Trang chủ > Hoạt Động Hệ phái > Khoá Tu
Thắp sáng lý tưởng của Đức Thầy qua 12 lời nguyện
Xem: 3662 . Đăng: 02/03/2023In ấn
Thắp sáng lý tưởng của Đức Thầy qua 12 lời nguyện
Khóa sống chung tu học do Ni giới Giáo đoàn III tổ chức, mùng 08/02 Quý Mão (nhằm ngày 27/02/2023), Ban Tổ chức cung thỉnh Thượng Tọa Giác Phổ - Phó ban Trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, tỉnh Đăk Lăk, Phó ban Thường trực Ban Hoằng pháp Giáo đoàn III, ban lời pháp thoại đến với hội chúng.
Là một Tăng sư thời hiện đại, cách xa Đức Thầy nhưng Thượng tọa rất tâm đắc đường lối tu hành và hạnh nguyện của Đức Thầy. Do đó nhân khóa tu tưởng nhớ Đức Thầy, Thượng tọa gởi đến hội chúng pháp thoại “Thắp sáng lý tưởng qua 12 lời nguyện của Đức Thầy.”
Thượng tọa nói rằng: “Dù là người tại gia hay xuất gia, khi khởi nghiệp, ai cũng đều đặt cho mình mục tiêu để hướng đến. Chúng ta nuôi dưỡng một lý tưởng để mong đạt được mục đích. Và trong đời sống sinh hoạt của bất cứ ai cũng đều có sự định hướng cho riêng mình. Hội chúng đang có mặt trong thiền đường này đều thừa hưởng ân đức của Tổ thầy và được an trú trong giáo pháp là đang thừa hưởng ân đức của Bổn sư, của tứ chúng và phước báu hộ trì của cư gia bá tánh. Do vậy, mỗi người chúng ta là những người con gái của Đức Thầy. Nhân khóa tu, chúng ta cùng nhau ôn lai công hạnh của Đức Thầy, người thắp sáng ngọn đước giáo pháp và thắp sáng hạnh nguyện của mình.”
Trong tiểu sử đức Thầy có ghi: “Đức Thầy sống rất dung dị, đồng lao cộng khổ với đệ tử, khi xây chùa cất cốc, Thầy chẳng nệ hà ra thân hướng dẫn các đệ tử cùng làm, chẳng màng nắng táp mưa chan. Khi thì nghiêm tịnh tu hành, khất thực hóa duyên, dạy đạo Tăng Ni. Đại nguyện của Ngài sao mà rộng lớn quá, khiến chúng ta phải cảm phục. Vào mùng 06 tháng 3 năm Canh Dần (1950), vì Phật pháp, vì chúng sanh mà Ngài đã phát 12 lời nguyện:
1. Tôi phát nguyện cái thân này cúng dường chư Phật.
2. Tôi phát nguyện cái thân này để cứu độ chúng sanh.
3. Tôi phát nguyện cái thân này để làm lợi ích cho chúng sanh.
4. Tôi phát nguyện cái thân này không làm ai khổ hết.
5. Tôi phát nguyện cái thân này không làm ai buồn giận hết.
6. Tôi phát nguyện cái thân này cho chúng sanh tiến đường tu.
7. Tôi phát nguyện cái thân này không bỏ ai hết.
8. Tôi phát nguyện cái thân này không làm ác ai hết.
9. Tôi phát nguyện cái thân này sẽ không thành Phật.
10. Tôi phát nguyện cái thân này chừng nào hết chúng sanh tôi sẽ thành Phật sau.
11. Tôi phát nguyện cái thân này theo Phật đời đời kiếp kiếp để độ chúng sanh.
12. Tôi phát nguyện dùng cái thân này để cầu nguyện cho thế giới được hoà bình, chúng sanh an lạc, dứt khỏi đao binh
Lời nguyện đầu tiên là “nguyện cái thân này cúng dường chư Phật.” Đức Thầy xin cúng dường thân mình lên chư Phật nghĩa là thân đức hạnh thiện lành được tu dưỡng trong Giới, trong Định và trong Tuệ. Điều này đồng nghĩa với việc phát nguyện thọ trì giới hạnh trong sạch, dùng hương giới đức để cúng dường. Trong Kinh Pháp Cú có ghi:
“Hương của các loài hoa
Chỉ bay theo chiều gió
Hương thơm người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay.”
Một người xuất gia lãnh thọ giáo pháp Phật phải phát nguyện nghiêm giữ hành trì, nếu không lập nguyện khó bề giữ được vì tâm phàm phu luôn có xu hướng chạy theo những điều bất thiện. Cho nên các vị Bồ-tát, các chư Phật trong ba đời muốn phát triển tuệ giác đều phải phát nguyện và hành trì theo lời nguyện của mình.
Lời nguyện thứ hai là “dùng thân mình để cứu độ chúng sanh.” Từ lời phát nguyện ấy mà Ngài từ miền Nam xa xôi truyền đạo ra miền Trung xứ Việt, mở mang mối đạo, tiếp chúng độ sanh, kiến lập đạo tràng, xiển dương giáo pháp khất sĩ. Trên bước đường truyền thừa và phát huy, Đức Thầy chịu không biết bao gian nan nguy hiểm có lúc tưởng chừng như không trụ được vì thời cuộc đất nước lâm cảnh chiến tranh, các đạo phái tranh chấp lẫn nhau. Với hạnh nguyện “thượng cầu phật đạo hạ hóa chúng sanh”, đức Thầy một mình một bóng du hành ra Miền Trung Phan Thiết, nơi núi non sông nước hữu tình, Ngài thành lập Tịnh Xá Ngọc Cát đầu tiên mở đầu cho việc tiếp chúng độ sanh, hoằng dương chánh pháp.”
Lời nguyện thứ ba là “làm lợi ích cho chúng sanh.” “Không chỉ truyền trao giáo lý Phật pháp cho đại đa số quần chúng nhân dân để mọi người biết quy y Tam bảo, làm lành lánh dữ, ăn ở nhân đức, an ủi mọi trước những sợ hãi vì chiến tranh mà Ngài còn hy sinh một phần thân thể của mình, đó là Ngài đã phát tâm hiến máu 4 lần tại Trung tâm Ngân hàng Huyết ở Huế và Sài Gòn. Ngoài ra, Ngài còn lưu tâm đến vấn đề từ thiện xã hội, giúp đỡ mọi người như cứu trợ nạn lụt miền Trung năm 1964, ủy lạo các quân lao, bệnh viện... Và nhiều việc Ngài đã làm theo tinh thần từ bi bác ái, không ngoài mục đích cứu độ nhân sinh. Mặc dầu thân tứ đại của Ngài đã xoay dần trên 70 xuân thu, nhưng Ngài vẫn khỏe mạnh và tích cực hoằng dương đạo Pháp.” (trích trong Tiểu sử Đức Thầy)
Lời nguyên thứ tư là “không làm ai khổ hết”. Từ khi xuất gia sống trong Giáo hội, đức Thầy luôn xông xáo công quả trong khắp các tịnh xá ở miền Nam trước khi đức Tổ vắng bóng. Khi sống chung với huynh đệ hay khi ra tiếp chúng độ sanh, Đức thầy luôn chan hòa từ ái đói với bạn đồng tu và đệ tử. Đem tình yêu thương để đối đãi với mọi người thân cũng như sơ. Trước khi xuất gia, đức thầy là vị thầy thuốc nam đi khắp nơi làm thuốc cứu đời. Do đó với tâm lượng của một vị thầy thuốc, dù đời hay đạo ngài luôn muốn giúp đỡ và thương yêu mọi người xung quanh dù đệ tử hay không phải đệ tử.
Lời nguyện thứ 5 là “không làm ai giận hết.” Khi cùng huynh đệ đi tìm Tổ, Đức Thầy đôi ba lần bị chính quyền bắt bớ đánh đập nhưng Ngài không tỏ ra phẫn nộ hay giận dữ trả thù, ngài luôn giữ tinh thần lạc quan, hy sinh vì đạo.
Lời nguyện thứ 6 “nguyện hy sinh thân này cho chúng sinh tiến đường tu.” Đức Thầy có đời sống giản dị, đồng cam cộng khổ với đệ tử. Trên đường hành đạo ra miền Trung cũng gặp không ít khó khăn nhưng đức Thầy luôn quán sát nhân duyên và tùy cơ tiếp ứng. Khi xây chùa cất cốc, ngài luôn xả thân chẳng nề hà khó nhọc. Ngài luôn tự mình làm nhà cho chúng ở, lo lắng cho sinh hoạt của chúng. Để hướng dẫn Tăng chúng tu hành, bản thân ngài cũng phải tiến tu; lấy thân mình làm tiền đề để giáo hóa đệ tử và tín đồ.
Lời nguyện thứ bảy “không bỏ ai hết”, lúc đức Thầy trụ tại tổ đình Nam Trung Ngọc Tòng một số Ni trẻ xin xuất gia, Đức Thầy thâu nhận xong gởi đến đoàn Ni cho họ tu học, nhưng sau đó họ muốn xin trở về tu tập với đức Thầy ngài cũng dang rộng vòng tay từ ái tiếp nhận chư Ni, nhiệt tâm bảo ban, dạy dỗ. Với tinh thần “Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử”, Ngài thương chúng Ni trẻ tuổi với tình thương của người cha già, luôn bao dung và độ lượng.
Lời nguyện thứ tám “thân này không làm ác ai hết.” Từ khi xuất gia cho đến lúc ra hoằng pháp độ sanh, đức Thầy luôn sống đúng lời nguyện, bằng chứng là khi ngài cùng 7 huynh đệ khác đi tìm thầy mình (lúc Tổ sư vắng bóng) đã bị chính quyền và đạo giáo khác bắt nhốt tra tấn dã man, Đức Thầy cùng huynh đệ của mình vẫn giữ được đạo hạnh của một người tu giải thoát, nhẫn nhục chịu đựng dù cho có bị đánh đập cũng không đánh trả.
Lời nguyện thứ chín “tôi phát nguyện cái thân này sẽ không thành Phật.” Học theo hạnh nguyện của đức Bồ-tát Địa Tạng. Mặc dù đối với việc tu, Ngài rất tinh tấn, chuyên cần, tranh thủ không cho một chút thời giờ luống qua. Thấy có chút rảnh rang, Ngài tranh thủ nhập thất chuyên tu. Thế nhưng, Ngài lại phát nguyện không thành Phật điều này trái với hành động hằng ngày của Đức Thầy. Ngài muốn làm một vị Bồ-tát để cứu đời giúp người.
Lời nguyện thứ mười “tôi phát nguyện chừng nào hết chúng sanh tôi sẽ thành phật sau.” Nhưng chúng sanh không thể nào độ hết, chúng ta chỉ có thể tự tu không ai tu thế cho ai cả. Đức Phật cũng không thể độ hết chúng sanh và Ngài cũng không thể thay đổi định nghiệp của người khác. Ngài cũng chỉ có thể độ những người hữu duyên. Chính vì thế, đức Thầy noi gương chư Phật lập nguyện hành hạnh Bồ-tát, thực hành Ba-la-mật hạnh để hoàn thành tâm nguyện giải thoát hoàn toàn của mình.
Lời nguyện thứ mười một “tôi phát nguyện thân này đời đời kiếp kiếp độ chúng sanh.” Sau khi thành tựu Chánh đẳng Chánh giác, Đức Phật mới nhận ra mình cũng đã trôi lăn trong sanh tử luân hồi bao kiếp, nên Ngài nói: “Lang thang bao kiếp sống, ta tìm nhưng chẳng gặp, người xây dựng nhà này, khổ thay phải tái sanh”, (Pháp cú, câu 153). Cho nên, mỗi người phải phát nguyện, lời nguyện như lời răn nhắc bản thân tinh tấn tu hành, trước tự độ sau có thể độ người.
Và lời phát nguyện cuối cùng, nguyện thứ mười hai “tôi phát nguyện dùng cái thân này để cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sanh an lạc, dứt khỏi đao binh.” Nhìn cảnh chiến tranh, người dân lầm than cơ cực, bất an và sợ hãi, với tâm lượng đại bi, Đức Thầy muốn dùng thân mình che chở, gánh vác nỗi khổ chúng sanh. Chúng ta ngày nay may mắn sống trong thời bình nên có thể an yên tu hành, mỗi hành giả phải ráng sức tu để đáp trả ân Tổ Thầy và đàn na tín chủ.
Kết thúc thời pháp thoại, Thượng tọa nhấn mạnh, Đức Thầy phát 12 lời nguyện để làm kim chỉ nam dẫn dắt cuộc đời mình tu tập và thành tựu mỹ mãn. Ngài an nhiên trong sự sanh cũng như sự tử; sanh thì an lạc, tử thì an nhiên. Vào năm 1971, trong ngày kỷ niệm Đức Tổ sư vắng bóng tại tịnh xá Ngọc Tòng - Tổ đình Nam Trung (Nha Trang), Đức Thầy có nói: “Sứ mạng tròn xong, cuộc đời viên mãn, tứ chúng đủ đầy, kính dâng Thầy Tổ." Mấy tháng sau, trong lễ Tự tứ tại tịnh xá Ngọc Cát (Phan Thiết), ngồi giữa hội chúng Tăng Ni, Đức Thầy vỗ tay lên trán ba cái an nhiên thị tịch.
Hướng đến Kỷ niệm 55 năm Đức Thầy thành lập Ni đoàn, chư Ni cũng có lời phát nguyện bằng cách tham gia khóa tu sống chung tu học để cúng dường lên Đức Thầy. Đây được xem là khóa tu đền ơn và báo ân.
SC. Tri Liên
-----oo0oo-----
Nguồn: www.daophatkhatsi.vn
BÀI LIÊN QUAN
Đức Thầy Giác An: Đạo nghiệp sáng ngời ( SC. Tri Liên , 1952 xem)
Báo cáo Khóa tu Sống chung tu học - Lần thứ 16 của chư Ni Giáo đoàn III ( Ban Thư ký khóa tu , 4348 xem)
Ni giới Giáo đoàn III: Bế mạc Khóa tu Sống chung tu học - Lần thứ 16 ( Ban Thư ký khóa tu , 3912 xem)
Vật phẩm dâng Thầy ( SC Mãn Liên , 2632 xem)
Sự kiện Đức Thầy viên tịch ( SC Mãn Liên , 2696 xem)
Dừng lại - Nhẹ nhàng - Nghỉ ngơi - Chữa lành ( SC Mãn Liên , 3656 xem)
Ân đức của Đức Thầy dành cho Chư Ni ( SC. Tri Liên , 3224 xem)
Những ngày đầu tiên khi Đức Thầy thành lập Giáo đoàn Ni ( SC Mãn Liên , 3708 xem)
Long An: Khóa tu Bát quan trai tại Chùa Thuận Phước và Đạo tràng Ngọc Hưng (Vĩnh Hưng) ( Ban Truyền thông NGKS , 6348 xem)
Ý nghĩa thiết thực của việc cúng dường Đức Thầy ( SC Mãn Liên , 3764 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng