Trang chủ > Hoạt Động Hệ phái > Khoá Tu
Vật phẩm dâng Thầy
Xem: 2622 . Đăng: 01/03/2023In ấn
Vật phẩm dâng Thầy
Chiều ngày 27/02/2023 (nhằm ngày 08/02/Quý Mão), ngày tu thứ 6 trong khóa tu Sống chung tu học lần thứ 16 của Ni giới Giáo đoàn III, được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Trung (thị xã An Khê, Gia Lai), Thượng tọa Giác Hiền – Phó trưởng ban Kinh tế tài chánh Giáo đoàn III, chia sẻ tới hội chúng ý pháp trong bài kinh Dụ lõi cây trong kinh Trung Bộ, thông qua đó, Thượng tọa nhắc nhở Ni chúng biết tu học đúng đắn trong giáo pháp Như Lai, để làm vật phẩm kính dâng lên Đức Thầy.
Đầu tiên, Thượng tọa kính ngưỡng, xưng tán công hạnh của Đức Thầy:
Thời nay mà có được một vị Bồ-tát như Đức Thầy xuất hiện ở Việt Nam, nhất là vùng Nam Trung, tu hành hạnh Bồ-tát là một điều rất may mắn không chỉ cho Tăng Ni Khất Sĩ mà là phúc phần của tất cả chúng sanh.
Chúng ta nhận thấy nơi Đức Thầy sáng lên ba điều:
1. Tu lục độ Ba-la-mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ.
2. Ngài để lại 12 lời nguyện, công hạnh chẳng khác nào đức Phật Dược Sư, Bồ-tát Đại Tạng, Bồ-tát Quán Thế Âm.
3. Sau khi viên tịch, ngài để lại rất nhiều xá-lợi, minh chứng cho việc thành tựu trong sự nghiệp tu hành.
Chúng ta có duyên làm con cháu của Tổ, của Đức Thầy, có thể nói, thời nay có khá nhiều tông môn pháp phái khác nhau, nhưng trên bình diện chung, Hệ phái Khất Sĩ có điểm đặc biệt, rất riêng, rất nổi bật, chúng ta tu học theo Hệ phái Khất Sĩ, thật hoan hỷ, hạnh phúc với những ân đức mà Tổ Thầy đã để lại cho chúng ta.
Đặc biệt, ngày nay Ni chúng giáo đoàn III rất hưng thịnh, rất vững mạnh, Ni chúng ngày càng đông, các khóa tu Bồi dưỡng Đạo hạnh, các khóa tu dành cho Tì-kheo-ni… thường xuyên được tổ chức, có thể nói, chúng ta vững niềm tin khi được tu trong giáo pháp Khất Sĩ, được làm một thành viên, con cháu của Tổ Thầy là một vinh hạnh lớn lao”.
Tiếp đó, Thượng tọa chia sẻ ý kinh:
Biết ơn, mà muốn thiết thực báo ơn, thì chúng ta phải thật tâm tu tập, có thành tựu mới đền đáp được phần nào ân đức lớn lao mà quý ngài đã dành cho chúng ta.
Tưởng niệm là tốt, nhưng chưa đủ, thiết thực đền ơn là thành tựu trong tu hành.
Tu có nhiều cách, mình nên chọn cách nào cho hiệu quả, nhanh chóng và thiết thực nhất. Đời người vô thường ngắn ngủi, không tranh thủ ắt sẽ luống qua. Phải biết chiết trạch, có nhận thức đúng đắn, như ý pháp trong bài kinh Dụ lõi cây thuộc Trung Bộ kinh có nói.
“Có người do lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình,… vị ấy xuất gia như vậy, được lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Do lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng này, vị ấy hoan hỷ, tự mãn,… vị ấy khen mình, chê người,… Và vị ấy không phát khởi lòng ao ước và không cố gắng tinh tấn để chứng được các pháp khác cao thượng hơn, thù thắng hơn những lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng. Vị ấy trở thành biếng nhác và thụ động”.
Cũng như cây gỗ có lõi quý ở trong, người không biết, sẽ chỉ chặt lấy cành nhánh, lá lảy, vỏ trong, vỏ ngoài,… tất cả đều không sử dụng được.
Như trong kinh Kim cang, Phật dạy: “Tất cả tướng đều là hư vọng”, hễ chấp tướng chấp danh thì sẽ bị vướng mắc.
“Nếu thấy các tướng không phải là tướng, sẽ thấy được Như Lai”. Biên giới giữa có và không cách nhau không xa, không phải là cái gì cũng không, có! nhưng đừng để dính mắc vào cái “có” thì đúng pháp, đã dính mắc thì bị ngừng lại, không tiến thêm được nữa, đứng chết cứng ở đó, vướng trong danh lợi, khen mình chê người, đó là người lấy phần vỏ, phần giác mà bỏ đi phần lõi cây.
Theo tinh thần của Phật giáo, ta thấy người khác chưa tốt, nên khởi lòng thương, không nên sinh tâm khen chê.
Thượng tọa chia sẻ kinh nghiệm sống của bản thân:
Đối với người tu chúng ta, thấy ai không được tốt, mình cũng không nên sinh tâm chê bai, chỉ cần họ có thành kiến với chúng ta, không gần gũi với nhau được thì chúng ta sẽ khó làm đạo. Vì vậy, chúng ta tập tánh không phân biệt, không đánh giá, không bình phẩm, chỉ lấy họ làm kinh nghiệm để xem lại mình.
Nhân đây, Thượng tọa nhấn mạnh tinh thần tự phản tỉnh trong Phật giáo.
Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là người có tinh thần tự phản tỉnh vĩ đại nhất. Chỉ cần dạo qua bốn cửa thành, gặp gười già, người bệnh, người chết, Thái tử Sĩ-đạt-ta liền tức khắc tỉnh ngộ, kiếp người không ai tránh khỏi sanh già bệnh chết; rồi khi dạo đến cửa thành thứ tư, gặp vị Sa-môn thanh thoát, tự tại, Thái tử liền phát khởi tâm niệm xuất gia, cầu đạo giải thoát.
Tinh thần tự phản tỉnh là phương pháp rất hay, mượn cảnh bên ngoài để chúng ta nhắc nhở chính mình. Không để cho cảnh chuyển, muốn vậy, khi tiếp xúc với cảnh trần, chúng ta phải thường tỉnh thức, thấy được cảnh bên ngoài thì phải quay về, nhìn thấy nội tâm, tự nhắc mình phải chánh niệm tỉnh giác, không để bị cuốn theo hồng trần.
Có tu tập đúng chánh pháp, sẽ có an lạc. Chúng ta hữu phước hữu duyên, được xuất gia và tu tập theo đường lối Tổ Thầy, nay chư Ni nhiều nơi đã xây dựng được những ngôi tịnh xá khang trang, thế nhưng, chùa to Phật lớn không phải là đủ để đền đáp công ơn các bậc Tổ Thầy, mà quý vị phải hướng tới pháp cao thượng hơn, đó là sự an lạc, giải thoát.
Như lời đức Thế Tôn dạy trong kinh Dụ lõi cây:
“Này Bà-la-môn! Không phải vì lợi ích, lợi dưỡng, tôn kính, danh vọng; không phải vì lợi ích thành tựu giới đức, không phải vì lợi ích thành tựu thiền định, không phải vì lợi ích tri kiến. Và này Bà-la-môn! Tâm giải thoát, bất động, chính là mục đích của phạm hạnh, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh.”
Lời sau cùng, Thượng tọa chúc lành đến hội chúng, chúc Ni chúng nhiều sức khỏe, nỗ lực, tinh tấn, noi theo gương sáng của Tổ sư, giới hạnh của Đức Thầy, thành tựu tâm an định, giải thoát, bất động, giống như người tìm được lõi cây, thắp sáng ngọn đèn của giáo pháp Khất Sĩ, để hướng đến tri ân nhân dịp đại lễ 55 năm Đức Thầy thành lập Giáo đoàn Ni.
SC. Mãn Liên
-----oo0oo-----
Nguồn: www.daophatkhatsi.vn
BÀI LIÊN QUAN
Sự kiện Đức Thầy viên tịch ( SC Mãn Liên , 2696 xem)
Dừng lại - Nhẹ nhàng - Nghỉ ngơi - Chữa lành ( SC Mãn Liên , 3620 xem)
Ân đức của Đức Thầy dành cho Chư Ni ( SC. Tri Liên , 3188 xem)
Những ngày đầu tiên khi Đức Thầy thành lập Giáo đoàn Ni ( SC Mãn Liên , 3664 xem)
Long An: Khóa tu Bát quan trai tại Chùa Thuận Phước và Đạo tràng Ngọc Hưng (Vĩnh Hưng) ( Ban Truyền thông NGKS , 6300 xem)
Ý nghĩa thiết thực của việc cúng dường Đức Thầy ( SC Mãn Liên , 3720 xem)
Hoàn thiện tự thân chính là thiết thực báo ân ( SC. Tri Liên , 2864 xem)
Giáo đoàn VI: Khóa tu tưởng niệm 43 năm vắng bóng HT. Giác Huệ và kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo đoàn VI ( TK. Minh Điệp , 5408 xem)
Ni giới Giáo đoàn III: Khóa tu Sống chung tu học lần thứ 16 ngày đầu tiên ( Ban Thư ký khóa tu , 4184 xem)
Tiền Giang: Hòa thượng Giác Nhân thuyết giảng tại chùa Giác Hạnh ( Thuận Nghiêm , 5084 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng