cùng tất cả cũng chỉ với một mục đích cao thượng phục vụ cho đạo pháp và chúng sanh.
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương.
(Ni trường Huỳnh Liên)
III. KẾT LUẬN
Tóm lại, Giới - Định - Tuệ là pháp môn vi diệu bậc nhất cho các hành giả trên lộ trình tìm cầu giải thoát. Mỗi một Hành giả dù tu bất kỳ pháp môn nào, Tịnh Độ Tông, Pháp Hoa Tông, Thiền Tông, hay Mật Tông vv… cũng không thể nào bỏ qua Giới - Định - Tuệ. Bởi vì ba môn này là kim chỉ nam trong đời sống hằng ngày của người học Phật.
Thế nên hãy trau dồi giới, định, tuệ để phiền não được đoạn tận, nghiệp chướng đưọc tiêu trừ, thân tâm được thanh tịnh, trí tuệ được sáng suốt, Bồ đề sẽ sớm khai hoa kết quả.
Có thế nói Cố Ni trưởng của chúng ta, cả một cuộc đời tu tập và hành đạo, là suốt cả một đời vận dụng trí tâm, nổ lực dùng thân khẩu ý, giáo hóa môn đồ, phụng sự chúng sanh, báo Phật ân đức, hoằng dương chánh pháp.
Người luôn y cứ và nương tựa vào giáo pháp của Đức Thế Tôn truyền đăng tục diệm, diễn thuyết về Giới, Định, Tuệ sâu rộng khắp trong quần chúng nhân gian giống như hạnh nguyện của người:
Ta đã là người của chúng sanh
Người nuôi ta để học gương lành
Sống đây ta sống cho nhân loại
Ta có quyền đâu sống lấy mình.
Vậy chúng ta hãy lấy Giới, Định, Tuệ chiếu soi tất cả các sự vật hiện tượng trên thế gian, để biết rằng nó luôn biến chuyển theo quy luật của vô thường, không có gì là tồn tại vĩnh cửu, tường tri nó, để rồi áp dụng trong trong cuộc sống hằng ngày hầu có được chánh niệm mang lại sự giải thoát khỏi “Sanh, tử, ưu, bi, khổ, não”.
Ban Truyền thông NGHPKS
-----ooOoo-----
BÀI LIÊN QUAN
Ni sư Tín Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Quan niệm về hạnh phúc của Phật ( Ban Truyền thông NGKS , 6684 xem)
Ni sư Hòa Liên chia sẻ trực tuyến với đề tài Tập làm chủ trước sự khen chê ( Ban Truyền thông NGKS , 5736 xem)
Ni sư Kiên Liên chia sẻ trực tuyến với đề tài Lục độ Ba la mật (tiếp theo) ( Ban Truyền thông NGKS , 6128 xem)
Ni sư Trí Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Bát chánh đạo (tiếp theo) ( Ban Truyền thông NGKS , 6748 xem)
Ni sư Tín Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Nước và tâm sân ( Ban Truyền thông NGKS , 6200 xem)
Ni sư Phụng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Hình ảnh Người Phật tử ( Ban Truyền thông NGKS , 7724 xem)
Ni sư Triệu Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Nguồn thực phẩm hàm dưỡng thân tâm (phần cuối) ( Ban Truyền thông NGKS , 5556 xem)
Ni sư Hằng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Thiền và Hơi thở tự nhiên ( Ban Truyền thông NGKS , 8696 xem)
Ni sư Phụng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Cải tiến tự thân, vượt sóng gió ( Ban Truyền thông NGKS , 6132 xem)
Ni sư Tín Liên thuyết giảng trực tuyến đề tài Vật gì chiếu sáng đời ( Ban Truyền thông NGKS , 5356 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng