Trang chủ > Hoạt Động Hệ phái > Khoá Tu
NT. Hiệp Liên thăm và sách tấn Ni giới Giáo đoàn III
Xem: 1502 . Đăng: 06/05/2022In ấn
NT. Hiệp Liên thăm và sách tấn Ni giới Giáo đoàn III
Thuận theo sự sắp xếp của Ban lãnh đạo Giáo đoàn, hôm nay con trò xin chia sẻ kinh nghiệm tu học cùng chư huynh đệ và sách tấn cho các em tân Tỷ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni và Tập sự.
Kính thưa chư huynh đệ và các con thân mến!
Chúng ta là đệ tử của đức Phật, mang dòng họ Thích nên chúng ta phải noi theo gương hạnh của Ngài. Ngài là một vị vương giả dòng tộc sống trong đền đài cung điện, nệm ấm chăn êm, lầu son gác tía, vợ đẹp con ngoan mà Ngài đành cắt đứt tình phụ tử, nghĩa phu thê để đi tìm chơn lý, vạch ra mối đạo mà ngày nay chúng ta đang thọ hưởng gia tài Pháp bảo của Ngài. Nhất là đức Tổ sư Minh Đăng Quang – Người nối truyền Chánh pháp và mồi lại ngọn đuốc của Phật Tăng xưa.
Sự thật mà nói, chúng ta được sinh làm người đã đầy đủ lục căn là điều rất khó. Đây là phước báu từ nhiều đời, nhiều kiếp. Chính vì thế, đức Phật có dạy: “Nhơn hữu tứ nan”. Thứ nhất là Nhơn thân nan đắc, tức là thân người khó được mà nay chúng ta đã được thân người. Thứ hai là Phật pháp nan văn, tức Phật pháp khó nghe, mà nay chúng ta được nghe rất nhiều kinh pháp của Phật để lại, nằm gọn trong Tam tạng Thánh điển: Kinh-Luật-Luận. Thứ ba là Thiện duyên nan ngộ, là duyên lành khó gặp, mà nay chúng ta cũng đã gặp được thầy sáng, bạn lành, nhất là chúng ta đi đúng đường, đúng giáo pháp của Phật Tăng xưa đã đi, được Tổ sư nối tiếp truyền thừa của Phật Thích-ca và ba đời chư Phật hành trì, đó là Đạo Phật Khất Sĩ – Nối truyền Thích-ca Chánh pháp. Thứ tư là Tín tâm nan phát, tức khi gặp được Phật Pháp không phải ai cũng phát khởi tín tâm một cách trọn vẹn, dù cho gặp được Chánh pháp nhưng không có lòng tín đối với Phật-Pháp-Tăng thì sẽ không có lòng tín, không tín thì không tin và không thực hành theo những gì đã được nghe và học. Như thế, chúng ta phải hội đủ bốn yếu tố trên mới mong thành tựu được con đường giác ngộ.
Hôm nay, huynh đệ với con trò cùng một màu áo, chung thờ một lý tưởng, có những vị chưa gặp hoặc đã gặp con trò và trao đổi trong những khóa tu trước, cũng có chư huynh đệ đã gặp nhau nhiều khóa. Đến nay, “Khóa Sống chung tu học” lần thứ 14 trở lại, con trò có duyên lành được gặp lại chư huynh đệ, để trao đổi kiến thức riêng, gọi là thực hiện phần nào “kiến hòa đồng giải” của đức Từ phụ đã dạy chúng ta.
Thưa chư huynh đệ thân mến!
Trên đường học đạo thật xa dịu vợi, chúng ta tiến bước chắc chắn sẽ giẫm phải bao mũi gai nhọn cản trở và trước mặt hiện thăm thẳm hố sâu sừng sững những vách đá chơi vơi chặn lối đi của chúng ta. Ở trường hợp này, theo chư huynh đệ xử trí thế nào? Lùi lại chăng? Hay hăng hái tiến tới? Chắc chắn huynh đệ sẽ đồng tình với con trò là chúng ta không thể lùi lại mà vẫn anh dũng tiến lên, vì đó là hướng chúng ta đã nhắm tới, Bảo thành đã hiện trước mắt ta rồi, dù phải tan thân mất mạng, chúng ta cũng được hài lòng vì cái chết đó làm tăng thêm giá trị, và đưa ta vượt lên một nấc khá cao trên cây cao đạo hạnh.
Vậy những hố sâu sừng sững, những vách đá chơi vơi chặn lối đi của chúng ta là những gì? Đó là lòng ham muốn. Vì vậy trong Chơn lý “Luật nghi Khất sĩ”, Tổ dạy riêng cho giới xuất gia bài “Diệt lòng ham muốn”.
Mở đầu, Tổ dạy: “ Người nào trong lòng chứa đầy những sự ham muốn, làm các việc cho được danh vọng với đời thì khác nào mùi hương trầm bay thoảng qua thơm phức, nhưng trong giây phút thì tan mất hết; những người mê muội ấy chỉ biết háo danh, chớ không hề ra sức tìm chơn học đạo, dầu họ được toại kỳ sở nguyện đi nữa họ cũng vẫn nghèo hèn về đạo đức và sau đó họ còn ân hận mãi.”
Thưa chư huynh đệ! Tổ dạy tiền, tài, danh, vọng là một cái giả danh tướng bên ngoài, có đó rồi mất đó, không trường tồn vĩnh viễn. Nếu chúng ta chạy theo cái giả danh ông kia bà nọ hoặc trưởng giả đại gia thì ra đi với hai bàn tay trắng, chẳng đem theo được gì ngoài nghiệp báo tội lỗi khiến cái linh hồn, cái tâm ta phải ân hận mãi. Ngoài ra, Tổ còn dạy: “Sắc đẹp với sang giàu, hai thứ này giống nhau như miếng mật dính trên lưỡi dao, biết bao kẻ dại kê miệng nếm thử không ngờ phải bị đứt lưỡi đau đớn.”
Thưa chư huynh đệ! Sắc đẹp và sang giàu mang một sức quyến rũ mãnh liệt khiến nhiều người vì say đắm cái đẹp và ham sang giàu mà phải bị khổ lụy đến chết cũng như đưa lưỡi nếm mật trên lưỡi dao mà phải đứt lưỡi. Và Tổ ví người tu hành nếu không tránh xa tình dục thì cũng như cỏ khô đem kề gần lửa, nó sẽ bắt cháy phừng lên, không chữa chạy được. Cho nên, Tổ nhắc:“Trong các dục tình duy chỉ có thói say mê sắc tốt là dữ hơn hết, không có dục tình nào thắng nó nổi. Nhưng may thay có một mình nó mà thôi. Nếu như có một thứ dục tình nào khác cũng mạnh như nó thì khó mà học đạo được hoặc thành Phật được.”
Thưa chư huynh đệ! Sư Tổ dạy chúng ta phương pháp để diệt lòng ham muốn tưởng quấy thì chúng ta phải ngồi thiền tư duy suy xét: xét từ trên đầu suy nghĩ xuống dưới chân, ở ngoài suy nghĩ vô thân thể tức thì chúng ta thấy trong mình chỉ chứa những chất ô uế, xương thịt máu mủ; bên ngoài trơn láng mịn màng, bên trong chất chứa muôn ngàn nhớp nhơ. Suy nghĩ như vậy chúng ta sẽ gớm nhờn, mà trừ được các tư tưởng quấy, để tâm lòng chúng ta trở nên thanh tịnh như cũ.
Tổ dạy tiếp, người ở trong vòng ham muốn giống như kẻ điên cầm đuốc đi ngược gió, nếu không thông minh không nhanh nhẹn quăng bó đuốc thì sẽ bị cháy tay. Cũng như người tu chúng ta, nếu còn mang tam chướng là tham, sân, si và chưa thấy được đạo thì giống như kẻ điên cầm đuốc đi ngược gió mà thôi!
“Người đời bị các điều ham muốn làm lóa mắt, nên không biết đàng nào là đàng chánh, họ giống như nước bùn có lộn năm thứ màu, nếu có cái chi như gió làm cho nước xao động thì người dòm xuống nước không thấy được hình của mình.” Thưa chư huynh đệ, cái trí cũng thế, nếu bị các điều ham muốn làm chộn rộn thì nó trở nên nhơ bợn không thấy được đạo. Trái lại, những người biết thú tội ăn năn chừa cãi, nếu gặp được chơn sư hay bậc trí thức khai tâm tức thì ngộ đạo cũng như nước lọc hết chất bùn trở nên trong sạch, nhìn vô liền thấy hình ảnh rõ ràng. Lại như những kẻ quá trìu mến gia đình, hoặc mê của tiền gia thế thì giống như người mắc chốn lao tù, bị xiềng, bị còng, vừa buồn rầu, vừa hãi hùng. Ở trong khám còn mong ra được, chớ quá trìu mến gia đình thì khác nào chẳng dứt được sự khổ não.
Nếu chúng ta ham muốn quá thì phải chịu đau đớn, mà có đau đớn tất phải lo sợ. Tổ Sư dạy người học đạo giống như miếng gỗ trôi ra vàm sông, nếu không bị tấp vào bờ, không ai vớt lên, không phải vị hung thần hay kiết thần nào làm cho nó trở lại, không ở lình bình một chỗ, không hư không mục, tất nhiên sẽ chảy ra biển cả. Khi huynh đệ nhập đạo rồi, không còn bị các điều ham muốn làm cho lầm lạc, không để cho các tình dục làm chủ, giữ lòng thanh tịnh và ráng sức làm lành thì đắc đạo vậy. Tổ Sư dạy đạo không có hình dạng rõ ràng, ta muốn biết nó ra sao chẳng có ích chi cả nhưng chúng ta lo trau dồi tâm trí thì quý lắm, cũng ví như tấm kiếng lau chùi sáng bóng, tức nhiên hình soi thấy rõ ràng. Bởi vậy, ngày nào con người dứt được các điều ham muốn, lòng vẫn trống không tức thì cửa đạo mở rộng.
Huynh đệ mới vào học đạo, cũng giống như một người chống cự với muôn ngàn kẻ địch. Ví như người kia mặc y giáp mang khí giới ra trận hoặc người ấy sợ mà trở lại liền, hoặc đi nữa đường trở lại, hoặc tử trận, hoặc thắng trận, về xứ được nhiều người tôn trọng vinh quang. Bởi vậy, nếu ai bền chí giữ gìn tánh hạnh, hết sức ăn ở theo đường đạo đức, không để cho sự dốt nát mê muội làm lầm lạc thì huynh đệ sẽ tránh được hết các tình dục và sẽ đắc đạo. Lại nữa, người học đạo cũng giống như sắt, người ta nấu đặng lọc cho sạch, nấu nhiều lần mới lấy ra hết sét và cặn cáu, chừng ấy mới có thể dùng làm nên nhiều đồ tốt. Cũng như thế, những người nhập đạo cũng phải sửa đổi sạch cái tâm, chẳng cho dính chút bợn nhơ nào và cứ một lòng lo trau dồi đạo đức thì thế nào cũng đắc đạo. Bằng như lo rầu làm cho hư hại tinh thần, chỉ khiến cho họ ngày càng xa đường đạo, mà hễ xa đường đạo thì phải lầm lỗi, tội nghiệp càng chất chứa thêm hoài.
Phật xưa có dạy: “ Các người đừng quá tin ở tấm lòng của các người, các người hãy ráng giữ mình, đừng để say đắm về hình thức vì hễ say đắm về hình thức thì phải chịu đau khổ, ngày nào được chứng quả La-hán rồi chừng ấy mới nên tin ở lòng mình.” Lìa cha mẹ, bỏ nhà cửa đặng nhập đạo, một lòng quyết chí học hỏi cho rõ chơn tâm bổ tánh và hiểu thấu phép vô vi của Phật, tức là thành một vị Tu-đà-hườn. Một khi chúng ta đã dứt hết sự dục tình, dục vọng, không thọ lãnh cái chi nữa, không tìm kiếm cái chi nữa, không bị đạo ràng buộc nữa, không bị việc trở ngại nữa, không còn tư tưởng nữa, không còn hành động nữa, ngay khi đó, chúng ta đã giải thoát rồi.
Trong quyển “Ánh đạo vàng” của Võ Đình Cường có đoạn:
“Lúc đức Phật thắng được Ma vương, chứng được đạo quả, Ngài nói, giờ Ta đang đứng trên cao và nhìn sau lưng thấy hàng chúng sinh đệ tử đang đi theo con đường của Ta còn rất xa, còn rất nhiều bùn lầy chông gai thử thách có vượt qua được không? Ta rất thương tâm!” Thế thì đường tu chúng ta còn rất dài và bao thử thách khó khăn còn đang chờ đợi, chúng ta phải dùng gươm trí huệ chặt đứt, phải có sức mạnh và nghị lực để vươn lên.
Ngoài ra, huynh đệ cũng nên nhớ một vài điều quan trọng sau:
1. Là người xuất gia phải biết “hổ” và “thẹn”.
2. Làm trong sạch thân, khẩu, ý và có cuộc sống thanh tịnh.
3. Giữ gìn bảo hộ cửa ngõ năm giác quan, không để cho tâm bị các thú vui làm mê hoặc.
4. Không ca ngợi chính mình, nói xấu kẻ khác, không lười biếng và đam mê ngủ nghỉ.
Thưa chư huynh đệ! Việc đầu tiên của một người xuất gia cần làm là phải biết “hổ” và “thẹn.”
“Hổ” đối với chính mình, vì mình nhìn thấy trong nội tâm vẫn còn mê muội tham muốn và nhiều tật xấu ác, thói quen tệ hại chưa chỉnh sửa đoạn trừ.
“Thẹn” đối với người khác, nhìn thấy huynh đệ đồng tu tinh tấn, siêng năng đạt được những thành tựu trong sự tu học, còn bản thân của mình cứ giậm chân tại chỗ. Tổ Quy Sơn khuyến nhắc:
“Chỗ đi năm trước, tấc bước không rời
Lơ lửng một đời, lấy gì nương cậy”.
Mọi người cùng tu đều tiến bộ vượt bậc, còn riêng mình thì vẫn như xưa, không có gì thay đổi. Điều này cần phải biết hổ thẹn, nhìn lại mình để sửa đổi. Người đời thì hổ thẹn với bổn phận đạo đức của một con người nên không dám làm những điều sai phạm, xấu xa trụy lạc, còn đối với người xuất gia thì luôn nghĩ lại bổn phận tu hành của mình.
Tổ Quy Sơn nhắc nhở: “Từ bỏ cha mẹ xuống tóc theo thầy, ý ông muốn vượt lên chỗ nào.” Ngày nào cũng phải đem câu đó để tự hỏi mình, thường xuyên ôn nhắc lý do và mục đích tu hành sẽ tạo thành động lực mạnh mẽ thôi thúc bản thân tự biết phải làm gì để đúng đắn phù hợp với hình tướng một người xuất gia. Và “tâm kỳ Phật pháp đống lương, dụng tác hậu lai quy cảnh”. Tạm dịch: Tâm hẹn làm rường cột cho Phật Pháp, làm gương mẫu cho người sau noi theo. Chúng ta cần phải nhìn theo những tấm gương sáng trong hiện tại cũng như những đức hạnh cao vời của đức Phật Tổ ngày xưa và thầm hẹn trong lòng cũng phải làm được như vậy. Vậy khi chí khí tu hành thành tựu đạt được giác ngộ thì chúng ta mới có thể làm rường cột cho Phật Pháp, làm gương cho đời sau “ngược lại dù xuất gia vào đạo trước nhiều năm, nhưng đời sống của chúng ta không có mẫu mực, chẳng có nết hạnh, đạo đức, thì những người vào chùa sau không dám bắt chước theo mình. Phải tự mình thấy trách nhiệm mà cố gắng tu hành, thì tự nhiên những lớp người ở phía sau cũng sẽ nỗ lực giống như mình vậy.” Tiên giác, giác hậu giác, người biết trước làm thức tỉnh cho người biết sau. Nếu người trước không giác ngộ thì người sau sẽ mê lầm. Vì vậy, cái danh phải đúng với cái thật, từng giây từng phút phải nhìn lại nội tâm để tự cảnh tỉnh lấy mình. Người có hổ thẹn mới có thể tiến bộ.
Thưa chư huynh đệ! Người xuất gia chúng ta phải biết rằng, lý tưởng của người xuất gia rất cao siêu nên cần phải cố gắng tu tập, gìn giữ sơ tâm lúc ban đầu của mình thì con đường tu tập mới có sự thăng tiến, bằng không chí hướng đó sẽ bị mai một theo năm tháng. Quý huynh đệ hãy nhìn hình ảnh cây gòn bị xốp bên trong thì không dùng được việc gì, thậm chí đem đi chụm giá trị thấp nhất cũng không có. Vì cây gòn chụm không cháy. Cũng vậy, người tu chúng ta cứ sống theo bản năng, không nỗ lực tu tập, không kiểm soát để chuyển hóa thân tâm thì dù ở trong đạo bao lâu cũng giống như cây gòn không có ích lợi gì cho mình và cho người chung quanh.
Thế nên, điều chính yếu là chúng ta phải chuẩn bị bộ tiêu hóa thật tốt để hấp thụ giáo lý của Phật, phải làm như Phật đã làm, phải sống như Phật đã sống, dù một đời chưa có thể thành Phật nhưng nếu niệm niệm hằng an trú trong Chánh pháp của Như Lai thì sợ gì không duy trì được gia tài Phật Tổ và sang đến bến bờ kia giác ngộ.
“Chén cơm trắng đẫm mồ hôi tín thí
Chiếc y vàng đẫm nước mắt của đàn na
Dâng cúng ai đã cắt ái ly gia
Tu đến chết để về nhà đức Phật
Ăn có thể nửa bữa, ngủ có thể nửa giấc,
Nhưng không thể đi nửa đường chơn lý.”
Chúc chư huynh đệ được an trú trong Chánh pháp của Như Lai và đến bờ giác ngộ.
NT. Hiệp Liên - Trưởng ban Quản sự Ni giới GĐ III
(Liên Uyển phiên tả)
-----oo0oo-----
Nguồn: www.daophatkhatsi.vn
BÀI LIÊN QUAN
Người biết sống một mình ( HT. Giác Trí , 1900 xem)
Ni giới Giáo đoàn III: Khai mạc Khóa tu "Sống chung tu học" lần thứ 14 ( Ban Thư ký khóa tu , 1784 xem)
HT. Giác Toàn thăm và sách tấn Ni giới GĐ III trong Khóa “Sống chung tu học” lần thứ 13 ( Vũ Liên , 2480 xem)
Ni giới Giáo đoàn III: Bế mạc Khóa tu "Sống chung tu học" – Lần thứ 13 ( Ban Thư Ký Khóa Tu , 2068 xem)
Báo cáo Khóa tu “Sống chung tu học” – Lần thứ 13 của chư Ni Giáo đoàn III ( Ban Thư Ký Khóa Tu , 1272 xem)
Ni giới Giáo đoàn III: Khóa tu "Sống chung tu học" lần thứ 13 - ngày thứ 10 ( Trang Liên , 1664 xem)
Ni giới Giáo đoàn III: Khóa tu "Sống chung tu học" lần thứ 13 - ngày thứ 9 ( Liên Uyển , 1556 xem)
Ni giới Giáo đoàn III: Khóa tu "Sống chung tu học" lần thứ 13 - ngày thứ 8 ( Ban Thư Ký Khóa Tu , 1148 xem)
Ni giới Giáo đoàn III: Khóa tu "Sống chung tu học" lần thứ 13 - ngày thứ 7 ( SC.Phường Liên , 1252 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 37 tưởng niệm 100 năm ngày sinh Đức Tổ sư Minh Đăng Quang
Ni giới Hệ phái Khất sĩ sẽ tổ chức khóa tu Truyền thống lần thứ 37 tưởng niệm Tổ sư vào tháng 8 âm lịch năm 2023 như sau: ĐỊA ĐIỂM: CHÙA THUẬN PHƯỚC ĐỊA CHỈ: SỐ 171, ẤP 4, PHƯỚC VÂN, CẦN ĐƯỚC, LONG AN Trụ trì: SƯ CÔ NGHIÊM LIÊN Thời gian tu: Từ ngày mùng 10/8 - 16/8 (âl) năm Quý Mão (24.9.2023 - 30.9.2023)
Thư mời viết bài Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, Lịch sử truyền thừa và những đóng góp
Thư mời viết bài Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Tư tưởng Phật học, Lịch sử truyền thừa và những đóng góp
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023
Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ