Trang chủ > Lớp Giáo lý
Ni sư Tín Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Những bài kinh liên hệ đến nước
Xem: 2946 . Đăng: 06/09/2021In ấn
Ni sư Tín Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Những bài kinh liên hệ đến nước
Ngày 01/9/2021 (nhằm ngày 25/7/Tân Sửu), Ni sư Tín Liên - Giảng sư Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, có buổi chia sẻ trực tuyến với đề tài NHỮNG BÀI KINH LIÊN HỆ ĐẾN NƯỚC.
Đức Phật nói rằng: "Ta chưa từng thấy sắc nào quyến rũ người nam bằng sắc người nữ, và ta cũng chưa từng thấy sắc nào quyến rũ người nữ bằng sắc người nam". Bài này nằm trong Tăng Chi 1 - chương một Pháp. Trong chương hai Pháp, Đức Phật dạy có liên hệ đến hai chi phần là danh và sắc. Tiếp theo là ba chi phần, con đường Như Lai giới thiệu đó là Giới, Định và Tuệ. Bốn chi phần là chương bốn Pháp, đây là bài kinh có liên hệ đến nước.
Bài kinh "Bốn Pháp" trong Tăng Chi Bộ 1.
Trong bài kinh này Đức Phật đề cập đến bốn hạng chúng sanh trên thế gian.
1. Hạng người thứ nhất là hạng người trôi xuôi dòng đời.
Tâm chúng sanh đa số luôn nghiêng về ngũ dục, là thích thú và chìm đắm ngũ dục. Hạng người này thân tâm đòi hỏi điều gì là họ chiều theo cho thỏa mãn. Chính vì sống theo bản năng nên hạng người này dễ dàng tạo những nghiệp xấu, phải chìm đắm trong sanh tử luân hồi để trả quả.
2. Hạng người thứ hai là hạng người đi ngược dòng đời.
Hạng người này có những ước muốn khởi lên không đúng thời, không đúng lúc, không có đạo nghĩa thì không chiều theo bản năng. Ví dụ như trong cơn tức giận hạng người này muốn đánh chửi cho thỏa mãn sự sân hận, nhưng rồi biết suy nghĩ lại lời Phật dạy là phải lấy từ bi dẹp hận thù, nên biết khắc phục để hóa giải không tạo bất thiện nghiệp.
Chúng sanh vốn đắm chìm trong vô minh và ái dục, đây là nguyên nhân của sanh tử luân hồi. Có những người ái dục rất nặng, nhưng có những người từ từ nhẹ bớt, vì người đó trong vô lượng kiếp có tu tập.
Khi Đức Phật thành đạo dưới cội bồ đề, sau bảy tuần lễ mà Ngài thọ hưởng thiền lạc xung quanh cội bồ đề, Đức Phật chúng ta có khởi lên suy tư: "Trên thế gian này ai cũng có vị thầy để tôn trọng, vậy mình cũng cần có một vị thầy để tôn trọng, để chắp tay đảnh lễ cung kính lắng nghe. Ngài nghĩ rằng trên thế gian này không có một ai giới bằng ta, định bằng ta, giải thoát bằng ta, giải thoát tri kiến bằng ta? Vậy ta tôn trọng ai làm thầy, và Ngài đã chọn Pháp".
Phạm thiên Sahampati hiện xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch rằng: "Đúng vậy Đức Thế Tôn! Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều lấy Pháp làm thầy".
Tiếp đó Đức Thế Tôn suy tư: "Giáo Pháp ta thật là vị diệu, chúng sanh thì căn cơ nghiêng về ái dục và chìm đắm, mà chánh pháp đạo ta đi ngược dòng đời, cho nên mình phải làm sao để đưa ra những phương pháp thực hành, từ từ đoạn tận được tham sân và ái dục".
Như vậy hạng người thứ hai này đi ngược dòng đời, cố gắng bơi để không rớt vào hố sanh tử luân hồi như hạng người thứ nhất.
3. Hạng người thứ ba là hạng người đứng lại giữa dòng đời.
Sau khi đi ngược dòng đời, hạng người này đứng lại để tìm hiểu lời Phật dạy, phát triển "văn, tư, tu" mỗi ngày cho đến khi thấy đạo là đắc quả Dự Lưu, trí tuệ vị này đủ sáng để đoạn tận ba kiết sử; thân kiến, giới cấm thủ, đoạn nghi. Vị này đắc sơ quả tức là quả Dự Lưu (Thất Lai). Cho nên gọi là hạng người đứng lại giữa dòng.
Những dòng bộc lưu lôi cuốn và nhận chìm chúng sanh vào vòng sanh tử luân hồi, bốn dòng bộc lưu là gì? Đó là dòng thác của dục, của hữu, của kiến chấp và của vô minh. Nếu chúng ta đi ngược dòng đời và tìm chỗ để đứng vững, thì từ đó những dòng bộc lưu không lôi kéo mình được. Vị này chứng quả Dự Lưu thì không còn đọa vào bốn ác đạo là địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ và a tu la.
4. Hạng người thứ tư là hạng người đến bờ bên kia.
Hạng người này khi đứng vững rồi thì nghỉ ngơi thoải mái, sau đó ráng sức bơi và tới bờ bên kia, là an ổn, không còn bị dòng nước nào lôi kéo nữa, vị này đắc quả A La Hán.
Tóm lại: Như vậy chúng sanh có bốn hạng người được ví như nước.
. Hạng người thứ nhất - trôi xuôi theo dòng đời, nghĩa là chiều theo ngũ dục.
. Hạng người thứ hai - đi ngược dòng đời, nghĩa là đang cố gắng phấn đấu diệt tham sân, tật xấu để tâm càng ngày được thanh tịnh.
. Hạng người thứ ba - đứng lại giữa dòng đời, nghĩa là đã tìm cho mình một chỗ đứng vững vàng nên được an ổn và đắc quả Dự Lưu.
. Hạng người thứ tư - đến bờ bên kia, nghĩa là sau khi nghỉ ngơi xong vị này tiếp tục bơi đến bờ bên kia và đắc quả A La Hán.
Bài kinh tiếp theo trong chương bảy Pháp - Tăng Chi Bộ 3.
Bài kinh này Đức Phật nói về bảy hạng người được ví dụ liên hệ đến nước.
1. Hạng người thứ nhất, nhảy xuống nước là chìm luôn.
Nước ở đây chỉ cho ngũ dục của thế gian. Vị này khi bắt đầu được thọ hưởng ngũ dục của thế gian thì chìm đắm, dính mắc không thoát ra được.
2. Hạng người thứ hai, khi nhảy xuống nước ngoi đầu lên được chút nhưng chịu không nổi và chìm.
Vị này khi bị chìm vào trong ngũ dục nhưng có sự phát khởi về niềm tin Tam bảo, có tàm quý, và cảm thấy xấu hổ với bất thiện nghiệp mà mình đã làm, rồi bắt đầu tinh tấn làm những thiện sự, chẳng hạn như biết giúp đỡ người khác với tâm lành. Vị này có tín, tinh tấn, tàm quý nên có trí tuệ một chút, tức là cũng có sự hiểu biết về đúng sai, nhưng được một thời gian vị này bị người xấu rủ rê nên chạy theo, từ đó bị chìm xuống không thể nào ngoi lên được.
3. Hạng người thứ ba, sau khi chìm xuống nước ngoi đầu lên được và giữ được cái đầu trên mặt nước, chưa bị chìm.
Sau khi ngoi lên khỏi mặt nước vị này có tín tâm với Tam bảo, biết tàm quý, tinh tấn trong thiện sự và phát sanh trí tuệ.
4. Hạng người thứ tư sau khi đầu ngoi lên được nhưng không bị chìm, vị này nhìn quanh coi cái bờ ở đâu và thấy được bờ để bơi vào.
Trong kinh điển có một ví dụ về bậc Dự Lưu: "Giống như trong đêm trường tối tăm, một người đang lặn hụp không biết đâu là bờ, thình lình trên trời có một ánh chớp khởi lên, vị này biết hướng và thấy được bờ". Vị này chưa đắc Dự Lưu nhưng có Pháp nhãn thanh tịnh, còn có nghĩa là kiến tánh, phải trải qua tiến trình tu tập mới đắc quả Dự Lưu được.
5. Hạng người thứ năm, sau khi thấy bờ vị này cố gắng bơi.
Đây nói về hạng người đắc quả Nhất Lai (chỉ còn một lần trở lại thế gian). Vị này làm yếu đi tâm tham và tâm sân đối với ngũ dục thế gian, sự dính mắc với tất cả các pháp không còn.
6. Hạng người thứ sáu, sau khi bơi vô bờ và vị này đứng được xuống đất (chỗ cạn) vững vàng.
Vị này khi đoạn tận tham sân của dục giới, được xem là Bất Lai (không còn trở lại thế gian). Quả vị thứ ba này khi chết đi sẽ sanh về cõi Ngũ Bất Hoàn Thiên (Ngũ A Na Hàm Thiên) và sẽ ở tại đây cho đến khi đắc quả A La Hán.
7. Hạng người thứ bảy, sau khi đứng được xuống đất vị này nghỉ mệt rồi bơi chút nữa và lên bờ luôn.
Hạng người này đắc quả A La Hán.
Trong kinh có nói: "Đức tin của chúng ta được ví như ngọc Mani, khi một thau nước đục mà chúng ta bỏ viên ngọc này vào thì tất cả những cặn cáu lắng xuống và nước sẽ trong".
Cho nên những người có niềm tin Tam bảo, dù tâm vẩn đục thế nào, nhưng khi có phát khởi tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, thì từ từ tâm của người đó cũng lắng đọng phiền não tham sân si và trở nên tốt đẹp.
Đức tin của chúng ta còn được ví như một động lực, có khả năng hỗ trợ sách tấn, làm cho người khác tin tưởng phấn đấu và noi theo. Biểu hiện người có đức tin là thích thấy người giới hạnh, thích được nghe diệu pháp, và bao giờ cũng nhiếp phục những tham sân trong tâm, những phiền não cấu uế trong tâm dần được đoạn trừ. Niềm tin phải đi đôi với trí tuệ.
Ngài Xá Lợi Phất từng nói sau khi nghe các vị Tỳ kheo hỏi vì sao Ngài đắc quả A La Hán: "Khi mới sơ cơ là niềm tin, nhưng khi bắt đầu vô thực hành thì đó mới chính là điều đắc được Thánh quả".
Cho nên:
"Dưới thấp còn tin tưởng Phật Đà, lên cao La Hán chỉ tin ta, tự mình giác ngộ luân hồi khổ, cởi bỏ mười dây kiết sử ra".
Chúng ta tinh tấn trong thiện sự nhưng cũng phải tinh tấn với chính mình, vì chúng ta phải có bổn phận với bản thân. Cho nên Đức Phật có nói, dù lợi người bao nhiêu nhưng cũng không quên tự lợi của mình, là phần tu, là trau sửa để "giới định tuệ" tăng trưởng.
Trong Kinh Pháp Cú có câu:
"Không nên nhìn lỗi người
Người làm hay không làm
Nên tự nhìn chính mình
Có làm hay không làm?"
Tức là:
"Lỗi người, mình phải bỏ qua,
Lỗi mình, mình phải xét tra kỹ càng.
Việc chi mình hãy chưa làm?
Việc chi mình đã lo kham được rồi?"
Như vậy trong bài kinh Bốn Pháp và bài kinh Bảy Pháp Đức Phật ví dụ về những hạng chúng sanh, chúng ta hãy tự soi xét coi mình là hạng người thứ mấy, để chúng ta phấn đấu và tu tập ngày càng tiến bộ, giải thoát được sanh tử luân hồi.
Ban Truyền thông NGKS
----ooOoo----
BÀI LIÊN QUAN
Ni trưởng Xuân Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Bốn sự thật cao quí ( Ban Truyền thông NGKS , 1984 xem)
Ni Sư Hằng Liên đã chia sẻ pháp thoại với chủ đề Cách Chọn Niềm Vui ( Ban Truyền thông NGKS , 2800 xem)
Ni sư Hòa Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi ( Ban Truyền thông NGKS , 3840 xem)
Ni sư Phụng Liên chia sẻ đề tài Giảng về nghĩa chữ Phật (tiếp theo) ( Ban Truyền thông NGKS , 2528 xem)
Sư cô Hạnh Liên chia sẻ trực tuyến bài Kinh Ánh Trăng ( Ban Truyền thông NGKS , 3020 xem)
Ni sư Tuệ Liên chia sẻ trực tuyến về Tam Pháp ấn trong Kinh Vô Ngã tướng (tiếp theo) ( Ban Truyền thông NGKS , 3884 xem)
Ni Sư Hằng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài “Thực tập thiền và lợi ích của thiền trong dịch bệnh Covid” ( Ban Truyền thông NGKS , 3592 xem)
Ni sư Nguyện Liên chia sẻ trực tuyến chủ đề Biết khổ để tìm vui ( Ban Truyền thông NGKS , 2288 xem)
Ni sư Phụng Liên chia sẻ đề tài Giảng về nghĩa chữ Phật trong Lớp Giáo lý trực tuyến ( Ban Truyền thông NGKS , 2496 xem)
Sư cô Trang Liên chia sẻ trực tuyến chủ đề Hạnh phúc vô hình ( Ban Truyền thông NGKS , 2920 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ
Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023
Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ