Trang chủ > Đức Tổ Sư > Bài Viết
Đọc Chơn Lý Bát Chánh Đạo phần 4
Xem: 5930 . Đăng: 18/12/2014In ấn
Đọc Chơn Lý "Bát Chánh Đạo" phần 4
TT. Minh Thành Ph.D
Chánh văn:
Sắc thân này bỏ, chất sống tứ đại vẫn còn có sống, mà mọc nảy sanh thân khác. Tâm thức linh hồn này, chết tan, chớ điển thức, sống biết, vẫn còn trong không gian và vạn hữu, nó sẽ sống lại lần lần một tâm thức linh hồn khác. Cho nên nói rằng: cái đã sanh, cái đang sanh, cái chưa sanh; thế là tất cả CÓ KHÔNG đều gọi chúng sanh, tức là có, sống hết thảy, chớ đâu có cái không, cái chết.
Quan điểm của Chơn Lý chứa đầy dưỡng khí nuôi dưỡng tâm hồn và vô cùng tích cực trong việc nuôi dưỡng ý chí và hành động, một quan điểm khẳng định chắc nịch: Có và Sống. Có và sống về cả phương diện không gian "vẫn còn trong không gian" và cả về phương diện thời gian "cái đã sanh, cái đang sanh, cái chưa sanh".
Điều khiến cho người đọc kinh ngạc là, tuy Chơn Lý quan niệm Có nhưng không rơi vào hố thẳm của thường kiến khi nói: "Tâm thức linh hồn này chết tan". Và tuy Chơn Lý quan niệm Không nhưng cũng không rơi vào vực sâu của đoạn kiến khi nói: "sống biết vẫn còn trong không gian và vạn hữu". Như vậy, khi cần thiết phải dụng ngôn, Chơn Lý đã dụng ngôn theo một phong cách như dạo chơi trong thế giới thường kiến và đoạn kiến, nhưng rõ ràng không vướng mắc vào thế giới nào cả, dù cho ngôn ngữ xưa nay vốn làm cho mất đi chỗ thậm thâm vi diệu tột cùng tối hậu của đạo, "Ngôn ngữ đạo đoạn". Và dù, xin nói nối theo một chút, ngôn ngữ xưa nay cũng làm mất đi cái thực tại nhiệm mầu, "Tâm hành xứ diệt".
Điểm khiến cho người đọc mỉm cười thích thú một cách nhẹ nhàng là Chơn Lý đã vận dụng thành công chữ chúng sanh, người thế tục gọi là chơi chữ, để trình bày quan điểm Có và Sống: "... cái đã sanh, cái đang sanh, cái chưa sanh; thế là tất cả CÓ KHÔNG đều gọi chúng sanh, tức là có, sống hết thảy". Ở đây người đọc không nói chơi chữ mà xin nói là sáng tạo, tức là khéo léo vận dụng khai thác được một từ cũ theo một phương thức mới, để nêu lên được, chuyển tải được một cách khá bất ngờ và tươi tắn một ý tưởng hay một quan điểm triết học khô khan. Đây chính là một trong những đặc điểm khiến cho Chơn Lý có một sức hấp dẫn riêng mà nơi khác không có được.
Chánh văn:
Chỉ có sự đổi xác đổi hồn, bỏ cũ lấy mới, càng đi tới, càng lăn tròn trở lại, cũng gọi mới mãi hay cũ mới không đầu đuôi. Đó là bánh xe chơn lý, luân hồi của vạn hữu, mà chúng sanh hằng ôm đeo cái ta không định, khổ bởi không thường, chấp lầm có không, sống chết, đến đi còn mất, chẳng phút lặng ngừng, nghỉ ngơi, đứng vững, yên vui. Đành nhắm mắt cho cái ta nhập vào đâu trối kệ.
Đạo lý vô ngã, đạo lý thiền, đạo lý của phương hướng trong cuộc sống với một chút của cái tôi ít nhất về phương diện văn tự đã hòa trộn với nhau. Đạo lý vô ngã đã thể hiện qua cụm từ "sự đổi xác đổi hồn". Đúng, nhà Phật không có quan niệm về một cái gì thường hằng không biến chuyển. Biến chuyển theo nhà Phật không phải theo kiểu không có "cái gì đó" ở trong dòng biến chuyển theo quan niệm vô ngã cực đoan cho rằng vô ngã là không có cái gì cả; đạo Phật cũng không chấp nhận quan niệm biến chuyển một cách tình cờ, ngẫu nhiên, vô duyên cớ mà tất cả đều có mức độ nhất quán trước sau dựa trên cơ sở là "cái gì đó" dù "cái gì đó" (người ta thường dùng danh từ như linh hồn, tâm thức, linh thức...) vẫn vô thường, vẫn biến chuyển. Và vì vậy mà Chơn Lý nói "cái gì đó" đi tới, "cái gì đó" lăn tròn trở lại. Đến đây đạo lý thiền trong Chơn Lý như là bất ngờ hiện ra, như là một tình cờ: "cũng gọi mới mãi". Quả vậy, đối với đạo lý thiền thì không có gì là cũ cả. Mỗi một phút giây là một phút giây mới. Ông thần thời gian chỉ xài cái mới. Ông ta không thể lục soạn trong một kho thời gian nào đấy rồi lấy ra một ít phút gọi là những giây phút cũ. Ông chỉ có thể trình hiện phút mới, phút mới, rồi lại phút mới mà thôi. "Phút nào chẳng phút tinh mơ - Bình minh giác ngộ nào ngờ sáng nay" (thơ Thể Như). Chơn Lý đã cứu chuộc cuộc đời bằng cách hóa giải lời nguyền "ôm đeo cái ta không định" và lời nguyền "nhắm mắt cho cái ta nhập vào đâu trối kệ", những lời nguyền độc ác mà mụ phù thủy vô minh đã áp đặt lên từng thân phận con người. Xin nói thêm một chút, Chơn Lý không cứu chuộc theo kiểu ban ân huệ đặc biệt cho một người nào, một nhóm người nào, một dân tộc nào, theo kiểu có chọn lựa và kỳ thị. Chơn Lý mở ra một cánh cửa, ai vào đó là có phương hướng, có con đường, con đường dẫn tới giải thoát an vui.
Chánh văn:
Cũng như một thân cây: từ đất nước mọc lên, lớn lần, sức nặng, đất nước thay hình; khi già chết, khô nhẹ, nát mục nhỏ tóp rồi mất luôn, kế mọc lại cây khác nữa. Cái sống trong võ trụ không thay đổi, mà cái ta cây đã mất hình. Cũng như từ chưa có người, đến thành một ông già, rồi chết, thịt xương ấy tiêu rã, tóp hình, biến mất, không không, rồi thì lại có thân người khác, nảy tượng mà cái ta già trước kia lại không có nữa.
Một điều thú vị nữa, nơi đây Chơn Lý không có cùng một cách nhìn về vũ trụ và thế giới với quan điểm của Kinh tạng truyền thống cho rằng: Nơi tấm thân này là chỗ tận cùng của thế giới. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật nói: "... Đúng hơn trong cái thân xác nhỏ bé này, với các tưởng, các thức của nó, mà Ta công bố có thế giới, sự sinh khởi của thế giới, sự chấm dứt của thế giới, và con đường đưa đến sự chấm dứt". Thấy như vậy là thấy từ góc độ bên trong vũ trụ và thế giới mà nhìn vũ trụ và thế giới; trong cách nhìn này người thấy là một với vũ trụ và thế giới và không thể tách rời khỏi vũ trụ và thế giới. Ở đây Chơn Lý theo cách nhìn khác của nền văn học Phật giáo hiện đại hơn về vũ trụ và thế giới, đó là đứng bên ngoài vũ trụ và thế giới để nhìn vũ trụ và thế giới và thấy rằng "Cái sống trong võ trụ không thay đổi, mà cái ta cây đã mất hình".
Khi nói "từ chưa có người, đến thành một ông già, rồi chết, thịt xương ấy tiêu rã, tóp hình, biến mất, không không, rồi thì lại có thân người khác, nảy tượng mà cái ta già trước kia lại không có nữa". Chơn Lý đã nêu lên quan điểm rằng sống rồi chết và chết rồi sống diễn ra trong một chu trình liên tục. Có thể nói đây là quan điểm làm nền tảng, không có quan điểm nền tảng này thì không thể xây dựng một cái nhìn tích cực về vô thường; cụ thể, trong chu trình này già biến thành trẻ. Nếu diễn giải thêm thì chúng ta sẽ có chết biến thành sống, bệnh biến thành khỏe, tóc bạc biến thành tóc xanh... và thay vì phải ngậm ngùi nơi chín suối thì người Phật tử sẽ mỉm cười với dòng suối cải lão hoàn đồng nằm ở phía bên kia cánh cửa sinh tử tử sinh.
Chánh văn:
Chơn lý của vạn hữu cũng y thế, nên chúng ta khỏi phải lo sợ rằng: vạn vật chúng sanh, hay tứ đại địa cầu, quá đông quá nặng. Chỉ có điều cần là chúng ta ráng giữ mình, làm sao cho cái ta nào đó, được thường bền yên vui, đứng nghỉ, có mãi, nơi một cảnh giới là khỏe hơn. Điều ấy tức là giải thoát hay đạo, là con đường của chúng ta vậy.
Một trong những điều mà Cơ quan Lương nông của Liên Hiệp Quốc quan ngại là nạn nhân mãn, tức là người thì quá đông mà lương thực và chỗ ở thì quả địa cầu chỉ có thể cung cấp chừng đó mà thôi. Ở đây Chơn Lý bảo chúng ta khỏi phải lo chuyện "... vạn vật chúng sanh, hay tứ đại địa cầu, quá đông quá nặng". Người viết ở đây cho rằng độ chính xác rất thấp khi đặt ra sự khác nhau ở quan điểm, độ chính xác sẽ cao hơn khi đặt sự khác nhau ở góc nhìn, hay biên độ nhìn, hay phạm vi nhìn. Có thể nói rằng cái nhìn của cơ quan lương nông thỉ thuần túy hướng về phương diện lương thực cho loài người trong khi Chơn Lý hướng về một tổng thể, nói khác hơn Chơn Lý đang nói về cái Một. Cái Một thì không thể nói đông hay vắng, nặng hay nhẹ, đủ hay thiếu. Cái nhìn từ nguyên lý Một, nguyên lý tổng thể, không theo sự chủ quan vị kỷ của loài người thì tự vũ trụ sẽ cân bằng. Nếu không sợ mích lòng thì có thể nói rằng loài người có tuyệt chủng hay không tuyệt chủng không liên quan gì tới sự vận hành của vũ trụ nói chung, của thiên hà, ngân hà nói riêng.
Chuyện ít hay nhiều, đông hay vắng thật ra không phải là điều trọng tâm mà Chơn Lý hướng đến. Điều mà Chơn Lý thật sự hướng đến là: "Chỉ có điều cần là chúng ta ráng giữ mình, làm sao cho cái ta nào đó, được thường bền yên vui, đứng nghỉ, có mãi, nơi một cảnh giới là khỏe hơn. Điều ấy tức là giải thoát hay đạo...". Điều mà Chơn Lý nhất quán xuyên suốt là đạo, là cảnh giới khỏe hơn, yên vui hơn. Ở đây người viết xin lặp lại sự cảnh giác rằng "cái ta nào đó" mà Chơn Lý đề cập không hề vướng vào quan điểm thường kiến. Nếu cứ cho là thường kiến thì thường kiến ở đây lại mang tính chất của một phương tiện vì cái ta đó được định nghĩa là giải thoát, là đạo, đạo ở đây không loại trừ ý nghĩa siêu hình như "đạo khả đạo..." đồng thời lại chỉ cho một cái đạo cụ thể, thực tế và hữu dụng là BCĐ.
Cụm từ "Con đường ấy cũng sẵn có trong trần" làm một cụm từ thú vị và chứa đựng một quan niệm rất hiện đại. BCĐ không phải là sản phẩm do một ông thần nào đứng trên mây độc đoán mặc khải xuống cõi trần đời, BCĐ vốn đã thiêng liêng và không cần phải gia tăng tính thiêng liêng qua công đoạn mặc khải như vậy. BCĐ mang cái thiêng liêng của thực tế cuộc sống, tính thiêng liêng từ đạo lý của hiện thực cuộc sống, được soi sáng bởi vị Chánh đẳng giác.
Từ thời sơ khai non kém của ý thức, sợ hãi đối với những thế lực siêu hình, loài người đã tạo ra quan niệm lạc hậu cho rằng bất cứ cái gì ở trần gian này muốn có tính thiêng liêng thì phải có gốc gác từ một ông thần đèn hay một ông thần đuốc nào đó nhưng ngày nay đặc biệt là trong thế giới thiền giả, thế giới của bậc trí, đã hình thành quan niệm càng lúc càng khẳng định rằng cái gì thiêng liêng thì phải có gốc gác từ đạo lý của hiện thực cuộc sống, thân thiết với cuộc sống, ủng hộ cho sự sống. Cái gì càng xa rời đạo lý của hiện thực cuộc sống càng mất thiêng. Vì vậy, khi nói "Con đường ấy cũng sẵn có trong trần" Chơn Lý đã nêu lên một quan niệm chuẩn của những quan niệm có độ chuẩn cao nhất.
Chánh văn:
1. Trong nước có sở kiến, là sự thấy.
2. Trong đất có tư duy, là thức sống hay cái biết đang cử động.
3. Trong cỏ có ngữ, là lời nói do sự rung khua.
4. Trong cây có nghiệp là trái hột của cải.
5. Trong thú có mạng sống, là tư tưởng (sống lâu mau tự nó tìm ăn).
6. Trong người có tinh tấn, là hành vi tiến hóa.
7. Trong Trời có niệm, là sự ghi nhớ điều lành, nên được vui thanh nhẹ.
8. Trong Phật có định, là sự đứng ngừng yên lặng, cái sống mới vững vàng.
Từ nước đến Phật, từ kiến đến Định, là nấc thang tấn hóa kêu là Đạo, đến Phật, Định, kêu là đắc đạo. Kết quả của sự sống là đắc quả, hay là bậc giải thoát hoàn toàn. Định là dứt khổ. Định là có ta, dứt luân hồi sống mãi đời đời.
Chơn Lý nhất quán với phương thức đưa các cụm pháp của nhà Phật vào trong khung tiến hóa và xem khung tiến hóa là đạo. Theo Chơn Lý khung tiến hóa này chi phối toàn bộ sự vận hành của sum la vạn tượng, vũ trụ vạn vật, từ hiện tượng vô cơ đến hiện tượng hữu cơ, to lớn như thiên hà, nhỏ bé như hạt sương khuya hay sương sớm. Ở đây Chơn Lý đã gắn 8 chi của BCĐ vào khung tiến hóa từ nước đến Phật. Người đọc xin đưa vào bảng kê như sau:
Stt |
Sinh thể |
BCĐ |
Công năng |
Ghi chú thêm |
1. |
nước |
sở kiến |
thấy |
|
2. |
đất |
tư duy |
thức sống |
cái biết đang cử động. |
3. |
cỏ |
ngữ |
lời nói |
do sự rung khua. |
4. |
cây |
nghiệp |
trái hột |
của cải. |
5. |
thú |
mạng sống |
tư tưởng |
(sống lâu mau tự nó tìm ăn). |
6. |
người |
tinh tấn |
hành vi tiến hóa |
|
7. |
Trời |
niệm |
ghi nhớ điều lành |
được vui thanh nhẹ. |
8. |
Phật |
định |
đứng ngừng yên lặng |
cái sống mới vững vàng. |
Từ bảng kê trên, người đọc thấy con đường tiến hóa từ nước đến Phật thì con người nằm ở nấc thang thứ sáu, nhìn lên là Trời rồi Phật, nhìn xuống là thú rồi cây cỏ. Văn học cổ Việt Nam có câu: "Không công danh thì nát với cỏ cây" (Nguyễn Công Trứ) có thể hiểu là, không tiến hóa thì nát với cỏ cây. "Công danh" hay tiến hóa đúng nghĩa tức là bước lên bậc Trời và Phật. Từ đâu bước lên? Từ vị trí con người. Trước khi nói đến đạo Trời, đạo Phật, hãy nói đến đạo Người, chữ Người viết hoa. Đạo của người theo Chơn Lý chủ yếu là Tinh tấn; công năng của Tinh tấn là "hành vi tiến hóa", tiến hóa nói theo ngôn ngữ thông thường là hướng thượng. Tinh tấn là không ngừng ra sức, không ngừng cố gắng; tiến hóa là không ngừng hướng thượng, không ngừng hướng đến cảnh giới cao trên, cảnh giới của niềm "vui thanh nhẹ" của "cái sống vững vàng." Phải chăng đó là thông điệp của Chơn Lý về ý nghĩa thật sự của kiếp nhân sinh.
---o0o---
Nguồn: Đạo Phật Khất Sĩ
BÀI LIÊN QUAN
Hạnh đức của Cư sĩ trong Chơn Lý ( Chùa Thuận Phước , 9398 xem)
Con đường đạo Phật Khất Sĩ ( Sư cô Hằng Liên , 6789 xem)
Sự tương quan giữa Chơn Lý và Kinh điển Pali, Sanskrit ( Tỳ kheo Giác Tri , 11306 xem)
Tưởng Niệm Tổ Sư Ngày Khánh Đản ( Ngọc Chơn , 6595 xem)
Tìm hiểu về hệ phái Khất sĩ & những điểm căn bản trong bộ Chơn Lý ( Viên Đạo , 8878 xem)
Quan điểm về biết ơn và đền ơn của Tổ sư Minh Đăng Quang ( Liên Trí , 9918 xem)
Tội lỗi và sám hối qua Chơn Lý Tổ sư Minh Đăng Quang ( Diệu Sắc , 6348 xem)
Tìm hiểu chữ "Đạo" trong bài "Diệt lòng ham muốn" của Tổ sư Minh Đăng Quang ( Tỳ kheo Giác Chinh , 8816 xem)
Hình ảnh Sa-môn trong Chơn Lý "Trên Mặt Nước" ( Tỳ kheo Giác Đoan , 9126 xem)
Ý nghĩa phương tiện trong Chơn Lý Pháp Hoa số 54 ( Thượng toạ Minh Thành , 8329 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng