Trang chủ > Lớp Giáo lý

Ni trưởng Xuân Liên chia sẻ trực tuyến chủ đề Bốn pháp an lạc

Tác giả: Ban Truyền thông NGKS.  
Xem: 8442 . Đăng: 18/08/2021In ấn

 

Ni trưởng Xuân Liên chia sẻ trực tuyến chủ đề Bốn pháp an lạc

 

Giữa những căng thẳng lo âu của muôn người, bao muộn phiền sợ hãi, khắc khoải khi ngoài kia dây giăng tứ phía, tiếng còi hú thâu đêm, kiếp sống thế nhân leo lét như ngọn đèn thiếu dầu được thắp lên giữa trời mưa bão, thì người con Phật cần lắm sự điềm tĩnh nội tâm, an yên trong cuộc sống. Hiểu rõ sự bức thiết đó, tối ngày 15/8/2021, Ni trưởng Xuân Liên - Giảng sư Ni giới Hệ phái Khất sĩ, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Tuệ, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã có bài thuyết pháp trực tuyến đến chư Ni trẻ, đông đảo Phật tử khắp mọi miền đất nước và một số ở hải ngoại. Với chủ đề Bốn Pháp An Lạc, Ni trưởng mở đầu bài pháp bằng sự nhấn mạnh rằng biển Phật pháp mênh mông, chỉ những ai đến mới thấy, thực hành mới thực chứng được Pháp bảo vi diệu, thâm sâu. Trong đó, bốn pháp khiến chúng ta an lạc đó là chân thật, điều phục tâm, nhẫn nhục và buông xả.

 

 

 

 

  1. Chân thật:  Không hư dối, không quanh co.

Trên lộ trình tu tập, sự chân thật rất cần thiết đối với hành giả, nó là nấc thang đầu tiên đưa chúng ta tiến đến an lạc, bước vào dòng Thánh Quả. Bởi vì sao? Vì nếu chúng ta không có tâm chân thật, lời nói chân thật, hành động chân thật thì dù tu suốt đời cũng không thành tựu được quả vị gì, vì rằng đạo Phật là đạo tôn trọng sự thật. Thậm chí trong một gia đình, trong cộng đồng tương giao với nhau, nếu không có sự đối đãi chân thật thì gia đình đó không phải là gia đình đạo đức, cộng đồng đó không phải là cộng đồng hạnh phúc. Cuộc đời đau khổ chỉ vì tâm con người không ngay thẳng lừa dối lẫn nhau, không còn ai tin ai được. Tỷ dụ một lần chúng ta nói dối, người khác biết được, lần sau sẽ không tin mình nữa, vì người đó đã mất niềm tin với mình rồi. Ông bà ta có câu “Nhất ngôn bất trúng, vạn sự bất thành”, chỉ cần một lần nói dối thôi, muôn sự đều thất bại. Nói lời không chân thật thuộc về giới thứ tư trong Năm giới của cư sĩ tại gia mà đức Phật đã dạy, giới là để bảo vệ mình không sai phạm tạo nghiệp bất thiện, chứ không phải giới để ràng buộc.

Để cho Phật tử dễ hiểu, Ni trưởng đã kể câu chuyện cậu bé chân thật cố gắng gieo hạt giống đã bị luộc chín và ôm chậu đất đến khóc lóc trước bệ rồng. Nhà vua và Hoàng hậu hết sức xúc động vì đã tìm ra được cậu bé chân thật trong khi hàng trăm cậu bé khác vì muốn làm Thái tử đã gian trá thay thế hạt giống đã nhận bằng hạt giống khác nên trổ hoa xinh trái đẹp thật lung linh, lộng lẫy. Do đó, chân thật chính là pháp an lạc đầu tiên cần tu tập, vừa rèn luyện thân tâm của mình vừa giúp khẳng định giá trị của bản thân, giúp mình được nhiều thuận duyên trong cuộc sống.

  1. Điều phục tâm: điều phục tâm không phải đơn giản, vì tâm thuộc danh pháp, chỉ có thể cảm nhận chứ không nhìn thấy hình tướng. Đệ Nhất Cố Ni trưởng có dạy rằng:

“Tuy không thấy ý chỗ nào,

Nhưng khi động tác ý xao ra ngoài.”

Ý ở đây tức là tâm. Tâm không hình tướng nên không thấy, chỉ khi có hành động bằng thân hay khẩu thì khi ấy ta mới thấy cái tâm đang hiện hữu. Bởi vậy, việc tu tập rất quan trọng, hành thiền thì trí tuệ mới phát sanh:

“Hành thiền trí huệ phát sanh,

Bỏ thiền trí huệ mong manh điêu tàn.

Biết rồi đắc, thất nguy an,

Tiến tu thiền định gia tăng trí mầu.”

 (Pháp cú 282)

Điều phục tâm trước năm dục của cuộc đời là điều trọng yếu. Cũng giống như điều phục tâm mình trước chùm nho treo trên miệng giếng, chùm nho ví cho năm dục, miệng giếng là sự nguy hiểm. Nếu biết kiềm chế được tâm mình thì sẽ không rơi vào sự nguy hiểm nữa cũng tức là kiềm tâm, dạy tâm, thắng tâm. Người xuất gia nếu biết điều phục tâm thì sẽ biết thiểu dục tri túc, không đắm chìm trước những thú vui thế trần như ăn ngon, mặc đẹp, ngủ ngon, tiền tài, danh vọng. Đức Phật dạy rằng việc dạy tâm nên tiến hành thông qua việc tu tập, chánh niệm, tỉnh giác, khi bất thiện vừa khởi lên liền thấy nó, quán chiếu nó để chuyển hoá nó.

Như câu chuyện chú tiểu Sukha - đệ tử tôn giả Xá Lợi Phất, thấy người đang dẫn thủy nhập điền, thợ làm tên đang uốn tên, thợ mộc đẽo bánh xe v.v… mà tự điều phục được thân tâm và đắc quả A-la-hán qua tích truyện Pháp Cú 145:

Người trị thủy dẫn nước,

Kẻ làm tên uốn tên,

Người thợ mộc uốn ván,

Bậc trí biết tự điều.

Đó là pháp an lạc thứ hai mà người đệ tử Phật cần luôn ghi nhớ và thực hành thường xuyên.

  1. Nhẫn nhục: Nhẫn nhục là một hạnh rất quan trọng và cần thiết đối với bất cứ ai muốn làm nên việc lớn. Và trong tu tập cũng vậy, hạnh nhẫn nhục là hạnh tu rất căn bản và không thể thiếu đối với những ai muốn thành tựu đạo nghiệp, muốn thăng tiến trên con đường tâm linh, trí tuệ, đạo đức. Vậy Nhẫn nhục là gì?

Nhẫn là nhịn, là chịu đựng. Nhục là sỉ nhục, là sự tổn thương, thiệt thòi, tổn giảm. Vậy nhẫn nhục chính là khả năng chịu đựng, nhịn chịu trước những điều bất như ý của cuộc sống mà không đau khổ hay than van, luôn giữ tâm bình thản bất động trước mọi hoàn cảnh đưa tới. Nhẫn nhục là một chi pháp trong Lục độ Ba la mật gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Vì vậy chúng rất quan trọng với những ai muốn thành tựu trên con đường hành Bồ Tát Đạo. Kinh Di giáo dạy:

Nhẫn nhục đức cao vợi,

Hơn tất cả công năng,

Dù khổ hạnh trì giới

Cũng không thể sánh bằng.

(Đệ Nhất Cố Ni trưởng dịch)

Công đức nhẫn lớn hơn công đức Trì giới” Vì sao lớn hơn? Vì bao lâu nay mình giữ giới không làm tổn hại đến ai, không làm chúng sanh đau khổ dù là loài bò bay máy cựa, tạo biết bao công đức lành, nhưng bất thần có ai nói chạm tự ái, mình nổi sân lên, cái sân này đốt hết cả rừng công đức mà lâu nay mình đã cố gắng gieo trồng.

Phật xưa có dạy mấy lời:

“Thửa rừng công đức một đời trồng gieo.

Lửa sân nổi dậy đốt thiêu,

Như chim mất cánh, như diều đứt dây”.

Công đức nhẫn lớn hơn công đức trì giới là thế. Biết nhẫn nhục là biết dừng nghiệp nhân quả xấu, không tạo nghiệp mới, nhân đã không gieo làm gì có quả? Ngược lại nhân đã gieo rồi thì khi đủ duyên quả sẽ trổ sanh.

Nhịn được những điều mà người khác không thể nhịn được, dung được những điều mà người ta không thể dung được thì phải biết là người nầy độ lượng hơn người, kiến thức hơn người, điềm tĩnh hơn người, mới làm nổi. Cổ nhân dạy rằng: “Nuốt được cái cay đắng trong cái đắng cay mới làm được hạng người trên loài người”. Thật đúng như kinh nói: “Người có thể hành hạnh nhẫn nhục kiên trì là một người trượng phu thật sự” hay “Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu” vì sự nhẫn nhục đối trị với tâm sân, ngăn ngừa ác pháp trong hiện tại và chiến tranh trong tương lai. Như cánh cửa sổ được mở ra để đón gió mới vào, cũng vậy, tâm chúng ta mở cửa độ lượng đón nhận sự đúng đắn lẫn sai trái của mọi người thì mới đáng quý. Đây là pháp an lạc thứ ba Phật tử cần phải tu tập.

  1. Hạnh buông xả:  Lìa bỏ, không bám chặt vào, không dính mắc. Danh từ Phật học gọi là không chấp trước.

Vì mọi sự vật đều vô thường, vô ngã không có thực thể, nếu bám chặt vào, chúng ta đã gởi cả cuộc đời hạnh phúc của mình vào những điều hư huyễn thì nhất định thất vọng và khổ đau. Trước nhất buông bỏ đối với cư sĩ tại gia có nghĩa là bố thí – cúng dường đóng góp công ích, giúp đỡ người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, in kinh ấn tống sửa cầu bồi lộ, xây cất chùa chiền v.v…Trích một phần tài sản của mình làm những việc đáng làm, đó là người biết tu tập tánh không bỏn xẻn. Phật tử biết tu tập, có chánh kiến sẽ thấy được thân nầy chỉ tạm bợ, vật chất cũng tạm bợ. Tài sản của cải rất vô thường, nó chỉ tồn tại với người có phước đức, người thiếu phước đức tài sản sẽ đội nón ra đi. Người thực hành hạnh bố thí, giúp đỡ những người đáng giúp, đóng góp những việc đáng làm, lòng từ bi trí tuệ tăng trưởng, thì tâm tham lam ích kỷ sẽ tự đoạn diệt.

Ni trưởng dẫn chứng bài kinh Phạm Võng, đức Phật dạy chư Tỳ kheo không nên cố chấp, bám víu vào những lời khen tiếng chê dù đó là lời khen ngợi hay chê trách bậc Đạo sư tôn quý của mình. Trong cuộc sống tại gia, người Phật tử không nên lắng nghe rồi đau khổ bởi những lời xuyên tạc, nói xấu hay chửi mắng của người khác mà phải biết buông xả, giữ tâm an tịnh, bất động trước những lời gió thoảng mây bay.

Tóm lại, trên lộ trình tu tập mỗi ngày chúng ta chạm trán với biết bao vấn đề. Nếu chúng ta biết sống chân thật nói lời chân thật, chính là chúng ta đã đem lại niềm tin và an lạc cho mọi người. Sự chân thật là nền tảng, là nấc thang tiến tu đạo hạnh, trang nghiêm giới thân, điều thân trang nghiêm rồi chúng ta tiến qua lãnh vực điều tâm, tức là phương pháp thứ hai dạy tâm, kiểm soát tâm mình, bởi vì tâm rất quan trọng, tâm chứa nhóm đủ hai loại hạt giống xấu và tốt, tâm có khả năng đưa ta đến hạnh phúc cũng có khả năng đưa ta đến khổ đau cùng cực. Dạy tâm hay điều tâm tức là phương pháp giúp ta gạn lọc, tư duy nhằm chuyển hóa tâm, từ tiêu cực đến tích cực. Pháp an lạc thứ ba đó là Nhẫn nhục, là pháp đối trị lòng sân. Trong một gia đình biết nhẫn nhịn, tha thứ nhau nhất định sẽ đạt được hạnh phúc; trong xã hội biết thông cảm, biết hiểu nhau, xã hội đó bình yên không tranh chấp. Pháp an lạc cuối cùng là Buông Xả, quán chiếu lời nói trái tai, nghịch lòng là không thật, tâm chúng ta sẽ nhẹ nhàng hạnh phúc.  

Ni trưởng nhấn mạnh rằng: Thật ra, hạnh phúc rất đơn giản, hạnh phúc trong tầm tay của mỗi người. Chỉ cần mỗi hành động, ta đều có chánh niệm, tất nhiên là ta sẽ có hạnh phúc an lạc ngay trong giây phút này. Hạnh phúc trong từng hơi thở, trong từng bước đi và trong từng nụ cười. Nếu ta biết sống trong tỉnh thức, thì lúc nào và ở đâu, ta cũng có được cuộc sống hạnh phúc. Chúc tất cả có một buổi tối an lành.

 











 










 

Ni trưởng Xuân Liên

-----ooOoo-----

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 41 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Long (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai)

THÔNG BÁO Khóa tu Truyền thống lần thứ 41 Do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức từ ngày 11/3 - 17/3 năm Ất Tỵ (08 - 14/4/2025) tại Tịnh xá Ngọc Long (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).

Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ