Trang chủ > Đức Tổ Sư > Bài Viết
Đóng góp của Tổ sư trong việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam
Xem: 7296 . Đăng: 01/02/2015In ấn
Đóng góp của Tổ sư trong việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam
TT Giác Pháp
I. BỐI CẢNH XÃ HỘI VIỆT NAM THỜI TỔ SƯ XUẤT HIỆN
Hoàn cảnh xã hội: Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, người nông dân bị hai thế lực áp bức đó là địa chủ và quan lại, nên đời sống hết sức cơ cực, từ đó đã nảy sinh các phong trào cứu nhân độ thế của các thế lực chính trị và tôn giáo.
Trình độ dân trí: Rất thấp, đặc biệt vùng nông thôn, đồng bằng sông Cửu Long, đa số người nông dân mù chữ.
Tình trạng tôn giáo: Rất phức tạp, nhiều tôn giáo đua nhau ra đời. Ngoài 2 tôn giáo lớn là đạo Phật và Thiên Chúa giáo, còn có các đạo giáo khác như: Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Thông Thiên Học, Ba Hai, Bửu Sơn Kỳ Hương, Đạo Nằm, Đạo Ớt, Đạo Khoai, Đạo Dừa…
Tình hình Phật giáo: Phật giáo tuy ở vào giai đoạn chấn hưng nhưng còn nhiều tệ nạn, Tăng Ni chưa đoàn kết, thống nhất, Phật tử ít hiểu biết chánh pháp, phần lớn tu theo nhơn thừa, thiên thừa. Tăng Ni xuất gia chuyên nghề cúng tụng, nặng về âm thinh, sắc tướng. Đặc điểm nổi bật là sự hiện diện của 2 tông phái Phật giáo tại miền Nam đó là Bắc tông và Nam tông. Tuy nhiên hầu hết kinh điển của hai tông phái này còn nguyên trong Hán tạng và Pàli tạng nên ít được phổ biến đến hàng Phật tử.
Sự xuất hiện của Tổ sư Minh Đăng Quang: Trong xu thế tìm cầu giải thoát cho mình và cứu độ mọi người ra khỏi khổ ách, Tổ sư Minh Đăng Quang, vị tu sĩ Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam phát đại nguyện, đứng ra dung nạp tinh túy của hai tông phái Phật giáo, thực hành đường lối tu học đúng theo chánh pháp của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni với phương châm: “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”. Trong khoảng thời gian từ năm 1947 đến đầu năm 1954, Tổ sư đi hành đạo, thuyết pháp, những bài pháp ngắn này được ghi lại gồm 69 đề tài khác nhau đóng thành tập tựa đề “Chơn Lý”.
Trong quyển Chơn Lý, Tổ sư đã xác định:
“Khất sĩ là nhựt nguyệt tinh quang, là ánh sáng giữa đêm trời tối để chỉ dắt người ra khỏi cảnh rừng nguy”.
Minh Đăng Quang Khất Sĩ xuất gia (1944 tại Vĩnh Long) đi tu tìm học nơi hai giáo lý Đại thừa, Tiểu thừa của Miên và Việt Nam; 1946 nạn khói lửa chiến tranh danh lợi đốt phá núi rừng, làm cho người tu không chỗ ở, lại thêm nạn cướp bóc, không cho kẻ sĩ hiền làm việc nuôi thân sống tạm; Minh Đăng Quang rời khỏi xứ Cao Miên trở về Nam Việt thật hành giới luật Tăng đồ tại tỉnh Mỹ Tho cho đến năm 1948. Giáo pháp Khất Sĩ đến Sài Gòn năm 1948, ánh sáng của lá y vàng phất phơ thổi mạnh làm bật tung cánh cửa các ngôi chùa tông giáo, kêu gọi Tăng chúng, tản cư khắp xứ, kéo nhau quay về kỷ luật”.
Trong bối cảnh xã hội như thế, sự xuất hiện của Tổ sư, đường lối tu học và những lời dạy của Tổ sư quả thật là ngọn đèn sáng trong đêm tăm tối đúng như Pháp hiệu của Ngài “Minh Đăng Quang”.
“Giữa lúc cõi đời chết khổ, Khất Sĩ là chất nhựa sống, gắn liền các khối chia rẽ riêng tư. Khất Sĩ là con đàng chơn lý võ trụ, đúng theo trung đạo ánh sáng, không thiên về một bên lề mé, Khất Sĩ tượng trưng giáo lý đại đồng.
Cái sống là đang sống chung.
Cái biết là đang học chung.
Cái linh là đang tu chung.
Cả thảy chúng sanh là Khất Sĩ xin học tu chung, tạm sống đổi thay mãi, đi tới hoài, không chỗ nơi an trụ, để tiến tới cảnh toàn giác toàn năng, toàn sống, toàn tu, hoàn toàn vắng lặng tự nhiên bất diệt của đạo đức võ trụ”. (Chơn Lý Hòa Bình).
Ngài chủ trương và thường khuyến hóa chư đệ tử với quan niệm “Ta là tất cả, tất cả là ta, ta sống cho tất cả, tất cả sống cho ta, tiếng ta đây là tất cả, đó tức là chơn lý võ trụ”. Người thực hành đúng chơn lý gọi là Khất sĩ. Khất ấy là xin. Sĩ đây là học. Xin ấy rồi lại cho, học đây rồi lại dạy. Xin phẩm thực để nuôi thân giả tạm, cho sự thiện lành phước đức để bảo giữ sự sống dài lâu. Học bằng cách lượm lặt phương pháp khắp nơi, rút nhiều kinh nghiệm. Dạy là đem kết quả thật hành đặc điểm chỉ lại cho người. Cái xin, cái học, cái dạy, cái cho, các pháp nương sanh, mở ra con đường sáng lạn cho tất cả về sau tiến bước. Con đường ấy kêu là Đạo. Đạo của sống là xin nhau sống chung. Đạo của biết là học chung, Đạo của Linh là tu chung. (Chơn Lý “Hòa Bình”)
II. ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO KHẤT SĨ
Nhằm phát triển mở rộng chơn lý Khất Sĩ lên đến tầm cao, Tổ sư cụ thể hóa con đường sống và tiến hóa của chúng sanh bằng cách xác lập tư tưởng “Khất sĩ chính là Đạo Phật” trong bài “Đạo Phật Khất Sĩ”. Ngay trong phần định nghĩa, Tổ Sư viết: “Con đường tiến của sống để đến biết nghỉ yên vĩnh viễn ấy tức là đạo Phật, là Khất sĩ, và tất cả chúng sanh là đoàn Du Tăng Khất Sĩ. Chơn lý của sự sống là: Chúng sanh phải xin để sống và học để tiến hóa giác ngộ, chặng cuối con đường này hay đỉnh cao của sự học là sự thực hành để thành Phật”. Tổ Sư giải thích: “Đạo Phật không phải là học Phật hay Phật pháp. Vì Phật pháp là giáo lý giác ngộ phương tiện tùy duyên của Phật, dạy cho mỗi chúng sanh khác nhau. Còn học Phật là kẻ đang học giáo lý của Phật mà chưa thực hành. Trái lại, đạo Phật là sự thật hành để thành Phật, là sự tu giống y theo Phật! Con đường ấy là Khất sĩ, là Tăng, là đệ tử Phật sau này, là giới luật y bát chơn truyền vậy.”
“Đạo Khất Sĩ không phải là mới. Nói cho đúng: ai ai cũng là Khất sĩ cả thảy. Vì ai mà không có gặp được sự học mỗi ngày, ai mà không có sự xin nhau từ chút! Nhưng lắm kẻ mảng đua chen giành lấn mà quên đạo lý của mình. Nên học phải cái viển vông, và xin bằng lẽ quấy ác hung bạo, quên ân bỏ nghĩa, mà chẳng hay dè.” (Chơn Lý “Đạo Phật Khất Sĩ”)
III. ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VIỆT NAM
Tôn chỉ:
Với chí nguyện nối truyền Thích Ca Chánh Pháp, Tổ sư Minh Đăng Quang lấy Tứ Y Pháp trung đạo làm nền tảng tu tập, để được tự giác, giác tha và giác hạnh viên mãn, đây là tôn chỉ Tổ sư Minh Đăng Quang đề ra.
“Tứ y pháp là chánh pháp của chư Phật mười phương ba đời, là giáo lý Y bát Khất sĩ vậy!
Con đường Khất Sĩ đi đến quả Phật, kêu là Trung đạo chánh đẳng chánh giác vô thượng, Trung đạo ấy là Tứ y pháp. Vậy thì chúng ta nên phải thật hành đúng y Tứ y pháp, không nên viện lý lẽ gì bác bỏ đi cho được. (Chơn Lý “CHÁNH PHÁP”).
Giáo lý Khất Sĩ, một là dứt các điều ác, hai là làm các điều lành tùy theo nhân duyên cảnh ngộ, không cố chấp, vì lẽ không có thì giờ dư giả, và cũng biết rằng: các việc lành là để trau tâm, vì tâm mà làm sự phải, chớ không ngó xem nơi việc làm kết quả; và ba là cốt yếu giữ lòng trong sạch. (Chơn Lý “Đạo Phật Khất Sĩ”)
Mục đích:
Mục đích của Tổ sư khi ra đời lập giáo là chỉ cho chúng sanh con đường tiến hóa giác ngộ, con đường đó Tổ sư gọi là chơn lý của võ trụ.
Khất sĩ là con đường tạm đi đến nơi chơn thật!
Kìa đoàn Du Tăng Khất Sĩ là con đường tạm hiện tại, để đi đến nơi chân thật (Chơn Lý “Đạo Phật Khất Sĩ”).
Đạo đây là chơn lý võ trụ của chúng sanh chung, chớ không phải tông giáo tư riêng. Kẻ sống đúng chơn lý kết quả rốt ráo giác ngộ gọi là Phật, theo tiếng thông thường cũng kêu là đạo Phật. Khất sĩ chúng tôi tập nối truyền chánh pháp của Phật Thích-ca Mưu-ni, xuất hiện nơi xứ Việt Nam này, với mục đích cố gắng noi y gương Phật, thay Phật đền ơn và để đáp nghĩa chúng sanh trong muôn một, đang thời nạn khổ (Chơn Lý “Hòa Bình”).
Hệ thống tổ chức:
Mặc dù thời gian tu học và hành đạo không nhiều, nhưng Tổ sư cũng đã vạch ra các phép tắc và hệ thống tổ chức cho Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ tương đối cụ thể và chuẩn mực. Những vấn đề này được ghi lại đầy đủ trong Chơn lý “Luật Khất sĩ”. Sau này Đạo Phật Khất Sĩ do quí Đức Thầy trưởng các Giáo đoàn và quí Ni trưởng y cứ thực hiện và phát triển rộng ra.
GIÁO HỘI TĂNG GIÀ KHẤT SĨ
a) Một Tăng hay một chúng là 4 vị sư.
b) Một Tiểu Giáo hội Tăng-già là 20 vị sư.
c) Một Trung Giáo hội Tăng-già là 100 vị sư.
d) Một Đại Giáo hội Tăng-già là 500 vị sư.
Trong đó chỉ có một chức Khất sĩ mà thôi, chớ không có phân chia giai cấp chi cả.
Dựa trên cơ sở này các Đức Thầy đã thành lập 5 giáo đoàn (Về sau HT. Giác Huệ và HT. Giác Đức lập thêm Giáo đoà̀n 6), mỗi giáo đoàn có từ 20 đến 100 vị sư, hoạt động rải rác trên khắp các tỉnh thành phía Nam nước ta. Tương tự như vậy, Ni Giới Khất Sĩ cũng từ một Giáo hội Ni, quí Ni trưởng cũng đã thành lập thêm các phân đoàn để hành đạo.
Ngoài sự phân chia này, chúng ta còn nhận thấy một điểm đặc biệt có thể làm mô hình cho Khất Sĩ Việt Nam hiện nay thực hiện, đó là trong Tăng đoàn lại chia ra Tăng trụ xứ và Tăng hành xứ.
IV. ĐẠO PHẬT KHẤT SĨ VÀ HỆ THỐNG GIÁO PHÁP CĂN BẢN
Đức Tổ sư lấy Tứ Y Pháp và 37 phẩm trợ đạo (Pháp Chánh Giác) làm căn bản để tu tập, hướng tới mục tiêu thành tựu đạo quả vô thượng Bồ Đề. Đây là con đường mà xưa kia đức Thế Tôn đã đi (Đạo đế trong Tứ Diệu Đế) và Ngài đã chỉ dạy cho các hàng đệ tử y theo con đường đó để đến Niết Bàn.
Trong quyển Chơn lý “Pháp Chánh Giác”, Tổ sư viết:
“Cách tu thành đạo của Phật cùng chư Bồ Tát tuy giải sơ lược nhưng quý báu vô cùng. Chính đó là phép tu thành đạo, đắc đủ lục thông, A-la-hán, vốn không sai chạy, chúng ta nên phải thường lặp đi lặp lại, mới nhận thấy rõ kết quả. Vì chưa đắc quả lục thông A-la-hán thì đâu được đến Bích Chi, Bồ Tát và Như Lai. Những ai có thật hành mới thấy rõ rộng xa thêm, những chỗ diệu mầu khó tả. Những ai uống nước thì ắt nóng lạnh tự người hay. Đã là pháp chánh giác thì chẳng có điêu ngoa. Nhưng có thật tu hành hay không là tự ai phải cố gắng lấy, không ai giúp nên cho mình”.
V. NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG CHO CÔNG CUỘC CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM
Qua những phần trình bày ở trên đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của Đạo Phật Khất Sĩ đối với Phật giáo Việt Nam như thế nào. Trong một đất nước nửa thực dân, nửa phong kiến, nhân dân Việt Nam đã chịu biết bao thống khổ, các thế lực chính trị vận động ráo riết sức người, sức của để phục vụ chiến tranh giành độc lập, các nhà địa chủ, cường hào ác bá ra sức áp bức bóc lột những người làm thuê mướn. Trong cảnh cơ cực như thế, chỗ dựa tinh thần duy nhất cho mọi người là tôn giáo. Thế nhưng tôn giáo thì quá nhiều không biết phải theo ai! Đạo Phật tuy đã bắt rễ trong lòng dân tộc trên dưới 2000 năm, nhưng cũng không giúp được gì nhiều cho những tín đồ tin Phật. Vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Phật giáo Việt Nam đã suy vi đến cùng cực. Lịch sử Phật giáo Việt Nam coi đây là giai đoạn u trầm nhất. Thượng tọa Mật Thể đã trình bày rất rõ trong Việt Nam Phật giáo sử lược:
“Các cảnh chùa trong nước đã thành những cảnh gia đình riêng, không còn gì là tính cách đoàn thể của một tôn giáo nữa. Họ sống trong Phật giáo hầu hết chỉ còn dốt và quên! Quên để khỏi phải biết đến bổn phận, bổn phận chơn chánh của một Tăng đồ!
Ở trong Tăng đồ thì như vậy, ở ngoài tín đồ cư sĩ thì cũng ngơ ngác ù òa, tin bướng theo càn, ít ai là người hiểu đạo lý.
Trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam, ta có thể đánh vào đây một dấu than (!) rất to tướng. Có người bảo: Phật giáo về thời này bị suy đồi là bởi thế lực truyền bá của đạo Thiên Chúa. Nhưng theo ý chúng tôi thì không phải: chỉ là tại nhơn tâm của thời đại mạt pháp mà thôi, khiến cho trong Phật giáo thiếu những bậc tu hành chơn chánh, đến nỗi đạo pháp phải suy đồi.” (Việt Nam Phật giáo sử lược – Chương 9 – TT. Thích Mật Thể).
Vào những thập niên đầu của thế kỷ 20 tuy đã có phong trào chấn hưng Phật giáo, nhưng vẫn chưa mang lại nguồn sinh khí cho Đạo Phật. Bởi vì công cuộc chấn hưng Phật giáo thời đó chỉ chú trọng về hình thức, không quan tâm đến việc tu chứng, không giúp người tu Phật giải thoát, giác ngộ, không có khả năng biến những chất liệu Phật Pháp thành nguồn năng lượng giúp con người giải thoát khổ đau. Đúng như những gì Hòa thượng Nhất Hạnh trong “Đạo Phật đi vào cuộc đời” đã nhận định:
“Những giai đoạn u trầm nhất của lịch sử Phật giáo là những giai đoạn mà trong đó sự cố gắng tu chứng và hành đạo không được biểu lộ. Thiếu tu chứng, người Phật tử không tiếp xúc được với nguồn sống đạo pháp, không nắm được những nguyên lý căn bản của Phật pháp. Đã không nắm được những nguyên lý thì sẽ cố chấp vào những hình thức sự tướng, và đó là nguyên nhân của sự sa đọa, của sự suy đồi. Trí tuệ thực chứng là nguyên lý dẫn đạo cho mọi sinh hoạt đạo pháp, sử dụng một cách linh động mọi căn cơ, mọi phương tiện. Không có trí tuệ thực chứng ấy, mọi sinh hoạt đạo pháp đi dần đến hình thức, đến cố chấp, đến mê tín dị đoan, làm cho đạo Phật (tôi nói những hình thức sinh hoạt của Phật giáo) phản lại với đức Phật, làm cho đạo Phật bị lấm láp, bị lợi dụng, làm cho quần chúng tri thức ruồng bỏ đạo Phật.”
Cũng trong Việt Nam Phật giáo sử lược, Thượng tọa Mật Thể đã xác nhận:
“Phật giáo hiện thời đã có phần chấn hưng. Nhưng có một trở lực mà chưa có Hội nào hay một Sơn môn nào giải quyết, là: Cổ động thì hội nào cũng cổ động bằng quốc văn là nền văn phổ thông, nhưng kho kinh điển triết lý nhà Phật vẫn còn nguyên khối bằng Hán văn. Vả lại dấu tích đồi bại điêu tàn của ngày qua, hiện nay vẫn còn lưu hành rõ rệt và có thế lực. Nên thật ra cả mấy hội Phật học ấy ngoài mấy việc xây hội quán, làm chùa và cổ động một số đông người quy y, còn chưa hội nào làm được việc gì vĩ đại có vẻ đỉnh cách cho nền Phật giáo cả.
Trong lúc này, đại đa số Tăng đồ trong các sơn môn vẫn đương mơ màng thiêm thiếp, chưa làm một việc gì tỏ rõ là người đã thức tỉnh. Cho nên tuy hiện giờ có phong trào chấn hưng mà kỳ thực mới là chấn hưng hình thức và danh hiệu.” (Việt Nam Phật Giáo Sử Lược – Chương 10 – TT. Thích Mật Thể)
Trong bối cảnh đất nước và Đạo pháp như thế, Tổ sư Minh Đăng Quang với chí nguyện “Nối Truyền Thích ca Chánh Pháp”, can đảm đứng ra thực hành “Tứ Y Pháp” đúng y như Phật Tăng xưa, tự mình làm gương mẫu cho đời. Với ba y, bình bát, đầu trần, chân không, không một đồng xu trong túi, ngài chu du nơi này nơi khác để thuyết pháp độ sanh như thuở Phật sanh tiền. Hình ảnh của một vị Khất Sĩ đi khất thực từng nhà không nhận tiền, không nhận gạo, không nhận những thực phẩm tươi sống, mỗi ngày ăn một bữa, một tấm y cũ rách bằng nhiều mảnh vải vụn khâu lại, một bình bát đất, ngoài ra chẳng có vật gì làm vướng bận, tối ngủ dưới cội cây đủ để cho mọi người kính ngưỡng. Sau này Hòa thượng Nhất Hạnh cũng đã kêu gọi các vị xuất gia cố gắng sống được như thế.
“Hãy biến mình thành người bạn giản dị, khiêm nhượng và thân thiết của lớp người đau khổ. Đừng bao giờ quên rằng khuynh hướng của đạo Phật là đi gần, đi tới với quần chúng khổ đau để nâng đỡ và giải phóng cho họ. Đừng ngồi yên tại chỗ chờ họ đến với mình. Hãy đòi hỏi nơi chư Tăng cuộc sống thao thức của những con người đang luôn luôn hướng về lý tưởng Phật giáo, bỏ quên đi mọi danh lợi tầm thường. Hãy tôn trọng chư Tăng như những bậc khất sĩ thanh cao, đừng xem họ như những bậc nhà giàu có quyền lực cần phải nịnh bợ. Hãy tự mình sống nếp sống Phật tử để cho bóng hình mình hiển hiện ở đâu thì niềm tin vui hiển hiện ở đó. Nên nhận định: đạo Phật là đạo của quần chúng khổ đau, không phải của riêng một lớp người trưởng giả.” (Đạo Phật đi vào cuộc đời – Thích Nhất Hạnh)
Tổ Sư Minh Đăng Quang tuy hành đạo trong thời gian không lâu, nhưng Ngài đã đóng góp nhiều phương diện cho công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam, những gì Ngài đã làm cho đời không thể tính được. Ở đây chúng ta chỉ xét về 2 mặt: Pháp học và pháp hành mà Tổ sư đã thực hiện cũng như chỉ dạy cho chúng ta, để thấy được giá trị tinh thần lớn lao mà Ngài đã cống hiến cho Phật giáo Việt Nam.
Pháp học
Mặc dù tam tạng thánh điển của hai hệ thống giáo lý Bắc tông và Nam tông còn nằm nguyên vẹn trong hai tạng là Hán tạng và Pàli tạng, thế nhưng trong khoảng thời gian ngắn ngủi Ngài đã tìm hiểu và lý giải một cách tuyệt vời những ý nghĩa thâm sâu bên trong những lời dạy của Phật. Những bản kinh như Pháp Hoa, Địa Tạng, Di Đà, Vu Lan… đã được Tổ sư trình bày một cách cụ thể để chúng ta áp dụng tu tập qua các bài Chơn Lý: Pháp Tạng, Vô Lượng Cam Lộ, Quán Thế Âm, Đại Thái Thức, Địa Tạng, Pháp hoa... Những quyển: Bài Học Khất Sĩ, Luật Khất Sĩ, Bài Học Sa Di, Pháp Học Sa Di, Giới Bổn Tăng, Giới Bổn Ni, Giới Phật Tử... đều là thuần Việt, dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng hoàn toàn không sai lời Phật dạy. Những pháp môn tu tập, những đạo lý làm người, những nguyên lý Phật học... đều được Ngài chỉ dạy cặn kẽ trong bộ Chơn Lý. Đặc biêt, Ngài chủ trương khuyến khích mọi người phải học để biết chữ, phải thuộc giới, phải hiểu lời Phật dạy... Chính trong Chơn Lý “Khất Sĩ” Ngài đã dạy: “Có học để thi đậu đắc quả yên vui, đặng tránh cái dốt nát vô minh, chết khổ điên cuồng của cỏ cây loại thú. Có học mới biết đầu trên chân dưới, sự sống của khắp thân mình, mới có mắt sáng thấy đường, biết điều ăn mặc. Học là quý nhất, trúng đường, hơn là sự ăn chơi nô đùa lêu lổng.”
Pháp hành
Trong suốt khoảng thời gian 10 năm tu tập và hành đạo, Tổ sư đặc biệt chú trọng về sự hành trì. Tứ Y Pháp và Bát Chánh Đạo là nền tảng cho sự hành trì. Tự thân Ngài đã áp dụng một cách miên mật Tứ Y Pháp và Bát Chánh Đạo trong đời sống hằng ngày. Lấy Giới - Định - Huệ làm pháp môn căn bản cho sự tu tập. Ngài dạy: “Giáo lý y bát không còn có nương theo văn tự, lời nói việc làm, người khất sĩ chỉ có ba pháp tu học vắn tắt là: Giới, Định, Huệ. Nếu Khất Sĩ không có tu về định huệ dầu mà có trì giới không đi nữa, cũng chưa gọi được trọn là Khất Sĩ, vì chữ sĩ đây là sự học đạo lý với quả linh, bằng pháp tu định huệ. Tu tức là học, hay học tức là tu, bởi tại hành mà dạy sanh ra học. Tu học định huệ là do giới y bát Khất Sĩ. Như vậy là trong tiếng Khất Sĩ, đủ gồm cả giới định huệ”. (Chơn lý “Y Bát Chơn Truyền”).
Đến đây chúng tôi có thể mượn lời của HT. Nhất Hạnh để kết thúc bài này: “Ở thời đại Phật giáo nguyên thỉ, hình ảnh các vị Tăng sĩ là hình ảnh cuộc đời đạm bạc, ít nhiều khắc khổ, để gần gũi con người, để thông cảm nỗi khổ đau của con người, để thực hiện thoát khổ, tu chứng, cứu độ. Hình ảnh người tăng sĩ khác hẳn với hình ảnh người quyền quí. Quần chúng nghiêng mình dưới sự nghèo khổ đơn sơ của các vị, trước sự thông cảm sâu xa về khổ đau kiếp người của các vị, trước nghị lực hy sinh, nhẫn nại, tinh tấn của các vị; quần chúng tôn sùng và cúng dường các vị vì những nhận thức ấy nhiều hơn là để nguyện cầu phước báo ở cõi nhân thiên. Sứ mạng của các vị là đem ánh sáng trí tuệ giác ngộ cần thiết cho cuộc đời, diệt trừ những dục vọng, nguyên nhân khổ đau của cuộc đời.” (Đạo Phật đi vào cuộc đời – Thích Nhất Hạnh)
Tổ sư Minh Đăng Quang đã làm được điều đó, đã thể hiện trọn vẹn tinh thần tự hành hóa tha của người đệ tử Phật, đúng với tôn chỉ và chí nguyện của Ngài: “Nối truyền Thích Ca chánh pháp, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.
Trên đây là một số nét cơ bản, kính mong chư Tôn đức Tăng Ni hoan hỷ góp ý cho đề tài này được phong phú, đầy đủ hơn.
Trân trọng tri ân.
-----ooOoo-----
Nguồn: daophatkhatsi.net
BÀI LIÊN QUAN
Những điểm nổi bật trong Chơn Lý Khất Sĩ ( Hòa thượng Giác Giới , 7329 xem)
Tinh thần “Khất sĩ Bồ tát” trong Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang ( Thượng tọa Giác Tây , 7191 xem)
Tôn Sư ví dụ ( Tỳ kheo Giác Nhường , 7086 xem)
Quan điểm của đức Phật và Tổ sư Minh Đăng Quang về con đường tu tập ( Ni sư Tín Liên , 11528 xem)
Đọc Chơn Lý Bát Chánh Đạo phần 4 ( Thượng toạ Minh Thành , 5932 xem)
Hạnh đức của Cư sĩ trong Chơn Lý ( Chùa Thuận Phước , 9398 xem)
Con đường đạo Phật Khất Sĩ ( Sư cô Hằng Liên , 6789 xem)
Sự tương quan giữa Chơn Lý và Kinh điển Pali, Sanskrit ( Tỳ kheo Giác Tri , 11306 xem)
Tưởng Niệm Tổ Sư Ngày Khánh Đản ( Ngọc Chơn , 6595 xem)
Tìm hiểu về hệ phái Khất sĩ & những điểm căn bản trong bộ Chơn Lý ( Viên Đạo , 8878 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng