Trang chủ > Đức Tổ Sư > Bài Viết

Sự tương quan giữa Chơn Lý và Kinh điển Pali, Sanskrit

Tác giả: Tỳ kheo Giác Tri.  
Xem: 11308 . Đăng: 31/10/2014In ấn

Sự tương quan giữa Chơn Lý và Kinh điển Pali, Sanskrit

TK. Giác Tri (GĐ. V)

Hệ phái Khất Sĩ được xem là một tông phái biệt truyền của Phật giáo Việt Nam. Trong thời gian hành đạo, Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang – vị Tổ khai sơn hệ phái Khất Sĩ, đã sáng tác bộ Chơn Lý. Đây là một tác phẩm quan trọng, là kim chỉ nam tu tập của tông phái Khất Sĩ. Có thể nói, Chơn Lý là một tác phẩm Phật học, văn học Phật giáo Việt Nam rất đặc biệt vào thập niên 40-50. Trong tác phẩm này, bằng trí tuệ và sự chứng ngộ của mình, Tổ sư Minh Đăng Quang đã sử dụng những kiến giải đó để trình bày, giải thích (hemeneutics) những lời dạy trong kinh cũng như tư tưởng giáo pháp căn bản của Phật giáo. Cho nên Chơn Lý không những là một tác phẩm văn học Phật giáo Việt Nam có giá trị mà còn là tác phẩm Phật học thể hiện sự nghiên cứu, tư tưởng của một bậc giải thoát. Tuy nhiên có lẽ vì lý do biệt truyền của tông phái cũng như một vài yếu tố khách quan, Chơn Lý chưa được phổ cập trong quần chúng Phật tử cũng như trong xã hội. Hơn thế nữa, tư tưởng triết học của Chơn Lý cũng chưa được giới học giả Phật giáo nhìn nhận đúng với giá trị thực của nó. Với mục đích làm sáng tỏ những giá trị chân thực của Chơn Lý, nội dung bài viết này trình bày những mối tương quan cũng như sự liên hệ chặt chẽ về mặt nội dung tư tưởng của Chơn Lý với những tác phẩm kinh điển khác của Phật giáo nói chung để một lần nữa minh chứng, cùng khẳng định giá trị tuyệt vời của tác phẩm này.

1. Sự tương quan tư tưởng giữa Chơn Lý và kinh điển Pali

Kinh điển Pali (Pali canon) hay còn gọi là Pali Nikaya là một công trình lớn lao sưu tập những lời Phật dạy. Cho đến nay kinh điển được ghi bằng ngôn ngữ Pali vẫn được giới học giả trên thế giới xem là công trình sưu tập mang tính trung thực và lịch sử nhất những lời Phật dạy, và là nền tảng tư tưởng Phật giáo.[1] Trong tác Phẩm Chơn Lý và kinh tạng Pali có rất nhiều điểm tương quan về mặt tư tưởng.

a. Ngũ uẩn

Ngũ uẩn hay ngũ ấm là một trong những học thuyết căn bản của Phật giáo về con người và thế giới con người. Theo quan điểm Phật giáo, con người là một tập hợp hoàn chỉnh của ngũ uẩn. Ngũ uẩn là tập hợp năm yếu tố vật chất (material factor) và tinh thần (mental factor) gồm: Sắc uẩn (materiality aggregate), thọ uẩn (feeling aggregate), tưởng uẩn (perception aggregate), hành uẩn (formation aggregate) và thức uẩn (conscioussness aggregate). Trong tác phẩm nổi tiếng Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo), đại luận sư Buddhaghosa phân tích ngũ uẩn rất chi tiết:

- Sắc uẩn: Chỉ cho cấu tạo vật chất căn bản của con người và thế giới, cũng như thế giới hiện tượng mà con người có thể cảm nhận bằng các giác quan của mình.

- Thọ uẩn: Chỉ cho những cảm nhận, cảm giác của con người sau khi phân tích đối tượng các đối tượng mà giác quan ghi nhận.

- Tưởng uẩn: Chỉ cho sự tưởng tượng của con người thông qua sự hoạt động của bộ não.

- Hành uẩn: Hành uẩn có chức năng chứa đựng, biểu hiện sự lưu chuyển thông tin qua lại giữa thức và thọ uẩn, tưởng uẩn (Their function is to accumulate. They are manifested as intervening).

- Thức uẩn: Chỉ cho những hoạt động của tâm thức thuộc về lĩnh vực tinh thần của con người (xem Buddhaghosa, and Ñāṇamoli. 1999, Trang. 443-482).[2]

Trong Chơn Lý Ngũ uẩn được giới thiệu như sau:

“Ngũ uẩn hay ngũ ấm là năm pháp cái trong vũ trụ. Mỗi vật chi trên thế gian này, dầu có hình tướng, dầu không hình tướng, đều thuộc về những chi tiết của ngũ uẩn cả. Năm pháp cái ấy là:

1. Sắc uẩn (hình thể sắc chất).

2. Thọ uẩn (thọ cảm ưa chịu).

3. Tưởng uẩn (tư tưởng hay tưởng tượng).

4. Hành uẩn (hành vi tức việc làm).

5. Thức uẩn (thức trí phân biệt) (Chơn Lý, trang 9).[3]

Như vậy về mặt căn bản, ngũ uẩn đề cập trong Chơn Lý và ngũ uẩn trong tạng Pali, Visuddhimagga của đại luận sư Buddhaghosa đều cùng đề cập đến năm yếu tố chính: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Điểm khác nhau là Buddhaghosa với tác phẩm đồ sộ của mình đã đề cập sâu vào chi tiết của ngũ uẩn hơn mà thôi.

b. Duyên khởi hay Thập nhị nhân duyên

Duyên khởi hay Thập nhị nhân duyên là một tư tưởng đặc thù của Phật giáo. Về mặt lịch sử, tư tưởng Phật giáo kế thừa, sử dụng rất nhiều từ cũng như những khái niệm triết học và tôn giáo Ấn Độ thời bấy giờ. Một trong những nhân tố làm cho triết học Phật giáo đặc biệt, nổi bật hơn các trường phái triết học tôn giáo khác chính là thuyết Duyên khởi. Đối với Phật giáo, Duyên khởi không chỉ là một học thuyết về con người và vũ trụ nhân sinh mà còn là một phương pháp tu tập dẫn đến sự giải thoát an vui.

Theo Chơn Lý, Duyên khởi được trình bày theo dạng mười hai nhân duyên như sau:

“Nhơn duyên sanh ra cõi đời, có mười hai pháp, hằng chuyền níu nhau mãi, do đó chúng sanh mới có, mới khổ, và rồi sau khi có khổ là tấn hóa hay tiêu diệt:

Vô minh sanh ra hành

Hành sanh ra thức

Thức sanh ra danh sắc

Danh sắc sanh ra lục nhập

Lục nhập sanh ra xúc

Xúc sanh ra thọ

Thọ sanh ra ái

Ái sanh ra thủ

Thủ sanh ra hữu

Hữu sanh ra sanh

Sanh sanh ra tử

Tử trở lại vô minh mà luân hồi quanh quẩn chịu khổ nhọc” (Chơn Lý, trang 33)[4].

Thập nhị nhân duyên trong kinh điển Pali được giới thiệu như sau:

“Này các Tỳ kheo, nguồn gốc nhân duyên là gì? Do vô minh nên có hành; do có hành nên có thức; do có thức nên có danh sắc; do danh sắc có nên có lục nhập; do có lục nhập nên có tiếp xúc; do có tiếp xúc nên có thọ cảm; do có thọ cảm nên có ái luyến; do có ái luyến nên có sự chấp thủ; do có chấp thủ nên chấp có; do chấp có nên có sinh ra; do có sinh ra nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, vì vậy, toàn bộ khổ sinh khởi. Này các Tỳ kheo, đây gọi là nguồn gốc của nhân duyên”.

Nguyên văn:

“And what is the dependent origination,bhikkhus? With ignorange as condition there are [volitional] formations; with formation as condition, consciousness; with consciousness as condition, mentality-materiality; with mentality-materiality as condition, the six fold base; with the six fold base as condition, contact; with contact as condition, feeling; with feeling as condition, craving; with craving as condition, clinging; with clinging as condition, becoming; with becoming as condition, birth; with birth as condition, there is ageing and death, and sorrow, lamentation, pain, grief, and despair; thus there is the arising of this whole mass of suffering. This is called the depent origination, bhikkhus” (Buddhaghosa, and Ñāṇamoli. 1999, trang 525-604).[5]

Buddhaghossa cũng giới thiệu về thập nhị nhân duyên với nội dung giống như thế, tất nhiên rất chi tiết với khoảng tám mươi trang in. Có thể nói Buddhaghosa đã viết rất công phu đầy đủ về thập nhị nhân duyên. Tựu trung về căn bản thuyết thập nhị nhân duyên đựợc đề cập trong Chơn Lý, Pali canon, Visuddhimagga và cũng như Abhiddhamma đều có nội dung giống như nhau.

2. Sự tương quan tư tưởng giữa Chơn Lý và kinh điển Sanskrit

Lịch sử Phật giáo đã ghi nhận hiện tượng phân kỳ về mặt tư tưởng. Trong quá trình phát triển đã hình thành nhiều hệ tư tưởng khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau, dẫn đến sự tranh chấp về hệ thống học thuyết hàng trăm năm. Trong trào lưu phân kỳ tư tưởng các bộ phái tập trung vào hai dòng chính: Phật giáo Bắc Ấn tự nhận mình là Đại chúng bộ hay Phật giáo đại thừa; Phật giáo Nam Ấn hay còn gọi là Thượng tọa bộ hay Phật giáo tiểu thừa. Hệ thống Phật giáo Nam Ấn chú trọng phát triển chiều sâu phần thâm áo của tư tưởng Phật giáo nguyên thủy. Bên cạnh đó Phật giáo Bắc Ấn cũng dựa trên nền tảng tư tưởng Phật giáo sơ kỳ nhưng tập trung, đào sâu, triển khai những lĩnh vực tư tưởng mà Phật giáo Nam Ấn còn bỏ ngỏ để hình thành nền tảng lý luận, giáo thuyết, chủ trương riêng của mình như tư tưởng về Phật, Phật tánh, Bồ tát v.v… Những kinh, luật, luận được Phật giáo Bắc Ấn kết tập và sử dụng được ghi lại bằng ngôn ngữ Sanskrit thường được gọi là tạng Sanskrit hay Sanskrit canon. Sở dĩ Phật giáo Bắc Ấn sử dụng Sanskrit làm ngôn ngữ chính để ghi lại kinh điển do một số nguyên nhân: Thứ nhất, Sanskrit là ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất ở Bắc Ấn Độ cũng như trong nội bộ Phật giáo Bắc Ấn. Thêm vào đó trong hàng ngũ Phật giáo Bắc Ấn, có sự tham gia của gia tầng thượng lưu trí thức xã hội lúc bấy giờ và Sanskrit là ngôn ngữ ghi chép chính của họ. Thứ hai, để phân biệt với Phật giáo Nam Ấn dùng ngôn ngữ chính là ngôn ngữ Pali, ngôn ngữ của tầng lớp bình dân. Thứ ba, có lẽ Sanskrit là ngôn ngữ của thượng lưu trí thức, thi ca thơ phú, nên bản thân ngôn ngữ Sanskrit là một ngôn ngữ ưu việt, đa dạng, phức tạp, phong phú, cầu kỳ về ngôn từ, ý tưởng, cách diễn đạt cũng như đầy màu sắc thi ca văn chương, có đầy đủ khả năng để chuyển tải những tư tưởng triết lý cao siêu của đức Phật, cũng như thỏa mãn thú đam mê văn chương bay bổng của những nhà nghiên cứu Phật học thời bấy giờ. Sanskrit canon biên tập rất công phu chuyển tải tất cả những tư tưởng chủ đạo cũng như những tư tưởng của Phật giáo Bắc Ấn. Trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập sự liên hệ, tương quan tư tưởng của Chơn Lý và một vài một vài bản kinh trong Sanskrit canon phổ biến rộng rãi.

a. Sự tương quan tư tưởng giữa Chơn Lý và kinh Pháp hoa

Kinh Diệu pháp Liên hoa được đề cập trong Chơn Lý như sau:

“…Trong Diệu pháp Liên hoa kinh, phẩm tựa đầu, có nói như vầy: Lúc ấy Phật Thích-ca nói kinh vô lượng nghĩa cho thính chúng nghe, sau đó Ngài nhập định hào quang nơi chặng giữa hai chơn mày, phóng ra soi về hướng đông,… Khi ấy bồ-tát Di lặc từ thị mới hỏi bồ-tát Văn thù, vì cớ chi đức Phật biến hiện như vậy? Ngài Văn thù đáp: Ấy là Phật sắp nói kinh Diệu pháp Liên hoa, mà chư Phật xưa đã từng nói, và cũng có hiện ra điềm như thế…” (Chơn Lý, trang 608)[6].

Trong nguyên bản kinh Pháp Hoa phần giới thiệu nguyên văn như sau:

“ …Sau khi giảng kinh này xong (Kinh Vô lương nghĩa), đức Thế tôn ngồi kiết già, nhập vào vào định “Vô lượng nghĩa xứ” và giữ cho thân và tâm không lay động… Sau đó từ lông trắng giữa đôi chân mày của đức Thế tôn phóng một luồng ánh sáng. Ánh sáng ấy chiếu khắp mười tám ngàn thế giới ở phương Đông… Và khi ấy bồ-tát Di lặc vì muốn giải tỏa nghi vấn của mình, và biết tâm niệm của bốn chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni… nên mới hỏi ngài Văn thù: Vì nguyên nhân gì mà có dấu hiệu vi diệu này?… Ngài Văn thù trả lời bồ-tát Di Lặc, và các vị thánh khác: Này, các vị pháp tử, Ta biết chắc hôm nay đức Thế tôn sẽ giảng vi diệu pháp…” (Kumārajīva, Tsugunari Kubo, and Akira Yuyama. 1993, trang 9-17).[7]

(…After having taught this Sutra, The Buddha sat cross-legged, entered the samadhi called “The Abode of Immeasurable Meaning” and remained unmoving in both body and mind… Then the Buddha emitted a ray of light from the tuft of white hair between his eyebrows. It illuminated all the eighteen thousand worlds in the east,… And then the Boddhisattva Maitreiya, wanting to clear up his own bewilderment, and knowing the the minds of the four fold assembly monks, nuns,…, asked Manjusri: “ What is the reason for this maverlous sign… Thereupon Manjusri spoke to the Bodhisattva Maitreiya, the great Being, and the other worthy beings: “O sons of a virtuous family! I am very sure that the Buddha, the Bhagavat, will now teach the great Dharma,…”

Với nội dung kinh Pháp Hoa đề cập trong Chơn Lý cũng như trong nguyên bản kinh Pháp Hoa ở trên, đã khẳng định một điều chắc chắn: Cả hai đều có nội dung giống nhau tuyệt đối. Hơn thế nữa, chương Pháp Hoa trong Chơn Lý không những đề cập chính xác những nội dung tư tưởng chính của nguyên bản kinh Pháp Hoa mà còn là một tác phẩm luận giải, nghiên cứu sâu sắc quan điểm triết lý kinh Pháp Hoa. Như chính tác giả đã tuyên bố:

“Nói tóm lại, quyển Diệu Pháp Liên Hoa yếu lý này chỉ rõ cái đại cương của Pháp Hoa mà thôi” (Chơn Lý, trang 616).[8]

Thêm vào đó tác giả cũng đưa ra những nhận định rất sâu sắc về nội dung kinh Pháp Hoa. Thứ nhất, mục đích và nội dung của kinh Pháp Hoa là khẳng định sự bình đẳng của tất cả chúng sanh về mặt giải thoát, về khả năng tu tập, khả năng đựơc giác ngộ. Tác giả khẳng định ngắn gọn và đầy đủ: “Diệu Pháp Liên Hoa mà Đức Phật ngài nói ra đây, là ý Ngài muốn chỉ rõ sự bình đẳng, sự bằng thẳng trong sạch của đời” (Chơn Lý, trang 616)[9]. Đây là một trong những điểm đặc biệt của tư tưởng kinh Pháp Hoa. Nói như vậy tư tưởng chúng sanh bình đẳng về mặt giải thoát không phải không được đề cập đến trong những kinh điển đại thừa khác. Tuy nhiên chỉ đến khi kinh Pháp Hoa ra đời tư tưởng này mới hoàn thiện trở thành một hệ thống quan điểm với cơ sở lý luận tương đối hoàn chỉnh trở thành một hệ thống tư tưởng độc lập, đặc biệt của Phật giáo Bắc Ấn. Tư tưởng này đã phát triển trở thành một trong những tư tưởng chủ đạo Phật giáo Bắc Ấn và sau đó trở thành phương tiện chính yếu truyền bá Phật giáo rất hữu hiệu ở khắp miền Bắc Ấn Độ cũng như các nước Á châu sau này. Tư tưởng này đã khẳng định sự khác biệt, sự đột phá cũng như sự phát triển vượt bậc lý luận tư tưởng của Phật giáo Bắc Ấn so với hệ thống tư tưởng Phật giáo Nam Ấn. Đó là lý do khiến cho kinh Pháp Hoa trở nên một tác phẩm mang giá trị tư tưởng vượt thời gian luôn được tôn xưng là vua các kinh trong kinh điển Sanskrit hàng ngàn năm qua.

Với sự khẳng định chính xác về mặt nội dung như vậy, Chơn Lý đề cập đến phương diện thứ hai của kinh Pháp Hoa: Ứng dụng và tác dụng của tư tưởng trên. Chơn Lý chỉ rõ: “Hiểu được nơi Diệu Pháp Liên Hoa, chúng ta sẽ khỏa bằng tất cả, đến như đời và đạo, Phật với chúng sanh cũng không còn có được, cái trí của ta sẽ không còn ở nơi trụ chấp bên lề thì cái giác chơn mới thành tựu…” (Chơn Lý, trang 617).[10] Đây cũng là sự khẳng định xác đáng giá trị ứng dụng thực tiễn của tư tưởng kinh Pháp Hoa. Điều này cũng đã từng được đề cập nhiều lần trong kinh Pháp Hoa. Tư tưởng này sẽ giúp phá bỏ bức tường kiên cố kiến chấp, mở ra khung trời giải thoát bao la cho tất cả mọi chúng sanh. Hơn thế nữa, đây là con đường để dung nạp hóa giải những mâu thuẫn về mặt lý luận của Phật giáo Bắc Ấn và Phật giáo Nam Ấn, giúp Phật giáo sau thời gian phân kỳ để lại nhiều vết đen trong lịch sử sẽ kết hợp trở lại, viết tiếp những trang sử Phật giáo rạng rỡ hơn. Ngoài ra Chơn Lý còn chỉ rõ: “…từ cái ác đến cái thiện, hay như lẽ cao và lẽ không, nó đã là tương đối của đời rồi, thế mà cái trung đạo lại cũng là tương đối với hai cái pháp ấy nữa” (Chơn Lý, trang 617)[11]. Nói đến đây làm chúng ta liên tưởng đến thuyết bát bất trung đạo của Ngài Long Thọ. Chơn Lý tiếp tục khẳng định: “…tỏ ngộ nơi pháp ấy, chúng ta sẽ đắc được phép thiền định tương đối tối cao” (Chơn Lý, trang 617)[12].

Chơn Lý còn khẳng định giá trị tư tưởng chúng sinh bình đẳng giải thoát không phân biệt là một tư tưởng vĩ đại có tầm quan trọng mang tính chất sống còn trong sự tu tập cũng như sự tồn tại và phát triển của Phật giáo sau khi đức Phât nhập Niết bàn. Đây là tư tưởng được xem là mang tính chất đột phá, tiên phong đi trước thời đại lúc bấy giờ: “Sự giác ngộ như thế tức là con mắt đi trước một thước, cái chân tiếp nối theo sau...” (Chơn Lý, trang 617)[13]. Và ở tột cùng nghĩa lý sâu xa Phật pháp, Chơn Lý khẳng định: “trí người giải thoát phải vuợt qua khỏi cả cái tiếng đạo, tiếng Phật, thì tâm người mới trụ yên đặng chỗ Phật chỗ đạo… ấy mới gọi là Như Lai, là chỗ đến của Diệu pháp Liên Hoa Kinh đó... Sự thấy rõ trí tuệ Phật ấy mới gọi là con mắt Liên hoa diệu pháp mầu nhiệm” (Chơn Lý, trang 617)[14].

Đến đây có thể khẳng định chắc chắn rằng:

Thứ nhất, Chơn Lý là một tác phẩm diễn tả trung thực chính xác nội dung kinh Pháp Hoa.

Thứ hai, Chơn Lý là một tác phẩm phân tích diễn giải một cách xuất sắc, ngắn gọn, trọn vẹn, đầy đủ tư tưởng chính yếu, căn bản kinh Diệu Pháp Liên Hoa.  

Thứ ba, nhìn nhận, thấu hiểu, khẳng định giá trị tư tưởng, tiên tiến vượt thời gian của kinh Pháp Hoa.

Thông qua đó chúng ta có thể đó khẳng định: Thứ nhất Chơn Lý là một tác phẩm Phật học, văn học Phật giáo có giá trị về văn chương cũng như triết học, tư tưởng.

Thứ hai, tác giả của Chơn Lý là một bậc thông tuệ Phật pháp, có những biểu hiện của một vị tu tập chứng đạo.

b. Sự tương quan tư tưởng giữa Chơn Lý và kinh Địa Tạng

Kinh Địa Tạng là một kinh trong tạng kinh Sanskrit được phổ biến rộng rãi. Cũng tương tự trường hợp kinh Pháp Hoa. Chương Địa Tạng trong Chơn Lý là một tác phẩm tóm tắt trung thực, chính xác toàn bộ nội dung kinh Địa Tạng (xem Chơn Lý, trang 597-607…)[15]. Thêm vào đó tác giả còn chú thích, diễn giải ý nghĩa hình tượng cũng như nội dung tư tưởng kinh Địa Tạng hết sức sâu sắc. Chơn Lý đã giải thích hình tượng Địa Tạng như sau:

“Địa nghĩa là cứng, dày, đựng chứa, rộng khắp. Địa là nền tảng tư cách con người. Địa là nội bộ bản tâm của mình...Tạng là pháp bảo kinh luật luận gồm khắp. Vương là tâm vua chủ tể” (Chơn Lý, trang 598).[16]

Qua đó tác giả trình bày ý nghĩa và phương pháp tìm hiểu kinh Địa Tạng cũng như phương pháp tu tập theo tư tưởng kinh Đại Tạng một cách khoa học, ngắn gọn, dễ hiễu, thiết thực và gần gũi. Tác giả viết:

“…Vậy thì Địa Tạng Vương tức là tâm nguyện của pháp, ai ai kẻ giác ngộ ra cũng đều có cả…, tức là việc làm theo nguyện pháp, pháp là tế độ cả chúng sanh, nguyện pháp là không bao giờ nỡ bỏ chúng sanh, việc làm tốt đẹp của nguyện pháp, tức là như thân Địa Tạng, là việc làm tinh tấn, hùng lực tu hành đủ trọn vạn hạnh, để thành Phật, như Chư Phật...” (Chơn Lý, trang 598)[17].

Cuối cùng Chơn Lý khẳng định kinh Địa Tạng là một tác phẩm văn học Phật giáo tuyệt vời, chứa đựng những tư tưởng thâm áo tột cùng của Phật giáo. Tác giả nhận định: “Như thế thì kinh Địa Tạng là pháp giác ngộ chúng sanh và là Phật dạy trí tuệ cho chư bồ tát thật quý báu vô cùng” (Chơn Lý, trang 606)[18]. Tác giả cũng xác định giá trị chân thật tuyệt vời nội dung tư tưởng kinh Địa Tạng: Hành bồ tát đạo cứu độ chúng sanh là con đường đạt tới chân thật nghĩa của Phật pháp: “Đọc nghe bài này, chúng ta sẽ nhận rõ ra được chơn thân của pháp” (Chơn Lý, trang 606[19]). Vậy thì chơn thân mầu nhiệm ấy là gì? “Địa Tạng cũng tức là nguyện lực bao gồm chở che khắp hết” (Chơn Lý, trang 607) [20]. Và tác giả kết luận: “Vậy nên gọi Địa Tạng là pháp chúa tể, là vua của chúng sanh, ở trong vô minh địa ngục, ai ai cũng phải khá nên biết tôn thờ đại nguyện Địa Tạng hết” (Chơn Lý, trang 607)[21].

Như vậy có thể kết luận chương Địa Tạng trong Chơn Lý là một tác phẩm tóm lược trung thực, chính xác nội dung kinh Địa Tạng. Thêm vào đó Chơn Lý còn chú giải ý nghĩa, đưa ra phương pháp tu tập cũng như khẳng định giá trị tư tưởng tuyệt đối cũng như vị trí quan trọng của kinh Địa Tạng trong kinh điển Sanskrit.

3. Kết luận

Chơn Lý có thể là một tác phẩm Phật học, văn học Phật giáo Việt Nam có giá trị tư tưởng văn học đặc biệt hay không? Một tác phẩm được xem là tác phẩm Phật học, văn học Phật giáo Việt Nam có giá trị tư tưởng, văn học đặc biệt phải hội đủ các điều kiện sau:

Phải mô tả chính xác những gì được ghi lại trong những tác phẩm kinh điển được xem là của Phật thuyết. Đây là quan điểm truyền thống của Phật giáo Nam Ấn. Chơn Lý dễ dàng thỏa mãn điều kiện này. Như đã nói ở trên, Chơn Lý có nội dung hoàn toàn tương đồng khi so sánh về nội dung tư tưởng kinh Nikaya cũng như Visuddhimagga những tác phẩm tiêu biểu của kinh điển Pali, kinh Pháp Hoa và Địa Tạng của kinh điểnSanskrit.

Chú giải chính xác, trung thực ý nghĩa tư tưởng của kinh điển. Chơn Lý đã chú giải một cách chính xác nội dung tư tưởng cũng như quan điểm phù hợp với từng truyền thống Phật giáo như đã phân tích ở trên.

Thỏa mãn nguyên tắc tứ y (những yếu tố dựa vào đó có thể xác định đây có phải là lời Phật thuyết hay không): Y pháp bất ý nhân, y nghĩa bất y ngữ, y trí bất y thức, y liễu nghĩa bất y kinh bất liễu nghĩa. Nội dung Chơn Lý trình bày theo tinh thần trung đạo không đứng trên lập trường cá nhân, bộ phái cũng như câu nệ về hình thức chương cú. Nội dung Chơn Lý chỉ nhằm mụch đích truyền tải tất cả những ý nghĩa Phật dạy mang lại an vui hạnh phúc cho con người. Những quan điểm, tư tưởng trong Chơn Lý đều được soi sáng với trí tuệ của bậc đã chứng ngộ.

Bao hàm những tư tưởng tiên phong, đặc sắc. Với những chú thích diễn giải ý nghĩa thâm áo qua kinh Pháp Hoa, Địa Tạng đã chứng tỏ Chơn Lý là một tác phẩm có nội dung sâu sắc, những tư tưởng đi trước thời đại.

Uy tín và tri thức của tác giả: Tổ sư Minh Đăng Quang là vị Tổ khai sơn hệ phái Khất Sĩ, một trong ba tông phái Phật giáo lớn của Việt Nam hiện nay. Ngài là một bậc đã chứng ngộ giải thoát, có trí tuệ phi thường. Điều này thể hiện rất rõ qua đời sống tu tập, khai mở, lãnh đạo hệ phái Khất Sĩ cũng như qua tác phẩm Chơn Lý.  

Đến đây đã có thể hoàn toàn khẳng định: Chơn Lý là một tác phẩm Phật học, văn học Phật giáo Việt Nam có giá trị về văn học. Hơn thế nữa, Chơn Lý còn là một tác phẩm Phật học có tư tưởng cao siêu, sâu sắc. Chơn Lý xứng đáng là một trong những tác phẩm mang tính kinh điển của Phật giáo Việt Nam đương đại, cần được truyền bá rộng rãi trong Phật giáo cũng như xã hội để đem lại sự hiểu biết, trí tuệ, an vui cho mọi người.

                                                                                                                                                University of the West, Los Angeles.

TƯ LIỆU THAM KHẢO:

1. Minh Đăng Quang, Chơn Lý, Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ.

2. Buddhaghosa, and Ñāṇamoli. 1999. The Path of Purification: Visuddhimagga. Seattle, WA: BPE Pariyatti Editions.

3. Hsüan Hua, and Hengjing. 1974. Sūtra of the Past Vows of Earth-store Bodhisattva: the Collected Lectures of Tripiṭaka Master Hsüan Hua. IASWR series. New York, N.Y.: Buddhist Text Translation Society [and] The Institute for Advanced Studies of World Religions.

4. Kumārajīva, Tsugunari Kubo, and Akira Yuyama. 1993. The Lotus Sutra. BDK English Tripiṭaka, 13-1. Berkeley, Calif: Numata Center for Buddhist Translation and Research.

5. Hirakawa, Akira, and Paul Groner. 1990. A History of Indian Buddhism: from Śākyamuni to Early Mahāyāna. Asian Studies at Hawaii, no. 36. [Honolulu]: University of Hawaii Press.

6. Chatterjee, Asim Kumar. 2005. A Comprehensive History of Indian Buddhism. Kolkata, India: Punthi Pustak.

7. Donath, Dorothy C. 1971. Buddhism for the West: Theravāda, Mahāyāna and Vajrayāna; A Comprehensive Review of Buddhist History, Philosophy, and Teachings from the Time of the Buddha to the Present Day. New York: Julian Press.

8. Kalupahana, David J. 1975. Causality - The Central Philosophy of Buddhism. Honolulu: University Press of Hawaii.


[1] Donath, Dorothy C. 1971. Buddhism for the West: Theravàda, Mahayàna and Vajrayàna; A Comprehensive Review of Buddhist History, Philosophy, and Teachings from the Time of the Buddha to the Present Day. New York: Julian Press.

[2] Xem chi tiết Buddhaghosa, and Ñanamoli. 1999. The Path of Purification: Visuddhimagga. Seattle, WA: BPE Pariyatti Editions.

[3]Xem Chơn Lý, Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ.

[5]Buddhaghosa, and Ñāṇamoli. 1999. The Path of Purification: Visuddhimagga. Seattle, WA: BPE Pariyatti Editions.

[6] Xem Chơn Lý, Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ.

[7] Kumārajīva, Tsugunari Kubo, and Akira Yuyama. 1993. The Lotus Sutra. BDK English Tripitaka, 13-1. Berkeley, Calif: Numata Center for Buddhist Translation and Research.

[8] 9 Xem Chơn Lý, Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ.

[10], 11,12,13,14 Xem Chơn Lý, Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ.

[15],16,17,18,19,20,21 Xem Chơn Lý, Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ.

---oOo---

Nguồn: Đạo Phật Khất Sĩ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ