Trang chủ > Lớp Giáo lý

Ni sư Phụng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Cải tiến tự thân, vượt sóng gió

Tác giả: Ban Truyền thông NGKS.  
Xem: 2710 . Đăng: 08/09/2021In ấn

 

 

Ni sư Phụng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Cải tiến tự thân, vượt sóng gió

 

Ngày 30/8/2021 (nhằm ngày 23/7/Tân Sửu), Ni sư Phụng Liên - Giảng sư Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, có buổi chia sẻ với đề tài CẢI TIẾN TỰ THÂN, VƯỢT SÓNG GIÓ trong Lớp Giáo lý trực tuyến.

 

 

 

 

Dàn bài

1. Khái quát vấn đề

1.1. Nghĩa từ “Cải tiến”

1.2. Nghĩa từ “Sóng gió”

     2.1. Sóng gió đem đến khổ do “quy luật tự nhiên”

     2.2. Sóng gió đem đến khổ quả do “nghiệp tạo trước đó”

     2.3. Sóng gió đem đến khổ do “ảo tưởng về đời sống”

1.3. Nghĩa từ “Sóng gió”

2. Phương pháp cải tiến tự thân, vượt sóng gió theo Đạo Phật

2.1. Cách sống

2.2. Lối sống

2.3. Buông bỏ những gì không thuộc về mình

2.4. Sống hết lòng cho giây phút hiện tại.

Kết luận

 

Phần triển khai

1. Khái quát vấn đề

1.1. Nghĩa từ “Cải tiến”

‘Cải’ nghĩa là thay đổi

‘Tiến’ nghĩa là tốt hơn

Thay đổi để tốt hơn thì gọi là cải tiến. Không có sự cải tiến nào mà không đưa đến sự thành công, dù là chút ít. Cải tiến liên tục chính là nguồn động lực thúc đẩy sự tiến bộ và thành công ngày càng vững chắc.

Thí dụ 1: Người buôn bán ngoài việc cần cù siêng năng, luôn cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã và thái độ phục vụ, chắc chắn nếu chưa thành công sẽ thành công; nếu thành công ít sẽ thành công nhiều hơn trước đây.

Thí dụ 2: Người tu học giáo Pháp Phật hay Phật tử quy y là muốn được đời sống và thân tâm được nhiều tốt đẹp hơn nhưng vẫn duy trì lối sống buông thả, tham lam, suy tư tiêu cực ích kỷ… thì dù danh xưng có thay đổi theo năm tháng sống trong Đạo, hay sống trong Đạo bao lâu đi nữa vẫn chưa được xem là đệ tử Phật tử thuộc hàng Tăng Bảo trong 3 ngôi báu Phật – Pháp – Tăng của Đạo Phật, vị nầy không có sự tiến bộ và không gặt hái quả tốt đẹp nào trong đời sống và chắc chắn nếu sóng gió đến, sẽ không thể hoặc rất khó vượt qua.

1.2. Nghĩa từ ‘Sóng gió’

Sóng gió là sự kết hợp giữa 2 từ ‘sóng’ và ‘gió’ dùng để chỉ những khó khăn rất lớn và bất ngờ xảy đến trong cuộc đời của chúng ta, cần phải nỗ lực vượt qua.

Sóng gió đến từ những thay đổi, chuyển động, dao động của đời sống như lúc vui lúc lại buồn, lúc được lúc lại mất, lúc hạnh phúc lúc lại khổ đau…hay sóng gió đến từ những tác động bên ngoài như thiên tai, lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh…

Một đời người, ai ai cũng sẽ trải nghiệm 3 loại sóng gió đem đến đau khổ hay có những lúc ta cảm nhận thống khổ gần như chết, đó là:

2.1. Sóng gió đem đến bất hạnh khổ đau từ ‘qui luật tự nhiên’

Một khi ta có mặt trên cuộc đời nầy thì chắc chắn sẽ có loại khổ nầy, ta thường gọi ‘khổ thân’ vì thân bị đói, khát, thân bị bệnh tật đau ốm hoành hành, thân bị già nua khổ sở, v.v…những thứ nầy nó hành hạ thân từ khi ta đến cuộc đời nầy đến khi ta nhắm mắt, thân vẫn chưa bao giờ hết khổ.

2.2. Sóng gió đem đến bất hạnh khổ đau do Quả của nghiệp nhân đã tạo trước đó. Đây là loại khổ tiếp theo của khổ thân, ta thường gọi ‘khổ quả.’

Cuộc sống luôn vất vả, trả nợ đời, nợ người, nợ chúng sanh mãi mà không thấy dừng thấy dứt. Loại nhân nào ta tạo trước đây sẽ tương ứng với quả trổ sau nầy.

2.3. Sóng gió đem đến bất hạnh và khổ đau do ảo tưởng đến từ sự ngộ nhận về thế giới, về đời sống và về con người chúng ta, gọi ‘khổ tâm.’

Thí dụ: Ngay trong thời điểm hiện tại, nhân loại điêu đứng vì sự càn quét của thiên tai và dịch bệnh. Khổ nầy có thể đến từ ‘qui luật tự nhiên’ do trái đất quá tải, từ trường trái đất suy yếu nghiêm trọng, không thể tương tác, khiến bức xạ vũ trụ tấn công mạnh mẽ, thường phát sanh thiên tai hay dịch bệnh …hay đến từ ‘quả của nhân con người đã tạo,’ nhưng phần lớn vấn đề trở nên nặng nề phức tạp khó giải quyết hơn đó là sóng gió đến từ ảo tưởng của chúng ta. Ảo tưởng đây chính là những sự sợ hãi, bất mãn, thiếu bình tĩnh, phóng đại lên vấn đề, làm cho sự việc rối ren thêm lên.

Một điều chắc chắn là 3 loại sóng gió nầy ta không thể chống lại được khi chúng đến, nhưng nếu ta bình tĩnh mà không làm căng phồng, lớn đại vấn đề hay thay vì chỉ sống với những chuỗi ngày hồi hộp, bất an, lo sợ hoặc ngồi chờ chết kêu gào than khóc… ta hãy thay đổi tư duy và một số thói quen trong đời sống để giảm thiểu sự mất mát, để vượt qua, để nếu ta tiếp tục sống hay ta phải chết thì sự sống và chết của chúng ta cũng có ý nghĩa và lợi ích đời nầy, đời sau.

Người biết cải tiến tự thân sẽ vượt qua 3 loại sóng gió trên.

2. Phương pháp cải tiến tự thân, vượt qua sóng gió

Là người Phật tử đã quy y, có tụng Kinh học giáo lý và thực hành giáo Pháp Phật, đều ít nhiều biết rằng

-. Thế giới nầy một khi có thành sẽ có hoại tức mất đi;

-. Mạng sống nầy là mong manh dễ tan vỡ;

-. Tâm người luôn thay đổi và cuộc sống không bao giờ như ý ta muốn…

Là người Phật tử thấu hiểu nghĩa giáo Pháp mà Đức Thế Tôn muốn dạy cho chúng ta sẽ sống như thế nào để một khi đã đến cuộc đời nầy thì đời sống của họ:

Chỉ tốt hơn không xấu

Được tuệ không gì khác

Không sầu giữa sầu muộn

Chói sáng giữa quyến thuộc

Giải thoát mọi khổ đau.”[1]

Sống như vậy được gọi ‘sống có ý nghĩa và lợi ích’ đời nầy đời sau. Muốn vậy,  ta cần có những cải tiến ‘tự thân’ theo hướng tích cực. Sai lầm của Phật tử là muốn người khác cải tiến, thay đổi tốt đẹp trước thì mình mới cải tiến mới thay đổi … Nếu ai cũng có suy nghĩ tiêu cực như vậy thì thế gian nầy sẽ không bao giờ có hòa bình và hạnh phúc.

Thí dụ: Người mẹ kêu con đừng chơi game nhiều quá nhưng bản thân người mẹ lại xem tivi ngày đêm, không thay đổi cách dạy con, sống không tích cực để cho con bắt chước theo.

Tự thân đây chỉ cho con người của chúng ta, bao gồm thân và tâm. Trong cái gọi là con người nầy, thì ‘tư duy’ tức sự nhận thức hay ý thức hệ thuộc phần tâm, chính là yếu tố cần cải tiến. Ta suy nghĩ tính toán như thế nào sẽ quyết định hành động và lời nói ta như vậy và kết quả đời sống ta có thành công hay thất bại cũng chính từ tư duy đúng hay sai của ta mà ra.

2.1. Cách sống

Cách sống tức cách đối đãi, hành vi ứng xử của ta trong mối quan hệ gắn kết với gia đình, bạn bè hay xã hội có xuất phát từ tâm yêu thương chân thật, lòng khoan dung độ lượng không?

Có câu nói: “Càng ít hiểu nhau sẽ càng ít dung thứ cho nhau.”

Là người được gọi là Phật tử, dù đến chùa bái sám tụng kinh hành thiền hay sống với gia đình cha mẹ, chồng vợ hoặc con cái phải biết đây là duyên mang chúng ta đến với nhau và đến với nhau chỉ để hiểu thêm về nhau để tha thứ giúp đỡ cho nhau, để cùng nhau sống hạnh phúc, chứ không phải đến với nhau rồi để làm nặng nề, làm khổ thêm cho nhau. Cho nên, hạnh phúc thật sự là cho đi mà không kèm theo bất kỳ một điều kiện nào hay mong cầu nào, ‘Sống là để cho đi.’

Vì sao cha mẹ thất bại khi nuôi dạy con cái? Vì cha mẹ khi lo hết lòng cho con cái nhưng muốn chúng nghe theo mình, nhớ ơn mình, không được nói hay hành động trái với mong cầu của mình. Cha mẹ thường kể lể than trách với người nầy người kia nhiều hơn là giúp chúng bình tâm suy nghĩ lại chính chúng … Chúng ta chăm sóc cho con cái giống như chăm sóc cây hoa quý. Mục đích để làm đẹp cho đời và cho người ngắm thì cây hoa đó mới có giá trị.

2.2. Lối sống

Bản thân sống có đạo đức không khi nhìn vị ấy sống có vui, sống có khỏe và sống có lành mạnh không?

Một người được gọi sống có đạo đức là người giàu có nhất.

(i). Sống vui: Muốn sống vui, không nên đến 3 chỗ

-. Thị phi gây gỗ

-. Cờ bạc, ăn chơi, rượu chè.

Tuyệt đối không nên uống rượu với: Người lạ, không uống quá say và không uống rượu với người nhỏ tuổi hơn mình.

-. Không tâm sự với người lạ hay người vừa mới quen.

(ii). Sống khỏe: Muốn sống khỏe mạnh, ít bệnh tật, không ngủ 3 giấc:

-. Không ngủ sau 11 giờ đêm và không thức trước 2 giờ sáng

-. Không ngủ quá nhiều

-. Không đem tâm sự, nỗi lo, phiền não vào giấc ngủ.

(iii). Sống lành mạnh: Không phạm các luật lệ, quy điều, nguyên tắc xã hội đã định đặt; không phạm giới và luật trong Đạo Phật.

2.3. Buông bỏ những gì không thuộc về mình[2]

Tập chấp nhận: ‘Không có gì trên cuộc đời nầy thuộc về mình. Nếu đã không thuộc về mình thì giữ bên mình để làm gì?

Những gì không thuộc về chúng ta? Đó là:

-. Tài sản của cải, tình cảm, danh vọng quyền lực, hay đam mê vào những tiệc tùng ăn uống, luôn tìm kiếm món ngon vật lạ … là những thứ không thuộc về chúng ta.

-. Tiếp đến thân tâm tức con người chúng ta không thuộc về chúng ta. Thân tâm nầy không phải là của ta.

-. Cuối cùng là thế giới và cuộc đời nầy không thuộc về chúng ta.

Những vật chất tình cảm dù là thứ tình cảm nào đi nữa, công danh chức vụ dù cao tột đến đâu đi nữa, ăn uống hay vui chơi giải trí ngủ nghỉ không hề gián đoạn hay không bị ai ngăn cản…những thứ nầy dù có kéo dài đến đâu đi nữa rồi chúng sẽ mất đi, ra đi bất cứ lúc nào dù ta không muốn hay cố gìn giữ chúng, vì chúng là những thứ ‘chưa từng thực sự thuộc về mình.’

Vì sao? Vì chúng luôn thay đổi mà Kinh Phật gọi là ‘Vô thường.’

Câu chuyện ông bá hộ cả cuộc đời bươn chải, nhịn ăn nhịn mặc tạo lập tài sản, không dám tiêu xài để rồi lúc chết thành ma đói, không con cháu nào nhớ đến, ông đau đớn nhìn của cải để lại cho con cháu dần dần ra đi mà không làm gì được.

Con tôi tài sản tôi

Người ngu nghĩ như vậy

Thân ta còn không có

Con đâu tài sản đâu?”[3]

Hay như câu nói

Ta cứ nghĩ trần gian là cõi thật

Thế cho nên tất bật đến bây giờ!”[4]

Nếu những thứ trên không thuộc về ta thì những bất mãn khổ đau, thất bại, lo sợ cũng không thuộc về ta, thì tại sao ta giữ mãi trong lòng để vày vò tâm trí và cuộc sống của ta?

Ta biết rõ đã đến lúc phải buông xuống mới được bình yên, mới được hạnh phúc. Chính khoảnh khắc ta buông được là khoảnh khắc ta sẽ cảm nhận sự tự do nhất, hạnh phúc nhất.

Người  sống được như vậy là người hạnh phúc nhất.

2.4. Sống hết lòng cho giây phút hiện tại

Người sống hết lòng cho giây phút hiện tại là người thành công nhất.

Quá khứ dù tốt đẹp hay khổ đau cũng là quá khứ. Tương lai còn mù mịt ta chưa biết gì, vậy ta hãy sống cho hiện tại bằng cách vừa lòng trân quý với những cái ta đang có, nghèo cũng được giàu cũng được. Nhất là đối với người thân trong gia đình hay những người ta gặp không thân không biết…Những người nầy đến với ta, ta càng trân quý khi mỗi lần gặp mặt, vì ta biết rõ rằng:

“Có duyên mới gặp được nhau, dù là duyên gặp trong bất hạnh khổ đau hay đem lại cho nhau sự ấm áp tình thương… Nhưng phải biết duyên kiếp nầy, kiếp sau còn gặp lại nhau nữa không?”

Như vậy,

Người sống có đạo đức với đời sống chuẩn mực; sống không cố chấp nắm giữ vì không có gì trên đời thật sự thuộc về mình; sống hết lòng cho giây phút hiện tại… chẳng những họ không mắc nợ ai mà trái lại họ chính là những người giàu có nhất, hạnh phúc nhất và thành công nhất trong thiện pháp.

Đời nầy như vậy, chắc chắn nếu còn tái sanh, họ sẽ đạt được ‘tối thắng thanh tịnh giữa những người không thanh tịnh; tối thắng hạnh phúc giữa những người không hạnh phúc; tối thắng giải thoát giữa những người còn bị trói buộc. Bước chân họ luôn giữ được thăng bằng giữa cuộc đời không thăng bằng.

Kết luận

Làm sao ta biết được ta đang sống trong sóng gió và biết cách vượt qua sóng gió để sống an vui giữa những sóng gió của cuộc đời? Do nhờ có học giáo Pháp từ sự nghe Kinh nghe Pháp và thực hành Pháp Phật ta có sự hiểu biết về các loại sóng gió, về bản chất của cuộc đời về khổ và về nguyên nhân của khổ Trí tuệ phát sanh từ nghe Pháp gọi Văn Tuệ. Trí tuệ phát sanh từ sự suy tư về nghĩa của Pháp gọi Tư Tuệ. Trí tuệ phát sanh từ sự thực hành giáo Pháp, gọi Tu Tuệ.

Con đường đưa đến chấm dứt sóng gió khổ đau cho chúng ta là sự thực hành Bát Chánh Đạo, nói gọn là Giới – Định – Tuệ. Trong đó:

-. Văn Tuệ và Tư Tuệ chính là Chánh Kiến và Chánh Tư Duy

-. Tu Tuệ chính là: Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.

Đừng để thời gian trôi qua mà ta không làm gì cả. ‘Sức cùn lực cạn’ chỉ đến khi ta không chịu làm gì hết. Tùy theo sức khỏe và điều kiện mà chung tay góp sức với nhau trong giai đoạn cùng khó khăn nầy. Nếu sống sẽ sống khỏe và hạnh púc hơn, nếu hết duyên nghiệp trên đời, dù chết vì lý do gì, thì cái chết của ta cũng có ý nghĩa và chắc chắn sẽ có kết quả tốt đẹp cho đời sống mai hậu của chúng ta.

Người thức thời sẽ xem cuộc đời nầy như là 1 quán trọ. Khi sắp rời khỏi quán trọ, vị ấy sẽ trả lại hết những gì còn nợ ở đó và trước khi đứng dậy ra đi, vị ấy sẽ nở nụ cười hoan hỉ, để làm gì? Để người sau đến họ sẽ cảm nhận được từ trường của yêu thương và tha thứ từ nơi người đến trước.

Xin hãy nhớ:

… nhân gian là quán trọ

Một sớm nào trở gót bước đi xa

Ta sẽ sống cõi lòng luôn rộng mở

Như bình minh trải nắng đẹp chan hòa.”

                        (Thơ Thích Tánh Tuệ ‘Nếu Em Nhớ.’)

                                                     Giảng online, ngày 30.8.2021

                                                              (23.7 Tân Sửu)

                                                      Tỳ kheo Ni PHỤNG LIÊN

 

[1] ĐTKVN, Tương Ưng Bộ Kinh, quyển Một, chương Tương Ưng Thiên Tử, phẩm Các Ngoại Đạo, phần Siva (VNC.2003), tr.131.

[2] ĐTKVN, Tương Ưng Bộ Kinh, quyển Năm, phẩm Ambapāli, phần Con Chim Ưng (VNC.2003), tr.227.

[3] Kệ Pháp cú

[4] Sưu tập thơ Bùi Giáng



 












Ban Truyền thông NGHPKS

-----ooOoo-----

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ

Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.

Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023

Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ