Trang chủ > Đức Tổ Sư > Chơn Lý
Giác Ngộ
Xem: 5006 . Đăng: 26/01/2022In ấn
Giác Ngộ
GIÁC NGỘ
Vấn: Địa ngục có thật hay không?
Đáp: Có! Địa ngục là chính sắc thân của mình.
Tứ đại bốn vách che ngăn
Sở chấp là nóc, sắc thân là nền.
Chúng sanh là những tội nhân
Ở trong địa ngục bị hành phạt luôn.
Vấn: Có bao nhiêu thứ ngục môn?
Đáp: Địa ngục vô số kể tên không cùng.
Tâm bị nhốt trói vẫy vùng
Cái khổ ép ngặt khốn cùng biết bao.
Một niệm chấp chịu khổ đau
Tâm ích kỷ, tánh ác vào ngục môn.
Thân, miệng, ý tạo tác nên
Địa ngục lớn nhỏ đều tùy tâm sanh.
Nhân nào quả nấy quẩn quanh
Tạo nên địa ngục phạt hành ngày đêm.
Vách sắt, lửa cháy tối đen
Sình lầy chết ngộp bao phen đọa đày.
Vấn: Những sự trừng phạt thế nào?
Đáp: Trong địa ngục chịu khổ đau phạt hành.
Tội do thân khẩu ý làm
Mười điều ác nghiệp lẩy lừng vấn vương.
Kêu là thập điện Diêm vương
Khi mười tội dứt tiêu tan ngục hình.
Tam nghiệp tịnh là niết bàn
Không còn chết sống luân hồi trả vay.
Sự chết sống là đổi thay
Nghề nghiệp chọn lựa an bày kiếp sanh.
Vô minh nên phải quẩn quanh
Sợ đau khổ lại dấn thân tìm cầu.
Muốn tìm chết, bỏ khổ đau
Lại vào cảnh khác chịu đau khổ hành.
Bởi không biết đường thoát thân
Nên mới chịu khổ trầm luân nhiều đời.
Ở trong cõi sắc khổ đời
Việc làm lời nói gọi mời quả nhân.
Mỗi việc vây vi trói trăn
Ngày càng chất chứa nói làm nâng cao.
Như lòi tói sắt quấn đeo
Ý ở trong ấy khổ đau vẫy vùng.
Càng cựa quậy càng rối tung
Thì càng chết thảm vô cùng ai hay.
Cái sắc có ghê gớm thay
Đồng sôi như rượu, sắc thay cột đồng,
Đau thương châm chít khổ lòng
Tay chân kềm sắt vấu đồng xẻ cưa,
Chó sắt là sự ganh đua
Sông mê nguồn ái, đón đưa gọi mời.
Rắn sắt, cá sấu từ nơi
Độc ác, ganh ghét chiêu vời khổ tâm.
Sình lầy là sự tham lam
Lửa cháy sân giận, mê lầm đêm đen,
Xe sắt, ngựa sắt kéo lôi
Tướng sắt đánh đập, cảnh đời phong lưu.
Sức mạnh, tướng tốt, tài hay
Đều là địa ngục trả vay kiếp người.
Muôn ngàn thảm trạng chơi vơi
Lấy tội trừ tội, nghiệp đời càng sanh.
Đáng sợ địa ngục khảo hành
Vừa vơi, gió nghiệp chuyển sanh luân hồi.
Lầm đường lạc nẻo mãi hoài
Hướng theo cái có đời đời khó ra.
Hết đường mất lối hành hà
Tự mình tạo khổ, chấp ta điên cuồng.
Không một ai dám lại gần
Kẻ ấy khó biết cái không bên ngoài.
Nơi có đường đi xa dài
Sạch êm mát mẽ ban ngày sáng thông.
Phá bỏ vách sắt, tường đồng
Đến cảnh giải thoát không không nhẹ nhàng.
Nhứt định sẽ được bình an
Khi đã giác ngộ tìm đàng thoát thân.
Giảm dứt nghiệp tội buông lần
Tội tiêu chắc chắn được phần siêu sanh.
Vấn: Có ai cai quản ngục chăng?
Đáp: Có ! Cái lương tâm ấy chính là Diêm vương.
Nó là mặt sắt, mặt âm
Không tư vị, đó là tâm cang cường.
Nóng nảy nên gọi diêm vương
Cái trí phân biệt gọi là phán quan,
Tội lỗi ghi chép kỹ càng
Không sót một mãy, không quên một điều.
Ý muốn dục là tay sai
Khi vầy khi khác đổi thay vô thường.
Cái ta đi tới cuối đường
Tới chỗ kết quả không đường ngục trung.
Mã diện chạy nhảy lung tung
Ngưu đầu đen đúa ác hung bạo tàng.
Thân là nhà khám mênh mang
Miệng là cửa cái, chân tay cột nhà.
Dòn dông xương sống của ta
Da là vách lá, sườn là mè rui.
Hai lỗ mũi như lỗ hơi
Tai mắt là chỗ thông hơi của nhà.
Nhà có một cửa vào ra
Trong bị đóng kín, đường ra khó tìm.
Bên ngoài mở rộng tiếp duyên
Khiến nên đọa lạc triền miên bao đời.
Vấn: Tại sao gọi là huyết bồn?
Đáp: Huyết bồn là chỗ sanh thân con người
Những ai mà còn luân hồi
Còn tìm vào chỗ thai bào ngâm thân.
Vấn: Mạnh bà cháo lú có không?
Đáp: Có! Rún mẹ con ngậm gọi tên Mạnh bà.
Cháo lú là nước tinh ba
Trong thân mình mẹ để mà nuôi con.
Con nhờ đó sống lớn dần
Đến khi đủ tháng sanh thân ra đời.
Da mẹ như mặt đất bằng
Đứa con như giống mộng ngòi đang ngâm.
Trước khi sinh là ở trong
Thai bào ở chốn tử cung lâu ngày.
Đồ dơ nuôi mạng ngủ say
Nên quên hết việc xưa nay thuở nào.
Vậy nên gọi Ứ Vọng đài
Mạnh bà, cháo lú tích nay lưu truyền.
Vấn: Sao gọi là xuống suối vàng?
Đáp: Con đường nghệ nghiệp thênh thang trí tài.
Thình lình cái chết chắn ngang
Thất bại suy sụp không đường tới lui.
Đau đớn khổ sở vô cùng
Vách tường trước mặt, sau lưng chặn rồi.
Huỳnh tuyền dị lộ ôi thôi
Vô phương đào tẩu mất rồi thân sanh.
Vấn: Nói gương nghiệt cảnh có chăng ?
Đáp: Có ! Gương nghiệt cảnh, phản giác tâm rõ ràng.
Hiện đủ tội lỗi mình làm
Không thể chối cải không lầm quả nhân.
Khi khổ đau tức giận phiền
Việc qua ảo ảnh hiện tiền trong tâm.
Em bé đời trước sát nhân
Nay bị hốt hoảng thình lình việc chi.
Hiện ra cảnh cũ giống y
Đối diện cái chết như khi giết người.
Kẻ bị giết đòi mạng tôi
Vậy là nó chết như hồi gieo nhân.
Người nói bị ma quỷ hành
Thật ra nó bị tưởng hành, tưởng tri.
Trước phản giác kính tức thì
Thấy lại cảnh củ như khi mình làm.
Tâm dằn vặt tội vương mang
Bịnh trị không được suối vàng rước đi.
Người đâm heo, thọc huyết thì
Bình thường hăng hái nào suy nghĩ nhiều.
Đến lúc gặp cảnh khổ đau
Nghiệt cảnh phản dội nói làm sảng mê.
Công lý nhơn quả gần kề
Gieo nhơn hái quả khó bề trốn đâu.
Có hai hạng già giống nhau
Một ông lẫn lộn không sao an lành
Tư tưởng phản dội việc làm
Thấy ra quá khứ tội mình đã gieo.
Suy thời thất chí khổ đau
Địa ngục hiện đến khác nào nhân xưa.
Một ông ít lẫn, lẫn vừa
Bởi hành vi trước việc xưa ít lầm.
Nay đền trả nhẹ nhàng hơn
Tinh thần an ổn nên không lẫn nhiều.
Có ông già sống trong đời
Không lẫn bởi đã nhiều đời ít sai.
Trong tâm định tỉnh hòa hài
Có học đạo lý cũng hay tu thiền.
Biết sống theo lẽ trung bình
Tâm không sa ngã thọ tình hai bên.
Có giác ngộ, định tự nhiên
Không gặp nghiệt cảnh tâm hiền không mê.
Phản giác an ổn mọi bề
Của phước báo cảnh hiện về sáng vui.
Ông đã đứng trước cảnh trời
Khi sống lúc chết khỏe vui nhẹ nhàng.
Đó là kết quả việc làm
Không ai cướp được thiên đàng tự tâm.
Nhà sư khất sĩ du phương
Lìa xa tương đối nên thường vui an.
Tu tập công lý nhẹ nhàng
Bỏ dứt nhân quả như đèn lụn tim.
Nhiều năm nhiều đời đã quen
Tam nghiệp đã định không vương cảnh ngoài.
Trước mắt trí huệ của người
Ở đâu cũng chỉ là nơi phẳng bằng.
Trong sạch yên lặng thường hằng
Thỉnh thoảng phát khởi bi từ độ sanh.
Không còn cái sống sắc thân
Không còn trí não chỉ còn chơn như.
Đó là kết quả công phu
Là chỗ đến của chơn như niết bàn.
Cảnh giới địa ngục sắc thân
Ác, khổ, thất bại gian truân muôn phần.
Cảnh giới thiên đàng trong lành
Thiện, vui, sống và thành công miên trường.
Cảnh giới niết bàn, chơn tâm
Bình đẳng sáng rỡ siêu trần tánh chơn.
Ba mặt kiếng, ba cảnh tâm
Ba thế giới đó tự tâm mỗi người.
Các ác, cái thiện, chơn như
Đó là kết quả đến từ nơi ta.
Lúc sống trong cõi ta bà
Hay trong lúc chết hiện ra rõ ràng.
Có dời đổi hay định an
Tùy theo nhơn nghiệp đã, đang làm rồi.
Đúng y chơn lý vậy thôi
Xem người sắp chết ta thời biết ngay.
Buồn, lo, sợ cảnh hiện bày
Hoảng hốt, mê sảng khổ thay dữ dằn.
Là sẽ biết chỗ thọ sanh
Họ đối diện nghiệt cảnh gương tâm mình.
Sau khi thác tâm đảo điên
Ảo ảnh trừng phạt, bị tư tưởng hành.
Có đến cả ngàn năm sau
Chưa tiêu nghiệp tội khổ đau lại càng,
Cái quái trạng nơi việc làm
Không tan mất mà lại càng tăng thêm.
Lồng lộn, tức tối, dữ hung
Sự trừng phạt lúc lâm chung rõ ràng.
Lúc chết êm ái nhẹ nhàng
Cảnh giới người gặp thiên đàng tự nhiên.
Bởi tâm định trụ an yên
Nên có hiện tượng vui an hiện bày.
Nếu tâm không định có ngày
Khởi ác niệm, cảnh tượng này rã tan.
Là do lúc sống nói làm
Lúc thiện, lúc ác đan xen khôn lường.
Một người tu nhập định thường
Giờ chết lúc sống vẫn thường định yên.
Tức đắc niết bàn hiện tiền
Nhờ sự giác ngộ giữ gìn chơn như.
Nếu sự tỉnh ngộ chưa sâu
Như bậc sơ giác định lâu chưa bền.
Thì cần phải tập tu thêm
Hạnh tự giác ngộ, làm nền giác tha,
Đến khi toàn giác dung hòa
Thành tựu giác mãn mới là thành công.
Khởi bi nguyện độ chúng sanh
Giác hạnh viên mãn tánh đồng Như lai.
Một đời sống sẽ hiện bày
Ba cảnh giới có đủ ngay hiện tiền,
Địa ngục vô đạo, không yên
Chết trơ, thất bại không đường tới lui,
Thiên đường thiện đạo yên vui
Tây phương cảnh giới nghĩ ngơi yên bình.
Ba danh từ kết quả tâm
Cảnh ba giáo lý không gần, không xa.
Tâm hành cao thấp gần xa
Kết quả tương ứng tự ta tu hành.
Đó là cảnh tự tâm mình
Chẳng ai có thể giúp mình được đâu.
Vấn: Làm sao giải cứu cho người
Ở trong địa ngục chịu nơi khổ hình?
Đáp: Họ khổ bởi đang chấp mình
Muốn thoát khổ phải tự mình làm theo.
Họ khổ là bởi chấp đeo
Xác thân tứ đại giàu nghèo tríu mê.
Vật chất bao phủ bốn bề
Nên khi thất bại ủ ê não phiền.
Họ không còn biết các duyên
Dầu đang ở chỗ nhơn thiên đông vầy.
Họ cũng không thấy được ai
Và họ cũng chẳng thể cho ai đến gần.
Lời khuyên lơn tợ than hồng
Đốt nung tức tối tâm hồn không yên.
Nó ở trong cảnh buồn phiền
Tự mình cô lập thảm tình quạnh hiu.
Sự ác của nó càng nhiều
Thì sự khổ sẽ theo chìu tăng thêm.
Những người mà nó yêu thương
Không ai chia sớt, nó thường lẽ loi.
Nó càng khóc, người càng cười
Nào ai hay biết tâm người khổ đau.
Nó không tìm được đường nào
Ra khỏi tứ đại, vượt rào tham sân.
Nó càng muốn sống, muốn gần
Thì càng thấy chết một mình cô đơn.
Nếu còn chút trí biện phân
Thì nó mới biết mình đang lún chìm.
Thấp sâu nước đất khó tìm
Đường ra thoát khổ ghe phen mịt mờ.
Người có trí huệ bấy giờ
Nhìn thấy nó bị sa lầy rối ren.
Nếu muốn thoát phải tập rèn
Sửa thân khẩu ý không còn tríu mê.
Chết bỏ cái ta khen chê
Linh hồn siêu thoát bay về tây phương.
Có khi gặp được vị thiên
Trước kia đã biết tu hiền cư gia.
Đến khai mở để chỉ ra
Cho nó thấy được đường ra nẻo về.
Nhờ vị ấy dìu dắt lần
Mới ra khỏi chốn hồng trần trói trăn.
Tự nó phải giác ngộ lần
Hối quá dứt bỏ không còn vọng tham.
Rời địa ngục, đến niết bàn
Là pháp siêu độ của hàng thiện nhơn.
Cũng có người tội nặng hơn
Họ đang trong cảnh mơ màng ngây si.
Từ còn thân cho đến khi
Mất thân chưa tỉnh, sau khi chết rồi
Linh hồn mê muội lâu ngày
Không tỉnh ngộ, khó nhập thai làm người.
Nghiệp nặng từ khổ đến điên
Cảnh tượng ấy kêu đọa chìm ngục sâu.
Kẻ ấy thật khó hồi đầu
Trừ khi nó tỉnh cần cầu thoát ra.
Bấy giờ ánh sáng Phật đà
Hào quang pháp lý soi ra nẻo lành
Tâm giác ngộ nó phát sanh
Pháp sư ban rưới pháp lành dứt mê
Bừng tỉnh mắt thấy đường về
Nhìn khắp thế giới tâm bi phủ tràn,
Làm cho vách sắt tham lam
Lòng ích kỷ ngã sập tan không còn,
Lửa sân giận dập tắt luôn
Nồi chảo danh lợi bể tan mất hình.
Bấy giờ nó rất tự tin
Đứng đi theo Phật nói nhìn tự do,
Không còn phải bị chết co
Không mắc kẹt giữa ngục to khổ nàn.
Giờ đây nó rất nhẹ nhàng
Kinh nghiệm tỏ rõ không còn sa chân.
Bay bổng trong cõi hồng trần
Làm người cao thượng không còn trầm luân.
Có người ít tạo nghiệp nhân
Hào quang Phật có công năng biện tài,
Soi đến xiềng xích đứt ngay
Địa ngục sấm nổ vỡ ngay hiện tiền.
Là người có được căn duyên
Gặp đạo giác ngộ túc duyên nhiều đời.
Xuất gia về tịnh độ rồi
Ở nơi đất Phật mừng vui tuôn tràn.
Khi đắc trí huệ tâm an
Phát đại bi nguyện độ toàn chúng sanh.
Tức có tòa sen đỡ nâng
Có giáo hội, có hòa tăng hộ trì,
Đưa về cõi Phật liền khi
Sơ tâm bồ tát tổng trì độ sanh.
Có kẻ thấy được cảnh không
Thấy khổ người khác khởi lòng đại bi.
Trí thức ứng dụng tức thì
Giúp đỡ thiên hạ làm vì việc chung.
Như có được vầng mây lành
Của kẻ mến đức nâng lên thiên đường.
Hưởng được phước lạc vô biên
Chết bỏ địa ngục sinh lên cõi trời.
Nhưng không tham hưởng phước trời
Xuất gia khất sĩ sống đời du tăng.
Tu tập tâm chơn thường hằng
Chắc được bình đẳng an nhàn tịnh yên.
Bằng chẳng vậy nên tạo duyên
Nghe học pháp bảo trí yên tánh mầu.
Như có hào quang trên đầu
Tâm không mê muội ngỏ hầu tự tin.
Luôn luôn thính pháp văn kinh
Tâm mới yên định huệ sinh trí mầu.
Nhiều người quy hướng hộ trì
Như vầng mây đỡ chân vì chư thiên.
Tâm không định trí không yên
Mây tan đoàn rã khổ liền phát sinh
Hai nữa các vì chư Thiên
Chớ ham bóng sắc thân tiên dịu dàng.
Thân mình mới có hào quang
Không té rớt, được nhẹ nhàng sáng trong.
Chư tiên siêng năng dầy công
Trau dồi phước đức đừng mong phước nhiều.
Đừng ham toại hưởng phong lưu
Quyến thuộc quý mến, ngôi cao vững vàng.
Khi nào phước huệ đầy tràn
Xuất gia làm Phật lại càng quý hơn.
Chớ đừng tham chấp oai quyền
Không kiêng không sợ rả tan có ngày.
Cái vui vật chất của trời
Cái vui trí não của người giống nhau.
Hết thích ưa, nhàm chán mau
Ở trên cao mãi té nhào như chơi.
Dưới sâu chết ngộp nhóng trồi
Không ở một chỗ lâu dài bình yên.
Vấn: Lý như vầy người có tiền
Lại làm sớ điệp, cầu nguyền vái van.
Lầu kho, phướng xá lập đàn
Xin tội vong có được phần nhờ chăng?
Đáp: Thân địa ngục, trí thiên đường
Tâm người là cảnh tây phương nhẹ nhàng.
Cầu xin người đừng ác gian
Vái đừng mê muội, tham gian khổ mình.
Khuyến tu, tập thiện, làm lành
Còn việc sớ điệp chỉ làm cho vui.
Vừa lòng thân thuộc mọi người
Sự linh nghiệm có hay không còn tùy.
Biết đâu vía dại đôi khi
Lòng của kẻ chết vui cười chút thôi.
Thấy vậy mát dạ no vui
Cho rằng con cháu thương người chưa quên.
Nếu họ học đạo tu hiền
Đoạn dứt ích kỷ tham riêng cho mình.
Mới mong siêu thoát nhẹ nhàng
Lên cảnh giới Phật không còn đọa sa.
Vấn: Đến ngày kỷ niệm người ta
Có làm mâm cổ đủ đầy cúng vong,
Vái cầu vong linh về ăn
Như vậy có được chút phần nào chăng?
Đáp: Cha mẹ còn sống cần ăn
Con nên cung dưỡng đạo hằng hiếu thân.
Chết rồi biết có đó chăng
Mà lo cúng vái lăng xăng làm gì.
Việc làm ấy chỉ thích nghi
Chớ không có được ích chi vong hồn.
Việc ấy để dạy cháu con
Gương hiếu thảo biết làm tròn hiếu thân.
Có người hưởng của tiên linh
Nên lo cúng vái thỏa tình vậy thôi.
Vấn: Làm sao giúp kẻ chết rồi
Cho vong tội lỗi nhẹ hồi khổ đau?
Đáp: Biết rằng vong giả tội sâu
Thì con cháu phải tin sâu thực hành.
Hãy thuyết pháp hoặc giảng kinh
Cho vong tỏ ngộ làm lành gieo duyên.
Như vậy chắc họ được yên
Nhờ tu mà được tội khiên giảm dần.
Nhờ nghe pháp tỏ đạo huyền
Người được giác ngộ về miền lạc bang.
Vấn: Có phải đối với người thân
Tất cả khi chết phải cần cầu siêu?
Đáp: Người nào có giữ giới điều
Năm giới, tám giới cầu siêu làm gì
Vì họ đã biết đường đi
Về cảnh siêu vượt khỏi đi cúng cầu.
Năm giới sinh về cõi trời
Dục giới toại hưởng phước trời giàu sang.
Chữ siêu là vượt khổ nàn
Nên người Phật tử hiểu đàng mình đi.
Vấn: Nếu như đã nói vậy thì
Thiên đường, địa ngục cảnh này có không ?
Đáp: Sự cảnh cũng có, cũng không
Nhưng là cảnh giả đường mong tưởng nhiều.
Lý nghĩa là thiệt giáo điều
Dạy cho ta biết những điều nên tu.
Cảnh giả dầu có hay không
Cũng không ảnh hưởng tinh thần người tu.
Thân là địa ngục âm u
Thiên đường trí sáng, tâm tu cảnh nhàn.
Ấy là cảnh thiệt đời thường
Từ trong tâm trí nghiệm thường tỏ thông.
Cảnh ngoài hữu vô tương đồng
Sẽ dời đổi nên sẽ không chắc bền.
Dầu có đến đó hay không
Cũng không ảnh hưởng tinh thần của ta.
Giác ngộ cảnh trong tâm ta
Cảnh ngoài nếu có cũng là phụ thôi.
Niết bàn tâm hơn cảnh rồi
Trí thiên đường sẽ thiện vui hơn nhiều.
Thân địa ngục sẽ tự chiêu
Khổ hơn là cảnh ở ngoài thân ta.
Cảnh ngoài thay đổi mau là
Cảnh trong khó đổi bởi ta chấp lầm.
Kẻ đã giác ngộ tự tâm
Không lo nghĩ việc giả chân bên ngoài.
Vấn: Có cảnh giới những linh hồn
Bình thường như cõi xác thân con người.
Đáp: Có ! Linh hồn xác thịt không hai
Xác thân là quần áo nơi linh hồn.
Cổi bỏ thân xác áo quần
Còn lại cảnh giới linh hồn tự nhiên.
Có xác thịt là hồn linh
Đang mặc quần áo chuyện bình thường thôi.
Quần áo như nhà tạm thời
Linh hồn như chủ quyền nơi cửa nhà.
Cái đang biết sống là hồn
Xác thịt đâu có trí khôn con người.
Linh hồn thường tại đời đời
Không như xác thịt đổi thay vô thường.
Áo quần thay đổi luôn luôn
Như cây chuối mẹ (bỏ) cây con có liền.
Linh hồn thường tại theo duyên
Nếu sinh diệt chỉ có chăng một phần.
Sống chết, giáo lý danh từ
Chỉ sự giác ngộ cho người tỉnh ra.
Thiện là sống, ác chết là
Tâm luôn bị cái ác tà chôn sâu.
Cái khổ địa ngục đối đầu
Lẽ sống chết là chỉ câu vô thường.
Tâm thay đổi khó định yên
Nghề này nghiệp nọ đổi đường, đổi tên.
Thiện là đạo đường xa dài
Ác là đoản ngắn chết ngay mất đường.
Thân bằng da thịt gân xương
Bằng tư tưởng, bằng khí thường khác chi.
Cũng hoạt động, cũng đứng đi
Cùng một cảnh giới có gì khác đâu.
Ta và họ ít thấy nhau
Chuyện ai nấy biết liên can làm gì
Ta ở chỗ động đứng đi
Họ nơi chỗ tịnh hành vi như mình.
Nghề nào nghiệp nấy phân minh
Nhưng khác cảnh giới nên mình còn nghi.
Ta biết có không làm gì
Có hồn không xác việc này thường thôi.
Vấn: Trong đời nên sợ cái gì ?
Đáp: Nên sợ tội lỗi việc này cần hơn.
Biết pháp tương đối quả nhơn
Công lý có sẳn ta nên an lòng.
Thưởng phạt giác ngộ công bình
Giác ngộ được là con đường thênh thang.
Tự bình biết cách sống an
Hư nên tự chịu không phiền người trên.
Thưởng phạt cho ta biết đường
Các Ngài tròn phận không còn băn khoăn.
Từ đó tạo phước ta an
Tạo tội chịu khổ không liên can người.
Khi ta đã giác ngộ rồi
Mà còn làm quấy tội này về ta.
Trong đời tất cả mọi nhà
Ai cũng giác ngộ thật là an vui.
Chừng đó không có ông trời
Quan tòa, diêm chúa hay người tội nhân.
Vì giác ngộ là thánh nhân
Tội sanh pháp luật, quan đâu muốn làm.
Trong đời ai muốn làm quan
Là còn mê muội, tự cam khổ nàn.
Quan phạt người, ai phạt quan
Người kia tạo khổ phải mang án hình.
Quan xử phạt cho công bình
Phạt người lầm lỗi, tội mình ra sao.
Nhân quả có tha người nào
Nên trong trần thế đề cao công bằng.
Quan bị ép buộc mới làm
Nếu người giác ngộ, quan hàm ích chi.
Chẳng là làm Phật hết đi
Tất cả giác ngộ không gì quý hơn.
Sao chưa giác ngộ lẽ chơn
Để ai cũng rảnh không còn hơn thua.
Hết tội lỗi không quan vua
Nên sợ tội lỗi để cho công bình.
TÓM LẠI
Sự giác ngộ của chúng sanh
Là thật có chớ quan tòa vốn không.
Nên ta tự xét lấy lòng
Hổ thẹn tội lỗi mới mong dứt trừ.
Tốt hơn là để cho người
Chế trị xử phạt cực người lắm thay.
Tội lỗi có nơi sắc thân
Cái có, cái ác đến lần vô minh
Tham sân hành phạt lấy mình
Si mê nhốt phạt khổ thân vô cùng.
Hãy bỏ cái ác xuống chân
Đất vô dụng lót dưới chân làm nền.
Trí ta như cửa, như nhà
Tâm ta là chủ an hòa bên trong.
Tâm chủ bước đi thong dong
Nền sắc thân bọc đỡ nâng chủ nhà.
Trí thức làm chủ chắc là
Không còn tai nạn rầy rà vô minh.
Hồi nghĩ lại
Ai cũng từ có sanh thân
Loay hoay vật chất lo phần áo cơm.
Ăn mặc ở bệnh sắc thân
Cũng mong vui sướng dư hơn cho mình.
Chấp lấy sắc thân tôn vinh
Nào ta có nghĩ tâm mình ra sao.
Ác quấy tội lỗi thế nào
Chỉ lo thiện bị thiệt thòi kém thua.
Nào có nghĩ thiện bền vui
Hơn là cái ác tươi cười phù du.
Mà quả báo là khổ đau
Ngàn ngày đâu dễ quày đầu thoát ra.
Đến chừng khổ báo hành hà
Mới hay lầm lạc, mới là ăn năn.
Mới hết mê chấp xác thân
Chúng ta mới gặp chủ nhân của mình.
Không còn sợ sệt cúi lòn
Bởi ta trong sạch không còn sợ ai.
Cũng không tham muốn sắc tài
Thái quá bất cập bỏ ngoài, cắt duyên
Ta được nhập định nghĩ yên
Theo đường trung đạo gieo duyên niết bàn.
Vô thượng chánh đẳng giác chơn
Chơn như thành Phật niết bàn tự tâm
Phật nhờ giác ngộ nên thành
Chúng ta học Phật tự mình sẽ nên,
Biết sự giác ngộ tâm chơn
Quý hơn cái thiện, cái lành của thân.
Thiện lành trí thức thiện nhân
Cần hơn vật chất lợi danh cõi đời
Cái có tứ đại nơi ngoài.
Vậy sự giác ngộ rất cần cho ta.
Có giác ngộ mới hiểu ra
Thiên đường, địa ngục chính là tự tâm.
Giác ngộ mới hết mê lầm
Giác ngộ mới quý chơn tâm của mình./.
Tác giả: Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang
NT. Tuyết Liên chuyển thơ
-----oo0oo-----
Nguồn: www.daophatkhatsi.vn
BÀI LIÊN QUAN
Khuyến Tu ( NT. Tuyết Liên (chuyển thơ) , 2832 xem)
Chánh Pháp ( NT. Tuyết Liên (chuyển thơ) , 5708 xem)
Chánh Kiến ( NT. Tuyết Liên (chuyển thơ) , 5336 xem)
Tam Giáo ( NT. Tuyết Liên (chuyển thơ) , 5208 xem)
Thập Nhị Nhân Duyên ( NT. Tuyết Liên (chuyển thơ) , 6244 xem)
Thần Mật ( NT. Tuyết Liên (chuyển thơ) , 5484 xem)
Sanh và Tử ( NT. Tuyết Liên (chuyển thơ) , 4620 xem)
Ăn Chay ( NT. Tuyết Liên (chuyển thơ) , 5012 xem)
Cư Sĩ ( NT. Tuyết Liên (chuyển thơ) , 4212 xem)
Tánh Thủy ( NT. Tuyết Liên (chuyển thơ) , 6160 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng