Trang chủ > Văn Học > Văn
Về cội
Xem: 4158 . Đăng: 12/02/2022In ấn
Về cội
Bài trên Giai phẩm Giác Ngộ Xuân Nhâm Dần 2022 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Ta nghe trong sương, lá cỏ thì thầm lời xanh mướt. Cành mai trước sân vừa chớm nở, hương quyện trong ban mai. Xuân bao lần đến đi nhưng xuân mãi đẹp, mãi tươi mới trong lòng nhân thế. Xuân về như tiếp thêm sinh lực, tiếp thêm niềm tin, làm dịu mát bao tâm hồn. Ngồi lặng yên để cảm nhận sự sống đang trôi chảy, lắng nghe hơi thở nhiệm mầu. Và khi hiểu ra trên đời không gì quý giá hơn “hơi thở”, chúng ta sẽ biết trân quý từng khoảnh khắc của đời sống.
Đại dịch Covid bùng phát trên thế giới từ năm 2019 đến nay đã gây bao tổn hại, mất mát, tang thương, nhưng nó cũng dạy con người nhiều điều, trong đó bài học sâu sắc nhất vẫn là sự vô thường biến động của kiếp sống. Con người nhận ra mình thật nhỏ bé giữa vũ trụ bao la, mong manh giữa cõi bờ sinh tử. Nó như một sự cảnh tỉnh cho loài người, cần phải giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi sinh và phải biết trân quý người mẹ thiên nhiên vĩ đại.
Bận rộn với những dự định, kế hoạch, dự án; tất bật sớm tối để ổn định cuộc sống, gầy dựng sự nghiệp; chạy đua để đáp ứng cho những nhu cầu ngày càng cao của con người. Rồi lúc nguy biến mới chợt nhận ra có một thứ quan trọng mà thường ngày vì mải cuốn theo vòng xoáy cuộc sống, chúng ta vô tình chẳng mấy khi nhớ đến. Đó chính là tình thân mái ấm gia đình, tình quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn. Những lúc chúng ta thành công vinh quang trên trường đời có khi không nhớ tới cha mẹ, những người thân thương ở quê nhà. Nhưng lúc sa cơ thất thế, khó khăn, thất bại, chông chênh thì cha mẹ, gia đình, quê nhà là điểm tựa bình yên ấm áp nhất, sẵn sàng bao bọc che chở chúng ta trong những lúc bấp bênh, nguy khốn.
Xuân vẫn là xuân đoàn viên, sum họp. Nhưng có lẽ năm nay sẽ là một mùa xuân ấm áp nghĩa tình hơn bao giờ hết. Bởi sau những ngày chạy dịch, đối mặt rủi ro mất mát, có lẽ lòng người sẽ trân trọng hơn nữa mối tình thiêng đất mẹ, trân quý những người thân thương bên cạnh và đùm bọc, thương yêu nhau nhiều hơn.
Người ta thường nói, mùa xuân là mùa của hạnh phúc, mùa của bình an, thảnh thơi, tươi vui. Tiết xuân dịu mát trong lành, cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở khoe sắc thắm và lòng người cũng trở nên hân hoan, mới mẻ. Ai đi xa quê xây đắp cuộc đời, ai tha phương cầu thực thì Tết là dịp để trở về đoàn tụ bên gia đình. Trong cuộc đời giả huyễn này gia đình chính là điểm tựa cho mỗi chúng ta. Còn đối với người Phật tử, ngoài điểm tựa gia đình huyết thống, còn có điểm tựa gia đình tâm linh. Đó là ngôi Tam bảo, là mái chùa, nơi giúp chúng ta tưới tẩm những hạt giống thiện lành và khơi nguồn tuệ giác.
Xa cội tự thuở nào
Chập chờn giấc chiêm bao
Bao mùa thu thay lá
Giờ đã biết đường vào.
(Xa cội - Thiên Chân)
Mỗi chúng ta là người xa quê quên cội. Chính vì xa cội mới lênh đênh trong cõi mộng phù du này, càng đi càng xa. Đó là kiếp phận mỗi chúng sanh. Có quy hướng Phật pháp, chúng ta mới biết mình quên đi gốc gác, nguồn cội của mình. Như gã cùng tử vốn xuất thân cao sang phú quý lại bỏ quê nhà, bỏ người cha kính yêu, đi bôn ba khắp nơi tha phương cầu thực, cam chịu thân phận nghèo hèn. Trải qua thời gian rất lâu, lang bạt rày đây mai đó, nếm trải đủ mùi đau khổ đắng cay, đến chẳng còn dám tin mình thân phận cao sang. Cho nên khi người cha phát hiện ra con mình lang bạt đó đây, phải sai người dẫn dụ từ từ, rồi sau cùng mới dám nói ra sự thật đây là con trai mình và giao lại toàn bộ gia tài.
Cũng vậy, nơi mỗi người chúng ta đều sẵn có kho Như Lai vô cùng quý giá, đầy đủ diệu dụng, không thiếu bất cứ gì, nhưng chúng ta lại quên đi, nhận thân tâm huyễn mộng vô thường giả hợp này là cái ta chân thật. Đó là sai lầm căn bản. Khi đã mang thân này bước vào cuộc đời mà nói đó không phải là mình thì hẳn không ai chấp nhận được. Nhưng nếu chúng ta chịu nhìn một cách thấu đáo thẳng thật, thì rõ ràng thân này là vay mượn tứ đại (Địa đại, thủy đại, phong đại, hỏa đại), mà chúng ta cho những thứ vay mượn đó là mình, là của mình. Như vậy có phải chúng ta lầm chấp hay không.
Đức Phật giác ngộ, Ngài thấy rõ thân tâm này không phải mình. Mình không phải là cái giả tạm này. Cho nên chúng ta phải trở về, phải xoay lại, phải tự hỏi đâu mới là “con người chân thật”, đó là chúng ta bước đầu trở về cội nguồn. “Ẩm thủy tri nguyên”, uống nước phải biết nguồn của nước. Ngược dòng để trở về nguồn nước sạch sẽ, trong lành, tươi mát ở trên núi cao, mà người tu chính là người đi ngược dòng để uống ngụm nước đầu nguồn kia vậy.
Chiếc lá xanh mơn, rồi lá vàng úa, tàn phai và rơi rụng. Chúng ta dường như thấy được bước đi của thời gian qua chiếc lá phôi phai, nghe được hơi thở của thời gian trên mái tóc bạc màu, qua những nếp nhăn, vết chân chim nơi khóe mắt... Kỳ diệu thay! Một chiếc lá thôi cũng đủ diễn bày cho chúng ta bài học vi diệu pháp. Một chiếc lá thôi cũng đã hiển lộ đầy đủ bí mật ngàn đời của vũ trụ bao la. Mà chỉ người tu Phật mới nghiệm rõ điều đó, còn người thế gian phần nhiều mải mê với cơm áo gạo tiền, hay bị những phù hoa danh lợi khỏa lấp nên không thể thấy ra.
Chính khi thấy được sự biến động vô thường, giả tạm, mong manh, không có gì thật, mới làm chúng ta thức tỉnh và bắt đầu đi tìm cái gì là “chân thật”. Qua biết bao mùa lá đổ, vô thường chuyển dịch chưa từng phút nào dừng nghỉ. “Giờ đã thấy đường vào”, nghĩa là chúng ta phải thấy đường vào chứ đừng chạy ra ngoài rong ruổi, tìm cầu, nắm bắt nữa. Và chỉ có con đường “phản quan tự kỷ” chúng ta mới từng bước trở về. Như vậy, người biết được đường vào là người quay gót về cội.
Thiền sư Hoa Mai Ni có bài thơ xuân:
Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân,
Mang hài đạp biến lãnh đầu vân.
Quy lai tiếu niễn mai hoa xú,
Xuân tại chi đầu dĩ thập phân.
(Trọn buổi tìm xuân chẳng thấy đâu,
Giày gai đạp nát đỉnh mây cao.
Trở về cười ngất hương mai rộ,
Xuân ở đầu cành rõ biết bao).
Lặn lội đi tìm xuân, qua bao quãng đường đá sỏi gai góc, trèo non lội suối, lên tận đỉnh cao mây ngàn, nhưng cũng chẳng thấy xuân đâu. Đây là diễn tả tâm trạng thao thức, quyết tâm của người đi tìm chúa xuân muôn thuở. Nhưng chừng nào tâm còn rong ruổi hướng ra ngoài tìm kiếm thì không bao giờ gặp được. Cho nên một hôm nọ “trở về cười ngất hương mai rộ”. Té ra, chúa xuân vẫn ở đó chưa từng vắng thiếu, mà chỉ có trở về phản tỉnh nội tâm của chính mình thì mới nhận ra, cất công tìm kiếm quả thật là quên cội.
Ở đây, nhà thiền dùng ngôn ngữ biểu đạt mà nếu chấp vào ngôn ngữ thì chúng ta không thể nào hiểu được, phải đâm thủng ngôn ngữ mới có thể hiểu ẩn ý đằng sau đó. Vì “tâm xuân” ấy không thuộc về tư duy suy lường, mà là sự liễu hội qua quá trình công phu chánh niệm miên mật và thiền định lắng sạch mọi vọng niệm. Khi đủ thời tiết nhân duyên bất chợt người nhận ra trong khoảnh khắc. Từ đó về sau trưởng dưỡng thánh thai, ươm mầm tuệ giác.
Chúng ta cũng mong có một ngày như thế trong đời sống tu tập. Giây phút đó là giây phút vĩnh cửu, vĩnh cửu tròn đầy trong hiện tại. Ngay hiện tại mà thấy rõ ràng tận mặt, các pháp hiện bày rờ rỡ. Còn thường ngày tâm chúng ta dính mắc, phan duyên quá nhiều nên đánh mất giây phút hiện tại. Khi tâm bận bịu bởi biết bao niệm tưởng, phiền não lăng xăng, vui buồn đắp đổi thì không thể thấy, không nhìn nhận các pháp một cách chân thực, trong sáng… Nhờ thiền tập, tâm dần lắng trong, định tĩnh, sẽ thấy các pháp một cách rõ ràng, như nhiên.
Đời người có khi mong ngóng một mùa xuân, mà đâu hay xuân chưa từng vắng thiếu. Lòng người mải khát khao kiếm tìm, mà đâu hay cuộc đời vốn là vô sự. Bước sang năm mới, tất cả chúng ta cùng trao gởi cho nhau những lời chúc phúc, bình an, đặc biệt luôn tinh cần trong đời sống thiền tập, chợt nhận ra bản chất tinh khôi, cội nguồn uyên nguyên muôn thuở nơi chính mình. Để rồi, sống an nhiên, vững chãi giữa dòng đời trôi nổi. Đó là ý nghĩa về cội đích thực của mỗi người con Phật chúng ta.
Thích Thông Huệ/Báo Giác Ngộ
-----oo0oo-----
Nguồn: www.giacngo.vn
BÀI LIÊN QUAN
Bốn điều không thể ( Liên Trí , 3240 xem)
Hạnh phúc ở đâu? ( Liên Trí , 4588 xem)
Đừng để tâm bận rộn ( Liên Trí , 5280 xem)
Tìm lại nụ cười ( Nguyên Cẩn , 2352 xem)
Thành kính tri ân Thầy ( Phật tử TX Ngọc Hưng , 12125 xem)
Tác bạch cảm tạ Lễ tri ân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2021 ( Phật tử Diệu Hoa , 11608 xem)
Nhớ ơn Thầy ( Phật tử Ngọc Trung , 3616 xem)
Nhớ ơn Thầy Cô ( Phật tử Liễu Chánh , 4120 xem)
Kính tri ân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11 ( Phật tử Ngọc Phụng , 4188 xem)
Thành kính tri ân Thầy nhân ngày lễ Nhà Giáo 20-11 ( Liên Huệ , 6048 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng