Trang chủ > Phật Học > Thiền

Hiện tại niệm trú

Tác giả: Joseph Goldstein - Tín Liên dịch.  
Xem: 4515 . Đăng: 05/09/2014In ấn

Hiện tại niệm trú

Joseph Goldstein; TN. Tín Liên chuyển ngữ

Trích từ: The Experience of Insight (Kinh Nghiệm Tuệ Quán)

Tất cả chúng ta đã bắt đầu một cuộc hành trình. Cuộc hành trình đi vào nội tâm của chúng ta. Một hành trình khám phá và thám hiểm về Chúng ta là ai? Chúng ta là gì?

Những bước đi đầu tiên dĩ nhiên là khó khăn. Trong những ngày đầu thường có trạo cử, hôn trầm, một ít chán nản, lười biếng, hay nghi ngờ và cuối cùng có lẽ là sự hối tiếc về việc mình đã dấn thân vào cuộc hành trình này.

Điều chúng ta sắp sửa thực hiện thật không phải là điều dễ dàng: sự rèn luyện và thanh lọc tâm của chúng ta.

Không một ai khác có thể làm điều này cho chúng ta. Mỗi người chúng ta phải làm điều ấy cho chính mình. Tỉnh giác từng phút giây, chú tâm quán sát tất cả điều gì đang xảy ra trong thân và tâm. Không có gì bí mật, khó khăn về điều này. Nó thật là đơn giản, trực tiếp và thẳng thắn, nhưng nó cần phải làm. Đó là tất cả những gì gọi là Thiền tập.

Những bước đầu tiên thật sự là không dễ dàng cho tất cả chúng ta. Nhưng sự nghiên cứu thuộc lãnh vực tâm linh mà chúng ta đang bước vào thật vô cùng hiếm hoi và quý báu. Do vậy chúng ta hãy nhu nhuyến (tế nhị, nhẹ nhàng) nhưng kiên trì để vượt qua tất cả những khó khăn đó.

Hãy tận dụng dịp may của những khóa thiền này một cách tối đa. Đừng để phí thời gian hay nghĩ rằng mình đã tu như vậy, hành trì như vậy là đủ rồi.

Hạnh phúc lớn nhất là hạnh phúc do thiền Minh Sát mang lại. Hạnh phúc của Tuệ, thấy rõ các pháp đang vận hành như thế nào. Thật vô cùng sung sướng khi một người với tâm trí của một hành giả sơ cơ bắt đầu cảm nhận mỗi phút giây mới lạ, tân kỳ.

Như vậy, có một niềm hỷ lạc lớn lao tràn ngập tâm hành giả mới bắt đầu, một tâm không bị chi phối bởi những định kiến, một tâm đang trực tiếp kinh nghiệm các pháp, hơn là suy nghĩ, tư duy về chúng.

Những ngày đầu tiên tu tập có thể bạn sẽ cảm thấy khó khăn, vì tâm định chưa được phát triển tốt. Giống như việc tập leo núi, bạn cần một thể lực nhất định nào đó. Nếu bạn chưa thật sự đủ khoẻ mạnh thì lúc đầu bạn sẽ cảm thấy mệt nhọc và khó chịu. Nhưng khi cơ thể khoẻ mạnh hơn, việc leo núi của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Cũng thế, trong việc hành Thiền, khi tâm định đã được phát triển, tâm bám vào đối tượng trong phút giây hiện tại sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Thông hiểu được giáo pháp và áp dụng thực hành là một điều rất hy hữu và quý báu. Vì rất ít người trên thế gian có được diễm phúc này. Hầu hết họ đang bị quay cuồng, bị trói buộc và bị sai sử bởi vô minh và ái dục, họ không biết rằng mình có thể thoát khỏi bánh xe sanh tử triền miên này, bánh xe của tham và sân.

Sự tham muốn không cùng tận đối với dục lạc làm tâm rối ren, lẫn lộn. Nhưng khi chúng ta biết cách buông bỏ nó, tâm sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Như thế, sẽ không còn rối rắm, không còn sự căng thẳng, chúng ta bắt đầu sự giải phóng mình ra khỏi ngôi nhà ngũ thủ uẩn duyên sinh, ra khỏi sự trói buộc của chúng ta đối với lòng tham đắm dục lạc này.

Sự phát triển Trí Tuệ

Nghĩa là tự kinh nghiệm dòng chuyển dịch của sự vô thường bên trong chúng ta để chúng ta bắt đầu buông bỏ, không cố hết sức nắm giữ tham chấp thân tâm này.

Không ai có thể chắc chắn khi nào cơ hội hành thiền sẽ trở lại với chúng ta một lần nữa. Có những điều kiện rất đặc biệt cho chúng ta trong môi trường này. Đây là nơi lý tưởng cho chúng ta tự thám hiểm chính mình, để hiểu rõ chúng ta là ai. Đừng để dịp may luống qua.

Những gì chúng ta đang làm để tiến tới sự hiểu biết về chính mình là điều hết sức cao thượng, và điều ấy có thể thực hiện được. Đó là việc nhổ lên tận gốc rễ của những cây cỏ tham, sân và si trong tâm của chúng ta. Điều này khó khăn, hy hữu và đòi hỏi một sự hoàn mỹ. Sự hoàn mỹ ấy là sự rèn luyện những đức tính của tâm. Những đức tính ấy sẽ mang đến cho chúng ta sự toàn diện và tỉnh thức trong từng giây phút.

Đừng kiềm chế hay thúc ép hơi thở của chúng ta bằng bất cứ cách nào. Bạn chỉ chú tâm quán sát cử động phồng và xẹp của bụng bạn. Chỉ giữ sự chú tâm của bạn trên chuyển động của bụng nhưng đừng tưởng tượng, đừng vẽ vời bất cứ điều gì mà chỉ trực nhận cảm giác do sự chuyển động mà thôi.

Nếu tâm bị phóng hay xao lãng, hãy nhẹ nhàng đưa nó trở lại đề mục chính. Đây là việc chính trong suốt thời gian bạn ngồi thiền. Khi tâm phóng đi, bạn hãy kéo tâm trở về đề mục. Cứ mỗi lần như thế bạn hãy kiên nhẫn mang tâm trở về. Giờ hành thiền của bạn hãy sử dụng triệt để trong việc như thế.

Sự phồng và xẹp của chúng ta có thể đôi khi dài, ngắn, rõ ràng hay không rõ ràng. Có thể đôi khi sâu hay cạn. Bất cứ nó là gì cũng không thành vấn đề. Hãy nhớ rằng, đây không phải sự thực tập về hơi thở, đây là sự bắt đầu thực tập về chánh niệm.

Hoạt Động Hằng Ngày

Phát triển sự tỉnh giác vững vàng xuyên suốt trong tất cả mọi hoạt động ta làm, từ lúc vừa thức dậy buổi sáng cho đến khi đi ngủ thật là quan trọng. Ngay khi vừa thức dậy bạn hãy chú tâm vào phồng, xẹp, và từ giây phút đầu tiên đó bạn hãy chánh niệm trong tất cả mọi hoạt động liên hệ trong việc thức dậy và rửa mặt, bắt đầu bước đi kinh hành, ngồi thiền, và kế đó, khi đang đứng cũng phải chánh niệm, và đi ăn uống.

Khi bạn nằm xuống để ngủ, hãy chú tâm vào sự “phồng xẹp” cho đến giây phút sau cùng, trước khi rơi vào giấc ngủ. Sự chú tâm này sẽ mang lại lợi ích lớn cho bạn trong thiền hành.

Chúng ta thường nghĩ rằng việc hành thiền chỉ tập trung vào thiền tọa và thiền hành, còn tất cả thời gian còn lại là không quan trọng. Nếu suy nghĩ như vậy thì trong toàn thể những khoảng thời gian gián đoạn này chúng ta sẽ đánh mất đà phát triển tâm định mà chúng ta đang xây dựng.

Duy trì sự tỉnh giác cao độ với tất cả mọi hoạt động trong ngày sẽ giúp tâm duy trì định và không xao động. Chính từ tâm kiên định và thăng bằng này mà sự giác ngộ phát sanh.

Khi thấy (cơm, thức ăn), biết thấy (cơm, thức ăn). Khởi lên tác ý, biết khởi lên tác ý. Cử động (tay), biết cử động (tay). Xúc chạm (cơm, thức ăn), biết xúc chạm (cơm, thức ăn). Nâng lên (cơm, thức ăn), biết nâng lên (cơm, thức ăn). Há (miệng), biết há (miệng). Đặt (cơm) vào, biết đặt (cơm) vào. Ngậm (miệng) lại, biết ngậm (miệng) lại. Cảm giác (nóng, lạnh, cứng, mềm), biết cảm giác (nóng, lạnh, cứng, mềm). Nhai, biết nhai. Vị, biết vị. Nuốt, biết nuốt. Hãy chánh niệm toàn bộ tiến trình liên hệ.

Không có một ai đằng sau nó, (nghĩa là) không có một ai đang ăn, mà đó là tiến trình của những tác ý, những cử động, những cảm thọ của vị giác và xúc giác. Đó là những gì chúng ta là.

Và nếu chúng ta hết sức chánh niệm vào tiến trình này, chúng ta sẽ không còn chấp rằng có một linh hồn bất biến trong thân năm uẩn này. Không có bất cứ trường hợp nào để chúng ta nghĩ rằng không đáng để tỉnh giác.

Sự đốn ngộ về chân lý có thể xảy ra trong phút chốc, khi tất cả những yếu tố giác ngộ đã tròn đầy và chung hợp lại trong một trạng thái thăng bằng hợp lý.

Khi ở Ấn Độ, tôi sống trên lầu hai của một ngôi chùa. Mỗi ngày tôi thường lên xuống cầu thang nhiều lần, mỗi lần như vậy tôi chiêm nghiệm sự máy móc của việc leo lên mỗi nấc thang, đầu gối phải làm việc như thế nào, và sức nặng chuyển biến ra sao. Đó thật là một tiến trình thú vị. Trong tất cả mọi hoạt động hằng ngày ta nên có sự thú vị tương tự như vậy. Hãy nhìn và hãy khảo sát xem các pháp đang xảy ra như thế nào.

Chúng ta rất thường thất niệm trong khi ăn. Vị giác đến và đi thật nhanh. Khi miệng còn ngậm thức ăn, vì lòng tham muốn vị giác tiếp nối liên tục, cánh tay ta cứ với tới thức ăn, và như vậy một cách tổng quát ta không thể rõ biết toàn bộ tiến trình của sự ăn. Vậy hãy chấm dứt mỗi miếng ăn trước khi đặt miếng khác vào. Bằng cách này chúng ta sẽ trở nên nhạy cảm đối với cơ thể, và sẽ biết rõ bao nhiêu lượng thức ăn chúng ta cần. Chúng ta sẽ không ăn quá độ nếu biết ăn trong chánh niệm.

Hãy kết hợp Thiền trong ăn uống vào sự hành trì hằng ngày của bạn. Làm như vậy sự tỉnh giác của bạn sẽ luôn được liên tục và không gián đoạn.

Ta không thể biết đám mây vô minh sẽ tan biến khi nào. Điều này có thể xảy ra ngay cả trong lúc bạn đang nằm xuống ngủ. Vậy hãy chánh niệm! Trong mỗi một phút giây hãy quan sát, tỉnh thức đối với những gì đang xảy ra.

Thiền sẽ sâu dần nhờ sự tỉnh giác liên tục

-   Thuần chú ý

Đây là một phẩm chất của tâm, là căn bản và nền tảng cho sự khám phá thuộc lãnh vực tâm hồn. Thuần chú ý nghĩa là quán sát sự vật như thật chính nó, không chọn lựa, không so sánh, không đánh giá, cũng không đặt những tính toán và kỳ vọng của chúng ta vào những gì đang xảy ra. Thay vào đó, hãy rèn luyện một sự chơn chánh tỉnh giác (nghĩa là sự tỉnh giác không có sự chọn lựa xen vào làm mất đi sự trung thực của đối tượng đang quan sát).

Một tâm không được tu tập thường có phản ứng như là tham đắm những gì xinh đẹp, lên án những gì thô xấu, chấp thủ điều gì mình thích, và xua đuổi điều gì mình không thích, luôn phản ứng với tham lam và sân hận.

-   Tâm mệt nhọc và mất thăng bằng

Khi sự thuần chú tâm được tu tập ngày càng nhiều hơn chúng ta sẽ học cách hiểu biết những tư tưởng và cảm thọ của mình, những hoàn cảnh và mọi người chung quanh chúng ta mà không có sự tham gia của tham hay sân.

Chúng ta bắt đầu có một sự hiểu biết đầy đủ và trọn vẹn về hiện tượng đang xảy ra với một tâm yên tịnh và thăng bằng.

Sự tỉnh giác hay sự thuần chú tâm không chỉ hạn hẹp trong một thời gian ngồi thiền nào đó vào buổi sáng hay buổi chiều.

Nếu nghĩ rằng chỉ lúc ngồi thiền mới là thời gian để tỉnh giác và tất cả phần còn lại trong ngày thì không. Sự suy nghĩ như thế sẽ làm vỡ vụn đời sống của chúng ta và phá huỷ sự tăng trưởng thực sự của sự hiểu biết.

Sự chánh niệm có thể áp dụng và thích hợp trong mỗi phút giây, trong lúc ta đang ngồi, đứng, nằm, nói chuyện, hay ăn uống.

Chúng ta nên tu tập trạng thái thuần chú tâm trên tất cả mọi đối tượng, mọi trạng thái của tâm, trong mọi hoàn cảnh. Mỗi phút giây nên được sống trọn vẹn và tận lực.

Trong suốt thời gian luyện tập này mọi sự được làm chậm lại để chúng ta có cơ hội quan sát thật kỹ điều gì đang xảy ra. Khi chánh niệm đã phát triển tốt, bạn cũng có thể làm mọi việc nhanh lẹ. Nhưng đây là thời gian luyện tập, không có việc gì phải vội vã. Hãy làm mọi việc một cách chậm rãi, yên lặng và tỉnh giác.

Ngay từ lúc bạn thức giấc, ngang qua tất cả mọi việc được làm trong ngày, bạn hãy thật chánh niệm, hãy biến tất cả chúng là Thiền.

Có giá trị lớn trong việc làm chậm lại tất cả mọi hoạt động hằng ngày của chúng ta. Không vội vã, không có nơi nào để đi, không có việc gì khác để làm. Hãy thoải mái quan sát trong từng phút giây hiện tại.

-   Khẩn Trương Một Cách Chầm Chậm

Khẩn trương trong ý nghĩa là sự cố gắng của chúng ta luôn liên tục và không yếu kém đi, nhưng chúng ta tu tập khẩn trương với sự thoải mái và tâm bình an. Kiên trì và cố gắng tối đa nhưng rất thư giãn và thăng bằng.

-   Thoát ra khỏi bóng tối của hang sâu; vào trong ánh sáng của tự do và tịnh lạc

Con người tiến bộ bằng nhiều phương cách khác nhau. Nhưng bất cứ những phương cách đó là gì, nếu chúng ta đang hướng mặt theo đúng hướng, tất cả những gì chúng ta phải làm là hãy tiếp tục bước. Nếu điều ấy cần một năm, hay 60 năm, hay 5 kiếp sống, dù lâu như thế nào chúng ta vẫn hướng về ánh sáng, thế là đủ, đó mới là vấn đề. Sự phát triển trọn vẹn của tỉnh giác đến từ kinh nghiệm các pháp với một tâm vắng lặng, chứ không phải với những suy nghĩ và khái niệm của chúng ta về chúng.

Bạn hãy nhìn sâu xa về việc: Làm thế nào tư tưởng phát sinh ra từ hư không và cũng hoại diệt vào trong hư không?

Hãy xem xét sự đau, hãy nhìn xuyên thấu bên trong của nó. Hãy luyện tập tâm tối đa, không suy nghĩ về các pháp, mà chỉ với sự TỈNH GIÁC thầm lặng. Trong thời gian thực tập có vẻ như không có gì nhiều đang xảy ra, ngoại trừ sự đau đớn, trạo cử, xao động, và nghi ngờ. Nhưng thực ra, mỗi một giây phút của Tỉnh Giác, mỗi một phút giây của Chánh Niệm đang giúp làm suy yếu đi vòng xích tham đắm của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta cần là hướng mặt về phía giải thoát, tự do, không đi ngược về phía sau, cũng không hướng về phía ngày càng đen tối hơn.

Hãy dịu dàng với chính mình. Hãy kiên trì. Mặc dù nó có thể không rõ ràng đối với bạn, nhưng có một sự thay đổi lớn lao đang xảy ra trong bạn. Như trái cây đang chín trên cây. Khi mặt trời rọi lên nó, trái cây ấy chín dần, mặc dù từ ngày này qua ngày khác, tiến trình ấy có thể không cảm nhận được. Cũng giống như vậy, những sự thay đổi và “chín muồi” trong tâm chúng ta cũng đang tiếp diễn.

Bạn hãy nhớ rằng, Đức Phật chỉ là người chỉ đường, mỗi chúng ta phải tự mình bước trên con đường ấy. Không ai có thể giác ngộ thế cho người khác. Những cấu uế tham, sân và si hiện diện trong tâm của chúng ta. Không ai đặt chúng vào nơi ấy, cũng không ai có thể mang chúng ra, chúng ta phải tự thanh lọc cho chính mình.

Một trong những chướng ngại lớn nhất trên con đường giác ngộ của chúng ta là tâm hoài nghi. Sự hoài nghi làm tâm bị bất lực, ngăn trở sự nỗ lực của chúng ta trong vấn đề thanh lọc tâm. Chỉ đến khi nào chúng ta thấu hiểu tận tường về nó, thì tác hại của nó mới chấm dứt. Tâm hoài nghi thường khởi sinh về ta đang làm gì, và khả năng của ta để làm điều ấy.

Có lẽ từ khi bạn đến đây, tư tưởng này đã phát sanh:

- Tôi đang làm gì ở đây?

- Tại sao tôi đến?

- Tôi không thể làm điều ấy, nó thật là khó cho tôi !

Hoài Nghi: Chướng ngại lớn nhất trên con đường Giác Ngộ

Sự nhận biết là phương cách mạnh mẽ nhất, hiệu nghiệm nhất trong việc vượt qua bất kỳ chướng ngại nào.

Một trong những cách để đối trị với triền cái khi ta đối mặt với chúng trên con đường Giác Ngộ là: nhận biết chúng, nhìn rõ chúng trong từng khoảnh khắc.

Nếu tham dục hiện khởi, hãy biết tức khắc rằng có tham dục trong tâm ta. Hãy cố gắng nhận ra tức khắc chướng ngại nào đã khởi lên - nó có thể là sân giận, hôn trầm, trạo hối hay hoài nghi.

---oOo---

BÀI LIÊN QUAN

Hồi quang phản chiếu & Phản quan tự kỷ  ( Hòa thượng Thích Thanh Từ , 5937 xem)

Trí tuệ Bậc Giác ngộ  ( Hòa thượng Thích Thanh Từ , 4490 xem)

Thiền Phật giáo trong thời kỳ hội nhập  ( Sư cô Hằng Liên , 4670 xem)

Thiền hơi thở và con đường tâm linh  (Larry Rosenberg - Giác Kiến dịch , 6409 xem)

Thiền: Sự chú ý đơn thuần và trạng thái tỉnh giác  ( Thượng tọa Minh Thành dịch , 83778 xem)

Hồi quang phản chiếu & Phản quan tự kỷ  ( Hòa thượng Thích Thanh Từ , 7976 xem)

Một tuần với khoa học yên lặng: Thanh tịnh tâm và giải thoát cái tôi  (Daniel Siegel - Liên Trí dịch , 5314 xem)

Thiền định - Những trải nghiệm ở Miến Điện  ( Hòa thượng Giác Thường , 9311 xem)

Tu theo Số Tức Quan  ( Hòa thượng Giác Dũng , 5605 xem)

Thiền quán  ( Thượng tọa Giác Trí , 4764 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ

Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.

Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023

Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ