Trang chủ > Phật Học > Thiền

Thiền: Sự chú ý đơn thuần và trạng thái tỉnh giác

Tác giả: Thượng tọa Minh Thành dịch.  
Xem: 84116 . Đăng: 19/07/2014In ấn

Thiền: Sự chú ý đơn thuần và trạng thái tỉnh giác

TT. Minh Thành Ph.D

Sự chú ý đơn thuần là hành vi đơn giản nhưng cốt lõi nhất trong khi thực tập thiền. “Sự chú ý đơn thuần” là cụm từ khéo diễn đạt, vì khi thực tập sự chú ý đơn thuần thì sự chú ý của thiền giả trên đối tượng thiền định chỉ còn đơn thuần là sự chú ý mà thôi. Thoạt đầu chúng ta không hiểu như thế có nghĩa là gì, vì chúng ta chưa từng ý thức được rằng sự chú ý thông thường của chúng ta không đơn thuần chút nào. Chúng ta đã thiết thân với những màn che đến mức chúng ta không ý thức rằng màn che đó là những gì. Khó khăn nhất của việc để tâm đơn thuần là tính chất đơn giản của nó. Nó đơn giản đến độ khi ta thực tập nó chúng ta không thể tin rằng chúng ta đang thực hiện một công việc có giá trị; nói cách khác, chúng ta đang ‘chẳng làm gì cả’. Trong cuộc sống bận rộn, nếu chẳng làm gì cả thường bị xem là một sự ‘mất năng lượng’ hay ‘mất lửa’, mất thời gian hay hoang phí thời gian. Nhưng không phải như vậy. Thiền là trạng thái tỉnh giác cao độ, trạng thái nhu nhuyến của tâm thức, vì về phương diện tâm lý nó bắt con người phải duy trì trạng thái hiện hữu và ‘có mặt với’ bất cứ diễn tiến nào ở bên trong hay ở chung quanh người ấy mà không được thêm vào hay lấy ra bất cứ thứ gì. Tương tự như cái máy quay phim – nó chỉ ghi nhận với tất cả tính chính xác và tính vô phân biệt đối với bất cứ thứ gì đang diễn bày trước ống kính.

Bài thực tập đầu tiên liên quan đến việc quan sát hơi thở. Bạn có thể tự thực tập ngay sau khi đọc hết bài viết này.

Bạn hãy ngồi một cách thoải mái và biết chắc rằng bạn sẽ không bị chuyện gì quấy nhiễu trong 5, 10 phút. Giờ đây, với một trạng thái rất buông xả, bạn hãy để tâm trên hơi thở khi nó đi vào và đi ra lỗ mũi bạn. Rõ ràng là bạn không thể thấy nó nhưng bạn có thể cảm nhận nó; có cảm giác về một luồng hơi đi ngang qua mũi sát phía trên nhân trung. Đừng tác động hay vận dụng hơi thở – bạn chỉ đơn thuần dùng nó làm chỗ để bạn để tâm, vì hơi thở đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra khi bạn còn sống.

Quan trọng là phẩm chất của sự để tâm. Từ ‘để tâm’ được cố ý sử dụng thay vì từ ‘tập trung’, ‘chăm chú’, hay ‘chú ý’ vì từ ‘để tâm’ không mang nghĩa chăm chú vào một điểm duy nhất hay co cụm lại. Chăm chú hay co cụm ở đây hàm ý chỉ cho một cái gì đó có tính cứng nhắc và tính loại trừ. Khi mà người ta chăm chú vào một điều gì thì người ta gắn sự chú ý một cách cứng nhắc và duy nhất vào một điều đó mà thôi, chẳng màng đến những cái khác đang diễn ra. Một lúc sau thì việc chăm chú trở thành việc gây mỏi mệt và người ta không thể tiếp tục chăm chú nữa nếu không khổ luyện. “Để tâm” thì nhẹ nhàng hơn và có trường quan sát khoáng đãng hơn. Khi người ta để tâm nơi cái gì thì người ta cảm hứng nơi cái đó và có thể có một mức độ say mê. Nhưng không có sự nỗ lực nhằm gắn chặt tâm nơi đó mà loại trừ tất cả cái khác. Giống như một con mèo đang quan sát miệng hang chuột, nó có sự để tâm mạnh mẽ vào miệng hang, nhưng con mèo vẫn biết những điều khác đang diễn ra chung quanh. Một ai đó đi ngang qua, nó khẽ chao vành tai hay nhích nhẹ ánh mắt, nhưng vẫn để tâm rất mạnh nơi miệng hang.

Cũng vậy, bạn để tâm nơi hơi thở một cách buông thư và nhẹ nhàng như một mảnh lông tơ đang lững lờ giữa gió xuân. Để tâm như vậy làm cho bạn trở nên tỉnh thức đối với cái gì đó: hơi thở vào, hơi thở ra, hơi thở vào. Sự tỉnh thức này phát sinh một cách tự nhiên; bạn không phải cố gắng chút nào để đạt được sự tỉnh thức như vậy. Đây là điều đầu tiên mà bạn khám phá – sự để tâm làm phát sinh sự tỉnh thức. Đơn giản và hiển nhiên, thế mà chẳng có mấy ai nhận ra! Tiếp tục để tâm nơi hơi thở thì chẳng bao lâu bạn lại khám phá ra vài điều mới: có một nhịp dừng giữa hơi thở ra và hơi thở vào, một nhịp dừng giữa hơi thở vào và hơi thở ra. Đôi khi bạn lại thấy hơi thở vào kéo dài hơn hơi thở ra và ngược lại. Đôi khi hơi thở bên lỗ mũi trái mạnh hơn; đôi khi hơi thở bên bên lỗ mũi phải mạnh hơn. Bạn sẽ ý thức được nhiều điều khác nữa, những điều mà trước đây bạn không hề biết. Sự nhận biết này không phải là do bạn phân tích hay suy luận, hay nhờ vào những học thuyết phức tạp, mà đơn giản là do bạn để tâm nơi một đối tượng – hơi thở.

Nhưng trước khi bạn có những khám phá như vậy thì đã có những chuyện khác – tâm thức của bạn chạy lông bông. Bạn sẽ nhận ra rằng ngay trước khi bạn để tâm nơi hơi thở vào, hơi thở ra ba hay bốn lần thì bạn đã đang nghĩ về chuyện khác, hay đang cố gắng tìm xem một âm thanh nào đó do từ đâu mà đang vang đến tai bạn, hay đang băn khoăn rằng phải chăng điều mà bạn đang làm chỉ là chuyện ‘chẳng là gì cả’. Khi bạn ý thức được điều này thì bạn thường có phản ứng – “Ôi tội chưa, mình không thể tập trung tâm ý hơn vài giây đồng hồ”, hay “Chao ôi, sao mà tôi tệ thế này?” cứ như thể là bạn đã rời khỏi chỗ ngồi thiền rồi và đang nhìn lại để tìm xem bạn đã đi sai đường từ lúc nào vậy. Bạn nên dừng cách phản ứng thuộc tính tâm lý đó lại và hãy quay về hơi thở. Giống như chiếc máy quay phim – nó chỉ đơn thuần ghi nhận cái gì đang hiện diện trước ống kính mà không hề thêm bất cứ kỹ xảo nào, phản ứng nào hay bình phẩm nào cả. Cũng như khi bạn đang quay một cánh hoa, mà vì một lý do nào đó bạn đã để mất đối tượng mà quay nhầm một con bọ hung. Chiếc máy quay sẽ ghi nhận con bọ hung mà không hề cảm thấy khó chịu, bạn chỉ cần lia ống kính trở lại cành hoa mà thôi.

Đó là sự để tâm đơn thuần – để tâm nơi những cái đang xảy ra mà không thêm vào sự để tâm bất cứ cái gì nữa, không có bất cứ sự gia công nào nữa. Nếu tâm thức bạn rời bỏ hơi thở, hãy ghi nhận rằng điều đó đang xảy ra và quay trở lại hơi thở. Nếu đầu gối bạn đang đau và tâm thức bạn đang loay hoay với nó, bạn hãy ghi nhận và quay trở lại hơi thở. Trong mọi tình huống, chỉ buông xả mà thôi, không cần phải ‘trận thượng’ hay phán xét, rồi quay trở lại hơi thở. Như thế, sự để tâm mang tính đơn thuần vì người ta luôn luôn giữ sự để tâm ở cấp đơn giản và nguyên sơ nhất, chỉ đơn thuần đưa ý thức về cái đang xảy ra mà không cố gắng lý giải, phán xét, phân tích hay bất cứ hành vi nào khác. Còn nếu như bạn thấy mình đã đưa sự để tâm lên cấp thứ hai nào đó (cấp lý giải, phán xét, phân tích...) mà không còn ở cấp đơn thuần và nguyên sơ nữa, hãy ghi nhận điều đó, buông xả và trở về hơi thở. Sự để tâm đơn thuần có thể được phục hồi ở bất cứ thời điểm nào.

Sau một thời gian, bạn sẽ phát hiện rằng sự “để tâm đơn thuần” là để tâm nơi tất cả mọi cái đang xảy ra trong mối liên quan với năm giác quan – thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm – nhận ra và buông xả. Nếu bạn kiên trì tu tập theo pháp này bạn sẽ thấy rằng pháp môn này có công năng kiểm sát dòng chảy của tâm thức ‘không yên cương’ mà không cần phải cố gắng hay áp chế gì cả. Dĩ nhiên, công năng này sẽ không hiện ra ngay tức khắc, vì tất cả chúng ta đều có những tập quán thâm căn cố đế cho phép tâm thức khá tự tung tự tác và vô kỷ luật. Vì vậy mà bạn phải kiên trì thực tập một thời gian trước khi tâm thức của bạn lắng xuống. Sự để tâm đơn thuần giúp cho thiền giả có được chánh niệm.

Chánh niệm có nghĩa là hiện diện với bất cứ cái gì đang xảy ra bên trong hay chung quanh thiền giả. Hiện diện ở đây là hiện diện trong một trạng thái tỉnh thức. Chánh niệm có tính ghi nhận, nhưng không phải ghi nhận một cách nặng nề hay cố tình. Chánh niệm cũng hơi giống với việc theo dõi cảnh trạng đang liên tục diễn bày, nhưng với một phong thái nhẹ nhàng, không làm to chuyện. Một hình ảnh minh họa cho điều này. Hãy nghĩ về đôi mắt và hành động thấy. Có một đôi mắt đang thấy. Hành động thấy là sự để tâm đơn thuần, tức là, hình ảnh được phản chiếu trên võng mạc. Khi những hình ảnh này được truyền lên não bộ thì sự nhận thức khởi lên, nhận thức được rằng người đó đang thấy. Đấy là chánh niệm. Nếu không như vậy thì người đó có lẽ sẽ không biết rằng mình đang thấy. Chánh niệm là biết từng thời khắc cái gì đang xảy ra ở mọi cấp độ, bên trong và bên ngoài.

Một khi bạn biết được sự chú ý đơn thuần và chánh niệm thì bạn có thể thiền định. Nếu những điều vừa được nêu trên đây đối với bạn là quá phức tạp hoặc bạn cảm thấy không thể nào nhớ nổi thì bạn chỉ cần bám chặt vào cụm từ này nó sẽ luôn đưa bạn trở về:

Thiền định là biết điều gì đang xảy ra, bất luận điều đó là điều gì.

Như vậy là rất đơn giản. Nếu bạn ngồi để tâm nơi hơi thở và bạn hiện diện với hơi thở thì bạn đang thiền tập, vì bạn biết cái gì đang xảy ra khi cái đó đang xảy ra. Nếu bạn dần dần lạc bước vào một cuộc chiêm bao ban ngày, hay ngủ thiếp đi thì bạn không còn thiền định nữa vì bạn không biết cái gì đang xảy ra. Nếu bạn quan sát hơi thở mà những vọng tưởng hay những cảm xúc hay những âm thanh cứ chiếm lĩnh sự để tâm của bạn và kéo bạn đi mất thì bạn vẫn còn thiền tập, miễn là bạn biết bạn đang bị kéo đi. Bạn đang bị kéo đi chính là cái đang diễn ra. Rõ ràng, bạn vẫn còn thiền tập – vì bạn vẫn còn biết cái đang xảy ra khi cái đó đang xảy ra.

(Phỏng dịch theo Rob Nairn, What is Meditation? Buddhism for Everyone (Shambhala, Boston, 1999).

---oOo---

Nguồn: Đạo Phật Khất Sĩ

BÀI LIÊN QUAN

Hồi quang phản chiếu & Phản quan tự kỷ  ( Hòa thượng Thích Thanh Từ , 8372 xem)

Một tuần với khoa học yên lặng: Thanh tịnh tâm và giải thoát cái tôi  (Daniel Siegel - Liên Trí dịch , 5466 xem)

Thiền định - Những trải nghiệm ở Miến Điện  ( Hòa thượng Giác Thường , 9455 xem)

Tu theo Số Tức Quan  ( Hòa thượng Giác Dũng , 5773 xem)

Thiền quán  ( Thượng tọa Giác Trí , 4880 xem)

Nhận thức thiền trong cuộc sống  ( Tỳ kheo Giác Nhường , 5416 xem)

Vài nét về khóa tu thiền thất  ( Huệ Kính , 5130 xem)

Thiền định  ( Ni sư Minh Liên , 4986 xem)

Phương pháp tu thiền định từ Trú Độ Thọ đến thành tựu Kiến và thể nhập Chánh Pháp  ( Hòa thượng Giác Toàn , 5894 xem)

Thiền Vipassana - Một nghệ thuật sống  ( Sư cô Hằng Liên , 5186 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo: Khóa Bồi dưỡng Trụ trì Hệ phái Khất sĩ PL.2567 - DL.2023

Được sự cho phép của Giáo hội và Chính quyền các cấp, mỗi năm chư Tôn đức Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG TRỤ TRÌ vào đầu mùa An cư, nhằm hỗ trợ các vị trụ trì, các vị Tỳ-kheo thấm nhuần giáo pháp đức Thế Tôn, đường lối của Tổ sư Minh Đăng Quang, cách quản trị một ngôi Tam bảo, góp phần làm cho Phật pháp được quang huy, báo đền ân đức Tam bảo.

Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023

Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ