Trang chủ > Đức Tổ Sư > Bài Viết
Tiếp biến văn hóa qua bài giảng về Kinh “Cày Ruộng” trong Chơn Lý “Chư Phật”
Xem: 10130 . Đăng: 07/06/2014In ấn
Tiếp biến văn hóa qua bài giảng về Kinh “Cày Ruộng” trong Chơn Lý “Chư Phật”
Bộ Chơn Lý là kết tinh kho tàng Pháp bảo do Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang soạn viết trong 10 năm mở đạo và hoằng hóa kể từ lúc Ngài khai sáng Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam đến khi Ngài vắng bóng (1944-1954). Đây là dấu ấn của quá trình tu học, liễu ngộ và hành đạo của Đức Tổ Sư, và qua đó, chúng ta hiểu được tôn chỉ, nguyện, hạnh và hành trạng của Đức Tổ Sư và đoàn du tăng trong thời kỳ đầu thành lập tăng đoàn. Bộ Chơn Lý là kim chỉ nam cho quá trình tu tập của chư đệ tử truyền thống Khất sĩ sau khi Đức Tổ Sư vắng bóng. Nơi đây, những giáo lý cốt tủy của Đạo Phật được Ngài trình bày bằng ngôn ngữ bình dân, giản dị, mộc mạc và giàu hình ảnh vốn quen thuộc với người dân miền Tây - Nam Bộ. Nơi đây, những giá trị văn hóa của người Việt được hòa quyện trong nguồn giáo pháp qua sự tiếp biến tự nhiên của Đạo Phật vào văn hóa Việt qua sự ứng dụng linh hoạt của Đức Tổ Sư. Nét đặc trưng này có thể tìm thấy xuyên suốt bộ Chơn Lý. Trong phạm vi bài viết ngắn này, người viết chỉ bàn về sự hòa quyện giữa giáo lý và văn hóa bản địa qua bài giảng về kinh “Cày ruộng” được trình bày trong phần đầu tiên của bài Chơn Lý số 30: “Chư Phật”.
Mở đầu bài Chơn Lý số 30, Đức Tổ Sư giảng về bài kinh “Cày ruộng.” Bài kinh này được tìm thấy trong Tương Ưng Bộ Kinh, chương 7: Tương ưng Bà-la-môn, Phẩm 2: Phẩm cư sĩ, mục 1: Cày ruộng (S.i. 172). Bài kinh này cũng xuất hiện ở Kinh Tập, chương I, mục 4: Kinh Bharadvada người cày ruộng (Sn.12) với nội dung dài hơn và hơi khác một tí ở phần cuối kinh. Nội dung của bài kinh này được tóm lược như sau:
Kinh kể rằng, lúc bấy giờ Đức Phật trú tại Magadha. Một hôm, trên đường đi khất thực, Đức Phật đi đến nông trường của bà-la-môn Kasi Bharadvaja khi ấy đang chuẩn bị gieo mạ. Bà-la-môn này nói rằng, tôi cày, tôi gieo mạ, sau đó, tôi thu hoạch, tôi ăn. Ông có cày và gieo mạ không mà sau khi thu hoạch, ông ăn?
Đức Phật từ tốn trả lời rằng, Ta cũng có cày và gieo mạ, sau khi cày và gieo mạ, Ta ăn. Khi người bà-la-môn thắc mắc về cày, lưỡi cày, gậy, trâu… của Đức Phật, Ngài nói lên bài kệ giải thích rằng “ta có niềm tin là hạt giống, khổ hạnh là mưa, trí tuệ là cày và ách, tàm quý là cán cày, ý là dây cột, chánh niệm là lưỡi cày, gậy đâm, tinh tấn là khả năng mang ách. Với thân hành và khẩu hành được hộ trì, với chân lý sự thật, Ngài nhổ lên tà vạy. Sau khi gieo mạ, Đức Phật thu hoạch được quả bất tử và mọi đau khổ đều không còn.
Sau đó, Đức Phật khuyên bà-la-môn nên hoan hỷ cúng dường những bậc đã đoạn tận lậu hoặc vì đó là phước điền cho người cúng dường. Bà-la môn hoan hỷ thọ nhận lời Đức Phật dạy và xin quy y làm đệ tử Phật.
Đức Tổ Sư thuật lại bài kinh này theo cách riêng của Ngài. Theo lời kể của Đức Tổ Sư, khi đối đáp với người bà-la-môn cày ruộng, Đức Phật nói rằng“chính tôi đây mới là người làm ruộng, mới thật là kẻ biết yêu quý giữ nghề làm ruộng” (Chơn Lý, tr. 456). Nội dung cần truyền đạt ở đây là Đức Phật nói, Ngài cũng là người làm ruộng (tất nhiên theo cách của riêng Ngài). Đức Tổ Sư vẫn giữ nguyên ý nghĩa này như đã được trình bày trong kinh. Điều đáng nói là ý tiếp theo đó “[tôi] mới thật là kẻ biết yêu quý giữ nghề làm ruộng.” Đây là ý tưởng mới của Đức Tổ Sư với mục đích liên kết nội dung kinh với môi trường thực tế của người nghe pháp. Nền văn hóa nông nghiệp lúa nước, quý ruộng quý vườn, giữ gìn nghề nông truyền thống của người dân đã được Đức Tổ Sư vận dụng một cách linh hoạt để chuyển tải ý kinh vào lòng người một cách hiệu quả nhất. Ngài phân tích thêm“Đức Phật là ông thầy làm ruộng, là tổ sư của nghề nông” (Chơn Lý, tr. 457). Cách nói thế này thấm đượm văn hóa người Việt. Chúng ta thấy ở Việt Nam, mỗi nghề đều có một ông tổ, người khai sơn ra nghề nghiệp ấy như tổ thợ may, tổ dệt vải, ... và người trong nghề rất tôn trọng ông tổ của mình. Mỗi nghề đều có một ngày trong năm để cúng tổ. Cách Đức Phật làm ruộng trong đó Ngài sử dụng hạt giống là niềm tin, trí tuệ là cày và ách, chánh niệm là lưỡi cày, tinh tấn là trâu bò... thì quả thật Ngài đúng là ông tổ! Cách diễn đạt như vậy thật sinh động, gần gũi với con người ở một xã hội nông nghiệp như môi trường Việt Nam, nhất là miền đồng bằng sông Mekong, địa bàn khai đạo chính của Đức Tổ Sư. Chính vì vậy, bài kinh trở thành dễ hiểu, người nghe dễ lãnh hội và hành trì.
Đức Tổ Sư giải thích thêm “... nghề làm ruộng ấy do Ngài đã lựa chọn, xét kỹ, chắc chắn được kết quả, trúng mùa, không thất bại, Ngài làm ruộng không cực nhọc, không tổn hại cho ai tất cả. Ngài mới thật gọi đúng tên là người làm ruộng, vì không bao giờ Ngài chịu bỏ cái nghề làm ruộng cao viễn quý báu ấy” (Chơn Lý, tr. 457). Trước sau, Đức Tổ Sư ca ngợi nghề “làm ruộng tinh thần” như lời Đức Phật nói với người bà-la-môn kia, xem đó là nghề cao quý nhất, vì ‘nghề’ này đem lại an vui thảnh thơi lâu bền cho tâm mình và đem lại lợi ích cho người. Thêm vào đó, Ngài nói “trần thế là miếng ruộng to, mỗi xác thân người là một cục đất nhỏ” (Chơn Lý, tr. 456). Cách dùng hình ảnh cụ thể thế này rất sinh động để nhắc người nghe pháp mối tương quan tương duyên giữa con người với con người trong xã hội nói chung và văn hóa làng xã cộng đồng nói riêng. Cộng đồng làng xã là nét đặc trưng của đời sống nông thôn Việt Nam vào thời điểm đó. Đây là nét sáng tạo của Đức Tổ Sư khi ý này không xuất hiện ở bài kinh “Cày ruộng” trong Tương Ưng Bộ Kinh và Kinh Tập.
Bài kinh trong Tương Ưng và Kinh Tập dừng lại ở chỗ người bà-la-môn, sau khi nghe Đức Phật trả lời, tán thán Ngài rồi xin quy y làm đệ tử Phật, thì ở đây, Đức Tổ Sư giải thích sâu hơn ý nghĩa và sự khác nhau giữa hai cách làm ruộng: làm ruộng xác thân và làm ruộng tinh thần. Theo Ngài, làm ruộng như người bà-la-môn trong kinh là “làm ruộng bằng xác thân, là để nuôi xác thân và người, số ít; người làm ruộng bằng vật chất bằng cách ác hại gây khổ cho chúng sanh, cực nhọc cho mình, mà rốt lại, khi được rất ít, hư thất thì nhiều” (Chơn Lý, tr. 457). Còn làm ruộng tinh thần như Đức Phật thì đem lại lợi lạc lớn cho bản thân và cho người khác. Đức Tổ Sư giải thích: “Trong đời cũng có kẻ không làm ruộng bằng cái ác, giết cỏ hại trùng; họ làm ruộng bằng tinh thần, bằng hy sinh, bằng lý trí, bằng phước thiện, giúp ích cho cả trăm ngàn người khác, mà quên, bỏ sự ích kỷ tư riêng; họ xem gia đình, xã hội như miếng ruộng, mà ra công tô đắp vun quén, những việc lành phải như hột giống, và kết quả là sự hả dạ vui cười họ không hưởng vật chất, không thủ lợi cho mình, họ làm việc cho tất cả, quên sự cực nhọc của mình, họ làm ruộng như thế, là để cho được sự kinh nghiệm, mở trí cho họ thôi” (Chơn Lý, tr. 458). Ở bài kinh “Cày ruộng”, Đức Phật không xác định “ruộng” của Ngài là gì. Chúng ta có thể hiểu đó là tâm thức của mình, mà cũng có thể hiểu là gia đình, xã hội hay cả trần gian như Đức Tổ Sư giải thích. Rõ ràng với cách giải thích này, Đức Tổ Sư hướng tâm về sự độ tha nhiều hơn. Mang tâm nguyện độ sanh trên bước chân du hóa ngay từ những ngày đầu thành lập đoàn du tăng Khất Sĩ, bất cứ nơi nào có duyên thuyết pháp, đồng thời với việc truyền tải ý nghĩa trong kinh điển, Ngài luôn lồng ý tưởng khuyến thiện gần gũi với hoàn cảnh của người nghe Pháp bằng tâm vị tha của Ngài. Chính vì vậy, Ngài sử dụng thứ ngôn ngữ bình dân nhất, với các hình ảnh gần gũi thân thiện, giúp người nghe như thể với tay ra là nắm được, nhằm giúp họ hiểu sâu và áp dụng hiệu quả giáo pháp của Đức Phật, để rồi bỏ ác làm thiện, tu tâm dưỡng tánh, tiến bộ trên con đường tu tập tâm linh.
Điều đáng lưu ý nhất trong bài giảng này là Đức Tổ Sư nói rằng, con đường làm ruộng từ thấp đến cao trải qua ba bậc: người, trời và Phật và có ba cách làm ruộng tương ứng. Ngài nói: “Như thế là có ba cách làm ruộng: Phật làm ruộng bằng tâm, bằng đạo đức, nuôi tất cả chúng sanh. Kết quả Niết bàn vĩnh viễn, hưởng chơn như. Trời làm ruộng bằng trí, bằng thiện, nuôi được xã hội, gia đình. Kết quả Trời ngàn năm lâu khá, hưởng tinh thần. Người làm ruộng bằng thân, bằng ác, nuôi được gia đình nhỏ hẹp” (Chơn Lý, tr. 458). Trong khi đó, kinh “Cày ruộng” chỉ đề cập đến hai loại làm ruộng: làm ruộng thông thường của người làm nghề nông như người bà-la-môn kia và làm ruộng tinh thần như Đức Phật. Cách hình ảnh hóa và cụ thể hóa lộ trình tu tập qua ba cách làm ruộng tương ứng với ba hạng người là một sự tiếp biến văn hóa tài tình và sinh động của Tổ Sư Minh Đăng Quang nhằm thực hiện hạnh nguyện lợi tha của Ngài vậy. Ngài tiếp tục giải thích “con đường nào cũng có ba chặng, người Trời và Phật là ba khoảng đầu, giữa và đuôi, tức là từ ác đến thiện, đến đạo đức, từ vật chất đến tinh thần, đến chơn như, từ thân đến trí, đến tâm, từ một ta đến nhiều người, đến tất cả; từ nhỏ tới lớn, từ thấp tới cao, từ hẹp đến rộng, con đường ấy là sự tấn hóa vậy” (Chơn Lý, tr. 459). Đọc bài kinh “Cày ruộng” trong Tương Ưng Bộ Kinh, người học có thể hiểu, liên hệ và áp dụng thực tế ẩn dụ cày ruộng như thế nào là việc của mỗi người. Ở đây, qua lời trình bày, giải thích và phân tích của Đức Tổ Sư, cả một lộ trình tu tập có ba chặng hiện rõ ràng trước mắt và người nghe pháp chỉ có thể khởi tâm bước lên con đường đó để được tiến hóa dần dần qua các chặng cao hơn mà thôi. Không ai bằng lòng với cách làm ruộng của người mà sẽ nỗ lực làm ruộng theo cách của trời và tiến lên đến mức viên mãn nhất là làm ruộng theo cách của Phật.
Trên lộ trình tu tập và tiến hóa này, ở giai đoạn giữa, Đức Tổ Sư đưa vào khái niệm “trời” với nghĩa “chư thiên”, một loại chúng sanh có nhiều phước báu hơn con người, để tạo nên sự tiếp nối giữa địa vị phàm phu con người và địa vị giải thoát của chư Phật. Những đặc tính của chư thiên như có sắc tướng tốt đẹp, được thọ hưởng đầy đủ các lạc thú và tuổi thọ lâu dài, như được mô tả trong nhiều kinh điển được Đức Tổ Sư đề cập ở bài này. Y vào kinh điển, Ngài cũng cảnh báo người thực hành không nên chấp vào lạc thú ấy để rồi mắc kẹt mà không vươn lên địa vị Phật giải thoát an vui. Nói theo ngôn ngữ của Đức Tổ Sư, Trời là “một người lớn” (Chơn Lý, tr. 25). Trong bài pháp này, đôi khi Ngài dùng chữ “thiên đường” với nghĩa tương tự để khuyến tấn con người bỏ ác hành thiện, hướng đến chơn như giải thoát. Ngài dạy “thế là chúng sanh phải trực giác trực chỉ, đi ngay lên; bỏ nhơn loại ác, đến thiên đường thiện, và đến Niết bàn chơn như, ai đang ở con đường nào thì cứ giữ con đường đó mà đi ngay lên, là tới trên được” (Chơn Lý, tr. 460-61). Như vậy, Đức Tổ Sư đã khéo dùng khái niệm “trời” vốn quá quen thuộc với văn hóa người Việt, ngay cả với người không biết đến Đạo Phật làm cái gạch nối giữa người và Phật. Điều này có thể làm tăng hiệu quả truyền đạt bằng cách rút ngắn khoảng cách giữa vị trí người phàm phu và vị trí của bậc giác ngộ trong trí tưởng tượng của người nghe pháp. Ngài cũng dùng chữ “thiên đường” ở vài nơi để cho những ai quen thuộc với từ này có thể hiểu được nghĩa lý sâu xa của lời Phật dạy đằng sau lớp vỏ ngôn từ này.
Trong bài Chơn Lý này, Đức Tổ Sư giảng về các giai đoạn tuần tự trên con đường tu tập từ địa vị phàm phu đến chư thiên rồi đến rốt ráo quả vị Phật. Đây là trình tự truyền thống được trình bày trong kinh điển và những gì Đức Tổ Sư giảng rất khế hợp với chân lý giải thoát của Đức Phật. Thêm vào đó, để giáo nghĩa này dễ ăn sâu vào tâm trí của người nghe và khuyến tấn họ trên con đường học đạo, Ngài luôn quan tâm đến phương diện khế cơ. Ngài đã khéo vận dụng đưa vào trong bài giảng nhiều mẩu chuyện được trình bày trong kinh điển, thêm vào nhiều chi tiết sáng tạo nếu cần, mà không hề làm thay đổi nghĩa căn bản những gì đã được trình bày trong kinh. Bài kinh “Cày Ruộng” trình bày trên đây là một ví dụ về sự hành đạo vừa khế lý vừa khế cơ của Đức Tổ Sư. Về phương diện thực hành, ngôn ngữ càng đơn giản, càng cụ thể thì tính ứng dụng càng cao. Chính vì đặt trọng tâm vào pháp hành, Đức Tổ Sư đã đưa vào bài pháp các chi tiết mang đậm màu sắc văn hóa Việt, các hình ảnh minh họa sống động và gần gũi, ngôn ngữ mộc mạc, dễ hiểu dễ nhớ. Với phương pháp này, Đức Tổ Sư đã khéo giảng, phân tích và giải thích nghĩa lý sâu xa trong kinh điển bằng những bài pháp sinh động dễ đi vào lòng người. Đây là phương cách tiếp biến văn hóa mà trong đó văn hóa tâm linh Phật giáo hòa quyện với văn hóa bản địa để đem ánh sáng chân lý đến với đông đảo quần chúng mà không phải ai cũng có thể làm được.
Tài liệu tham khảo:
Kinh Tập. HT. Thích Minh Châu dịch. Tu thư Phật học Vạn Hạnh ấn hành, 1982.
Tương Ưng Bộ Kinh. HT. Thích Minh Châu dịch. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1997.
Chơn Lý. Tổ Sư Minh Đăng Quang. Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh, 1998.
http://daophatkhatsi.net/giao-duc-phat-giao/nghien-cuu/613-tiep-bien-van-hoa-qua-bai-giang-ve-kinh-cay-ruong-trong-chon-ly-chu-phat.html
BÀI LIÊN QUAN
Khái quát về giáo pháp Khất sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang ( Ni trưởng Khiêm Liên , 16125 xem)
Tổ sư Minh Đăng Quang - chiếc bóng bên trời trăng khuyết (8363 xem)
Nhớ Tổ Sư ( Bảo Minh Trang , 7891 xem)
Kết thúc đại lễ tưởng niệm 60 năm tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng ( Minh Mẫn , 8156 xem)
Tưởng Niệm Tổ sư Minh Đăng Quang ( Bảo Minh Trang , 6479 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng