Trang chủ > Lớp Giáo lý
Ni sư Phụng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Mục tiêu của đời sống
Xem: 3994 . Đăng: 24/09/2021In ấn
Ni sư Phụng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài MỤC TIÊU CỦA ĐỜI SỐNG
Ngày 15/9/2021 (nhằm ngày 9/8/Tân Sửu), Ni sư Phụng Liên - Giảng sư Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, có buổi chia sẻ với đề tài MỤC TIÊU CỦA ĐỜI SỐNG trong Lớp Giáo lý trực tuyến.
1. Chuyện kể rằng,
Con gián đang chăm chỉ tìm kiếm thức ăn trong thùng rác, nó giựt mình khi có ai đó quăng nhành hoa héo và vỏ nhựa cây đèn cầy đã cháy hết sáp vào thùng rác. Nó mỉa mai cây đèn cầy và bông hoa, đẹp lắm rồi cũng héo tàn và khi người ta xài hết cũng bị ném đi. Vỏ nhựa cây đèn cầy nói với nó rằng: Chúng tôi đến cuộc đời nầy có mục đích, chúng tôi sống có ý nghĩa và lợi ích và khi chúng tôi chết đi thì cái chết có giá trị vì đã góp phần làm cho người sử dụng chúng tôi được hoàn tất công việc. Chúng tôi không màng đến chuyện người ta làm gì với chúng tôi sau khi chết.
-. Mục đích chúng tôi đến cuộc đời nầy không phải để được chưng cho đẹp mà là đem ánh sáng và sự tươi đẹp đến cho cuộc đời cho mọi người.
-. Mọi người đốt cháy chúng tôi, sử dụng chúng tôi cho đến hết thì sự sống của chúng tôi mới có ý nghĩa và lợi ích.
-. Khi chúng tôi chết đi nhưng để lại sự thành công cho người dùng xài chúng tôi, vì vậy cái chết của chúng tôi có giá trị cho người khác.
Cũng vậy, khi chúng ta được hỏi mục tiêu của đời sống bạn là gì?
- Có người cười mỉa mai, cho rằng cần gì đặt ra mục tiêu, tôi không cần biết mục tiêu là gì, tôi cứ sống cho thoải mái, muốn làm thì làm, không muốn làm thì nghỉ.
- Cũng có người nói trong bế tắc, cho rằng sống ngày nào hay ngày đó, suy nghĩ nhiều chỉ để mệt thêm mà thôi.
- Có người khi được hỏi, nghiêm túc trả lời cho rằng mục tiêu của đời sống là để vươn lên để bằng người nầy người kia, để đừng ai khinh mình, để được nổi tiếng một đời nhiều người biết, để được nhiều quyền lực…
Như vậy, người chủ quan cho rằng đây là một câu hỏi dễ, không cần suy nghĩ để trả lời; người bi quan không muốn nói gì nữa; còn người theo chủ nghĩa vật chất cá nhân thì mục tiêu đời sống là phải giàu có, thành đạt.
2. Đặt vấn đề:
Liệu ta có thoải mái sống không? Hay liệu tài sản, tiền của, sự nổi tiếng ấy có giúp ta được an lạc không? Nếu thành công hay giàu có đem đến hạnh phúc thì tại sao vua hài charlie Chaplin (Sắc lô) nổi tiếng khắp năm Châu vì độ hài hước khiến người cười mà nước mắt lại chảy của ông? Bản thân đi tấu hài, làm cho mọi người cười (Bi hài kịch câm), nhưng có lần người ta bắt gặp ông một mình đi dưới mưa, không dù không nón. Sau đó có người hỏi vì sao? Ông trả lời: Tôi thích đi bộ dưới mưa, không vì lãng mạn mà vì để không có ai có thể nhìn thấy tôi đang khóc.
Hay câu chuyện người đàn ông bỏ qua tất cả chỉ để kiếm tiền và tiền. Cuối cùng xây được căn nhà và nhiều ruộng vườn tài sản. Một hôm ông ngủ và không dậy nữa, con cháu than khóc và đưa ông đem chôn ở cánh đồng thuộc tài sản của ông. Dần dần hương khói cũng bớt đi, không còn ai thương khóc người đàn ông cực khổ một đời kiếm tiền cho họ… Một hôm, đứa cháu nội không thấy ông nội đâu, hỏi ba nó: Ông nội đâu, sao ông đi lâu quá không về? Người cha đáp: Ông không về nữa, ông nằm ở ngoài đồng. Đứa con nói: Nhà nầy của ông sao ông không ở mà ra đồng nằm, lạnh và mưa nhiều lắm.
Cho nên người thành công giàu có không hẳn là người hạnh phúc, người nổi tiếng có nhiều quyền lực không hẳn là người an lạc, cũng vậy, người nghèo chưa chắc là bất hạnh khổ đau. Theo Đức Phật, người sống không uổng giây phút làm người là người thành công và hạnh phúc hay nói gọn lại là ‘Mục tiêu của đời sống là sống không uổng kiếp được làm người.’ Đây mới chính là bức thông điệp mà Đức Phật mong đợi từ chúng ta, những người đệ tử Phật tử Như Lai.
Vì sao sống không uổng kiếp làm người là mục tiêu trong đời sống? Đơn giản vì:
“Như nước sông chảy xiết
Trôi xuôi chẳng ngược dòng
Đời người cũng như thế
Qua rồi không trở lại.”[1]
Thay đổi là một trong những quy luật của cuộc sống.
Cuộc sống vận hành theo 3 quy luật:
-. Không có gì mất hẳn cũng không có gì tồn tại mãi.
-. Vạn pháp vận hành theo nghiệp.
-. Luật nhân quả không chừa một ai.
Ta thường chọn hoa và nến để nói lên giá trị của đời sống. Hoa và nến có tuổi thọ rất ngắn, nhưng giá trị đóng góp của chúng thật lớn lao. Một bên thì tô điểm thêm cái đẹp cho đời, một bên thì đem lại ánh sáng cho người. Nến chỉ có giá trị khi nó được đốt cháy lên và nó phải cháy hết, cháy cho đến tàn lụi rồi mới tắt đi để con người hoàn tất công việc, chứ không phải để chưng cho đẹp cho vui, thì cây nến mới hài lòng. Hay khi nói đến hoa. Ta biết, hoa đến từ rác, lớn lên trong rác.
Hoa làm đẹp cho đời, mang niềm vui đến cho người.
và sau đó hoa sẽ ra đi, trở về với rác.
Chúng ta có giống vậy không? Chúng ta đến cuộc đời nầy do dư nghiệp quá khứ nên có sự khác nhau giữa thân tướng và tâm tánh của người nầy với người kia, nhưng một đều chắc chắn là tất cả đều là dơ bẩn, đều không sạch, cũng như trong hoa có rác nên nó sẽ hôi thúi khi hết tuổi thọ nhưng nó đã làm được nhiều việc tốt cho đời trước khi trở về với cát bụi. Thật ra, rác không thể làm ra hoa, nhưng vì trong hoa có rác, có chứa hột giống, mầm mống của hoa. Nếu không có hột giống hay mầm mống của hoa thì rác vẫn là rác, không thể biến thành hoa.
Mỗi người chúng ta cũng vậy, có 2 phần, phần thân và phần tâm.
Thân cát bụi, được tạo thành bởi các duyên Đất, nước, lửa, gió, sẽ trả trở về cho cát bụi, không thể làm cho thơm cho sạch được. Tuy thân không làm gì được cho tâm nhưng tâm tức sự suy nghĩ, ý thức nếu thường xuyên được dồi mài chùi rửa, nó sẽ làm cho thân trở nên sáng bóng và có giá trị. Ai rồi cũng phải chết nhưng sống như thế nào để cho nếu có chết cũng chết một cách có ý nghĩa và giá trị như hoa và nến kia.
Kinh Tăng Chi,[2] Đức Phật dạy:
1. Có những người có mặt trên cuộc đời chỉ để góp mặt làm nặng thêm cho trái đất, chứ không phải có mặt để đóng góp gì cho cuộc đời, dù là chút ít. Họ là những người sống không quan tâm đến ai, không để mắt đến những sự vất vả cực khổ của những người chung quanh, sống biếng nhác nhưng muốn hưởng thụ, muốn được phục vụ. Do họ như vậy, nên cái chết của họ chỉ được xem là vắng mặt chứ không phải là sự mất mát gì cho đời hay cho người.
Người nầy Đức Phật ví như người mù.
2. Có người sống một thời gian tự họ biến họ thành đồ cũ, đồ phế thải, đáng vất đi không xài được, đó là hạng người chỉ sống cho bản thân mình, ham danh thích lợi, tâm lúc nào cũng toan tính hơn thua, sẵn sàng làm những điều bất lợi cho người khác để được việc cho mình.
Những người nầy được ví như người chột chỉ có 1 mắt, chỉ sống và làm tăng trưởng cái tôi cái ta hay bản ngã của họ.
3. Cũng có những người tuy đời sống của họ không dài lâu, nhưng họ lại là đồ cổ, hết sức quý giá, khó tìm trên cuộc đời nầy. Họ là những người biết xây dựng đời sống tinh thần hạnh phúc. Mỗi hành động, lời nói và trong suy nghĩ, họ đều sống trong thiện pháp, trí tuệ và đức hạnh. Họ là tấm gương sáng cho đời, chỗ dựa tinh thần cho người, ai gặp được dù chỉ một lần cũng đều được lợi ích.
Người nầy, Đức Thế Tôn gọi là người với cả 2 mắt đều sáng.
Là đệ tử Phật tử Thế Tôn, tuy ta không thể sống và làm như Thế Tôn hoặc là đồ cổ quý hiếm như chư Thánh Tăng đã cống hiến cho đời cho Đạo cho nhân sanh, thì ít nhất ta cũng sống tốt cho ta để không bị gọi là đến để có mặt để làm nặng thêm cho trái đất đã quá tải nầy hay đến để trở thành đồ cũ bị quăng bỏ, vất đi không còn ai nhớ, tiếc thương. Vì vậy, việc xác định mục tiêu đời sống chính là ‘sống không uổng kiếp làm người.’
3. Lập chí nguyện
Nói gần nói xa chẳng qua nói rõ: Có bao giờ ta khởi lên suy nghĩ, nếu mình nằm xuống dù ngủ hay nghỉ, rất có thể ‘khi nằm xuống rồi sẽ không còn thức dậy nữa!’ Vậy ta hãy tranh thủ khi ta thức, hãy làm những gì tốt nhất cho đời, cho người và cho chính ta.
3.1. Ta sẽ làm gì cho đời?
Hãy biết ơn đời và bảo vệ đời vì đời cho ta không khí để hít thở để sống; đời cho ta nước để ta uống và sinh hoạt; đời cũng cho ta đất để chúng ta đứng vững để xây nhà ở để trồng trọt, sản xuất nuôi sống ta và xã hội; đời cũng cho ta cây xanh để lọc không khí để ta hít thở dễ dàng, để ngăn chặn sự tàn phá của thiên nhiên hay để làm lắng dịu sự nóng bức cho cả thân và tâm chúng ta.
Ta hứa sẽ không làm hại đời.
3.2. Ta sẽ làm gì cho người?
Hãy biết ơn người vì người đã giúp ta trưởng thành hơn trong đời sống và vững vàng hơn trong suy nghĩ, để ta không tạo thêm bất cứ lỗi lầm nào, và để ta được thương yêu và tha thứ.
Có 3 hạng người ta phải thương yêu và cám ơn:
(i) Người luôn bên cạnh giúp ta trong những lúc khó khăn hoạn nạn.
(ii). Người rời bỏ ta trong lúc ta khó khăn. Đừng oán hận họ. Hãy suy nghĩ tích cực: Họ làm như vậy chắc chắn vì có lý do nào đó mà không nói được. Hãy thầm cám ơn họ vì họ giúp ta sẽ trưởng thành hơn lên trong cách đối đãi với mọi người sau nầy. Có những nỗi đau phải kinh qua mới hiểu thấu lòng nhau.
(iii). Người đẩy ta vào tình thế nguy hiểm, khó khăn. Nếu họ cố ý làm tổn thương ta hết lần nầy đến lần khác, cũng đừng oán hận họ, hãy xem họ như một tờ giấy nhám. Giấy nhám khi chà xát sẽ gây đau đớn khó chịu cho ta, nhưng cuối cùng ta sẽ trở nên sáng bóng, ngược lại tờ giấy nhám đó, đến 1 lúc nào đó sẽ hết độ nhám, sẽ bị người quăng bỏ đi.
Ta hứa sẽ yêu thương, không oán trách người.
3.3. Ta sẽ làm gì cho chính bản thân chúng ta để đời sống có ý nghĩa, hạnh phúc?
Luôn tâm niệm tức ghi nhớ, không được quên: Ta còn bao nhiêu lần và bao nhiêu thời gian để yêu thương, để tha thứ, để giận hờn, để hận thù, để tranh giành hơn thua? Và ta được gì từ những lần thắng thua, được mất đó? Phải chăng, ta không được gì ngoài sự tổn hại nặng nề về thể xác, sự tổn thương không thể chữa lành về tinh thần?
Vậy tại sao ta không lập chí nguyện:
(i). Sống không liên hệ, làm bạn với ‘bản ngã’ tức đừng quá xem trọng cái tôi.
Thế gian có câu hãy tránh xa cái xấu cái ác. Cái xấu ác là gì mà cần tránh xa? Đó chính là xem trọng cái tôi cái ta hay còn gọi là ‘bản ngã quá lớn.’
Vì sao người có bản ngã bị xem là xấu, ác?
Vì bao nhiêu khổ não, phiền toái, thậm chí bất hạnh, tai họa ập đến cuộc sống chúng ta từ thiếu suy tư chín chắn về con người mình và từ cái tôi tức bản ngã quá lớn, luôn thấy lòng tự trọng bị người nào đó xâm hại, làm tổn thương hoặc luôn thấy mình tài mình giỏi, luôn ca ngợi mình và khinh thường, mỉa mai người khác. Nếu coi trọng cái tôi cái ta, vị nầy dễ dàng chà đạp chính mình và làm tổn thương người khác.
Đã gọi ‘bản chất’ tốt hay xấu tức không phải tự nhiên mà có, mà do quá trình tích lũy thiện hay ác. Sự tích lũy nầy đến từ những việc làm tốt hay xấu hằng ngày của chúng ta.
‘Làm nhiều thành thói quen.
Thói quen được duy trì thành bản chất’.
Như vậy, bản ngã hay không bản ngã xuất phát từ thói quen được duy trì, lặp đi lặp lại mỗi ngày. Thói quen nầy đến từ năng lượng của tâm. Vì vậy, hãy để tâm là một năng lượng chuyển tải tất cả yêu thương và tha thứ.
(ii). Sống nhiệt tâm và biến ước mơ thiện lành thành hiện thực.
Chúng ta thường chúc cho nhau hạnh phúc và luôn mong điều tốt lành đến với nhau mỗi lần chúng ta gặp nhau. Người dân gian có những câu chúc: ‘Ngàn lần như ý,’ ‘Tết tấn tài, tấn lộc, tấn bình an,’ hay ‘Xuân nầy hơn hẳn mấy xuân qua’…Trong Đạo Phật, tuy câu chúc ngắn gọn, nhưng bao trùm tất cả ước mơ: ‘Vạn sự kiết tường như ý,’ ‘Sở cầu sở ý đều thành tựu,’ ‘Tam Bảo chúng minh lòng thành của các vị’…
Ai cũng được quyền ước mơ, nuôi dưỡng ước mơ nhưng muốn ước mơ thành hiện thực phải hành động ngay trong hiện tại.
Thí dụ muốn có tô mì vì đói bụng, bạn phải vào bếp nhóm lửa nấu mì. Muốn thi đậu Đại học, bạn phải ngày đêm năng ôn giỏi luyện. Muốn hạnh phúc, phải nghe giáo pháp để thấy chỗ nào mình chưa đúng thì sẽ thay đổi để tốt hơn, thì hạnh phúc sẽ đến, v.v…
(iii). Không tranh luận với đời với người, giữ khiêm nhường và biết tha thứ.
Nguyên nhân sâu xa khiến ta có những tâm không thăng bằng, luôn dao động trước những gì đang xảy ra xung quanh, chung quy xuất phát từ tâm tham lam, tính toán, lòng ganh tỵ đố kỵ và tâm keo kiệt nhỏ hẹp của chính ta.
Nếu ta cho rằng đời đem phiền não đến cho mình, thì hãy suy nghĩ tích cực như lời Đức Phật dạy: Đời tranh luận với ta chưa đủ mệt sao mà ta lại muốn tranh luận, đáp trả lại với đời với người?. Như Lai không tranh cãi với đời, đệ tử Như Lai chắc chắn cũng sẽ thực hành như vậy.
(iv). Giữ tâm thăng bằng, ít dao động trước những thăng trầm trong đời sống như được mất, vinh nhục, hạnh phúc khổ đau, khen chê.
Ta thường tự đồng hóa và luôn xem những thăng trầm nầy là của mình, xảy ra cho mình, ôm riêng cho mình, rồi từ đó ta khổ đau thù hận, oán ghét hay xa lánh những người xung quanh. Thật ra, không chỉ riêng mình ta mà cả thế giới luôn tùy chuyển theo những thăng trầm đó vì cả thế giới tùy chuyển theo nhân – duyên và nghiệp. Thăng trầm cũng chính là nghiệp.
Thăng trầm đến hay không đến từ sự ta có làm chủ được các giác quan của ta như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý khi chúng tiếp xúc gặp gỡ các pháp trần như sắc tướng, âm thanh, mùi hương, các vị khi nếm vào, sự xúc chạm thân và cảnh trần, hoặc ý suy nghĩ. Quan sát xem mình có bị chúng dắt dẫn hay mình đang làm chủ chúng, không để bị lôi kéo sai sử tạo nghiệp?
Từ không làm chủ được các giác quan, để sự hấp dẫn của các pháp trần lôi kéo khiến ta chạy theo, rồi hành động, rồi khởi lên vui khi được, buồn khi không được; hay mừng, giận, thương, ghét và mong muốn có được.[3]
Ta cần hiểu rằng, dù là bậc đã vào dòng Thánh hay bậc đa văn đệ tử Như Lai hay người thế gian, khi có mặt trên cuộc đời nầy, tất cả đều phải đối diện trước những thay đổi của đời sống. Tuy nhiên, sẽ có sự phản ứng khác nhau giữa người thế gian và người Phật tử!
-. Người tâm phàm sẽ vô cùng phấn khởi trước những thành công trong việc đạt được lợi dưỡng, danh vọng, tán thán nhưng sẽ phản ứng rất gay gắt, hung dữ và tỏ ra thất vọng khi đối diện với những điều ngược lại mong ước của mình.
Tâm người Phật tử có tu học giáo lý và thực hành giáo pháp, trái lại, sẽ rất bình thản, luôn an trú trong xả ly, không thuận với tán thán khi được khởi lên hay không nghịch với chỉ trích đời dành cho họ.
Tán thán và chỉ trích không liên quan vì đến tâm bậc an trú trong giáo pháp và thực hành con đường Giới – Định – Tuệ. Đệ tử chân chính của Đức Thế Tôn khi đứng trước những thăng trầm, quán tưởng rằng:
(i). Chúng là những pháp thế gian, chúng thuộc về của thế gian nên chúng sẽ có mặt khắp nơi chứ không phải chỉ xảy ra cho riêng mình ta.
(ii). Khi những pháp thế gian nầy tức những ngọn gió nầy khởi lên nơi ta, hãy suy tư chúng là vô thường, chỉ đem lại khổ đau và ta cũng không thể làm gì được.
Khi nào tham, sân, si vẫn bao trùm tâm trí như là yếu tố quyết định trên mọi hành vi, hậu quả tất nhiên luôn là nguy hại. Nói rõ hơn, nếu tất cả hành động của chúng ta không xuất phát từ lòng ganh tỵ tật đố tham, sân, si thì kết quả luôn luôn tốt đẹp.
Từ bỏ thích và không thích, kiên nhẫn chịu đựng không lo âu, không sầu khổ hay oán trách, cuối cùng phần thưởng đáp lại là có được phước lành cao nhất là hoàn toàn tự do khỏi khổ đau ngay trong đời sống hiện tại, không đâu xa.
Đây là đặc thù, đây là thù thắng và đây là sai biệt giữa người đệ tử Phật tử Như Lai và người thế tục. Đây cũng chính là sự thật (Chân lý) thứ 2 mà Đức Thế Tôn dạy chúng ta cần chú ý tức không để những thăng trầm thịnh suy của dời sống làm chao đảo đôi mày chúng ta.
(v). Suy tư về sự có mặt của mình, lo sợ về sự thay đổi mạng căn mà lo tu, lo cứu lấy mình.
‘Ngày nay thời đã qua rồi
Mạng căn huyết mạch lần hồi tiêu hao
Dường như cá cạn ở ao
Khổ thêm thì có chút nào vui đâu?’
Người sống không uổng kiếp người sẽ nỗ lực làm ngưng các ý tưởng lang thang trong đời sống hiện tại. Ý tưởng lang thang chính là những trạng thái tâm hết vui lại buồn, hết cười lại khóc, hết mừng lại giận, v.v… xuất phát từ:
-. Những tiếng khen hay chê trách, chỉ trích của người đời.
-. Từ được hay mất
-. Từ vinh hay nhục
-. Từ hạnh phúc hay khổ đau.
Tuy nhiên, có mấy ai có thể đứng vững hay vượt qua được những ngọn gió nầy? và như vậy, có phải họ vẫn chưa đi trọn vẹn ý nghĩa của kiếp làm người của mình?
Do vô minh che đậy khiến ái dục thúc đẩy con người lao vào cuộc tìm kiếm không ngừng tài sản, tình ái, quyền lực, địa vị và họ kiêu hãnh, tự mãn trước những cái họ đạt được và rồi trở nên vô cùng bất mãn, hận thù khi cái tôi cái ta của họ không được tôn trọng, đáp ứng.
Những người nầy họ không biết rằng họ càng lúc càng đẩy chính họ rơi vào vực thẳm đau khổ triền miên vì không làm ngưng được những vọng tưởng, ý tưởng lang thang về tài sản, về tình ái, về danh lợi, quyền lực, về ăn uống vui chơi. Đời sống hiện tại họ lang thang trong những ý tưởng mà không dừng lại nầy sẽ khiến họ lang thang không định hướng trong tương lai.
Có bao giờ chúng ta dừng lại đủ lâu để suy tư cẩn thận về sự hiện hữu của chính mình? về sự hủy diệt tất cả những nỗ lực do mình làm ra khi chạy đi tìm những nhu cầu phục vụ cuộc sống hay ta có suy tư về những thay đổi hay lo sợ về những thay đổi sau khi chết không?
Câu chuyện 4 hòn núi cao như hư không, từ 4 phương Đông – Tây – Nam – Bắc đang di chuyển đến gần nhau và trên đường đi, chúng chà đạp, đè bẹp tất cả. Một khủng bố lớn khởi lên, sự diệt tận nhân loại khủng khiếp đang xảy ra. Được tái sanh làm người thật khó khăn, nay đứng trước những hiểm họa như thế nầy ta làm được gì, ngoại trừ ta hứa sẽ sống đúng pháp và sống chân chính.
-. Sống đúng pháp tức không còn tham ái và dính mắc, để không bị những thứ như được mất, hơn thua, khen chê, vinh nhục làm rúng động, chao đảo, té ngã và mà được an nhiên tự tại.
Đức Thế Tôn dạy, tâm phàm khi nghĩ đến sự thay đổi sẽ lo rầu, rúng động vì chấp thủ tức sự dính mắc thế giới nầy vì tâm còn nhiều ái luyến và tham đắm. Tâm người chân tu sẽ không lo rầu, không rúng động về những thay đổi do vì không chấp thủ là tôi, của tôi. Nhìn sâu hiểu rộng tất cả chỉ là vô thường vì luôn thay đổi biến dịch. Tất cả chỉ đem đến khổ vì không bao giờ được như ý. Tất cả tự vận hành xoay chuyển ta không thể làm gì được khi chúng vượt quá tầm kiểm soát của tâm.
Chấp thủ lớn nhất đưa đến đau khổ không phải do cha mẹ đem đến cũng không phải do ai, mà do chính sự không tu tập, không quán sát thuần thục pháp của bậc chân nhân, đó là chấp thân và tâm nầy hay chấp năm uẩn bao gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức như là tự ngã, tôi, của tôi. Tin tưởng rằng thân tâm nầy chúng sẽ không biến hoại và không bị xâm chiếm bởi bệnh tật, già nua và chết chóc, sẽ không đổi khác, nhưng khi chúng bị biến hoại, bị tuổi già, bệnh tật xâm chiếm theo định luật nhân – duyên – quả, vô thường, thì tất cả những ưu não sanh khởi, xâm nhập tâm và an trú tâm, từ đó đưa đến sợ hãi, run sợ và vì chấp thủ dính mắc nhiều quá đối với đời sống thế gian (tiền tài, tình ái, quyền lực, ăn uống vui chơi) nên người ấy rúng động. Đức Thế Tôn tuyên bố đó là sự rúng động vì ái dục và chấp thủ.
Muốn không bị rúng động để dính mắc và chấp thủ đối với thế gian, vị ấy nên thường xuyên nhẫm đọc, ghi nhớ và suy tư 4 câu sau đây:
-. Khi nghĩ đến thân tức niệm Thân, biết rõ thân vô thường.
-. Khi nghĩ đến các cảm thọ tức niệm Thọ, buồn - vui biết rõ luôn.
-. Khi nghĩ đến thế giới và trần cảnh là những đối tượng để khởi tâm dính mắc và chấp thủ tức niệm Pháp, vị ấy biết rành pháp có sanh diệt, đến đi.
-. Khi nghĩ đến tâm tức niệm Tâm, vị ấy sẽ không để tâm hướng vọng luông tuồng.
Như vậy, ta có thể tóm 4 câu của bài Kinh Tứ Niệm Xứ như sau:
“Niệm Thân biết rõ sắc vô thường
Niệm Thọ buồn vui biết rõ luôn
Niệm Pháp biết rành sanh diệt pháp
Niệm Tâm đừng để vọng luông tuồng.”
(Ni trưởng Huỳnh Liên)
Một khi pháp ưu não không sanh khởi tức pháp không làm cho tham sân si khởi như sắc tướng, âm thanh, mùi hương, các loại vị, sự gặp gỡ tiếp xúc, và trong tâm ý suy nghĩ…, không xâm nhập tâm và không an trú tâm, lấy đâu có sự sợ hãi, đau buồn, lo âu, bất mãn và vì không còn chấp thủ muốn nắm giữ riêng cho mình vị ấy sẽ không có rung động và sợ hãi. Tâm không rung động thì làm sao có thức đi tái sanh, khổ?
-. Sống chân chính để thấy cuộc sống có ý nghĩa vì mình không làm tổn hại ai, ngược lại mọi người được an ổn khi mình chọn từ bỏ những gì không thuộc về mình như tài sản, tình cảm, danh lợi quyền hạn… hướng đến tu tập làm các hạnh lành, tạo tác các phước báu và công đức
Kết luận
Đạo Phật không phải là một tôn giáo mà Đạo Phật là một tiến trình, một cuộc hành trình giúp mỗi người chúng ta phát triển đời sống của mình từng bước hoàn thiện và ý nghĩa. Đạo Phật chỉ cho chúng ta thực hiện định hướng của mình theo cách đúng đắn để đời sống tốt đẹp và đem lại kết quả an toàn nhưng có ý nghĩa. Có như vậy ta mới thực sự là người hiểu giáo pháp Phật thâm sâu, nghĩa nhiệm mầu như thế nào!
15.9.2021 (Mùng 9.8 Tân Sửu)
Tỳ kheo Ni Phụng Liên
[1] Kinh Pháp Cú Bắc Truyền ĐTK/ĐCTT, N°. 0210 Soạn tập: Tôn giả Pháp Cứu. Hán dịch: Đời Ngô, Thiên Trúc Sa-môn Duy-kỳ-nan. Việt dịch: Thích Đồng Ngộ - Thích Nguyên Hùng. Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 2019. Quyển Thượng, (Gồm 21 phẩm, từ phẩm 1 đến phẩm 21 | 357 bài kệ). Việt dịch: Thích Đồng Ngộ. Phẩm Vô thường, câu kệ số 4.
[2] ĐTKVN, Tăng Chi Bộ Kinh, chương Ba Pháp, phẩm Kusināra, phần Thối Nát (VNC.2005), tr.510.
[3] Đầu tiên do có tiếp xúc XÚC, từ xúc đưa đến cảm thọ THỌ, từ thọ ta có tưởng TƯỞNG, ghi nhớ vấn đề hiện tại, vấn đề đã qua, suy diễn sự việc tương lai…theo cái tôi, ta cái ngã của mình…Từ xúc, thọ, tưởng đưa đến tham ái, vui khi đối tượng vừa ý vừa lòng (thuận) và sân giận, bất bình khi đối tượng nghịch ý, không vừa lòng. Tham ái hay sân hận cùng có thêm những điều kiện khách quan khác tác động sẽ đưa đến đấu đá tranh giành, xua đuổi. Chung quy tất cả đều xuất phát từ lòng ganh tỵ tật đố và keo kiệt của chính tâm ta.
Ban Truyền thông NGHPKS
-----ooOoo-----
BÀI LIÊN QUAN
Ni trưởng Chúng Liên chia sẻ trực tuyến với đề tài Triển khai bốn câu kệ thị chúng của Ni trưởng Huỳnh Liên ( Ban Truyền thông NGKS , 3940 xem)
Ni sư Tín Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Quan niệm về hạnh phúc của Phật ( Ban Truyền thông NGKS , 2660 xem)
Ni sư Hòa Liên chia sẻ trực tuyến với đề tài Tập làm chủ trước sự khen chê ( Ban Truyền thông NGKS , 2288 xem)
Ni sư Kiên Liên chia sẻ trực tuyến với đề tài Lục độ Ba la mật (tiếp theo) ( Ban Truyền thông NGKS , 2224 xem)
Ni sư Trí Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Bát chánh đạo (tiếp theo) ( Ban Truyền thông NGKS , 3828 xem)
Ni sư Tín Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Nước và tâm sân ( Ban Truyền thông NGKS , 2332 xem)
Ni sư Phụng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Hình ảnh Người Phật tử ( Ban Truyền thông NGKS , 3600 xem)
Ni sư Triệu Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Nguồn thực phẩm hàm dưỡng thân tâm (phần cuối) ( Ban Truyền thông NGKS , 2372 xem)
Ni sư Hằng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Thiền và Hơi thở tự nhiên ( Ban Truyền thông NGKS , 4388 xem)
Ni sư Phụng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Cải tiến tự thân, vượt sóng gió ( Ban Truyền thông NGKS , 2712 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ
Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023
Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ