Trang chủ > Văn Hoá > Vu Lan
Ý nghĩa cài Hoa hồng
Xem: 2662 . Đăng: 27/08/2021In ấn
Ý NGHĨA CÀI HOA HỒNG
Nam mô Vu lan Duyên khởi Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát!
Kính bạch Ni trưởng Đương kim Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam
Kinh bạch Quý Ni trưởng Giáo phẩm lãnh đạo NGHPKS
Kính thưa quý Ni sư, Sư cô
Kính thưa quý Phật tử hiện diện trong Zoom và Phật tử gần xa thân mến!
Lễ Vu lan Báo hiếu - Cầu siêu phả độ gia tiên từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong lòng người dân Việt Nam, là một trong những lễ rất quan trọng của đạo Phật được tổ chức hàng năm vào dịp Rằm tháng Bảy tại các chùa, cơ sở tự viện của Phật giáo, đề cao tinh thần báo ân, hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ, tổ tiên. Đạo lý ấy hài hoà với truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt. Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, nên việc đáp ứng nhu cầu tâm linh của đồng bào Phật tử và nhân dân là rất cần thiết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện phát huy sáng tạo các hình thức sinh hoạt trực tuyến trong mùa Vu Lan.
Với tinh thần ấy, Tổ Đình Ngọc Phương trụ sở của Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, quý Ni trưởng, Ni sư, chư Tôn đức Ni hàng giáo phẩm đồng tổ chức Đại Lễ Vu Lan DL 2021- PL 2565 trực tuyến đáp ứng nhu cầu tâm linh cho hàng Phật tử Hệ phái Khất sĩ để tưởng nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành. Mỗi người con đều mong muốn bày tỏ lòng tri ân và báo ân tới tổ tiên, cầu nguyện cha mẹ hiện tiền tăng long phúc thọ, cha mẹ quá vãng được an nhàn lạc cảnh.
Kính bạch chư Tôn đức Ni, kính thưa đại chúng!
Truyền thống lễ Vu Lan Báo hiếu cha mẹ cũng là dịp để chúng ta sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn giữa dòng đời đang đối mặt phòng chống đại dịch, không tập trung đông người, không đến chùa được nhưng với lòng thành kính hướng về cha mẹ, những người đã có công sinh thành và dưỡng dục nên chúng ta hôm nay. Đức Phật đã dạy tri ân, báo ân, tưởng niệm trong tâm thức của mình, chứ không phải cách mình bày tỏ ở đâu, như thế nào. Cái chính ở lòng thành của con cháu trong những ngày này là nhớ về ông bà tổ tiên, nhớ về truyền thống gia đình, nhớ về những lễ nghĩa tốt đẹp của cha ông để noi theo và thực hiện cho tốt. Gìn giữ được những giá trị đó mới là điều quan trọng. Cha mẹ còn hãy yêu thương chăm sóc và hết lòng tôn kính, cha mẹ quá vãng thì dành thời gian tưởng niệm và hành động thiết thực như đăng ký cầu siêu cho cha mẹ trực tuyến hay ủng hộ quỹ phòng chống dịch, cưu mang người khó khăn yếu thế, ấy cũng là pháp tri ân báo ân trong mùa Đại Lễ Vu Lan.
Kính bạch chư Tôn đức Ni, kính thưa toàn thể đại chúng!
Hơn 5 tháng qua, chúng ta chật vật khủng hoảng trong mùa đại dịch, kẻ còn người mất, gia đình ly tán, quí vị hãy nén lại những buồn thương hướng về với mẹ với cha dù rằng đôi phút nơi đây để thấy lòng vơi đi phần nào những ưu tư phiền muộn đè nặng trên khối tình hiếu nghĩa vi tiên.
“Ôi tình mẹ thiêng liêng cao đẹp quá,
Như suối hiền ngọt dịu lúc trưa hè,
Như gió chiều nhè nhẹ ở cành tre
Như dòng nước của đại dương vô tận.”
Còn nếu mái tóc quý vị đã nhuộm màu sương tuyết, đôi mắt quý vị có phần phai nhòa hình ảnh đấng sanh thành thiêng liêng đã yên nghỉ nơi nào, thì ngay giờ phút này đây quý vị hãy chắp tay kính cẩn, hướng về cha mẹ đã quá vãng thể hiện tấm chân tình tri ân sâu sắc với một đóa hồng trắng tinh anh trên ngực áo:
Con chợt hiểu cho dù bao nhiêu tuổi,
Mất mẹ rồi đời mình vẫn đơn côi
Từ mỗi lần mẹ có nghe con khóc
Khóc hôm nay và khóc mãi trong đời.
Gió thu nhè nhẹ lay cành lá với tiếng chuông chùa ngân nga, càng làm xao xuyến cõi lòng những ai đón Vu Lan mà không còn cha còn mẹ, như lời một thi sĩ đã tâm sự:
“Ôi chim non sao sớm buồn không mẹ,
Muôn dặm trời xanh ai dẫn đường?”
Nên dầu quí vị có được thể hiện niềm yêu thương hay phải lặng lẽ âm thầm trong cuộc sống đơn côi thì đều không thể quên mùa Vu Lan Báo Hiếu nhằm tưởng nhớ đến công cha và nghĩa mẹ. Ngậm ngùi nhớ lại năm nao, mẹ đã tẩm đượm máu thịt mình cho con khôn lớn, dù cho lưng mẹ có còng đi dưới nắng cháy mưa sa để cho con đầy đủ sự sống. Mẹ từng nhịn ăn thiếu hụt cho con no dạ, mẹ thấp thỏm canh thâu nếm từng dòng lệ mặn khi con bươn chải phiêu bạt nơi xứ người. Cho dù có sống đến hơi thở cuối cùng, mẹ vẫn là chỗ trú chân đùm bọc ấm êm cho con trong những ngày mưa giông nắng hạ. Trong kinh Báo Hiếu, đức Phật đã dạy rằng:
Mẹ xưa cực khổ xiết chi,
Cưu mang mười tháng đứng đi nhọc nhằn.
Như mang gánh nặng trằn trằn,
Như người trọng bệnh, uống ăn bất thường.
Đúng kỳ sanh nở càng thương,
Banh da xé thịt can trường đớn đau.
Ơn mang nặng đẻ đau của mẹ là cao vời, vô biên như thế. Và cha ơi, có phải vì con mà cha lang bạt qua từng bể mộng đường mơ, dệt cho con mảnh sống huy hoàng. Không dịu dàng và âu yếm như mẹ, cha luôn nghiêm khắc vì muốn dạy dỗ cho con chân cứng đá mềm, mạnh mẽ hơn trước giông bão cuộc đời, vượt qua mọi khó khăn bằng nghị lực chính bản thân. Được ví như núi cao sừng sững, tình cha là hình ảnh nghiêm phụ cứng rắn, mạnh mẽ, dù thương con đứt ruột đứt gan khi thấy con vấp ngã trên đường đời mà vẫn đứng yên khích lệ cho con cố gắng đứng lên trên chính đôi chân của mình, cố đương đầu với những thách thức khó khăn để trui rèn cho con một manh áo giáp sắt đầy bản lĩnh và kiên cường bất khuất.
Tình thương của cha của mẹ bao trùm cả quãng đời con nên người ta đã hát:
Còn cha gót đỏ như son,
Một mai cha mất gót con chôn bùn
Còn cha còn mẹ thì hơn,
Mất cha mất mẹ như đờn đứt dây.
Cho nên nếu quý vị còn diễm phúc sống bên cha mẹ già, hãy một lần ôm cha để xin một điều tha thứ nếu đã làm cho trái tim cha nát mảnh, và hãy phủ phục ăn năn nếu một lần nào đó quý vị làm cho mắt mẹ lệ nhòa. Và đây trong giờ phút thiêng liêng này:
“Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, một bông hồng cho những ai đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn.”
Nhưng cũng thật tái tê, chua xót, lạnh lùng cho những ai bất hạnh mất cha mất mẹ. Đất trời cũng kết thành những đóa hoa tinh khiết ưu ái cho quý vị - những ai đã không còn hai đấng sanh thành:
Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Yên lặng tôi sầu thôi
Mặc dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông Chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất Mẹ
Là mất cả bầu trời.
Hôm nay đây, giữa khí trời tháng Bảy mưa ngâu như cùng thấu hiểu với thế nhân một nỗi đau lực bất tòng tâm trước cộng nghiệp chung mùa đại dịch, tất cả người con Phật dẫu xuất gia hay tại gia hãy tạm dừng đôi tay bươn chải, tạm ngưng bước chân đã mỏi mòn sương gió bụi đời phiêu bạt nổi trôi, hay thu hẹp những suy tư toan tính hằng ngày để về với mẹ, với cha. Dẫu rằng khi nhớ về hai đấng sanh thành có người còn có thể quỳ mọp xuống mà nói lời cảm ơn và xin lỗi, cũng có người âm thầm gạt giọt lệ nóng hổi mà tưởng niệm tri ân.
Và ngay trong thời đại này, có người đang nằm trong bệnh viện đớn đau khi không được gần cha mẹ, hoặc có cha mẹ đang phải nằm thở máy vì thiếu nguồn ô xy cung cấp cho buồng phổi yếu đuối dật dờ. Dẫu đang nhẫn chịu quả của nghiệp quá khứ thế nào thì là người con Phật hãy chấp nhận và vui chịu, vẫn hãy sống với tâm hiếu, hạnh hiếu của mình đối với hai đấng sanh thành thiêng liêng, cao cả. Nếu được gần cha mẹ thì hãy tiếp tục chăm nom, phụng dưỡng sớm chiều, còn lỡ phải sống xa cha mẹ thì hãy gắng công tạo công đức lành, hồi hướng phước báo ấy đến người để mong người được hạnh phúc an vui bất cứ cõi nào trong tam giới. Nước mắt thì muôn đời vẫn mặn, dù là giọt nước mắt hạnh phúc hay khổ đau thì cũng là những giọt lệ hồng xứng đáng trong ngày hôm nay, trong mùa Vu Lan báo hiếu, trong cuộc đời của con người biết tri ân báo ân. Nếu may mắn còn cha mẹ, hãy tự mình nhặt một đóa hồng tươi thắm trân trọng cài lên ngực áo, và hãy nhớ rằng bạn nên chăm sóc lo lắng và quan tâm đến bậc sanh thành nhiều hơn. Nếu không còn cha mẹ, bạn hãy chọn cho mình hoa trắng để tri ân công sanh thành dưỡng dục, thành tâm cầu nguyện cha mẹ vui yên nơi miền tịnh cảnh.
Mưa chiều tháng Bảy ngậm ngùi,
Nhớ Cha thương Mẹ một đời cần lao.
Thiên hà đếm mấy vì sao,
Trong con đếm được biết bao ơn Người.
Bao nhiêu đợt sóng trùng khơi,
Bấy nhiêu ơn đức một đời Mẹ Cha.
Chắp tay kỉnh nguyện Phật Đà,
Mẹ Cha muôn kiếp an hoà, vui yên.
Nắng vàng rớt giọt ngoài hiên,
Lắng nghe thọ cảm giữa miền Vu Lan.
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát Ma Ha Tát
Mùa thu 2021
Ni trưởng Xuân Liên
Trụ trì Tịnh xá Ngọc Tuệ - Đồng Nai
BÀI LIÊN QUAN
Hoài vọng Vu lan ( TKN. Tuyết Liên , 1492 xem)
Ý nghĩa Vu Lan ( Bảo Minh Trang , 4076 xem)
Cần tinh tế khi cúng dường y để trọn phần công đức ( Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ , 1332 xem)
Thông bạch: Đại lễ Vu lan Báo hiếu PL.2565 – DL.2021 ( HT. Thích Thiện Nhơn , 3052 xem)
Diễn văn Vu lan - ý nghĩa bông hồng cài áo ( Nghiêm Liên , 5648 xem)
Gương hiếu của Phật và các bậc xuất gia ( Như Liên , 2904 xem)
Hiếu tử ( Tuệ Liên , 4864 xem)
8 lời nói dối trong đời của mẹ ( Minh Chính (TH) , 2552 xem)
Nguyện sống Phạm hạnh ( Thiện Ngộ , 2544 xem)
Chùm thơ mùa Vu Lan ( Nhiều tác giả , 5432 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ
Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023
Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ