Trang chủ > Văn Hoá > An Cư

Công ơn của Đàn na Tín thí

Tác giả: Liên Vạn.  
Xem: 33335 . Đăng: 28/07/2014In ấn

Công ơn của Đàn na Tín thí

 

Liên Vạn - TX Ngọc Long - Rừng Lá

 

Ngưỡng bái bạch Ni trưởng Trụ Trì, cùng quý Ni trưởng, Ni sư, Sư Cô trong Ban Chức sự Trường hạ.

Năm nay con đầy đủ nhân duyên được về Tổ Đình Ngọc Phương nhập hạ trong ba tháng an cư để thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Dưới ánh từ quang của chư Phật, Sư Tổ, Đệ nhất Ni trưởng, cùng tàn cây đại thọ của Quý Ni trưởng, Ni sư, Sư Cô che chở cho con được an tịnh tu học đầy đủ giới định tuệ.

Mùa hạ đến mùa an cư lại đến

Mùa Chư Tăng thêm tuổi đạo tuyệt vời.

Mùa Phật tử rộn rã những niềm vui

Mùa gặt hái những tinh ba Phật pháp

Đây là mùa gặt hái những tinh hoa Phật Pháp. Vâng! Thật đúng như thế, quý Ngài tạo nhiều cơ hội cho con được tu học với các giờ giáo lý, con như được thấm nhuần đạo vị, được tưới tẩm bởi những dòng pháp ngọt ngào như dòng sữa mẹ của quý Ngài trao cho. Bên cạnh đó, với bài Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn của Sư Cô Tuệ Liên giảng, giúp con biết được các pháp tà, chánh, chân, nguỵ, đại, tiểu, thiên, viên, và hiểu được mười nhân duyên. Giúp con hiểu được sự lập nguyện và phát tâm là như thế nào? Ngoài ra, bài văn còn khuyến khích tinh thần tri ân và báo ân của người con Phật. Tuy học thức của con kém cỏi và lời nói mộc mạc thô sơ nhưng trong 3 tháng tu học này, hằng ngày được đầy đủ sự ăn mặc ở bệnh, và con đã cảm nhận được công ơn của thí chủ như thế nào. Chính vì thế mà trong bài này con xin trình bày về công ơn của tín thí.

Chúng ta ngày nay, mọi thứ tiêu dùng hằng ngày, cơm ăn áo mặc đều nhờ của người khác đem dâng cúng, không phải của mình làm ra. Họ nhịn ăn, nhịn mặc, dãi nắng dầm mưa quanh năm suốt tháng cấy cầy, bao nhiêu cực nhọc mồ hôi nước mắt tuôn đổ, mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chúng ta không lo tu hành mà chỉ lo thọ hưởng mà vẫn chưa vừa ý. Họ nhà tranh vách đất cực nhọc suốt đời, còn ta thì chùa cao cửa rộng, thong thả quanh năm. Đem cái cực nhọc của họ mà cung phụng cho ta sao ta có thể an lòng cho được. Vậy ta phải nỗ lực tu hành, rốt ráo công quả, siêng năng tụng kinh ngồi thiền, phước huệ song tu, để có phước đức hồi hướng cho thí chủ.

Chúng ta là người xuất gia, thọ nhận sự cung kính cúng dường của tín thí, cho nên món vay món trả phải đồng. Chúng ta phải làm chút công đức gì đó mới có thể hồi hướng phước đức đến cho họ, bởi lẽ công ơn của họ dành cho ta rất là lớn, không thể dùng bút mực nào để diễn tả.

Tạc lên đá chẳng khô dòng bút lệ

Khóc ngàn năm không hết nghĩa đạo tình

Miếng cơm trắng mồ hôi tín thí,

Mảnh y vàng nước mắt đàn na.

Từ miếng cơm manh áo, từ chỗ ở, thuốc men… thảy thảy đều là của tín thí dâng cúng. Ta là người xuất gia chỉ có thọ nhận mà thôi, nhưng trong khi thọ nhận chúng ta phải nghĩ đến cái ơn của họ. Trong danh từ “Khất Sĩ” mà Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang giải thích có nghĩa là “xin ăn tu học”. Trên xin giáo pháp nhiệm mầu để nuôi tâm, dưới xin vật thực để nuôi thân, và gieo duyên phước lành cho tín thí. Nếu tự bản thân của ta mà không tinh tấn tu học thì tín thí gieo trồng phước điền trên mảnh ruộng của chúng ta, họ có gặt hái được gì chăng? Bởi lẽ chúng ta là một mảnh ruộng khô cằn, không màu mỡ thì giống lúa mà tín thí gieo chẳng gặt hái được gì tốt đẹp cả. Như thế thì cả họ vừa bị tổn mà cả ta còn bị tội mắc nợ tín thí nữa. Như vậy chẳng ích lợi gì cho cả đôi bên.

Khi chúng ta xuất gia, cái tâm ban đầu lúc nào cũng tốt và đẹp cả, nào là phải cố gắng tu tập cho thật tốt để không phụ công ơn sanh thành của cha mẹ, nào là phải tu sao cho có kết quả để làm bậc Thầy mô phạm hướng dẫn chúng sanh đi về con đường chánh đạo và phải tu sao cho được giải thoát… chúng ta phải cố gắng giữ vững cái tâm này mãi mãi, vì nó chính là đòn bẩy để nâng ta lên đến chân trời chân thiện mỹ, nó sẽ nâng ta đến một khung trời giải thoát. Cho nên chúng ta phải cố mà giữ gìn cái hoài bão cao đẹp ấy:

Hoài bão vốn ngàn đời trưởng dưỡng

Tâm lành từ bao kiếp cưu mang

Gieo mầm sống cho Bồ đề xanh lá

Tạo vườn hoa Bát Nhã ngát hương từ.

Chúng ta phải trưởng dưỡng những hoài bão, những tâm Bồ đề, để lấy đó làm hành trang trên bước đường tu học giải thoát. Những điều ấy thật cao đẹp biết bao! Nhưng chúng ta có thực hiện được những hoài bão đó không? Hay là bị gió nghiệp chướng, hoặc ma danh lợi xen vào trong cuộc sống hiện đại như hiện nay. Chúng ta hãy nên xem xét lại.

Trong mùa an cư kiết hạ này, tứ vật dụng hằng ngày rất sung túc, ngày nào cũng có Phật tử đến cúng dường. Họ cúng dường với một cái tâm rất thành kính, xá bái lễ lạy mình. Mình ngồi dưới này thọ hưởng thật rất là áy náy. Áy náy là không biết mình có đầy đủ phước đức để nhận sự cúng dường và lễ lạy của họ hay không? Mình hiện tại tu hành chỉ có hai thời tụng kinh và hai thời thiền, nhưng chắc gì trong những giờ tu tập đó mình chú tâm? Chưa kể đến những lúc con ma lười biếng nó ngự trị trong mình nữa. Tu hành như vậy không biết có đầy đủ phước đức để ăn một ngày hai bữa cơm và hồi hướng công đức cho thí chủ không nữa? Con rất tâm đắc những lời lẽ trong bài Thọ Bát mà toàn thể hội chúng đọc hằng ngày như sau:

Thức ăn này từ đâu đem đến,

Phải chăng vì người mến đạo lành.

Thương ai chín chắn tu hành,

Thảo lòng nhịn miệng tín thành cúng dâng.

Tay thọ lãnh bâng khuâng tự nghĩ,

Xét hạnh mình thọ thí đáng không ?

Món vay món trả phải đồng,

Người dâng vật quý là mong phước lành.

Người Phật tử tại gia, họ cảm thấy Tăng Ni là người tu hành chín chắn, cho nên họ đã bớt phần của chồng con để đem dâng cúng cho ta để mong cầu phước đức. Người ta thường nói : “Đồng tiền đi liền với khúc ruột”, họ đã dám bỏ công sức của cải để đem cúng dường không hề luyến tiếc, sao ta có thể ngồi không mà thọ hưởng. Theo quy luật của thế gian là có vay là phải có trả, chúng ta là người xuất gia, nếu ta chỉ có thọ nhận mà không lo tu học để đền đáp công ơn của đàn na tín chủ thì đời đời kiếp kiếp phải làm trâu ngựa để đền trả nợ.

Nếu là con chim chiếc lá,

Thì con chim phải hót chiếc lá phải xanh.

Lẽ nào vay mà không có trả,

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình.

Thật đúng như thế ! Chúng ta đâu thể nào nhận mà không trả, như vậy có đúng với lẽ tự nhiên không ? Chúng ta hãy suy nghĩ kỹ lại. Mục đích mà chúng ta đi tu là gì ? Tu để được giải thoát hay là vào đây tu để thọ hưởng tứ vật dụng cho sướng tấm thân mà mặc tình cho tham sân si chi phối tâm ta. Nếu chúng ta ở trong chùa mà tâm ý nhơ nhớp thì sớm muộn gì ta cũng sẽ bị đào thải khỏi mảnh đất thanh tịnh này. Đất chùa ví như một mảnh đất hoàn toàn trong sạch và thanh tịnh, còn ta đi tu vì lợi dưỡng mà không trau luyện tâm thì cũng như đống rác nằm ở ngay trên mảnh đất thanh tịnh thì sớm muộn gì cũng bị Chư Thiên hất bỏ.

Thực tế cho thấy rất ít người xuất gia hoàn tục mà có cuộc sống sung túc như mọi người thế gian khác, bởi vì khi còn ở trong Chùa chỉ lo thọ nhận của Đàn Na Tín Thí mà không biết tu tập thân tâm để hồi hướng phước đức cho thí chủ, cho nên khi ra đời họ vẫn còn đeo mang món nợ đó cho nên họ “ngóc đầu lên không nổi”, họ phải làm việc cực khổ như trâu ngựa để kiếm ra miếng cơm nuôi thân, bệnh hoạn không có tiền uống thuốc phải đi xin chỗ này chỗ kia, thật là đau xót lắm thay !

Như vậy, chúng ta thấy rằng việc kiếm ra miếng cơm manh áo rất là khó khăn và cực khổ, phải đánh đổi biết bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của người lao động. Ta ở trong Chùa ngồi không mà thọ hưởng rất là sung sướng. Cho nên, ta phải nghĩ đến sự cực khổ của tín thí mà phải ráng lo tu học cho thật tốt trước để cứu mình sau là cứu người. Như vậy thì sự xuất gia của chúng ta mới có lợi ích. Chúng ta hãy siêng năng tu tập, đọc kinh ngồi thiền cho tinh tấn và hãy xem những thứ đó như thức ăn hằng ngày của mình mà thiếu nó thì không thể được. Chúng ta phải tập rằng một ngày mà không tụng kinh, ngồi thiền, suy gẫm chân lý thì sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu, giống như thiếu thiếu một cái gì đó. Nếu chúng ta tập được như vậy thì chúng ta sẽ tinh tấn hơn trên con đường tu tập mà không phải lo đến sự mắc nợ tín thí. Chúng ta phải suy nghĩ rằng tấm thân tứ đại này là do vật thực của tín thí cúng dường mà to lớn, còn thức ăn để nuôi lớn giới thân huệ mạng đó chính là sự tu tập giữ giới một cách chân chánh. Trong mỗi người xuất gia chúng ta đều có hai tấm thân này. Vậy nên chúng ta phải cung cấp thức ăn để nuôi lớn hai tấm thân ấy. Như vậy thì sự tu tập của chúng ta mới đầy đủ ý nghĩa. Cho nên, người ta thường nói “có thực mới vực được đạo”, nếu thân thể chúng ta không tráng kiện thì làm sao ta có thể tu hành tinh tấn được, không tu hành tinh tấn thì sao có thể trả được nợ của tín thí.

Con là người sơ cơ mới vào đạo tập tu tập học và may mắn được học qua môn Phát Bồ đề Tâm này, con cảm thấy như được thổi vào mình luồng sinh khí mới, trước đây khi con vào tu thì con chưa định hướng được sự phát tâm và lập nguyện như thế nào, con chỉ biết vào chùa ngày tụng kinh ba thời và làm công quả, con không có ý niệm gì về lập nguyện là như thế nào và phát tâm là ra sao? Qua môn học Phát Bồ đề Tâm đã định hướng cho con được mục đích của đời tu không chỉ là tụng kinh và làm công quả mà phải chú trọng việc luyện tâm và chuyển hoá tâm thức của mình. Và bên cạnh đó, trong lòng lúc nào cũng canh cánh nhớ đến những công ơn mà mình đã thọ lãnh, nào là phải nhớ ơn nặng của Đức Phật, nhớ ân nặng của Cha mẹ, ân Sư trưởng, ân đàn na tín thí… tất cả những ân đức ấy đã hình thành nên tấm thân tứ đại và giới thân huệ mạng này, tất cả đã tạo nên cuộc sống cho một vị Phật tương lai. Chính vì thế mà tri ân và báo ân là điều mà ta phải khắc cốt ghi tâm, phải luôn canh cánh bên lòng ngõ hầu cố gắng tu tập để không cô phụ tất cả thâm ân mà ta đã thọ lãnh.

Trên đây là những ý pháp nhỏ mà con được tiếp nhận qua môn phát Bồ đề tâm văn. Bài cảm tưởng của con với lời văn thô sơ, mộc mạc nhưng đây là tất cả tâm thành của con dâng lên quý Ngài. Nguyện cầu ơn trên chư Phật chứng minh và gia hộ đến Quý Ni trưởng, Ni sư, Sư Cô dồi dào sức khoẻ, tâm an thân mạnh, đạo quả chóng viên thành. Nguyện cầu cho tất cả pháp giới chúng sanh Bồ đề tâm kiên cố, mau chóng thành Phật đạo. Và nguyện cho Phật pháp được cửu trụ trên thế gian này mãi mãi.

Nam Mô Chứng Minh Sư Bồ tát Ma Ha Tát.

 

BÀI LIÊN QUAN

Lời giáo giới của Ni Trưởng  ( Ni trưởng Ngoạt Liên , 6917 xem)

Nét đẹp mùa An cư  ( Tỳ kheo Giác Minh Luật , 7963 xem)

Người Khất Sĩ- thanh thoát mùa An cư  ( Tỳ kheo Giác Minh Luật , 8419 xem)

Lời giáo giới của Ni Trưởng  ( Ni trưởng Tràng Liên , 7891 xem)

An cư - Pháp môn tu tập truyền thống của đệ tử Phật  ( Thượng toạ Thích Phước Đạt , 6869 xem)

Mùa An cư : sáu thời tịnh niệm  ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 5932 xem)

Lợi ích của an cư kiết hạ  ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 7375 xem)

Nét đẹp mùa an cư của Người Khất sĩ  ( Tỳ kheo Giác Minh Luật , 5725 xem)

Bài văn Khuyên Phát Tâm Bồ đề  ( Ni sư Minh Liên , 10022 xem)

Tìm về nẻo chánh  ( Tịnh Vân , 5571 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ