Trang chủ > Văn Hoá > An Cư

Mùa An cư : sáu thời tịnh niệm

Tác giả: Hòa thượng Thích Trí Quảng.  
Xem: 5934 . Đăng: 18/05/2014In ấn

Mùa An cư : sáu thời tịnh niệm

Hòa thượng Thích Trí Quảng

         Đối với người xuất gia, tu giới, định, huệ gồm có hai phần là hữu lậu và vô lậu và trong mùa An cư, chúng ta thường nêu khẩu hiệu siêng tu Tam vô lậu học. Tại sao lại đặt nặng việc tu Tam vô lậu học trong mùa cấm túc An cư. Vào các mùa khác, ngoài mùa kiết hạ An cư, chúng ta sinh hoạt tiếp xúc với bên ngoài, tức sống với vọng duyên, làm theo vọng thức. Vì vậy, dù có tu giới, định, huệ chăng nữa, cũng chỉ là giới tướng. Chúng ta giữ bốn oai nghi là chính, sao cho tương ưng với ba nghiệp thân, khẩu và ý. Đó là phương tiện thuộc về hình tướng, không phải là vô lậu giới.

Khi chúng ta tập trung để tu hành với đại chúng tại một trụ xứ trong mùa An cư, thì tội lỗi không có điều kiện phát sanh, nên giới tướng đã thanh tịnh. Từ đó, vấn đề giữ giới tướng không cần đặt ra, nhưng chủ yếu là chúng ta nỗ lực tu giới tánh. Giới tánh hay giới thể là tự tánh thanh tịnh, nghĩa là trong lòng chúng ta vắng lặng, không khởi lên bất cứ niệm gì. Với tâm hoàn toàn thanh tịnh như vậy, không có giới nào mà chúng ta không thể hiện tròn đủ.

Khởi đầu chúng ta tu hình tướng ở bên ngoài, tánh ở bên trong. Nhưng với quá trình rèn luyện, lần lần tánh tác động vô tướng, nên tướng tự thanh tịnh theo. Và ngược lại, tướng bên ngoài thanh tịnh cũng góp phần ảnh hưởng cho tánh lắng yên. Vì vậy, đối với Bồ tát chứng đắc giới thể vô lậu thì tánh và tướng đều tịnh, không có cái nào trong hay ngoài cả. Ý này được Hòa thượng Thiện Giải diễn tả như sau:

Tánh tịnh tướng, tướng tịnh

Tánh, tướng phi trung, phi ngoại

Liễu ngộ đốn siêu.

Về phần tu Định, khi chúng ta Thiền quán, nhập Định thì thanh tịnh, nhưng xả Định, chúng ta trở lại bình thường, sống với tạp niệm. Đó là hữu lậu định, có lúc tâm Định, có lúc không. Nhưng tu Định vô lậu trong lúc cấm túc kiết hạ, thực sự phải không còn động niệm, suốt ngày thanh tịnh, sống trong Định. Tuy nhiên khi chưa đạt được mức Định cao tột ấy, thiết nghĩ ít nhất chúng ta cũng phải nỗ lực thực hiện được sáu thời tịnh niệm. Riêng tôi, tâm đắc pháp tu định huệ vô lậu trong mùa An cư năm nay, thể hiện qua bài nguyện như sau:

Sáu thời tịnh niệm, trai phạn đơn sơ,

Thiểu dục, tri cơ, thân tâm thường tự tại.

Ba cõi qua lại, nhờ có đại bạch ngưu xa.

Lên xuống chín tầng trời, đều nương kinh Diệu Pháp,

Trời, người đều an lạc, ngạ quỷ cũng không còn,

Vì thế nên chúng con, đồng nguyện về Tịnh độ.

 

Bước đầu, theo cách tu của người xưa vẫn áp dụng, chúng ta tập luyện chia ra sáu thời là hai thời tụng kinh, hai thời lạy Phật sám hối và hai thời Thiền định. Đọc tụng kinh điển, lạy Phật cũng là Thiền vì mượn phương tiện ấy để giúp cho thân khẩu ý của chúng ta thanh tịnh, nghĩ về Phật, Bồ tát, về hạnh nguyện của các Ngài và tâm theo đó cũng được tập trung vào Phật pháp. Tu tập sáu thời tịnh niệm như vậy, thì hai tiếng tu, rồi nghỉ hai tiếng, tức một ngày hai mươi bốn tiếng, chúng ta chỉ tu mười hai tiếng. Theo pháp tu hữu lậu ấy, chúng ta mới cân bằng trần duyên và đạo niệm, tịnh và động trong ta bằng nhau, chưa phân thắng bại. Nhưng thực tu, phải tranh thủ cho tịnh lấn lần qua động. Còn giải đãi một chút thì trần duyên sẽ lấn át tịnh niệm. Kẻ thấp chí bạc tài, chắc chắn cuộc đời tu của họ phải đi xuống lần, vì tu lấy lệ, nên hai tiếng tụng kinh thì tụng cho nhanh, rút ngắn còn một tiếng rưỡi, bớt lần nữa, còn bốn mươi lăm phút. Rút ngắn như vậy, động niệm tăng lên, chúng ta còn được mấy tiếng tịnh trong một ngày? Tu cách đó, phước huệ giảm dần, nghiệp và phiền não tăng lên.

Theo tôi, người tu không đủ giờ quy định, khó sống lâu với đạo. Tu đủ giờ quy định, còn ở trong đạo, nhưng không tiến xa được. Cần phải tăng giờ tu, từ sáu thời tịnh niệm, nếu tăng dần lên bảy, tám thời tịnh niệm là đã nhập vào dòng Thánh. Lúc ấy, chứng được Sơ quả, tâm tịnh nhiều hơn động, thiện cao hơn ác, cứ như vậy mà thẳng tiến trên đường đạo, nên được Phật thọ ký. Trong sinh hoạt đời tu, tôi đã thấy những bậc cao đức làm nên đạo cả cũng áp dụng phương pháp tu này. Điển hình như Hòa thượng Thiện Hòa, lúc còn sanh tiền, khi rảnh việc Giáo hội, ngài thường lên sân thượng để tĩnh tâm niệm Phật, kéo dài từ hai đến bốn tiếng, trong khi đại chúng ngủ. Hoặc Hòa thượng Trí Thủ khi ra dự Hội nghị thống nhất Phật giáo ở Hà Nội, lúc đó ngài đã 75 tuổi, làm việc thực vất vả mà vẫn thức dậy sớm để lạy sám hối 108 lạy. Tôi bạch với Hòa thượng rằng ngài nên nghỉ ngơi, vì đang bị cảm. Hòa thượng bảo: "Còn lạy được mà không lạy, mai mốt sức khỏe yếu, muốn lạy cũng không nổi”. Chúng ta cảm động nhìn thấy các ngài trầm mình trong giáo pháp một cách âm thầm, không để lộ cho ai biết. Tôi nhờ gần gũi các bậc cao đức có tấm gương sáng như vậy làm cho tôi phấn đấu đi lên.

Khi tôi sang Nhật Bản, học với tông Thiên Thai, tức Pháp Hoa, họ dạy cách tu không phải chỉ có sáu thời, mà lúc nào cũng tịnh niệm, thể hiện vô lậu Định. Đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, ngủ, thuyết pháp đều trụ Định. Lòng như như bất động, dù hoàn cảnh thế nào cũng không để tác động tâm chúng ta. Người đạt được vô lậu Định có thể Thiền từ một đến bảy ngày, không ăn uống. Trong mùa An cư, chúng ta ráng thực tập, ít nhất cũng sống ba ngày trong Định, không ăn uống và không bị ngoại duyên tác hại tâm. Tuy nhiên, nhịn ăn không phải là việc khó. Điều quan trọng là từ vô lậu Định, chúng ta có tiến sang được bước thứ hai là phát huệ hay không. Nếu trước kia, chúng ta không tu hữu lậu huệ, thì nay nhập Định, biến thành than nguội củi mục, tức ngồi sững, không biết gì nữa. Đó là trạng thái diệt tận định mà Duy Ma Cật quở trách Xá Lợi Phất.

Để tránh việc nhập Định rồi lạc qua hướng của ngoại đạo, theo kinh nghiệm riêng tôi, chúng ta nhập Định được từ một đến bảy ngày thì nên dừng lại, không nên tiếp tục. Từ vô lậu Định này, chúng ta ngưng lại, dùng sức tập trung ấy để đọc tụng, quán chiếu Thánh điển. Đọc kinh một ngày trong Định, chúng ta nắm bắt được yếu nghĩa nhanh hơn đọc bình thường cả một năm. Trước chúng ta đọc, suy nghĩ mà vẫn không hiểu được nghĩa lý sâu xa, nay vô lậu huệ phát sanh làm chúng ta hiểu kinh dễ dàng, uyên thâm.

Có thể nói mức tu thấp nhất phải là sáu thời tịnh niệm và ăn uống hai bữa đơn sơ, hoặc có bệnh thì tối uống thêm ly sữa. Nếu không như vậy, khó thăng hoa đời sống tâm linh. Với cách tu hành ấy, trí tuệ chúng ta lần lần phát huy. Bấy giờ, chúng ta thể hiện cuộc sống thiểu dục, tri cơ, thân tâm thường tự tại. Thiểu dục hay hạn chế sự ham muốn càng nhiều càng tốt và giải thoát theo đó hiện ra. Quan trọng là chúng ta phải chọc thủng được một lỗ hổng vô minh nào đó của căn nhà ngũ uẩn tối thui từ ngàn năm để ánh sáng Phật huệ rọi vô. Phá một phần vô minh bằng độ cảm Phật, Bồ tát hay vị Thánh Tăng nào để chúng ta có thể nối mạng, tiếp nhận được Phật lực, Bồ tát lực gia bị đến chúng ta. Bằng mọi cách, chúng ta hướng tâm về Phật hay Bồ tát và ôm chặt chiếc phao ấy mà vượt biển khổ sanh tử. Gặp khó khăn tác hại, ta càng cố gắng làm sao qua đoạn đường này càng nhanh càng tốt. Còn ở lại đôi co với ác ma thì nhất định ta chết chìm.

Tri cơ là biết thời cơ, nghĩa là biết hoàn cảnh xã hội, biết lẽ sống, biết mình, biết người. Chư Tổ hành đạo thành công vì biết rõ người nào độ được, nơi nào giáo hóa được và biết ra đi khi mãn duyên. Còn người thấy lợi mà khởi lòng tham, bám víu, chắc chắn phải đối đầu, nghiệp chướng phiền não càng tăng, chết cũng thành ngạ quỷ. Trên bước đường giáo hóa, biết yêu cầu của người và cũng biết chúng ta có khả năng đáp ứng hay không. Nếu không, nên ẩn thân hay tránh mặt. Có như vậy, thân chúng ta mới được tự tại và tâm giải thoát.

Ba cõi qua lại, nhờ có đại bạch ngưu xa,

Lên xuống chín tầng trời đều nương kinh Diệu Pháp.

Đó là lý tưởng của người tu, là lẽ sống của chúng ta. Đại bạch ngưu xa chỉ cho kinh Pháp Hoa; hay nói cách khác là chúng ta tu Phật thừa. Muốn theo lộ trình này, chúng ta phải mở rộng lòng để dung nhiếp được tất cả, chấp nhận tất cả phải trái hơn thua đến với chúng ta và giải quyết tốt nhất mọi việc. Cao hơn nữa là phải phá ngã, đạt đến vô ngã hoàn toàn. Vì cái ta và cái của ta không có, nên hiện hữu trên cuộc đời làm theo yêu cầu của người, lấy an vui của người làm an vui của mình.

Đức Phật dạy trong kinh Vô Lượng Nghĩa rằng mọi người, mọi loài đều tốt, đều thành Phật, tất cả việc đều là Phật pháp. Hôm nay, người này là ác ma, mai kia ngộ đạo, họ là Phật. Ma và Phật là hai mặt của cuộc đời, tức không có định pháp. Nhận chân yếu chỉ ấy, chúng ta không khổ và qua lại ba cõi tự tại. Ở trong cõi Dục là thế giới của tràn đầy ham muốn, dẫn đến xung đột, giết nhau, nhưng chúng ta nhờ đại bạch ngưu xa hay tâm trong sáng thấy được việc đáng làm, điều không nên làm. Không khởi tâm tham vô lý nên ta được tự tại, giải thoát. Qua cõi Sắc giới, chúng ta cũng không kẹt trong Tứ thiền. Và đi dạo chơi trong Vô sắc giới, cũng không vướng mắc với Tứ Không. Lên xuống, vào ra ba cõi, tức từ trạng thái tâm thức của cuộc sống bình thường, tiến vào trạng thái Thiền định và trở lại sống với cuộc đời, chúng ta đều nêu gương tốt cho đời.

Nhờ nương được bản tâm vi diệu thì thiên biến vạn hóa, đến đâu mang an lành đến đó: "Trời người đều an lạc, ngạ quỷ cũng không còn”. Đạt đến thành quả tốt đẹp ấy, thì ở Ta bà này không còn gì cho chúng ta làm: "Vì thế nên chúng con, nguyện đồng về Tịnh độ”. Tùy theo ý nguyện của mỗi người, muốn về Tịnh độ nào cũng được, hoặc là Tây phương Tịnh độ, Thật Báo trang nghiêm độ, Thường Tịch Quang Tịnh độ hay Thánh phàm đồng cư độ, v.v… Đó là mục tiêu mà chúng ta hướng tới, nỗ lực thể hiện trên bước đường tự hành hóa tha theo dấu chân Phật.

(Bài giảng tại hai trường hạ: Chùa Vạn Phước, H.Bình Chánh và chùa Từ Nghiêm, Q.10; mùa An cư PL.2539-1998)

Nguồn:daotrangphaphoa.net

BÀI LIÊN QUAN

Lợi ích của an cư kiết hạ  ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 7375 xem)

Nét đẹp mùa an cư của Người Khất sĩ  ( Tỳ kheo Giác Minh Luật , 5725 xem)

Bài văn Khuyên Phát Tâm Bồ đề  ( Ni sư Minh Liên , 10022 xem)

Tìm về nẻo chánh  ( Tịnh Vân , 5571 xem)

An cư kiết hạ  ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 6292 xem)

Đức Phật An cư Kiết hạ  (5287 xem)

Đức Phật với 45 năm mùa an cư kiết hạ.  ( Tỳ kheo Định Phúc , 6012 xem)

Ý Nghĩa An Cư Kiết Hạ  ( Hòa thượng Thích Thanh Từ , 5385 xem)

Ý nghĩa An cư kiết hạ  ( Đại đức Thích Kiến Nguyệt , 5936 xem)

Ba tháng an cư kiết hạ của người tu sĩ  (6852 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ