Trang chủ > Quý Ni Trưởng > Các Bài Viết
Môt tấm gương phụng sự đạo pháp và dân tộc
Xem: 12026 . Đăng: 19/03/2022In ấn
Một tấm gương phụng sự đạo pháp và dân tộc
Trải qua hơn 2.000 năm, Phật giáo bén rễ sâu và có sức lan tỏa, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều phương diện tư tưởng, văn hóa, xã hội của dân tộc Việt Nam. Đã có nhiều tấm gương Tăng Ni hết lòng phụng sự cho sự trường tồn của Phật pháp, góp công sức cho dân tộc khi vận mệnh lịch sử nước nhà ở những thời điểm thăng trầm, phức tạp. Điều này làm cho mối duyên bền chặt, đan quyện vào nhau giữa Phật giáo với dân tộc Việt Nam. Nhờ đó, tính minh triết, lòng từ bi của Phật giáo trở thành ngọn đèn soi sáng nhiều thế hệ con người Việt Nam thực hành lối sống dựa trên nền tảng đạo đức, vững tin vượt qua bao khó khăn do thiên tai, chiến tranh, bệnh tật gây ra. Trong lịch sử nước nhà đã xuất hiện nhiều tấm gương của tu sĩ, cư sĩ Phật giáo tận hiến, hi sinh cho tinh thần đạo pháp và dân tộc, nhờ đó tô đậm những nét son cho trang sử Phật giáo nước nhà. Vào thế kỷ XX, trong hoàn cảnh lịch sử dân tộc với nhiều biến động dồn dập, cũng như quá trình thay đổi đưa đến sự phát triển Phật giáo nước ta, không thể không nhắc đến Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên – một tấm gương tiêu biểu hi sinh cho đạo pháp và dân tộc ngời sáng như viên ngọc pha lê, một biểu tượng kết tinh từ nền tảng Bi – Trí – Dũng của minh triết Phật giáo đã làm nhiều tầng lớp trong xã hội kính ngưỡng, xứng đáng được tôn vinh và ca ngợi.
Viên ngọc pha lê ngời sáng
Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên (1923 – 1987), tên thật là Nguyễn Thị Trừ, vốn xuất thân từ một gia đình nề nếp đạo đức và tín tâm với Tam bảo.
Sau khi đất nước thống nhất, Ni trưởng Huỳnh Liên là đại biểu Phật giáo duy nhất cùng với bà luật sư Ngô Bá Thành đại diện nữ trí thức, trong số 25 đại biểu tiêu biểu của miền Nam tham gia Hội nghị Hiệp thương Thống nhất Đất nước vào đầu năm 1976.
Từ nhỏ, Ni trưởng có khuôn mặt phúc hậu, đôi mắt sáng rực biểu thị sự thông tuệ, tầm nhìn xa trông rộng lẫn một tính cách mạnh mẽ và thanh cao. Quê quán của Ni trưởng là làng Phú Mỹ, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) – chốn văn minh, thanh lịch và đô hội của Tây Nam Bộ thời bấy giờ. Ngoài ra, con sông Tiền hiền hòa và cảnh trí sông nước hữu tình ở quê nhà phải chăng đã hun đúc nơi Ni trưởng tâm hồn thơ ca, một tấm lòng yêu thương con người cùng chí hướng xuất trần ngay từ lúc thuở hoa niên?
Ni trưởng Huỳnh Liên được gia đình tạo điều kiện theo con đường học vấn, nên Ni trưởng đã học đến hết chương trình trung học tại Mỹ Tho. Điều này tạo ra một nền tảng vững chắc để sau này Ni trưởng am tường giáo lý nhà Phật, nhận thức rõ mối tương quan giữa đạo với đời nên tích cực dấn thân hành đạo, phụng sự lý tưởng đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngay từ nhỏ, Ni trưởng cảm thông với hoàn cảnh của nhiều người dân nghèo lầm than và cơ cực dưới cảnh đô hộ của người Pháp. Đặc biệt, nhờ người cậu ruột tên Lê Quí Đàm – một người giác ngộ lý tưởng cách mạng, Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ dẫn, nên Ni trưởng thấu rõ tình trạng nô lệ bị áp bức, bóc lột, đồng thời nhận thức rõ chỉ có con đường duy nhất là giải phóng dân tộc, đem lại độc lập, hạnh phúc, ấm no cho đồng bào. Vì vậy, năm 1945, Ni trưởng tích cực tham gia giành chính quyền tại địa phương, ủng hộ cách mạng.
Chiến tranh lan rộng và ngày càng ác liệt, Ni trưởng với tấm lòng hướng Phật, lấy mục tiêu giải thoát làm hệ trọng của cuộc đời, không quên hành trì tu tập tại gia mỗi ngày. Khi Tổ sư Minh Đăng Quang về Mỹ Tho hành đạo, nhận thấy nhân duyên đã đến, Ni trưởng xin Tổ sư làm lễ xuất gia vào ngày 01/4/1947 tại Linh Bửu Tự (làng Phú Mỹ, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) với pháp danh Huỳnh Liên. Từ đây, Ni trưởng Tổ sư được truyền thọ y bát, chính thức trở thành vị Trưởng tử Ni của Tổ. Xuất gia cùng với Ni trưởng còn có Ni trưởng Bạch Liên, Ni trưởng Thanh Liên. Lúc này, Ni trưởng vừa tròn 24 tuổi, bắt đầu tận hiến cuộc đời cho sự nghiệp hoằng hóa Phật pháp với chí nguyện nối truyền Thích Ca Chánh pháp của Tổ sư.
Sau đó, Ni trưởng Huỳnh Liên được Tổ trực tiếp chỉ dẫn việc tu tập, hành trì để vun bồi tư lương, khơi nguồn suối pháp vi diệu để không ngừng trưởng dưỡng đạo tâm. Nhờ vậy, trên bước nối gót theo chân Tổ sư hành đạo nhiều tỉnh, thành với bao khó khăn, cực nhọc cùng thử thách gay go, Ni trưởng không hề sờn chí mà luôn dõng mãnh để rèn luyện ý chí, vững vàng lý tưởng, huân tập phẩm hạnh, trau dồi nội điển cũng như thấu tỏ qui luật sinh diệt, vô thường. Lúc này, Ni trưởng quan tâm việc tiếp độ Ni lưu, nhằm phát triển Ni đoàn Khất sĩ. Dưới sự lãnh đạo và dìu dắt của Ni trưởng, Ni giới Khất sĩ không ngừng lớn mạnh. Đến năm 1987 đã hơn 1.000 vị, từ Quảng Trị đến Cà Mau thành lập 72 ngôi Tịnh xá Ni.
Sau khi Tổ sư vắng bóng (1954), trên cương vị là Trưởng tử Ni, Ni trưởng trở thành người đứng đầu và ra sức lèo lái Ni giới Khất sĩ dần ổn định, đoàn kết, góp phần giữ vững đường lối tu tập mà Tổ đã xây dựng. Năm 1958, Ni trưởng xây dựng Tịnh xá Ngọc Phương làm trung tâm hoạt động của Ni giới Khất sĩ. Sau này, Tịnh xá trở thành địa chỉ nổi tiếng, một trong những ngọn cờ đầu của phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn trước năm 1975 dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên.
Sau năm 1975, với uy tín và năng lực cống hiến, Ni trưởng được bầu giữ cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP. Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội khóa VI, Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ TW. Ngoài ra, Ni trưởng Huỳnh Liên là ủy viên Ban Liên lạc Yêu nước TP. Hồ Chí Minh, thành viên Ban Vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam, Ủy viên Kiểm soát TW GHPGVN. Ghi nhận những đóng góp của Ni trưởng cho đạo pháp và dân tộc, Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, huy hiệu, bằng khen cao quí: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng nhì,…
Với tâm hồn dạt dào thi ca, Ni trưởng Huỳnh Liên sáng tác khoảng 2.000 bài thơ, bài kệ thấm nhuần triết lý nhiệm mầu của Phật pháp, gióng lên nỗi lòng yêu nước, yêu quê hương và con người để khích lệ, giáo dục hàng đệ tử cũng như lan tỏa đến nhiều người mến mộ. Ngoài ra, Ni trưởng còn dịch kinh Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Tứ Thập Nhị Chương, kinh Vô Ngã Tướng,… thành văn vần cho dễ đọc, dễ thuộc.
Vào ngày 16/4/1987, Ni trưởng xả báo an tường tại Tịnh xá Ngọc Phương hưởng thọ 65 tuổi, tròn 41 mùa an cư trong niềm tiếc thương của toàn thể Hệ phái Khất sĩ, sự kính tiếc của GHPGVN cũng như chính quyền và nhiều tầng lớp nhân dân. Những ngày cuối đời, tuy thân mang trọng bệnh, bằng định lực tu hành, Ni trưởng vẫn minh mẫn, phó chúc công việc cho Ni chúng, đặc biệt khuyến tấn chư Ni nỗ lực vừa tu hành trên nền tảng Tam vô lậu học làm tư lương trên lộ trình tiến tu giải thoát vừa không ngừng trau dồi tri thức, nỗ lực làm lợi ích cho chúng sanh. Đến tham dự đám tang của Ni trưởng Huỳnh Liên có lãnh đạo chính quyền các cấp, các ban ngành của TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Trung ương GHPGVN và đại diện các tôn giáo bạn, đông đảo các tầng lớp nhân sĩ, trí thức, đồng bào các giới ở thành phố và nhiều địa phương trong cả nước. Ngôi bảo tháp của Ni trưởng Huỳnh Liên đặt trong khuôn viên Tịnh xá Ngọc Phương nhằm tri ân, báo ân lẫn tôn vinh, lưu dấu ấn những đóng góp của Ni trưởng đối với Tịnh xá nói riêng cũng như Ni giới Khất sĩ và Hệ pháp Khất sĩ nói chung. Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đệ nhất Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN từng tán thán công hạnh, đạo nghiệp Ni trưởng Huỳnh Liên như sau:
“Tóm lại, quan sát cuộc sống tu hành của Ni sư, chúng ta rút ra bài học làm thế nào để hành đạo lợi ích cuộc đời mà không câu nệ giáo pháp… Qua một số việc làm của Ni sư, tôi thiết nghĩ đó là tấm gương sáng cho Ni giới Khất sĩ nói riêng và những người tu hành nói chung.”
Tóm lại, Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên là người nữ tu sĩ tỏa sáng đạo đức và đạo hạnh của người con Phật, vị đệ tử Ni đầu tiên của Tổ sư Minh Đăng Quang, ngọn hải đăng dẫn đường cho con thuyền chư Ni Hệ phái Khất sĩ tự lực vượt bao phong ba bão táp tiến lên phía trước. Ni trưởng là đóa sen vàng vô nhiễm tỏa hương thanh khiết, là viên ngọc pha lê ngời sáng mà qua thời gian càng nhìn càng lấp lánh. Ni trưởng Huỳnh Liên xứng đáng là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam, của Hệ phái Khất sĩ cũng như đồng bào yêu nước TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, tại phường 10, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh đặt tên đường Ni sư Huỳnh Liên, nhằm tri ân và giáo dục tinh thần yêu nước thương nòi của Ni trưởng cho thế hệ sau.
“Nguyện xin hiến trọn đời mình, cho nguồn Đạo pháp, cho tình quê hương”
Sinh thời, Ni trưởng Huỳnh Liên bày tỏ tâm nguyện, chí hướng của bản thân qua hai câu thơ nổi tiếng:
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp, cho tình quê hương.
Thật vậy, cả cuộc đời tu tập, hành đạo của mình, Ni trưởng luôn hiến trọn tình cảm lẫn sức lực bản thân cho sự phát triển không ngừng của Hệ phái Khất sĩ cũng như GHPGVN. Ngoài ra, tinh thần yêu nước, dám dấn thân hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc, không ngại trực tiếp đối đầu với thế lực chính quyền Sài Gòn cho thấy Ni trưởng Huỳnh Liên trên cương vị một người công dân đã thấm nhuần giá trị tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, một sức mạnh phi thường toát ra từ người phụ nữ Việt Nam trong hoàn cảnh dân tộc ta bị nô lệ và chia cách Bắc Nam. Ở đó, tinh thần vô úy, dũng mãnh của người con Phật và trách nhiệm công dân hòa quyện, thấm sâu vào tính cách lẫn hành động của Ni trưởng để đóng góp công sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Điều này cho thấy, nơi Ni trưởng, đạo và đời không hề tách rời mà lại hòa quyện như nước với sữa, nhằm hướng về mục tiêu hòa bình, xây dựng đất nước giàu mạnh, nhân dân an lạc, giúp khẳng định truyền thống gắn kết chặt chẽ Đạo pháp với Dân tộc xuyên suốt lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ni trưởng là một minh chứng cho đường hướng Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, nhất là ở các thời điểm lịch sử thăng trầm, gắn kết cùng ước vọng, hoài bão của người dân Việt Nam. Hay nói cách khác, nhờ đó Phật giáo nở hoa trong lòng dân tộc Việt Nam không chỉ trên phương diện triết lý, định hướng hoạt động mà còn qua những hành động thực tế, mang ý nghĩa to lớn cho dân tộc, cho đất nước Việt Nam. Có thể nói, Ni trưởng Huỳnh Liên là người góp sức điểm tô đậm truyền thống này cho Phật giáo Việt Nam thời hiện đại. Bà Trần Thị Lan – Nguyên Tổng thư ký Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống nhắc lại công hạnh lẫn ý nghĩa của Ni trưởng Huỳnh Liên như sau:
“Những lần Ni trưởng thuyết pháp với Ni chúng, với Phật tử, người thường nhắc đến hạnh từ bi, hạnh Bồ-tát của tu sĩ và kêu gọi tu sĩ, Phật tử học theo tấm gương Đức Phật xả thân cho đại nghĩa cho hòa bình đất nước, vì đất nước có hòa bình thì Đạo pháp mới tồn tại và phát triển được.”
Cả cuộc đời mình, Ni trưởng Huỳnh Liên không ngừng nỗ lực cống hiến cho Đạo pháp và dân tộc, ở trong giai đoạn chiến tranh và thời điểm thống nhất, hòa bình. Cụ thể, tinh thần đạo pháp và dân tộc của Ni trưởng Huỳnh Liên được biểu hiện rõ qua các hành động tiêu biểu sau đây:
– Thứ nhất, Ni trưởng Huỳnh Liên là người nữ tu sĩ Phật giáo có tấm lòng yêu nước chảy trong huyết quản cùng với sự kiên cường, mạnh mẽ, quyết liệt nên dám trực tiếp đối đầu với chính quyền Sài Gòn thông qua nhiều lần tổ chức biểu tình, tuyệt thực, tham gia các phong trào đấu tranh của nhiều tầng lớp nhân dân mà không hề nao núng, sợ hãi cường quyền, bạo lực. Ni trưởng là linh hồn, là người lãnh đạo luôn nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ hết mình của chư Ni Khất sĩ cùng tín đồ Phật tử. Đầu tiên, trong phong trào 1963, để chống lại sự kỳ thị và đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, Ni trưởng cùng với Ni bộ Nam Việt trực tiếp vận động Ni chúng, Phật tử xuống đường biểu tình đòi bình đẳng cho Phật giáo, sau đó là các hoạt động ủng hộ phong trào đấu tranh của học sinh – sinh viên Sài Gòn – Gia Định cũng như các tầng lớp yêu nước ở thành phố. Song, mốc thời gian đánh dấu cho bước phát triển toàn diện các hoạt động yêu nước của mình, đó là việc Ni trưởng tham gia thành lập và giữ vai trò cố vấn cho phong trào phụ nữ đòi quyền sống ra mắt tại Chùa Ấn Quang vào ngày 02/8/1970, trụ sở phong trào đặt tại Tịnh xá Ngọc Phương. Những năm tiếp theo, Ni trưởng tiếp tục tham gia Mặt trận Nhân dân tranh thủ dân chủ hòa bình. Từ đó về sau, Ni trưởng liên tục tổ chức thành công “Xuống tóc vì hòa bình” (18/10/1970), mít-tinh chống Mỹ và ngụy quyền (25/10/1970), mít-tinh ra tuyên ngôn mười điểm về Hòa bình của Mặt trận Nhân dân tranh thủ dân chủ hòa bình
(7/11/1970), triển khai thành lập chi nhánh phong trào Phụ nữ đòi quyền sống tại Cần Thơ, Trà Vinh (22/11/1970), tổ chức biểu tình đòi thả tù nhân chính trị (01/01/1971), đấu tranh buộc ngụy quyền trả Luật sư Ngô Bá Thành (06/9/1971), phối hợp với sinh viên, học sinh Sài Gòn, Gia Định chống “Quân sự hóa học đường” (18/9/1971),… và nhiều hoạt động sôi nổi, mang ý nghĩa khác như đòi thả tù nhân chính trị, tự do báo chí, tự do ngôn luận, quyền dân sinh dân chủ,… Tinh thần dũng cảm cùng sự linh hoạt và nhạy bén của Ni trưởng đã làm cho chính quyền lúng túng, đáp ứng thực hiện một số yêu sách chính đáng của Phật giáo và nhân dân. Ngoài ra, Ni trưởng còn nuôi giấu chiến sĩ, ủng hộ vật chất cho cơ sở bí mật của cách mạng trong nội thành. Trước tình hình đó, giai đoạn những năm 1973 – 1975, Ni trưởng Huỳnh Liên bị bao vây, cô lập, hăm dọa, một số Ni chúng lung lạc do tuyên truyền, riêng Tịnh xá Ngọc Phương liên tục giám sát bởi cảnh sát và bị kẽm gai phong tỏa 1từ tháng 8/1970 đến trưa ngày 29/4/1975. Tinh thần hiên ngang, không ngại hy sinh của chư Ni Tịnh xá thể hiện qua “Một lò thiêu dã chiến” được Ni trưởng dựng trước Tịnh xá để nếu có bị tấn công, đàn áp thì chư Ni sẽ tự thiêu tập thể, chống đối. Hình ảnh của Ni trưởng Huỳnh Liên được bà Nguyễn Thị Thanh – nguyên Phó Chủ tịch Ban Chấp hành TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kể lại trong niềm ngưỡng mộ: “Hình ảnh các Ni cô, tín đồ giới Khất sĩ dẫn đầu là Ni sư Huỳnh Liên đang ngồi tuyệt thực phản đối chế độ độc tài phát xít của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai làm tôi rất mến phục Ni sư, coi Ni sư là vị chân tu giàu lòng yêu nước, có ý thức dân tộc cao.”
Theo Bà Trần Thị Lan, Nguyên Tổng Thư ký phong trào Phụ Nữ đòi quyền sống nhận định: “Ở tổ chức nào, Ni trưởng cùng với chư Ni của các tịnh xá cũng là một lực lượng xung kích. Chưa bao giờ tôi thấm thía câu “Giặc đến nhà, đàn bà cũng phải đánh” như những năm tháng hào hùng đó. Hình ảnh các bà mẹ, các chị mặc áo dài, áo bà ba cùng với chư Ni đắp y vàng rực, xông pha trên các mặt trận đấu tranh, giữa lửa khói lựu đạn cay mưa dùi cui ma trắc, kẽm gai, lưỡi lê, họng súng của những tên cảnh sát dã chiến mang mặt nạ đầu heo…”
– Thứ hai, Ni trưởng Huỳnh Liên, với trái tim nhân hậu, tấm lòng từ bi và lý tưởng nhập thế cứu khổ độ sanh, lúc nào cũng quan tâm đến những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn trong thời gian chiến tranh loạn lạc cũng như giai đoạn đất nước gặp khó khăn giai đoạn sau giải phóng. Đạo Phật nhấn mạnh đến lòng từ bi như bước đi quan trọng trên con đường tiến tu giải thoát, thực hành Bồ-tát đạo đem lợi lạc cho tha nhân. Điều này phù hợp với giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc là tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Nhờ đó, Phật giáo và dân tộc chan hòa với nhau, cùng hướng đến những việc ích lợi, tốt đẹp cho cộng đồng xã hội. Với lòng nhân hậu và mẫn cảm trước hiện thực cuộc sống, Ni trưởng Huỳnh Liên đã dành nhiều tâm huyết, công sức cho các hoạt động từ thiện xã hội, dùng từ bi góp phần hóa giải những khổ đau, mất mát của đồng bào từ thiên tai, chiến tranh và bệnh tật. Trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, Ni trưởng trực tiếp cổ động chư Ni và Phật tử tiết kiệm, thực hành bố thí ba la mật, bản thân dành dụm tiền bạc gửi giúp đồng bào, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, mở trường dạy học từ thiện, ủy lạo các bệnh viện và trạm xá. Đặc biệt, với hoàn cảnh trẻ mồ côi cha mẹ do chiến tranh gây ra, Ni trưởng thành lập Cô nhi viện Nhất Chi Mai (1968) ở Tịnh xá Ngọc Uyển (Biên Hòa) – một cơ sở từ thiện xã hội của Ni giới Khất sĩ và mở các chi nhánh Cô Ký Nhi tại nhiều tịnh xá ở các tỉnh thành, gồm: Tịnh xá Ngọc Bình (Bình Phước), Tịnh xá Ngọc Bảo (Pleiku), Tịnh xá Ngọc Minh (Cà Mau), Tịnh xá Ngọc Ninh (Ninh Thuận). Cô nhi viện Nhất Chi Mai từng nuôi dưỡng hơn 100 trẻ mồ côi. Các em được Sư cô nuôi dưỡng, sau này trở thành những công dân hữu ích cho xã hội. Sau ngày giải phóng đất nước, nhận thấy đời sống người dân khó khăn, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa bị chiến tranh tàn phá, Ni trưởng Huỳnh Liên vận động chư Ni Hệ phái ủy lạo thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn ở miền Bắc và miền Trung, thăm viếng và tặng quà cho người già, người tàn tật, tham gia các chương trình phúc lợi xã hội của Nhà nước. Tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, Ni trưởng thường xuyên ủng hộ Bệnh viện 175, Trại cùi Bến Sắn, Trại cùi Thủ Thiêm, Dưỡng Trí Viện Biên Hòa, Nhà tinh thần Gò Vấp, Nhà Dưỡng lão Thị Nghè, Nhà Thiếu nhi tàn tật Thị Nghè. Đặc biệt, Bệnh viện Quân y 175 kết nghĩa với Tịnh xá Ngọc Phương, nên bệnh nhân luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chư Ni. Những ngày cuối đời, Ni trưởng dành dụm tiền sắm cái ti-vi màu tặng Bệnh viện 175 để các thương bệnh binh có phương tiện giải trí, an ủi phần nào nỗi đau thân thể. Mặt khác, Ni trưởng còn giúp tiền mua máu tiếp cho bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Ung bướu. Điều quan trọng nhất là kinh phí từ thiện xã hội phần nhiều do Tịnh xá Ngọc Phương tự túc kinh tế bằng việc sản xuất bánh Trung thu, làm bánh mứt phục vụ dịp Tết. Điều này thể hiện tinh thần tự lực tự chủ trong mọi hoạt động – một phẩm chất nổi bật của Ni trưởng Huỳnh Liên.
– Thứ ba, sự ra đời Giáo Hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 tạo ra nền tảng ổn định, phát triển Phật giáo nước ta sau ngày giải phóng, đó là ý chí, nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử cả nước với đường hướng “Đạo pháp – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Sự hình thành và ổn định Giáo hội góp phần tạo ra nền tảng ổn định đất nước còn bộn bề khó khăn sau năm 1975. Một trong những viên gạch đặt nền móng xây dựng ngôi nhà GHPGVN chính là Ni trưởng Huỳnh Liên. Bằng năng lực, đặc biệt có uy tín lớn đối với chính quyền cách mạng cũng như giới Phật giáo, Ni trưởng là vị Ni duy nhất tham gia Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam với tư cách là ủy viên thường trực. Tại Đại hội Thống nhất Phật giáo Việt Nam (tháng 11/1981), Ni trưởng Huỳnh Liên được suy cử vào Hội đồng Trị sự với nhiệm vụ Ủy viên kiểm soát Ban Thường trực Hội đồng Trị sự TW GHPGVN nhiệm kỳ I (1981 – 1987). Ở cương vị này, Ni trưởng Huỳnh Liên trở thành một nhịp cầu nối giữa Phật giáo và Nhà nước sau ngày đất nước giải phóng, là nhân tố quan trọng đưa Phật giáo Khất sĩ gia nhập, trở thành thành viên chính thức trong ngôi nhà GHPGVN. Bản thân Ni trưởng luôn được chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội thời đó quý trọng như Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Thiện Hào, Hòa thượng Minh Châu,… Trong giai đoạn đầu thành lập Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, Ni trưởng Huỳnh Liên dành nhiều tâm huyết và ủng hộ vật chất, tài chánh để đi vào hoạt động thuận lợi. Ni trưởng mong mỏi thật nhiều Ni giới Khất sĩ được tham gia học và trưởng thành từ ngôi trường này. Cố Hòa thượng Thích Hiển Pháp – Phó Pháp chủ GHPGVN đánh giá những đóng góp của Ni trưởng như sau:
“Phật giáo Việt Nam giờ đây cũng đã được thống nhất một Giáo hội, hưng thịnh và vững bền… Chúng ta, chắc không ai đã dám quên những người có nhiều công lao cho sự nghiệp hôm nay. Cách mạng thành công do nhiều bàn tay đóng góp, GHPGVN ngày nay thống nhất do nhiều người làm nên. Với cương vị hàng đầu của Ni giới Khất sĩ, Ni sư Huỳnh Liên cũng đã đóng góp phần lớn cho công cuộc thống nhất Phật giáo…”
Sen vàng thơm ngát khắp nơi nơi
Để trở thành một tấm gương sáng cho tinh thần đạo pháp và dân tộc, trước hết Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên là bậc chân tu khả kính, vun trồng tư lương từ nền tảng Giới – Định – Tuệ, hội tụ cả ba yếu tố Bi – Trí – Dũng, một công dân yêu nước, ý thức trách nhiệm bản thân trước vận mệnh Phật giáo nói riêng và đất nước nói chung. Tất cả đã hun đúc cho Ni trưởng một tính cách mạnh mẽ, bản lĩnh và quả cảm nhưng rất linh hoạt, nhạy bén và khả năng tổ chức, dẫn dắt. Phải nói rằng, Ni trưởng xứng đáng là ngôi sao bắc đẩu của Ni giới Khất sĩ, là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam, một nhân cách lớn cần biểu dương cho xã hội học tập. Cho nên, Hòa thượng Thích Từ Thông tán thán công hạnh, đạo nghiệp của Ni trưởng đối với dân tộc, với Đạo pháp như sau:
“Chí bất khuất vì hạnh phúc – tự do, chiếc áo Khất sĩ làm vẻ vang trong Ni giới,
Nguyện kiên cường cho hòa bình – độc lập, tấm thân nữ lưu nêu gương sáng chốn Tòng lâm.”
Tinh thần đạo pháp và dân tộc xuyên suốt trong sự nghiệp của Ni trưởng đã để lại di sản tinh thần to lớn cho Ni giới Khất sĩ ngày hôm nay. Đó là việc không ngừng tiến tu, nỗ lực học tập trau dồi tri thức để làm tốt sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, đóng góp sự hưng thịnh của Hệ phái, quá trình hội nhập và phát triển của Phật giáo Việt Nam trong lòng dân tộc và thế giới trong thế kỷ XXI. Đây là sự sáng tạo của Ni trưởng trong việc mở mang con đường tu học mới cho Ni giới Khất sĩ. Người dám thay đổi hướng tu, đưa ra chủ trương mới cho Ni chúng học và sản xuất để có đời sống kinh tế tự túc, đào tạo người kế thừa có trình độ, có tri thức, có khả năng đảm đương Phật sự, biết hòa nhập với xã hội trong từng giai đoạn. Nhờ đó, nhiều vị Ni từng là cộng sự, đệ tử của Ni trưởng Huỳnh Liên đã tiếp nối bổn hoài của Ni trưởng miệt mài dấn thân làm tốt đạo đẹp đời, được Giáo hội và xã hội trân trọng, ghi nhận như: Cố Ni trưởng Thích Nữ Ngoạt Liên, Ni trưởng Thích Nữ Tố Liên, Ni sư Thích Nữ Tín Liên,…Chư Ni Hệ phái Khất sĩ luôn lấy việc tu việc học làm căn bản để phụng sự lợi ích cho đạo pháp và dân tộc theo “kim chỉ nam” của Ni trưởng đã vạch ra: “Tu có học mới rạng ngời Chánh pháp, học có tu mới lợi đạo ích đời.”
Lúc sinh tiền, Ni trưởng cảm tác những vần thơ bày tỏ nỗi lòng với Đạo pháp và non sông đất nước:
Vai chạy gạo, y xiêm nuôi chúng,
Vai nặng oằn đôi gánh nước non,
Vai hoằng dương diệu pháp môn,
Đôi vai trĩu trĩu, lòng son chẳng dời.
Tấm lòng son sắt của Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên sáng vằng vặc như ánh trăng rằm soi bóng con đường hướng về tương lai của Ni giới Khất sĩ, đồng thời mãi là một sợi dây nối chặt giữa đạo pháp và dân tộc Việt Nam!
TS. Dương Hoàng Lộc
Năm 1973, chính quyền Sài Gòn có cho làm hàng kẽm gai sơ sài tức còn ra vào được. Nhưng đỉnh điểm là đến tháng 2/ 1974 mới siieets chặt an ninh, tăng cường làm hàng rào kẽm gai, có canh gát kiểm soát rất chặc, đến trưa ngày 29/4/ 1975 tịnh xá Ngọc Phương mới được giải tỏa.
Tài liệu tham khảo
1. Ni giới Hệ phái Khất sĩ (1994), Kỷ yếu Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Ni giới Hệ phái Khất sĩ (2012), Ni trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên đóa sen thiêng, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Thích Nữ Tịnh Nghiêm – Thích Nữ Tuyết Liên (2019), Ni giới Việt Nam – Ni giới Tiền Giang tiếp bước tiền nhân phát huy Chánh pháp, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Thích Trí Quảng – Thích Giác Toàn – Nguyễn Quốc Tuấn (đồng chủ biên) (2016), Hệ phái Khất sĩ quá trình hình thành và phát triển hội nhập, Thành phố Hồ Chí Minh, NXB. Hồng Đức.
-----ooOoo-----
Nguồn: https://nigioivietnam.vn/
BÀI LIÊN QUAN
Văn tưởng niệm Ni trưởng Khiêm Liên ( Ni trưởng Thẩm Liên , 8036 xem)
Tưởng niệm Ni trưởng ( Cầu Liên , 6116 xem)
Một thoáng... tưởng nhớ Ni trưởng Khiêm Liên ( TK. Giác Hoàng , 5632 xem)
Đến và Đi ( Ban Truyền thông NGKS , 6260 xem)
Thi điếu Ni trưởng Nhan Liên ( Ni trưởng Thẩm Liên , 4912 xem)
Lời Tưởng niệm Ni trưởng Nhan Liên của Ni giới Hệ phái Khất sĩ ( Ni trưởng Viên Liên , 9012 xem)
Hoài niệm Ân Sư ( Môn đồ Pháp quyến , 11928 xem)
Thi điếu Giác linh Ni trưởng Nhan Liên ( NT. Tố Liên , 7048 xem)
Còn mãi trong tâm ( Thu Liên , 4576 xem)
Con viết bài thơ kính viếng Người ( Nguyệt Liên , 2516 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng