Trang chủ > Đức Tổ Sư > Bài Viết

Tinh thần “Khất sĩ Bồ tát” trong Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang

Tác giả: Thượng tọa Giác Tây.  
Xem: 7193 . Đăng: 18/12/2014In ấn

Tinh thần “Khất sĩ Bồ tát” trong Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang

Khất Sĩ là một trong ba nghĩa của Tỳ-khưu. Trong Kinh Pháp Hoa Nghĩa Sớ, quyển 1 có ghi rằng: “Tỳ-khưu gọi là Khất Sĩ, trên thì xin giáo pháp của Như Lai để nuôi dưỡng tinh thần, dưới thì khất thực của bá tánh để nuôi tự thân”.

Tổ sư Minh Đăng Quang dạy: “... Khất có nghĩa là xin. Lẽ xin là chơn lý của võ trụ, mà chúng sanh, kẻ thì xin vạn vật để nuôi thân, người thì xin các pháp để nuôi trí ”.

… “Có ba bậc xin: Hạng bậc một xin bằng Thân, hạng bậc hai xin bằng Trí, hạng bậc ba xin bằng Tâm. Trong ba hạng bậc xin này, chỉ có Khất Sĩ là hạng bậc xin bằng tâm, cái xin cao thượng trong sạch hơn hết, tự người hảo tâm cho, chớ không điều ép buộc ...”

Cái xin của hạng bậc ba này có tính triết lý, tính nhân quả, tính tu hành, không đơn thuần là xin vạn vật để nuôi thân. Tổ Minh Đăng Quang dạy: “Khất Sĩ đi xin để răn lòng tội lỗi. Đi xin để đền nghiệp cũ, đặng sớm nghỉ ngơi, mau hết vốn lời. Đi xin để nhịn nhường bố thí của cải lại cho chúng sanh. Đi xin để làm gương nhơn quả tội lỗi, cho chúng sanh ngừa tránh. Đi xin để đừng phạm tội lỗi mới. Đi xin để có thì giờ ăn học. Đi xin để giáo hoá chúng sanh. Đi xin để không tự cao dốt nát, danh lợi sắc tài. Đi xin để giải thoát phiền não, và để un đúc tâm hồn, rèn luyện chí hướng, tập sửa bản năng. Có đi xin mới có từ bi hỷ xả, trí tuệ thông minh, cõi lòng mát dịu, rộng mở bao la, lặng yên sạch sẽ. Có đi xin ăn học mới là thiện, kẻ không đi xin thất học là không thiện. Người đi xin ăn học, qúy hơn là kẻ ở học một chỗ, học có người nuôi, thiện hơn là người tự nói làm ác quấy để ăn học.Có đi xin mới học được chơn lý, là môn học qúy nhất, hơn các lối học khác mênh mông. Chỉ có chơn lý mới là đường đi ngay, mới tạo nên người thật học, được học đúng đắn vĩnh viễn. ”

“… Khất Sĩ có ba bậc: Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát.

1. Khất Sĩ Thinh Văn: Là bậc đi du học toàn xứ, hy sinh xác thân vật chất, xã hội, gia đình, thanh bần đơn giản, chỉ để tâm trí theo đuổi mục đích của tu học vì chúng sanh, để tế độ chúng sanh. Cho nên bụi trần không ô nhiễm, sáu căn thanh tịnh, không còn sự mê lầm bổn ngã, không nghi não, không ham mộ nghi lễ cúng kiến, không tham dục, không tham sắc, không tham vô sắc, không sân hận, không tự cao, không xao động, không vô minh, và là bậc mà không bao giờ trở lại với cái si mê tội lỗi trong đời ác trược. Như người đã bay bổng trên không trung, bước chân không còn dính bụi hồng, là người ở trong giới Phật, không hề sa ngã.

2. Khất Sĩ Duyên Giác là bậc tu trì nhập định, sau khi đã giác ngộ, các pháp nhơn duyên của Vô minh, Hành thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Tử, là bậc mà sự ăn mặc ở bịnh chẳng cần màng; sống, chết, đến, đi, còn, mất, có, không chẳng quản; khổ, vui, lợi, hại, khen, chê chẳng động tâm, là bậc sống theo thời duyên cảnh ngộ, rày đây mai đó, ở xó gốc bụi lùm, một thân một áo bát, theo lẽ vô thường vô ngã, cùng là nhơn pháp không ta, giữ theo chánh giáo mà phân biệt điều thiện ác, tinh tấn tu hành, an lạc trong vòng đạo đức, thắng phục tâm ý mình đặng làm lành, nhớ tưởng đạo lý, nhứt tâm đại định, và vui chịu với mọi cảnh ngộ.

- Khất Sĩ Duyên Giác là bậc đi du lịch ta bà để thật hành pháp giải thoát, hưởng quả an lạc Niết-bàn, là bậc thanh tịnh nhập định chưởng thần thông. Khất Sĩ Duyên Giác là kẻ khổ hạnh, thấp thỏi thiếu kém, rách rưới bần hàn, là bậc đi giác ngộ, cảm hoá, kết duyên cùng chúng sanh, để sau này hoá độ.

- Khất Sĩ Duyên Giác không hay nói pháp dạy người, nhưng những ai coi theo gương, cũng đủ tu hành đắc đạo. Duyên Giác là thầy của Thinh Văn, là sự khổ hạnh phá mê dung dưỡng. Người ta hằng vì bậc Khất Sĩ Duyên Giác, cũng như vị hung thần mà các kẻ tu hành phá giới bất chánh không nghiêm phải sợ sệt. Chính bậc Khất Sĩ Duyên Giác là một vị phước thần, thỉnh thoảng xuất hiện trong thời kỳ không có chư Như Lai hay Bồ-tát, để đem gương Phật nhắc nhở cho hạng Thinh Văn, kẻ nào thấy gặp được, cũng bằng như gặp Phật.

- Khất Sĩ Duyên Giác là bậc đối trị với pháp thế gian, vạch đường giải thoát cho muôn loài tránh khổ. Bậc Duyên Giác đi xin để đền nghiệp cũ, đi khắp nơi để chịu chúng khảo hành, cho mau hết xong nghiệp quả trong kiếp một. Đi xin để cho hay trong thiên hạ, rằng mình sẽ lìa cõi thế đến Niết-bàn, để cho mặc ai muốn trả đáp điều chi tự ý (hoặc đòi hỏi hay bố thí cúng dường). Đi xin để vất bỏ tham, sân, si, ái dục. Đi xin để đem thân làm ruộng phước tốt đẹp cho kẻ mong cầu cúng thí đặng gieo giống Phật, diệt lòng ma. Chính sự không nói làm sái quấy, là phân chất nước trong tốt đẹp, để cho người xem thấy đó, mà nảy phát thiện huệ, chơn tâm, hột giống đặng đem gieo trồng có chỗ tưới vun… Bởi thương người tội nghiệp, kẻ khó nghèo, nên Khất Sĩ Duyên Giác đâu đâu cũng hiện đến. Gặp được ngài như gặp được Phật, người mà cung kính chào mời, hoặc cúng dường lễ bái, đều là kẻ giác ngộ có duyên, sẽ thấy rõ tinh thần giải thoát, lý đạo nhiệm mầu, không còn khổ nạn, đắc trí huệ thâm sâu.

3. Khất Sĩ Bồ Tát: Là những bậc thầy ngồi trên, chẳng bao giờ thiếu hụt, cũng ví như Vua trời, Vua người; là bậc Tổ sư giáo chủ, vì muốn răn lòng cao trọng, vì muốn chứa đức thêm nhiều, vì muốn khuyên lơn hàng vương giả, vì muốn phục lòng thiên hạ, vì theo sự giải thoát trung đạo, vừa làm gương Tăng chúng, vừa để đi đứng khắp nơi công bình, vừa tìm duyên hoá độ, vừa để làm quen dạn dĩ đến gần, cho kẻ thấp thỏi nhỏ nhoi. Vậy nên phải đi xin, chính sự đi xin của chư Bồ-tát hay Phật, là điều khó nhất, trong thế gian ít ai làm được. Bởi Phật là bậc toàn năng, không chỉ không làm được có khác hơn bậc Hoàng đế, Bá, Hầu, vì thể diện danh dự giá trị, lợi lộc, chấp mình, mà phải thụt lùi từng bước, phải mãi ôm chấp cái ta, nặng nề té sa hố thấp trủng sâu, chịu chết thất bại, mà chẳng dám dòm xa bước tới nẻo lành.

Chúng sanh mà thua Phật, là bởi có việc làm được, còn có việc làm không được. Mà những việc làm không được ấy, lại là việc phải đáng làm. Còn làm được là được việc tội lỗi hư vọng, ấy cũng vì muốn vừa lòng theo trẻ nhỏ số đông, sợ chúng trẻ con dại dột chê cười, mà không nghĩ đến sự lành của ông già trí thức, tuy ít người khen mà lại thành công hơn.

Những cái trở lực bức tường sợ sệt yếu ớt bắn lùi, lụn bại, luân hồi ấy, chỉ có Khất Sĩ mới là giải thoát tiến hoá đứng vững, thắng phục đạp ngã; mới gọi là bậc hay làm được việc khó làm, mạnh mẽ hơn chỗ của người khác vậy…”

Như vậy tinh thần “Khất Sĩ Bồ Tát ” theo Tổ sư Minh Đăng Quang, trong bộ Chơn Lý là bậc Thầy có vai trò quan trọng trong sự giáo dục đệ tử, chúng sanh. Khất Sĩ bậc thầy đó luôn hướng về chư Phật, Bồ-tát, Thánh Hiền và chư thiện tri thức để cầu học hỏi những điều chánh đạo. Hướng về tất cả chúng sanh, để được chia sẻ những điều tốt lành, những kinh nghiệm tu để hóa giải phiền não, thực hiện con đường đạo đức và hạnh phúc trong cuộc sống. Đây chính là ý nghĩa của hạng Khất Sĩ Bồ Tát.

Khất Sĩ Bồ Tát đối với việc truyền trì Phật pháp là vô cùng quan trọng vì trong đó thể hiện vai trò và trách nhiệm của cả người Thầy và Trò trong phương diện giáo dục. "Nội tu ngoại truyền" là hai phương diện vô cùng quan trọng trong công tác giáo dục của hệ phái Phật giáo Khất Sĩ. Hai phương diện này liên quan mật thiết với nhau.

* Vai trò người Thầy trong tinh thần Khất Sĩ Bồ Tát rất quan trọng.

- "Khất Sĩ Bồ Tát cũng như ông thầy giáo dạy học cho bá tánh, chẳng lãnh tiền lương, dù dạy ít dạy nhiều không hề kể công so của, quý nhất là gương hiền đạo đức, gương giới hạnh, gương từ bi đại lượng ở đời."

- "Khất Sĩ chư Tăng phải đi, đi khất thực khắp nơi để cứu độ, khuyên tiếp dẫn những người cho họ đi theo, ấy là dẫn..." - Thầy Khất Sĩ thực hiện công tác giáo dục, thuyết pháp giảng kinh, hóa duyên độ chúng tất cả vì mục đích là truyền bá và gìn giữ con đường hạnh phúc, con đường giải thoát khổ đau. Thực thi giáo dục Phật giáo là người trong công tác giáo dục kể cả người dạy và người học đều tự xem và bổ khuyết chính mình.

Việc tự kiểm thảo và tu tập chính bản thân mình là tính chất vô cùng quan trọng, bất luận là thầy hay trò đều cần có năng lực kiểm thảo của tự thân. Vì chính những cử chỉ hành vi của bản thân là bài học vô giá cho mọi người.

Thầy Khất Sĩ luôn lấy "Lợi tha làm tự lợi" vì thế quá trình giáo dục cần phải thực hiện một cách khế lý, khế cơ và khế thời. Chỉ có như vậy mới thực hiện một cách tích cực trong công tác giáo dục.

Tóm lại, từ góc độ giáo dục học thì từ "Khất Sĩ " bao hàm nhiều ý nghĩa. Vai trò của người thầy và trò thể hiện rất rõ và vô cùng quan trọng trong tiến trình tu học và giáo hóa. Vì mỗi cá nhân, mỗi thành viên trong xã hội đều là "Khất Sĩ", tức là ai ai cũng cần có sự nương tựa nhau, trao đổi nhau, hỗ trợ và tương tác lẫn nhau để tồn tại và phát triển, tất cả sự vật hiện tượng đều là thuộc tính của Duyên sinh.

     Với quan điểm này, thì từ "Khất Sĩ " bao hàm ý nghĩa của quá trình giáo dục, hoằng pháp lợi sanh và xây dựng tiến trình giải thoát. Còn vai trò Khất Sĩ Thinh Văn từ phương diện người trò cũng quan trọng không kém người thầy Khất Sĩ Bồ Tát.

- " Khất sĩ là học trò nghèo đi xin ăn để tập cho đời theo gương bố thí giúp đỡ lẫn nhau, kẻ vật chất người tinh thần để được sống".

Học trò Khất Sĩ luôn học tập cho mình phẩm chất đạo đức, hoàn mỹ nhân cách và cuộc sống tự tại, cuối cùng là giải thoát viên mãn. Thầy giáo, phương pháp giáo dục và cơ cấu giáo dục đều nhằm mục tiêu triển khai và phát huy các tính chất giáo dục và tác dụng của giáo dục. Nhưng trong quá trình tu học đó, học trò Khất Sĩ luôn luôn đóng vai trò chủ thể, chủ động. Tất cả các hoạt động của dạy và học đều đề cao tính chủ động, tích cực của người học trò. Hay nói cách khác, học trò Khất Sĩ luôn luôn phải thể hiện tính chủ động tự giác, vì đó chính là điều không thể thiếu trong giáo dục.

“Khất Sĩ là học trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ, học nơi thầy, nơi bạn, nơi trò, học với tất cả chúng sanh vạn vật, các pháp, học với Phật Pháp Tăng ba đời, học từ xóm làng tỉnh xứ, đến khắp các xã hội, thế giới chúng sanh, học nơi chữ viết, nghe lời nói, học bằng lo lắng nghĩ ngợi, học nơi sự thật hành,... Tạm xin ăn tu học đi ngay chơn lý chẳng chúc lãng xao, không màng khổ nhọc".

Đã là người thì ai cũng có khuyết điểm, ai cũng có ưu điểm, vì thế học trò Khất Sĩ cần phải giúp đỡ lẫn nhau, học tập lẫn nhau, vận dụng "Kiến hòa đồng giải" vào cuộc sống. Đây là hình thức giáo dục "hòa hợp" của Phật giáo Khất Sĩ. Nhờ vậy mà có được loại hình “Phản quan tự kỷ” để tự bổ túc và sửa đổi cho mình những điểm khuyết trên đường tu học đế toàn giác. Tự học bổ khuyết là phương pháp tự hoàn mỹ nhân cách và phẩm đức của người học trò Khất Sĩ. Vì thế mà Tổ sư Minh Đăng Quang dạy rằng “Khất Sĩ là cái sống của chơn lý võ trụ mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy”.    

   Cố HT. Thích Minh Châu có nói trong trong tập văn Phật Đản số 26 PL.2537 – DL. 1993 như sau: “…. Trong đạo Phật có hai tư trào, hai khuynh hướng, hai xu thế tựa hồ như mâu thuẫn nhau, nhưng thật ra thì bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Cả hai tư trào đó, đều có ý nghĩa đối với cuộc sống của con người hiện đại.

1 - Thứ nhất là tư trào Hướng nội, nghĩa là có một số người tu chủ trương quay trở về cái mà đạo Phật thường gọi là “Bản Lai Diện Mục” tức bộ mặt thật xưa nay của chính mình, là con người thật của mình.

2 - Thứ hai là tư trào Hướng ngoại, mà kinh sách Phật thường gọi là “Lợi Hạnh Độ Sinh.” Lợi hạnh là làm tất cả mọi điều đều nhắm đến lợi ích cho tất cả mọi loài hữu tình. Độ sanh là giải thoát mọi loài hữu tình khỏi mọi nỗi bất hạnh, đặc biệt là nỗi bất hạnh lớn lao nhất là sanh tử luân hồi. Thực chất của xu thế hướng ngoại này là đồng nhất cá nhân mình với toàn thể mọi người, mọi chúng sanh trong thế giới vũ trụ. Đó là tinh thần của người Khất Sĩ hành Bồ-tát đạo. Cả hai xu hướng nói trên tiêu biểu cho hai hạnh lớn của đạo Phật là Trí tuệ và Từ bi, và đức Phật là bậc Thánh được Phật tử toàn thế giới ca ngợi, tôn sùng như là thể hiện một cách hoàn hảo nhất hai đức hạnh: Trí Tuệ và Từ bi đó.    

Xu thế hướng nội: Quay về con đường thật của chính mình.

Chúng ta có thể suy nghĩ gì về cuộc sống thác loạn, chạy theo lạc thú vật chất đang là đặc trưng nổi bật của những xã hội có trình độ văn minh vật chất cao, và cả của những xã hội đang phát triển, nhưng bị nền văn minh đó làm cho mê hoặc và chói loà.

Có sức mạnh sâu kín gì nằm ở đàng sau những tệ nạn xã hội tội phạm ở lứa tuổi thiếu niên, bệnh tâm thần, nạn tự sát cá nhân hay tập thể, v.v… Ở đàng sau tất cả nếp sống thác loạn đó là xu thế của con người bất hạnh muốn thoát khỏi cái Ta hạn hẹp và vị kỷ, muốn thoát khỏi một tâm trạng bất an và ưu tư dai dẳng.

Nhưng vì sao lại có tâm trạng bất an và ưu tư thường trực đó mà con người hiện đại muốn tìm sự lãng quên trong nếp sống thác loạn, đôi khi mất cả tính người? Phải chăng là con người tưởng rằng, vì nội tâm đầy ưu tư và buồn chán, cho nên phải hướng ra bên ngoài để tìm lạc thú vật chất? Phải chăng con người tưởng rằng, càng chiếm hữu nhiều của cải và tiện nghi vật chất, con người sẽ càng được thêm hạnh phúc, mọi nỗi ưu tư trong nội tâm sẽ được xoá bỏ?

Ảo tưởng này có tính muôn thuở. Ở Ấn Độ cổ đại, đã từng có triết phái duy vật Carvaka chủ trương như thế. Và ở thành phố Athene thời Socrate, có những triết gia thuộc phái nguỵ biện cũng đã từng bênh vực cho một lối sống lý tưởng, xứng đáng được con người mơ ước. Đạo Phật nói đó là ảo tưởng của những người khát nước mà còn ăn mặn, và càng ăn mặn càng bị khát. Đạo Phật vạch ra rằng, nỗi bất an và ưu tư nội tâm con người, chỉ có thể giải quyết ở trong nội tâm, chứ không thể giải quyết ở bên ngoài. Phương pháp tu thiền của đạo Phật mà người phương Tây quen gọi là đạo Phật Thiền, chính là phương pháp giúp cho con người trở về với nội tâm mình để giải quyết một cách căn bản mọi nỗi ưu tư và bất an của nội tâm.

Nội tâm chúng ta không khác gì mặt nước hồ, bị những đợt gió dục vọng chạy theo ngoại cảnh làm cho nổi sóng và vẩn đục. Chúng ta ưu tư, chúng ta bất an chính vì chúng ta hằng ngày sống với cái nội tâm nổi sóng đó, trong khi cả lớp nước hồ sâu thẳm, trong lặng thì chúng ta bỏ quên như là xa lạ, không phải của mình. Mục đích của thiền không phải ở ngoài việc chỉ bày cho chúng ta những phương pháp thích hợp để làm cho bề mặt của nội tâm ta không còn nổi sóng, không còn dao động, mà còn để có thể nhìn sâu vào những lớp nội tâm rộng lớn, trong lặng vốn là cái tâm thật của chúng ta, chân tâm của chúng ta.

Nội tâm con người, từ bề mặt cho đến những bề sâu, một khi được làm cho vắng lặng, thì sẽ trong sáng như gương, sẽ là nguồn an lạc và hạnh phúc, sẽ là chân lý, là ánh sáng, là Niết-bàn.

Phương pháp tu thiền rất nhiều vì bản tính con người muôn vàn sai biệt, người thì nặng căn, người lợi căn, có người nặng về tham, có người nặng về sân hoặc là si. Thế nhưng mục đích cuối cùng phải đạt tới của mọi phương pháp tu thiền là an tịnh nội tâm, làm vắng lặng và trong sáng nội tâm, biến nội tâm từ giao động trở thành yên tịnh, từ mê mờ trở thành sáng suốt. Tâm sáng suốt, đó chính là trí tuệ Bát-nhã, còn được gọi là “trí tuệ siêu việt”. Có được trí tuệ Bát-nhã, tức là thành Phật, bậc Thánh nhìn thấy tất cả, biết hết tất cả.

Vua Trần Nhân Tông xuất gia theo đạo Phật, trở thành vị Thiền sư lỗi lạc, lập ra phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ những tác phẩm Phật học của ông toát lên nhiều tư tưởng kỳ đặc. Một trong những tư tưởng đó, có câu:

“Bụt ở trong nhà,

Chẳng phải tìm xa,

Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt,

Cốc mới hay chính Bụt là ta.”

Quả thật, con người thật của chúng ta quên mất cái gốc đó, cho nên chúng ta mới là chúng sanh, có trí óc mê muội và thân tâm đau khổ bất hạnh.

Niềm ưu tư, bất an có thường trực trong nội tâm của chúng ta chính là bắt nguồn từ ở chỗ chúng ta quên mất con người thật của chúng ta là Phật, sống với con người giả của chúng ta là chúng sanh. Đạo Phật của Trần Nhân Tông cũng như của đời Trần nói chung là một đạo Phật hướng nội rất rõ nét, rất sinh động. Trên từ vua cho đến các quan lại, tướng lãnh, binh sĩ, dân thường đều tin rằng mình là Phật sẽ thành, do đó ngay trong hiện tại phải sống xứng đáng với ông Phật ở trong mình, sống với những đức hạnh của Phật như là từ bi, trí tuệ, dũng khí, vô uý.

Cổ đức có câu: “Khổ hải vô biên, hồi đầu thị ngạn”

Nghĩa là: Biển khổ mênh mông, quay đầu là bờ.

Quay đầu lại hướng về nội tâm, quay đầu lại sống với con người thật của chính mình, và con người thật đó chính là Phật với đầy đủ hai đức trí tuệ và từ bi. Đó chính là phương thuốc mà đạo Phật có thể cống hiến cho con người hiện đại. Con người hiện nay đang lãng đãng như khách phong trần trên khắp các nẻo đường, tìm kiếm sự thật và hạnh phúc, tuy biết rằng sự tìm kiếm đó là vô vọng.

Trần Nhân Tông, nhà vua – Thiền sư có nói:

“Gia trung hữu bảo hưu tầm mích

Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”

Nghĩa là :

“Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm

Lặng lòng đối cảnh hỏi chi Thiền ”.

Trong nhà có sẵn ngọc, không cần tìm kiếm đâu xa nữa, cũng như nói chính mình là Phật rồi, thôi đừng cầu Phật, tìm Phật ở đâu xa nữa. Và vì đã là Phật, cho nên ngoại cảnh dù có biến đổi, hấp dẫn như thế nào cũng không thể ảnh hưởng chi phối. Nội tâm con người vẫn bình lặng, đã bình lặng thì sáng suốt, không gì không thấy, không biết. Và đó chính là thiền rồi, cũng không cần học hỏi Thiền làm gì.

2. Xu thế hướng ngoại: Một cuộc sống hoàn toàn vô ngã, vị tha, tích cực, năng động phong phú:

Con người, sau một quá trình tìm kiếm lâu dài không có kết quả, cuối cùng biết trở về với chính mình, thì bỗng thấy cái gọi mình là ta không tồn tại. Cả thân và tâm chỉ là một dòng, một chuỗi hiện tượng tâm và sinh lý biến chuyển liên tục trong từng sát na, và ở bên trong hay là ở đằng sau dòng chảy liên tục đó, không có cái gì gọi là linh hồn hay là cái ta vĩnh cửu.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm, một bộ kinh quan trọng của Đại thừa đã minh hoạ thuyết vô ngã của đạo Phật bằng một ảnh dụ rất sinh động và cụ thể, như biển cả trong lặng mênh mông mà bỏ đi tất cả rồi chấp nhặt một bọt nước làm mình… chấp thân tâm này là ta, cũng như biển cả quên mình là biển cả rồi, chấp nhặt một bọt sóng là biển cả. Con người giác ngộ lý vô ngã của nhà Phật phát hiện thấy mình không phải là cái bọt nước mà là cả đại dương rộng lớn, mình là đồng thể với tất cả mọi người, mọi chúng sanh, mọi loài hữu tình, và từ nhận thức đầy trí tuệ này, con người phát ra lòng từ rộng lớn, lòng bi rộng lớn, nguyện làm tất cả những gì có thể làm được vì lợi lạc của tất cả chúng sanh, của tất cả mọi loài. Sống như vậy, đạo Phật gọi là sống theo lý tưởng Bồ-tát. Đó là lý tưởng sống hoà nhập vào mọi người, mọi chúng sanh, đúng theo nguyên lý mọi người mọi chúng sanh đề bình đẳng, cùng một thể.

Lý tưởng Bồ-tát là một lý tưởng có giá trị hiện thực đối với thế giới hiện đại, vì các tôn giáo lớn trên thế giới, đều có thể chấp nhận và thực hiện lý tưởng Bồ-tát của đạo Phật trên những mức độ khác nhau, và với những tên gọi khác nhau. Đạo Gia Tô nói: “Hãy thương người như thể thương mình”. Đạo Hồi nói: “Người Hồi giáo trong bốn biển đều là anh em”. Đạo Phật nói: “Hãy thương yêu tất cả chúng sanh như như mẹ hiền yêu thương đứa con một của mình ”. Nho giáo nói: “Tứ hải giai huynh đệ”. Đạo Phật khuyến khích mọi người hãy quay về với con người thật của mình, thế nhưng con người của chúng ta lại là vô ngã, nó không hạn chế trong cái thân và tâm vô thường hạn hẹp này, nó là cùng một thể với tất cả mọi người và mọi loại hữu tình khác. Và sống với mọi người, mọi chúng sanh chính là lối sống vô ngã vị tha theo lý tưởng Bồ-tát.

Nói tóm lại, hướng nội để tìm con người thật của chính mình. Nhưng sau khi phát hiện con người thật của mình lại không có mình, không có ta, lại là vô ngã đồng nhất thể với chúng sanh. Cho nên đạo Phật chủ trương một cuộc sống năng động tích cực. Hướng ngoại không phải là để tìm và hưởng thụ những lạc thú vật chất tầm thường và phi đạo đức, mà là để mưu lợi ích và đem lại an lạc cho mọi người, mọi loài. Trong cả hai xu thế hướng nội và hướng ngoại này, nổi bật lên chủ thuyết vô ngã của đạo Phật, nó không khác gì sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ giáo lý, đạo đức và thực tiễn tu hành của đạo Phật.

Khi Đức Phật còn tại thế và cả sau khi nhập diệt, tại bất cứ nơi nào Đạo Phật có mặt thì lý tưởng vô ngã vị tha bao giờ cũng là chuẩn mực bất di bất dịch của nếp sống đạo đức Phật giáo, đối với người xuất gia cũng như người tại gia. Lý tưởng đó chói sáng Phật giáo Nguyên thuỷ (Phật giáo Nam tông) cũng như Phật giáo phát triển (Phật giáo Bắc tông) cũng như Phật giáo Khất Sĩ, v.v…

Khi Phật còn tại thế, cũng như mãi mãi về sau này, bất cứ một người nào mà chối bỏ lý tưởng đó, sống ngược lại lý tưởng đó, thời không thể được xem như là người Phật tử chân chính. Ấy thế mà có người chê bai phê phán lý tưởng A-la-hán là vị kỷ hẹp hòi. Họ không hiểu rằng muốn thành bậc A-la-hán, điều kiện tiên quyết là phải diệt trừ mọi tư tưởng về cái ta, phải giác ngộ về lý vô ngã vị tha. Đức Phật khuyến dụ lớp học trò đầu tiên của ngài: “Này các Tỳ-kheo, các người cần phải tu hành, vì an lạc cho số đông, vì hạnh phúc cho số đông, vì lòng thương cho đời, vì hạnh phúc của chư thiên và loài người.” (Mahavagga, 19)

Thiếu sót cơ bản của con người trong mọi thời đại là đa số đánh mất mình chạy theo cái Ta giả dối, tức là sống với vọng tâm, vọng tình, với những khao khát thèm muốn, không bao giờ thỏa mãn, giống như người uống nước muối càng uống càng khát. Con nguời thời nay có thể sống một đời sống hưởng thụ đầy đủ ngũ dục nhưng thiếu sự an ổn nội tâm. Trong Phật giáo, Đức Phật dạy tâm an định là hạnh phúc cao thượng. Một nhóm đạo sĩ loã thể Nigantha (Kì-na giáo) cho rằng Đức Phật không hạnh phúc bằng Quốc vương Tần-bà-sa-la xứ Ma-kiệt-đà, vì Ngài sống thiếu thốn về mọi mặt trong khi nhà vua có nhiều thế lực và thụ hưởng đầy đủ tiện nghi vật chất.

Đức Thế Tôn hỏi lại:

“Này các ông bạn, vậy các ông nghĩ sao? Vua Tần-bà-sa-la xứ Ma-kiệt-đà có thể nào ngồi yên không cử động nói năng, không ăn uống trong thời gian một ngày một đêm mà vẫn hạnh phúc chăng?

- Không sao thế được.

- Còn Như Lai thì có thể ngồi yên không cử động nói năng, không ăn uống chẳng những trong một ngày đêm mà cho đến hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày bảy đêm mà vẫn an vui tự tại. Vậy giữa vua Tần-bà-sa-la và Như Lai ai hạnh phúc nhiều hơn ?

- Bạch Thầy Gotama đáng kính, nếu vậy thì Ngài có hạnh phúc nhiều hơn vua Tần-bà-sa-la xứ Ma-kiệt-đà rồi !

Đức Phật kể câu chuyện trên đây để chứng minh rằng hạnh phúc cao thượng chỉ tìm được trong chánh định. Vì cái tâm yên tĩnh vắng lặng hằng đem lại mùi vị tuyệt vời của đạo, khác hơn hạnh phúc tương đối thế gian chỉ là bề trái của các niềm thống khổ. Nào ai có thể quả quyết rằng mình sống hạnh phúc trong khi chưa diệt được những thảm hoạ: sanh, già, đau, chết? Khi còn phải gánh vô số nghiệp quả trái ngang? Khi còn bị dục vọng đổ xô vào tội lỗi trong sinh hoạt hằng ngày để bảo tồn mạng sống?

Đức Phật thuyết: “Hỡi này các Tỳ-kheo! Người đời có thể được thỏa mãn về vật chất, no cơm ấm áo, thân hình khỏe mạnh trong một năm, hai năm… cả trăm năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng chẳng một ai tránh khỏi chứng bịnh tinh thần trong giây lát, ngoại trừ những bậc đã bứng tận gốc rễ những điều ô nhiễm bên trong, đã loại trừ tất cả phiền não từ ngoại cảnh đưa vào… những bậc đã thoát ly trần tục”.

Đây là hạnh phúc trường cửu vững bền của Phật giáo. Một thứ hạnh phúc thành đạt nhờ tâm Từ bi hỉ xả, trong đó không có sợ hãi, xung chướng, dị biệt, tham lam, thù hận… mà chỉ có tình thương rộng lớn phủ trùm lên vạn vật. Dĩ nhiên, đạo Phật không chấp nhận cuộc sống chạy theo những dục vọng vật chất thấp hèn, nhưng cũng không đề cao cuộc sống nghèo đói khốn cùng, kham khổ.

Về phương diện tu hành, đạo Phật không chấp nhận lối tu ép xác khổ hạnh, hành hạ bản thân. Lối tu đó chỉ làm cho bản thân bệnh hoạn và đầu óc thêm u mê mà thôi. Đức Phật khuyên chúng ta tránh cả hai cực đoan, một là chạy theo dục lạc vật chất, hai là sống ép xác khổ hạnh.

Đức Phật khuyến dạy học trò mình cũng như tất cả mọi người sống nếp sống lành mạnh, tri túc, giản dị, hướng thượng, chói sáng đạo đức giới hạnh và trí huệ, một nếp sống mà tất cả mọi người giàu hay nghèo, xuất gia hay tại gia, ở phương Đông hay phương Tây đều có thể sống hay hướng đến. Một nếp sống như vậy sẽ đem lại sự an định nội tâm, sự sáng suốt của trí tuệ, giúp cho con người nhận thức được chính xác sự việc, sự vật và những vấn đề của cuộc sống để hoá giải vướng mắc, chấp thủ khổ đau. Chính nhờ đó mà con người làm chủ bản thân và sống hài hoà với chính mình và với mọi người và với cả thiên nhiên, thì con người mới tìm được hạnh phúc thật sự.

Như vậy hai xu thế hướng nội và xu thế hướng ngoại không có gì là mâu thuẫn. Xu thế hướng nội là quay về tự kỷ xét tâm mình mà tu thì không thể cho đó là tiêu cực. Trong cuốn “ Chánh Pháp Nhãn Tạng” có nói: “Tu hành theo Phật pháp là tìm hiểu tư kỷ. Tìm hiểu tư kỷ tức là thể nhập tự tâm. Thể nhập tự tâm, tức liễu ngộ vạn pháp. Tất cả tâm và vật, cả mình và người đều thoát lạc không còn gì cả”.

Còn xu thế hướng ngoại trong đạo Phật, từ ngữ chuyên môn gọi là tinh thần Bồ Tát Đạo. Nếu nói theo tinh thần trao đổi kiến thức trụ trì năm nay của hệ phái Khất Sĩ tại Tịnh xá Trung Tâm, đó là tinh thần hướng tới một cuộc sống vị tha tích cực, vì lợi lạc của tất cả mọi người, mọi chúng sanh.

Kinh điển của Phật giáo Nguyên thuỷ có ghi những lời dạy của Đức Phật khuyến khích đệ tử của mình hãy tích cực hoằng hoá độ sanh, và nhất là thực hành bốn nhiếp pháp để thân cận, gần gũi chúng sanh, làm lợi lạc cho chúng sanh.

Cùng với bốn nhiếp pháp, người Khất Sĩ giác ngộ về thuyết vô ngã, còn ra sức tu tập, thực hành bốn vô lượng tâm, tức là mở rộng lòng từ, lòng bi, lòng hỷ, lòng xả bao trùm tất cả chúng sanh. Đồng thời cũng thực hành sáu hạnh ba-la-mật, tức là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Sáu hạnh này được tu tập và thực hạnh đến chỗ hoàn hảo, triệt để sẽ giúp cho những người sống theo lý tưởng Bồ Tát giác ngộ chuyển hoá, vứt bỏ hoàn toàn cái Ta nhỏ hẹp, vị kỷ, sống hoà nhập vào đạo, vui cùng tất cả mọi người, mọi chúng sanh. Đó là sự tu và hành đạo, là nếp sống của những người con Phật, của người Khất Sĩ Bồ Tát giác ngộ về lý vô ngã của Đạo Phật.

-----ooOoo----- 

Nguồn: daophatkhatsi.net

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ