Trang chủ > Đức Tổ Sư > Bài Viết
Ứng dụng tinh thần Đạo đức của Tổ Sư trong thời kỳ Hội nhập - Phát triển
Xem: 6834 . Đăng: 08/01/2021In ấn
Ứng dụng tinh thần Đạo đức của Tổ Sư trong thời kỳ Hội nhập - Phát triển
Hiện nay con người đang sống trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển cao độ, vật chất ngày một phong phú. Nói cụ thể hơn, đất nước Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, khiến cho kinh tế và nhiều phương diện khác đều đang trên đà phát triển ngày một tốt hơn. Mục tiêu là để đời sống vật chất của con ngươì luôn tiến tới thuận tiện tối cao trong cuộc sống. Tuy nhiên, khi có điều kiện thuận lợi thì họ lại nghĩ đến lợi ích cá nhân, mãi chạy đuổi theo sự giàu sang, danh vọng bên ngoài, khiến dục vọng ngày càng tăng trưởng; còn tâm linh thì cứ lùi dần trong mê tối, tâm tư hầu như bị vây phủ bởi lớp vô minh tham vọng. Chính vì thế, đã thúc đẩy những người thiếu cảnh giác về đạo đức không ngừng bày mưu chước kế để chiếm đoạt lợi danh, vật chất hầu thỏa mãn khát vọng hưởng dụng, từ đó đưa đến tham đắm, mê say, để rồi sống trong lường gạt, tranh chấp, xung đột lẫn nhau. Vì vậy, tuy sống trong thế giới hòa bình nhưng nạn tai, khủng hoảng vẫn không ngừng xảy ra, dẫn đến sự đố kỵ, ghét ganh, tàn hại, đưa đến sự sống bất an, phiền não nhiễu loạn, tinh thần trống rỗng, đạo đức suy đồi… Trong đó, Phật giáo cũng là thành viên trong xã hội, để thích nghi với hoàn cảnh cũng như sự phát triển chung của xã hội, tất nhiên mọi sinh hoạt của Phật giáo cũng phải chuyển biến và hòa mình với cuộc sống xã hội, nhất là trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Đòi hỏi Tăng Ni phải dấn thân vào xã hội để phụng sự, tuy nhiên đối với mọi phương diện cần phải tư duy, trăn trở làm thế nào để không ngừng đổi mới và nâng cao các mặt sinh hoạt, nhưng không ngoài mục đích hoằng truyền chánh pháp.
Bởi vì trước khi nhập Niết bàn đức Phật đã dạy: “Này Ananda, nếu có Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, thiện nam tín nữ nào thành tựu Chánh pháp và Tùy pháp, sống chân chánh trong Chánh pháp, hành trì đúng Chánh pháp, thời người ấy mới là người làm vẻ vang Như Lai, tôn kính, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng. Vậy nên hãy gắng công tu tập, thực hành theo chánh pháp, sống chơn chánh trong Chánh Pháp, giữ gìn phẩm hạnh thanh cao”.
Như vậy bổn hoài của Thế tôn là muốn duy trì mạng mạch Phật pháp thì phải xây dựng nếp sống đạo đức tốt đẹp bằng “lối sống chơn chánh trong Chánh Pháp, giữ gìn phẩm hạnh thanh cao”. Đặc biệt hiện nay trước xu thế đạo đức đang xuống cấp trầm trọng. Do đó, hàng Tăng Ni ngày nay càng phải thể hiện mẫu người phạm hạnh bằng nếp sống nghiêm minh trong giới luật, để góp phần Kiến lập một xã hội tươi đẹp, một đời sống lý tưởng bằng sự trang bị cho chính mình một nếp sống đạo đức thông qua lời dạy của chư Phật, chư Tổ...Từ đó góp phần cải thiện lối sống hủ bại, sa sút, mất thăng bằng, làm băng hoại nhân cách, hành vi, tư tưởng, đạo đức của mọi người. Có thế mới xứng danh Tăng Ni là những bậc mô phạm, thuộc địa vị chúng trung tôn. Thế thì do yếu tố nhân duyên nào khiến tâm linh con người nói chung và một số tăng ni nói riêng, khi chưa kịp trang bị tư lương cần thiết cho đời sống xuất trần sẽ dễ dàng bị bởi tài sắc danh vọng mà phạm sai lầm đáng tiếc, đánh mất bổn tâm, làm cho giá trị tâm linh không phát triển lại còn bị trói buộc trong phiền não khổ đau?
Tất cả những hiện trạng phức tạp, hủ bại này, đều bắt nguồn từ lối sống vô minh mê lầm, thiếu đạo đức… khiến cho con người ngày càng trở nên mông muội đảo điên, xã hội chìm trong hỗn loạn, trong đó chủ yếu là do phương thức sống vô đạo đức của con người. Vậy nên, Tổ sư Minh Đăng Quang đã nhấn mạnh: “Trong các sự bất hòa của thân tâm, gia đình xã hội, thì chỉ có đạo đức gián ngăn, cứu vớt đưa lên hết thảy mới được. Chính hơi thở của chúng sanh kéo dài từng hơi một là do ảnh hưởng của đạo đức vậy. Không có đạo đức thì cõi trần thế cháy bừng một cái một, chúng sanh đã tắt thở từ lâu, và không bao giờ sanh sản có ai được cả”.([1])
Từ lời dạy trên đã lý giải cho chúng ta thấy, trước thành tựu vượt bực về khoa học tiên tiến, mọi phương diện đều đang cải cách để phù hợp với thời đại hội nhập và phát triển. Song thế giới loài người vẫn luôn sống trong nỗi bất an, sợ hãi, lo âu và thống khổ. Do vì họ không chế ngự được lòng tham trước sự cám dỗ từ vật chất. Vì thế họ không ngần ngại sống chà đạp lên nhau, quên mất nghĩa tình, sống bạo ngược, vô đạo đức.... Trước tình hình đó, những người con Phật cần phải trăn trở phải làm thế nào để xứng đáng với lớp người kế thừa tốt đẹp trong Giáo hội, đúng với sứ mạng truyền đăng tục diệm, bảo tồn mạng mạch chánh pháp. Trong bài viết này, người viết muốn mượn những lời dạy của Tổ sư trong bộ Chơn lý để trình bày khái niệm về “SỐNG ĐẠO ĐỨC”. Thứ đến là làm sáng tỏ vai trò đạo đức theo Tổ sư, nhằm nâng cao đời sống con người và xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập và phát triển. Qua đó có thể kết luận SỐNG ĐẠO ĐỨC chính là vai trò, trách nhiệm thiết yếu của một sứ giả Như Lai trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
1. Khái niệm về đạo đức
Nói đến đạo đức một Triết gia đã định nghĩa như sau: “Đạo đức là những khuynh hướng tốt trong tâm ta, mà những khuynh hướng đó tạo nên những lời nói và hành vi bên ngoài khiến cho mọi người chung quanh ta được chuyển hóa, an vui, lợi ích”.([2]) Theo tự điển định nghĩa: “Đạo đức là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội”. Aristore một Triết gia nổi tiếng của phương Tây cũng từng phát biểu: “Mục đích trực tiếp của con người không phải là cái hay cái đẹp mà chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là sự phát triển các đức tính thật tốt của một con người…Hạnh phúc ấy đồng nghĩa với đạo đức”.([3]) Đồng quan niệm trên, Hồ Chủ tịch cũng cho rằng, giáo dục đạo đức là nhằm hình thành những phẩm chất đạo đức ổn định, đặc biệt là đạo đức ấy phải phù hợp với các chuẩn mực xã hội làm cho con người tự điều chỉnh hành vi của mình. Tiêu biểu và rõ nét hơn, Tổ sư Minh Đăng Quang cho rằng: “Chính đạo là đức lớn bao trùm, thương yêu, nuôi nấng, chở che, dạy dỗ, sanh ra cõi đời, muôn loại được sống được nên. Thế nên kêu đạo đức là chủ, căn bổn, hay chúa tể, cha lành, thầy chung đó vậy. Đạo đức là đường cái, hay bờ đập để ngăn nước sông to, như núi cao để che gió bão, như bức tường hàng rào bao bọc chúng sanh, hoặc như miếng đất trong sạch trên cao hơn hết, mà quỉ ma ác thú không tìm lên tới, nên người hiền mới sống”.([4])
Dựa vào cơ sở khẳng định từ những quan điểm nêu trên, người sống có đạo đức thì sẽ gặt hái được những kết quả tốt đẹp, an lành và hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, không những thế còn phát huy được giá trị tâm linh rất cao. Như quan niệm của các triết gia cho rằng Đạo đức là những khuynh hướng tốt trong tâm mỗi người, chính nhờ khuynh hướng này mà con người mới chuyển hóa được những hành vi, lời nói bất thiện bên ngoài lẫn ý nghĩ xấu ác trong nội tâm. Từ đó khiến cho môi trường sống của con người ngày một an vui, hạnh phúc hơn. Lại nữa, theo cách nhận định của Aristore, muốn tìm cầu hạnh phúc cần phải phát triển thật tốt các đức tính của một con người. Hoặc như lời dạy của Tổ sư cũng nêu rõ, trong cõi đời, muôn loại được sống yên chính nhờ sự bao trùm, lòng thương yêu, nuôi nấng, chở che, dạy dỗ lẫn nhau, vì các đức hạnh ấy được hình thành trong con người là do nếp sống đạo đức. Nếp sống này không những nâng cao phẩm chất con người, còn tạo kết nên một nếp sống trong sạch, lành mạnh, không hàm chứa các pháp ác, thành tựu các pháp lành, khiến cho người người được lợi ích. Cũng có thể nói, đời sống đạo đức ấy đã giúp con người biết sống yêu thương, hòa ái, trợ giúp, bao dung lẫn nhau giữa người với người. Không chỉ vậy, đời sống này còn hướng dẫn con người thấy rõ sự nguy hại của lòng tham muốn, vì thế họ tự giác hướng thiện, trở về sống đời hòa ái, vô ngã vị tha bằng giới đức và tuệ trí, để nhân loại, xã hội cùng nhau thăng hoa, tiến hóa trong niềm hỷ lạc. Như lời Hòa thượng Minh Châu đã nói: “Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc cho con người, đề cao giá trị con người; một nếp sống trong sạch, thanh tịnh lành mạnh, loại bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp; một nếp sống đi đôi với lạc, không đi đôi với khổ, giải thoát các triền phược, các dục trưởng dưỡng; một nếp sống trong ấy trí tuệ đóng vai trò then chốt, sống hài hòa với thiên nhiên, với con người; một nếp sống vô ngã vị tha”.([5])
Do ý nghĩa này nên Tổ sư đã tuyên bố khẳng khái rằng, chính đạo đức là chủ, là căn bổn, là chúa tể hay cha lành. Đạo đức ấy ví như đường cái, hay bờ đập để ngăn chặn nước sông nhiễm ô từ vọng niệm bên trong và trần cảnh bên ngoài, làm cuốn trôi muôn pháp lành vốn sẵn trong con người. Hoặc như núi cao của định lực có năng lực chở che gió mưa, bão táp của phiền não, lại như bức tường rào giới luật có thể bao bọc chúng sanh, nhờ đó mà quỉ ma, ác thú không thể hãm hại. Thế nên người hiền mới sống đời an ổn, vui tươi và hạnh phúc. Hoặc đoạn trên Ngài cũng đã nhấn mạnh, muốn ngăn ngừa sự bất hòa trong thân tâm con người, hoặc cải thiện gia đình không đổ vỡ, khiến xã hội bớt đi sự loạn lạc, thoái hóa, được sống đời hạnh phúc, an vui, tỉnh giác không đọa lạc... Tất cả không gì hơn chính là chăm lo trưởng dưỡng, vun trồng, làm phát triển đạo đức của chính mình, vì chính đạo đức mới là mục đích sống của con người. Nên trong Chơn lý Khất sĩ Tổ sư đã nêu cao chất lượng của đời sống có đạo đức: “Đời mà không đạo như rừng hoang, người mà vô đạo chẳng vui an. Vậy nên trong mọi sự thất bại, tan hoại, chia rẽ, trong mọi điều sập đổ, trong mọi cuộc hư hao, trong cơn nguy túng, trong lúc rối ngặt… Nếu không kíp dùng đạo đức thì không bao giờ được trường phục vĩnh viễn, vĩnh viễn mãi cho được!” Lời dạy này ngụ ý muốn xác định cho chúng ta một điều trọng yếu, mọi sự thành tựu trong cuộc sống của con người không phải do vật chất dồi dào, cũng chẳng phải nhờ học cao hiểu rộng hoặc do xuất thân cao sang, hay đời sống yêu thương tư lập... tất cả chỉ nhờ vào người biết sống đạo đức. Vì sao? Chúng ta thường nghe nói: “Hoa thơm nhờ nhụy, người có giá trị nhờ đạo đức”. Hoặc câu thơ của Nguyễn Du ngầm khẳng định giá trị tâm linh cao hơn vật chất, lợi danh tạm bợ: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Rõ ràng nội dung của hai câu trên đều nêu bật được tầm quan trọng về tính chất đạo đức trong con người.
Câu đầu muốn xác định trong các hương thơm không có hương thơm nào sánh bằng hương đạo đức. Vì hương đạo đức được đúc kết từ đức hạnh và tuệ giác trong mỗi người. Hương này dù bay ngược chiều gió cũng vẫn lan tỏa khắp muôn phương. Ý nghĩa này được minh họa rất rõ nét qua lời dạy trong Kinh Pháp Cú:
Mùi hương các thứ danh hoa,
Tuyệt thơm nhưng khó sánh qua hương người.
Hương người đức hạnh thanh tươi,
Xông lên bát ngát khắp vời Thiên cung.([6])
Đối với chữ tâm trong câu thơ của Nguyễn Du, tác giả cũng muốn mượn triết lý của cái tâm để gợi nhắc cho chúng ta biết, trong cuộc sống dùng cái tâm để ứng đối với mọi người, mọi hoàn cảnh sẽ đáng quý ra sao, nó vượt hẳn tài năng của con người. Hoặc nói cụ thể hơn, tác giả đề cao cái tâm và mượn nó để đưa ra một nguyên tắc sống rất thú vị. Bởi vì trong thực tế, bất kỳ ai dù có tài ba, lỗi lạc đến đâu, nhưng việc làm, lời nói và tâm tư của họ nếu không thể hiện bằng tấm lòng chân chất, bao dung, thanh cao, đức độ thì dù tài năng thế mấy cũng không thể thành tựu được gì. Thế nên người dân gian thường miêu tả vô cùng sâu sắc về việc tích tạo đạo đức qua câu nói: “Có đức mặc sức mà ăn”. Vậy nên, để đề cao nội hàm sâu xa về tính đạo đức Tổ sư đã nói rõ, chỉ có bồi dưỡng đạo đức cho tự thân để tạo nên những mẫu người phạm hạnh cao thượng. Ý nói trong thân tâm mỗi người chỉ có hàm chứa đạo đức thì sự sống của họ mới tránh được sự thất bại, tan hoại, chia rẽ lẫn nhau. Hằng ngày dù cho có đối mặt biết bao sự sập đổ, mọi cuộc hư hao, hay bị vây hãm trong cơn nguy túng, hoặc lúc rối ngặt... tất cả chỉ cần lấy đạo đức để ứng đối thì mọi thứ trong sự sống sẽ được trường tồn vĩnh viễn.
Thật vậy, chúng ta đều biết, đến với cõi đời, tất cả mọi người dường như đều đang cố gắng phấn đấu để mang lại cho mình một cuộc sống hạnh phúc, chẳng ai muốn đời mình bất hạnh. Song một người dù vật chất, của cải, địa vị của họ giàu mạnh ra sao, tài năng ưu tú thế nào, nhưng nếu nhân cách đạo đức và phẩm hạnh của họ luôn nghèo nàn và trống vắng, thậm chí tâm hồn họ hầu như đã cạn kiệt lương tri, chẳng hề hiểu biết, quan tâm gì về chân giá trị của cuộc đời. Như thế chắc chắn sẽ không tạo cho họ một đời sống an vui và hạnh phúc thật sự. Bởi lẽ các triết gia đã nói, mục đích trực tiếp của con người là hạnh phúc, mà hạnh phúc ấy chính là trưởng dưỡng đời sống đạo đức. Vậy nên nói về cuộc đời, Tổ sư đã đưa ra nhận định, đời mà không đạo như rừng hoang, người mà vô đạo chẳng vui an. Hoặc như trên đã định nghĩa người sống có đạo đức là người tự ý thức kiểm thúc hành vi, lời nói và nội tâm suy nghĩ của mình trở nên thiện lành, khiến người người quanh ta được chuyển hóa, an vui, lợi ích, nên một học giả cho rằng, người biết sống đời thiện lành chính là người biết nắm giữ hạnh phúc.
Nói cụ thể hơn, hạnh phúc theo quan niệm nhà Phật, đó là nếp sống được trang bị bởi Giới đức, Hạnh đức và Trí đức. Bởi lẽ người giữ gìn giới sẽ ngăn ngừa, tránh né được những hành vi bất thiện, xây dựng cho mình một thân khẩu ý trong sạch, đưa dẫn con người hướng về đời sống tích cực. Như đức Tổ sư đã từng tán thán:
Thân trong sạch ấy là xứ Phật
Miệng trong sạch ấy là pháp Phật
Ý trong sạch ấy là con Phật
Tâm trong sạch tức là Đức Phật.([7])
Thật vậy, giới luật chính là chất liệu làm thăng tiến đạo đức, làm trong sạch cao thượng cõi lòng, làm cảnh giới tươi mát, tốt đẹp. Lại nữa, người có hạnh đức là người biết sống đời tỉnh thức, tịch lặng không bị tham, sân, si điều khiển, không mê đắm dục lạc, không sống đời hạ liệt, phàm phu, vì tất cả những phẩm chất ấy không xứng với tánh hạnh giác ngộ, giải thoát. Nên nói: “Có không tham vọng, tâm ta mới no đủ; có không sân si, tinh thần mới sáng láng mát mẻ trong sạch; Thân khẩu ý không vọng động thì tâm hồn mới an trụ cứng cỏi”.([8]) Thứ nữa, người biết tô bồi trí đức cho tự thân, tức luôn nhận biết vạn pháp bằng trí tuệ, biết nương tựa trí tuệ để làm chủ chính mình, đối cảnh không vọng chấp phân biệt, nhiễm mê, bởi vì trí tuệ giống như mặt trời, mặt trăng, một khi đam mê cảnh vật thế gian, thì tự tâm sẽ bị mây đen vọng niệm che lấp, khiến trí tuệ lu mờ. Thế nên đức Phật thường nói trí huệ đem lại cho con người nếp sống định tỉnh, trong sạch, đầy đủ tuệ giác, đạt được an lạc giải thoát. Do đây, trong Chơn lý Chánh đẳng chánh giác Tổ sư đã khuyên nhắc hàng tín đồ rằng: “Đạo đức là sự sống trước nhứt, hay linh hồn của chúng sanh, mà cư gia hay là Tăng chúng đừng để cho đạo tắt mất, không đạo chúng sanh phải chết hết. Hãy nên dùng tài thí pháp thí dung hòa nuôi đạo, đó là phận sự của tất cả, đừng ai chia sẻ mà bị đớn đau, và phải biết kỉnh trọng đạo. Đó tức là đạo của chư Phật ba đời, con đường trong sạch bằng thẳng, sáng láng chơn chánh công bình hơn hết”.
Vậy nên mỗi người con Phật cần chọn cho mình một cách sống, trong đó bao hàm sự sống hướng thượng, thiện lành, hạnh phúc, có hiểu biết, gọi là đời sống đạo đức, ngược lại kẻ nào sống đời đọa lạc, xấu ác, khổ đau, mê mờ, đó là đời sống vô đạo đức. Đây chính là trách nhiệm cấp bách mà bậc sứ giả của Như Lai cần phải trang bị cho mình và hướng dẫn cho người như lời kêu gọi của Tổ sư: “Hãy nên dùng tài thí pháp thí dung hòa nuôi đạo, đó là phận sự của tất cả, vì đó là là đạo của chư Phật ba đời”. Ở một góc độ khác, Tổ sư còn động viên mọi người: “Hãy thâu hẹp các giáo lý mênh mông cuồng quẩn mà đi ngay thẳng đến một đường thiện tránh ác, lánh khổ tìm vui, để giữ gìn giới luật, đua chen giới luật, nâng cao đạo đức tinh thần. Có thế mới đem lại cho chúng ta sự kết quả yên vui được”.([9])
Thông qua nhận định và đánh giá trên cho thấy, trong đời sống chúng ta, đặc biệt là thời đại hội nhập và phát triển, thế nhưng con người và xã hội đang đối mặt trước thảm cảnh đạo đức tụt hậu trầm trọng. Mỗi người chúng ta muốn có được hạnh phúc, an vui cần nên ý thức rằng, chỉ có đời sống đạo đức mới nâng cao giá trị tinh thần và sự sống của con người. Cụ thể trong phần khái niệm về đạo đức đã trình bày rất nhiều quan điểm đủ chứng minh và nêu rõ ý nghĩa của sống đạo đức. Tiếp đến để nêu bật tính sống động và thiết thực về đạo đức, sau đây chúng ta thử tìm hiểu sâu hơn về vai trò đạo đức trong đời sống con người và xã hội.
2. Vai trò đạo đức đối với đời sống con người và xã hội
Nói đến vai trò đạo đức, đây là một phạm trù to lớn, vì nhìn tổng quan không ai không thừa nhận rằng, tất cả giáo pháp đức Phật, chư Tổ, chư Hiền thánh tăng chỉ dạy đều mang tính giáo hóa về đạo đức. Vì tính chất của giáo pháp đều đem lại sự ích lợi cho tự thân và tha nhân, không những thế còn giúp hành giả cải thiện, chuyển hóa từ mê sang ngộ, từ phàm đến thánh. Quan trọng hơn nữa, giáo pháp ấy không chỉ thăng hoa cho đời sống tâm linh, cũng chuyển đổi đời sống vật chất cho mọi người, đồng thời còn góp phần làm phát triển xã hội ngày một tươi đẹp hơn. Điểm nổi bật là, giá trị ấy không chỉ lợi ích cho đời sống hiện tại, mà tương lai, đời sau mãi mãi ngày càng hoàn bị, thăng tiến hơn.
Thật vậy, nhờ chất liệu đặc sắc của đạo đức mà thân tâm con người ngày càng giàu mạnh, an vui, tỏ sáng. Bởi vì đạo đức chính là nhân tố làm nâng cao nhân cách, phẩm chất cho đến trí tuệ con người. Sự lợi ích này không chỉ giới hạn ở cá nhân, ngay cả tha nhân cũng đồng được lợi lạc. Thế nên đối với sự sống, Tổ sư luôn đề cao và chỉ ra nguyên tố tạo nên sự xấu ác, hung bạo giữa người với người vì thiếu đạo đức, Ngài nói: “Con người bởi vô đạo, không lành mới giết nhau mà giành ăn, nếu chỉ biết làm ăn cho có, rồi giành nhau giết chết, phá hoại, không không mất hết, thì có ích gì”.([10])
Do yếu tố quan trọng trên, nên đức Phật luôn tuyên bố mục đích ra đời của Ngài chính là đem lại niềm an lạc và hạnh phúc cho con người, như trong kinh Nikaya đã từng khẳng định: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sanh, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.([11]) Hoặc lời tuyên bố nhằm nói lên bi nguyện, hoài bảo cứu khổ độ sanh của đức Phật như sau: “Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”.([12]) Vì sao bài viết lại nhắc đến mục đích ra đời và tông chỉ giáo hóa của đức Phật? Vấn đề hạnh nguyện lợi tha và giáo huấn về nguyên nhân khổ và diệt khổ của nhân loại có tương quan gì đến vai trò đạo đức?
Không nói thì mọi người cũng đều thừa nhận, tất cả ba tạng, mười hai bộ kinh đều triển khai về vấn đề vũ trụ và nhân sinh. Tức trình bày rõ chân tướng vận hành của vũ trụ vạn hữu, đồng thời cũng dạy cho chúng ta phương pháp làm thế nào để nhận biết, vận dụng và điều phục vạn pháp trong vũ trụ, trong đó bao hàm cả kiếp người mong manh giả tạm này, hầu đạt được niềm an vui chân thật trong kiếp nhân sinh.
Như trên đã nói, tất cả ai ai dù ở hoàn cảnh nào, hưởng phước báu hay nhận chịu nghiệp lực chi phối ra sao, đều mong ước sự sống của mình luôn được hạnh phúc, an lạc. Mà thực chất qua sự chiêm nghiệm, sống theo, sống đúng như lời dạy của chư Phật, chư Tổ chính là cách trưởng dưỡng đời sống đạo đức. Mặt khác, theo quan điểm của Aristore người hạnh phúc chính là người phát triển đạo đức tốt, nếp sống hạnh phúc ấy không gì giá trị hơn đời sống đạo đức, vì đã bộc lộ được bi nguyện của đức Phật và chân giá trị của con người. Trên cơ sở lập luận đó đã chứng minh cho thấy, sự sống khổ - vui rõ ràng luôn tương quan mật thiết đến nếp sống đạo đức. Cũng có thể nói, giáo pháp đức Phật và lời đức Tổ sư chỉ dạy nhằm giúp chúng sanh nhận biết thực trạng diễn biến như thật của các pháp và nguyên nhân gây ra khổ đau trong sự sống, như trong Kinh Pháp Cú dạy rằng:
Vì không hiểu mình gần hủy diệt,
Nên chúng sanh mải miết cạnh tranh.
Nếu hay hủy diệt gần mình,
Chúng sanh phí sức cạnh tranh làm gì?([13])
Sau đó Ngài giới thiệu tiếp con đường tu tập nhằm đưa hành giả thoát khỏi mọi chấp trước và loại bỏ những vọng tưởng mê lầm qua lời dạy sau:
Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che.([14])
Cùng mục tiêu xây dựng và hướng dẫn nhân loại thực hiện nếp sống đạo đức để tránh nguy hại cho mình và người trong sự sống, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần góp phần làm tươi sáng cho trời người, Tổ sư đã dạy: “Những ai muốn làm Trời thì theo vào giáo lý xã hội có đạo đức, bỏ qua khỏi cảnh nhân loại của gia đình; bằng muốn theo Phật, hãy học pháp chúng sanh chung của Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác đại đồng võ trụ. Và chúng ta nên nhớ rằng: Cả chúng sanh yên thì xã hội mới yên, xã hội yên thì gia đình mới yên, gia đình yên thì mình mới yên, mà muốn cả chúng sanh yên thì trừ phi đạo đức Phật Pháp ra, không có pháp nào thứ hai hòa giải giáo hóa được cả”.([15])
Xuất phát từ lời khẳng định sống có đạo đức là con đường dẫn đến đời sống hạnh phúc. Đặc biệt lời dạy của Tổ sư càng thể hiện rõ ràng hơn, những ai muốn làm Trời thì nương theo giáo lý xã hội có đạo đức. Chính nhờ giáo lý này mà đưa con người “Đi lần đến mức đại đồng, mà diệt lần sự chia rẽ để tránh khổ tìm vui, chung sống tập học. Có không còn sự chia rẽ cắt gạch chém đâm mới không còn đau đớn chết khổ vì nhau, dốt nát vì nhau”.([16]) Điều này như trên đã trình bày, trong cuộc sống nếu chúng ta nỗ lực hành trì thiện pháp, chuyển hóa những hạnh nghiệp bất thiện từ trong tâm thức của chính mình bằng ánh sáng của tuệ giác. Như vậy, con người sẽ không phải dày công tìm kiếm hạnh phúc mà hạnh phúc vẫn luôn hiện hữu một cách chân thật ngay trong sự sống hiện tại này. Như lời Tổ sư đã dạy: “Người ở đời mà biết tôn kính cái thiện và nâng lên cao, hạ dìm các ác xuống thấp, thì cuộc đời làm sao mà không tấn hóa lên cao hạnh phúc”.([17]) Còn những ai muốn tiến đến cảnh giới Niết bàn yên tịnh thì học pháp chúng sanh chung của Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác. Đúng vậy, mỗi người được hạnh phúc hay khổ đau đều tùy thuộc cách sống khôn ngoan sáng suốt khi đối mặt với cuộc đời, nếu mọi người biết sống đúng theo lẽ tấn hóa như Tổ sư đã dạy: “Sự tấn hóa hay hơn hết về lẽ sống là lòng nhơn thanh thiện, biết thương yêu nhau,… Lắm kẻ lại nhắm mắt đánh liều, sống chết tới đâu hay đó, lại đi làm việc hung ác ngang bạo, phá rối sự sống chung của số đông người, mà phải bị lập ra pháp luật, để xử hình răn phạt”.([18]) Bởi vì sự sống của chúng ta là một chuỗi dài nhân duyên, luôn gắn bó mật thiết với nhau, không ai có thể tách riêng sống tư lập một mình. Thế nên để bảo vệ cho sự sống chung được tấn hóa, cho xã hội được lợi ích an vui, người học Phật chúng ta phải có bổn phận và trách nhiệm đùm bọc yêu thương giúp đỡ lẫn nhau. Như ông bà xưa thường nói:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Hoặc theo chủ trương của Tổ sư nhận định: “Lẽ sống chung tiến hóa trong võ trụ, chúng sanh vạn vật và các pháp đều sống cho nhau, trao đổi cho nhau, hoặc tài thí, hoặc pháp thí, kẻ giúp cho linh hồn, người giùm cho xác thịt, đó là đạo phận của tất cả, chớ nào có ai mà sống cho mình được”.([19]) Chính nếp sống chung này mới đưa chúng sanh tiến đến cảnh giới Niết bàn yên tịnh. Vì đời sống này không đưa đến sự bất hòa giữa quần thể với nhau, cũng không khiến loài người có sự chia rẽ, thù hận, ganh ghét lẫn nhau, gây thống khổ cho nhau.
Tổ sư còn nhấn mạnh, tất cả chúng sanh muốn yên vui, hạnh phúc ngoài cách sống đời đạo đức ra thì không có pháp nào hòa giải giáo hóa được. Điều này Như Lai cũng luôn ân cần hướng dẫn đệ tử, hãy sống yêu thương, tôn trọng, khoan dung, bình đẳng bằng tinh thần lục hòa, bằng tứ nhiếp pháp, bằng bát chánh pháp... Như vậy theo lời Phật dạy, hoặc qua sự giáo huấn của Tổ sư, sống chân chánh trong chánh pháp, sống đời hòa hiếu, yêu thương, hỗ trợ cho nhau, giữ gìn thân khẩu ý trong sạch..., tất cả lời dạy của các Ngài nói rộng ra, không gì hơn đều hướng dẫn con người biết tin nhân quả, hướng thiện tránh ác, thấu rõ thuyết nghiệp báo nhân duyên, nhận chân được thể tính trong sạch vốn sẵn trong con người. Cụ thể hơn nữa, mỗi pháp môn, mỗi lời dạy của các Ngài đều có xu hướng dẫn dắt con người tiến đến việc chuyển hóa vô minh, cải tạo nghiệp ác, đưa dẫn con người trở về với thể tánh tịnh minh, thấu triệt chân lý. Thực hiện điều này không ai khác hơn chính là nương tựa nơi chính mình, biết tự làm hòn đảo cho mình như lời giáo huấn của đức Phật trước khi nhập Niết bàn: “Này các Tỷ kheo, hãy nương tựa nơi chính mình, không nương tựa một ai khác. Hãy lấy pháp làm hòn đảo, hãy lấy pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một ai khác”.([20]) Đây chính là điểm trọng yếu, tích cực để trưởng dưỡng đạo đức, làm lợi lạc cho Ta – Người trong đời sống hiện tại và tương lai. Nói cách khác, chư Phật, chư Tổ luôn khuyến khích con người phải nương tựa vào tự thân, không ỷ lại bất cứ ai, biết điều phục thân tâm, không nhiễm ô trần cảnh, không chia rẽ phân biệt, ích kỷ tư riêng, sống đời thiện lành bằng cách giữ thân, khẩu, ý thanh tịnh thông qua chánh pháp. Hoặc kiến tạo đời sống đạo đức bằng ba pháp học giới định huệ theo lời dạy của Tổ sư: “Từ trong gia đình đến ngoài xã hội, cùng khắp cả thế gian, tham sân si là cái chết sình từ trong ruột mà ra, nó sẽ giết thân mạng ta, của ta và tất cả trước khi ta lo làm, hoặc lúc đang lo làm, cùng lúc mới lo làm vừa xong, nó không bao giờ để yên cho ta hưởng được kết quả! Chính tham sân si là ác độc, là khổ hại. Đối trị nó chỉ có đạo đức của giới định huệ mà thôi”.([21])
Nói đến giới tức sống theo phương châm chỉ ác tác thiện, nghĩa là dứt bặt các điều ác, hằng làm mọi điều thiện như lời Phật dạy. Tổ sư cũng cho rằng: “Giới luật quý giá hơn vàng bạc mà người ta hằng tìm tòi chẳng biết mệt nhọc”.([22]) Hoặc trong bài kệ giới còn đề cao tính chất sống động hơn về ý nghĩa của giới: “Giới ví như bức tường để ngăn các nẻo phóng tâm, chẳng cho lục trần thâm nhập. Có giới mới có thể phân biệt được nẻo chánh đường tà. Có giới mới có sự an vui hòa hảo. Giới là cái nhơn sanh của giống người và trời, nghĩa là nhờ giới mới có thể bảo giữ cho con người được hoàn toàn tấn hóa”.([23]) Từ ý nghĩa và tính chất của giới luật nhằm dẫn dắt con người thoát khỏi nếp sống trầm luân, đọa lạc, mê lầm, khổ não tiến đến đời sống tịnh lạc giải thoát. Nói một cách chi tiết, sống theo giới luật không chỉ trưởng dưỡng được đạo tâm, các căn được phòng hộ, làm cho thân tâm ngày càng trong sạch, tươi mát, thiện lành, điều quan trọng nữa, giới được xây dựng trên nền tảng tự lợi, lợi tha, tức không những lợi mình còn lợi cho người, nhờ có giới mà chuyển hóa tâm ý con người từ mê lầm, loạn lạc tiến dần đến định tĩnh, biết rõ chánh tà, làm chủ thân tâm, nên nói nhờ có giới làm ngăn ngừa các nẻo phóng tâm, lục trần không xâm nhập. Thật vậy, chính giới luật làm thềm thang cho hành giả tu tập bước vào cõi thánh. Vậy nên, một lần nữa Tổ sư đã cảnh tỉnh hàng đệ tử cần biết rõ: “Kẻ nào không giới như không có chỗ đứng, nấc thang, sẽ sa ngã té xuống hố sâu, lọt vào địa ngục, thì còn biết chi đầu trên chân dưới, ta và người...”.([24]) Qua lập luận và dẫn chứng trên đủ thấy, muốn xây dựng đời sống đạo đức người con Phật cần nên thấy rõ tầm quan trọng của giới pháp. Nó chính là phương tiện để cho mỗi cá nhân tu tập đạt được lợi ích an lạc, khiến phẩm chất con người cải thiện, đời sống tinh thần hoàn toàn thăng tiến, ngoài ra còn góp phần cải tạo giúp cho xã hội ngày một tiến hóa, ổn định trong niềm yêu thương, cảm thông, an lạc, vô ngã và vị tha.
Thứ đến là tu định, đức Phật đã tuyên bố nhân giới sanh định. Định tiếng Trung Hoa dịch là Tĩnh lự, nghĩa là làm cho lắng dịu sự suy nghĩ lăng xăng, cốt để buông xả các vọng niệm tạp loạn, khiến cho tâm đạt đến chỗ lặng lẽ thanh tịnh. Khi tâm chúng ta được an định và sáng suốt sẽ giúp cho chúng ta bớt đi nỗi lo âu, bối rối và bất an... bấy giờ tánh giác sẽ hiển hiện tròn đủ, khiến chúng ta khi đối diện với mọi hoàn cảnh sẽ định tĩnh hơn. Nên trong Chơn lý Nhập định Tổ sư đã kết luận: “Có định ta mới dám tin chắc ta là trọn lành, không lầm lạc rối loạn ác quấy. Định nơi lẽ chánh thiện sẽ đến kết quả an lạc, nghỉ ngơi đại định”. Hoặc trong đoạn khác Ngài cũng nêu rõ: “Người có định thì thân khẩu ý mới trong sạch, tuy ít nói mà nói hay, tuy ít làm mà làm nên, tuy ít nhớ mà nhớ phải, là được kết quả yên vui biết bao nhiêu? Và cũng nhờ định mà mắt tai mũi lưỡi thân ý mới trọn lành hữu dụng, tốt đẹp trang nghiêm, mới ra con người có giá trị, xứng đáng để nêu gương”. Qua đó cho thấy, để xây dựng đời sống an lành, tốt đẹp, không quấy ác, không lầm lạc thì không có con đường nào khác hơn là phải tu tập thiền định. Nếp sống thiền định sẽ giúp nội tâm con người luôn định tĩnh, biết rõ việc mình làm, cho đến nói, nghĩ, luôn có sự kiểm thúc trong chánh niệm, nhờ đó làm chủ được phiền não, thoát khỏi khổ đau, không bị chìm đắm trong luân hồi, thường suy gẫm về lẽ chánh chơn, khiến thân khẩu ý trong sạch, sáu căn trọn lành, dẫn đến tâm ý thông suốt.
Sau cùng là tu tập tuệ, tất cả chúng ta ai ai cũng muốn sống đời an vui, giải thoát, không bị mâu thuẫn và khổ đau chi phối thì nhất định phải tu tập trí tuệ. Tuy đức Phật đã tuyên bố, tất cả chúng sanh đều có Phật tính. Nghĩa là mỗi người đều có sẵn mầm tuệ giác, nhưng nếu hằng ngày không được vun trồng, chăm sóc bằng chánh pháp, không trang nghiêm tự thân bằng giới luật, sống tĩnh giác bằng chánh niệm... thì hạt giống Phật trong tâm chẳng thể nẩy mầm. Thế nên đức Phật đã nói rất rõ: “Này các thầy Tỳ kheo, ví như trong các loài bàng sanh, sư tử vua các loài thú được xem là tối thượng, tức là sức mạnh, tốc lực và dõng mãnh. Cũng vậy, này các Tỳ kheo, trong các pháp thuộc phần giác ngộ, tuệ căn được xem là tối thượng”.([25]) Căn cứ lời dạy trên đức Phật muốn khẳng định, trên lộ trình giác ngộ, trí tuệ vô cùng quý báu và cần thiết cho hành giả tu tập. Vì sao? Phật giáo luôn xem trí tuệ là sự nghiệp của đời sống giải thoát, bởi vì trong sự sống hằng ngày, con người có thể thiếu ăn, thiếu mặc thậm chí chịu cảnh đói rét, khổ đau, nhưng đó vẫn chưa gọi là cái khổ tột cùng. Nên trong kinh đức Phật có lời dạy rằng: “Cái khổ của lạc đà, của lừa ngựa chở nặng mãn kiếp, cái khổ trôi lăn trong tam giới chưa gọi rằng khổ. Ngu si không trí huệ tin tưởng sai lạc, không biết hướng đi, cái ấy mới thật là khổ”.([26]) Lời dạy này muốn xác quyết một điều, tuy rằng loài ngựa, lạc đà chở nặng cũng là khổ, nhưng nỗi khổ ấy chỉ trong đời hiện tại, bởi gieo nhân xấu ác trong kiếp quá khứ nên đời này phải rơi vào cảnh khốn khó như vậy. Thế nhưng cũng chẳng bằng sự khổ của người luân hồi vì ngu si, không có chánh tín, mãi đuổi theo ái dục trần gian, chẳng thể nhận biết được thực tướng của cõi đời, không biết nương tựa chánh pháp, vì thế mà phải đọa lạc trầm luân trong vô tận kiếp, chẳng biết bao giờ mới ra khỏi biển khổ.
Vì thế, đạo Phật luôn đề cao trí tuệ đóng vai trò then chốt trên lộ trình giải thoát. Bởi vì nhờ trí tuệ mới giúp chúng ta chứng ngộ chân lý, nhờ trí tuệ con người mới chuyển hóa được vô minh, dứt trừ phiền não, đoạn diệt khổ đau. Nói cách khác, trong đời sống không có trí tuệ dẫn đường sẽ khiến kiếp người cứ mãi lênh đênh trên biển mê, quẩn quanh trong vòng ái dục, cho nên đau khổ mãi không dứt. Không chỉ vậy, nhờ có trí tuệ mà tất cả ý nghĩ, lời nói, cử chỉ của con người ở khắp nơi, mọi chốn... luôn được điều phục, không tạo gây tội lỗi. Nên nói, trí tuệ chính là nguyên tố giúp con người có thể tự hoàn thiện nhân cách đạo đức của chính mình. Từ đó đem lại sự an lạc, giải thoát trong đời sống của họ trong hiện tại cũng như tương lai. Vậy nên trong Chơn lý Nhập định, Tổ sư đã khẳng định: “Có huệ được học tỏ sáng mới hết mê lầm. Không mê lầm là không vọng động theo cảnh chiêm bao mộng ảo của lớp thấp thỏi đầu tiên, thì con người mới đặng hưu trí, chơn như nín nghỉ, làm kẻ ông già, làm người cao cả, không còn nói làm bậy bạ ác quấy uổng công nhọc sức”.
Nói chung, muốn trang bị cho mình một đời sống với nhân cách đạo đức tốt, cần phải tu tập Giới – Định – Tuệ, nên trong Chơn lý Phật tánh, Tổ đã khuyến nhắc: “Chúng ta ai ai cũng có thể thật hành giác ngộ được hết, mà điều cần nhứt là phải giải thoát, vì chỉ có giới định huệ cụ túc mới nuôi chơn như cụ túc ấy đặng”. Thật vậy, chư Phật, chư Tổ đều dạy, muốn thật hành giác ngộ chỉ có con đường duy nhất đó là hành trì giới, định, tuệ. Cũng có thể nói, tiến trình giới, định, tuệ được ví như ngọn đuốc sáng giúp nhân loại chiếu soi không đi trong mê lầm, tăm tối, làm thành trì ngăn chặn sự nguy hiểm, sai lạc, tránh khỏi rơi vào hầm hố tội lỗi, ngăn dứt phiền não để tiến đến Niết bàn. Vì đây là cách thức đoạn dục, dứt tuyệt vọng tưởng, phá bỏ ngã chấp, diệt trừ vô minh, chứng ngộ Niết bàn.
Tóm lại, vì nét đặc thù của giáp pháp Phật qua lời dạy của chư Phật, chư Tổ... cả thảy đều hàm chứa tính giáo hóa về đạo đức con người, giúp con người cảnh tỉnh và ý thức đời sống này những gì là giá trị thiết thực, thế nào là lợi ích tích cực thông qua thực hành lời dạy trên và nhận chân tính như thật của vạn pháp với giáo lý vô thường, vô ngã, nhân duyên, nhân quả và nghiệp lực quả báo... Từ đó giúp loài người biết sống yêu thương, bao dung, vì người và hằng tỉnh giác bằng pháp môn Giới – Định – Tuệ hoặc thể hội những lời dạy trên. Đó chính là vai trò đạo đức mà mỗi người đều có thể đóng góp xây dựng bằng tự thân của chính mình, hầu đem lại lợi lạc cho mình, người, cho tất cả. Đồng thời thông qua những lập luận và những lời dạy trên đã giúp người người biết rõ phương pháp sống tiến, sống chan hòa. Nói khác hơn, tất cả sự sống của người con Phật đều cùng một mục đích duy nhất đó là chuyển hóa thân tâm qua sự kiểm thúc thân khẩu ý làm cho trong sạch, chuyển mê thành ngộ, chuyển ngu thành trí, chuyển ác thành thiện... mỗi chúng ta luôn sống tỉnh thức như vậy để vun bồi cho mình một nếp SỐNG ĐẠO ĐỨC. Đó cũng là cách thức kiến tạo cho mình, người và tất cả một đời sống hạnh phúc, an vui, lợi lạc ngay trong đời sống hiện tại và tương lai.
3. Kết luận:
Tóm lại, tất cả sự sống của người con Phật đều cùng một mục đích duy nhất đó là chuyển hóa thân tâm, chuyển mê thành ngộ, chuyển ngu thành trí... muốn vậy phải luôn SỐNG ĐẠO ĐỨC. Cụ thể trong phạm vi bài viết này đã giới thiệu rất nhiều ý pháp của Tổ sư để vun bồi cho mình một nếp SỐNG ĐẠO ĐỨC. Đặc biệt là trước bối cảnh xã hội hoảng loạn, đạo đức con người ngày càng suy thoái, thậm chí ngay cả đạo đức của những vị tu sĩ trẻ tâm muốn lìa xa thế tục, hành trì chánh pháp, nhưng vì hoàn cảnh xã hội nên họ cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy văn minh, lệch hướng chánh pháp của Tổ Thầy. Do đó, khiến con người ngày càng điên đảo, cộng thêm sức cám dỗ trước sự hưng thịnh của đời sống vật chất do khoa học kỹ thuật tiến bộ mang lại. Theo đường lối chủ trương của Giáo hội trong thời kỳ HỘI NHẬP – PHÁT TRIỂN, là thành viên trong một xã hội muốn tồn tại và phát triển mặc dù là Tăng Ni đã xuất gia tu hành, nhưng không thể tách rời xã hội. Song để sánh bước cùng với dân tộc trong thời kỳ này, trách nhiệm của mỗi người xuất gia cần phải dấn thân góp phần “Kiến lập một xã hội tươi đẹp, một đời sống lý tưởng” như nội dung đã trình bày trên. Song để hoàn thành trọng trách này, theo con nghĩ: không gì hơn chính là “Tự trang bị cho chính mình và hướng dẫn mọi người sống đời đạo đức”.
Bởi vì, SỐNG ĐẠO ĐỨC là đời sống trong sạch, thiện lành, biết yêu thương, đùm bọc, bao dung, không phân chia, kỳ thị, ghét bỏ, tham sân si... đó chính là yếu tố quan trọng đưa con người bước vào thế giới an lành, hạnh phúc, vượt khỏi khổ đau bức bách thân tâm mãi mãi. Quan trọng hơn nữa, mỗi bậc sứ giả Như Lai phải luôn có trách nhiệm lấy GIỚI – ĐỊNH – TUỆ làm căn bản để trưởng dưỡng đời sống đạo đức, nhờ đó mới tô bồi cho mình đầy đủ trí tuệ, đạo đức, vui sống trong chánh pháp, có thế mới thực hiện được Sứ mạng “Truyền ĐăngTục Diệm”. Đó là vai trò chính yếu và thiết thực của một sứ giả Như Lai trong thời kỳ HỘI NHẬP – PHÁT TRIỂN. Đặc biệt là trong giai đoạn tinh thần đạo đức Tăng Ni dễ mất thăng bằng, đưa đến hành vi bại hoại, mà trách nhiệm của Tăng Ni vốn là người lãnh đạo tinh thần, làm gương mẫu cho mọi người noi theo. Điều này trong Chơn lý Tổ luôn nhắc nhở, lẽ sống của đời người là tiến, nếu chúng ta biết dùng ngọn đèn chánh pháp soi sáng cho chính mình, hằng ngày lo tu sửa thân tâm, chuyển hóa phiền não, tích tạo phước lành, luôn sẵn lòng yêu thương, giúp đỡ cho nhau để mọi người cùng chung hưởng một đời sống hạnh phúc, tiến đến mục tiêu tối hậu, vĩnh cửu là Niết bàn. Đó là phương châm sống phù hợp với lời dạy của chư Phật, chư Tổ và cũng khế hợp với thời đại hội nhập và phát triển. Để kết thúc bài viết, người viết xin mượn lời dạy của Tổ sư để khẳng định tầm quan trọng của đời SỐNG ĐẠO ĐỨC, đặc biệt là trong thời đại hội nhập và phát triển: “Trong đời ai mà không muốn mình cao, mà cái quý cao, là đạo đức. Tài trí thì dễ tìm, nhưng đức hạnh thì khó kiếm. Đức thắng tài vi quân tử, tài thắng đức vi tiểu nhơn, là nhờ vậy. Trong đời chỉ có đạo đức là quý báu hơn hết, đạo đức phải là con đường cái to lớn chứa gồm tất cả, quan trọng hơn hết, con đường nào ngánh nào, cũng do đạo đức vĩ đại mà ra, và khi nếu ai lạc lìa đạo đức, là phải bị bơ vơ tai hại”.
[1] Chơn lý Chánh đẳng chánh giác- Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.
[2] Câu Chuyện Triết Học, Will Durant, Dịch giả: Bửu Đích, Tu thư Đại Học Vạn Hạnh, 1971, tr.17.
[3] Câu Chuyện Triết Học, Will Durant, Dịch giả: Bửu Đích, Tu thư Đại Học Vạn Hạnh, 1971, tr.92.
[4] Chơn lý Chánh đẳng chánh giác - Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.
[5] Trích dẫn từ cuốn Đạo đức Phật giáo và Hạnh phúc con người, do Hòa thượng Minh Châu trước tác.
[6] Kinh Pháp Cú 56, Ni Trưởng Huỳnh Liên dịch.
[7]Chơn lý Tu và nghiệp, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.
[8] Chơn lý Phật tánh, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.
[9] Chơn lý Nam và nữ Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.
[10] Chơn lý Chánh đẳng chánh giác, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.
[11] Kinh tương ưng I, Hòa thượng Minh Châu dịch, p.128.
[12] Trung Bộ I, HT Minh Châu dịch, p.140.
[13] Kinh Pháp Cú, Ni trưởng Huỳnh Liên dịch.
[14] Kinh Pháp Cú 13, phẩm Thế gian, câu 173.
[15] Chơn lý Chánh đẳng chánh giác, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.
[16] Chơn lý Chánh đẳng chánh giác, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.
[17] Chơn lý Lễ giáo, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.
[18] Chơn lý Nam và nữ, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.
[19] Chơn lý Y bát chơn truyền, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.
[20] Kinh Tương Ưng V, chương 3, phẩm Tự mình làm hòn đảo, Hòa thượng Minh Châu dịch. p. 42.
[21] Chơn lý Cư sĩ, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.
[22] Luật nghi Khất sĩ, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, năm 2004, p.221.
[23] Luật nghi Khất sĩ, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, năm 2004, p.100.
[24] Luật nghi Khất sĩ, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội, năm 2004, p. 73.
[25] Tương Ưng Bộ V, chương 4, phẩm 6, phần Sàlà, NXB Tôn Giáo, 2000, tr.354.
[26] Sa Di Luật Giải.
TN. Nguyện Liên
----ooOoo----
BÀI LIÊN QUAN
Tư tưởng Thiền của Tổ sư Minh Đăng Quang trước môi trường sống và gội sạch tâm thức tự thân ( Hòa thượng Giác Toàn , 9536 xem)
Lời tưởng niệm của Ni giới Hệ phái Khất sĩ ( Ni Giới Khất Sĩ , 9668 xem)
Sợi chỉ Chơn lý nhiệm mầu ( Hòa thượng Giác Toàn , 6764 xem)
Hoà thượng Giác Toàn thuyết giảng về con đường tìm lại chính mình ( Ban TTTT Hệ phái , 7776 xem)
Rạng ngời trí tâm ( Quang Toàn Thành Anh , 6548 xem)
Nhớ Ơn Thầy ( Ni trưởng Huỳnh Liên , 9064 xem)
Cầu nguyện Tôn Sư ( Ni trưởng Huỳnh Liên , 7668 xem)
Kỷ Niệm Tôn Sư ( NS Hạnh Liên , 5164 xem)
Tổ sư sử thi ( Bảo Minh Trang , 9717 xem)
Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập (9928 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng