Trang chủ > Văn Hoá > Vu Lan

Hiếu tử

Tác giả: Tuệ Liên.  
Xem: 4866 . Đăng: 01/09/2020In ấn

 

Hiếu tử

Tuệ Liên biên dịch

 

Ngày xưa tại nước Ba La Nại có một người nghèo khổ. Trên còn phụng dưỡng cha mẹ già, dưới là một đàn con thơ. Gặp năm mất mùa đói khát, cuộc sống gia đình càng ngày càng đói khổ, không cơm ăn áo mặc.
Vì để cho con mình được ăn no một chút, sống qua cơn đói, người con trai nhẫn tâm đem cha mẹ tuổi già sức yếu không làm được việc gì đi chôn sống. Hàng xóm thấy vậy giật mình hỏi:
- Tại sao anh lại chôn sống cha mẹ như vậy?
Người con trả lời:
- Cha mẹ tôi già rồi, sớm muộn gì cũng chết. Tôi đem họ chôn, dùng phần lương thực ít ỏi nuôi mấy đứa con, để cho nó được lớn lên thành người.
Cuộc sống lúc đó rất khổ cực, đói khát triền miên, nghe anh ta nói thế, bà con hàng xóm đều cho là có lý. Nếu lấy phần lương thực nuôi người già đem nuôi trẻ con, không phải là hay hơn sao? Vì thế học theo cách của anh ta, chôn sống cha mẹ già. Một truyền mười, mười truyền trăm, cùng nhau bắt chước, cách làm này rất nhanh đã trở thành một phong tục của nước Ba La Nại, và trở thành một điều luật chính thức: “Không ai được nuôi dưỡng người già trong nhà, nếu trái cả nhà sẽ bị xử tử”.
Trong nước, có con của một vị trưởng giả, đối với cha mẹ rất hiếu thuận, anh nhận ra tập quán chôn sống cha mẹ thực là không đạo lý, đại nghịch bất hiếu. Nhưng chỉ một mình không đủ sức chống lại hủ tục này. Khi cha mẹ già, anh đào một cái hầm lớn, làm một căn phòng nuôi cha mẹ dưới đó, hàng ngày lén đem thức ăn vật uống đến cho cha mẹ dùng.
Anh nghĩ rằng: “Ta phải nghĩ ra một cách nào đó để xoá bỏ cái phong tục không hợp tình hợp lý này”.
Vì mong muốn phế trừ điều luật vô lương tâm kia, người con nặn đầu, vắt óc, suy tìm phương kế, nhưng nghĩ không ra cách nào. Lòng hiếu thảo của anh cảm động đến các vị thiên thần, nên Ngài xuống trần giúp đỡ anh ta.
Thiên thần đến trước mặt quốc vương đưa ra hai con rắn nói:
- Ngươi phân biệt hai con rắn này, con nào là đực, con nào là cái. Trong 10 ngày phân biệt không ra ta sẽ tiêu diệt đất nước nhà ngươi.
Nhà vua không sao phân biệt ra đâu là đực, đâu là cái, trong lòng hoảng hốt, triệu tập vương công đại thần, nhưng ai nấy đều không trả lời được. Một vị đại thần đưa ra ý kiến:
- Muôn tâu đại vương, chi bằng dán bảng chiêu hiền, trong nước sẽ có người có thể giải đáp vấn đề này.
Quốc vương không còn cách nào khác phải dán bảng cầu hiền. Tin tức truyền ra, nhân dân toàn nước bàn luận xôn xao. Người con đem việc này thưa với cha, ông suy nghĩ hồi lâu thì tìm ra phương cách. Hôm sau người con đi gỡ bảng cầu hiền, trước mặt thiên thần và quốc vương trả lời:
- Việc này thật đơn giản, chỉ cần để hai con rắn lên một miếng vải mềm. Con đực hoạt bát hiếu động, sẽ lăn lộn trên miếng vải. Con cái có tính cách an tịnh, sẽ nằm yên trên miếng vải.
Thiên thần cười nói:
- Ngươi đáp đúng.
Bèn đưa ra câu hỏi thứ hai. Thiên thần dắt lại một con voi, bảo rằng:
- Nhà vua hãy cho ta biết con voi nặng bao nhiêu ký. Nếu không làm được ta sẽ tiêu diệt đất nước của ngươi.
Quốc vương và các quan làm mọi cách cũng không sao cân được con voi. Người con trở về nhà thỉnh ý cha, hôm sau quay lại hoàng cung trả lời:
- Dắt con voi lên thuyền, làm dấu mực nước. Sau đó đưa voi xuống và chất đá cục lên, thuyền ngậm đến phần đánh dấu thì đem đá lên cân, trọng lượng của đá tức là trọng lượng của voi.
Thiên thần khen đúng và lấy ra một cây gậy bằng chiên đàn, hai đầu giống nhau, hỏi:
- Đầu nào là gốc, đầu nào là ngọn?
Quốc vương và các quan đại thần im lặng không lời giải đáp. Chàng một lần nữa thỉnh giáo cha mình:
- Đem cây gậy bỏ vào trong nước, đầu chìm là gốc, đầu nổi là ngọn.
Thiên thần lại dắt đến hai con ngựa trắng, từ màu lông cho tới hình dáng, hoàn toàn giống hệt như nhau, hỏi:
- Hai con ngựa này con nào là mẹ, con nào là con? Xin hãy phân biệt cho ra.
Vua quan đi quanh hai con ngựa cả buổi, vua nhìn thần, thần nhìn vua không ai có cách, phải hỏi người con. Anh lại về nhà, hỏi ý của cha rồi quay lại:
- Xin đem một bó cỏ non tươi lại đây.
Chàng đem bó cỏ đến trước hai con ngựa, một con dùng miệng đẩy cỏ cho con kia, rồi sau mới ăn.
Anh chỉ:
- Con này là mẹ, con kia là con. Vì ngựa mẹ rất thương con, cho nên nhường con ăn trước, rồi mới ăn sau.
Thiên thần cười lớn nói:
- Trong đất nước này vẫn còn có người thông minh như vậy, rất tốt. Từ đây về sau ta sẽ bảo hộ quốc gia này, không để cho kẻ địch xâm phạm.
Nói xong biến mất.
Nhà vua vui mừng vô hạn, nói với chàng trai:
- Vì ngươi mà đất nước tránh khỏi đại hoạ, ta sẽ trọng thưởng cho ngươi.
Lại hỏi:
- Thiên thần mỗi lần đưa ra câu hỏi, ngươi đều phải về nhà, đáp án là tự ngươi nghĩ ra, hay là có người chỉ dạy?
Hiếu tử quỳ xuống nói:
- Tôi đã phạm pháp, xin đại vương tha tội chết. Tôi không theo quy luật chôn sống cha mẹ mà giấu trong nhà. Các câu hỏi vừa rồi đều do cha tôi dạy cho. Muôn tâu bệ hạ: Ân đức của cha mẹ nặng hơn núi Thái. Mẹ mười tháng hoài thai, đau khổ sinh con, sinh con ra rồi lại mớm cơm mớm sữa, dạy dỗ, trải qua trăm ngàn cay đắng mới nuôi dưỡng con cái nên người, thành gia lập nghiệp. Cha mẹ phải chịu biết bao nhiêu gian khổ, nhọc mệt. Cho nên có thể nói: Chúng ta sở dĩ có thể nhìn trời thấy đất, sống trên cõi đời này, đều do mẹ cha ban cho, đều là ân đức của cha mẹ. Dù chúng ta vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, trải trăm nghìn kiếp, cung phụng cha mẹ suốt đời cũng không báo đáp được ân tình của cha mẹ. Đại vương nói trọng thưởng, tôi không mong cầu gì cả, chỉ mong báo đáp ân sâu dưỡng dục, kính xin đại vương phế trừ điều luật chôn sống cha mẹ ác nhân bất hiếu này.
Nhà vua nghe rồi, vừa cảm động bởi lời nói của người con, lại càng cảm động hơn bởi tấm lòng hiếu kính, cùng với tâm niệm cứu giúp người già, bèn tuyên bố khắp nước:
- Từ đây về sau, nếu phát hiện ai chôn sống cha mẹ già và bất hiếu với cha mẹ thì sẽ xử tội thật nặng.
Từ đó trở về sau, điều luật không hợp lý này đã bị phế trừ. Người dân nước Ba La Nại trở thành những người hiếu thảo bậc nhất, biết tôn kính người lớn tuổi già nua.
                                                                                                                   

 (Tạp Bảo tạng kinh)
 

Lời bình:

Đem cha mẹ đi chôn sống cũng giống như câu chuyện người con trai đem cha bỏ vào rừng: Hai vợ chồng sống với người cha già và đứa con trai nhỏ. Vì cuộc sống nghèo khó, và người cha càng ngày càng già không làm được công việc gì cả, trở thành gánh nặng cho gia đình, hai vợ chồng mới bàn tính đóng một chiếc xe chở cha bỏ vào rừng. Thấy cha đóng chiếc xe, đứa con nhỏ hỏi: “Cha đóng xe để làm gì vậy?”. Người cha trả lời: “Cha đóng xe để chở ông nội con bỏ trong rừng”. “Sao lại chở ông nội bỏ trong rừng?”. “Vì ông nội con già rồi không làm được việc gì cả”. Đứa con ngây thơ nói: “Ông nội già nên cha đem ông nội bỏ vào trong rừng. Vậy sau khi chở ông nội vào rừng rồi, cha nhớ mang xe về cho con, để dành đến lúc cha già, con dùng chiếc xe đó chở cha vào rừng”. Nghe đứa con nói, người cha giật mình, vội vàng phá chiếc xe đi và không còn dám có ý định đem cha bỏ vào rừng nữa. Từ đó về sau hai vợ chồng hết lòng hiếu thảo phụng dưỡng thờ kính cha mình.

Thật vậy, mẹ sanh ta, cha nuôi dưỡng ta, công ơn sanh dưỡng của cha mẹ như trời cao bể rộng, “Ơn cha lành cao hơn núi Thái, nghĩa mẹ hiền sâu tựa biển khơi”. Viết về công ơn của cha mẹ, biết bao nhiêu câu thơ, lời ca, ca dao, tục ngữ như suối nguồn tuôn chảy không bao giờ hết:

- Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.

- Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.

- Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu, mới là đạo con.

Công ơn cha mẹ, “Dù chúng ta vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, trải trăm nghìn kiếp, cung phụng cha mẹ suốt đời cũng không báo đáp được ân tình của cha mẹ”. Vậy mà những người cha, những người mẹ trong câu chuyện, hy sinh cả cuộc đời, ăn cay nuốt đắng nuôi dưỡng con cái trưởng thành, “Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn, đưa tấm lưng gầy cha che chở đời con”, cuối cùng lại bị con của mình chôn sống dưới đất, hoặc đem bỏ vào rừng, bỏ đi sinh mạng một cách oan uổng. Những người con đã đem cha mẹ đi chôn sống, hoặc khi cha mẹ còn sống, không lo phụng dưỡng, lại còn ngỗ nghịch, bất hiếu, sau khi chết chắc chắn sẽ bị đoạ vào địa ngục vô gián, chịu đủ mọi sự khổ đau. Mình bất hiếu với cha mẹ, con cái cũng sẽ bất hiếu với mình theo định luật nhân quả:

Nếu mình hiếu với mẹ cha

Thì con cũng hiếu với ta khác gì

Nếu mình ăn ở vô nghì

Đừng mong con hiếu làm gì hoài công.

Mong sao các bậc cha mẹ trong cõi đời này từ đây có thể hạnh phúc, an vui, được con cháu thương yêu, hết lòng cung kính phụng dưỡng:

Đây bát cơm đầy nặng ước mong,

Mẹ ôi, đây ngọc với đây lòng.

Đây tình con nặng trong tha thiết,

Ơn nghĩa sanh thành, chưa trả xong.

Đức Phật dạy: “Hiếu dưỡng, cung kính cha mẹ, tức là hiếu dưỡng cung kính chư Phật mười phương ba đời cùng các bậc Thánh hiền, đây là điều rất đáng quý”.
Tinh thần hiếu đạo của Phật giáo: "Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật", đã thấm sâu vào con tim khối óc của người Phật tử Việt Nam, nên mùa Vu Lan là mùa báo hiếu của những người con Phật, mong báo đền công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.

Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ cha, ơn dưỡng dục.

Mùa Báo Hiếu bùi ngùi thương mẹ, đức cù lao.

Trong vòng luân hồi sinh tử, vô lượng chúng sinh từng làm cha mẹ của chúng ta, cho nên chúng ta cần phải mở rộng tấm lòng tri ân, báo ân cho tất cả chúng sinh. Mọi người đều làm được như vậy, thế giới này nhất định sẽ an lạc, hạnh phúc.

---oOo---

BÀI LIÊN QUAN

8 lời nói dối trong đời của mẹ  ( Minh Chính (TH) , 2552 xem)

Nguyện sống Phạm hạnh  ( Thiện Ngộ , 2544 xem)

Chùm thơ mùa Vu Lan  ( Nhiều tác giả , 5432 xem)

Bông hồng cài áo  ( Thiền sư Nhất Hạnh , 4340 xem)

Vu Lan nào cho Thầy  ( Ngọc Hà , 7276 xem)

Lời Mẹ Khuyên  ( Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch , 4188 xem)

Những đặc trưng của hiếu đạo qua kinh tạng chữ Hán và Kinh tạng Pàli  ( Quảng Tánh , 4248 xem)

Vài dòng giới thiệu về mùa báo hiếu  ( Tiến sĩ Huệ Dân , 3916 xem)

Vết Sẹo  ( Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch , 4232 xem)

Vu lan và tuổi trẻ  ( Thích Thông Huệ , 5252 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ

Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.

Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023

Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ