Trang chủ > Lớp Giáo lý
Ni sư Tín Liên thuyết giảng trực tuyến đề tài Vật gì chiếu sáng đời
Xem: 6134 . Đăng: 07/09/2021In ấn
Ni sư Tín Liên thuyết giảng trực tuyến đề tài "Vật gì chiếu sáng đời"
Ngày 31 tháng 8 năm 2021 (nhằm ngày 24 tháng 7 năm Tân Sửu), Ni sư Tín Liên - Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, Giảng sư Ni giới Hệ phái Khất sĩ, đã chia sẻ trong Lớp Giáo lý trực tuyến với đề tài "Vật gì chiếu sáng đời".
Chánh niệm là gì, làm sao nó thức tỉnh đời? Chánh niệm là không để tâm mông lung luôn chú tâm, nhận thức rõ giữa thân và tâm, ý thức được giữa thiện và bất thiện. Như vậy, khi tâm thiện điều khiển thì hành động và lời nói hết sức tốt đẹp, chúng ta hành động với những thiện nghiệp và chắc chắn kết quả sẽ tốt đẹp. Nhưng nếu lúc đó chúng ta không chánh niệm kịp thời, và trong tâm chúng ta là những tà niệm, những suy nghĩ không đúng đắn, chú tâm không đúng đắn thì chúng ta sẽ tạo những nghiệp nhân xấu và chắc chắc sẽ nhận quả xấu. Cho nên mới nói rằng chánh niệm thức tỉnh đời làm cho đời tỉnh cơn mê ngủ giữa thiện và bất thiện.
Chúng ta biết rằng trong Bát Chánh Đạo, yếu tố chánh kiến có thể phát huy được ánh sáng, phát huy được sự sắc bén để nó nhận ra bản chất thật của các pháp. Muốn có trí tuệ, có chánh kiến đòi hỏi cái tâm phải định, cho nên chánh niệm là cơ sở đưa đến chánh định, khi tâm định rồi thì giống như ly nước đục để đứng yên thì cặn cáu sẽ lắng xuống, tánh trong sẽ hiện ra. Cũng giống như vậy, trong tâm chúng ta những dục tham, sân hận, si mê được lắng đọng thì tâm sẽ trong sáng như ly nước đã lắng xuống những cặn cáu, tánh trong của nước hiện ra; tức là trí tuệ hiện ra và phát huy diệu dụng của nó để nhận ra bản chất thật của pháp là vô thường - khổ - vô ngã. Từ đó trong tâm không còn những vướng mắc, không còn bám víu, không còn tham chấp vào các dục thế gian, từ đó chúng ta nhàm chán, ly tham, tu tập đạt được quả vị và Niết bàn: Niết bàn sơ quả, nhị quả, tam quả, tứ quả. Như vậy chánh niệm thức tỉnh đời để cho chúng sanh ý thức trong tâm mình hiện những cái thiện hay bất thiện đang ngự trị và từ đó chúng ta sẽ chế ngự những tư tưởng xấu, bất thiện để phát huy những điều thiện lành. Trên cơ sở thiện lành đó, tâm ta mới dần dần đạt định, từ cơ sở định thì trí tuệ mới phát sanh, cho nên đức Phật mới nói rằng cái gì mà chiếu sáng đời? Chính trí tuệ chiếu sáng đời. Đạo Phật là đạo của trí tuệ và từ bi cho nên niềm tin Tam Bảo cũng phải tin vào trí tuệ, tin nhưng không phải tin mù quáng mà là tin có trí tuệ soi sáng. Trí tuệ là yếu tố hết sức quan trọng trong Đạo Phật và trí tuệ là sự nghiệp của người tu hành.
Người có trí tuệ là người như thế nào? Trong kinh tạng Phật giáo Nguyên Thủy định nghĩa trí tuệ là người hiểu lý Tứ Đế, không chỉ hiểu suông mà phải hiểu và thâm nhập lý Tứ Đế, mà nhờ hiểu và thâm nhập lý Tứ Đế mà hiểu bản chất của cái khổ và nguyên nhân của cái khổ. Đó là gì? Là do vô minh và ái dục, hiểu con đường tu tập và phương pháp tu tập để đoạn tận vô minh và ái dục, và sau khi đoạn tận vô minh và ái dục thì sẽ có một trạng thái mà mình đạt được gọi là Diệt đế đồng nghĩa với Niết bàn. Hiểu trọn vẹn lý Tứ Đế và bản thân thực hành có kinh nghiệm trong quá trình ứng chứng Đạo đế, trong quá trình tu tập Bát Chánh Đạo, Giới Định Tuệ, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, cho nên trong quá trình tu đó thấy được Tam Pháp ấn tức là bản chất thật của các pháp vô thường, khổ vô ngã, thấy được 12 nhân duyên cái mà làm cho chúng sanh sanh đi lộn lại, thấy được nhân quả nghiệp báo. Như vậy định nghĩa chung trong Kinh tạng của Phật giáo Nguyên Thủy đó là người có trí tuệ, là người thâm hiểu bản thân mình có trải qua kinh nghiệm tu tập lý Tứ Đế và trong lúc bản thân tu tập hiểu luôn Tam Pháp ấn, hiểu luôn 12 nhân duyên, hiểu luân lý nhân quả nghiệp báo.
Mỗi người mình đều có trí tuệ, nhưng trí tuệ của chúng ta có những tầng bậc khác nhau có người thượng căn thượng cơ và có người hạ căn. Đức Phật ví dụ bốn loài ngựa tượng trưng cho bốn loại trí tuệ khác nhau:
- Bậc thượng căn thượng cơ được ví như loại ngựa thứ nhất là loại ngựa tốt, loại ngựa giỏi rất thông minh. Khi chỉ thấy người chủ cầm roi là con ngựa đã sợ người chủ sẽ đánh nó và nó sợ bị đau đớn do vậy nó sẽ hết sức chú tâm và để ý coi người chủ muốn đi bên phải hay đi bên trái, muốn bước nhanh hay bước chậm. Nó hết sức khôn khéo đoán ý chủ để nó không bị roi quất, nghĩa là ngựa hiền thấy bóng roi là sợ.
- Loại ngựa thứ hai là thấy bóng roi chưa sợ phải đợi người chủ cầm cây nợm đâm vào da mới sợ, khi đâm vào da đau thì nó mới bắt đầu chú ý, mới chú tâm xem người chủ mình muốn cái gì, cần đi bên trái, cần đi bên phải, cần như thế nào để nó không bị đâm vào da đau đớn.
- Loại ngựa thứ ba là đâm vào da chưa sợ, khi bị đâm vào thịt đau quá thì lúc này nó mới để ý xem người chủ muốn như thế nào.
- Loại ngựa thứ tư là đâm vào thịt chưa sợ, đâm tới xương mới sợ và chịu chú ý. Cho nên Đức Phật nói chúng sanh có bốn hạng trí tuệ: hạng thượng căn thượng cơ, trung căn, dưới trung căn và hạ căn.
Như vậy thì trí tuệ cũng chia thành nhiều bậc và đồng thời trong Tăng Chi Bộ Kinh Đức Phật nói trí tuệ có 3 loại: trí tuệ bắp vế, trí tuệ lộn ngược và trí tuệ chơn chánh.
- Trí tuệ bắp vế là có những vị ngồi nghe pháp, nghe tại chỗ thì hiểu nhưng khi đứng lên thì lại quên hết, cũng giống như những cái gì mà chúng ta đặt trên bắp vế khi đứng lên thì tất cả sẽ rớt xuống hết. Chúng ta đừng ngại vì dù chúng ta có trí tuệ này đi chăng nữa nhưng nếu có sự cố gắng nghe hiểu thì dần dần sẽ được ghi trong tiềm thức chúng ta, từ từ huân tập.
- Trí tuệ lộn ngược là người ta nói một đằng hiểu một nẻo, hiểu không đúng, hiểu ngược lại cái điều của người nói.
- Trí tuệ chơn chánh tức là nói đâu hiểu đó, dù là không hiểu hoàn toàn nhưng cũng hiểu đúng đắn và khi đứng dậy cũng có thể nhớ lại đại ý và nói lại những gì mình đã tiếp thu.
Vậy thì căn cơ mỗi người của chúng ta đều có trí tuệ, trí tuệ này có thể cao thấp khác nhau như thế.
Trong Bát Chánh Đạo, Chánh kiến và Chánh tư duy thuộc chi phần "tuệ", Chánh kiến đồng nghĩa với trí tuệ. Chánh kiến là cái thấy biết chơn chánh của bậc Thánh: bậc Thánh sơ quả, bậc Thánh nhị quả, bậc Thánh tam quả, bậc Thánh tứ quả. Chánh kiến có từng bậc từ thấp lên cao. Chúng ta phải huân tập và phải trưởng dưỡng huân tập qua "văn, tư, tu" để trí tuệ của chúng ta mỗi ngày được phát triển, được dẫn dắt, được phát huy, và tiến lên từ phàm nhân cho đến bậc Thánh. Trong Tứ như ý túc: dục, tinh tấn, tâm, tư duy; chữ tư duy đồng nghĩa với trí tuệ và đồng nghĩa với chánh kiến trong trí tuệ. Trong bài kinh "Ví dụ khúc gỗ" được Đức Phật nói rất rõ. Một hôm, đức Phật và chư Tăng đang du hành thì dừng lại nghỉ bên bờ sông Hằng, Thế Tôn thấy một khúc gỗ đang trôi trên sông, Thế Tôn chỉ khúc gỗ và hỏi các Tỳ kheo: “Này các Tỳ kheo có nhìn thấy khúc gỗ đang trôi kia không?”, các Tỳ kheo bạch Thế Tôn: “Dạ có”, nếu khúc gỗ này không vướng vào bờ bên này, không vướng vào bờ bên kia, không bị chìm giữa dòng, không bị mắc cạn trên vùng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị giữ giữa vùng nước xoáy và không bị mục nát ở bên trong thì khúc gỗ này sẽ trôi thẳng ra đại dương, vì dòng sông Hằng xuôi về biển cả. Có tám điều kiện để khúc gỗ trôi ra đại dương và một vị hành giả cũng như vậy, nếu vị này không vướng vào bờ bên này, không vướng vào bờ bên kia, không bị chìm giữa dòng, không bị mắc cạn trên vùng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị giữ giữa vùng nước xoáy và không bị mục nát ở bên trong thì vị này sẽ hướng về, sẽ nghiêng về, sẽ nhập về Niết bàn vì chánh kiến xuôi về Niết bàn, tức là người này có chánh kiến mà chánh kiến sẽ dẫn dắt người này xuôi về Niết bàn. Hướng về bờ bên này có nghĩa là chấp ngã, người này hiểu bản chất cuộc đời là khổ và biết nguyên nhân của khổ là vô minh và ái dục, chúng ta căn cứ vào định nghĩa Chánh kiến trong trí tuệ để chúng ta soi tám điều kiện trí tuệ mà Đức Phật phân tích ra từ Tứ Diệu Đế đó mà chúng ta phân tích nó liên hệ qua tám điều kiện của bài kinh "Ví dụ khúc gỗ" này để chúng ta hiểu Đức Phật đã cụ thể hóa và chi tiết hóa cho chúng ta hiểu ý nghĩa của trí tuệ. Người có trí tuệ có chánh kiến là như thế nào, tức là người không có chấp ngã, không có chấp pháp, vướng vào bờ bên kia là chấp ngã, vướng vào bờ bên này là chấp pháp. Chấp ngã tức là mình chấp trong cái thân này có gì trường cửu, có cái gì thực thể còn hoài không mất, chết chỉ là đổi áo cũ thay cái áo mới mà thôi, chúng ta chấp có vị thần linh nào đó ngự trị và điều khiển cái miệng mình nói, điều khiển cái chân mình đi. Chấp pháp là vướng vào bờ bên này là cái nhà của tôi, cha tôi, mẹ tôi, con tôi, cái xe của tôi hoặc là chấp núi này ít nhất nó còn trường tồn, ít ra nó cũng trường tồn một thời gian, cho nên vì chấp pháp chúng ta huân tập gom tài sản vào và rất khó để buông ra, để có tài sản thật kếch xù để cho con cho cháu, để hưởng thụ,… Bài kệ Thân của Đệ nhất Ni trưởng có viết:
“Thân này chưa biết ra chi,
Của kia lại có chắc gì mà ham?
Bao nhiêu cho thỏa lòng tham,
Càng thâu càng đắm càng làm càng say.”
Nếu người có chánh kiến thì người đó không chấp ngã và không chấp pháp, không vướng vào bờ bên này, không vướng vào bờ bên kia. Bị chìm giữa dòng là chìm đắm trong ái dục, "vì lòng ái dục nên lo, vì lòng ái dục làm cho sợ buồn", "ái dục triền miên cõi ái hà, luân hồi sinh tử kiếp phù hoa", như vậy chìm giữa dòng là chìm đắm trong ái dục cho nên người nào tự xét thấy quá chìm đắm trong ái dục tức là chúng ta biết rằng cái phần chánh kiến này chúng ta bị thiếu sót rồi. Tức là mình như khúc gỗ chìm giữa dòng, chìm giữa dòng thì không thể trôi ra đại dương. Trong Kinh Xà Dụ thuộc Trung Bộ Đức Phật đã phân tích dục như đầu rắn, như của cho mượn, như xương,… ví như con chó ngậm khúc xương thì nó chỉ mỏi răng, nó chỉ mệt mỏi mà không được gì, vì vậy ái dục luôn làm chúng ta khổ. Khúc gỗ mắc cạn trên vùng đất nổi là người hành giả có tâm ngạo mạn tức là mình thấy mình giỏi, mình tài, cảm thấy mình trí tuệ hơn người, tự cao tự đại. Trong Chơn lý Tu và học, Tổ sư dạy người ngạo mạn không ai thích chơi, không ai thích dạy gì thêm cho người đó, người đó cũng không thích học, người đó thấy đủ rồi. Người ta ví người ngạo mạn như ly nước đã đầy rồi không thể rót thêm một cái gì, không thể chứa thêm một cái gì. Người có tâm ngạo mạn bị đứng lại, không thể tiến bộ trong tu học, là người không có chánh kiến và không thể chuyển phàm thành thánh, tiến đến thánh quả Niết bàn. Không bị loài người nhặt lấy chính là quyến niệm, quyến niệm là dính mắc vào quyến thuộc quá nhiều, tức là người đó đi tu nhưng mà chưa dứt được tâm phàm, dính mắc trong gia đình, gia đình vui là mình vui gia đình buồn là mình buồn, những cái lo của gia đình mình đều lo. Ngoài ra người đó còn dính mắc vào thế sự, không có để thời giờ chuyên tâm nghiên cứu, chuyên tâm tu học. Bị phi nhân nhặt lấy là những vị tu mà mong mỏi mình được lên cảnh giới chư thiên. Bị giữ trong vùng nước xoáy tức là người này bị ngũ dục bao vây tức là tiền tài sắc đẹp danh vọng, người này không bị dính vào ái dục nhưng dính vào tiền bạc, tham lam gom vào. Trong kinh Đức Phật dạy, như một vị Tỳ kheo khi đi trong rừng mỗi một bước chân trong tâm khởi lên mong mỏi rằng ta không đạp một cái gai nào trong rừng đầy gai. Cuối cùng là bị mục nát bên trong, thân tướng bên ngoài đoan nghiêm nhưng trong tâm mục nát. Người này phạm giới, phá giới, trong tâm không giữ giới, ngoài mặt thì ra vẻ đạo hạnh đạo đức nhưng trong tâm là người không có tu hành. Vậy thì người này như khúc gỗ mục nát bên trong, mà khúc gỗ bị mục nát bên trong nó sẽ từ từ rã ra mất trên dòng sông, cũng như người không giữ giới trong tâm của họ dù hiện tướng bên ngoài rất trang nghiêm tốt đẹp nhưng biển Phật pháp sẽ từ từ đào thải, biển cả không chứa tử thi.
"Giới còn giữ như đeo viên ngọc quý,
Giới mất rồi như ngọc mất đi,
Ai ơi cạn xét cùng suy,
Bạc vàng dễ kiếm nhưng ngọc ma ni khó tìm".
Đức Tổ sư nói Giới như đất bằng, Định như cây trồng trên đất, Tuệ là hoa trái của cây.
“Giới giữ cho thân sạch lỗi lầm,
Cho tâm như ngọc luyện dồi tâm,
Cho hoa trí tuệ tươi ngàn kiếp,
Cho quả từ bi đẹp bội phần”.
Giới được giữ thì thân mới sạch lỗi lầm, có ba điều: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Muốn giữ được thân thì tâm phải trong sạch và mới giữ được giới. Đức Phật dạy nếu người nào hiểu được tám điều như vậy sẽ hướng tới, sẽ trôi về Niết bàn vì người này có chánh kiến và chánh kiến dẫn dắt hành giả xuôi về Niết bàn. Ví như cái cây hướng về phía Đông, có người đến chặt cây đó thì cây sẽ ngã về hướng Đông, như vậy dòng sông Hằng nghiêng về biển, nước đổ về biển thì khi khúc gỗ không bị vướng tám điều trên, khúc gỗ sẽ trôi về đại dương. Hành giả được dẫn dắt bởi chánh kiến là vị này không vướng tám điều, không bị chấp ngã, không chấp pháp, không bị vướng vào bờ bên này, không bị vướng vào bờ bên kia, không bị cuốn giữa dòng, không bị mắc cạn trên vùng đất nổi, không bị người đời nhặt lấy. Người này không ngạo mạn, lắng nghe học hỏi, bao giờ cũng cảm thấy cái biết của mình chưa đủ. Tổ sư dạy chúng ta phải học người tốt nhưng đôi khi cũng học luôn cả người xấu, học người lớn và đôi khi cũng học từ con nít, học khắp mọi nơi.
Vật gì chiếu sáng đời? Trí tuệ chiếu sáng đời, trí tuệ đồng nghĩa với chánh kiến. Vì vậy chúng ta phải huân tập chánh kiến, huân tập trí tuệ chúng ta sẽ hiểu biết đúng đắn, theo tám điều kiện trên mà chúng ta suy xét dẫn dắt cái tâm đi đúng hướng. Người thế gian được phép hưởng dục thế gian, nhưng mình phải tự nhắc mình làm thế nào để không chìm đắm trong ái dục, biết đủ và biết đó là vô thường biến hoại. Nguyện cầu sanh thiên là còn vướng mắc, cho nên chúng ta xác định mục đích tu tập không phải là sanh thiên hưởng phước báu của cõi trời mà là tiến tới giải thoát khỏi sinh tử. Và chúng ta phải giữ giới, trên nền tảng giữ giới mới không bị mục nát bên trong, không giữ giới tốt đẹp thì không tiến tới thánh quả được. Như vậy chánh kiến trí tuệ đã chiếu sáng đời, là căn bản quan trọng của người tu Phật:
“Trí tuệ như thuyền vững
Biển tứ khổ độ qua,
Trí tuệ như đèn sáng
Vùng hắc ám chói lòa,
Trí tuệ như lương dược
Chữa lành bệnh hiện tiền,
Trí tuệ như búa sắt
Đốn bỏ cây não phiền”.
Ban Truyền thông NGHPKS
-----ooOoo-----
BÀI LIÊN QUAN
Sư cô Hòa Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Cứu cánh của Sa môn hạnh ( Ban Truyền thông NGKS , 8440 xem)
Ni sư Tín Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Những bài kinh liên hệ đến nước ( Ban Truyền thông NGKS , 7456 xem)
Ni trưởng Xuân Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Bốn sự thật cao quí ( Ban Truyền thông NGKS , 6444 xem)
Ni Sư Hằng Liên đã chia sẻ pháp thoại với chủ đề Cách Chọn Niềm Vui ( Ban Truyền thông NGKS , 7248 xem)
Ni sư Hòa Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi ( Ban Truyền thông NGKS , 7396 xem)
Ni sư Phụng Liên chia sẻ đề tài Giảng về nghĩa chữ Phật (tiếp theo) ( Ban Truyền thông NGKS , 7084 xem)
Sư cô Hạnh Liên chia sẻ trực tuyến bài Kinh Ánh Trăng ( Ban Truyền thông NGKS , 5984 xem)
Ni sư Tuệ Liên chia sẻ trực tuyến về Tam Pháp ấn trong Kinh Vô Ngã tướng (tiếp theo) ( Ban Truyền thông NGKS , 8840 xem)
Ni Sư Hằng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài “Thực tập thiền và lợi ích của thiền trong dịch bệnh Covid” ( Ban Truyền thông NGKS , 7832 xem)
Ni sư Nguyện Liên chia sẻ trực tuyến chủ đề Biết khổ để tìm vui ( Ban Truyền thông NGKS , 5876 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng