Trang chủ > Lớp Giáo lý
Ni sư Tín Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Những điều quan trọng Phật tử cần biết
Xem: 6578 . Đăng: 23/08/2021In ấn
Ni sư Tín Liên chia sẻ trực tuyến đề tài “Những điều quan trọng Phật tử cần biết”
Ngày 16/8/2021 (nhằm ngày mùng 09/7/Tân Sửu), Ni sư Tín Liên - Giảng sư Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, đã có buổi chia sẻ trực tuyến với đề tài “Những điều quan trọng Phật tử cần biết”
1. Nguyên nhân vì sao Thế Tôn xuất hiện ở đời?
Trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói rằng Ta vì một đại nhân duyên mà xuất hiện ở đời, đó là khai thị chúng sanh, ngộ nhập Phật tri kiến. Đây là nguyên nhân thứ nhất. Ngoài ra, rải rác trong kinh điển của Phật Giáo Nam truyền, còn có một nguyên nhân nữa tại sao Đức Thế Tôn xuất hiện đời. Trong Nikāya nói rằng thời điểm bấy giờ ở Ấn Độ có rất nhiều tôn giáo. Chúng ta thấy ví dụ như trong kinh Phạm Võng số 1 của Trường bộ kinh Đức Phật nêu lên 62 kiến chấp thời bấy giờ, tức là những quan điểm, những suy tư, những con đường làm sao để thoát khỏi sinh tử luân hồi, các suy tư này khác nhau tạo thành những quan điểm khác nhau, tạo thành 62 kiến chấp khác nhau. Trong kinh điển Kỳ Na Giáo thì không phải có 62 kiến chấp mà là trên 90 kiến chấp, tức là lúc bấy giờ ở Ấn Độ có rất nhiều tôn giáo và đạo giáo. Ấn Độ là cái nôi triết học của phương Đông, bên cạnh cái nôi tiết học của Trung Hoa. Thời Ấn Độ cũng là một cái nôi triết học sâu xa lâu đời và từ thời kinh điển bắt đầu xuất hiện, con người ta suy nghĩ về con đường giải thoát kiếp sinh tử. Rất xa xưa, Ấn Độ có truyền thống nghiên cứu nghiền ngẫm về con đường tu tập để giải thoát và mục đích của họ là Phạm thiên, họ nghĩ trong Thiên giới là sung sướng, cảnh giới đó được giải thoát được an lành.
Như vậy thì việc tìm hiểu về con đường tâm linh của các đạo giáo rất là nhiều, vậy vì sao Đức Thế Tôn còn xuất hiện ở đời? Trong những bài kinh, Thế Tôn nói rằng họ như một chuỗi người mù nối lưng nhau, người đi trước không thấy, người đi giữa không thấy, người đi sau cũng không thấy, có nghĩa là các vị đó đi tìm tòi con đường giải thoát, con đường để lên Thiên giới, để sống sung sướng. Nhưng mà người đi trước không thấy, tức là chưa người nào tìm được con đường, phương cách để mình tu tập tạo ra kết quả; cho nên vẫn mù mờ, vẫn tìm tòi. Vì người đi trước chưa tìm thấy con đường nên không thể chỉ dạy cho người tiếp theo, những người tiếp theo cũng chưa tự mình tìm được con đường và như vậy người tiếp theo nữa cũng không tìm thấy con đường. Do vậy, Thế Tôn xuất hiện ở đời để tìm tòi khám phá con đường tu tập, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, chấm dứt phiền não đau khổ của lục đạo và tam giới. Với mục đích đó, Ngài đã tu tập làm gương để mọi người vững niềm tin và từ đó chúng sanh sẽ noi theo phương pháp tu tập của Ngài. Như vậy nguyên nhân thứ hai có thể nêu lên đó là vì chúng sanh lúc bấy giờ chưa có một người nào tìm được con đường giải thoát của sinh tử, chưa biết phương pháp tu tập như thế nào, cho nên Thế Tôn xuất hiện ở đời. Thế Tôn tìm ra con đường tu tập, đích thân tu tập làm gương để chúng sanh noi theo.
2. Thế Tôn đã thấy gì, biết gì, chứng nghiệm gì dưới cội bồ đề mà ngài tự xưng mình là Phật, tuyên bố “sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, sau đời hiện tại không còn đời sống nào khác”?
Có những vị đã tu học rất là tinh tấn nhưng mà có vị nào dám tuyên bố mình đã chứng đắc một cái gì đó chưa? Cho nên câu hỏi này không phải tới bây giờ mà là từ ngày xưa vua Ba Tư Nặc đã đặt câu hỏi này với Đức Thế Tôn. Vào một buổi trưa, vua Ba Tư Nặc đến viếng Phật, ngài thấy 7 vị tu sĩ đang đi ngang qua. Những tu sĩ ngoại đạo này mang những đòn gánh, có người tóc họ quấn kiểu cách, có người móng tay thật dài không cắt, có người râu tóc để dài không cắt, có người ăn mặc rất lạ lùng,… Khi những người tu sĩ ngoại đạo đi qua thì vua Ba Tư Nặc lập tức đứng lên đưa tay lên trán, quỳ xuống xưng tên 3 lần kính bẩm các ngài con là Ba Tư Nặc, vua của nước Kosala, xin chào các vị A la hán. Khi các vị ấy đi qua rồi thì vua Ba Tư Nặc mới hỏi Đức Thế Tôn rằng các vị vừa mới đi qua có phải các vị đã đắc A la hán rồi không. Đức Phật nói rằng các vị đó còn là phàm nhân chưa đắc Thánh quả. Vua Ba Tư Nặc đã hỏi Phật rằng sao con cũng đến lục sư ngoại đạo, các ngoại đạo sư đó là những người đã có tuổi, có đồ chúng rất là đông, có những người đạo cao đức trọng, mà con hỏi các vị đó đã đắc đạo A la hán rồi không thì các vị đều trả lời chưa đắc đạo. Nhưng tại sao Thế Tôn còn trẻ tuổi mà dám tự xưng mình, thời gian Thế Tôn tu tập cũng không lâu, khi thành Phật cũng còn trẻ tuổi? Theo Phật giáo Bắc truyền đức Phật xuất gia năm 19 tuổi, từ lúc tầm sư học đạo cho đến khi thành Phật là 11 năm, Thế Tôn lúc đó được 30 tuổi. Theo Phật giáo Nam truyền, Ngài xuất gia năm 29 tuổi, 6 năm khổ hạnh và khi thành Phật là 35 tuổi. Vậy thì, dù 30 hay 35 tuổi Ngài cũng còn rất trẻ, nhưng tại sao Thế Tôn dám tự xưng là Phật?
Trong Tương ưng bộ kinh, Thế Tôn đã dạy cho vua Ba Tư Nặc có 4 điều chúng ta không thể xem thường, đó là con rắn trẻ, ngọn lửa trẻ, Sát-đế-lị trẻ và Sa môn trẻ. Tức là con rắn nhỏ mình đừng coi thường nó, bao giờ nó cũng có chất độc, dù nó không có chất độc đi chăng nữa thời khi nó cắn cũng làm cho ta đau đớn. Một đốm lửa nhỏ chúng ta cũng không thể xem thường, vì một đốm lửa nhỏ vùi trong tro, âm ĩ trong thời gian lâu và khi gặp bổi mồi nó sẽ ngúng dần, ngúng dần, đủ duyên nó sẽ bén lửa và bùng lên thành ngọn lửa lớn. Sát-đế-lị trẻ là hoàng tử trẻ cũng không thể xem thường, vì khi chúng ta làm một điều gì đó khiến ngài phật lòng, đến một ngày nào đó ông ta lên làm vua, có quyền hành tột đỉnh trong tay, nhớ lại thù xưa hận cũ thì rất nguy hiểm cho chúng ta. Một Sa môn trẻ cũng không thể xem thường vì với sức khỏe tuổi trẻ, nhiệt huyết và quyết tâm thì cũng tu thành Thánh quả.
Khi Thế Tôn còn là Thái tử, Ngài đã suy tư biết cuộc đời là bể khổ nhưng Ngài chưa đủ quyết tâm, chưa đủ nhân duyên... cho đến khi trong quá trình tầm đạo, Ngài đã tìm được khu rừng khả ái, có con sông tươi mát chảy gần, nơi đây không có chợ búa, không quá ồn ào sẽ dễ dàng tu tập, đó là khu rừng Khổ hạnh lâm và con sông ấy tên là Ni-liên-thiền. Thế Tôn đã ngồi dưới cội bồ đề suy tư 7 tuần lễ, cuối cùng ngài đã tìm ra nguyên nhân sanh tử luân hồi của chúng sanh.
Trải bao nhiêu kiếp luân hồi,
Ta đi đi mãi tìm hoài không ra.
Ai là người thợ cất nhà,
Dựng nên kiếp sống, tạo ra cuộc đời.
Hỡi này người thợ kia ơi !
Ta vừa tìm gặp được ngươi đây là.
Từ nay ngươi khỏi cất nhà,
Những sườn cùng nóc ta đà phá tan.
Như Lai đã chứng Niết bàn,
Tận trừ ái dục vào hàng Vô sanh.
(Kệ Khải Hoàn - Ni trưởng Huỳnh Liên)
Trong Kinh Chuyển Pháp Luân, Thế Tôn nói rằng: “Này các Tỳ-kheo, đây là Thánh đế về Khổ tập (nguồn gốc của khổ) mà các Bậc Thánh nên biết: Đó chính là ái này đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia. Ái này là gì ? Ái có ba loại, đó là dục ái (kāma taṇhā), mong muốn hưởng thụ các dục lạc; hữu ái (bhava taṇhā), khát khao sự hiện hữu vĩnh hằng; và phi hữu ái (vibhava taṇhā), khát khao sự không hiện hữu, hay tin rằng không còn gì sau khi chết. Ba loại ái này là sự thực về nguồn gốc của khổ hay Tập Đế.”
Chơn lý thứ hai là Tập đế,
Nguyên nhân ái dục đắm phù hoa,
Nguyên nhân ái dục mê đời sống,
Ái dục triền miên cõi ái hà.
(Tứ Diệu Đế - Ni trưởng Huỳnh Liên)
Như vậy, điều mà Thế Tôn đã tìm thấy ở dưới cội bồ đề là vô minh và ái dục (Tập đế). Ví như người bác sĩ tìm ra con vi trùng thì mới có thể chế ra thuốc để con trị vi trùng. Cũng vậy, Thế Tôn đã tìm ra phương pháp đoạn tận vô minh ái dục trong tâm của mình, đó là con đường Bát chánh đạo gồm có tám ngành: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định; nói gọn là Giới Định Tuệ, phát triển rộng ra là 37 phẩm trợ đạo. Trong quá trình tu tập, Thế Tôn nhìn thấy vạn pháp là vô thường khổ và vô ngã. Muốn thấy được như vậy, đòi hỏi mình phải có Tuệ thật sáng và thật sắc, để có Tuệ thời tâm mình phải định, như chén nước bùn để yên thì cặn mới lắng xuống, tánh trong của nước mới hiện ra. Tánh trí tuệ của mình cũng vậy, nếu tâm mình lao xao thì như chén nước bị lay động, nước trở nên đục và không nhìn thấu đáy được. Trí tuệ muốn phát triển phải dựa trên nền tảng tâm định, tâm định thì tất cả các phiền não sẽ lắng xuống, tinh thần sẽ sáng ra, trí tuệ mới phát huy diệu dụng của nó. Lúc đó mới nhìn thấy cái hơi thở này, cái cảm thọ này, cái tâm mới hiện ra, nó sanh rồi nó diệt, nó là vô thường. Và mình thấy trong thân ngũ uẩn này, danh điều khiển sắc, cái tâm điều khiển thân, tâm ra lệnh cho thân làm theo, cái miệng nó nói, cái chân nó đi. Như vậy trong cái thân này có hai phần đó là danh và sắc.
Trong quá trình tu đó, Thế Tôn cũng nhìn thấy vòng xoay của Mười hai nhân duyên. Do vô minh chúng sanh tạo nghiệp trong quá khứ và do tạo nghiệp mà có thức tái sanh, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc (có chúng sanh được hiện hữu), danh sắc bắt đầu phát triển thành lục nhập (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), bắt đầu có xúc, có ái, có thủ, có hữu, hữu là nghiệp hiện tại sẽ dẫn chúng ta đến sanh lão tử. Như vậy thì khi chúng ta còn hữu là còn nghiệp hiện tại, vẫn còn tái sanh và lão tử ở kiếp sau. Thế Tôn thấy rằng nếu vòng xích này chúng ta cắt cái khâu vòng Ái trong 12 nhân duyên này thì giống như bánh xe bị cắt đứt đi một khâu, sẽ không còn lăn nữa và nó sẽ dừng lại. Do đó, Thế Tôn đã cắt đi vô minh - ái dục để vòng xích 12 nhân duyên này không còn xoay nữa, nên nói sanh đã tận phạm hạnh đã thành và Thế Tôn thấy được nhân quả nghiệp báo của chúng sanh. Như vậy Thế Tôn đã tìm ra Tập đế trong Tứ Diệu Đế.
3. Mục đích chúng ta theo đạo Phật để làm gì?
Chúng ta tiến tới đạt trạng thái Niết bàn, thoát khỏi kiếp sinh tử luân hồi, thoát khỏi tù nhân của lục đạo, trăm dây phiền não trói buộc chẳng rời.
Đức Phật dạy cho chúng sanh biết đâu là hạnh phúc chân thật, hạnh phúc chân thật không nằm trong tiền tài vật chất, hạnh phúc nằm trong lĩnh vực tinh thần, dù là hạnh phúc hay đau khổ đều thuộc về phần tâm linh. Cho nên người biết đủ thì nằm trên đất cũng thấy an vui, còn người không biết đủ thì ở Thiên đàng vẫn chưa vừa ý.
Đức Phật dạy cho mình biết đâu là tình thương chân thật, đó không phải là tình thương trói buộc của thế gian mà là tình thương trong tâm từ bao la.
Điều quan trọng nhất mà Thế Tôn dạy ta là con đường tu tập để mình dần dần chuyển phàm ra Thánh, cuối cùng đạt thành A la hán quả, giải thoát khỏi sanh tử.
Như vậy thì mình theo đạo Phật để giải thoát khỏi sanh tử, nhưng trên con đường giải thoát sanh tử có những nấc thang, đó là nhờ ta biết hạnh phúc thế gian là tạm bợ, chỉ có tinh thần không bị trói buộc, không bị sai sử bởi tham, sân, si mới đem lại hạnh phúc chân thật và tốt đẹp cho mình. Chúng ta phải tạo nghiệp tốt lành mà muốn tạo nghiệp tốt lành thì phải giữ giới. Do vậy chúng ta phải tập chánh niệm theo Phật, tâm của chúng ta mỗi ngày sẽ trong sạch hơn.
Khi chúng ta tu tập theo lời Phật dạy, ngay hiện tại tâm phiền não của chúng ta sẽ được gột bớt dần, nhờ mình chánh niệm mà giảm tham, giảm sân, giảm si. Người có giữ giới sẽ tạo ra được thiện nghiệp, khi tạo được nhân tốt thì sẽ được quả tốt, hưởng ngay trong hiện tại chứ không phải ở tương lai. Người tu Thập Thiện sẽ được những lợi ích sau:
- Thứ nhất, cải tạo được thân tâm.
- Thứ hai, cải tạo được hoàn cảnh sống.
- Thứ ba, chánh nhân thiên giới.
- Thứ tư, căn bản Phật quả.
Chúng ta trên nền tảng giữ Giới, tu Định thì Tuệ phát sanh và sẽ giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
4. Phương pháp đức Phật dạy chúng ta tu là gì ? Chúng ta đang tu theo pháp môn nào?
Đó là con đường Giới Định Tuệ, phát triển ra là con đường Bát chánh đạo, phát triển ra nữa là 37 phẩm trợ đạo. Đức Thế Tôn nói nơi nào không có Bát chánh đạo, nơi đó không có vị chứng Sơ quả, Nhị quả, Tam quả và Tứ quả; nơi nào có Bát chánh đạo, nơi đó có vị chứng Sơ quả, Nhị quả, Tam quả và Tứ quả.
Tóm lại, qua bốn câu hỏi căn bản dành cho những người con Phật, chúng ta cần phải biết, ghi nhớ và suy tư để tu tập đạt được kết quả thoát khỏi sanh tử luân hồi như Phật không khác.
Ban Truyền thông NGHPKS
-----ooOoo-----
BÀI LIÊN QUAN
Ni sư Trí Liên giảng Bát chánh đạo cho Lớp giáo lý trực tuyến ( Ban Truyền thông NGKS , 9184 xem)
Ni trưởng Xuân Liên chia sẻ trực tuyến chủ đề Bốn pháp an lạc ( Ban Truyền thông NGKS , 7544 xem)
Ni sư Triệu Liên chia sẻ trực tuyến chủ đề Nguồn thực phẩm hàm dưỡng thân tâm (tiếp theo) ( Ban Truyền thông NGKS , 6296 xem)
Sư cô Thảo Liên chia sẻ trực tuyến với đề tài Văn tư tu trong mùa dịch ( Ban Truyền thông NGKS , 5812 xem)
Ni sư Tín Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Nghiệp ảnh hưởng đến con người như thế nào ( Ban Truyền thông NGKS , 8516 xem)
NS. Thích Nữ Tuệ Liên thuyết giảng: “Giới thiệu khái quát Kinh Vô Ngã tướng” ( Ban Truyền thông NGKS , 11136 xem)
Ni sư Tín Liên chia sẻ trực tuyến đề tài “Làm thế nào để vượt thoát khổ hiện tại và tương lai ?” ( Ban Truyền thông NGKS , 7580 xem)
Ni sư Triệu Liên tiếp tục chia sẻ chủ đề Nguồn thực phẩm hàm dưỡng thân tâm ( Ban Truyền thông NGKS , 7512 xem)
Ni trưởng Chúng Liên chia sẻ trực tuyến đề tài Sám hối là cách chuyển nghiệp tốt nhất ( Ban Truyền thông NGKS , 11136 xem)
Ni sư Tuệ Liên chia sẻ trực tuyến Ý nghĩa sám hối trong Phật giáo ( Ban Truyền thông NGKS , 14308 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng