Trang chủ > Văn Hoá > Vu Lan

Gương hiếu của Phật và các bậc xuất gia

Tác giả: Như Liên.  
Xem: 2906 . Đăng: 01/09/2020In ấn

 

Gương hiếu của Phật và các bậc xuất gia

 

Như Liên

 

“Tâm hiếu là tâm Phật.

Hạnh hiếu là hạnh Phật”

Với những người con Phật, ơn cha mẹ là một trong tứ trọng ân. Do vậy, đạo Phật, không chỉ là đạo giải thoát, mà còn là đạo hiếu. Rất dễ nhận ra lời Phật dạy về đạo hiếu trong các bài kinh Ngài đã giảng:

"Có hai hạng người, này các Tỳ-kheo, Ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt 100 năm cho đến 100 tuổi. Như vậy, này các Tỳ-kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ cho mẹ và cha. Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện, dù như vậy, này các Tỳ-kheo cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha..." (Tăng chi I, 75).

Đức Phật luôn quan tâm nhắc nhở chúng đệ tử về lòng hiếu kính đối với cha mẹ. Ngài đã tán thán công đức của những gia đình hiếu thuận:
"Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, trong ấy, các con cái kính lễ cha mẹ ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỳ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường".

Kinh văn cũng đã ghi lại câu chuyện Đức Phật tán thán gương hiếu của một vị Tỳ-kheo, khi vị ấy đi khất thực để cúng dường cha mẹ già yếu, không người nuôi dưỡng.

 Đức Phật cũng đã giải thích, vì sao công ơn cha mẹ đối với con cái to lớn đến thế: "Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này" (Tăng chi I, 75).

Trong Kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân, Đức Phật kể mười công ơn của cha mẹ như sau:

Một là chín tháng cưu mang khó nhọc

Hai là sợ hãi, đau đớn khi sinh

Ba là nuôi con cam đành cực khổ

Bốn là nuốt cay mớm ngọt cho con

Năm là chịu ướt nhường ráo cho con

Sáu là sữa nước nhai cơm cho con

Bảy là vui giặt đồ dơ cho con

Tám là thường nhớ thương khi con xa nhà

Chín là có thể tạo tội vì con

Mười là nhịn đói cho con được no.

Theo lời dạy ấy, quả là, công ơn cha mẹ, to lớn biết dường bao !

Trong lịch sử, cuộc đời Đức Phật chính là hình mẫu của người con đại hiếu, là tấm gương tuyệt vời cho các thế hệ Tăng chúng và hàng cư sĩ noi theo.

Điểm đặc sắc trong cách báo hiếu của Đức Phật là ở chỗ: Ngài không trực tiếp chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ và thân quyến bằng vật chất. Ngài cũng không dành toàn bộ thời gian cho gia đình thế tục nhỏ nhoi của mình. Vượt lên trên những việc thường tình ấy, Đức Phật đã làm được điều rất kỳ diệu là trợ duyên cho thân tộc tu học giải thoát khỏi khổ đau sinh tử luân hồi. Đó mới chính là đỉnh cao của đạo hiếu. Và đó cũng là lời giải thích thuyết phục nhất về lý do của sự từ bỏ vĩ đại ở Thái tử Siddhartha khi ra đi tìm con đường giải thoát cho mình, cho hết thảy chúng sinh, trong đó có thân bằng quyến thuộc hiện tiền.  

Sau ngày thành đạo, Đức Phật đã nhiều lần cùng với Tăng đoàn về kinh thành Kapilavatthu. Nhưng đây không phải là những chuyến viếng thăm thuần túy. Mục đích chủ yếu của những lần trở về đó là để hoằng Pháp.

Trong lần đầu về lại hoàng cung, Đức Phật đã thuyết giảng cho vua cha Suddhodana, Di mẫu Mahā Pajāpati Gotami, công chúa Yasodhara cùng triều thần hiểu được những nội dung cơ bản trong giáo pháp Như Lai. Cũng trong lần này, các hoàng thân như Nanda, vương tử Rāhula đã phát tâm xuất gia theo Phật.

Khi nghe tin vua cha đã già yếu và bệnh nặng, Thế Tôn cùng với Tăng đoàn lại một lần nữa thân hành trở về hoàng cung. Trong giờ phút cuối, Đức Phật  đã giảng pháp thoại nhiệm mầu về vô thường, vô ngã, giúp Vua cha chứng đắc Thánh quả A-la-hán, giải thoát hoàn toàn sanh tử luân hồi.

Đây cũng là thời điểm Đức Phật chấp thuận cho Di mẫu Mahā Pajāpati Gotami, công chúa Yasodhara cùng 500 Thích nữ xuất gia. Và cũng từ đây, Ni đoàn hình thành, cùng với chư Tăng hoằng dương chánh pháp.

Trong mùa an cư thứ bảy tại làng Samkassa (vùng thượng lưu sông Ganga), Đức Phật đã lên cung trời Đao-lợi thuyết pháp cho thân mẫu là Hoàng hậu Māyā. Được nghe Vi Diệu pháp và kinh Địa Tạng từ Đức Thế Tôn, Thiên nữ Māyā cùng thiên chúng đã thành tựu đạo quả giải thoát.

Như vậy, hầu hết những người trong thân tộc của Đức Phật đều được Ngài hóa độ. Đó mới là đại hiếu, là việc báo đáp rốt ráo nhất ơn nghĩa sinh thành cũng như tình quyến thuộc hiện đời. Bên cạnh đó, con đường giải thoát mà Đức Phật đã chỉ ra cho tất cả chúng sinh, nhìn từ vòng luân hồi vô lượng kiếp, cũng là cách Ngài báo ơn cho cha mẹ nhiều đời, trong vô thỉ. Thật cao đẹp, và cũng thật ý nghĩa biết bao !

Từ đó, cũng dễ nhận ra rằng: Chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi già, chỉ mới là tiểu hiếu. Hướng cha mẹ đến việc quy y và có niềm tin sâu vào Tam bảo, làm các thiện nghiệp, bố thí, trì giới… là trung hiếu. Đại hiếu là xuất gia, thành tựu sự nghiệp giải thoát.

Trong hàng Thánh đệ tử của Phật, Ngài Mục-kiền-liên, Ngài Xá-lợi-phất đã trở thành biểu trưng cho tấm lòng hiếu đạo. Là người con Phật, ai cũng biết  chuyện Bồ-tát Mục-kiền-liên cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Câu chuyện đó đã trở thành nhân duyên cho ngày lễ Vu-lan hằng năm, là dịp để nhắc nhở những người con về công ơn  dưỡng  dục của cha mẹ. Tôn giả Xá-lợi-phất, với sự nỗ lực tu tập của mình, đã hóa độ cha mẹ trong hiện tiền cũng như cứu thoát các bậc cha mẹ trong quá khứ, vượt ra khỏi cảnh khổ.

Lịch sử Phật giáo các nước cũng đã ghi nhận rất nhiều gương hiếu của các bậc xuất gia, qua nhiều thời kỳ, nhiều phương xứ. Phật giáo Việt Nam còn lưu lại câu chuyện của Hòa thượng Cua (Tông Diễn) đời Lê với những chi tiết hết sức cảm động về tình mẫu tử, về cách mà Ngài đã làm để báo hiếu cho người mẹ già đau khổ sau 40 năm lưu lạc. Giây phút gặp lại, người mẹ già nua, cô độc ấy đã không nhận ra đứa con thơ dại ngày nào, nay đã là một nhà Sư uy nghi, giới hạnh tròn đầy.

Xin hãy đọc những dòng này để cảm nhận một cách sâu sắc những dằn xé trong tâm của bậc cao Tăng  ấy:

Nhìn mẹ say sưa nói mà nội tâm Sư đang bị đấu tranh bởi hai tư tưởng trái ngược. Bên này là tình cảm thông thường. Bên kia là trí tuệ và lòng từ của một bậc chân tu, muốn độ mẹ hiền qua biển khổ sinh tử. Nếu hôm nay Sư nhận mẹ, đưa mẹ về chùa phụng dưỡng, thì tình cảm mẹ con sẽ khiến bà sinh tâm chiếm hữu, ỷ lại và khinh mạn đối với chư Tăng. Mẹ vẫn còn tâm chúng sinh với đủ tật tham, sân, si sao khỏi tổn phước; như thế thương mẹ mà vô tình làm hại mẹ. Còn nếu không nhận mẹ con, để mẹ cứ mãi cô đơn nơi quán nước hiu quạnh, thì chẳng hóa ra bạc bẽo, tàn nhẫn lắm sao? Làm thế nào trọn vẹn cả đôi đường, Sư có thể gần gũi chăm sóc mẹ, hướng dẫn mẹ tu hành theo chánh pháp, mà mẹ không tổn phước khi sử dụng của tín thí đàn na”.

Vậy rồi, từ đó, bà mẹ ấy đã nương nhờ cửa Phật, đã sống trong sự chăm sóc và trợ duyên của Hòa thượng trụ trì. Bà đã ngày đêm niệm Phật, siêng năng nhặt hoa sứ trước am tranh (như là một cách công quả vừa sức với bà). Bà cụ và Tăng chúng không hề biết rằng, vị Hòa thượng đã rất trí tuệ và hiếu hạnh khi không hề hé lộ tung tích mẫu thân !

Đó là câu chuyện về chữ hiếu của Thiền sư Tông Diễn. Đây là hình ảnh của một bậc chân tu tốt đời sáng đạo, vừa tu hành có kết quả, vừa tròn hiếu đạo với mẹ già. Ngài đã lo cho mẹ những ngày cuối đời hạnh phúc, lại độ mẹ được vãng sanh về cõi lành !

Còn có một tấm gương hiếu, gắn liền với một ngôi chùa huyền thoại ở xứ Huế. Đó là chùa Từ Hiếu, ngôi chùa nổi tiếng với câu chuyện về tấm lòng hiếu đạo của Tổ sư Nhất Định, vị Tổ khai sơn ngôi cổ tự này.

Sau khi từ chức "Tăng cang Giác Hoàng Quốc Tự", Hoà thượng Nhất Ðịnh đã dựng thảo am An Dưỡng để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già. Tương truyền, có lần mẹ Ngài bị bệnh rất nặng. Hàng ngày, Hòa thượng lo thuốc thang nhưng bà vẫn không khỏi. Có người khuyên Ngài nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ cho mẹ. Mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, thiền sư vẫn chống gậy băng rừng lội bộ xuống chợ cách đó hơn 5 km để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ ăn. Người đời thấy vậy nên chê bai, đàm tiếu. Ngài vẫn bỏ ngoài tai để tận tâm chăm sóc cho mẹ.

Chuyện đồn đến tận tai vua Tự Đức. Nhà vua cho người tìm hiểu mới hay thiền sư nấu cháo cho mẹ ốm đau, còn mình ngày ngày vẫn chay tịnh, một tâm tu hành. Vua cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của vị thiền sư ở chốn thâm sơn cùng cốc. Một năm sau ngày thiền sư Nhất Định viên tịch, thảo am được xây dựng và mở rộng. Khi chùa được hoàn thành, vua Tự Đức nhớ đến chuyện xưa, đặt cho chùa tên là “Từ Hiếu tự”.

Chùa Từ Hiếu sau này là nơi trực tiếp hoặc gián tiếp tác thành danh Tăng và thiền sư nhiều thế hệ, trong đó nổi bật là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người được xem là bậc danh Tăng có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo đương đại. Thiền sư cũng chính là tác giả đoản văn “Bông hồng cài áo” với những cung bậc cảm xúc lay động hàng triệu trái tim người đọc. Đoản văn ấy là nguồn cảm hứng cho bài hát cùng tên, bài hát được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ sáng tác, và được biết bao người con cùng hát qua mỗi mùa Vu lan !

Mùa Vu lan lại về. Gương hiếu của Phật, tâm hiếu hạnh của các bậc xuất gia mãi mãi như vầng nhật nguyệt, thấm đẫm tính nhân văn trong giáo lý nhà Phật, phù hợp với đạo lý dân gian, giúp người đời an trú trong chánh pháp, trong cuộc sống thiện lành !

Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.

-----ooOoo-----

Nguồn: daophatkhatsi.vn 

BÀI LIÊN QUAN

Hiếu tử  ( Tuệ Liên , 4868 xem)

8 lời nói dối trong đời của mẹ  ( Minh Chính (TH) , 2556 xem)

Nguyện sống Phạm hạnh  ( Thiện Ngộ , 2544 xem)

Chùm thơ mùa Vu Lan  ( Nhiều tác giả , 5432 xem)

Bông hồng cài áo  ( Thiền sư Nhất Hạnh , 4340 xem)

Vu Lan nào cho Thầy  ( Ngọc Hà , 7276 xem)

Lời Mẹ Khuyên  ( Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch , 4188 xem)

Những đặc trưng của hiếu đạo qua kinh tạng chữ Hán và Kinh tạng Pàli  ( Quảng Tánh , 4248 xem)

Vài dòng giới thiệu về mùa báo hiếu  ( Tiến sĩ Huệ Dân , 3916 xem)

Vết Sẹo  ( Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch , 4232 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ

Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.

Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023

Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ