Trang chủ > Đức Tổ Sư > Bài Viết
Tầm Thầy
Xem: 6188 . Đăng: 15/03/2015In ấn
Tầm Thầy
Ni Trưởng Huỳnh Liên
Ngày mùng Một tháng Hai năm Ngọ,
Ngày Đức Thầy lãnh thọ tai ương.
Động lòng trời đất thảm thương,
Thiên hôn, địa ám, khác thường mọi khi.
Mưa sùi sụt lâm ly như khóc,
Gió thét gào e óc như than.
Mây giăng như phủ tấm màn,
Ba ngày mù mịt mưa chan dầm dề.
Người đức hạnh chịu bề thê thảm,
Tay sắt đinh va chạm thân vàng.
Tấm thân công đức huy hoàng,
Tai bay họa gởi vương mang cực hình.
Lòng thiện tín hãi kinh nhao nhố,
Khắp Tăng Ni thống khổ bi thương.
Bao năm khai mở đạo trường,
Dắt dìu sanh chúng hiền lương tu hành.
Nay Thầy phải lâm vành lao lý,
Đệ tử đành rơi lụy khoanh tay.
Chước chi gỡ nạn cho Thầy,
Ngồi yên nhìn mãi cảnh này được đâu!
Tám Tăng sĩ nặng bầu nhiệt huyết,
Lòng thương Thầy tha thiết đớn đau.
Phát tâm hòa nguyện cùng nhau,
Đến nơi chốn ấy mong sao gặp Thầy.
Ví được cảnh sum vầy sư đệ,
Thấy được Thầy quý thể tồn sanh.
Thân con khổ sở cũng đành,
Thủy chung cho vẹn tấc thành hiếu tâm!
Xuống đến đó hỏi thăm cớ sự,
Ai có ngờ nạn dữ tới nơi?
Thầy đâu chẳng thấy tăm hơi,
Mà thân con phải vào nơi ngục tù!
Buồn chạnh nghĩ kiếp tu vô tội,
Cớ sao còn ràng trói tấm thân?
Nhìn cây kiềng sắt còng chân,
Thương Thầy thống khổ ruột dần quặn đau.
Ôi! Nguồn lệ dạt dào tuôn chảy,
Khóc Tôn Sư thương bấy chúng sanh!
Ban truyền giáo pháp tu hành,
Xót thương trần thế điêu linh khổ nàn.
Thầy chẳng quản muôn ngàn đói lạnh,
Gắng công tu khổ hạnh miệt mài.
Mỗi ngày một bữa ngọ chay,
Mỗi năm chăn áo đổi thay một lần.
Nay còn phải lột trần thê thảm,
Một quần đùi mặc tạm che thân.
Đêm thời lạnh thấu xương gân,
Ngày thời oi bức như gần ngột hơi!
Ngày một vắt cơm xơi với muối,
Chịu thấu đâu những buổi khảo tra!
Lòng nào lòng chẳng thiết tha,
Tôn Sư như thế, nữa là chúng sanh!
Đường giải thoát tu hành gián đoạn,
Ngọn Pháp đăng đã cạn lưng dầu.
Mịt mờ còn thấy chi đâu,
Rừng đời hang thẳm hố sâu khôn dò.
Hết nghĩ xét thương lo viễn vọng,
Lại ngặt mình khổ thống tâm can.
Thương Thầy gánh chịu hàm oan,
Cõi lòng khô héo, lá gan dập bầm.
Mười một bữa giam cầm chẳng hỏi,
Đến hôm sau lệnh gọi đi làm.
Nghe qua biết tính sao kham,
Cá nằm trên thớt, phải cam phận liều!
Gắng cất bước đi theo đến đó,
Người chỉ cho nhổ cỏ tươi xanh.
Than rằng: “Tôi kẻ tu hành,
Giới điều Phật dạy sát sanh đặng nào!”
Người lại bảo: “Không sao điều ấy,
Ta khiến làm tội quấy về ta”.
Thôi còn biết tính sao a,
Cúi đầu tuân lệnh cho qua trận đòn!
Được một tháng không còn nhổ cỏ,
Lại bắt qua đắp mộ, chôn thây.
Lợp nhà, bửa củi, khiêng cây,
Mương đào, gạch chở, tường xây, nền đầm.
Việc nặng nhọc cam tâm thọ lãnh,
Ghê những là thoi đánh nặng tay.
Tấm thân Phật tử đọa đày,
Bấm môi mà đếm những ngày đau thương.
Còn lắm chuyện chán chường tủi hổ,
Sai nhà Sư đem đổ đồ dơ.
Không đi bị đánh bất ngờ,
Cú thoi tới tấp chẳng chờ nói năng.
Bộ thịnh nộ hung hăng oai vũ:
“Bỏ tù cho đến rũ xương tàn”.
Ác tâm người đã dẫy tràn,
Nào thương kẻ ngậm hàm oan nín sầu!
Thêm những tiếng nặng đầu nhức óc,
Giọng cao cầu nhiếc móc khinh khi.
Rằng: “Bây ăn học làm chi,
Lại theo tà đạo tu gì đi xin?
Mở trí rộng mà tin tao giảng,
Tụi bây là một hạng ngu si.
Như bây tu lắm quái kỳ,
Như tao mới phải tu vì Quân vương.
Tu thì phải gươm, thương, đấu sức,
Tu phải cho đại lực đại hùng.
Tu sao nước được hưng sùng,
Tu cần tranh đấu tới cùng thành công”.
Với kẻ ấy khó mong mở miệng,
Chỉ im hơi, lặng tiếng, ngơ tai.
Làm câm, làm điếc qua ngày,
Như người dị chủng lạc loài đến đây.
Thân đứng giữa vòng vây thúc thủ,
Lớp ngoài trong bao phủ trùng trùng.
Rặt ròng những kẻ dữ hung,
Cảnh đâu có cảnh lạ lùng lắm thay.
Bởi quá lạ, người hay xói móc,
Càng gièm pha, trêu chọc giễu chơi.
Cái bia cho chúng nhạo cười,
Lặng thinh để mặc tiếng người thị phi.
Con chịu cảnh thương bi mòn mỏi,
Mà tin Thầy khôn hỏi được ai!
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Chân mang kiềng sắt gần đầy ba trăng.
Một bữa nọ kêu phăng lên thả,
Rằng: “Thầy ông tội đã tạo gây.
Còn trong bóng tối chưa hay,
Điều tra giữ lại nơi đây gạn lừa”.
Liệu bề thế khó thưa hỏi được,
Thôi phải đành cất bước ra về.
Mắt nhìn cảnh vật ủ ê,
Thương Thầy khốn khổ, dầm dề lụy rơi.
Con lạc mẹ chơi vơi nheo nhóc,
Tủa bương tìm kêu khóc ngẩn ngơ!
Lạ lùng, dớn dác, thẩn thơ,
Mẹ ơi, mẹ hỡi, bây giờ mẹ đâu?
Lệ hầu cạn nguồn sầu chưa cạn,
Khổ thân con chẳng tạn mặc Thầy.
Khi đi, y bát đủ đầy,
Khi về, trơ tấm thân gầy quần manh.
Một lần chót nhìn quanh thảm thiết,
Nơi đã ghi dấu vết thương tâm.
Chốn nao Thầy bị giam cầm,
Thầy ơi có biết con tầm Thầy chăng?
Giọt lệ thảm rơi văng thấm đá,
Khí uất xung, ủ cả vòm trời.
Đường về thăm thẳm xa khơi,
Bước chân ngao ngán rụng rời tứ chi.
Nơi chốn cũ nào khi hội lễ,
Tình Thầy trò vui vẻ bao nhiêu.
Nay nhìn quang cảnh đìu hiu,
Vắng sau, quạnh trước chín chiều ruột đau.
Lòng nung nấu trông mau sáng tối,
Muốn thâu giờ một buổi thành hai.
Đêm qua cho chóng đến ngày,
Ngày nay ngóng đợi ngày mai Thầy về.
Ngày qua lại không hề nghe thấy,
Bặt bóng tăm từ ấy nhẫn nay.
Ngày vương thống thiết ai hoài,
Lần tay tính, bảy tháng dài có dư.
Ôi đức cả Tôn Sư thông thấu,
Cùng thiên cao địa hậu chứng tri.
Con nguyền kiếp kiếp tu trì,
Nương về theo bóng từ bi Đức Ngài.
Con chờ đợi ngày mai trời sáng,
Đức Thầy về khêu rạng Pháp đăng.
Dẫn đoàn hiệp chúng hòa Tăng,
Nhân sanh độ khắp đồng đăng đạo tràng.
BÀI LIÊN QUAN
Mong Thầy ( Ni trưởng Bạch Liên , 6042 xem)
Đóng góp của Tổ sư trong việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam ( Thượng tọa Giác Pháp , 7298 xem)
Những điểm nổi bật trong Chơn Lý Khất Sĩ ( Hòa thượng Giác Giới , 7333 xem)
Tinh thần “Khất sĩ Bồ tát” trong Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang ( Thượng tọa Giác Tây , 7191 xem)
Tôn Sư ví dụ ( Tỳ kheo Giác Nhường , 7086 xem)
Quan điểm của đức Phật và Tổ sư Minh Đăng Quang về con đường tu tập ( Ni sư Tín Liên , 11528 xem)
Đọc Chơn Lý Bát Chánh Đạo phần 4 ( Thượng toạ Minh Thành , 5932 xem)
Hạnh đức của Cư sĩ trong Chơn Lý ( Chùa Thuận Phước , 9402 xem)
Con đường đạo Phật Khất Sĩ ( Sư cô Hằng Liên , 6789 xem)
Sự tương quan giữa Chơn Lý và Kinh điển Pali, Sanskrit ( Tỳ kheo Giác Tri , 11306 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng