Trang chủ > Giáo Pháp KS > Các Bài Viết
Tưởng niệm một vầng dương
Xem: 4922 . Đăng: 24/07/2022In ấn
Tưởng niệm một vầng dương
“Hữu hình, hữu hoại lẽ thường,
Hoa Đàm tuy rụng, mùi hương vẫn còn.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Công hạnh tu tập, dấu son ngàn đời”.
Những câu thơ giàu cảm xúc như nhắc nhở hàng hậu học mãi khắc ghi công ơn Tổ, Thầy, những bậc tòng lâm thạch trụ đã khai đường mở lối cho bao thế hệ tiếp nối và thừa truyền mạng mạch Phật pháp. Trong tâm cảm của niệm tri ân, xin được thắp nén tâm hương thành kính dâng lên Nhị tổ Giác Chánh, nhân lễ tưởng niệm 18 năm ngày viên tịch của Người.
Ngày 17 tháng 6 năm Giáp Thân (dương lịch 2004), đức Nhị Tổ xả bỏ báo thân, vào cõi vô tung bất diệt. Chín mươi ba năm ở cõi nhân gian. Năm mươi ba năm, cuộc hành trình độ sinh không mệt mỏi. Nhận lãnh và tròn xong sứ mệnh với Tổ thầy, Người ra đi, nhưng vầng dương ấy vẫn tỏa sáng trong lòng những người con Khất sĩ, hôm nay và mai sau.
Lễ tưởng niệm Nhị Tổ diễn ra giản đơn nhưng trang nghiêm và ấm cúng. Trong khuôn viên yên bình chốn Tổ, trong không khí thanh tịnh của mùa an cư kiết hạ, hội chúng lắng lòng ôn lại công hạnh sâu dày của Nhị Tổ qua phát biểu tưởng niệm của Trưởng lão Hòa thượng Giác Giới, Phó Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Tổ đình Minh Đăng Quang.
Những năm tháng có duyên đi hành đạo và chung lo Phật sự với Nhị Tổ đã để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng Hòa thượng. Có lẽ vì vậy, mãi đến hôm nay, vẫn vẹn nguyên trong ký ức Ngài những dấu ấn không thể nào quên về gương hạnh, về vai trò thừa truyền sứ mệnh giữ gìn và tuyên dương mối đạo ở Nhị Tổ.
Trước lúc thọ nạn và vắng bóng (tháng giêng năm 1954), Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã trao trọng trách cho Thượng tọa Giác Chánh thay Tổ lãnh đạo Tăng đoàn đi du hành. Đây là sứ mệnh thiêng liêng, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hệ phái sau này.
Đó là ngày rằm tháng 7 năm 1953, trong ngày Đại Lễ Vu Lan Bồn - Tự Tứ Tăng, có sự hiện diện đông đủ chư Tăng Ni, đức Tôn sư Minh Đăng Quang đã có lời phân định, giao trách nhiệm trong Tăng đoàn:
- Trưởng lão Giác Tánh là Trưởng lão Chứng minh.
- Thượng tọa Giác Chánh là Thượng tọa thay tôi hướng dẫn Đoàn Du Tăng đi hành đạo.
- Trưởng lão Giác Như là Tri sự Tăng đoàn, trông nom các miền tịnh xá và phân cắt chư Tăng thay phiên trụ xứ hành đạo.
Thời Tổ, du phương hành đạo là pháp hành tiêu biểu và đặc trưng, thể hiện tôn chỉ “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ. Đây là pháp của ba đời chư Phật, pháp lợi mình, lợi người, giúp người xuất gia không bị buộc ràng, dính mắc, và rộng độ chúng sinh. Do vậy, các Tăng Ni còn trẻ, khỏe đều phải du phương hành đạo, không được ở một chỗ. Nói đến đạo Phật Khất sĩ là phải nói đến nếp sống du Tăng. Đây là nếp sống tích cực để mở mang nền đạo, nhất là trong giai đoạn đầu thành lập Tăng đoàn Khất sĩ.
Tuy nhiên, đời sống du phương, rày đây mai đó rất vất vả, khó khăn, đòi hỏi phải có sức khỏe, phải có quyết tâm hành trì, và nhất là gương hạnh chuẩn mực để có thể chiêu cảm và giáo hóa chúng sinh trên các nẻo đường đoàn du Tăng đi qua. Những điều kiện ấy càng đòi hỏi cao hơn ở người lãnh đạo Tăng đoàn.
Bằng tuệ nhãn của bậc Đạo sư khai sơn Đạo Phật Khất Sĩ, đức Tổ đã chọn và phó chúc vai trò ấy cho vị đại đệ tử có giới hạnh tinh nghiêm, tu tập miên mật thuộc hàng bậc nhất thời đó là Thượng tọa Giác Chánh. Sau ngày đất nước thống nhất (sau năm 1975), do kính quí công hạnh của Ngài, chư Tôn đức giáo phẩm hệ phái Phật giáo Khất sĩ đồng tôn vinh Ngài là Nhị Tổ, Người thừa truyền mối đạo Khất sĩ từ Tổ sư Minh Đăng Quang.
Trong phát biểu tưởng niệm, Hòa thượng Viện chủ Tổ đình đã kể lại gương hạnh tu tập, những trọng trách từ lời phó chúc của Tổ Sư, và những Pháp ngữ sâu sắc của Nhị Tổ.
Một điều đáng để cho hàng hậu học vô cùng kính phục và noi gương là: Nhị Tổ hành trì rất nghiêm mật, đều đặn các thời khóa học và tu mỗi ngày. Ngài quả là hiện thân của bậc xuất gia phạm hạnh:
- Hạnh tu tập miên mật: hàng ngày, tầm 8 giờ sáng, Ngài đi khất thực, gần như không bỏ ngày nào. Trời mưa nhỏ, Ngài vẫn đi. Ngài duy trì đều đặn, tinh tấn các thời khóa thiền tập. Ba giờ chiều, Ngài đọc và học Chơn lý của Tổ sư và theo đó mà tu tập. Ngài thuộc nhiều quyển trong Chơn lý và vẫn thường đọc trong các buổi cúng Hội ở các tịnh xá. Chính công phu tu tập miên mật ấy đã giúp cho Ngài luôn chánh niệm trong các oai nghi, trong tất cả các thời.
- Hạnh giản dị, thanh bần: Y của Nhị Tổ nhuộm bằng vỏ măng cụt và được sử dụng qua rất nhiều năm. Do vậy, y rất cứng. Khi y rách, Ngài tự khâu vá. Bát của Ngài dùng lâu năm nên có chỗ bị mẻ. Ngài dùng sáp đèn cầy trám lại những chỗ ấy. Khi chư Tăng thưa thỉnh xin đổi bát mới, Ngài từ chối và bảo: còn dùng được thì dùng tiếp. Khi đã có tuổi, Ngài vẫn giữ nếp tự phục vụ: tự giặt y, tự rửa bát… Ngài sống giản dị, thanh bần như không thể thanh bần, giản dị hơn được nữa !
- Những Pháp ngữ sâu sắc: Tuy Nhị Tổ tuổi đã cao và có bệnh duyên, nhưng Ngài vẫn du hành ở vườn nhãn của gia đình quý Phật tử ở Bạc Liêu. Một lần nọ, sau phiên họp lệ, chư Tôn đức giáo phẩm hệ phái về thăm Ngài. Khi đó, Hòa thượng Giác Lai và Hòa thượng Giác Giới lần lượt thỉnh Ngài về trú xứ của quý Hòa thượng để tịnh dưỡng cho mát mẻ. Ngài mỉm cười với lời Pháp vô cùng sâu sắc, lời Pháp xuất phát từ tâm giải thoát của bậc Phạm hạnh “Chỗ nào sống đúng Chơn lý là chỗ đó mát !” Pháp ngữ ấy giờ đây vẫn được lưu truyền trong tâm thức nhiều Tăng Ni và Phật tử hệ phái Khất sĩ.
Có lần, do say sưa trình bạch công việc Giáo hội, Hòa thượng Giác Giới làm trễ thời khóa tu thiền của Nhị Tổ. Hòa thượng Giác Giới sám hối với Ngài. Nhị Tổ ôn tồn dạy: Bàn việc Giáo hội thì cũng như là tu thiền !
Thật bao dung và cũng là minh chứng cho thấy, không chỉ thiên về chuyên tu giải thoát, Ngài còn rất quan tâm đến các Phật sự của Tăng đoàn. Ngài vẫn thường lắng nghe những lời thưa thỉnh, những đóng góp ý kiến từ các Thượng tọa, Đại đức. Ngài cũng có những kiến giải sâu sắc, tận tường, thể hiện tâm và tầm của bậc trưởng thượng, thể hiện nhiệt huyết giữ gìn mối đạo cho đúng với Chánh pháp của Phật, của Tổ khi xưa.
Sau buổi lễ tưởng niệm là phần thiết trai cúng dường mười phương Tam Bảo và hiện tiền chư Tôn đức Tăng Ni. Lễ trai do Phật tử tại địa phương cùng nhiều miền tịnh xá chí thành dâng cúng. Đại chúng được Hòa thượng trụ trì đãi lao bằng những lời sách tấn sâu sắc, mạnh mẽ mà ân cần, tha thiết:
“Hôm nay, chúng ta vân tập về đây là để cúng dường tác pháp an cư và tưởng niệm đức Nhị Tổ. Nhưng tưởng niệm như thế nào để thực sự có ý nghĩa, có lợi ích? Thuở xưa, đức Phật thị hiện ở đời là vì hạnh phúc, vì an lạc cho số đông, cho chư thiên và loài người. Tiếp nối tâm nguyện đức Phật, Tổ sư Minh Đăng Quang cũng nói lên chí nguyện của mình: Chúng tôi sinh ra trong thời loạn, thấy cảnh thương tâm nên tìm phương cứu chữa.
Do vậy, ngày nay, khi chúng ta tổ chức bất cứ lễ lạt nào, làm bất cứ một Phật sự gì, cũng phải hướng đến mục tiêu vì hạnh phúc, vì an lạc cho số đông, cho chư thiên và loài người… như tâm nguyện của Phật, của Tổ. Phải học hỏi giáo pháp cho đến nơi, đến chốn, học cho thành tựu rồi đi công bố giáo pháp đó cho Chánh pháp được trường tồn, Phạm hạnh được trường tồn. Làm được như vậy, lễ tưởng niệm mới thực sự có ý nghĩa, mới là cách thiết thực đền ơn chư Phật, chư Tổ.
Trong những ngày qua, Tăng Ni và Phật tử đã chung sức, chung lòng tổ chức Lễ tưởng niệm ân đức Nhị Tổ, Người đã thừa truyền tâm nguyện của Tổ sư là giữ gìn và mở mang mối đạo.”
Hòa thượng nhất tâm tùy hỷ công đức của chư Tôn đức Tăng Ni ở các giáo đoàn đã cùng về dự lễ, tùy hỷ công đức hộ đạo của Phật tử các nơi.
Trong lễ tưởng niệm hôm ấy, hàng hậu học chúng con đã được nghe những câu chuyện cụ thể, sâu sắc về cuộc đời và đạo nghiệp của Nhị Tổ qua lời kể của nhân chứng sống là Hòa thượng trụ trì Tổ đình Minh Đăng Quang. Hòa thượng đã truyền cho hội chúng những cảm xúc sâu lắng, sự ngưỡng mộ và kính quí vô vàn trước công hạnh sâu dày của một bậc tiền bối hữu công, bậc thạch trụ tòng lâm của hệ phái Khất sĩ.
Nguyện học, tu sao cho xứng đáng với ân đức của Phật - Tổ - Thầy.
Nguyện góp một phần rất nhỏ trong khả năng của mình vào công cuộc giữ gìn và truyền lưu Chánh pháp, như lời căn dặn thiết tha của Hòa thượng Viện chủ Tổ đình, trong ngày tưởng niệm !
Như Liên
-----oo0oo-----
Nguồn: www.daophatkhatsi.vn
BÀI LIÊN QUAN
Chơn tánh Đạo Nguyên ( Hòa thượng Giác Toàn , 6508 xem)
Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ( Vũ Mạnh Hải , 5452 xem)
Tưởng nhớ bậc chơn Tăng ( TK. Minh Điệp , 3848 xem)
Kính Điếu Trưởng Lão Hòa Thượng Giác Lượng ( Ni trưởng Thẩm Liên , 3688 xem)
Kính Điếu Trưởng Lão Hòa Thượng Giác Phúc ( Ni trưởng Thẩm Liên , 3252 xem)
Kính Điếu Trưởng Lão Hòa Thượng Giác Cầu ( Ni trưởng Thẩm Liên , 2412 xem)
Cảm niệm Ân sư – Giác linh Đại đức Huệ Bửu ( TK. Minh Chính , 5080 xem)
Điếu văn tưởng niệm Giác linh Đại đức Huệ Bửu ( TK. Minh Điệp , 5560 xem)
Điếu văn của Tăng Ni sinh du học Ấn Độ kính dâng Trưởng lão Hòa thượng Giác Cầu ( TK. Minh Điệp , 4020 xem)
Hạt giống tâm Bồ đề ( HT. Giác Toàn , 4436 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng