Trang chủ > Đức Tổ Sư > Bài Viết
Những điểm nổi bật trong Chơn Lý Khất Sĩ
Xem: 8291 . Đăng: 30/12/2014In ấn
Những điểm nổi bật trong Chơn Lý Khất Sĩ
HT. Giác Giới giảng
TK. Minh Giải lượt ghi
Nếu chúng ta được hỏi tu tập theo truyền thống Phật giáo nào? Chắc chắn Tăng Ni và kể cả cư sĩ Phật tử Hệ phái chúng ta sẽ đồng thanh trả lời rằng tu tập truyền thống Phật giáo Khất sĩ. Vậy, hai từ “Khất Sĩ” này chứa đựng nội dung gì, có ý nghĩa thiêng liêng thế nào và có giá trị ra sao mà đức Tổ sư đã nêu cao danh xưng Khất sĩ? Là người xuất gia tu học theo truyền thống Khất Sĩ, thiết nghĩ, mỗi Tăng Ni chúng ta phải hiểu rõ về 2 từ này để sống, tu tập và hành trì cho đúng với lời dạy của Tổ sư.
Mở đầu bài Chơn Lý “Khất Sĩ”, đức Tổ sư trình bày: “Khất sĩ là học trò khó đi xin ăn để tu học”. Đặc biệt, Tăng Ni chúng ta nên chú ý, Tổ sư đã khẳng định: “Khất Sĩ là cái sống của chơn lý vũ trụ”. (Chơn Lý “Khất sĩ”). Đây là sự thật hiển nhiên, pháp này không do điều kiện phát sinh, hình thành, không bao giờ thay đổi. Nếu điều gì do điều kiện phát sinh, hình thành thì cái đó là hư dối, không thật. Cái gì không thay đổi trong không gian và thời gian, dù đi đâu, ở đâu, dù bao giờ, lúc nào, thì điều đó cũng không bao giờ thay đổi. Qua lời dạy Tổ sư, điều được trình bày trên đây là chơn lý, là sự thật, mà không thể đảo ngược lại và không ai có thể nói khác hơn.
Tất cả chúng sanh đều là Khất Sĩ chứ không phải chỉ riêng Tăng Ni xuất gia mới là Khất Sĩ. Bởi tất cả chúng sanh đều có chủng tánh Khất Sĩ (xin dùng tạm khái niệm Chủng tánh Khất Sĩ nhằm dễ dàng hình dung cụ thể để rồi nhận chân được Phật tánh). Trong truyền thống Phật giáo lâu nay, ta thường nghe: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tính” nghĩa là hết thảy chúng sanh có mặt trên trái đất này đều có tánh giác, tánh biết. Riêng tôi, từ lời dạy của Tổ sư, tôi xin thưa rằng: “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Khất sĩ tánh”, tất cả chúng ta đều có tánh Khất Sĩ.
Trong nhà thiền, khi thiền giả cầu học thiền pháp thì điều kiện tiên quyết là cầu chỗ kiến tánh. Còn đối với chúng ta, là người Khất Sĩ, mang danh Khất Sĩ thì phải hiểu Khất Sĩ tánh trước thì mới khẳng định mình là người Khất Sĩ. Kế đến, chúng ta ai cũng có thể nhận mình là Khất Sĩ hết, nhưng chúng ta có tự thấy được Khất Sĩ tánh của mình được chưa? Hành giả thiền tông cầu học pháp thiền, việc đầu tiên là tìm chơn sư để khai thị để kiến tánh. Đó là điểm quan yếu đối với thiền giả sơ cơ. Như lời Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn nói: “Nếu chưa kiến tánh thì tu hành luống công vô ích”. Vô ích ở đây là đối với pháp siêu thế giải thoát, rốt ráo; còn đối với pháp thiện ác, luân hồi thì việc tu hành rất lợi ích. Bởi chúng ta, tuy chưa kiến tánh nhưng nếu có thể hiểu được các thiện pháp thì chúng ta có thể tránh ác, làm lành và có thể sống an lạc, thậm chí an lạc rất cao ở cõi dục, cõi sắc và cao nhất là thành tựu an lạc ở cõi vô sắc, nghĩa là thành tựu an lạc trong 3 cõi. Còn khi ta kiến tánh, thấy được pháp siêu thoát 3 cõi, điều này có lợi ích đối với người muốn thành tựu pháp siêu thế (pháp siêu thế là vượt trên thế gian tạm bợ, vượt pháp luân hồi, sanh tử). Vì thế cho nên, đòi hỏi thiền giả phải du phương, hành cước, nếu chưa kiến tánh thì cứ đi hoài cầu cho được chỗ kiến tánh thì mới tu hành đúng.
“Tu không học là tu mù”, học ở đây không phải là học mênh mông như Tổ sư có nói: “Học luống cố mênh mông, học cho chết cho hết thời giờ rồi tự vẫn”. Vậy học ở đây là học cái gì? Học là cốt làm sao thấy được thể tánh, kiến tánh chứ cái học để thấy thiện ác luân hồi thì trước thời kỳ Thế Tôn xuất hiện đã có rồi. Bản chất thế gian không có gì mới. Tuy nhiên, đức Thế Tôn đã phải trải qua nhiều kiếp tìm cầu, gian lao cực khổ mới thấu rõ chơn lý này. Chơn lý mà Ngài chứng đắc là siêu thế, rất thâm sâu, vi diệu, ngược dòng đời, nghĩa là đi ngược tam giới, vượt 3 cõi (dục giới, sắc giới, vô sắc giới), rất khó thấy và khó chứng, chỉ người có trí mới chứng được. Người có trí ở đây phải là người có học, và người Khất Sĩ chúng ta phải học đến chỗ khó thấy, khó biết, khó chứng, chứ không phải học luống cố mênh mông, học những tri thức nằm trong 3 cõi luân hồi.
Cho nên, sau khi thành tựu đạo quả dưới cội Bồ-đề, Thế Tôn khởi lên suy tư: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới cảm nhận! Còn chúng sinh trong ba cõi, họ xu hướng tham dục, đắm say dục lạc, khoái cầu dục lạc, tha thiết tầm cầu dục lạc. Nay nếu Ta thuyết pháp mà Ta đã giác ngộ này thì chắc chắn họ sẽ không hiểu được. Bởi đối với chúng sanh đang tìm kiếm, đang đắm say, đang chìm sâu trong dục lạc thì không bao giờ hiểu được giáo pháp cao siêu này. Nay nếu Ta tuyên báo giáo pháp giác ngộ này thì thật mệt mỏi cho Ta, không lợi ích cho Ta”[1]. Lúc bây giờ, đọc được ý nghĩ của đức Thế Tôn, Phạm thiên Sāhampati sợ rằng nếu đức Phật quyết định không truyền bá Chánh pháp thì chúng sanh vì không nghe được pháp diệt khổ sẽ bị khổ nạn nên đã xuất hiện và thỉnh nguyện đức Thế Tôn truyền bá Chánh pháp đến ba lần. Điều này, tôi nghĩ chỉ là lo sợ của Sāhampati mà thôi chứ tâm Thế Tôn không hề thối thất trong việc gióng lên tiếng trống pháp bất tử. Bởi nguyên nhân đầu tiên để Ngài tìm cầu chơn lý là đoạn tận khổ của chúng sinh nên dù có khó khăn gì đi nữa Ngài vẫn tìm ra phương tiện để cứu độ chúng sinh. Bởi Ngài thừa hiểu, tất cả chúng sinh đều có Phật tính.
Bấy giờ đức Phật đã dùng tuệ nhãn để quán sát căn cơ, căn duyên của chúng sanh. Ngài nhận thấy rằng: “Như những đầm sen, gồm các loài sen xanh, sen đỏ, sen trắng, sen vàng, sen hồng, sen tía nằm xen kẽ nhau, hòa lẫn vào trong nhau. Cây nào cũng mọc từ bùn, nhưng có cây còn nằm trong bùn, có cây vươn ra khỏi bùn còn nằm dưới nước, có cây vượt lên khỏi mặt nước, có cây vượt cao mặt nước khoe sắc tỏa hương. Chúng sanh trong thế gian cũng vậy, có rất nhiều giống loại, nhiều căn cơ, nhiều tâm trí, nhiều trình độ dị đồng, sai khác. Có kẻ thông minh, sáng suốt, có kẻ ngu tối, u mê. Bẩm tánh người này tốt, hiền; cá tính người kia xấu, ác. Loại người này sáng dạ, dễ dạy; loại người kia cứng đầu, ương bướng khó dạy. Có người ít dục, nhiều dục... Cho nên cũng sẽ có người đón nhận được pháp cao siêu này”. Cuối cùng, theo lời thỉnh cầu của Phạm thiên, Ngài đã quyết định công bố giáo pháp. Quán sát đến những chúng sanh có đủ căn cơ lãnh hội giáo pháp, Ngài nhớ đến Ālāra Kālāma vị đạo sư đầu tiên Bồ-tát thọ học trên đường tầm cầu giác ngộ. Vị này đã vượt qua tứ thiền, đã tạm thời khắc phục lòng dục, tâm xu hướng dục đã được an tịnh. Với tâm như vậy, Ālāra Kālāma đủ khả năng đón nhận pháp cao siêu nên đức Phật quyết định sẽ thuyết giáo pháp vi diệu do Ngài chứng đạt lần đầu tiên cho Ālāra Kālāma. Lúc bấy giờ, một vị thiên báo Ālāra Kālāma đã chết cách đây 7 hôm, đức Phật liền hướng tâm quán sát thế giới và xác nhận Ālāra Kālāma đã từ trần. Rồi Ngài than tiếc cho Ālāra Kālāma: “Thật là một thiệt hại lớn cho Ālāra Kālāma”. Kế đến, Ngài nghĩ đến Uddaka Rāmaputta, vị đạo sư thứ 2 mà Ngài thọ học khi còn trên đường tìm cầu giải thoát. Vị này đã học và chứng được các từng thiền thiền vô sắc, thành tựu trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, nhưng một vị thiên cũng đã xuất hiện và báo rằng Uddaka Rāmaputta đã chết cách đây một đêm. Đức Phật đã dùng thiên nhãn quán sát thế gian và xác nhận sự việc này. Rồi Ngài cũng than tiếc cho Uddaka Rāmaputta: “Thật là một thiệt hại lớn cho Uddaka Rāmaputta, chỉ còn một đêm nữa thôi mà đã sớm qua đời không có dịp nghe được giáo pháp”. Lúc bấy giờ, đức Phật nhớ đến 5 anh em Kiều Trần Như, là những đạo sĩ đã cùng với Ngài rất mực tinh tấn, tha thiết tầm cầu con đường thoát khổ bằng phương pháp khổ hạnh trong vòng 6 năm. Tuy nhiên, sự khổ hạnh này là cực đoan, sai lạc, không đưa đến hạnh phúc an lạc. Nhận thức được điều này, đức Phật đã trở lại đời sống tu tập bình thường nên 5 vị khổ hành tưởng Ngài trở lại đời sống lợi dưỡng nên đã bỏ đi trong sự hiểu lầm đáng tiếc. Họ là những người có trí, ít bụi đời trong mắt, do nhờ thực hành khổ hạnh pháp, nên tâm của các vị này dễ ổn định và hướng đến ly dục. Với tâm như vậy thì họ có thể đón nhận được pháp cao siêu này. Khi đến chỗ năm vị này, họ nói rằng đức Phật không xứng đáng để được tiếp đón, họ định sẽ để sẵn chỗ ngồi, nếu Sa-môn Gotama đến, muốn ngồi thì tự ngồi. Nhưng khi đức Phật đến, phong thái uy nghi và cốt cách thoát tục của Ngài toát ra một năng lực phi phàm khiến cho họ thay đổi quan điểm, tỏ lòng cung kính đón tiếp, thỉnh y bát, và mời Ngài ngồi. Tuy nhiên, vì nghĩ đức Phật chưa thành Chánh Đẳng Giác nên họ còn gọi Ngài bằng bạn. Họ nghĩ rằng quả vị Chánh Đẳng Giác cao quý tột cùng, vô cùng thánh hạnh và vô cùng thiêng liêng không thể nào thành tựu bởi người thiếu tinh tấn, yếu đuối, cám dỗ để rơi vào đời sống lợi dưỡng thấp hèn… Sau khi đức Phật giải minh thành kiến sai lầm của họ 3 lần, Ngài đã khẳng định quả vị Phật đã chứng đắc bằng việc nêu lên hạnh chân thật ngữ của mình. Sau cùng, Ngài thuyết pháp đầu tiên, khai thị 5 anh em Kiều Trần Như, mở được mắt pháp, thấy rõ đạo lộ dẫn đến giải thoát, Niết-bàn.
Qua đoạn trên, chúng ta thấy giáo pháp Phật thật là thâm sâu vi diệu, khó thấy, khó biết, khó chứng. Vì thế, nếu muốn thành tựu những sở chứng đó mà không có thầy hướng dẫn thì rất khó. Nói như vậy, chúng ta không khẳng định rằng tất cả đều phải có thầy hay tất cả đều không cần thầy, bởi cả 2 điều này đều là cực đoan. Vì căn tánh có sự sai biệt, nên sự giác ngộ cũng được chia làm 3 trình độ giác ngộ. Ba trình độ này được đức Tổ sư trình bày trong đoạn giữa trong quyển Chơn Lý “Khất Sĩ” bao gồm:
- Trình độ ban đầu là Thinh Văn Giác, tức phải có Thầy. Hành giả phải tìm cầu thầy để khai thị giác ngộ. Nếu không có Thầy thì không thể thành tựu giác ngộ.
- Trình độ thứ 2 là Phật Độc Giác, tức không cần Thầy vẫn giác ngộ được. Sanh thời không có Phật, không có giáo pháp của đức Phật nhưng vị Độc Giác này nhờ sự trải nghiệm qua nhiều kiếp luân hồi có thể thành tựu giác ngộ. Tuy nhiên, vị này không có nhân duyên thành lập Tăng đoàn để truyền bá giáo pháp nên được gọi là Phật Độc Giác.
- Trình độ thứ 3 là Chánh Đẳng Giác. Ví như Bồ-tát Thiện Huệ, tiền thân đức Phật, vị này có tâm nguyện tìm cầu chơn lý để hóa độ chúng sinh đoạn tận khổ đau. Chính do chủng nhân đầu tiên này mà sau khi thành đạo, Ngài tác ý công bố giáo pháp, xây dựng Tăng đoàn, kiến lập tịnh xá và đi khắp nơi hóa độ chúng sanh. Đó là Phật Chánh Đẳng Giác, tự mình giác ngộ không thầy chỉ dạy.
Đó là 3 trình độ giác ngộ cụ thể được Tổ sư trình bày. Vậy bản thân mỗi Tăng Ni chúng ta hãy thử xem xét xem mình ở trình độ nào? Với Đạo Phật Khất Sĩ, Tổ sư khẳng định con đường mà chúng ta đi đó là con đường Thinh Văn Giác. Bởi không ai trong chúng ta đủ khả năng tự mình giác ngộ được, lại càng không đủ khả năng thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vì thế, chúng ta phải chọn con đường Thinh Văn Giác. Tổ sư Minh Đăng Quang chia con đường này thành 3 hạng gồm: Khất sĩ Thinh Văn, Khất sĩ Duyên Giác, Khất sĩ Bồ Tát. Để khẳng định thái độ chơn chánh trong việc lựa chọn hướng đi đến giác ngộ, xin được nhắc lại lời Phật dạy trong bài kinh 3 hạng người bệnh, hay 3 hạng người tu để chúng ta không còn phân vân, lưỡng lự. Tức là ngay bây giờ, chúng ta phải khẳng định rằng cần phải có thầy, không thể nào tu mà thiếu thầy được. Cũng như việc, chúng ta bước vào giảng đường Tịnh xá Trung Tâm nơi đây cùng nhau tu học, từ các bậc tôn túc là đã xác tín lòng tin con đường mà ta đã chọn là con đường Thinh Văn Giác. Chính nhờ nghe mà liễu ngộ chơn lý nên mới gọi là Thinh Văn Giác. Nhưng điều quan trọng trước tiên là nghe ai, nghe cái gì? Điều nay qua các mùa An cư tôi đã đề cập rất nhiều lần. Tôi nhớ trong nội dung bài diễn văn chào mừng 25 năm GHPGVN có ghi rõ ràng và đề cao Chánh tri kiến, tức là mục tiêu tu là thành tựu Chánh tri kiến, dùng Chánh tri kiến soi sáng đường tu của chúng ta.
Điều này tôi cũng nhiều lần trình bày qua bài kinh “Khúc Gỗ” trong Tương Ưng Bộ Kinh. Nếu khúc gỗ để trên rừng lâu ngày thì nó sẽ mục rã, nhưng nếu đưa khúc gỗ ấy xuống sông Hằng thì nhất định rằng khúc gỗ sẽ xuôi về biển, sẽ ra tới biển, thể nhập vào biển nếu không vướng vào 8 chướng ngại. Vì sông Hằng chỉ có một dòng chảy duy nhất từ Hy Mã Lạp Sơn xuôi ra đại dương nên khúc gỗ khi đã nhập lưu thì chỉ có một con đường xuôi theo sông Hằng trôi ra đại dương, thể nhập vào đại dương. Cũng như vậy, một vị xuất gia, thọ giới Tỳ-kheo bắt buộc phải là một vị Nhập Lưu. Với tinh thần này, quan điểm của Tổ sư Minh Đăng Quang cũng không khác, cho nên Tổ cũng quy định một vị xuất gia muốn cầu thọ giới Tỳ-kheo phải: “Trọn lễ hầu thầy và tham thiền có ấn chứng”. Trọn lễ hầu thầy nghĩa là ngoài ý nghĩa tròn xong bổn phận của người đệ tử học trò còn phải thân cận thầy học hỏi, thường xuyên nghe diệu pháp. Vị thầy đòi hỏi phải có trí, tức là vị thầy thấy được pháp giải thoát sinh tử. Nhờ vị thầy có trí này, hành giả mới tham thiền nhập định nhiều năm, khi đủ căn cơ mới bừng tỏ mắt pháp được. Ấn chứng tức thấu rõ lộ trình đến thành tựu giác ngộ, thành tựu pháp nhãn. Có như thế mới đúng là vị Tỳ-kheo như Phật nói, đó là: “Một vị Tỳ-kheo không vướng vào tám chướng ngại là đâm vào bên này đồng nghĩa là không mê hoặc đối với sáu căn, không đâm vào bên kia đồng nghĩa mê hoặc sáu trần, không bị chìm giữa dòng là không mê hoặc trong hỷ và tham, như sáu căn tiếp xúc đối với sáu trần sanh ra hỷ tham chìm trong hỷ tham, chìm trong giữa dòng, khởi lên hỷ tham rồi chìm vô hỷ tham, không mắc cạn cái trôi nổi đồng nghĩa không ngã mạn, không bị loài người nhặt lấy đồng nghĩa không sống quá liên hệ quá thân cận với người cư sĩ, không bị chư Thiên nhặt lấy là không mong sanh về cõi trời, không bị mắc vào xoáy nước là không bị hệ lụy bởi sức mạnh 5 món dục lạc, không bị mục nát bên trong là tâm chúng ta không bị phiền não, tham sân si đầy ứ như đống rác dưới thềm”. Vị Tỳ-kheo đã không vướng vào tám chướng ngại này thì nhất định sẽ hướng về Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn và thể nhập Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì Chánh tri kiến hướng vào Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn và thể nhập Niết-bàn.
Thế nên người tu Khất Sĩ, theo lời dạy của Tổ sư là học và tu với mục đích thành tựu Chánh tri kiến. Chính con đường Khất Sĩ là con đường thuận lợi nhất và để thực đạt đến chỗ Chơn lý. Đó là ý nghĩa lời dạy “Trọn lễ hầu thầy và tham thiền có ấn chứng”. Lời dạy này rất khế hợp với kinh điển. Có câu: “Sách không thầy biết ngõ làm sao/ Xưa nay giáo pháp truyền trao/ Không thầy há dễ mặc nào nên thân”. Xét trong thời điểm hiện tại, tôi quả quyết rằng và không ai tự hào không có thầy đắc đạo quả được. Để thành tựu Chánh tri kiến cần phải hội đủ hai điều. Hai điều này được ghi rõ trong Kinh A hàm thuộc Hán tạng là: “Nghe từ người khác với tâm suy tư”. Trong Pāli tạng cũng có đoạn tương tự: “Nghe từ người khác với như lý tác ý”. Về mặt ý nghĩ, nội dung của hai câu trên là thống nhất, không sai biệt. Nghĩa là nghe từ người khác cộng với tâm suy tư. Người khác ở đây là ai? Chúng ta đừng nghĩ người khác là bất kỳ người nào ngoài mình ra. Và không phải bất kỳ ai nói cũng nghe, cứ ai nói giòn giã, vui tai làm ta thích là nghe theo. Trong một đoạn kinh, đức Phật có chia chúng sanh làm 2 hạng: Phàm phu và Thánh đệ tử.
Phàm phu - định nghĩa theo lời Phật dạy thì là hạng học không đúng thầy, dù tham học nhiều thầy nhưng chưa tìm đúng thầy đó là bậc Thánh (đức Phật) và bậc Chân nhân (đệ tử Phật). Nếu nghe hạng phàm phu thì không thể nào tác ý đến Thánh Pháp được. Bởi họ chưa thành tựu pháp nhãn, không có Chánh tri kiến nên chỉ nói nói pháp thiện, pháp còn luân hồi. Nếu chúng ta không đi đến tham kiến bậc Thánh và các bậc Chân nhân, không nghe pháp từ các vị này, mà đến nghe pháp từ các hạng phàm phu, chưa vô dòng hướng đến đạo quả thì chúng ta tu tập phi pháp, không phải pháp giải thoát. Giả như có tu tập pháp này thì cũng chỉ để hỗ trợ thấu đạt Chơn lý, chứ không thể thành tựu con đường giải thoát.
Thinh Văn thánh đệ tử là những vị thành tựu đạo quả từ Nhập Lưu, Nhất Lai, Bất Lai, A-la-hán nhờ họ đã đi đến, yết kiến, nghe và học pháp từ bậc Thánh, bậc Chân nhân. Chư vị này đều là những vị thành tựu pháp nhãn, có Chánh tri kiến. Nhờ vậy mà có đoạn được 3 hạ phần kiết sử đầu tiên, đoạn được 3 hạ phần kiết sử đầu tiên và làm muội lược 2 hạ phần kiết sử kế tiếp, có vị đoạn được 5 hạ phần kiết sử, có vị đoạn 10 kiết sử, chứng quả A-la-hán. Đi trên con đường đến hướng đạo và quả không thể vắng mặt Chánh tri kiến được. Đây là những bậc mà ta cần đi đến, thân cận, nghe và học hỏi giáo pháp từ các vị này.
Căn cứ trên những điều trên đây, tôi thấy rằng con đường Khất Sĩ là thù thắng. Vì con đường này hội đủ các duyên để chúng ta có cơ hội tầm sư học đạo, cầu học và học đến chỗ kiến tánh đi đến mục tiêu giác ngộ giải thoát. Đặc biệt, giáo pháp Khất Sĩ đủ điều kiện cần và đủ để thực hiện mục đích xuất gia của chúng ta bởi mọi người chúng ta ai cũng có tánh Khất Sĩ.
“Khất Sĩ là học trò khó đi xin ăn để tu học. Khất Sĩ là cái sống của chơn lý vũ trụ, mà tất cả chúng sanh đều là học trò cả thảy. Bởi chúng sanh là cái biết, từ chưa biết đến đang biết, và cái biết sẽ hoàn toàn ngơi nghỉ. Các sự thấy nghe hiểu để đem lại cho cái biết. Biết quý báu hơn không biết, có biết mới hết mê lầm chấp trật, khổ sở nạn tai. Từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ trước đến sau, từ chiều đến sáng, mỗi lúc cái biết càng phân biệt, làm việc tích trữ, lớn to và đi tới; làm cho chúng sanh càng ngày càng được thêm sự học hành”. (Chơn Lý “Khất Sĩ”)
Tánh Khất Sĩ, tánh học trò bất kể ai cũng sẵn có mà không biết sử dụng. Thế nên, chỉ cần nhờ có thầy trợ duyên để chúng ta nhận ra và phát triển tánh Khất Sĩ, tánh học trò này thôi. Như chàng Cùng Tử trong kinh Pháp Hoa, lạc cha mẹ, sống đời nghèo khổ đói rách nhiều năm mà không hề biết mình có viên ngọc trong mình. Đến khi được người chỉ điểm, mới biết mình có hòn ngọc như ý, mới biết mình giàu có và không sống đồi nghèo khổ, rách rưới nữa. Chúng ta cũng vậy, có sẵn tánh Khất Sĩ là vốn liếng quý giá để thành tựu giải thoát nơi tự thân nhưng do chấp thân ngũ uẩn, có tánh biết mà không nhận biết được nên mê lầm, chấp trật hoài.
Với chủng tử biết, tánh học trò, tánh Khất Sĩ này nếu chúng ta khéo sử dụng thì sẽ đến chỗ giác ngộ hoàn toàn. Điều này hoàn toàn khế hợp với lời Phật dạy: “Chính trong sắc thân không đầy một sải tay có thức có tưởng, từ đây Như Lai tuyên bố thế giới, tuyên bố thế giới tập khởi, tuyên bố thế giới đoạn diệt và con đường đưa đến đoạn diệt là chấm dứt thế giới”. Thế giới, thế gian là cái bị phá hoại, tiêu diệt, tan rã, không an ổn, khổ sở. Chúng ta nhận thấy khổ hay vui là do chúng ta mê hay giác mà thôi. Nên từ kinh văn của đức Phật, tôi mạn phép thêm vào như sau: “Chính trong sắc thân không đầy một sải tay có thức có tưởng, từ đây Như Lai tuyên bố khổ đau, sự tập khởi khổ đau đối với người mê; tuyên bố sự chấm dứt khổ đau, tuyên bố con đường đưa đến chấm dứt khổ đau đối với người trí”, nên có câu: “Ma ma Phật Phật chính tâm ta / Ma Phật khác nhau chỗ chánh tà / Giác là Phật, mê là ma đó vậy / Chơn như là Phật, vọng là ma”. Cho nên người Khất Sĩ là tu học đi đến chỗ giác, không có pháp nào khác. Tất cả những phương tiện tu giới định tuệ là chỉ để đi đến chỗ giác mà thôi. Vì vậy, chỉ có Khất Sĩ mới đi đến con đường tối thượng giác ngộ được.
Nếu đọc qua Chơn Lý từ bài Võ Trụ Quan đến Ngũ Uẩn, Lục Căn.. thì chúng ta dễ nhận ra rằng các sự thấy nghe hiểu để đi đến cái biết. Nhưng cái biết của chúng ta rất dễ dính mắc vào tham ái. Ví dụ: Thấy bông hoa đẹp, chúng ta thường tham đắm, dính mắc. Nhưng nếu được tu học và tu tập đúng pháp thì cũng thấy bông hoa nhưng không tham đắm dính mắc, vì thấy được 3 đặc tính: vị ngọt, sự nguy hiểm và xuất ly. Cái biết của chúng sanh là còn vọng động, phàm phu, còn cái biết của bậc Hiền Thánh là giải thoát giác ngộ. Vì chưa đạt đến cái biết chân thật nên giữa cái thấy của ta với cái thấy của chư Phật, Bồ-tát và chư Thánh đệ tử đều có sự sai khác. Tổ sư lại dạy: “Biết quý báu hơn không biết, có biết mới hết mê lầm chấp trật, khổ sở nạn tai. Từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao, từ trước đến sau, từ chiều đến sáng…” (Chơn Lý “Khất sĩ”). Điều này cũng giống như đức Phật từng nói: “Chỗ nào có trí tuệ thì chỗ đó có hạnh phúc và chỗ nào không có trí tuệ thì chỗ đó có khổ đau”.
Cũng trong Chơn Lý “Võ Trụ Quan” hay “Lục Căn” và “Ngũ Uẩn”, Tổ sư đã nói: “Từ cái không tạo ra tứ đại, dần dần rồi tạo nhựa chỉ mồ hôi rồi lâu ngày tạo ra rễ cây, cỏ”. Cái biết đầu tiên của cây là thọ cảm. Tuy cái biết của cây, cỏ còn nhỏ nhoi, nhưng chủng tử biết đã có mặt. Nếu không có chủng tử biết thì không có tiến hóa và mình cũng không có sự giác ngộ được. Cái biết của Phật và chúng sanh đồng thể tánh, nhưng cái biết chúng sanh vì còn có chấp trước nên còn chìm đắm trong phiền não, khổ đau và cái biết của chúng ta là hướng lên đường chánh nên thoát khỏi khổ đau, đó là cái giác.
“…Mỗi lúc cái biết càng phân biệt, làm việc tích trữ, lớn to và đi tới, làm cho chúng sanh càng ngày càng được thêm sự học hành. Chúng sanh đây là căn thân và chủ thức (là người nhận biết). Cho nên cái biết chủ cần phải sống, lớn, an, vui, yên, và còn mãi mãi. Chính biết là ta, là mục đích của chúng sanh, là chơn lý của cuộc đời, là tinh ba của vũ trụ. Chính chơn lý hay triết lý mới là môn học thật tế, lợi ích, đi ngay đến Niết-bàn, kêu là đạo: Là sự học không hai, là cái học của ta, nó ở với ta, nuôi sống cái ta, nó làm ta vậy.
Học chơn lý để biết rõ, chúng sanh, vạn vật và các pháp đặng đem lại một cái sống, như thân hình võ trụ, nối thay cùng tạo hóa dạy khắp muôn loài, một địa vị toàn giác, toàn năng, tối cao hơn trời đất, cứu độ cả chúng sanh, khắp thế giới chúng sanh thảy tự đem mình tôn kính. (Chơn Lý “Khất Sĩ”).
Học chơn lý ở đây không phải chỉ học bộ Chơn Lý (69 quyển). Ý của Tổ là học đến chỗ cho thấu đạt Chơn Lý (Niết-bàn). Tổ dạy học rất nhiều, học phải cho thấu chơn lý, chứ nếu học nhiều mà không thấu chơn lý thì chưa phải là học chơn lý, chưa phải là người Khất Sĩ. Chúng sanh tiến hóa từ thấp đến cao, học cho mình lên cao cho thấu chơn lý. Cái học này, Tổ sư dạy cái học ban đầu là cái học kiếm ăn, biết cách gieo trồng, sanh lợi nhuận, ăn ngon mặc đẹp để rồi từ đó sanh ra tranh giành, sát phạt nhau cũng dẫn nhau đi đến đau khổ. Lúc bấy giờ, có vài người trí nhận thức rằng điều này không tốt mới tầm tòi và sau đó hướng dẫn học hỏi cái thiện. Nhưng cái học thiện này vẫn còn trong luân hồi, chỉ có học chơn lý mới rốt ráo. Cũng như Lục Tổ Huệ Năng dạy Thượng tọa Huệ Minh “Không nghĩ thiện, Không nghĩ ác, đang khi ấy cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh?”, bởi chơn lý vượt lên trên cả thiện và ác.
Thời đức Phật, Cấp Cô Độc cũng đã vô sơ quả. Ông cúng dường tạo phước rất nhiều, nhưng còn tự mãn nên đức Phật đã giáo hóa, khuyên ông chớ nên tự mãn để thực hành con đường đưa đến chấm dứt khổ đau. Thỉnh thoảng ông cũng tác ý đến hạnh phúc do viễn ly sanh, là pháp giải thoát, Niết-bàn. Nhờ vào Chánh tri kiến bất thối chuyển có được của vị đắc quả Nhập Lưu, ông thấy rõ đầy đủ pháp Tứ đế, thấy rõ sự khổ và sự tập khởi của khổ và thấy rõ diệt đế là Niết-bàn và con đường đưa đến Niết-bàn.
Trong Kinh Châu Báu trong Tiểu Bộ Kinh, tán thán về ba bảo gồm: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Trong hàng Tăng bảo này, vị đã chứng đắc quả vị thấp nhất là Nhập Lưu dù cho hết sức phóng dật, nhưng không tái sanh quá bảy lần. Được soi sáng bằng Chánh tri kiến, vị này dẫu chưa hướng tâm hoàn tầm cầu giác ngộ nhưng họ không phạm những tà hạnh, tạo các ác nghiệp. Trong vòng tái sanh không quá bảy lần, những trải nghiệm những khổ đau nên họ dần hướng đến việc tầm cầu hạnh phúc do ly tham, đoạn diệt, hạnh phúc của Niết-bàn.
“Học chơn lý để biết rõ, chúng sanh, vạn vật và các pháp đặng đem lại một cái sống, như thân hình võ trụ, nói thay cùng tạo hóa, dạy khắp muôn loài. Một địa vị toàn giác, toàn năng, tối cao hơn trời đất, cứu độ cả chúng sanh, khắp thế giới chúng sanh thảy tự đem mình tôn kính.
Chính Phật là Vô thượng Sĩ, là ông thầy giáo có sự học không ai hơn! Còn Tăng là Khất Sĩ, là học trò đang đi du học khắp nơi cùng xứ, học nơi thầy, nơi bạn, nơi trò, học với tất cả chúng sanh, vạn vật, các pháp, học với Phật Pháp Tăng ba đời, học từ xóm làng tỉnh xứ, đến khắp các xã hội, thế giới chúng sanh, học nơi chữ viết, nghe lời nói, học bằng lo lắng nghĩ ngợi, học nơi sự thật hành, học nơi cỏ, cây, thú, người, trời, Phật, đất, nước, lửa gió. Tạm sống xin ăn tu học đi ngay chơn lý chẳng chút lãng xao, không màng khổ nhọc. Và bá tánh là cư sĩ kẻ đã lỡ hội đường, hoặc vì tai nạn nên phải đành kham thiếu thốn, tập học ở một chỗ nơi để đặng chờ ngày giải thoát”. (Chơn Lý “Khất Sĩ”)
Chúng ta là người Khất Sĩ là phải học lần lần đến chỗ thành tựu cái biết cao hơn. Người Khất Sĩ nhờ tầm cầu, tham học, gần gũi thiện hữu trí thức sẽ vượt qua cái biết của cây cỏ là thọ, vượt qua cái biết của súc sanh là tưởng, vượt qua cái biết của loài người là hành, vượt qua cái biết của trời là thức để thành tựu cái biết của Phật là giác. Khất Sĩ theo học từng cấp bậc để chuyển đổi tâm tánh và đi đến chỗ thấu đạt chơn lý, là đến cái giác toàn năng.
[1] Kinh Tương Ưng bộ, Tương ưng Phạm thiên (S.I, 136)
-----ooOoo-----
Nguồn: daophatkhatsi.net
http://daophatkhatsi.net/giao-duc-phat-giao/nghien-cuu/2041-nhung-diem-noi-bat-trong-chon-ly-khat-si.html
BÀI LIÊN QUAN
Tinh thần “Khất sĩ Bồ tát” trong Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang ( Thượng tọa Giác Tây , 8595 xem)
Tôn Sư ví dụ ( Tỳ kheo Giác Nhường , 8098 xem)
Quan điểm của đức Phật và Tổ sư Minh Đăng Quang về con đường tu tập ( Ni sư Tín Liên , 12960 xem)
Đọc Chơn Lý Bát Chánh Đạo phần 4 ( Thượng toạ Minh Thành , 7472 xem)
Hạnh đức của Cư sĩ trong Chơn Lý ( Chùa Thuận Phước , 10542 xem)
Con đường đạo Phật Khất Sĩ ( Sư cô Hằng Liên , 8589 xem)
Sự tương quan giữa Chơn Lý và Kinh điển Pali, Sanskrit ( Tỳ kheo Giác Tri , 12826 xem)
Tưởng Niệm Tổ Sư Ngày Khánh Đản ( Ngọc Chơn , 7895 xem)
Tìm hiểu về hệ phái Khất sĩ & những điểm căn bản trong bộ Chơn Lý ( Viên Đạo , 10330 xem)
Quan điểm về biết ơn và đền ơn của Tổ sư Minh Đăng Quang ( Liên Trí , 11690 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 41 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Long (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai)
THÔNG BÁO Khóa tu Truyền thống lần thứ 41 Do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức từ ngày 11/3 - 17/3 năm Ất Tỵ (08 - 14/4/2025) tại Tịnh xá Ngọc Long (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam
Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ