Trang chủ > Phật Học > Thiền
Một tuần với khoa học yên lặng: Thanh tịnh tâm và giải thoát cái tôi
Xem: 5820 . Đăng: 10/07/2014In ấn
Một tuần với khoa học yên lặng: Thanh tịnh tâm và giải thoát cái tôi
Daniel Siegel - Liên Trí chuyển ngữ
Về tác giả: Bác sĩ Daniel Siegel là một nhà nghiên cứu, một chuyên gia về tâm thần học. Ông là giáo sư Tâm thần học tại Đại học Y thuộc trường Đại học California, Los Angeles, đã nhận nhiều giải thưởng giáo dục. Siegel là đồng Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Tỉnh thức (Mindful Awareness Research Center) trường Đại học California, Los Angeles. Đặc biệt, Daniel Siegel là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Mindsight (Tâm Quang), một tổ chức giáo dục chuyên nghiên cứu về mối quan hệ quá trình sinh học căn bản và mối quan hệ của con người với quá trình phát triển trí tuệ, tâm từ, và khả năng thấu cảm của cá nhân trong gia đình và cộng đồng. Ông là tác giả của nhiều đầu sách có giá trị như The Developing Mind: Toward a Neurobiology of Interpersonal Experience, 1999 (Trau giồi Tâm thức: Hướng đến một nền khoa học Thần kinh-sinh học về kinh nghiệm quan hệ con người), Parenting from the Inside Out: How a Deeper Self-Understanding Can Help You Raise Children Who Thrive, 2003 (Làm cha mẹ, phải thể hiện từ trong tâm: Tự hiểu mình sâu sắc hơn có thể giúp bạn nuôi dạy con cái trưởng thành như thế nào, viết chung với Mary Hartzell), The Mindful Brain: Reflection and Attunement in the Cultivation of Well-Being, 2007 (Bộ não Tỉnh thức: Trầm tư và hòa điệu trong quá trình phát triển an lạc), và Mindsight: The New Science of Personal Transformation, 2009 (Tâm Quang: Khoa học mới về chuyển hóa con người).
Sau đây là lời bác sĩ Daniel kể lại những kinh nghiệm tu tập của mình trong suốt khóa tu.
Từ Los Angeles, tôi bay đến Boston để tham dự khóa tu một tuần. Tôi cảm thấy hơi lo. Trong bảy ngày tới đây, tôi sẽ ngồi yên lặng giữa 100 nhà khoa học khác tại Hội Thiền Quán (Insight Meditation Society) ở Barre, Massachusetts. Khóa thực tập này do Viện Tâm và Cuộc sống (Mind and Life Institute) - một tổ chức chuyên tiến hành các công trình nghiên cứu khoa học về tỉnh thức và tâm từ - tài trợ. Đây là một sự kiện độc đáo, vì chưa bao giờ có 100 nhà khoa học quy tụ về và cùng nhau ngồi trong yên lặng suốt một tuần để học ‘thiền tỉnh thức’ như thế này. Hầu hết họ là những người chuyên nghiên cứu về bộ não.
Tôi biết rằng dạy thiền tỉnh thức cho mọi người có tác dụng giúp cho thân tâm họ khỏe mạnh. Tại Trung tâm thiền Tỉnh thức trường đại học California tại Los Angeles (UCLA Mindful Awareness Research Centre), chúng tôi mới tiến hành một nghiên cứu thí điểm tám tuần. Nghiên cứu này cho thấy rằng, dạy thiền cho những người có các chứng bệnh liên quan đến di truyền như rối loạn tăng động / giảm chú ý (ADHD: Attention-deficit / hyperactivity disorder)[1] ở cả người lớn và trẻ vị thành niên, có thể giảm mức độ phân tán tinh thần và hành động theo bản năng một cách đáng kể.
Tuy nhiên, tôi vẫn chưa có nền tảng gì về thiền cả. Tâm tôi luôn bận rộn, chạy rông ít nhất là trên mười trục quay và ai cũng biết tôi không phải là người ít nói.
Tôi nói với một người bạn về khóa thực tập yên lặng sắp tới, anh ta bảo, đối với anh, nói chuyện với mọi người là mạch sống, giao tiếp với người qua lời nói, biểu cảm của ánh mắt, gần gũi trò chuyện, làm cho cuộc sống của anh có ý nghĩa. Tôi nói, tôi cũng vậy. Làm thế nào có thể ngồi hoàn toàn yên lặng trong nhiều lần, mỗi lần ngồi khá lâu, suốt một tuần như thế, mà không giao tiếp với bất cứ ai bằng ngôn ngữ cũng như phi ngôn ngữ (đã được thỏa thuận) như vậy? Tại sao tôi lại làm như vậy? Tôi tự hỏi, liệu rút lui có còn kịp không?
1. Các nhà khoa học ngồi yên
Tôi không chuẩn bị gì nhiều, ngoại trừ đem theo đồ lạnh và giày vì lúc này ở New England, nơi tổ chức sự kiện này, đang là mùa Đông, tiết trời rất lạnh. Có người khuyên tôi, điều tốt nhất trong khâu chuẩn bị là thu xếp tất cả công việc nhà và việc công sở đâu vào đó, để trong khóa tu yên lặng, tôi sẽ không cảm thấy còn nhiều việc trong thế giới đời thường thúc bách mình phải gọi điện thoại, trả lời điện thư hay thư. Là một chuyên gia tâm thần học thích nghiên cứu về bộ não và các mối quan hệ của nó, tôi không khỏi thắc mắc rằng điều gì sẽ xảy ra với các vùng xử lý ngôn ngữ ở bán cầu não trái của tôi khi chúng trở nên yên lặng, tôi ước chừng thế, trong suốt thời gian thiền định? Chúng ta thấy biết và suy nghĩ về thế giới dưới dạng các mô hình thực tại khái niệm (models of conceptual reality) thông qua các khối thông tin bằng chữ và số được truyền đạt đến chúng ta. Các mô hình thực tại khái niệm đó là một phần hoạt động của toàn bộ bộ não có chức năng tiếp nhận và đánh giá thông tin qua các giác quan một cách có trật tự.
Nhưng tôi lại nghĩ đến thơ – thơ là một hình thức sử dụng ngôn ngữ khác, có thể hạn chế quá trình tổ chức các kinh nghiệm ở dạng thô trong khu vực nhận thức của bán cầu não trái một cách nghiêm ngặt, từ trên xuống. Thơ ca, giống như yên lặng, tạo nên một sự cân bằng mới giữa trí nhớ và giây phút hiện tại. Chúng ta nhìn với đôi mắt mới qua lăng kính thi ca; với sự tỏa sáng của ngôn ngữ, một kỳ quan mới, vốn bị lớp màn của ngôn ngữ thường ngày che phủ lâu nay, được hiện ra. Ngôn ngữ thường ngày của chúng ta có thể là ngục tù, giam cầm chúng ta trong ngục tối của sự dư thừa, làm vẩn đục các giác quan, làm yếu đi sức tập trung của mình. Bằng cách thể hiện sự mơ hồ, cách sử dụng ngôn ngữ khác thường, sắp xếp các yếu tố của thực tại nhận thức lại với nhau theo cách kết hợp mới và gợi hình, nhà thơ và các thi phẩm đem lại cho chúng ta những khả năng cảm nhận cuộc sống mới mẻ và khác thường. Có lẽ yên lặng trong tuần này sẽ cho tôi kinh nghiệm tương tự như vậy.
2. Ngày thứ nhất
Tôi đến Hội Thiền Quán, nơi chúng tôi sẽ cùng nhau trải qua một tuần lễ. Sau bữa ăn tối nhẹ, đi dạo, vệ sinh hằng ngày, và khi kết thúc bài nói chuyện mở đầu, chúng tôi sẵn sàng thực tập yên lặng. Mục đích là lặng vào thực tại chủ quan của chính tâm mình. Với vài hướng dẫn của người hướng dẫn thiền ở trung tâm, chúng tôi chìm sâu vào trong dòng nước của biển nội tâm. Hình thức thiền tỉnh thức mà chúng tôi đang học tuần này xuất phát từ cách thực hành thiền tuệ của Phật giáo từ hơn 2.500 năm trước, thường được hiểu là phương pháp ‘thấy rõ.’
Vào ngày thứ nhất, chúng tôi học cách ngồi trong thiền đường với những hướng dẫn ngắn gọn chỉ là “hãy quán sát hơi thở.” Khả năng tập trung này là bước đầu tiên để thực tập tỉnh thức. Khi sự chú tâm của mình đi lang thang ngoài hơi thở, chúng tôi được hướng dẫn là cứ nhẹ nhàng đem sự chú tâm về với hơi thở. Chỉ vậy thôi. Cứ làm đi làm lại điều này như vậy. Tôi cảm thấy an lòng. Để xem thử nó khó như thế nào?
Thế nhưng đến cuối ngày thực tập, năng lực tập trung của ngày thứ nhất, niềm tin của tôi rõ ràng lao dốc đến tận đáy. Tôi tưởng tôi làm được điều mà những người hướng dẫn gọi là ‘chú ý tốt,’ nhưng thật ra, tâm tôi chẳng chịu đi theo lời hướng dẫn là ‘chỉ chú tâm vào hơi thở’ và nó cứ lặp đi lặp lại như thế. Cứ sau một vài giây, dường như tôi không thể duy trì được sự tập trung trong một hơi thở mà không xen các suy nghĩ khác vào, chẳng khác nào một chú chó chạy theo hình chữ chi (ngoằn ngoèo) trên đường, dừng lại ngửi chỗ này chỗ kia do mùi hương dọc đường quyến rũ.
Các vị hướng dẫn bảo chúng tôi rằng rong chơi không ngừng là hiện tượng tự nhiên của tâm, và các vị ấy đề nghị rằng trong mỗi lúc, chúng tôi thử tập trung vào nửa hơi thở mà thôi: thở vô, xong rồi, thở ra. Thực tập như vầy có khá hơn một tí, nhưng rồi tâm tôi vẫn cứ tiếp tục rong chơi trên mọi nẻo. Theo người hướng dẫn, hiện tượng này đôi khi được gọi là “hiện tượng tán tâm” - tức là ý tưởng này nảy sinh kéo theo các ý tưởng khác nảy sinh. ‘Giải pháp’ cho vấn đề khó xử này, một khi chúng ta nhận thức rằng tâm chúng ta đã bị các ý tưởng tản mác chiếm cứ, là nhẹ nhàng tập trung trở lại hơi thở; cứ kiên trì làm như vậy, cứ làm, và làm, rồi tiếp tục làm như vậy, với tôi, dường như ít nhất cũng hàng ngàn lần, trong suốt một thời ngồi thiền 45 phút.
Sau thời ngồi thiền, chúng tôi thực tập thiền đi trong vòng nửa tiếng đến một tiếng. Trong khi đi, chúng tôi chú tâm vào cảm giác của bàn chân và phần dưới ống chân trong từng bước đi. Khi nhận ra tâm mình dong ruổi, trượt khỏi cảm nhận ở các bước đi, chúng tôi lại đem sự chú tâm trở về với bước chân. Cũng một vấn đề: tâm tôi có cái tâm riêng của nó và nó đi đâu tùy thích, chứ không phải đi đến nơi nào ‘tôi’ muốn nó đến.
Những lời hướng dẫn càng rộng hơn khi ngày thứ nhất trôi qua. Chúng tôi nhận thấy rằng tập trung vào hơi thở sẽ phát triển bước đầu tiên của tỉnh thức. Đây là yếu tố định hướng và duy trì sự chú ý. Học cách tập trung vào sự chú ý, chúng ta có thể ngăn chặn dòng tư tưởng khó điều khiển vốn tuôn chảy không ngừng, đó là các khái niệm bao gồm các hoạt động của tâm thức. Và cách tập trung vào sự chú ý cũng giúp chúng ta tiếp xúc với các cảm thọ mà mình đang thật sự trải nghiệm. Cảm thọ là cửa ngõ đưa chúng ta đến với kinh nghiệm trực tiếp. Khi chúng ta có thể ‘chỉ’ thấy thôi, hay ngửi, nếm, xúc chạm và nghe thôi – năm giác quan đầu tiên của mình – là lúc chúng ta tiến vào địa hạt hiện hữu trong hiện tại, một địa hạt xa rời với tất cả những gì bận rộn trong tâm, vì tôi chỉ ngồi, và chỉ đi, và ngồi, rồi lại đi. Dường như kỹ năng tiếp xúc với cảm thọ giúp chúng ta có khả năng cảm nhận mà không cần đến sự can thiệp của tư duy.
Ngày thứ nhất trôi qua vừa trống trải vừa căng thẳng. Yên lặng và không giao tiếp với người khiến tôi gần như nổi khùng. Tôi có xu hướng muốn liên hệ, nhưng ‘bị cấm’ nên không được liên hệ với bất cứ ai, bằng lời hay cử chỉ điệu bộ, bằng ánh mắt hay nét mặt biểu lộ sự giao tiếp. Đây là quy tắc để ngăn chặn chúng tôi không được giao tiếp nhau bằng bất cứ cách nào, và tôi cảm thấy một bộ phận nào đó trong não tôi bị đau đớn khi làm ngơ không giao tiếp với nhiều người đang có mặt tại đây. Tôi bắt đầu tự nói với mình, không chỉ nói thầm trong đầu, mà nói lớn ra. Thậm chí tôi còn tự kể cho tôi nghe những câu chuyện vui rồi phá lên cười. Thế rồi tôi tự nói với mình ‘suỵt!’, khi sực nhớ ra quy tắc giữ yên lặng cao quý: không giao tiếp với bất cứ ai. Vậy thì với bản thân mình thì sao?
Trong khi thực tập, tôi cố gắng nhớ lại những gì tôi tự nói với mình trước khi điều này bắt đầu “Hãy xem mỗi hơi thở là một cuộc phiêu lưu.” Bây giờ, tôi nói với chính mình rằng “Mỗi nửa hơi thở là một cuộc phiêu lưu.” Nhưng tôi đang dùng ngôn từ để nói điều này, và có khi những từ này trở thành kẻ thù, tức là những khái niệm tán tâm đã kéo tôi ra khỏi cảm thọ trực tiếp. Tôi bị sập bẫy rồi! Tôi cảm thấy bối rối. Tôi đang cảm nhận cảm thọ trực tiếp, tôi cảm nhận hoặc tôi suy nghĩ, nhưng tôi vẫn không từ bỏ những đối thoại có tính khái niệm, căn cứ trên ngôn từ đang diễn ra trong đầu. Các ngôn từ này tổng kết lại những gì tôi đang làm, như đang đi, đang ăn một quả táo thay vì cứ để cho tôi làm việc ấy. Như có người tường thuật nào đó trong người mình mà tôi không thể nào bỏ được. “Tiếp tục đi, cố gắng là chỉ uống sữa đậu nành thôi.” S-Ữ-A Đ-Ậ-U N-À-N-H, tôi đã đọc trên phim hoạt họa. Mấy con chữ nhảy múa trước mắt tôi như thể một người bạn lưu lạc lâu năm mới tìm lại được. Tôi thấy những con chữ này cũng hiếu động trong đầu khi tôi thực hành thời khóa ngồi và đi. Điều này làm cho tôi có cảm giác rằng tôi không phải “đang hành thiền trong tỉnh thức.” Có thể tâm trí tôi quá duy lý, chứa đầy các ý tưởng và câu hỏi, ngôn từ và quan niệm.
3. Ngày thứ hai
Hôm nay có sự thay đổi. Chúng tôi thức dậy lúc 5.15 mỗi ngày và 5.45 bắt đầu ngồi thiền. Cuối lần ngồi 45 phút đầu tiên, tôi có cảm giác sửng sốt rằng dường như thời gian ngừng trôi. Tôi ngồi xuống, bắt đầu quan sát nửa hơi thở, đến khi chuông reo báo hiệu đã đến giờ điểm tâm 6.30, tôi mới nhận ra điều đó. Tôi không hề buồn ngủ, tôi vẫn đang ngồi thẳng lưng, đầu thẳng và chân bắt tréo. Rồi tôi đi dạo với từng bước chân tỉnh thức giữa trời tuyết trong khu rừng bên ngoài sảnh đường chính. Bỗng nhiên, tôi thấy ánh sáng bừng lên từ một thung lũng nhấp nhô những hàng thông phủ đầy tuyết trắng, tuyết trĩu trên cành một cây thông cao, các trụ băng từ một tảng đá mòn bên cạnh đong đưa hạ thấp dần xuống. Tôi vô cùng ngạc nhiên, tôi òa khóc trước khung cảnh sống động, rồi ngửi và cảm nhận làn không khí lạnh phớt chạm vào mặt tôi, gió rì rào trên cây và tiếng sột soạt của bước chân tôi giẫm trên tuyết. Và rồi, nhanh như cắt, tôi nghe một ý tưởng khởi lên trong đầu rằng “Một ngày nào đó, bạn sẽ chết đi và bạn sẽ không còn có những thứ này nữa.” Sự hân hoan trong tôi vụt tắt, tâm tôi chùng xuống. Tôi cảm thấy thất vọng và chán chường. Nó giống như một cuộc chiến đang bùng nổ trong cái đầu đơn độc của mình, một bên là ý tưởng và một bên là các cảm thọ.
Sau đó, trong một thời trao đổi nhóm ngắn, tôi có mô tả cảm nhận của tôi với người hướng dẫn và thắc mắc liệu những lời dạy về tỉnh thức của quý vị có ưu thế hơn, dường như các cảm thọ vượt trội hơn so với ý tưởng hay bất cứ thứ gì khác mà chúng ta có thể làm, thậm chí hơn cả việc nói chuyện với người khác. Tại sao các cảm thọ có đặc quyền hơn ý tưởng chứ? Một vị thầy hướng dẫn nói rằng, chẳng bao lâu chúng tôi sẽ học được, bất cứ điều gì khởi lên trong tâm, từ cảm thọ đến ý tưởng, đều nên được chấp nhận mà không phán xét. Lời hướng dẫn của cô ấy giúp tôi rất nhiều, tôi có cảm giác không còn có một cuộc chiến giữa cảm thọ trực tiếp và ý tưởng khái niệm trong đầu tôi nữa. Dường như tôi có thể thỏa hiệp giữa hai bên. Tôi lấy làm ngạc nhiên rằng một lời hướng dẫn đơn giản như thế lại có thể tạo nên sự thay đổi đáng kể trong kinh nghiệm bản thân đến vậy.
Lưu tâm tới cách nhìn mới này, đến bữa ăn tối, tôi có cảm nghiệm đặc biệt khi ăn một quả táo. Mỗi khi ăn, thật ra trong mọi hoạt động, ngoài các thời khóa thực tập thiền trong tư thế ngồi và đi, chúng tôi đều phải duy trì ‘tỉnh thức.’ Có nghĩa là chúng tôi cần ý thức luôn luôn để nhận biết những gì đang xảy ra đúng như nó đang là. Tôi quyết định ăn một trái táo tráng miệng. Cảm thấy tự do suy nghĩ cũng như cảm nhận, tôi quyết định làm một thử nghiệm với tâm, quan sát kinh nghiệm của mình trong việc ăn táo. Tôi cắt một miếng và nhìn kỹ vào các sớ thịt. Tôi cảm nhận được phần da, phần cơm và ranh giới tiếp giáp giữa da và cơm. Tôi ngửi mùi hương táo và nuốt vào người mùi hương thơm thoang thoảng ấy, làm cho mùi hương lan tỏa hơn. Tôi còn đưa miếng táo đến gần lỗ tai để cảm nhận âm thanh của nó ra sao nữa (đúng, tôi biết, buồn cười lắm, nhưng các phân tử đang chuyển động và chính hiện tượng này tạo ra âm thanh, tại sao ta không thử chứ?). Những gì tôi có thể nghe được là âm thanh của người có mặt trong phòng, chứ không phải tiếng vo vo của các phân tử chuyển động đập vào màng nhĩ tôi. Khi tôi chậm rãi đưa miếng táo vào miệng, tôi có thể nghe được tiếng lạo xạo, cảm nhận được vị táo vỡ ra, cảm nhận được các mảnh táo chạm vào lưỡi và răng, và cảm nhận được vị của táo thay đổi khi các miếng lớn đang bị nghiền thành những miếng nhỏ hơn rồi trôi vào trong cổ họng, xuống thực quản rồi xuống dạ dày.
Cảm giác tự do bây giờ cho phép các ý tưởng khái niệm đan thành bức tranh, tôi để tâm trải rộng và chơi đùa với các hình ảnh và cảm thọ theo cách của táo khi nó đi vào hệ tiêu hóa của tôi, chuyển hóa vào cơ thể và trở thành một phần bên trong con người của tôi. Thế rồi tôi nghĩ quả táo do đâu mà có – những người nhà bếp rửa nó (hy vọng vậy), ban tổ chức mua nó, người ta nhặt nó từ vườn, cây táo cho ra quả táo này, hạt táo phát triển nên cây táo ấy. Với sự tự do tưởng tượng tùy thích với hình ảnh này, tôi chợt cảm nhận được tính tổng thể và độc đáo của vạn vật: quả đất, dòng người và cả thân thể tôi.
Tôi lướt nhẹ ra ngoài phòng ăn, muốn nói chuyện với ai đó, nhưng rồi nhớ lại mình phải giữ yên lặng. Có một người bạn lúc nãy ở trong phòng, nhưng chúng tôi không được nói chuyện với nhau. Tôi bước ra ngoài và đưa mắt nhìn ánh trăng tròn với vài áng mây mỏng trôi nhẹ trên nền trời đêm. Tôi cảm nhận có sự hiện diện của ai đó bên cạnh. Thì ra bạn tôi cũng đã đi ra và trên đường đến khu vực nghỉ đêm, anh dừng lại bên tôi một lát trong yên lặng dưới màn sao đêm. Trong cái yên lặng ấy, cả ngàn lời nói cũng không thể nào chuyển tải được cảm giác chia sẻ trong cái cảm nhận về ánh trăng như thế.
4. Ngày thứ ba
Hôm nay, tôi gặp một vị thầy hướng dẫn khác trong một thời khóa, trong đó từng người một lên gặp thầy hướng dẫn. Tôi cố gắng mô tả trải nghiệm ăn táo của mình. Tôi nói rằng tôi cảm nhận như có một dòng sông tạo nên sự tỉnh thức trong tôi và sự thực tập thiền này giúp cho tôi chạm đến thực tại để gặp những dòng chảy cá nhân – một dòng chảy của cảm thọ, một dòng chảy khái niệm – cùng xuôi về một con sông lớn. Hình ảnh này làm cho tôi cảm thấy an ổn hơn với bất cứ những gì khởi lên trong tâm. Thầy hướng dẫn đáp lại bằng cách kể cho tôi nghe rằng, ông cũng thường xuyên cảm nhận: “Cuối cùng rồi cũng nhận ra,” tức là chỉ để nhận ra rằng có một điều gì mới được trải nghiệm trong sự tỉnh thức. Ông đề nghị tôi đừng nên cố ý nắm giữ một ý niệm cố định nào về ‘sự hiện hữu của sự vật’ mà chỉ nhận ra những gì đang xảy ra.
Tôi cảm thấy thắc mắc của mình bị từ chối và bực bội với cách ông trả lời. Sau thời gian 10 phút dành để trao đổi với người hướng dẫn, đầu tôi đầy những ý tưởng bằng ngôn từ và mấy thời thực tập tiếp theo tôi lại cảm thấy ‘khó khăn.’ Một thời thực tập khó khăn là khi tôi cảm thấy như thể nó không đi đến đâu, như thể thay vì cảm nhận được không gian tâm thức cho tâm tĩnh lặng và ổn định, tôi đơn giản chỉ thấy tâm bị phân tán. Tâm bị phân tán chứ không tập trung. Tôi dễ dàng bị lạc giữa các ý tưởng và có khi tôi không quay về với hơi thở được.
Thế nhưng cuối cùng, ông thầy này đúng. Tôi có gặp một chút phức tạp hơn và thay đổi không ngừng. Bất luận là những gì chúng ta từng trải nghiệm trở nên rõ ràng như thế nào, chúng ta vẫn không thể nào lường được mình sẽ có cảm nhận ra sao trong thời khóa thực tập tiếp theo. Tâm thức luôn luôn trôi như một dòng chảy, và không thể nào đoán biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Vấn đề là đừng có mong điều này điều kia xảy ra mà hãy nhìn điều gì đang diễn ra và diễn ra như vậy mà thôi.
Trong những buổi thực tập nhóm, chúng tôi bắt đầu được hướng dẫn là chỉ quán sát hơi thở rồi sau đó, chú tâm đến âm thanh và cảm nhận thân thể. Hơi thở giống như điểm chính, là nơi để bắt đầu, nhưng sự chú tâm vào âm thanh cho chúng ta cảm nhận rộng hơn. Quét lướt qua thân – cảm nhận từng phần của thân, lần lượt từng phần một – có thể cho ta mở rộng sự chú tâm đến các cảm thọ rõ rệt nhất trong thân. Chúng ta đặt mình vào trong ý thức của thân hay các giác quan để ghi nhận những gì khởi lên.
5. Ngày thứ tư
Chúng tôi bây giờ mở rộng lãnh vực tỉnh thức khi chuyển từ việc tập trung vào hơi thở sang tỉnh thức và nhận biết được tất cả những gì đang khởi lên, kể cả những trải nghiệm về tỉnh thức. Không ngoại trừ điều gì cả. Thế nhưng tâm tiếp nhận không phải là tâm thụ động. Ở đây có sự tham gia năng động, không chỉ với đối tượng chú tâm, mà với chính sự tỉnh thức nữa. Sự năng động này không hề khiên cưỡng – nó có đặc tính linh động, vững chắc và có chủ tâm.
Trong thời thực tập thiền đi hôm nay, trí tuệ khởi lên trong tâm tỉnh thức của tôi mà không cần ngôn ngữ. Trí tuệ này nằm sâu trong tỉnh thức, không thể nào nhàm chán được. Ngôn từ dùng để mô tả một khái niệm hay một ý tưởng cũng có thể diễn tả được một ý niệm phi ngôn ngữ. Thế nhưng, trí tuệ, như trong trường hợp này, không phải là một ý niệm, mà giống như là một sự chuyển hóa bên trong.
Hôm nay có sự thay đổi lạ lùng. Cảm giác về một phần nào đó trong tâm tôi chịu đựng đau đớn khi không được giao tiếp với người khác, đã không còn nhắm đến họ nữa, mà nó quay vào bên trong chính bản thân tôi. Tôi cảm nhận rằng có một loại liên kết với bản thân tôi chưa từng xuất hiện trước đó bắt đầu khởi lên trong mỗi bước thực tập. Không có thời điểm nào giống thời điểm nào cả, ngay cả cảm giác bước chân trước không giống cảm giác của bước chân sau. Tôi cảm nhận trong mỗi bước chân, có một lực đè lên xương bánh chè của chân rồi chuyển đến lòng bàn chân, rồi đến gót chân. Và rồi trọng lượng ấy cứ thế chuyển vào hai chân khi bước chân tiếp theo nhận lực tác động của cơ thể. Không bước chân nào giống bước chân nào. Không có nơi nào khác, chỉ có ở ngay đây, không có thời điểm nào khác, chỉ có ngay bây giờ. Tôi cảm thấy phấn khích vô cùng. Tôi cảm nhận dòng cảm thọ đang lướt trên từng bước chân thiền, mỗi tích tắc căng đầy một chất trong suốt (ví như heli, một chất khí không màu) trong tự tâm. Tôi muốn kể với một người nào đó, do đó, tôi kể với chính mình.
6. Ngày thứ năm
Chúng tôi đang thực tập tỉnh thức hoàn toàn về trải nghiệm các cảm thọ, tư tưởng, hoạt động của tâm và các trạng thái khác. Mỗi lần thực tập được bắt đầu với sự tập trung vào hơi thở rồi chuyển đến một trạng thái rộng mở hơn, thoáng đạt hơn và có tính khám phá hơn của tỉnh thức, có cảm giác như có gì đó ‘đang hiện ra.’ Cái gì nảy sinh cứ tự nảy sinh. Chúng tôi được hướng dẫn là thực tập như vậy giúp cho một số người ghi nhận rằng một ý tưởng, một cảm thọ hay một trạng thái tâm (mà không sa đà trong đó) tưởng chừng như hiện ra từ một cái lỗ chuột chui nào đó trên tường. Một số người khác thì thấy tưởng chừng như ý tưởng hiện ra trên màn hình máy thu hình có thể mở hoặc tắt được.
Với tôi thì cách ấy chẳng hợp tí nào. Thay vào đó, sự tỉnh thức của tôi trong giây phút hiện tại khởi lên như một thế giới riêng trong quan sát của tôi. Ý tưởng, cảm xúc và hình ảnh trôi bềnh bồng như áng mây trên thế giới ấy, và tôi có thể thấy và đặt tên chúng (là ‘ý tưởng,’ là ‘cảm thọ,’ hay là ‘hình ảnh’) rồi để chúng tự trôi đi ra khỏi thế giới của phút giây hiện tại. Thỉnh thoảng có một ý tưởng khởi lên mà tôi không ý thức rằng nó đã khởi lên và ngay lập tức, tôi ‘lạc vào trong ý tưởng.’ Giữa tôi và ý tưởng không có sự tách biệt. Lúc đó, tôi không chỉ lạc trong đó mà tôi chính là ý tưởng. Trong những giây phút này, tôi không còn ở trong thế giới ấy nữa, mà được kết tụ lại trên những áng mây.
Khi tôi có thể ghi nhận được rằng mình không ý thức rõ về hơi thở, điều cốt yếu ở đây là không bực bội hay nản lòng, cũng không cảm thấy thất bại, mà đơn giản là chỉ ghi nhận kinh nghiệm ấy. Điều này cũng giúp tôi nhớ lại lời của các vị thầy hướng dẫn rằng, bất kể là một người đã thực tập thiền tỉnh thức lâu mấy chục năm, hiện tượng ‘lạc vào trong ý tưởng’ là một kinh nghiệm thường xuyên diễn ra. Điều này chứng tỏ hoạt động của tâm thức là vậy. Tuy nhiên, duy trì được tâm tỉnh thức giúp chúng ta thấy từng ý tưởng chỉ khởi lên rồi trôi đi. Như vậy ý tưởng mất đi khả năng lôi kéo và cuốn trôi chúng ta.
Chúng tôi cũng thực tập phương pháp thiền truyền thống để phát triển ‘tâm từ.’ Thiền tâm từ là một phần căn bản của thiền tỉnh thức và là cách làm cho chúng ta thấm nhuần cái nhìn tích cực đối với tất cả chúng sanh, bao gồm bản thân mình, và cả thế giới nói chung. Một chuỗi các cụm từ được lặp đi lặp lại, bắt đầu là tập trung vào bản thân mình. Những lời này trùng với những gì Sharon Salzberg[2] dạy, là “mong tôi được bình an và tránh khỏi những điều nguy hiểm. Mong tôi được an lạc, có tâm tĩnh lặng và hoan hỷ. Mong tôi được sức khỏe và cơ thể đủ năng lực để sống. Mong tôi được an lạc nhờ vào sự khỏe mạnh.” Khi hình dung hình ảnh của mình trong tâm, chúng ta có thể thực tập sâu hơn. Khi nghĩ đến những câu này, ý thức của tâm về thân có thể tập trung ở vùng tim, phần ngay dưới ngực khi hơi thở đi vào, đi ra. Bắt đầu thực tập tâm từ với chính bản thân mình là điều quan trọng, bởi vì chúng ta không thương mình được thì làm sao có thể trải lòng ra với những người khác?
Sau khi tập trung tâm vào bản thân mình, chúng ta tập trung tâm hướng đến người khác. Chúng ta cầu mong sự an ổn, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào và an lạc trước hết đến với một ân nhân nào đó của mình (người đã giúp đỡ mình để mình có thể phát triển trong cuộc sống), rồi đến người bạn nào đó, rồi tiếp đến là với người không thân không sơ. Thường thì hình ảnh của đối tượng phải ở trong tâm mình khi cầu mong những điều tốt đẹp đến với họ. Bước thực tập kế tiếp khó hơn, chúng ta mong cầu những phước lành này đến với một người ‘khó ưa’ trong đời mình, người mà quan hệ với mình chẳng tốt đẹp gì. Và bước thực tập kế tiếp lại càng khó hơn, đó là chúng ta phải tha thứ và xin được tha thứ lỗi lầm. “Tôi xin bạn hãy tha thứ những lỗi lầm mà tôi đã làm hay nói, đã làm bạn tổn thương hay làm bạn khổ đau.” Rồi cũng những lời này, đến lượt mình tha thứ cho người đó.
Tôi chọn một người bạn mà tôi đã từng duy trì mối quan hệ trong một thời gian lâu dài nhưng do một sự hiểu lầm, mối quan hệ ấy đã chấm dứt và gần đây thì đã trở thành thù. Tôi hình dung ra khuôn mặt anh ta, thấy những khúc mắc đã đưa chúng tôi đến sự đổ vỡ và mong nhận được sự tha thứ từ anh ấy về những gì đã xảy ra giữa tôi và anh ấy. Ðiều này thật khó, vì anh ta không có thiện chí bước một bước nữa để hàn gắn mối quan hệ. Nhưng cách thực tập này, bao gồm cả việc tôi tha thứ cho anh ta về những gì đã xảy ra, đã giúp tôi cảm thấy vấn đề đã được giải tỏa.
Bản thân tôi tự thấy có sự thay đổi sâu sắc, nhưng nhiều người khác trong nhóm, trong buổi pháp thoại tối, đã nói rằng họ cảm thấy khó có thể tha thứ cho người đã từng làm tổn thương họ. Với một số người khác, thực tập tâm từ trở nên không thoải mái, thậm chí có một số người không tham dự thời khóa thực tập có hướng dẫn về đề tài này. Rốt cuộc có một số người nói rằng họ thấy khó có thể tha thứ cho một người đã đối xử không phải với họ và không chịu xin lỗi với những sai trái đã làm.
7. Ngày thứ sáu
Tôi có cảm nhận như hiện bây giờ, có ba dòng ý thức được nhận thức rất rõ ràng đang lưu chảy trong dòng sông tâm thức của tôi. Một dòng là cảm thọ trực tiếp. Những cảm thọ về thân hay cảm thọ về tri giác hiển thị nguyên vẹn, thuần túy. Khi tôi đi, tôi cảm nhận được sức đè trên gót chân, sự di chuyển trọng lượng cơ thể xuống xương bánh chè, sự phân phối trọng lượng không đồng đều ở các ngón chân, sự di động của mông khi chân kia chuyển chậm để giữ trọng lực cân bằng và thân hướng về phía trước một tí, gót chân tiếp theo chạm đất, ngón của bàn chân kia thả lỏng và cảm thấy nhẹ hẫng. Tôi không quan sát điều này trên phương diện nhận thức. Tôi đang cảm nhận điều này, khi đang thật sự diễn ra, tôi cảm thấy rằng không có ngôn ngữ nào có thể mô tả được cảm thọ này, không có khái niệm để phân tích và xâu kết lại. Chúng thuần túy là cảm giác – hình ảnh và âm thanh, âm thanh réo rắt bên trong, căng thẳng, và sức ép. Tôi cũng hoàn toàn nhận rõ được dòng ý thức thứ hai – dòng khái niệm trong ý tưởng khi đi. Tôi dường như nghe rõ ý tưởng ‘đang đi’ – bằng lời mà không phải nghe hoàn toàn từ trong tâm. Nhưng bây giờ còn có dòng ý thức thứ ba mà tôi gọi là ‘người quan sát’ – đó là cảm giác tôi đang quan sát chính mình từ một khoảng xa, bên ngoài đầu tôi, lướt trôi trong thiền đường, phía trên đầu tôi, trên các ngọn cây và trên con đường tôi đang bước.
Mỗi dòng ý thức – cảm thọ, khái niệm, người quan sát – dường như tồn tại đồng thời trong thế giới của giây phút hiện tại. Tôi ghi nhận tất cả, kể cả quá trình quan sát người quan sát. Thật tức cười! Vào một thời điểm nào đó, tôi cảm thấy như thể tâm mình lạc mất khi cảm nhận về thực tại vỡ vụn, tách rời từng mảnh trước cái nhìn thấu tâm của mình. Hoặc tôi tự hỏi, ủa, tôi thật sự đang tìm gì đây? Từng bước, từng bước như thế, tôi quan sát tâm mình. Tôi cảm nhận từng bước đi. Tôi quán chiếu cảm thọ của mình và cảm nhận cả sự quán chiếu ấy.
Hầu như suốt trong một tuần, tôi chưa hề nói chuyện với ai ngoại trừ trao đổi vắn tắt trong chốc lát với các vị thầy hướng dẫn. Không giao tiếp, không trò chuyện, không trao đổi gì với nhau. Tôi sống giữa bao người, nhưng tôi rất xa họ, thế mà gần gũi. Tôi đã hoàn thành công việc được giao là lau chùi nhà vệ sinh gần thiền đường mỗi ngày. Lúc đầu tôi rất ngại làm việc này, nhưng sau đó không hiểu sao tôi lại thích, thậm chí còn thấy công việc này cũng hấp dẫn nữa. Tôi cảm nhận được sự giao tiếp giữa mình với giẻ lau sàn, với việc chùi cọ nhà vệ sinh, rửa bồn rửa mặt. Sau vài hôm, tôi đã đoán và nhận ra cùng một phản ứng đối với nước lau nhà, bọt xà phòng và giẻ lau. Tôi cảm thấy thoải mái khi biết rằng ở đâu đó trong việc này, vẫn có điều có thể đoán biết được. Tôi lau chùi, bụi bặm biến mất. Thật là ảo thuật. Nhưng trong cái thế giới thoáng rộng của phút giây hiện tại, tôi không thể biết được điều gì sẽ xảy ra.
Cảm thấy cần một điểm trụ tâm nào đó trong khi thực tập thiền đi, tôi đã tìm một phương pháp trụ tâm cho quá trình thực tập này. Tôi biết chúng ta đã từng được hướng dẫn để tự nhắc mình biết nói “bây giờ thì không” hoặc “không, cám ơn” với một ý tưởng lý thú và không bị nó cuốn trôi. Thế mà tôi chẳng tránh được. Hoặc có thể tôi đang giúp mình. Tôi thả từng bước, từng bước chân trần nhẹ lướt trên nền sàn gỗ của phòng thực tập thiền đi. Từng bước, từng bước một. Tôi nghĩ: Cảm thọ. Được. Quan sát. Tốt. Khái niệm. Hay. Mỗi một dòng ý thức đều cho tôi cảm giác hiểu biết giây phút hiện tại, một cách hiểu biết rất ngược, không cần ngôn từ, không cần khái niệm, không cần cảm thọ. Sự hiểu biết này là mạch nước ngầm trong lòng thế giới của giây phút hiện tại, một sự hiểu biết (Knowing) không có hình tướng: K. Làm thế nào để tôi có thể nhớ được khả năng nhận biết thú vị này? Rồi tôi nghĩ đến ‘S.O.C.K’ (‘B-Í-T T-Ấ-T’). Một chiếc bít tất (SOCK) bao quanh lòng bàn chân tôi, và bít tất bao quanh cái hồn của tỉnh thức, từng bước, từng bước chân, từng sát na, từng sát na một.
Ở trên tôi đã mô tả ba dòng ý thức trong một giai đoạn hỏi-và-đáp và tự hỏi tâm của mình có bị tán lạc hay không. Khi chức năng người quan sát trở nên quá năng động, tôi bảo, nó dường như phá vỡ mất kinh nghiệm cảm giác trực tiếp, giống như các ý tưởng khái niệm đã từng phá vỡ. Tôi thắc mắc có nên loại bỏ chức năng người quan sát hay không? Người hướng dẫn đáp là ‘không’. Nói vậy cũng như không. Tôi có thể thực tập như vậy. Thực tế, tôi có thể thả tâm như vậy. Và tất nhiên, trong thời thực tập thiền đi tiếp theo, một kiểu trụ tâm khác lại khởi lên: ý thức trên ABCDE: A Balance of Concept and Direct Experience (cân bằng giữa khái niệm và kinh nghiệm trực tiếp). Đúng là bán cầu não trái của tôi chẳng chịu dừng!
8. Ngày thứ bảy
Đây là ngày chúng tôi ‘hết im lặng.’ Có một cuộc thảo luận nghiêm túc trong vòng ba tiếng đồng hồ, sau đó là một bữa ăn tối trong đó mọi người được tha hồ nói chuyện, trao đổi, mà tôi nghĩ sẽ không ai trong chúng tôi còn ý thức được mùi vị thức ăn là gì. Rồi đến một thời ngồi thiền yên lặng vào buổi tối trước khi đi ngủ để rồi sáng hôm sau, chúng tôi có thời ngồi thiền và thảo luận cuối cùng. Lúc đầu chúng tôi gặp nhau từng đôi và tôi say sưa mô tả lại kinh nghiệm của mình. Tôi kể với một người bạn về các kiểu trụ tâm, và với anh, thì anh thích nhất là cụm từ YODA: You Observe and Decouple Automaticity (bạn quán sát và tách sự tự động ra). Kiểu trụ tâm này mô tả vai trò của quán chiếu trong việc đánh thức chúng ta về với tỉnh thức: sự quán sát phá vỡ tình trạng bị dắt lôi một cách tự động. Ý tưởng về “bít tất của Yoda” (Yoda’s socks) làm chúng tôi bật cười. Sự tỉnh thức có thể liên quan đến nhiều hiện tượng hơn chứ không chỉ cảm nhận – nó có thể bao gồm khả năng ý thức về tỉnh thức, khả năng quán sát kinh nghiệm. Khi quán sát, chúng ta có thể chuyển hóa nhu cầu chia sẻ một cách tự nhiên của mình, và những chướng ngại ngăn cản chúng ta tiếp xúc với kinh nghiệm trực tiếp do tình cảm và thói quen tạo ra cũng dần dần bớt đi. Quán sát giống như chiếc chìa khóa, mở được những cánh cửa cho cảm thọ trực tiếp: chúng ta quán sát và ghi nhận thế giới ý niệm của tâm, và tự giải phóng mình để đi vào thế giới hiện tại ngay bây giờ một cách trọn vẹn hơn.
Khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện lại sau thời gian yên lặng, một hiện tượng lạ dường như xảy ra mà sau này tôi được biết là thông thường, không riêng gì với các nhà khoa học. Đó là, một khi chúng ta được phép nói sau một thời gian cô độc, yên lặng, tất sẽ có một cảnh điên rồ, ồn náo như không khí hội hè. Nhưng sau đó, khi chúng tôi trở lại yên lặng, tôi cảm thấy thoải mái một cách ngạc nhiên, và một cảm giác rộng mở, thoáng đãng của tâm lại trở về. Tôi có thể cảm nhận sự trong sáng của tỉnh thức khi tôi hiểu ra tôi không cần phải nói chuyện với ai cả. Khi không giao tiếp, tâm tôi được tự do và trở nên thoáng rộng trở lại, tiếp xúc được với chính nó. Có một loại sáng suốt phát sinh từ trong yên lặng.
Mãi đến đêm đó, tôi mới gọi điện về nhà lần đầu tiên trong suốt một tuần, tôi vui khi nói chuyện với vợ và các con. Mặc dù mọi việc ở nhà đều ổn cả, tâm tôi không ngừng suy nghĩ về cuộc nói chuyện, về các kế hoạch, về giọng nói và về những việc cần phải làm. Lần đầu tiên trong suốt một tuần qua, tôi thức giấc nhiều lần và cảm thấy khó ngủ, chỉ để suy nghĩ về những điều nảy sinh trong tâm sau một tuần tỉnh thức. Sự lôi kéo của cuộc sống đời thường làm cho tôi nhận ra rằng tôi chưa từng ý thức được tâm tôi đã an tịnh đến mức nào.
Tôi đã uống nước trà nóng suốt một tuần mà không có vấn đề gì. Sau khi gọi điện về nhà, tôi đã ra khỏi sự tỉnh thức và trở về với cuộc sống đời thường quay cuồng, hối hả và rộn ràng, lưỡi tôi rát bỏng. Tôi đang nghĩ về một cái gì đó khác hơn là tỉnh thức về trà khi tôi đang uống trà. Vì không tỉnh thức, tôi đã gặp rắc rối, tôi bị bỏng lưỡi.
Suốt trong buổi thảo luận khoa học về các ý tưởng và kinh nghiệm trong đêm cuối cùng của tuần thực tập thiền, đầu óc tôi không còn hưng phấn nữa. Điều làm tôi giật mình là các cuộc trao đổi chuyện trò dường như toàn mang tính khái niệm, và tôi không thể đưa tâm mình trở lại theo cách này được. Tôi thích sự yên lặng trở lại vào đêm hôm cuối cùng đó. Dù vậy, trên đường đến phi trường với hai người bạn vào sáng hôm sau, tôi cảm thấy chúng tôi vẫn có thể có những trải nghiệm sâu sắc, chậm rãi không gián đoạn. Tôi cảm thấy hài lòng khi cố gắng gói ghém kinh nghiệm một tuần vào trong ngôn từ và chia sẻ với nhau. Tôi nói rằng tôi cảm thấy như thể một phần của tâm tôi, phần mà đã thường xuyên giao tiếp với người khác, vào khoảng giữa tuần đến cuối tuần, đã chuyển sự tập trung vào một người có mặt duy nhất: bản thân tôi. Khi tôi mô tả kinh nghiệm của mình, tôi cảm thấy họ cũng cùng hòa với tôi trong kinh nghiệm ấy giống như những gì tôi cảm nhận về sự hòa điệu với chính bản thân mình trong suốt tuần qua. Cái đầu khoa học của tôi tưởng tượng đây là chiếc gương nơ-ron cho phép chúng ta cộng hưởng với người khác. Sự cộng hưởng bên trong bản thân mình và đồng điệu với người khác làm cho sự hài lòng càng sâu sắc hơn.
Bây giờ, đã nhiều tháng qua, tôi vẫn cảm thấy mình đang cùng xuôi dòng với bốn dòng ý thức – cảm thọ, quan sát, khái niệm và nhận biết – dường như sự ý thức này đã mang lại cho tôi trải nghiệm của giây phút hiện tại. Tôi có cảm nhận rằng, có được một tuần thực tập yên lặng, đối với tôi, là một món quà mà nhờ đó tôi biết được chính mình theo một cách mới. Đối với một chuyên gia trị liệu, cũng như đối với bất cứ ai thực tập phản chiếu không ngừng, sống một mình với tâm của riêng tôi trong thời gian đó, đã mang lại cho tôi một cảm nhận mới về chính mình và cảm nhận đó vẫn còn lưu lại trong tôi cho đến ngày nay.
Tôi đã thay đổi như thế nào? Một cách là, dòng cảm thọ trực tiếp dường như mạnh hơn và ít bị tổn thương bởi dòng tư duy khái niệm khu biệt của tâm thức và cũng ít bị tác động bởi dòng ý thức quan sát. Những cách nhận biết hiện tại khác nhau này không chỉ mang lại sự đình chỉ tạm thời, mà nhiều hơn thế nữa – tôi cảm nhận một sự hòa điệu mới từ khi tham dự khóa tu. Tôi không còn nhốt mình vào bất kỳ một phán xét nào, cho rằng cách này tốt hơn cách kia. Cái gì cũng có vai trò riêng của nó trong thế giới muôn trùng này.
Trong lãnh vực chuyên môn của mình, tôi thấy rằng dạy tỉnh thức mở ra một chiều hướng mới cho bệnh nhân của mình. Tôi cảm nhận có một khu nối kết trung tâm trong tâm mình đã trở nên rộng mở hơn và nuôi dưỡng sự hiện hữu giữa chúng tôi trong giây phút hiện tại. Thật khó mô tả, nhưng có thể cảm nhận được và cách thể hiện tốt nhất là hãy chia sẻ: Hiện hữu là như thế này đây. Bất cứ điều gì ở đây, chúng ta, bạn, tôi, quyến thuộc, bạn bè, bệnh nhân, sinh viên – đều có thể cùng nhau nuôi dưỡng sự trải nghiệm trọn vẹn ngay lúc này trên các ngọn sóng của dòng sông ý thức. Không gian này có thể được chia sẻ. Một bánh xe tỉnh thức có thể trở thành kinh nghiệm chung, kinh nghiệm của nhóm, vốn chứa đầy sợ hãi, và lầm tưởng về sự tồn tại riêng biệt của mình sẽ lộ dạng: đó chỉ là sự tạo tác của tâm, là sự sáng chế của tâm thần.
Bằng cách nào đó tôi cảm nhận được một con đường rộng mở để tiếp xúc với cái ta trong tôi nhờ một tuần thực tập yên lặng. Ngay dưới lớp vỏ bên ngoài mỗi người mỗi khác, sự hiện hữu căn bản này có mặt trong tất cả chúng ta. Có lẽ sự đơn giản trong quá trình hòa điệu với hơi thở, với chính mình cho phép chúng ta tiếp xúc với cái ta ở tầng sâu hơn và đó là nền tảng chung mà chúng ta có thể chia sẻ khi đem tỉnh thức đến với nhau. Nơi ấy, sẽ có một con đường hướng về sự an lành chung cho cộng đồng thế giới, từ mỗi tâm thức, từ mỗi phút giây mầu nhiệm, vì lòng thương yêu cần thiết cho các mối quan hệ của chúng ta cũng giống như hơi thở cần thiết cho sự sống.
[1] Rối loạn tăng động / giảm chú ý là một hội chứng có đặc trưng hiếu động quá mức, thiếu chú ý, kém kiềm chế, và thiếu kiên trì trong công việc. Bệnh này xuất hiện phần lớn ở trẻ em từ 5 trở lên và có thể giảm dần đến khi trưởng thành. Nguyên nhân của bệnh có thể do bẩm sinh và cũng có thể do ảnh hưởng của môi trường sống (như cách cư xử của cha mẹ, anh em trong gia đình) và / hoặc môi trường giáo dục (chú thích người dịch).
[2] Sharon Salzberg là nữ cư sĩ người Mỹ, chuyên giảng dạy và hướng dẫn các khóa thiền theo truyền thống Phật giáo, đặc biệt là thiền Minh sát (Vipassanā) và thiền Tâm từ (Mettā). Bà cũng là người sáng lập Hội Thiền Quán (Insight Meditation Society) ở Barre, tiểu bang Massachusetts, Mỹ.
---oOo---
Nguồn: Đạo Phật Khất Sĩ
BÀI LIÊN QUAN
Thiền định - Những trải nghiệm ở Miến Điện ( Hòa thượng Giác Thường , 10231 xem)
Tu theo Số Tức Quan ( Hòa thượng Giác Dũng , 6625 xem)
Thiền quán ( Thượng tọa Giác Trí , 5156 xem)
Nhận thức thiền trong cuộc sống ( Tỳ kheo Giác Nhường , 5672 xem)
Vài nét về khóa tu thiền thất ( Huệ Kính , 5454 xem)
Thiền định ( Ni sư Minh Liên , 6114 xem)
Phương pháp tu thiền định từ Trú Độ Thọ đến thành tựu Kiến và thể nhập Chánh Pháp ( Hòa thượng Giác Toàn , 6186 xem)
Thiền Vipassana - Một nghệ thuật sống ( Sư cô Hằng Liên , 6046 xem)
Pháp môn Chăn trâu ( Cư sĩ Chính Trực , 6230 xem)
Tranh Chăn Trâu Đại Thừa Thiền Tông ( Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ , 6066 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 37 tưởng niệm 100 năm ngày sinh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang
Ni giới Hệ phái Khất sĩ sẽ tổ chức khóa tu Truyền thống lần thứ 37 tưởng niệm Tổ sư vào tháng 8 âm lịch năm 2023 như sau: ĐỊA ĐIỂM: CHÙA THUẬN PHƯỚC ĐỊA CHỈ: SỐ 171, ẤP 4, PHƯỚC VÂN, CẦN ĐƯỚC, LONG AN Trụ trì: SƯ CÔ NGHIÊM LIÊN Thời gian tu: Từ ngày mùng 10/8 - 16/8 (âl) năm Quý Mão (24.9.2023 - 30.9.2023)
Thư mời viết bài Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, Lịch sử truyền thừa và những đóng góp
Thư mời viết bài Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, Lịch sử truyền thừa và những đóng góp
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023
Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ