Trang chủ > Đức Tổ Sư > Bài Viết

Tư tưởng Thiền của Tổ sư Minh Đăng Quang trước môi trường sống và gội sạch tâm thức tự thân

Tác giả: Hòa thượng Giác Toàn.  
Xem: 9538 . Đăng: 18/04/2019In ấn

 

Tư tưởng thiền của Tổ sư Minh Đăng Quang trước môi trường sống và gội sạch tâm thức tự thân

 

 

HT. Giác Toàn

 

I. PHƯƠNG PHÁP THIỀN CĂN BẢN QUA CHƠN LÝ THẦN MẬT

1. Soi sáng nghiệp quả, tội lỗi do thân, khẩu, ý gây tạo từ ngàn kiếp luân hồi

Phép thần thông có là do ba cái mật: thân mật, khẩu mật, ý mật.

Thân mật là không hay làm.

Khẩu mật là không hay nói

Ý mật là không hay tưởng nhớ.

Ba cái mật là ba sự kín đáo bên trong nói, làm, tưởng, không cho phát lộ ra ngoài.

Làm, nói sanh ra tưởng loạn. Không làm, không nói thì tưởng định. Thân, khẩu sanh ra ý và khi không còn thân, khẩu là không còn ý.

Cái ý của thân, khẩu bên ngoài là ý loạn.

Và cái ý của thân, khẩu bên trong, hay là không còn thân, khẩu, thì ý định. Ý định gọi là chơn như, hay là không có ý. Nghĩa là không có ý vọng động. Cũng như vỏ ruột sanh ra cái ngòi mộng. Ngòi mộng sanh ra cây, cây còn vỏ ruột mộng mất. Cái ý trước là ngòi mộng, cái ý sau là cây. Cây là phép thần thông, phép thần thông là do ý mật. Ma quỷ không có nói làm, ý mật mới linh thiêng. Vậy nên phép thần  thông có là do ý mật, mà ý mật phải do nơi thân mật, khẩu mật.

Thân, khẩu, ý ẩn mật kín đáo, cũng như cái hột còn tốt nguyên vẹn chẳng hư hao. Một cái hột kín đáo tròn trịa không nứt bể, ruột chẳng hở lòi, ngòi mộng không sứt gãy thì chắc chắn sẽ sinh cây. Vỏ ruột ấy chắc chắn sẽ nuôi được ngòi mộng và hương vị thật hoàn toàn, tánh chất nguyên vẹn.

Một cái hột sống là vỏ ruột mộng không hở bể. Một cái tâm chơn là thân mật, khẩu mật ý mật. Bởi thân mật, khẩu mật, mới sanh ý mật, ý mật là thần thông, vậy nên gọi phép thần thông có là do ba cái mật. Trong ba cái mật này, thì thân khẩu kể như không có, ví dầu đang có cũng như không, cho nên kẻ chết người sống cũng như nhau, kẻ sống tập thân mật, khẩu mật, nhưng người chết không có thân khẩu thế nên kẻ sống người chết đều có đủ ba cái mật. Trong ba cái mật ấy, thân, khẩu nuôi ý, và phép thần thông có là do ý mật.

(Chơn lý tập II - Thần Mật, Nxb Tôn giáo, 2004, tr. 121-122)

2. Quán chiếu, tu tập ba nghiệp thân, khẩu, ý chẳng những không cho gây tạo nghiệp quả, tội báo mà còn thu nhiếp, giữ gìn an lạc thanh tịnh ba nghiệp thân, khẩu, ý

“Tâm hồn của người ta có ba phần: linh, giác và thần. Thần là sự sống, giác là cái biết, linh là linh nghiệm. Người sống đời có sống, có biết mà không linh nghiệm thì cũng như kẻ thiếu bộ máy ngũ tạng, giữa thân mình, kẻ ấy không sao sống được, biết được. Người ở đời phải bị muôn ngàn sự hiếp đáp, người không được toại ý, người biết vật chất là ác trược giả dối khổ sở, mà người phải ôm đeo theo mãi muôn đời ngàn kiếp là tại thiếu sự linh nghiệm thần thông. Sự linh nghiệm thần thông thiếu là bởi vọng động bên ngoài, mảng lo làm, nói nhớ tưởng, mất cái tự nhiên yên lặng. Tự nhiên yên lặng là linh có sẳn chớ chẳng đợi tìm đâu. Ai ai cũng có linh thiêng hết, sống chết đều linh, không linh là tại người kia vọng động, nơi chỗ tự nhiên yên lặng, hòn đá sẽ linh, cái cây sẽ linh, cục đất còn linh, huống chi người ta sao lại chẳng linh? Đúng chơn lý sự thật của mỗi chúng sanh là tự nhiên yên lặng, chơn nguyên linh ứng, tất cả chúng-sanh đều đang ở trong cái yên lặng phủ trùm, giờ phút nào không vọng động là tự nhiên yên lặng.

Tại vì họ lạc lầm say mê giả dối cảnh vật bên ngoài, bỏ mất thần thông bám níu theo trần, để phải không ta, không của ta vô thường khổ não thật là đáng tiếc. Nhưng trong khi ấy, nếu lúc nào họ chịu bỏ trần, ở vào trong cái tự nhiên yên lặng, tức là linh thiêng trở lại. Cũng như mặt kiếng, bên ngoài không dính bụi, tức thì sáng rỡ. Người ta mắc phải tai nạn chết thảm là cũng tại nơi sự lo tưởng nói làm.

Một cái hột nứt vỏ, ruột hôi, thúi mộng thì không còn dùng được. Một bông hoa quý giá là bởi nơi sự búp kín. Một cái tâm hồn tốt đẹp là bởi ba cái mật, không ai xem thấy kiếm tìm nó được. Một viên ngọc vô giá là bởi món ít có và khó gặp…”.

(Chơn lý tập II - Thần Mật, Nxb Tôn giáo, 2004, tr. 123-124)

II. PHƯƠNG PHÁP TU TẬP THIỀN – TỈNH GIÁC TRƯỚC MÔI TRƯỜNG “VĂN MINH VÀ KHOA HỌC” CỦA THẾ KỶ 21 TRONG CHƠN LÝ “XỨ THIÊN ĐƯỜNG”

1. Phương pháp tu tập thiền hay sống tỉnh giác qua triết lý vi trùng

Thân con người làm một “ổ” vi trùng: “…Nhưng người ta lại rất hiểu rộng ra rằng: vạn vật là không có, chỉ có tất cả là chúng sanh như nhau; là những vi trùng kết hợp, là những chất sống, chất sống ấy là những con vật! Thân người là một khối vi trùng kết hợp, chớ không phải đất nước lửa gió. Cũng như quả địa cầu là ổ vi trùng to: trong đó mỗi hột cát là sự kết hợp vô số vi trùng nhỏ, đang tượng, đã tượng, và nẩy nở, nước lửa gió cũng y như vậy. Cả thảy là vi trùng, tiểu trùng nhỏ, đại trùng lớn, sắt đá cũng là vi trùng chúng sanh. Các loại trùng ấy có ra bởi lửa, cả thảy đều do lửa, cho đến điện lực cũng là vi trùng nữa. Đủ thứ vi trùng, đủ thứ tánh chất tương đối, chuyền níu nhau kết hợp thành hình chúng sanh to nhỏ và vạn vật. Chúng nó vẫn tranh đấu nhau mãi, theo tánh tương đối làm cho các pháp thay đổi nơi chúng sanh vạn vật phải thay đổi. Chính cái thay đổi tranh đấu của vi trùng ấy là các pháp vậy”.

(Chơn lý tập II - Xứ thiên đường, Nxb Tôn giáo, 2004, tr. 518-519)

2. Sự liên thông của các loại vi trùng hay “ô nhiễm môi trường sống” qua sáu căn của con người khi đối diện trước trần cảnh

“Chúng ta đây, mỗi người đều có thân thể, thân thể ấy, tức là một khối vi trùng, vi trùng thấy, vi trùng nghe, vi trùng ngửi, vi trùng nếm, vi trùng rờ, vi trùng tưởng, vi trùng nữ, vi trùng nam, vi trùng đen, vi trùng trắng v.v… đủ thứ vi trùng tranh đấu. Ví như vi trùng đi thẳng, thì nó lôi chơn đi; vi trùng nói thắng nó bắt nói, vi trùng nữ thắng, là người nam nóng dục tâm biến thành nam, vi trùng tham sân si làm cho ham muốn, giận hờn, mê muội… các vi trùng ấy cũng gọi là giác trùng vì cả thảy đều có giác tánh, là biết.

Như thế thì thân thể vi trùng phối hợp của chúng ta đây vốn không có cái ta chủ tể, và không bền vững bởi sự tranh đấu của vi trùng. Chúng ta đang ăn uống vi trùng, đi đứng ngồi trên vi trùng, không cái nào chẳng phải là vi trùng sống hay giác trùng cả. Cái sức mạnh của chúng nó kêu là lính, các pháp của chúng nó gọi là thần: sống, biết, linh là chủ tể. Ba cái ấy làm ta, chớ xác thân không phải có thật. Cả thảy các thứ vi trùng trong thân chỉ có vi trùng tư tưởng là mạnh nhất, thường thắng phục các vi trùng kia, nó là mẹ sanh các thứ vi trùng móng dục. Nhưng bền dài sống dai hết là vi trùng chơn như tự nhiên không vọng động. Vi trùng nầy yên vui, trầm tính, thanh nhàn, khỏe khoắn lắm. Vi trùng này mà thắng được thì chúng sanh tức Phật vậy.

Ngoài ra còn có vi trùng trí huệ sắc bén như gươm đao, ánh sáng hơn mặt nhựt, hầu hết các loại vi trùng đều do hai khí tánh: là thanh hay trược, tức là thiện hay ác, khổ hay vui tương đối…

Bởi hiểu ra như thế, cho nên người nơi xứ đó không quý tiếc thân mạng của cải chi cả. Họ cố sức thắng phục vi trùng xấu, dưỡng nuôi giúp sức cho giác trùng tốt để đến cõi thuần phục trang nghiêm. Họ cho vật chất xác thân là hỗn tạp nhơ uế, vì nó tích chứa đủ thứ độc trùng tai hại.

Bởi thế cho nên họ sống đời đúng chơn lý lắm. Đối với họ vạn vật đã là không có và các pháp tên gọi, sự việc biến hóa của vạn vật chúng sanh cũng là không. Họ cho rằng: khi chúng sanh còn mê nhiều, vi trùng mê thắng thì nó nhận lầm nơi các pháp mà gọi rằng: chúng sanh là pháp, vạn vật là pháp, giáo lý sự việc là pháp, chỉ có pháp chớ không chúng sanh vạn vật. Nhưng nếu vi trùng mê muội đã mở mắt tỉnh ra rồi thì cả thảy là vi trùng giác, từ sơ giác tới toàn giác, cái biết sẽ biết hoàn toàn thì chúng sanh là biết, biết hoàn toàn Phật vậy. Phật là giác biết hoàn toàn như ông già, còn chúng sanh là biết nhỏ hẹp như trẻ nhỏ. Thế thì chúng sanh là Phật. Phật là tối thắng thiên nhơn, nghĩa là giác trùng đã toàn thắng tất cả, làm chủ tể; còn tiếng chúng sanh là giác trùng còn đang tranh đấu nên chưa định được.

Vậy thì chỉ có chúng sanh hay sẽ là Phật đối với chơn lý thôi, vì nó là chủ tể chớ vạn vật là sự lầm nhận, còn các pháp là sự tranh đấu không bền, không phải có thật. các thứ vi trùng tranh đấu xưng ta, giành cái ta làm chủ mà tự xưng tên gọi pháp, ví như vi trùng thương, vi trùng nhơn, vi trùng phải, vi trùng tự cao v.v… chúng nó hằng giành choán xưng vương nhưng bởi tánh không định nên không yên vững đặng, mà hầu hết gọi là vi trùng nhỏ, vi trùng vô ích không dùng được sự chọn lọc nên cũng gọi là vi trùng chết yểu. Mà chỉ có vi trùng định, chơn như, giác ngộ là sống tồn tại vĩnh viễn còn hoài thắng tất cả bằng tự nhiên, hạnh phúc an lạc nên gọi là ta, vua chủ sống được! Cái ta ấy tức vi trùng giác hay Phật”.

(Chơn lý tập II - Xứ thiên đường, Nxb Tôn giáo, 2004, tr. 519-522)

3. Đặc biệt chú ý “vi trùng giác”

“Một ngày kia, cái thân vạn vật, các pháp, chúng sanh nầy nó rã đi, thất bại thì chừng ấy chỉ còn có vi trùng giác đứng vững làm ta kết quả vậy.

Vì lẽ đó mà nhơn loại xứ ấy, họ chăm chú nương theo Phật, một ngày kia, họ không còn biết đến thân vật chất và các pháp hay chúng sanh tạm. Họ không muốn tiếc gìn cái có chi bên ngòai hết. Cũng như một người trồng cây, họ ngó ngay cái hột giống một ngày kia chớ không quý trọng cây lá nhánh trái hoa chi cả. Họ cho rằng con đường từ vật chất đến tinh thần, từ thân đến tâm, từ cỏ đến hột, từ ác đến thiện, từ động đến tịnh. Họ phải biến tới bỏ cái trước đến cái sau, bỏ cái dưới đến cái trên là hạnh phúc vĩnh viễn, ai ai mục đích cũng phải như vậy hết, không ai đi lui mà được tốt đẹp, không ai đứng một chỗ mà được yên vững, không ai đi một lượt hai chân hay là một bước tới một bước lui mãi mà gọi là đi tới. Kìa như kẻ kia, cũng ác mà cũng thiện, cũng khóc mà cũng cười, tội cũng làm, phước cũng làm, kẻ ấy tưởng mình thắng nổi thời gian giữ hoài 30 tuổi, mãi lầm mình là cái trái vẫn đứng ngừng tươi xanh, kẻ ấy tưởng lầm mình không mỏi mệt chán khổ, kẻ ấy đối với lẽ tiến hóa sẽ bị gãy như cái cây cắm đứng cản ngăn nơi dòng nước đau đớn uổng oan lắm vậy.

Đó tức là lòng tham muốn, trí ghim sâu trong vật chất. Thân dơ bẩn trên tin thần! Kẻ ấy ắt sẽ gãy như cái cây kia không sai chạy. Vì không thế nào ai ở trong vật chất được hay là tin thần vật chất đi đôi, tới lui một chỗ được.

Cũng như không ai tránh khỏi cái già cái Phật thì nhọc lòng ham muốn, cố cưỡng mà làm chi cho khổ mà cái già cái Phật là tốt đẹp chớ có phải xấu xa đâu, tội gì mà lại sợ. Chơn lý võ trụ là tiến, là trong sạch, cứu giúp ta, đưa ta lên thì tội gì mà ta trốn tránh.

Bởi thế cho nên chúng sanh ở nơi xứ đó chỉ có hai hạng bậc thôi: là từ vật chất đến tinh thần và con đường từ vật chất đến tinh thần, nối liền hai khoảng đầu đuôi ấy, kêu là thiên đường. Thiên đường là bước chân đang đi lên của hạng người vật chất. Cũng như người lớn là bước chân của trẻ nhỏ sẽ đến ông già vậy. Ở trong xứ ấy, hạng trên sống bằng tinh thần giác tánh chơn như, họ lấy giới định huệ làm món ăn mà nuôi giác trùng cho mạnh mẽ tốt đẹp dẫy đầy sanh sản, đặng áp chế các vi trùng độc. Họ bảo giữ chúng nó bằng cái toàn chơn chí thiện vậy, xác thân của họ như vỏ trái già chín, họ không còn ngó nó nữa vì họ đã cứng chắc tâm hột rồi. Họ không tự làm ác để nuôi thân, họ không tiếc gìn thân, họ bỏ xác thịt giờ nào cũng được, họ chỉ lo nuôi tinh thần đi lên cao tới mãi. Họ cũng như xác thân đã chết rồi hay là không có đối với họ, không có tự nơi họ. Cũng như đức Thích Ca Mâu Ni khi xưa, sau khi giác ngộ, đắc đạo, thấu chơn lý, bấy giờ Ngài muốn nhập Niết bàn bỏ xác bởi lẽ tâm hột đã già chín là thân vỏ khỏi cần nuôi nữa…”.

(Chơn lý tập II - Xứ thiên đường, Nxb Tôn giáo, 2004, tr. 522-525)

III. ĐÓM LỬA CHÌM SÂU TRONG BẾP TRO NGUỘI LẠNH HAY “VỊ HUNG THẦN” TRONG TÂM THỨC PHÀM PHU CỦA CHÚNG TA QUA CHƠN LÝ VỊ HUNG THẦN

1. Bốn nấc thang tiến hóa trong đời

Chúng ta hãy cùng soi quán câu chuyện đối thoại tự vấn của “vị Khất sĩ” và “vị hung thần” trong bài chơn lý đã nêu:

“Khi ấy vị Khất sĩ rất ung dung trầm tĩnh, vui vẻ mà thốt ra lời nhỏ nhẹ êm ái, ngọt ngào như vầy rằng: Nầy người ơi, người có biết hiểu rõ chăng bốn pháp lý của nhân loại? Kêu là đạo lý hay nhân cách. Bốn giáo lý ấy là: ông, cha, con, cháu! Trong bốn pháp ấy, ông muốn ở vào tên gọi nào, và ông muốn cho tất cả nhân loại, ở vào những lời nói, việc làm nào?

Nầy ông ơi, tư cách của bậc ông trên hết, là ông già. Ông già: mắt chẳng phải ngó xem xa gần; lỗ tai chẳng phải nghe tiếng lớn nhỏ; mũi chẳng phải ngửi mùi thơm, thúi; lưỡi chẳng nếm vị ngọt, chua; thân chẳng phải còn động chạm sạch dơ; ý chẳng phải lo nhớ muốn tính. Cảnh giới của bậc ông là định, yên lặng, chơn như, tâm thật, trong sạch yên lặng, sáng suốt không không, yên nghỉ nín lặng, trang nghiêm đằm thắm, từ bi đức hạnh, hỷ xả trí huệ, hiền lành trầm tĩnh và giác ngộ. Ông ấy phải là bản dạng, dắt đường cho trẻ nhỏ đi sau đang lạc lầm chết khổ, cùng chỉ bảo cho người học hỏi sưu tầm; ông ấy đã phải đến lớp tuổi cần chi giác ngộ cho người, ông phải là ông thầy hướng đạo dắt nhơn loại đến chốn thảnh thơi ngơi nghỉ. Ông là ông thầy giáo đi dạy khắp nơi không nhận tiền lương bổng”.

a) Pháp lý của lớp ông già

“Tâm ông là phải trọn sáng trọn lành chơn chánh ngay thật, lớn to, tròn trịa; ông chỉ phải còn tâm, có tâm không mà thôi. Người ta kêu gọi tiếng ông là vì lớp tuổi đó cái tâm đã hoàn toàn cứng chắc, tốt đẹp thành tựu. Cái tâm ấy tức là chúa tể của tất cả chúng sanh, vạn vật các pháp, un đúc tạo thành; cái tâm ấy là vị quân tử, là đức tánh quý báu nhất đời. Cái tâm ấy là chủ tể sự thành công, sống đời, toàn giác, linh thiêng lắm vì nó không còn tham sân si nhỏ hẹp vậy.

Tiếng ông ấy, tức là Phật cao trên hơn hết. Giáo lý con đường ấy, tức là khác xa hẵn, hạng cha, con, cháu; cũng như lớp nhứt, chẳng giống lớp nhì, ba, tư thì lẽ tất nhiên là các hạng dưới số đông nhiều, chẳng ai biết hiểu được. Ông ấy phải khác với tất cả người ta; phải không dùng sức tài hay, trí giỏi; ông phải không cần lo nghĩ đến xác thân, ở ăn mặc bịnh cho mình nữa; cũng như cái trái đã chín khô, chỉ còn cái hột trơ trơ vỏ thân ruột trí ấy nữa được. Cảnh ngộ này ông không muốn có tâm hột mà tâm hột nó vẫn sẵn có, dầu ông muốn bỏ, muốn phá nó, nó cũng vẫn tự nhiên, trơ trơ, ông muốn vọng động cũng không còn phương chi vọng động được. Ông không thể nào diệt bỏ cái tâm trơ yên lặng như hột giống cứng đầy của ông ấy được và hoàn cảnh đâu có cho ông như thế nữa…”.

b) Giáo lý của ông cha

“Lại vầy nữa, tiếng cha nghĩa là gì? Cha là đạo lý của kẻ hy sinh, lợi tha xả kỷ; cha là tên gọi kẻ không ta không mình là sự san sẻ thịt máu, xương đầm ấm, tô dắp cho các chúng sanh vạn vật; cha là kẻ sanh con, là người lớn, cái lớn của thanh cao quảng đại, không không trùm chứa trọn lành, trong sạch lớp trên. Cha tức là Trời, là thức trí, trí huệ, sống cho mình bằng trí, trí là ta, thân là người; vật chất của cải, cái có, cái tốt, cái vui hay khéo lạ nơi sự vật, là của người, chớ không phải ở nơi mình nữa, cái tiếng cha, đạo làm cha, giáo lý bậc cha, tư cách người cha, bổn phận cha; tên cha là phải sống cho kẻ khác, làm nói cho người, nhớ tính lo nghĩ cho người, phải không còn tư riêng nhỏ hẹp, cũng như xác thân của cha là không còn nẩy nở tốt đẹp nữa mà đến lúc nó phải chịu sự tóp teo rút tỉa, ốm xấu teo nhăn, mặt đất đã kêu lần không cho cố gượng; sự hiểu nhoáng đã bắt đầu ẩn khuất, con đường đi ra đến lúc hết trớn sắp phải quay về, cũng như cái máy bắt đầu sét rã; người không còn trông gì tương lai của xác thân, cõi đời đối với mình nữa, chơn lý chi phải như vậy. Bậc cha nầy nào còn vui chơi cuời giỡn, ngộ nghĩnh trẻ con, ỏng ẹo lã lơi, tranh đua vật chất nữa được sao? Với vỏ thân chai cứng ấy, nào còn làm được việc dịu dàng như trẻ nhỏ. Cái trí nó đâu có cho người làm việc ác, việc cháu con, vật chất. Trí là ruột cơm của trái, ruột trí ấy để nuôi hột tâm, chớ phải đâu tạo sanh vỏ thân trở ngược và trong đời ai mà không phỉ ố; kẻ làm cha mà còn sự tham đơ như con cháu ai mà không cho rằng: cái ác, cái tư kỷ của tiếng cha là quấy tội, sự chấp có, có của tên cha là sái trật. Thế thì vật chất xác thân là không phải người cha, người không dùng cái có nữa được, đạo lý tiếng cha là thiện lành, là thức trí, là không cái ta, của ta nữa. Trong tiếng cha có đến hai bổn phận: vừa là phải nói làm nuôi mục đích của tên ông, vừa phải là tế độ cho tiếng con lớp dưới. Nghĩa là cái thiện phải nuôi giữ đạo đức chơn như, phải đến với đạo đức chơn như, cũng như cái ruột trí phải nuôi tâm hột, người lớn phải nuôi ông già để mình tập lần theo cái dấu chơn ông già ấy. Và còn phải thương xót lại cái kẻ ác quấy, trẻ con, dại dột, mà cất nhắc chúng nó đem lên để khi mình bước lên đến ông già thì tiếng con kia sẽ trở thành cha, noi gương kia ủng hộ lại; như thế tức là sự kéo níu, dắt nương lẫn nhau để đi lên tới hết. Cũng như cái trí ruột cũng phải xót thương cái vỏ thân, để cho vỏ thân tiến dần lên trí ruột thì trí ruột mới bước tới hột tâm. Cha là lý trí, chư thiên lớp Trời trên giáo lý sống y như vậy”.

c) Giáo lý của người con

“Tiếng con cũng là một đạo luật, tên con là chỉ rõ danh từ của pháp nhỏ nhít cỏn con, cái thiện cái trí nhỏ hẹp của hạng người tự độ, tự kỷ, cái thiện, cái ác bằng nhau, cảnh giới của kẻ lo cho thân vỏ, như trái non chưa có hột ruột tâm trí, bên trong còn trống rỗng, thiếu thốn tham lam, đói khát, cái thân là cái vỏ trước mặt bên ngoài, chẳng phải như tâm trí cha ông, ẩn kín bên trong, thế nên của con là dục vọng, trí của con là trống lưng thiếu thốn. Vỏ thân của con phải là bóng láng đẹp xinh; con là phải lo cho thân, phải biết những cái thấy có bên ngoài trước mặt, các việc của con phải là việc lo vật chất cho thân, đi theo đường lối ích lợi cho thân, bên ngoài cái vỏ, để cho cái vỏ dầy, cái thân to lớn đúng sức mới tượng thành cái ruột đặng. Sự học hành của con, việc làm lời nói ý muốn của con phải theo duy vật, phải ác, phải tự kỷ, lo cho xác thân, thân sống là quan trọng, món ăn mặc ở bịnh là cần yếu sắp đặt cho thân, gìn giữ cho thân là hơn, phải tranh đấu, phải ác, phải được cho thân mình từ gia đình đến xã hội phải chia rẽ; từ loại thú cỏ cây phải phân biệt, phải chen lấn dàn áp vật lộn, phải xấu xa dơ dáy thúi hôi, để đặng lô đắp cho thân. Ngoài thân vỏ ra, là chưa có ruột tâm, ngoài ác ra là chưa có thiện chơn, chưa đến được. Giáo lý của con cũng là cái tâm hột mới tượng, còn nhỏ non, trí ruột còn mỏng yếu, hột tâm cỏn con ấy gọi là tiểu nhơn, hột giống nhỏ non vậy.

Đạo lý của con là ác, hạnh phúc của cải của con phải là món ăn, sự mặc, chỗ ở, vật chất đua tranh, mạnh được yếu thua, chết rồi là hết, vỏ trái thúi rồi là tiêu, thân mất đi không còn tâm trí, không có cái chi về sau cả thảy vậy. Đời của con phải vô ích, liều mạng, nhắm mắt bước càn, tới đâu hay tới đó chỉ cần biết sung sướng toại hưởng bây giờ. Thân vỏ của con là không bao giờ tưởng, là mình sẽ tượng trí sanh tâm, ruột hột, về sau, con thì chưa bao giờ rảnh rang, dòm ngó, kinh nghiệm, thấy xa, sự bền dài tuổi ấy ai cũng háo thắng thèm thuồng, khoe hay, thích khen, bên ngoài trước mặt tìm kiếm những cái lạ, mới cái tham nhiều. Con đường của con là không mục đích, cái sanh của con phải là một sự vô lý. Con thì chẳng bao giờ chịu hiểu phải bước lên cha, tập lần cái cha và dắt dìu cái cháu. Cũng như em bé mới đi học, nó chẳng hề biết, nó sẽ lên lớp nào và nó có ích lợi cho ai đàng sau nhưng dầu nó thiếu trí đến đâu, chớ con đường của nó cũng ích lợi cho kẻ sau và nó tiến lên bước trước. Cũng như cái trái non, nó không bao giờ cố gượng sức lớn già của nó được, nếu nó không phải thúi rụng. Đạo lý của con rất phải cho nó, kìa một em bé kia ít ăn như một ông già thì tại sao chúng ta cho là nó bịnh, nó ít ngủ là người ta khuyên dỗ, tại sao nó chẳng giống ông già, người lớn và tại sao nó không làm việc nặng nề sức lực được? Thế mới biết: tên con là hột giống yếu nhỏ còn non, tiểu nhơn chẳng sánh được đại nhân quân tử. Đúng như thế, con nhỏ ai chẳng lo ăn là cần và nào ai nhận được rằng có sống mới có ăn, có thiện có chơn, có sống có vui thì mới ăn được. Và ở trong đời, ta nhịn đói một buổi không sao, chớ tham ác, thì trong một giờ, phải chết khổ sớm vậy”.

d) Giáo lý của người cháu

“Còn như kia là một đứa cháu, tiếng cháu là sự nhỏ nhít lệu ệu để chỉ những đứa bé mới sanh chỉ biết uống ăn cười khóc oe ngoe ỏng ẻo. Tên cháu là chỉ rõ sự nhu nhuyễn lỏng bỏng như một nụ trái mới mọc vượt giữa bông hoa, nó chưa có thành nên hình tượng cái chi rõ rệt. Cháu chắt chít là sự thun co, ngo ngoe, nó cũng chưa biết thân của nó là ra sao nữa; nó chỉ biết ăn chơi ngủ thức bấy nhiêu thôi, cháu chắt chít là sự vô dụng vì tất cả đều lo cho nó, bố thí cho nó mà nó chẳng biết chi cả, chết sống tự nơi người khác do nhơn duyên cảnh ngộ chớ nó không có chủ tế chi hết. Đời của nó chỉ như cây cỏ nhỏ, không còn ai biết nó ra gì, ai cũng lo cho nó, nó báo hại người ta lại còn thêm sự nhõng nhẽo làm nư hờn giận, điệu bộ ẻo lã, khó cho người ta dỗ ngọt.

Giáo lý của nó là con sâu con của trong nhơn loại; đạo lý của nó là ác quấy, giận hờn, ganh ghét, ố kỵ. Nó mê hoặc cả người ta mà không tự hiểu biết chi cả, nó là một con vật rất nhỏ nhít được người ta tha thứ mà nuôi sống mỗi ngày. Nó làm cho người ta vì xót thương cái khờ dại mà tưng tiu săn sóc. Bổn phận của cháu là nhỏ nhít hơn hết. Và như thế là cẩu thả hơn hết, tệ mạt hơn hết; ở trong đời người ta gọi tiếng cháu là một con vật chớ chưa phải người, vì chưa phải là có được hột giống nhơn người chi nữa”.

2. Kết luận về bốn giáo lý của vị đạo sĩ

“Vậy thì loài người có bốn bậc, bốn giáo lý, bốn đạo, bốn tên gọi: Từ ông, đến cha, đến con, đến cháu cũng là một con đường có bốn chặng, từ thấp tiến lên cao, từ thú, đến người, đến trời, đến Phật. Hay cũng từ ác đến thiện, đến huệ, đến chơn, Phật thì chơn như và trí huệ; Trời thì trí huệ và thiện lành; người là thiện lành và ác quấy; thú là ác quấy và khờ dại. Phật, người, thú, là ông, cha, con, cháu, và món ăn là “chơn như trí huệ, thiện lành ác dữ, trong bốn lớp ấy chia ra làm hai hạng là quân tử và tiểu nhơn…”.

3. Nhận diện bổn sanh

“Vị hung thần ấy tức là tiền thân Phật Thích Ca, còn vị Khất sĩ kia là Đức Phật Ca Diếp. Thế là Đức Phật khi xưa, cũng tội lỗi mê muội như chúng ta, nhưng nhờ Ngài sớm nghe qua tỉnh ngộ, không vì nghe lời thẳng mà giận, biết nín lặng mà nghe, biết dằn lòng mà xử, do đó mà được chỗ hơn người.

Chúng ta đáng nên kính phục lắm”.

4. Tâm lý của vị ác thần: Đám lửa sâu lắng trong tâm thức phàm phu của con người

Khi nào con người nhận ra tâm tánh tự ngã phàm phu của chính mình và từ bỏ nó như từ bỏ vị ác thần xấu xa từ trong sâu thẳm của tâm thức thì con người sẽ không còn tội lỗi, ác quấy. Khi ấy con người sẽ nhận ra chơn tánh của chính mình, tức sẽ thành Phật, an trú Niết bàn bất sanh bất diệt.

“Thật vậy ở đời, ai mà chẳng quý trọng mình, chấp cho mình là phải và cố sức bào chữa mãi. Nào ta có tha thức cho ai, nếu họ nói đến sự thiếu kém của ta đâu! Nào ta vỗ ngực xưng ta là ác là tà, mà nào ta có chịu nhận xét lại lời nói, việc làm, của ta ra sao? Ta càng nói càng mê, chúng ta mãi quen theo sự thái quá bất cập mà ít hay giữ thái độ ôn hòa nhã nhặn, ta luôn luôn hay quên rằng: nói là thiệt, làm thinh được lợi, làm là thất công, ngồi không là đắc lợi, lo tính là thất bại, yên nghỉ tất thành công. Ta ít thấy ra điều ấy, do đó mà chúng ta khổ và chết mãi không bì như Phật đặng…”.

(Chơn lý tập II - Vị hung thần, Nxb Tôn giáo, 2004, tr. 536-547)

IV. KẾT LUẬN

1. Vai trò của giới luật Phật dạy đối với ba cái mật hay sự tu tập

“Muốn đắc sanh thần mật thì phải cần giữ giới, giới xuất gia Khất-sĩ của Tăng mới đúng giới thanh tịnh, thu thúc lục căn, tam nghiệp. Có giữ giới cụ túc 250 điều ấy, mới ngăn đứt được nghiệp trần tạo nên người giải thoát ở cảnh vắng êm, nhờ cảnh vắng mới tạo sanh tâm vắng, tâm vắng là miếng đất của Niết bàn kỳ diệu.

Vậy nên người giữ giới thì phải xuất gia, ở vườn rừng cốc am, chỗ vắng để tu thiền định.

Năm giới cùng tám giới là giới mới của tập cư sĩ, vì còn ở trong trần thế ồn ào, tập tu bớt khổ giảm tội chớ chưa có thể đắc trí huệ quả linh hiện tại, cư sĩ rán lắm là sẽ đắc quả lúc lâm chung, giống như người mới xuất gia thì liền đắc quả. Vì sự đi xuất gia cũng như người chết. Một cái chết còn thân thì đắc quả còn thân. Hai cái chết ấy sớm muộn gì ai cũng phải chết, một cái chết rất vui tự mình chết hơn là sự chết khổ bởi ép ngặt! Mà dầu sao đi nữa, cái chết có đắc quả hơn là cái chết không đắc quả; vậy ai ai khá ráng bỏ bớt lạc lầm mê tríu để tập cái chết cho quen lần thanh tịnh”.

2. Sự tinh tấn tu tập, rèn luyện ba cái mật sẽ đưa đến sự thành tựu

“Ấy vậy, một người tu mà phải giữ gìn ba cái mật, dầu chưa đắc quả Phật, chớ tinh thần mạnh mẽ là một sức lực cứng cõi, là một bản lĩnh phi thường. Người càng nhập định thì càng phát thần thông, càng trang nghiêm thuần hậu là càng oai nghi chỉnh túc.

Người tự nhiên yên lặng tránh được tất cả tai hại. Người được bình đẳng bực trung, không thái quá bất cập, Niết bàn của người là sự trơ trơ vững chắc im lìm.

Người đi sâu vào trong cái thật, không còn lạc nẻo lầm đường, lộn quanh trong cái có chằng chịt của thế gian. Vậy nên sự học của người là học giới, học định, học huệ. Sự tu của người là trau giới, trau định, trau huệ; tức là sự học tu theo lẽ thật đúng phép, mới tránh được sự nguy hiểm của tương đối, sự giả dối của lầm lạc.

Vì đời là cõi lạc lầm thì hoảng hốt rối loạn để phải chịu sự khổ tâm tội lỗi.Thân tội báo đọa phạt, càng cay, càng trả, vai mãi trả mãi cũng tại thân nợ càng thêm tội càng lấp nghiệp càng to, khổ não đã quen, vô minh che lấp, nhắm mắt đi càng còn biết đâu phương hướng, con đường, tìm ra giải thoát? Khó mà tự giác”.

3. Mãi ham học quên tu là bước đi lệch hướng ngày nay cần nên được kịp thời đánh thức và dừng lại

“Cũng vì thế mà xưa kia người giác ngộ xuất gia là để tu, từ trong cái tu sanh ra cái học. Chớ không phải xuất gia là học, học mãi quên tu, hay chờ chết. Khi chết để tâm còn vọng động ắt phải luân hồi trở lại. Bởi ham học quên tu nên đời nay ít ai thành đạo đắc quả, mãi trơn trợt bên ngoài ít ai được vào sâu trong cái hột. Ít ai chịu nhận xét rằng: Trí huệ sanh pháp bảo đúng hơn pháp bảo sanh trí huệ mà có giới định thì mới có huệ. Và chưa có thần thông thì đâu có trí huệ, như thế hãy khoan tưởng lầm là mình đắc đạo, chứng quả chi chi hết”.

      HT. Giác Toàn
Trưởng Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái
(Bài giảng khóa tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 28 tại TX. Ngọc Thiền - Đà Lạt, 2019)

 

-----ooOoo----- 

Nguồn: daophatkhatsi.vn 

 

BÀI LIÊN QUAN

Lời tưởng niệm của Ni giới Hệ phái Khất sĩ  ( Ni Giới Khất Sĩ , 9672 xem)

Sợi chỉ Chơn lý nhiệm mầu  ( Hòa thượng Giác Toàn , 6764 xem)

Hoà thượng Giác Toàn thuyết giảng về con đường tìm lại chính mình  ( Ban TTTT Hệ phái , 7776 xem)

Rạng ngời trí tâm  ( Quang Toàn Thành Anh , 6548 xem)

Nhớ Ơn Thầy  ( Ni trưởng Huỳnh Liên , 9064 xem)

Cầu nguyện Tôn Sư  ( Ni trưởng Huỳnh Liên , 7668 xem)

Kỷ Niệm Tôn Sư  ( NS Hạnh Liên , 5164 xem)

Tổ sư sử thi  ( Bảo Minh Trang , 9721 xem)

Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập  (9928 xem)

Pháp tu Thiền - Tịnh trong Chơn Lý  ( Ni sư Tường Liên , 9861 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ