Trang chủ > Phật Học > Thiền
Phương pháp tu thiền định từ Trú Độ Thọ đến thành tựu Kiến và thể nhập Chánh Pháp
Xem: 7652 . Đăng: 09/07/2014In ấn
Phương pháp tu thiền định từ Trú Độ Thọ đến thành tựu Kiến và thể nhập Chánh Pháp
HT. Giác Toàn
Tham luận hội thảo “Thiền định Phật giáo: Văn bản, truyền thống và hành trì”
Phật giáo du nhập Việt Nam trực tiếp từ Ấn Độ và qua Trung Hoa. Trước khi toàn bộ kinh tạng Nikāya được Hoà thượng Tiến sĩ Thích Minh Châu dịch ra Việt ngữ và giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam, Tăng Ni và Phật tử đất nước chúng tôi tiếp xúc với tạng kinh điển Nam truyền qua Hán tạng với các bộ A Hàm được kết tập trong Đại Tạng kinh Đại Chánh Tân Tu.
Trong Trung A Hàm, tại Phẩm Bảy Pháp, có bản kinh “Trú Độ Thọ”[1], Đức Phật dạy về tiến trình chứng Bốn Thánh quả của một Tỳ-kheo trong thiền định qua những ví dụ về 7 giai đoạn của cây Trú Độ[2] ở cõi Tam Thập Tam Thiên.
Sau đây là nguyên văn của kinh:
“Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại nước Xá Vệ, ở tại Thắng Lâm trong vườn Cấp Cô Độc.
Lúc bấy giờ Phật bảo các Tỳ-kheo:
Nếu lá cây Trú độ Tam Thập Tam thiên úa vàng, lúc đó thiên chúng ở Tam Thập Tam thiên vui mừng hớn hở, cho rằng lá cây Trú Độ chẳng bao lâu nữa sẽ rụng. Rồi thì lá cây ở Tam Thập Tam thiên đã rụng. Lúc đó chư Thiên ở Tam Thập Tam thiên vui mừng hớn hở cho rằng lá cây Trú Độ chẳng bao lâu nữa sẽ mọc lại. Rồi thì lá cây Trú Độ ở Tam Thập Tam thiên đã mọc lại, lúc đó chư Thiên ở Tam Thập Tam thiên vui mừng hớn hở cho rằng cây Trú Độ chẳng bao lâu nữa sẽ kết ra mạng lưới. Rồi thì cây Trú Độ ở Tam Thập Tam Thiên đã kết mạng lưới.
Lúc đó chư Thiên ở Tam Thập Tam thiên vui mừng hớn hở cho rằng cây Trú Độ chẳng bao lâu nữa sẽ nở nụ giống như mỏ chim. Rồi thì cây Trú Độ ở Tam thập Tam Thiên đã nở nụ giống như mỏ chim. Lúc đó chư Thiên ở Tam Thập Tam thiên cho rằng cây Trú Độ chẳng bao lâu nữa sẽ nở hoa giống như cái bát. Rồi thì cây Trú Độ ở Tam Thập Tam thiên đã nở hoa như cái bát. Lúc đó chư Thiên ở Tam Thập Tam thiên hớn hở cho rằng cây Trú Độ chẳng bao lâu hoa sẽ nở tròn trịa. Nếu cây Trú Độ nở hoa tròn trịa thì nó chiếu ra ánh sáng, màu sắc và tỏa ra mùi thơm trong chu vi trăm do-diên. Lúc bấy giờ vào tháng tư mùa hạ, các vị Tam Thập Tam Thiên vui đùa với năm món dục lạc cõi trời. Đó là Tam Thập Tam thiên tập trung dưới cây Trú Độ mà hưởng thọ sự hoan lạc.
Theo ý nghĩa như thế, vị Thánh đệ tử cũng vậy. Khi suy nghĩ đến việc xuất gia, lúc đó vị Thánh đệ tử như là chiếc lá úa vàng, cũng giống như lá cây Trú Độ ở cõi Tam Thập Tam thiên vàng úa.
Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, với chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo; lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là lá rụng, như lá cây Trú Độ ở Tam Thập Tam thiên rụng xuống.
Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ và lạc phát sanh do viễn ly, thành tựu và an trụ Sơ thiền; lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là sanh trở lại như lá cây ở Tam Thập Tam thiên sanh trở lại.
Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử giác và quán đã dứt, nội tâm tịch tịnh, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh thành tựu và an trụ Nhị thiền. Lúc đó Thánh đệ tử được gọi là sanh mạng lưới như cây Trú Độ ở Tam Thập Tam thiên sanh mạng lưới.
Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử lìa hỷ dục, an trụ xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà bậc Thánh gọi là được xả bởi Thánh, có niệm và lạc, an trụ không, thành tựu an trụ Tam thiền. Lúc đó Thánh đệ tử được gọi là nở nụ như mỏ chim, cũng như cây Trú Độ ở Tam thập tam thiên nở nụ như mỏ chim.
Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh thành tựu an trụ Tứ thiền. Vị Thánh đệ tử lúc đó được gọi là nở hoa như cái bát vậy. cũng như cây Trú Độ ở Tam Thập Tam thiên nở hoa như cái bát.
Lại nữa, khi vị Thánh đệ tử các lậu đã tận, tâm giải thoát, tuệ giải thoát ngay trong đời này mà tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ; vị ấy biết một cách như thật rằng ‘Sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã xong, không còn tái sanh nữa’. Lúc đó vị Thánh đệ tử được gọi là hoa nở tròn trịa, cũng giống như cây Trú Độ ở Tam Thập Tam thiên nở hoa tròn trịa. Đó là vị Tỳ-kheo lậu tận A-la-hán, được Tam Thập Tam thiên tập hội tại chánh điện Thiện pháp hỏi han khen ngợi rằng: ‘Vị Thánh đệ tử tôn quý đó, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, học đạo, các lậu đã hết, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, biết một cách như thật rằng, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’. Đó là sự tập hội của các A-la-hán lậu tận, như Tam Thập Tam thiên cùng tập hội dưới cây Trú Độ vậy”.
Phật thuyết như vậy, các vị Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.”[3]
Rất rõ ràng, Đức Phật lấy ví dụ về các hiện tượng chuyển hoá của cây Trú Độ trải qua các giai đoạn: lá úa vàng, lá rụng, mọc lá, mới trổ hoa, …, gắn kết với trạng thái tâm hỷ lạc của thiên chúng ở cõi Tam Thập Tam thiên để khéo giảng về tiến trình của một vị Tỳ-kheo tu tập thiền định, tịnh hoá thân, khẩu, ý, từng bước từng bước thể nhập Chánh pháp, điều kiện để thành tựu Sơ thiền (ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ và lạc phát sanh do viễn ly), thành tựu Nhị thiền (quán đã dứt, nội tâm tịch tịnh, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh), thành tựu Tam thiền (lìa hỷ lạc, an trụ xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà bậc Thánh gọi là được xả bởi Thánh, có niệm và lạc, an trụ không), và thành tựu Tứ thiền (diệt lạc, diệt khổ, ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh). Tỳ-kheo trong tiến trình tu tập giới định tuệ cho đến lúc các lậu đã tận, tâm giải thoát, tuệ giải thoát, tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ, trở thành Tỳ-kheo lậu tận A-la-hán, “sanh đã hết, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa”, như cây Trú Độ nở hoa sung mãn nhất, hoa lớn như cái bát.
Liên quan đến tiến trình tu tập, thực hành Giới, Định, Tuệ của một Tỳ-kheo để thành tựu Tứ Thiền qua tiến trình thành tựu Kiến, cũng ở Trung A Hàm, tại Phẩm Xá-lê Tử Tương Ưng, trong kinh Đại Câu-hy-la[4], Tôn giả A-nan đã thuật lại câu chuyện giữa Tôn giả Xá-lê Tử và Tôn giả Đại Câu-hy-la về các điều kiện nhận biết một Tỳ-kheo tu tập thiền định thành tựu Chánh kiến, thể nhập Chánh pháp, chứng đắc Tứ Thiền:
Chúng tôi xin giới thiệu trích một phần kinh văn sau đây:
“Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật du hóa tại thành Vương xá, trong rừng Trúc, vườn Ca-lan-đa.
Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Tôn giả Xá-lê Tử từ chỗ tĩnh tọa đứng dậy, đi đến chỗ Tôn giả Đại Câu-hy-la, chào hỏi lẫn nhau, rồi ngồi xuống một bên.
Tôn giả Xá-lê Tử nói với Tôn giả Đại Câu-hy-la như vầy:
“Tôi có điều muốn hỏi, mong ngài nghe cho chăng?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la trả lời rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, ngài muốn hỏi điều gì xin cứ hỏi, tôi nghe rồi sẽ suy nghĩ”.
Tôn giả Xá-lê Tử hỏi rằng:
“Này Hiền giả Đại Câu-hy-la, có điều kiện nào mà nhân điều kiện đó, Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp không?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la trả lời rằng:
“Có vậy, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết bất thiện và biết căn của bất thiện.
“Thế nào là biết bất thiện? Ác hành của thân là bất thiện, ác hành của khẩu là bất thiện, và ác hành của ý là bất thiện. Đó là biết bất thiện.
“Thế nào là biết bất thiện căn? Tham là căn của bất thiện, nhuế, và si là căn của bất thiện. Đó là biết căn của bất thiện.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết bất thiện và biết căn của bất thiện như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hy-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, lại còn có điều kiện nào mà nhân điều kiện đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?
“Có vậy, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết thiện và biết căn của thiện.
“Thế nào là biết thiện? Diệu hành của thân là thiện. Diệu hành của ý và khẩu là thiện. Đó là biết thiện.
“Thế nào là biết căn của thiện? Vô tham là căn của thiện, vô nhuế và vô si là căn của thiện. Đó là biết căn của thiện.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử. Nếu có Tỳ-kheo biết thiện và biết thiện căn như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp.”
…
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, lại còn có điều nào mà nhân điều đó Tỳ-kheo thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh, và thể nhập chánh pháp chăng?”
“Có, thưa Tôn giả Xá-lê Tử. Đó là có Tỳ-kheo biết như thật về hành, biết như thật về tập của hành, diệt của hành và diệt đạo của hành.
“Thế nào là biết như thật về hành? Có ba hành: thân hành, khẩu hành và ý hành. Đó là biết như thật về hành.
“Thế nào là biết như thật về tập của hành? Do vô minh mà có hành. Đó là biết như thật về tập của hành.
“Thế nào là biết như thật về diệt của hành? Vô minh diệt tức hành diệt. Đó là biết như thật về diệt của hành.
“Thế nào là biết như thật về diệt đạo của hành? Tám chi Thánh đạo từ chánh kiến cho đến chánh định là tám. Đó là biết như thật về diệt đạo của hành.
“Này Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có Tỳ-kheo biết như thật về hành, biết như thật về tập của hành, diệt của hành và diệt đạo của hành như vậy, đó là Tỳ-kheo đã thành tựu kiến, được chánh kiến, đối với pháp được bất hoại tịnh và thể nhập chánh pháp.
Tôn giả Xá-lê Tử nghe rồi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Hiền giả Đại Câu-hy-la!”
Tôn giả Xá-lê Tử khen ngợi rồi hoan hỷ phụng hành.
Tôn giả Xá-lê Tử lại hỏi rằng:
“Hiền giả Đại Câu-hy-la, nếu có Tỳ-kheo mà vô minh đã dứt, minh đã phát sanh, thì vị ấy còn phải làm những gì nữa?”
Tôn giả Đại Câu-hy-la trả lời rằng:
“Thưa Tôn giả Xá-lê Tử, nếu có thầy Tỳ-kheo mà vô minh đã dứt, minh đã phát sanh, thì vị ấy không còn gì phải làm nữa”.
Chánh Kiến là chi phần đầu tiên của Bát Chánh Đạo, là nấc thang đầu tiên để một hành giả tu tập Giới, Định, Tuệ, có thể tiến xa trên lộ trình giải thoát. Thành tựu Chánh Kiến, hành giả có được niềm tin bất hoại, đức tin Phật, Pháp, Tăng và Thánh giới kiến cố, trong sáng, không lay chuyển.
Trong kinh văn Đại Câu-hy-la, điều kiện để nhân đó một vị Tỳ-kheo trầm tư thiền định, tu tập tam nghiệp (thân, khẩu, ý) được xác định như sau:
Biết bất thiện và căn của bất thiện (Ác hành của thân, ác hành của khẩu và ác hành của ý);
Biết được bất thiện căn (Tham, nhuế và si);
Biết được thiện (Diệu hành của thân, diệu hành của khẩu và diệu hành của ý);
Biết được thiện căn (Vô tham, vô nhuế và vô si);
Tương tự như vậy, quán Tứ Diệu Đế về thức ăn; về lậu; về khổ; về sinh, lão, bệnh, tử; về các chi phần nhân duyên: hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu xứ, danh sắc và thức.
Nội dung của các kinh Trú Độ Thọ và Đại Câu-hy-la trên được ứng dụng vào đời sống tu tập hằng ngày của giới xuất gia Tỳ-kheo đệ tử của đức Phật nói chung, và đặc biệt là của Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ Việt Nam - thành viên sáng lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hiện nay.
Phật Giáo Việt Nam có nhiều giai đoạn phát triển. Phật giáo du nhập đất nước chúng tôi trong một hoàn cảnh đặc biệt, đó là lúc đất nước chúng tôi bị nô lệ và ảnh hưởng bởi Trung Hoa. Ngay từ hơn hai ngàn năm trước, thiền Quán niệm hơi thở qua phương pháp “An ban thủ ý”[5] đã được Thiền sư Khương Tăng Hội (?-280) cổ xuý thế kỷ thứ III sau Công nguyên.
Trên nền tảng Thiền phát triển, nhiều dòng thiền được hình thành ở Việt Nam, đỉnh cao là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở thế kỷ thứ XIII mang nhiều đặc điểm được vận dụng phù hợp với hoàn cảnh lịch sử và căn bản căn cơ của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam thời bấy giờ.
Giữa thế kỷ thứ XX, kinh tạng Nguyên Thuỷ được Hòa thượng Tiến sĩ Thích Minh Châu dịch từ Pàli được giới thiệu rộng rãi, từ đó, ngoài thiền Phát triển, thiền ảnh hưởng bởi Thiền Trung Hoa, Tăng Ni Phật tử Việt Nam còn có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các văn bản và phương pháp thực hành vô cùng phong phú và thực tế từ Kinh tạng Nikāya.
Nên, ngoài việc tham khảo, kế thừa tinh hoa của các phương pháp truyền thống ở những dòng thiền được hình thành trước đó, thì những bản kinh như Trú Độ Thọ và Đại Câu-hy-la thực sự ảnh hưởng quan trọng trong việc y cứ tu học đối với sự nghiệp tu tập Giới, Định, Tuệ của các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo Ni thuộc Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam được hình thành giữa thế kỷ thứ XIX, do Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang (1923 – vắng bóng 1954) sáng lập, trên tinh thần dung hòa giữa Thiền Nguyên thuỷ và Thiền Phát triển. Tuy nhiên, Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam cũng có những sắc thái đặc thù, biệt truyền khởi đầu tại miền Nam Việt Nam.
Tư tưởng và phương pháp tu tập của hệ phái được Tổ Sư Minh Đăng Quang thuyết giảng và được kết tập trong bộ “Chơn Lý”[6]. Trong Chơn Lý, Tổ sư đã tuyên bố và khẳng định con đường hành đạo phải là “Nối truyền Thích Ca chánh pháp”.
Tổ sư Minh Đăng Quang đã nhấn mạnh về việc tu tập Giới, Định, Tuệ; nói cách khác là thực hành thiền định hay tu tam nghiệp Thân, Khẩu, Ý. Đó là phương pháp thực hành chủ yếu, được nhấn mạnh đối với hành giả, là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni trên con đường thành tựu đạo nghiệp. Tầm quan trọng của việc tu tập thiền định được Tổ sư xác định: “Không định không có thần thông quả linh, thì con người phải té sa vào nơi vật chất giả dối, nắm níu lấy ác tà loạn vọng, chôn nhốt giết hại tâm mình. Cho nên tâm định thì trí mới huệ, huệ nhiều ít là do định. Định nhiều thì huệ nhiều, định ít thì huệ ít, không định thì không có huệ.” [7]
Phẩm “Thần Mật”[8], Tổ sư xác quyết, đối với người hành giả khất sĩ cạo bỏ râu tóc, xuất gia muốn thành đạo nghiệp thì phải có chánh kiến, phải có tinh thần mạnh mẽ, bản lĩnh phi thường, oai nghi chỉnh túc, thanh tịnh bản nhiên, tâm kiên cố không thối chuyển, thực hành trung đạo, tinh tấn – nỗ lực giữ giới, thiền quán vô thường, khổ não…để tâm không còn chạy theo cảnh trần bên ngoài, không còn vọng động.
Những điều kiện để thành tựu Sơ thiền (ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ và lạc phát sanh do viễn ly), thành tựu Nhị thiền (quán đã dứt, nội tâm tịch tịnh, không giác không quán, có hỷ lạc do định sanh), thành tựu Tam thiền (lìa hỷ dục, an trụ xả, vô cầu, chánh niệm chánh trí, thân cảm giác lạc, điều mà bậc Thánh gọi là được xả bởi Thánh, có niệm và lạc, an trụ không), và thành tựu Tứ thiền (diệt lạc, diệt khổ; ưu và hỷ từ trước cũng đã diệt, không khổ không lạc, xả và niệm thanh tịnh) trong kinh Trú Độ Thọ, cũng như thành tựu kiến – biết như thật từ sự quán Tứ Diệu Đế về tam nghiệp thân, khẩu, ý, chuyển hoá các ác hành của thân, khẩu ý thành Diệu hành của thân, khẩu, ý được Tổ sư Minh Đăng Quang diễn dịch một cách phổ thông phù hợp cho căn cơ của người miền Nam Việt Nam, khiến ai cũng có thể tu tập, thực hành:
“Phép thần-thông đó là do ba cái mật: Thân mật, khẩu mật, ý mật.
Thân mật là không hay làm
Khẩu mật là không hay nói
Y mật là không hay tưởng nhớ
Ba cái mật là ba sự kín đáo bên trong, nói, làm, tưởng, không cho phát lộ ra ngoài.
Làm nói sanh ra tưởng loạn, không làm không nói thì tưởng định, thân khẩu sanh ra ý và khi không còn thân khẩu là không còn ý.
Cái ý của thân khẩu bên ngoài là ý loạn và cái ý của thân khẩu bên trong hay là không còn thân khẩu thì ý định. Ý định gọi là chơn như hay là không, có ý nghĩa là không có ý vọng động, cũng như vỏ ruột sanh ra cái ngòi mộng; Ngòi mộng sanh cây, cây còn vỏ ruột mộng mất, cái ý trước là ngòi mộng, cái ý sau là cây. Cây là phép thần thông, phép thần thông là do ý mật, ma quỷ không có nói làm, ý mật mới linh thiêng, vậy nên phép thần-thông có là do ý mật và ý mật phải do nơi thân mật, khẩu mật.”[9]
Tu tập thần mật chính là tu tập tam nghiệp: thân, khẩu, ý. Nhận biết các bất thiện pháp và căn của các bất thiện; thanh lọc các ác hành của thân, ác hành của khẩu, ác hành của ý; đồng thời phát triển các thiện căn của thân, thiện căn của khẩu và thiện căn của ý. Nói cách khác, là một người muốn tu tập nhằm giải thoát sanh tử, cần bỏ các ràng buộc trần ai, xuất gia, chọn nơi thanh vắng nỗ lực tu tập Giới, Định một cách nghiêm mật để phát sinh Tuệ, để Linh, Giác và Thần sanh khởi, thành tựu kiến, biết như thật về hành (hay nhân duyên) từ đó diệt trừ tham, sân, si; vô minh diệt, minh sanh, Tổ sư gọi trạng thái đó là tâm không còn vọng động theo trần duyên bên ngoài, “lặng yên chơn thật”[10], xa lìa giả cảnh bên ngoài, không phiền não vô tư lự, tự do tuyệt đối. Năng lực giải thoát này có sẵn trong mỗi chúng sanh.
Trong Chơn Lý 44: Tu và Nghiệp, Tổ sư cũng đã nhấn mạnh hành giả tu tập để có được giải thoát thì nhất định phải tự thân nỗ lực tu tập thiền định để tam nghiệp thanh tịnh, chứ không nên chấp thủ, ỷ lại tha lực, trông chờ vào sự cầu nguyện, dù đối tượng cầu xin là Đức Phật.[11]
Chúng tôi xin trích nguyên văn lời giảng của Tổ sư: “Sự thật nào ai biết đâu rằng: Muốn thành Phật là phải tu, học hành đúng y theo Pháp, muốn đến với Pháp thì phải làm Tăng trong sạch, muốn làm Tăng không phiền não thì trước tập học tu cư sĩ, dứt ác xa lần nghiệp tội. Phật và Tăng cũng như Tổ và Thầy, hay là Như Lai và Bồ-tát, còn Pháp là Giáo lý ánh sáng hào quang phún, phóng, nói phun ra tiếp dẫn đạo sư. Giới luật thanh tịnh tu tâm là miếng đất Tịnh độ, Cực lạc. Kẻ mà nhờ giác ngộ nơi pháp nên được xuất gia nhập đạo, tức là được hào quang tiếp dẫn, đưa vào giáo hội Tăng già bất thối, là nhà vua của Phật. Xưa nay giáo lý chỉ đúng như vậy, chớ chẳng có xa gần đâu cả. Nhưng với kẻ ác thì dễ gì giác ngộ mà chẳng phải gọi là xa. Còn người trí kẻ thiện, thì tịnh độ là chỉ có nơi người trong sạch dứt nghiệp. Đó cũng còn là sự nói quyền, chớ đúng ra triết lý chơn lý thì chơn như là Phật Tổ, trí huệ là Bồ-tát tăng sư, thiền định là hào quang tòa sen tiếp dẫn, giới luật là xứ Tây Phương Cực lạc.
Hay như nói rộng nữa là những sự nín nghỉ là Phật. Sự không không là Pháp. Sự giải thoát là Thầy. Sự im lặng trong sạch là chỗ ở của Phật. Có thể biến giải sao cũng được hết, từ rộng đến hẹp, lý nghĩa vốn vô biên vô lượng. Có điều để chỉ rõ rằng:
Thân trong sạch ấy là xứ Phật.
Miệng trong sạch ấy là pháp Phật.
Ý trong sạch ấy là con Phật.
Tâm trong sạch tức là Đức Phật.
Như thế thì ai ai cũng sẽ là Phật hết.
Phật ấy tức là tam nghiệp trong sạch, tam nghiệp trong sạch ấy mới gọi là tu, tu là trả nghiệp, tu là đoạn nghiệp.”
Thiền định theo sự giảng dạy của Tổ sư là bước đi được rút từ căn bản kinh tạng, đặc biệt là từ các kinh A Hàm được kết tập trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, nhưng diễn dịch một cách dễ hiểu, phù hợp với căn cơ của số đông, tránh xa các phương pháp thực hành thiền định cực đoan, dung hòa tinh hoa của truyền thống Nguyên thuỷ và Phát triển.
Theo đó, Tổ sư Minh Đăng Quang đã khai sáng Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam (từ năm 1944) là một trong 9 tổ chức hệ phái – thành viên sáng lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (1981). Sáng lập ở miền Nam Việt Nam, những giảng dạy và hướng dẫn tu học của Tổ Sư khế hợp với tâm nguyện tu học của đông đảo người Việt, nên hơn nửa thế kỷ phát triển, hiện nay Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam đã có hơn 2.000 Tăng Ni tu tập tại khoảng 500 tịnh xá, tịnh thất cùng hàng trăm ngàn thiện nam tín nữ trên khắp lãnh thổ Việt Nam, truyền bá và phát triển sang các quốc gia Tây phương như Úc, Hoa Kỳ, Canada, Pháp…
Tại các tịnh xá, tịnh thất của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam, ngoài tự thân thực hành tinh tấn trong đời sống thường nhật, chư Tăng Ni hệ phái thường tổ chức những khóa giảng dạy Phật pháp, hướng dẫn thiền định như thế cho đông đảo nam nữ cư sĩ, đem lại những lợi ích thiết thực cho sự nghiệp tu tập – giải thoát và giác ngộ cho số đông, góp phần truyền bá phương pháp thiền định của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tự thân chứng ngộ và truyền dạy từ hơn 2.500 năm trước tại quốc độ Việt Nam cũng như trên nhân gian này.
Việt Nam – Ấn Độ, tháng 9/2010.
[1] Biệt dịch số 28 Phật Thuyết Viên Sanh Thọ Kinh, 1 quyển, đời Tống, Thi Hộ dịch (Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh 2, trang 810); Số 125 (39.2) Tăng Nhất 33, “Đẳng Pháp Phẩm” (Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh 2, trang 729). Tương đương Pāli: A. VII.65 Pārichattaka-sutta.
[2]晝 度 樹, Trú Độ thọ, bản hiệu đính của Thích Tuệ Sỹ phiên âm là Trú Đạc thọ. Pāli: Pārichattaka (Skt. Pārijāta: viên sanh thọ 圓 生 樹. Cây san hô (Erythmia Indica) trên trời Đao-lợi (Pl. Tāvatiṃsa), làm chuẩn để tính thời gian của trời Đao-lợi. Kinh điển mô tả gốc cây lớn năm mươi do tuần, cao một trăm do tuần, bóng mát phủ bốn phía, mỗi phía năm mươi do tuần. Các Thiên thần cõi trời Tam Thập Tam thiên, vào tiết tháng tư thường tụ tập đến đó thưởng ngoạn.
[3] 中 阿 含 經, Kinh Trung A Hàm; Hán dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm; Việt dịch & hiệu chú: Thích Tuệ Sỹ.
[4] Bản Hán, quyển 7. A. IX. 13 Koṭihita, A.IV. 174 Koṭṭhika, ghi giữa cuộc thảo luận giữa ngài Mahākoṭṭhika và Sāriputta với nội dung không hoàn toàn đồng nhất với bản Hán này.
[5] Đại Tạng Kinh Đại Chánh Tân Tu, No. 15, trang 163.
[6] Gồm 69 quyển, cùng với tập Bồ-tát giáo, là căn bản Pháp bảo của Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam.
[7] Chơn Lý, NXB Tôn giáo, tập I, trang 357.
[8] Chơn Lý, NXB Tôn giáo, II, trang 121.
[9] Chơn Lý 25: Thần Mật, trong Chơn Lý, tập II, NXB Tôn giáo 2004, trang 121.
[10] Sđd, trang 139.
[11] Chơn Lý 44: Tu và Nghiệp, tập III, sđd, trang 81.
---oOo---
Nguồn: Đạo Phật Khất Sĩ
BÀI LIÊN QUAN
Thiền Vipassana - Một nghệ thuật sống ( Sư cô Hằng Liên , 8022 xem)
Pháp môn Chăn trâu ( Cư sĩ Chính Trực , 7686 xem)
Tranh Chăn Trâu Đại Thừa Thiền Tông ( Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ , 6626 xem)
Thiền sư Liễu Quán, chùa Thiền Tôn - Huế ( Hòa thượng Thích Thiện Siêu , 7344 xem)
Đường lối thực hành tham Tổ sư Thiền ( Hòa thượng Thích Duy Lực , 6157 xem)
Pháp dạy người của Thượng sĩ Tuệ Trung ( Hòa thượng Thích Đức Thắng , 7478 xem)
Thiền sư Dōgen, sơ tổ tông Tào Động Nhật Bản ( Tâm Thái , 5691 xem)
Thiền Sư Pháp Loa và Pháp Chỉ Thẳng ( Hòa thượng Thích Đức Thắng , 7973 xem)
Thế giới cuộc sống thăng hoa ( Ðại sư Tinh Vân , 5825 xem)
Lâm Tế ngữ lục ( Thiền Sư Lâm Tế - HT Thanh Từ dịch , 6831 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng