Trang chủ > Lớp Giáo lý
Ni trưởng Xuân Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Bốn sự thật cao quí
Xem: 1982 . Đăng: 31/08/2021In ấn
Ni trưởng Xuân Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Bốn sự thật cao quí
Ngày 29/8/2021 (nhằm ngày 22/7/ Tân sửu) Ni trưởng Xuân Liên - Giảng sư Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Tuệ, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai có buổi chia sẻ trực tuyến về đề tài Bốn sự thật cao quí.
Trong kinh Pháp Cú có dạy rằng: ‘Chúng sanh khổ vì không biết Tứ Đế’cho nên bị trôi lăn trong biển sanh tử. Vậy Tứ Đế là gì mà quan trọng đến thế? Tứ Đế nói cho đủ là Tứ Diệu Đế, là giáo lý căn bản, là xương sống của toàn bộ giáo pháp Phật Giáo. Trong kinh Trung Bộ, bài kinh “Ví Dụ Dấu Chân Voi” Tôn giả Sàriputta cũng nói tất cả dấu chân của mọi loài đông vật đều thu nhiếp trong dấu chân voi, vì dấu chân nầy được xem là lớn nhất trong tất cả dấu chân. Cũng vậy tất cả thiện pháp đều tập trung trong Bốn Thánh Đế. Tất cả giáo pháp của Đức Thế Tôn sau này phát triển mở rộng dựa trên nền tảng của Tứ Diệu Đế. Khi chưa đắc đạo Thế Tôn tu với nhiều đạo sĩ, ngoại đạo, Bà La Môn, trong số đó có năm anh em Kiều Trần Như. Đức Thế Tôn thấy rõ lối tu khổ hạnh của năm anh em Kiều Trần Như chưa phải là chân lý, chưa phải là trung đạo, nên Thế Tôn ra đi một mình đến cội cây Tất Bát La thiền định, quán chiếu nội tâm, thấy rõ tướng sanh diệt trên cuộc đời nầy không có một vật gì mà không thay đổi, biến hoại, sự thay đổi ấy gọi là vô thường…Vô thường là một lẽ thật, cái gì vô thường thì cái đó khổ, cái gì khổ thì cái đó là vô ngã.
Thật ra Đức Thế Tôn thấy rõ và chứng kiến nổi khổ của sanh, già, bệnh, chết khi còn là Thái Tử và Đức Thế tôn đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại từ bỏ đời sống thế tục, tự mình chứng ngộ qua tuệ giác quán chiếu, khi hoàn toàn chứng ngộ. Đức Thế Tôn còn ngồi dưới cội cây Tất bát La suy tư thiền quán thêm bảy tuần về nội dung giáo pháp mình vừa chứng đắc, sau đó quyết định chuyển pháp luân, Ngài liền đi đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp cho năm anh em Kiều Trần Như. Đó là bài pháp đầu tiên “TỨ DIỆU ĐẾ” hay bốn sự thật cao quí là: Khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.
1. Khổ đế: (Dukkha) Trong cuộc sống có những nỗi khổ đau mà ai ai cũng phải nếm trải, từ nỗi khổ khi sinh ra, có mặt trên cuộc đời nầy cho đến nỗi khổ khi già yếu, bệnh tật và qua đời. Đây là những nỗi khổ về thân, những đau đớn về mặt thể xác mà chúng ta có thể thấy rất rõ sự trải nghiệm ở chính bản thân mình cũng như mọi người, mang thân người không ai mà không có sự khổ, giàu cũng khổ mà nghèo càng khổ hơn. Cảnh khổ của một kiếp người: Khổ do bệnh hoạn, khổ do chiến tranh, khổ thời tiết thay đổi, khổ tai nạn, rủi ro trong cuộc sống, khổ nghề nghiệp, khổ vì tình cảm, khổ vì mất mát, gần đây nhất khổ vì đại dịch bệnh covid-19 khiến chúng sanh điên đảo v.v…
Bên cạnh đó, có nỗi khổ về tâm. Thực tế là, tâm chúng ta luôn luôn bất an do sự chi phối của các cảm xúc tiêu cực như: tham lam, giận dữ, si mê, thiếu trí tuệ... Tâm tham khiến chúng ta luôn khát khao tìm cầu những thứ mà ta không có được. Ngược lại, ta chẳng hề trân trọng và biết đủ với những gì mình đang có. Tâm chấp ngã khiến ta dễ dàng giận dữ, đau khổ trước những nghịch cảnh trái ý. Đây là chân lý đầu tiên. Cố Đệ Nhất Ni trưởng Huỳnh Liên phổ thơ như sau:
Chơn lý đầu tiên là Khổ đế,
Dẫy đầy nỗi khổ cõi trần gian.
Sanh, già, đau, chết thêm phiền não,
Nước mắt nhơn sanh bốn biển tràn.
Cái khổ chắc thật vừa nêu trên là những nổi khổ mà nước mắt con người khóc còn nhiều hơn nước bốn biển. Với thân năm uẩn nầy, chừng nào còn thấy bản ngã mình có mặt thì chừng ấy còn đau khổ. Có câu chuyện như sau:
Một hôm Diêm Vương xử án vừa xong thì một linh hồn bước ra, Diêm Vương bảo: “Tội của ngươi phải trở xuông nhân gian trả nghiệp làm con lừa cực khổ nặng nhọc suốt ngày và phải chịu đựng nắng, sương gió. Ta cho ngươi sống một cuộc đời 30 năm.”
Linh hồn phàn nàn từ chối: “Ngài cho tôi những 30 năm vất vả thì lâu quá. Tôi chỉ xin 12 năm, còn 18 năm kia tôi trả lại Ngài.”
Diêm Vương đồng ý.
Linh hồn thứ hai Diêm Vương nói: “tội của ngươi phải trở lại nhân gian làm con chó. Hãy ngồi suốt ngày ở ngưỡng cửa nhà của người mà sủa những ai vào trong nhà hoặc đi ngang qua. Ta cho người một cuộc đời 30 năm.”
Con chó than thở: “Chỉ có sủa thì như vậy là quá lâu. Con xin trả lại Ngài bớt 12 năm.”
Diêm Vương cũng đồng ý như vậy.
Đến linh hồn thứ ba Diêm Vương bảo: “ngươi trở lại nhân gian làm con khỉ và hãy bày ra những trò làm cho tất cả đều vui, tất cả đều cười. Ta cho ngươi một cuộc đời dài 20 năm.”
Linh hồn nhăn nhó nài nỉ: “Làm các trò khỉ trong những 20 năm? Thế thì ngán quá. Chó đã trả lại Ngài 18 năm đúng không ạ? Tôi xin trả lại ngài 10 năm, Ngài đồng ý chứ?”
Một lần nữa Thượng đế lại đồng ý.
Đến linh hồn thứ tư, Diêm Vương bảo: “ngươi tội nhẹ hơn trở lại trần gian được làm con người. Ta cho ngươi 40 năm ở trần gian tạo những công đức lành.”
Con người không hài lòng đáp: “Sao chỉ có 40 năm thôi? Vừa lập gia đình chưa hưởng thụ gì hết đã chết rồi, xin ngài cho tôi lấy 18 năm của con lừa trả, 12 năm của con chó và 10 năm của con khỉ. Tổng cộng 80 năm được không thưa Ngài?”
“Được rồi ta đồng ý không có kỳ kèo nữa.” Diêm Vương phàn nàn: “con vật thì bớt ra, còn ngươi tham lam quá cái gì cũng lấy.”
Thế là 40 năm đầu tiên của cuộc đời, chúng ta ăn, ngủ, chơi, học tập là lập gia đình, tạo dựng sự nghiệp. 18 năm kế tiếp của con lừa, chúng ta làm việc nhọc nhằn buông cái nầy bắt cái kia, quần quật tối ngay, năm nầy qua tháng kia để nuôi sống gia đình lo cho con cái học hành, đối đải ân nghĩa.
Trong 12 năm của con khỉ, con người đúng 70 tuổi lúc nào mặt mày cũng nhăn nhó như khỉ, làm trò khỉ để dỗ cháu, làm cho chúng được vui, cha mẹ chúng yên tâm đi làm. Và 10 năm cuối cùng, con người 80 tuổi ăn uống không ngon, đổ lên đổ xuống, cầm gì rớt nấy, lụm cụm đi ba chân do tham sân si, ngồi trước cửa nhà mà sủa tất cả thế giới nầy. Con cái nghịch ý cũng Khổ. Mắt mờ, tai điếc, răng rụng, má hóp v.v. đều là tướng trạng vô thường, khổ. Đức Thế Tôn chỉ rõ cho ta thấy và nhận chân được cái khổ của kiếp người mà lo tu tập nhưng chúng ta ham chơi nên quên. Gốc khổ của con người từ đâu mà có? Từ tập nhân mà phát sanh.
2. Tập đế: (Samudaya) Tập hợp, tích lũy, thói quen. Tập Đế chính là huân tập thói quen. Mọi thói quen đều không có ý thức, mình không để sự có mặt vào một hành động mà vẫn làm được hành động đó là do thói quen, đó chính là nghiệp. Tức là làm một hành động, hay suy nghĩ, suy tư mà không có ánh sáng chánh niệm vào cái hành động, nói năng, suy tư đó gọi là tạo nghiệp. Tạo nghiệp là nghiệp nhân, khi đủ nhân duyên thì trổ nghiệp được gọi là nghiệp quả. Nghiệp quả trổ ra mình không nhìn thấy được vì mình đã tạo ra nghiệp một thời gian trong vô thức.
Những nguyên nhân tạo ra nổi khổ của con người, chủ yếu là Vô minh và tham ái. Bởi vô minh tham ái nên ngộ nhận thân tâm nầy là thật do nghiệp tích tập bao đời mà mãi trầm luân trong bể khổ. Để tận diệt được quả khổ, chúng ta phải tiêu trừ được cái nhân của nó. Tập đế đã vạch mặt chỉ tên thủ phạm đằng sau mọi khổ đau của chúng sinh. Vô minh chính là cội nguồn của tham, sân, kéo lôi con người tạo nghiệp để rồi tái sinh và chịu quả khổ. Ái dục chính là sự tham luyến, dính mắc. Chúng ta nên hiểu rằng mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này đều vô thường và biến đổi từng phút giây, tất cả đều nương vào nhau mà sinh khởi, không một cái nào có tự tính riêng biệt, độc lập.
Do nghiệp nhân quả báo chúng ta có mặt trên cuộc đời nầy, nếu nhân đời trước tốt, gieo giống thiện thì đời nầy sanh ra có hoàn cảnh tốt. Nếu đời trước gây nhiều nhân ác thì đời nầy sanh ra trong hoàn cảnh bất như ý. Hiện nay ta sanh ra trong hoàn cảnh tốt hay xấu đều do nghiệp nhân đời trước chiêu cảm, ta là chủ nhân sắp đặt lấy cuộc sống hiện tại cho chính mình, chúng ta có quyền định đoạt cuộc đời của mình, cho nên trong kinh nói:
Dục tri tiền thế nhân
Kim sanh thọ giả thị
Yếu tri hậu thế quả
Kim sanh tác giả thị
Nghĩa là:
Muốn biết nhơn đời trước
Nên xem quả hiện tại
Muốn biết quả đời sau,
Nên xem nhân đời nầy.
Đời nầy chúng ta có địa vị cao sang là do nhân đời trước đã từng cung kính cúng dường các bậc chân tu đạo hạnh. Đời nầy tướng xấu, nghèo khổ là do nhân đời trước không biết bố thí giúp đỡ người nghèo, lại hay khinh khi người… Trong xã hội ai cũng có nghề để sinh sống, tất cả đều do nghiệp nhân kiếp nào đó đã thúc đẩy chúng ta chọn lấy nghề và chịu luôn nghiệp quả của nó. Người có tu tập, sẽ biết và thấy rõ nhân tập khí của mình. Muốn chấm dứt quả khổ, chúng ta phải dừng ngay không gieo hạt giống khổ cho người khác. Nhờ có tu tập khi một nhân ác tật đố, ích kỷ v.v… vừa chớm nở liền nhận biết thì nhân ác liền biến mất, không có cơ hội xuất hiện. Một niệm thiện vừa khởi, chúng ta cố gắng duy trì tinh tấn, tinh cần làm cho nó tăng trưởng, nếu tâm bất thiện xuất hiện chúng ta không biết sẽ bị nó sai khiến rất dễ tạo nghiệp, vì từ lâu tâm chúng ta là mảnh đất màu mỡ cho cỏ dại, cỏ cú, gai mắc cỡ phát triển nhanh hơn là hoa thơm trái ngọt, để có khu vườn đẹp chúng ta phải nhanh chóng làm sạch cỏ cú, cỏ gai, cũng vậy muốn hưởng quả an lạc hạnh phúc thì ngay khi nhân bất thiện tham sân vừa khởi tâm tĩnh giác chánh niệm liền có mặt. Những tập nghiệp xấu chúng nó ăn sâu vào trong tiềm thức của chúng ta để sai khiến, đọa đày và bắt chúng ta phải thỏa mãn những dục tính, nhu cầu của nó. Càng lao theo nó thì chúng ta càng sa vào vòng sanh tử luân hồi bởi những ác nghiệp mà chúng ta đã gây ra. Tuy nhiên cổ nhân cũng có câu: “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị” cho nên dù nó có nguy hiểm như thế nào, nhưng nếu chúng ta trì công tu hành thì sẽ thấy rõ nguồn gốc nhân độc kia khi thấy rõ, tâm bất thiện sẽ không còn lôi kéo chúng ta tạo nghiệp vào biển sanh tử luân hồi và chịu quả khổ nữa.
Chơn lý thứ hai là Tập đế,
Nguyên nhân ái dục đắm phù hoa.
Nguyên nhân ái dục mê đời sống,
Ái dục triền miên cõi ái hà.
3. Diệt Đế: (Nirhodha) Diệt Đế là gì? Diệt là tiêu diệt, trừ diệt. Diệt ở đây tức là diệt dục vọng mê mờ, phiền não. Ðế là lý lẽ chắc thật, đúng đắn do trí tuệ sáng suốt soi thấu. Diệt đế là cảnh giới hoàn toàn đoạn tận khổ đau, đây là tên khác của Niết Bàn. Vậy niết bàn là gì? Niết bàn hay còn gọi nê hoàn. Niết bàn có nhiều nghĩa như sau: - Niết ra khỏi, bàn là rừng mê, niết bàn có nghĩa ra khỏi rừng mê. Niết là chẳng, bàn là dệt. Nghĩa là còn phiền não là còn dệt ra sanh tử, hết phiền não thì không còn dệt sanh tử. Vậy Niết bàn là không dệt ra sanh tử luân hồi. Do đó muốn hết phiền não sanh tử tất phải không dệt ra nữa, không dệt là diệt trừ tập nhân phiền não vậy. Diệt trừ phần nào tập nhân là đã bước đến gần giải thoát chừng ấy, như một cái phao, càng bớt dần chừng nào vật nặng dìm xuống, thì phao lại nổi dần lên mặt nước chừng ấy vậy. Khi biết rõ được nhân vô minh tạo ác nghiệp, tức là chúng ta đã diệt được vô minh, chấm dứt luân hồi sanh tử. Ví dụ: Một tên tử tội được đem ra xử chém. Đức Vua đưa ra một điều kiện, anh làm được sẽ tha chết, nếu anh bưng một đĩa mật đi qua hai hàng mỹ nữ đứng hai bên mà dĩa mật không đổ một giọt nào sẽ được phóng thích. Vì sợ chết, vì biết rõ tâm lơ đễnh sẽ chết, nên tên tử tội thân đi rất chánh niệm, tâm luôn canh chừng không cho dĩa mật dao động nên anh đã thoát chết, nhờ chánh niệm tĩnh giác không lao ra ngoài, không chạy theo trần cảnh nên diệt trừ vô minh ái dục. Mỹ nữ tiêu biểu cho vô minh tham ái.
Chơn lý thứ ba là Diệt đế,
Diệt trừ ái dục phá vô minh
Niết bàn vắng lặng không phiền não,
Bặt nẻo luân hồi dứt tử sanh.
Do kinh sợ luân hồi chúng ta sẽ phá được bức màn vô minh, phá được bức màn vô minh tức là diệt được tập nhân, tập nhân đã diệt, trí tuệ phát sanh, muốn diệt được tập nhân tức là phải tiến đến Đạo đế.
4. Đạo Đế: (Magga) con đường, biện pháp, phương pháp. Nghĩa bóng: Đạo lý, chân lý về con đường tu tập để diệt khổ, chứng đạt niết bàn. Con đường hướng đến giác ngộ Niết bàn đã được Đức Thế Tôn vạch rõ chi tiết trong Đạo đế, là sự thật về con đường chấm dứt khổ đau, đưa đến hạnh phúc chân thật.
Chơn lý thứ tư là Đạo đế,
Con đường Bát Chánh tuyệt cao siêu.
Nhãn quan mở rộng tầm tri kiến,
Tứ quả lần hồi đạt mục tiêu.
Muốn được hanh phúc chân thật chúng ta phải tu tập qua tám con đường chân chánh để diệt trừ tập nhơn đau khổ. Tám con đường đó chính con đường thánh tám ngành:
1. Chánh tri kiến: Nhận thức, hiểu biết đúng đắn thế nào là thiện? Thế nào là ác? Thế nào là khổ, nguyên nhân của khổ, cảnh giới diệt khổ và con đường đạo dẫn tới diệt khổ. Thấy biết đúng đắn rất quan trọng cho nên trong Bát chánh đạo, chánh kiến đi hàng đầu, thấy sai thì bảy con đường còn lại cũng sai luôn. Cũng thế chúng ta muốn trèo lên đỉnh núi thì phải thấy rõ con đường để trèo lên. Vậy phải thấy như thế nào? Thấy không qua bản ngã, không qua vọng thức. Bản ngã thì có thương ghét, vọng thức thì có đúng sai. Mình thương ai thì cái gì của người đó cũng đúng hết, còn ghét ai thì cái gì của người đó cũng thấy ghét. Do tâm thương ghét nầy che mờ đi cái thấy đúng như sự thật nó hiện diện. Thấy qua tâm thức vẫn có thương ghét, thấy qua nghiệp thức vẫn còn rơi vào phân biệt đúng sai, phải quấy.
Ví dụ: Ba người cùng đi chung với nhau vào một khu rừng cùng thấy một cây xanh: Anh thợ mộc nói: “Gỗ cây nầy tốt đóng bàn được.” Anh thầy thuốc nói: “Cây này có dược phẩm trị bệnh gì đó rất hiệu nghiệm.” Anh thứ ba là nhà khoa học nói: “Cây nầy là giống cây quí hiếm.”
Thấy qua tánh thức: thấy thân nầy là huyễn, là vô thường không bền chắc, do tứ đại gá lại hợp thành.
“Thân như bóng chớp có rồi không
Cây cỏ xuân tươi thu đượm hồng
Mặc cuộc thạnh suy không sợ hãi
Thạnh suy như cỏ hạt sương đông.”
Do thấy rõ bản chất của thân là không thật, có rồi không, tuổi xuân thì đẹp khỏe mạnh, khi già thì lụm cụm đau ốm, do đó còn hay mất không sợ hãi, còn duyên thì đến hết duyên thì đi, quy luật là như vậy. Thiền sư Duy Tín vào đời Tống có câu nói chúng ta phải suy gẫm: 30 năm trước thấy núi là núi, sông là sông, khi gặp được Thiện Tri Thức, Thiền sư thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông, 30 năm sau Thiền sư thấy núi là núi, sông là sông. Thời gian chỉ 30 năm mà cái thấy có khác nhau như vậy. Cái thấy đầu tiên là cái thấy của phàm phu núi là thật núi, sông là thật sông không có biến đổi. Cái thấy thứ hai là cái thấy có quán chiếu và thấy thứ ba là chánh tri kiến, cái thấy của người chứng đạo.
2. Chánh tư duy: Suy nghĩ đúng đắn, tư duy những lời dạy trong giáo pháp dẫn đến trí tuệ tăng trưởng.
3. Chánh ngữ: Lời nói đúng đắn, không nói dối nói ác, không nói lời vô nghĩa, nói đúng thời, đúng chỗ, có lợi ích cho người để xây dựng niềm tin, yêu thương và đoàn kết.
4. Chánh nghiệp: Hành động đúng đắn, không lấy của không cho, không tà hạnh, không giết hại, không tham đắm những thú vui bất thiện.
5. Chánh Mạng: Không sống bằng nghề phi pháp, sanh sống một cách chân chánh bằng nghề nghiệp lương thiện, trong sạch, ngay thật, không gian tham, không làm giàu có trên mồ hôi và xương máu của kẻ khác. Người sống chánh mạng là làm những công việc nào, có lợi mình lợi người họ mới làm. Còn người sống tà mạng thì luôn gây đau khổ cho người khác.
6. Chánh tinh tấn: Siêng năng đúng đắn, nỗ lực đoạn trừ các điều ác, tinh tấn làm các việc thiện.
7. Chánh Niệm: Nghĩ nhớ chân chánh, an trú tâm vào các thiện pháp.
8. Chánh định: Là tập trung tư tưởng vào một vấn đề chánh đáng, đúng với chân lý có lợi ích cho mình và người, dẫn tới trí tuệ bừng sáng, dẫn đến giác ngộ giải thoát.
Mối quan hệ giữa các chi phần trong Bát chánh đạo đều có sự liên kết nhau, có quan hệ mật thiết với nhau, chi phần này có trong chi phần kia, cái kia hỗ trợ cho cái này. Bát Thánh Đạo được chia thành 3 nhóm: GIỚI – ĐỊNH – TUỆ (tam vô lậu học). Giới: Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng, Định: Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Tuệ: Chánh kiến, chánh tư duy. Bát chánh đạo là con đường đưa đến giải thoát giác ngộ. ĐỨC THẾ TÔN dạy: “Này Subbhadda trong pháp luật nào không có bát chánh đạo thì ở đấy không có Tứ Quả Sa Môn” (Kinh Đại Bát Niết Bàn – Trường Bộ Kinh 1)
Con đường tu tập Đạo đế là con đường nỗ lực tự thân của mỗi phật tử, nếu thực tập sẽ có hiệu quả ngay trong đời sống này, chuyển hóa ba nghiệp được trong sạch, phật tử đến chùa, Tịnh xá nghe lời dạy của Tăng Ni, suy gẫm thấy đúng thực hành (Văn, Tư, Tu) ứng dụng chánh pháp vào cuộc sống, mới thấy hữu ích thật sự, Phật Tử chịu thực hành những lời Phật dạy, như người bệnh chịu uống thuốc, mọi bệnh khổ sẽ tiêu tan.
Ví như cái vá múc canh
Bao giờ biết được vị lành ngọt ngon.
Gần hiền chẳng biết học khôn,
Bao giờ nếm được mùi hương đạo lành.
Ví như cái lưỡi nếm canh,
Tức thì đã biết vị lành ngọt ngon.
Gần hiền chăm chú học khôn,
Tức thì thấu nhập Pháp môn dễ dàng.
Phật dạy ta không nên làm điều gì khiến cho người khác đau khổ, suy nghĩ đúng, nói lời đúng đắn để đem lại niềm tin yêu cho mọi người, an lạc hạnh phúc cho mọi người. Đó là mình biết kiến tạo cho mình một nếp sống an vui có giá trị. Phật Tử sống có an vui hạnh phúc hay không? Là tùy vào thái độ sống của mình, tùy vào sự tu tập của mình. Ta cũng có thể nói: “Không có cuộc đời hạnh phúc, mà chỉ có những giây phút hạnh phúc làm vốn sống cho cuộc đời.”
Tóm lại thực hành bốn sự thật cao quí, hay Tứ Thánh Đế là để tâm mình thấy tận tường được cái khổ, tức là nhận diện được khổ đế rồi chúng ta quán sâu cái khổ này từ đâu mà có? Từ tập nhân si mê, tham ái, sân hận là nguyên nhân của gốc khổ, biết rõ tức là ta đoạn diệt ngay gốc khổ ấy, bằng cách tu tập gạn lọc những hạt giống xấu loại bỏ, tưới tẩm vun bón chăm sóc những hạt giống tốt tăng trưởng. Thấy đúng như vậy hiểu biết rõ như vậy chấm dứt được khổ đau. Đó chính là Tứ Diệu Đế – giáo lý hoàn chỉnh mang lại hạnh phúc vô tận cho chúng sinh, giúp con người thoát ra khỏi những khổ đau của nhân sinh. Mong rằng, mỗi chúng ta sẽ hiểu rõ và thực hành theo Tứ Diệu Đế, là Bốn Sự Thật Cao Quý ai cũng tu tập được, ai cũng có thể nếm được hương vị giải thoát để tìm cho bản thân mình những điều hạnh phúc lâu bền nhất.
Ban Truyền thông NGHPKS
-----ooOoo-----
BÀI LIÊN QUAN
Ni Sư Hằng Liên đã chia sẻ pháp thoại với chủ đề Cách Chọn Niềm Vui ( Ban Truyền thông NGKS , 2800 xem)
Ni sư Hòa Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi ( Ban Truyền thông NGKS , 3840 xem)
Ni sư Phụng Liên chia sẻ đề tài Giảng về nghĩa chữ Phật (tiếp theo) ( Ban Truyền thông NGKS , 2528 xem)
Sư cô Hạnh Liên chia sẻ trực tuyến bài Kinh Ánh Trăng ( Ban Truyền thông NGKS , 3020 xem)
Ni sư Tuệ Liên chia sẻ trực tuyến về Tam Pháp ấn trong Kinh Vô Ngã tướng (tiếp theo) ( Ban Truyền thông NGKS , 3884 xem)
Ni Sư Hằng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài “Thực tập thiền và lợi ích của thiền trong dịch bệnh Covid” ( Ban Truyền thông NGKS , 3592 xem)
Ni sư Nguyện Liên chia sẻ trực tuyến chủ đề Biết khổ để tìm vui ( Ban Truyền thông NGKS , 2288 xem)
Ni sư Phụng Liên chia sẻ đề tài Giảng về nghĩa chữ Phật trong Lớp Giáo lý trực tuyến ( Ban Truyền thông NGKS , 2496 xem)
Sư cô Trang Liên chia sẻ trực tuyến chủ đề Hạnh phúc vô hình ( Ban Truyền thông NGKS , 2920 xem)
Ni sư Kiên Liên chia sẻ trực tuyến với đề tài Lục độ Ba la mật (tiếp theo) ( Ban Truyền thông NGKS , 2588 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ
Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023
Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ