Trang chủ > Đức Tổ Sư > Bài Viết

Quan điểm của đức Phật và Tổ sư Minh Đăng Quang về con đường tu tập

Tác giả: Ni sư Tín Liên.  
Xem: 11526 . Đăng: 18/12/2014In ấn

 Quan điểm của đức Phật và Tổ sư Minh Đăng Quang về con đường tu tập

Ni sư Tín Liên

 

Con đường tu tập đạt cứu cánh giải thoát được trình bày trong Pali tạng

Ngay trong bài kinh Chuyển Pháp Luân đầu tiên cho 5 anh em Kiều Trần Như tại Lộc Uyển, Đức Phật đã giảng về Tứ Diệu Đế, bốn sự thật bất di bất dịch của cuộc đời, đó là: chân lý về Khổ, chân lý về nguyên nhân của Khổ, chân lý về sự Diệt Khổ (Niết Bàn) và chân lý về con đường đưa đến Diệt Khổ. Nguyên nhân của khổ là ái dục.[1] Ta cũng có thể nói nguyên nhân của khổ là do vô minh và ái dục qua lời cảm thán của Đức Thế Tôn ngay giây phút đầu tiên khi vừa đắc đạo như được ghi chép trong Kinh Pháp Cú:

“Lang thang trong vòng luân hồi vô lượng kiếp, ta tìm mãi không gặp kẻ làm nhà. Ôi! Lập đi lập lại đời sống quả thật là phiền muộn! Nầy kẻ làm nhà kia, nay Như Lai đã tìm gặp ngươi. Từ nay ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng lên cũng bị ta phá tan. Như Lai đã chứng quả vô sanh bất diệt. Như Lai đã tận diệt mọi ái dục”.[2] Cây đòn dông của ngôi nhà ngũ uẩn chính thực là “vô minh”, và kẻ làm nên ngôi nhà ngũ uẩn của chúng sanh là “ái dục”.

Do vô minh và ái dục mà vòng xích 12 nhân duyên cứ chuyển xoay làm thành nhân quá khứ, quả hiện tại, nhân hiện tại, quả vị lai, đời sống tương tục. Cắt đứt một mắt xích là vòng xích bị bung ra và vòng xoay ngừng lại.[3] Ở đây Phật nhắm vào đoạn tận ái dục. Nó là đầu mối của sinh tử. Qua rất nhiều bài kinh trong Đại Tạng, Phật đã nhấn mạnh vị ngọt của dục, sự nguy hiểm của dục, sự xuất ly khỏi dục, và con đường đưa đến sự xuất ly khỏi dục.[4]

Vị ngọt của dục làm chúng sanh cảm thấy lạc thú, thích thú, hạnh phúc. Sự nguy hiểm của dục là sự đam mê, say đắm và dính mắc của chúng sanh, sự tạo nghiệp bất thiện vì sự đam mê say đắm đó. Xuất ly khỏi dục hay sự đoạn tận dục, nhất là ái dục, là mở tung vòng xích 12 nhân duyên, chấm dứt sinh tử luân hồi (Niết Bàn). Và con đường đưa đến sự xuất ly ấy là con đường Giới – Định – Huệ, Bát Chánh Đạo, hay 37 Phẩm Trợ Đạo.

Con đường Giới – Định – Huệ hay Bát Chánh Đạo nầy là con đường duy nhất và nhất quán trong suốt cuộc đời thuyết pháp độ sanh của Đức Thế Tôn. Cho đến trước khi nhập Niết Bàn, Đức Phật một lần nữa khẳng định với du sĩ ngoại đạo Subhadda, người đệ tử xuất gia cuối cùng rằng, “chỉ trong giáo pháp nào có Bát Chánh Đạo, nơi ấy mới có người chứng đắc Sơ quả, Nhị quả, Tam quả và Tứ quả. Bằng ngược lại thì không”.[5] Đây là con đường đã có tự ngàn xưa chư Phật quá khứ đã đi qua, đã hành trì và chứng ngộ.[6] Nay Đức Như Lai khám phá ra, tuyên bố và phơi bày ra cho tất cả chúng sanh để đi theo con đường Phật đi, hành theo những điều Phật hành và sẽ chứng đắc quả vị giải thoát y như Phật không khác.

So sánh đường hướng tu tập được đức Tổ Sư tự thân hành trì và dẫn dắt chư Tăng Ni hệ phái Khất Sĩ như được trình bày trong Chơn Lý, với những lời dạy của Phật về con đường tu chứng của một vị Tỳ-kheo, tức là con đường Giới – Định – Huệ hay Bát Chánh Đạo, thực sự không khác nhau. Cho nên trong Chơn Lý III, quyển 56, tr. 368 đức Tổ Sư đã khẳng định: “Khất Sĩ chúng tôi tập nối truyền chánh pháp của Phật Thích Ca Mưu-Ni, xuất hiện nơi xứ Việt Nam nầy, với mục đích cố gắng noi y gương Phật, thay Phật đền ơn và để đáp nghĩa chúng sanh trong muôn một...”. “Đoàn Du Tăng Khất Sĩ là chúng sanh chung, có ra do nhân duyên, y theo chơn lý vũ trụ, để tiến đến Niết Bàn, là con đàng đạo đức, không đứng nơi nhơn loại, cũng chẳng ở giữa thiên đường, không phải nhận riêng mình là gia đình, xã hội, thế giới chủng loại nào. Mục đích giải thoát, chánh đẳng chánh giác, sống chung tu học cho mình và tất cả, mong đem lại Niết Bàn hiện tại, hơn là cảnh nhơn loại”.[7]

Quan điểm của đức Tổ sư Minh Đăng Quang về đường hướng tu tập

Lời tuyên bố trên của Đức Tổ Sư[8] có thể xem như là tông chỉ và mục đích của hệ phái Khất Sĩ. Điều nầy có thể được tóm tắt như sau:

- Tôn chỉ của Hệ phái Khất Sĩ là: “Nối Truyền Thích Ca Chánh Pháp”.

- Với mục đích: Đạt chánh đẳng chánh giác, quyết đến nẻo giải thoát hoàn toàn”[9].

- Đường hướng tu tập: là Giới – Định – Tuệ hay Bát Chánh Đạo.

Đường hướng này được đức Tổ sư hoạch định cụ thể như sau:

(i) Chư Tăng Ni Khất Sĩ sống chung tu học trong tập thể Tăng Già: Cái sống là phải sống chung, cái biết là phải học chung, cái linh là phải tu chung.[10]

(ii) Đức Tổ Sư chú trọng pháp hành hơn pháp học, nhưng vẫn khuyến khích chư đệ tử học chơn lý của vũ trụ, học hết thảy các pháp. (CL.I, tr. 273-5). Tổ nói rằng: “Người Khất Sĩ phải là người có thật học, phải đủ đức hạnh, phải có chơn tu mới được gọi đúng danh từ Khất Sĩ”. [11]

Học đây không phải chỉ riêng học chữ nghĩa văn tự, mà học đầy đủ văn - tư – tu, học trong mỗi hành động, hoàn cảnh sống, học ở mọi người, mọi nơi, học với tất cả chúng sanh, vạn vật. Người Khất Sĩ tạm sống xin ăn tu học đi ngay chơn lý chẳng chút lãng xao, không màng khổ nhọc. Chính Phật là Vô thượng sĩ, là ông thầy giáo có sự học không ai hơn! “Học để tu”; “Đạo Phật do chỗ hành mà giác ngộ, chớ không phải nơi cái học mà đắc”. Tổ nói:“Hành đạo là đắc đạo chớ học đạo chưa có đắc đạo đâu. Học là biết đặng tu hành, chớ phải đâu học là để học, học mãi cho điên, cho chán, cho chết, cho hết thì giờ, tự vận”. [12]

Như vậy Tổ rất chú trọng pháp hành song song pháp học. Trong Kinh Pháp Cú (kệ 19-20), Đức Phật dạy rằng:

“Tụng nhiều hành chẳng theo kinh

Thì phần lợi ích dễ thành tựu cho

Khác nào những kẻ chăn bò

Đếm bò cho chủ, sữa bơ không dùng.”

“Tụng ít hành đúng theo kinh

Thì phần lợi ích sẽ thành tựu cho

Dứt phiền não, dứt âu lo

Tịnh thanh giải thoát cơ đồ sa môn.”

Cổ đức cũng có câu:

“Tu mà không học là tu mù

Học mà không tu là cái tủ đựng sách.”

Cho nên, “mặc dầu các sư tuy ít học mà cái học chín chắn bằng sự tham thiền, học đến đâu tu hành theo kịp đến đó, chẳng là có kết quả hơn cái học mênh mông. Vả lại học tuy được mà chưa hành được, thì chắc gì ai dám tin trọn lời nói đó; tài học không bằng tu đức, đức trên tài dưới, tài đức phải nương nhau mới đặng... Ngày xưa ít học mà nên nhiều, ngày nay học nhiều mà nên ít, là cũng bởi trọng học tài quên tu đức,....Đạo Phật ngày nay không còn cao quý, là bởi tăng già suy kém, vật chất thạnh hành”.

(iii) Ngài bài bác việc phân chia Tiểu Thừa, Đại Thừa: “Chỉ có Giới, Định, Huệ là phải tu học, chớ không có thừa gì cả”. Vì mục đích của người tu sĩ là đắc đạo, giải thoát chớ không phải để đạt danh xưng hư vọng.

Do vậy Tổ hết sức chú trọng hành trì Thiền Định.

Trong thời khóa tu học, mỗi ngày có ba thời Thiền như lời Phật dạy: Nếu ai hành thiền mỗi ngày 3 lần thì phiền não sẽ ít có cơ hội xâm nhập được.

(iv) Tổ tán thán hạnh trì bình khất thực, đời sống du phương, hành trì Tứ y pháp để làm gương giáo hóa chúng sinh, để cho người tập hạnh bố thí, vừa diệt trừ bản ngã, tham sân si của chính mình, gieo duyên cùng mọi người, tự lợi – lợi tha, tự giác – giác tha.

Đây là một hạnh cao quý, là truyền thống của chư Phật ba đời, cần phải duy trì và phát huy. Nhưng ngày nay không phải vị Tăng Ni nào cũng hiểu trọn vẹn ý nghĩa thâm sâu của hạnh trì bình khất thực. Do vậy vị tu sĩ hành Tứ Y Pháp hoặc hành hạnh trì bình phải là những người đạo hạnh đáng kính, tiêu biểu cho một trong ba ngôi Tam Bảo cao thượng, xứng đáng là tòng lâm mô phạm, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho đồng bào Phật tử.

Ngày nay, trong tình trạng thực tế của Việt Nam, nhất là tại TP.HCM cũng như ở các tỉnh, thành phố lớn, việc đi trì bình khất thực đã không được duy trì; hoặc còn nhưng bộc phát cá lẻ, không có tính cách tổ chức tập thể. Chính trong tư tưởng của lớp tu sĩ trẻ ngày nay, pháp hành trên dường như xa lạ và khó thực hiện.

Một số điều cần quan tâm

Khi Tổ Sư còn hiện diện, hệ phái Khất Sĩ là một khối đoàn kết thống nhất dưới sự dìu dắt và chỉ dạy của Tổ. Qua dòng thời gian, theo qui luật phát triển, chư Tăng đã phân chia thành 6 giáo đoàn để dễ quản lý, vô hình chung tình trạng này có thể rơi vào tình trạng nội bộ không thống nhất về cách tổ chức và cách hành trì, chư Ni cũng không còn một khối thống nhất như lúc xưa. Âu đó cũng là lẽ tất nhiên của quy trình phát triển tổ chức, nhưng mong làm sao Tăng đoàn vẫn gắn bó và giữ được hoà hợp như nước với sữa như thuở ban đầu. Nghi thức tụng niệm của chư Tăng và Ni và trong mỗi tịnh xá cũng đã đến lúc cần phải thống nhất. Các khóa lễ cầu an, cầu siêu, rước vong, an vị Phật, chúc thọ, xả tang. v.v... cần phải thống nhất hoá. Do đó, việc cần làm cấp bách là:

- Tiến hành soạn thảo kinh tụng và nghi lễ thống nhứt cho Hệ phái.

- Những kinh sách nào sẽ là nòng cốt trong việc học tập và tụng đọc của Tăng Ni Khất Sĩ? Theo thiển ý của con, gồm có:

+ Chơn Lý: chọn những bài dễ hiểu để Tăng Ni Phật tử tụng đọc hằng ngày.

+ Hệ thống kinh tạng Nam truyền: gồm 5 bộ kinh (lựa chọn những bài kinh tương đối rõ nghĩa, dễ hiểu để Tăng Ni và cư sĩ tụng đọc).

+ Hệ thống kinh tạng Bắc truyền:

Về phần kinh tụng có thể chọn: kinh A-Di-Đà, Phổ Môn, Hồng Danh, Báo Hiếu, Vu Lan Bồn, Pháp Hoa, Địa Tạng, Dược Sư, Từ Bi Thủy Sám, Lương Hoàng Sám.

Kinh để nghiên cứu: kinh Pháp Bảo Đàn, Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Niết Bàn, Lăng Già, Thủ Lăng Nghiêm.

- Thiền định: Như Tổ đã dạy trong Chơn Lý: mục tiêu của Hệ phái Khất Sĩ là tiến đến cứu cánh giải thoát, thành Phật. Do vậy, Tổ rất đặt nặng pháp hành, trong đó hành thiền mỗi ngày ba thời, hằng ngày hạn chế nói năng, lặng thinh chánh niệm quán xét thân tâm, suy tầm ý pháp thậm thâm vi diệu. Sống nếp sống du phương:

“Một bát cơm ngàn nhà,

Thân đi muôn dặm xa…”

Phật giáo ngày nay có nhiều đổi khác, có chiều hướng nhập thế tích cực. Chư Tăng Ni cần nắm bắt cập nhật những thông tin và phát minh hiện đại của nền công nghệ phát triển trên toàn thế giới để mở rộng tầm nhìn, để hội nhập vào xã hội, hoằng dương chánh pháp, đưa đạo vào đời. Bên cạnh đó Tăng Ni còn học, dạy giáo lý, thuyết giảng, tham gia các mặt công tác từ thiện xã hội và Phật sự tại tự viện cũng như ở địa phương. Tất cả những công việc trên dễ dàng cuốn hút người tu sĩ vào công việc mà xao lãng phần hành trì thực hành chánh niệm và thiền định.

Hơn nữa, mặc dù Tổ chỉ dạy nhiều phương cách hành thiền được tìm thấy trên từng trang Chơn Lý, nhưng thực tế ngày nay chư vị được truyền thừa có khuynh hướng hành trì rốt ráo từ Tổ không còn mấy ai. Đệ nhị Tổ Giác Chánh hành trì triệt để, nhưng do bối cảnh xã hội Phật giáo Việt Nam cùng với sự vắng bóng của Tổ Sư quá sớm, nên phương pháp hành thiền dường như chỉ mang tính tự phát, chưa đủ mạnh để tạo nên bản sắc hành trì của Hệ phái. Do vậy theo thiển ý của chúng con, Hệ phái cần phải thành lập trường thiền để thỉnh các vị cao đức trong hệ phái có kinh nghiệm tu tập, truyền đạt, giảng dạy pháp tu thiền cho Tăng Ni và Phật tử.

Việc thành lập trường thiền này thể hiện sự quan tâm, ưu tư, thao thức của chư tôn Giáo Phẩm về phương diện hành trì thiền định, pháp hành nòng cốt của hệ phái theo đường lối của Tổ, nối truyền Chánh Pháp của Đức Từ Phụ Thích Ca.

Thành lập trường thiền để tạo điều kiện tối ưu cho Tăng Ni và Phật tử dứt bỏ sự duyên, yên tâm tu tập và có kết quả khả dĩ. Ngoài ra, cần phải qui định Tăng Ni hành thiền theo thời khóa, ít nhứt mỗi ngày một hoặc hai lần nơi mỗi Tịnh xá.

- Cần nâng cao phẩm chất đạo đức kỷ luật ở lớp Tăng Ni trẻ. Ngày nay nhiều vị Trưởng Lão không mấy hài lòng về oai nghi hạnh kiểm, đạo đức kỷ luật của Tăng Ni trẻ. Ngày nay Tịnh xá, tự viện được thành lập thêm nhiều do nhu cầu giảng dạy giáo lý cho Phật tử gần xa. Rất nhiều nơi nhứt Tăng nhứt Tự, trong khi đó người phát tâm xuất gia thì ít, mà Phật sự lại nhiều, đào tạo một người từ tập sự đến lúc trưởng thành đòi hỏi nhiều thời gian, nhiều công sức.

Do vậy Tăng Ni trẻ đôi khi được Thầy bạn nuông chìu nhiều hơn, thoải mái nhiều hơn, nghiêng về pháp học mà không chú trọng pháp hành, phẩm chất đạo đức có thể không đủ để hành đạo, tinh thần kỷ luật không cao để giữ gìn đạo Phật. Điều nầy không phù hợp với đường lối chủ trương của Tổ: ít mà chất lượng, hơn là nhiều mà không giới luật. Nếu căn cứ vào giới luật xưa để sàng lọc lại thì lớp Tăng Ni trẻ sẽ không còn lại mấy ai!

Vậy biện pháp nào để dung hòa giữa quan điểm của Tổ và tình hình Tăng chúng cũng như nhu cầu Phật sự trong giai đoạn hiện tại?

Người xưa có câu: “Dụng nhân như dụng mộc”, và cũng phát xuất từ tấm lòng từ bi, vì căn cơ non yếu của chúng sanh trong thời mạt pháp mà tùy duyên hóa độ. Chư tôn giáo phẩm, các vị Thầy cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đệ tử của mình trong các mặt tu học, hành trì, đạo đức tác phong và oai nghi tế hạnh.

Có như vậy, Tăng già Khất Sĩ mới trở nên xứ Tịnh Độ trang nghiêm, cõi đạo tràng với những đóa hoa tâm ngày thêm đua sắc, ngôi nhà đạo pháp ngày thêm rực rỡ, lợi lạc quần sanh.

Nguyện cầu ơn đức chư Phật, ơn đức Tổ Thầy từ bi gia hộ để đường lối của Tổ Thầy ngày một phong quang, chư Tăng Ni đoàn kết một lòng tấn tu đạo nghiệp.

Kính chúc toàn thể chư tôn Giáo Phẩm pháp thể khương an, cửu trụ ta bà, luôn là cây cao bóng cả để che chở và dìu dắt chúng con và chúng sanh trên lộ trình giải thoát.                               

[1] Vinaya, I, Buddhist Discipline, IV.

[2] Pháp Cú 153-4.

[3] S. IV, B.XII.27; A. II, p. 77 = KS.II, p.54-5; S.IV.107, p. 53.

[4] S.IV, B.XXXVI.19, p.149. và nhiều nơi khác.

[5] Trường Bộ I, kinh 16, tr. 659.

[6] S.II tr. 72. The Ancient City.

[7] CL, II, tr. 371-2.

[8] CL.III, quyển 56, tr.368.

[9] CL. I, tr. 403.

[10] Minh Đăng Quang Pháp Giáo, tr. 71-2. Xem CL.III, tr.373.

[11] CL.I. tr. 303.

[12] CL I, tr. 42.

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ