Trang chủ > Hoạt Động Hệ phái > Khoá Tu

Chơn lý - Pháp giới viên dung

Xem: 2494 . Đăng: 07/12/2023In ấn

Chơn lý - Pháp giới viên dung

 

Tối ngày 05/12/203 (nhằm ngày 23/10 Quý Mão), khóa “Sống chung tu học” lần thứ 17 của Ni giới Giáo đoàn III, được tổ chức tại tịnh xá Ngọc Tâm (thôn Bình Nghĩa, xã Bình Tân, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), từ ngày 30/11 ~ 07/12/2023, đã trải qua sáu ngày tu học. Được sự kiền thỉnh của Ban Tổ chức, Hòa thượng Giác Trong - Tri sự phó kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo đoàn III, trụ trì tịnh xá Ngọc Phước (thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa), đã quang lâm về trụ xứ để chứng minh buổi lễ Truyền đăng.

 

 

Sáng ngày 06/12/2023, Hòa thượng tiếp tục thăm hội chúng và khuyến tấn chư hành giả thông qua thời pháp thoại: “Chơn lý – pháp giới viên dung.”

Hòa thượng chia sẻ:

“Trong giây phút này, chúng ta có hạnh phúc lớn, chúng ta được sinh ra trong ngọn đèn Chơn lý của Tổ, được lớn lên trong ngọn đèn Chơn lý của Tổ và chúng ta đang hiện hữu chính mình trong ngọn đèn Chơn lý của Tổ. Ngọn đèn Chơn lý của Tổ đã soi sáng cho chúng ta, nhờ đó, chúng ta mới có mặt trong ngày hôm nay.

Tổ đã ra đời cách đây 100 năm và Tổ đã ra đi cách đây 70 năm, nhưng ngọn đèn Chơn lý mà Tổ đã thắp, vẫn muôn đời soi sáng cho từng bước chân của chúng ta đi trong cuộc đời.

Ngày hôm nay, chúng ta có mặt ở đây, là chúng ta có mặt trong Tổ, chúng ta đang ăn cơm Chơn lý của Tổ, chúng ta đang uống nước Chơn lý của Tổ, chúng ta đang mặc áo Chơn lý của Tổ, chúng ta đang ở nhà Chơn lý của Tổ và sự sống của chúng ta chính là sự sống từ Chơn lý của Tổ, đó là điều hạnh phúc nhất trong cuộc sống của chúng ta.

Trong cuộc đời này, có người sống 10 năm, có người sống 20 năm, có người sống 50 năm,… nhưng quan trọng nhất, trong quãng thời gian đó, chúng ta sống với ai? Dù sống 1.000 năm, mà chúng ta không sống được với Phật, với pháp, Tăng; không sống được với giới, với định, với huệ; không sống được trong đời sống Chơn lý, thì dù sống cả 1.000 năm chăng nữa, vẫn là cuộc sống lang thang, cuộc sống đi trong u hoài sanh tử.

Bảy ngày qua, đại chúng đã sống được trong Chơn lý của Tổ. Chơn lý đó là gì? Đó là giới, là định, là tuệ; đó là sự sống muôn đời của Phật tánh, của pháp tánh, của trí tánh mà mỗi một người chúng ta đều có, và chúng ta đều có thể trở về sống với sự sống không hạn lượng, không ngằn mé, không cùng tận này.

 

 

Tối hôm qua, trong buổi lễ Truyền đăng, chúng ta đã thắp lên ngọn đèn để cúng dường Phật, pháp, Tăng; chúng ta là những người được thừa tiếp ngọn đèn này để soi sáng cho cuộc đời của mình, soi sáng lời nói, việc làm của mình. Ở trong bước đi của mình, trong cuộc đời này, ngày hôm nay, trong sự thanh tịnh của mỗi tâm hồn, chúng ta phát huy được ánh sáng của giới, của định, của tuệ, để cung kính dâng lên cúng dường Phật.

Đại chúng biết rằng, ngọn đèn Phật là ngọn đèn của đại từ bi; Pháp là ngọn đèn của đại Bát-nhã; Tăng là ngọn đèn của đại thanh tịnh; giới là ngọn đèn của đại trang nghiêm; định là ngọn đèn của sự không giao động; tuệ là ngọn đèn của đại quang minh. Đó là những ngọn đèn mà mười phương ba đời chư Phật đã thắp, đang thắp, sẽ thắp trong sự sống, trong lời nói, trong việc làm, trong ý thức, trong tái tim của chúng sanh.

 

 

Tại đạo tràng tịnh xá Ngọc Tâm, Ni trưởng Đền Liên đã thành tựu phước huệ trang nghiêm, hơn 70 chư Tôn đức Ni đã có mặt ở đây, từ tự tánh thanh tịnh của mỗi người đã thắp lên ngọn đèn từ trong tâm, trong ý, trong sự sống của mình, để rồi cúng dường lên mười phương ba đời chư Phật, có thể nói, việc làm này, về sự thì thành tựu được vô lượng công đức trang nghiêm, về lý thì hiển bày tự tánh trí tuệ sáng suốt của Phật, tự tánh trí tuệ quang minh của pháp, tự tánh thanh tịnh của mỗi chúng sanh, sự lý viên dung ở trong việc làm mà ngày hôm nay chúng ta đã làm.

Soi trong ngọn đèn Chơn lý, chúng ta thấy rằng, tự tánh không lỗi, đó là giới.

Soi trong ngọn đèn Chơn lý, tự tánh không loạn, đó là định.

Soi trong ngọn đèn Chơn lý, tự tánh không si mê, đó là tuệ.

Điều này, với lời dạy của Tổ trong Chơn lý và lời dạy của Lục tổ Huệ Năng – hai vị Tổ sư đều hiện hữu trong một ý thức. Tổ sư Minh Đăng Quang dạy:

Thân trong sạch của mỗi chúng sanh, đó là xứ Phật.

Lời nói trong sạch của mỗi chúng sanh, đó là pháp của Phật.

Ý nghĩ trong sạch của mỗi chúng sanh, đó là con của Phật.

Tự tánh tâm trong sạch của mỗi chúng sanh, đó là đức Phật.

Như vậy, giữa lời dạy của Tổ trong Chơn lý và lời dạy của Tổ Huệ Năng, hai vị Tổ sư cách nhau bao nhiêu thế kỉ, thế nhưng tâm ấn của chư Phật vẫn nhất như, không thêm không bớt, không đầy không vơi, không sai biệt giữa giáo nghĩa thậm thâm của chư Phật trong ba đời.

Chúng ta hôm nay ở đây, cội nguồn tự tánh của mỗi chúng sanh đều là Phật tánh. Cội nguồn của tất cả vạn hữu là pháp tánh. Mà Phật tánh thì làm gì có lỗi lầm? Pháp tánh thì làm gì có si mê? Cho nên, tự tánh của Phật từ trước đến sau không có lỗi lầm, mà không có lỗi lầm, chính là giới thân huệ mạng của mỗi chúng sanh.

 

 

Hôm nay, chúng ta học Chơn lý, là chúng ta đi tận nguồn đáy của pháp giới chư Phật, tận nguồn đáy của pháp giới chư đại Bồ-tát. Như trong kinh đã dạy: Trong mỗi tâm niệm của chúng sanh, niệm niệm đều có Phật ra đời, niệm niệm đều có Phật hành đạo, niệm niệm đều có Phật chuyển pháp luân, niệm niệm đều đức Phật nhập đại Niết-bàn.

Chúng ta học về những lời dạy của Phật, của Tổ, của Thầy, để chiêm nghiệm những áo nghĩa thậm thâm vi diệu trong đó, tu tập, thực hành.

Hôm nay, chúng ta Tập sống chung tu học, sống với ai? Không những sống với đại chúng, sống với đoàn thể Tăng-già, sống với Ni trưởng, Ni sư, chư đại đức Ni; mà chúng ta còn sống với Phật, Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác, chư thiên cõi trời; sống với con người, a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Như vậy, sống với chúng sanh, mà chúng ta khởi được tâm từ bi đối với sự đau khổ của chúng sanh, nuôi dưỡng tâm từ bi đó trong lời nói, việc làm, trong ý thức; nếu chúng ta hằng thực hiện được như thế, thì trải qua từng ngày, từng tháng, từng năm, cho đến từng kiếp sống, đều viên mãn một đời, đây là áo nghĩa của Chơn lý.

Phật ra đời ở đâu? Ngài ra đời trong chính trái tim, trong tiếng nói, trong việc làm, trong ý nghĩ của mình, đây là Chơn lý của Phật Tổ, mỗi chúng sanh đều có Phật tánh! Người sống có Giới là có hạnh phúc, an vui, tịnh lạc”.

 

 

Hòa thượng có nhận định rất đặc biệt, ngài nói:

“Khi Thái tử Tất-đạt-đa đản sanh, Ngài nói: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”, nếu cho Sư dịch thì sẽ dịch như thế này: “Nếu con làm điều gì, mà con làm được trong giới, thì bàn tay của con là bàn tay của Phật, trên trời dưới đất, không bàn tay ai bằng được tay của con!”. 

Sống trong Chơn lý, thì niệm niệm đều có chư Phật ra đời, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập Niết-bàn, tất cả đều có trong từng giờ, từng phút, từng giây trong mỗi chúng ta.

Hôm nay, chúng ta trở về Đạo tràng tịnh xá Ngọc Tâm để tu học, mỗi người đều có tâm, đó là tâm Phật và mục đích duy nhất của chúng ta là trở về cái tâm của mình, tâm đó là tâm Phật. Con đường trở về tâm Phật có tám vạn bốn ngàn, trong đó có một con đường mà chúng ta đang đi, đó là con đường Giới - Định - Tuệ mà chư Phật ba đời đã dạy chúng ta.

Mỗi người đều có đất giới để mình trang bị, để trồng cây định, để trổ hoa trí tuệ; từ trong đất giới đó thành tựu năng lượng của sự giải thoát của chư Phật ba đời: Quá khứ, hiện tại và vị lai. Nơi nào có giới, nơi đó có định, nơi nào có định, nơi đó có tuệ; có giới, có định, có tuệ là toàn chân giải thoát!

Người xưa dạy: Muốn trị quốc gia, thì trước hết hãy trị gia đình của mình; muốn trị gia đình, thì trước hết hãy trị thân của mình; muốn trị được thân của mình, trước nhất phải trị được tâm của mình; muốn trị được tâm của mình, thì phải trị được ý của mình ; muốn trị được ý của mình thì phải giữ được nghiệp của mình.

Ở đây cũng vậy, chúng ta giữ tâm mình trong giới, trong định, trong tuệ; trong ánh mắt, nụ cười, việc làm, ý nghĩ. Cứ huân tập như thế từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, đó là hột giống mà đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã dạy, là hột giống Nhất Thiết trí của chư Phật trong ba đời.

Chư tôn đức Ni trong 6 ngày qua, đã sống được trong giới, trong định, trong tuệ; đời sống của quý vị đã có mặt trong Giới Định Tuệ, tức là đời sống của quý vị có mặt trong Phật, Pháp, Tăng”.

Hòa thượng dạy chư Ni trẻ:

“Các vị còn trẻ tuổi, sức khỏe còn tốt, hãy tập ngồi cho yên. Định hay không định chưa cần bàn, chỉ cần ngồi yên thôi, đã là một công phu. Ban đầu rất đau chân, nhưng hễ kiên trì, chịu rèn luyện, mỗi ngày mỗi chút, ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác, mỗi ngày chỉ cần tăng dần từ 5 phút, 10 phút, trải qua thời gian miên mật, đều đặn không bỏ, thì sẽ ngồi được vài giờ đồng hồ mà không cảm thấy đau chân. Chúng ta là phàm phu, phải chịu rèn luyện, tập dần như thế.

Trong kinh dạy, người muốn tập bắn cung, trước hết phải có chỗ đứng cho vững, thì mũi tên mới bắn ra chính xác được, cũng vậy, chúng ta ngồi mà đau nhứt quá, thì làm sao vào định được? Nên trước nhất chúng ta phải tập phương pháp ngồi, cứ tập mãi như thế, tuy rằng tâm ý chúng ta chưa định, nhưng thân chúng ta đã làm chủ được, thân không đau rồi thì mới có thể đề khởi các đề mục thiền định”.

 

 

Và cuối cùng, với lòng thương tưởng đàn hậu học – nhất là những vị chưa đủ phước duyên để vào các trường Phật học, hoặc du học các nước trên thế giới – Hòa thượng dạy:

“Ngày nay, giới tu sĩ đã xuất hiện rất nhiều vị Tiến sĩ, Thạc sĩ, chúng ta cung kính, hoan hỷ tán thán, vì phải học lần lên từng cấp bậc, rất khó khổ, không phải ai cũng có thể làm được. Nhưng nếu sống và thành tựu được Giới – Định – Tuệ, thì tất cả các vị đều có được bằng Tiến sĩ. Đó là bằng Tiến sĩ trì giới, bằng Tiến sĩ thiền định, bằng tiến sĩ niệm Phật, bằng Tiến sĩ nhẫn nhục, bằng Tiến sĩ công quả… Không cần dùng đến văn tự, ngữ ngôn, không cần dùng đến sách vở giấy bút, không cần dùng đến phương tiện nào hết, mà cũng có thể là Tiến sĩ! Tất cả chúng ta cũng đều sẽ cung kính, hoan hỷ tán thán những vị Tiến sĩ không cần bằng cấp này. Tất cả đều là Phật!

Cung kính nguyện cầu chư Phật mười phương ba đời từ bi chứng minh”.

 

Nam-mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật.

 

SC. Mãn Liên (tóm tắt)

Nguồn: www.daophatkhatsi.vn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ