Trang chủ > Văn Hoá > An Cư
Những điều cần làm trong mùa An cư
Xem: 5036 . Đăng: 20/10/2014In ấn
Những điều cần làm trong mùa An cư
(Bài giảng tại trường hạ Tịnh xá Trung Tâm và Tịnh xá Ngọc Phương ngày 8-6-1999)
Chúng ta tu ở chân linh thì nằm ngoài hình thức, chỉ có ta và Phật yên lặng hiểu nhau. Tuy nhiên, trước khi có cuộc hành trình về chân linh, chúng ta phải nương theo một số phương tiện của đức Phật đưa ra.
Vì vậy, giáo pháp Đại thừa coi phương tiện là cần thiết, nhưng không để bị mắc kẹt trong phương tiện. Thật vậy, phương tiện nhằm đánh thức chân linh, thiếu phương tiện, chân linh ngủ mê và mặc tình vọng thức sai khiến ta. Ý thức như vậy, chúng ta nương phương tiện là kinh điển để tìm yếu nghĩa và ứng dụng trong cuộc sống, từng bước tiến lên trên đường giải thoát.
Chúng ta thấy các bậc long tượng đều thể hiện giáo nghĩa trong cuộc sống và theo đó các Ngài thăng hoa đời sống tâm linh. Nhưng cũng có người nhọc công tu luyện mà lại thấy họ khổ thêm. Như vậy, cả hai con đường đi lên và đi xuống đều liên tục có người tiến bước. Người đi lên theo thánh đạo có 4 chúng gọi là thanh tịnh, giải thoát, Hiền thánh Tăng. 4 chúng đi xuống gọi là phiền trược, nhiễm ô, nghiệp chướng Tăng.
Đối với nghiệp chướng Tăng, về tâm thì có tâm tham lam và chấp trước. Họ chấp trước từ cuộc sống vật chất cho đến hình thức tu, tức bị vướng mắc trong những phạm trù cố định.
Nhưng chúng ta đều biết đức Phật dạy không có pháp cố định nào dẫn đến vô thượng bồ đề. Vì vậy, chúng ta chấp pháp nào cũng sẽ bị lạc vào đường tà và bắt đầu đi xuống. Vì tham lam, chấp trước, nên càng đi, càng thấy mờ mịt, chán nản, mệt mỏi, tia sáng cuối đường hầm không hiện ra, niềm hy vọng bị tắt mất.
Lúc ấy, ở trong Tăng chúng, nhưng không còn tư cách người tu, không được kính trọng, thì ta lại càng phiền muộn hơn. Tuy nhiên, thử nghĩ trên bước đường tu, huệ không sanh, đức không có, mà muốn bằng với thanh tịnh Tỳ kheo, sao được.
Theo tôi, không phải Hiền, không làm bạn, không phải Thánh, không tôn thờ. Thánh là biểu tượng soi đường cho chúng ta, thường được gọi là Tổ. Hiền góp ý cho chúng ta, là Thầy. Thầy và Tổ rất quan trọng, là đối tượng mà chúng ta tôn thờ. Còn người làm chúng ta phiền não, khó chịu, bận lòng suy nghĩ, thì nên tránh.
Khi đã phân định rõ nghiệp ta và người, chúng ta theo con đường Hiền thánh và tránh xa đường sa đọa. Có thể nói con đường Hiền thánh thì quá mới mẻ đối với chúng ta, trong khi con đường tội lỗi, đi xuống, chúng ta lại quá quen thuộc. Chính vì vậy, Tổ Quy Sơn dạy "vọng tình dị tục, chí đạo nan văn”. Người nghe được pháp Phật và sửa đổi việc làm để đi lên, thì thật khó có, vì nhiều đời chúng ta ở trong sanh tử, nên quá quen thuộc với những thứ xấu ác. Trong khi con đường đi lên của Hiền thánh thì quá mới lạ, nên khó thâm nhập.
Tôi mới xuất gia ý thức ngay căn bản này, từ đó nỗ lực điều chỉnh những thói quen không tốt đã có từ trước, cắt bỏ chúng và làm quen với những suy tư, việc làm của Hiền thánh. Theo tôi, đó là tu Thiền, không phải chỉ ngồi yên mới là Thiền. Nhận lầm ý này, tu dụng công nhiều, nhưng không đạt kết quả, thường bị Tổ quở là sống ngồi, chết nằm, hoặc cũi mục, than nguội.
Quan trọng của việc tu hành là nhận được yếu lý của giáo pháp, Thiền tông gọi là ngộ. Tu cách nào cũng được, nhưng phải ngộ được thiên cơ, tức hoạt động của trạng thái tâm thanh tịnh biết được định luật chi phối của tự nhiên. Không biết, mà sống đối kháng với quy luật này thì bị tiêu diệt hoặc dẫn đến thân bịnh, tâm phiền não. Tôi khuyên quý vị nên cân nhắc pháp tu, đừng để thân bịnh, tâm bịnh sanh ra.
Và cuối cùng ta làm sao điều khiển được cuộc sống của chính mình, vượt ra ngoài sống chết. Hễ có sanh thân tứ đại thì phải có chết, nhưng sống chết không chi phối được ta. Các vị ngộ đạo đều đạt được thành quả này, sanh hay chết họ đều biết trước và chủ động việc này.
Điển hình như Tuệ Trung thượng sĩ trước khi tịch, Ngài còn gọi mọi người đến để dạy bảo và báo cho biết sẽ chết. Khi nhắm mắt lìa bỏ xác thân, có người khóc, thì Ngài lại ngồi lên dạy tiếp rồi sau đó chết.
Hoặc trong cuộc sống hiện tại có Bồ tát Quảng Đức chuẩn bị cái chết thật tuyệt đẹp. Trong suốt 49 năm, Ngài trì kinh Pháp Hoa và xây dựng 31 ngôi chùa. Khi thấy mọi việc hóa độ đã hoàn mãn, với tâm hồn từ bi, thanh thản, Ngài tự thiêu, lấy cái chết làm tiếng chuông cảnh tỉnh những kẻ lầm lỗi. Đó là con đường đi lên của Hiền Thánh.
Đối với người xuất gia, có 4 cấp bậc đi lên của nhị thừa, tối thiểu là hàng Dự lưu mới được công nhận là đệ tử Phật. Theo tôi, quả vị Dự lưu được vào dòng Thánh, có thể hiểu theo thực tế ngày nay là trước tiên, phải được Tăng đoàn, luật pháp và quần chúng công nhận. Trên bước đường tu, tôi cố gắng tranh thủ cho được sự đồng tình của 3 nhóm này.
Thật vậy, đức Phật dạy chư Tăng hoan hỷ là Phật hoan hỷ. Nhận chân ý này, tôi làm sao cho quý Tăng Ni Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ đều hoan hỷ với tôi. Nỗ lực tu của chúng ta là như vậy.
Nhưng muốn được chúng Tăng công nhận, tôn trọng, chúng ta phải lo chuyện chung, quên việc riêng, thể hiện tinh thần phục vụ cao độ trong mọi sinh hoạt. Điều này dễ thấy, thầy nào được việc cho chùa, cho chúng, chắc chắn được thương mến, quý trọng. Trái lại, đòi hỏi nhiều quyền lợi, từ chối công tác hay tệ hơn nữa, lấy cái chung làm lợi riêng, không thể tồn tại lâu dài trong đạo.
Tuy nhiên, muốn gánh vác việc của đại chúng, đòi hỏi ta phải có sức khỏe tốt. Từ đó, việc tu của ta là rèn luyện cơ thể tốt để làm việc không biết mệt mỏi, chư Tăng mới thương kính.
Có sức khỏe tốt, phục vụ hữu ích cho đại chúng, chiếm được cảm tình của mọi người là ta đã sử dụng được một phần phương tiện mang đến cho ta sự yên tâm tu học.
Kế tiếp, thế giới người tu không phải dừng lại ở đây. Giữa ta và Bồ tát, Thánh hiền, Phật có sự ngăn cách bởi ngũ uẩn thân. Điều quan trọng của Tăng Ni Phật tử trong mùa an cư nên cùng một lượt phá vở ngũ uẩn ngăn che để tạo thành Tịch quang chơn cảnh ở bản thể, không phải chỉ có hình thức kiết giới an cư.
Muốn đập vở vỏ ngũ uẩn, ta phải đánh thức chân linh. Chân linh của chúng ta từ khi vào thai mẹ cho đến lúc thành Phật là Như lai tại triền, luôn bị phiền não hoặc, trần sa hoặc và vô minh hoặc bao vây. Từ đó, nó làm cho ta và Phật hay ta và bản thể cách xa, nên ta luôn sống với thế giới hiện tượng khổ đau sanh diệt.
Từ thế giới nhị nguyên sanh diệt đi vào bản thể sự vật hay thế giới nhất nguyên, được ngăn cách bằng thập triền, thập sử, gọi chung là lớp vỏ phiền não. Đập vở lớp phiền não này, tức diệt trừ được khổ đau của nội tâm, chúng ta còn phải đối phó với trần sa hoặc là ngoại giới. Vô minh hoặc là nhận thức sai lầm. Thí dụ có thầy nhờ tôi chỉ cách tu, nhưng khi tôi bằng chân tình vạch ra lỗi lầm của họ, thì họ lại tự ái, nổi sân, tưởng tượng rằng mình khi dễ họ. Từ vô minh hoặc này khởi lên phiền não hoặc nên chúng sanh ở trong sanh tử cách xa Phật quá nhiều, thì càng khó quay trở về với Phật.
Nói cách khác, tâm sanh ra vạn pháp và vạn pháp ràng buộc, tác động cho tâm ta đau khổ. Nhận ra được ý này để thoát khỏi sự chi phối ấy, bằng không thì lọt vào vòng mê sanh tử.
Đối với người xuất gia, phải thẳng tay trừng trị 10 tánh xấu ác ràng buộc ta trong sanh tử (thập triền) và bước thứ hai, những tánh xấu sai khiến, làm cho ta trở thành nô lệ của nó, nhưng ta không biết (thập sử). Không thoát ly được nó, ta có lỗi lớn với Phật, với Thầy, Tổ.
Tôi nhắc nhở Tăng Ni dùng ngọn lửa Phật pháp để đốt cháy sạch phiền não mê hoặc, từ đó, ta cạy được một vết nứt cho ánh sáng chân lý rọi vào lòng ta.
Chúng ta đừng chống phá phiền não, đừng ăn thua đủ với nó. Nói cách khác, ta vẫn chấp nhận cho nó tồn tại, nhưng không bận tâm đến nó. Hãy để cho phiền não ngủ yên, thì chơn tánh bắt đầu hoạt động. Quan trọng là ta phải có ý chí hướng thượng, phát bồ đề tâm, có định hướng đi lên. Nếu không như vậy thì ta sẽ bị phiền não bao vây vì chúng nó quá mạnh.
Phát bồ đề tâm rồi, không có lỗi phải gì nữa. Đối với tôi, ở đây tất cả đều là mộng huyễn bào ảnh, là giả tạm, tranh cãi đến chết cũng chẳng được gì. Người tu tiểu thừa quán Không như vậy nên không quan tâm thì phiền não cũng không tác động họ được.
Tu Đại thừa quán sát như vậy, nhưng tiến thêm bước thứ hai là biến phiền não thành phương tiện hành Bồ tát đạo. Nhờ có người nói xấu, gây khó khăn, ta mới có cơ hội chứng tỏ ta là người tốt. Ý này thường được diễn tả là vô ma khảo bất thành đại đạo. Bồ tát Duy Ma Cật chọn ác ma làm bạn cũng nói lên tinh thần dung hóa theo Đại thừa.
Trên bước đường tu, buồn vui, thương ghét không khởi dậy trong lòng, thì ta nhìn đời chính xác, tức chơn tánh bắt đầu thức dậy. Nhưng nếu chơn tánh ngủ mê, phiền não thức dậy thì thấy tốt thành xấu hay xấu thành tốt. Hai pháp này luôn tác động qua lại mà Phật thường dạy là mặt trời mọc bóng tối tự tan.
Đối với Tăng Ni khất sĩ tôn thờ Tổ sư Minh Đăng Quang cần ghi nhớ rằng Ngài lấy pháp giải thoát làm chính, tạo cơ sở vật chất càng lớn càng bị ràng buộc sâu nặng :
Gót Tăng sĩ bốn phương trời rảo bước,
Cảnh Ta bà đâu chẳng phải nhà ta
……..
Vững một lòng tu niệm đạo từ bi,
Diệt phiền não cõi lòng thường thanh tịnh…..
Mong rằng trong mùa an cư, quý Tăng Ni tiến tu đạo hạnh, cõi lòng thường thanh tịnh, luôn sống với thế giới chân thiện mỹ của chư Phật mười phương. Đó là hành trang vô giá để chúng ta tiếp tục bước chân hoằng hóa độ sanh sau mùa an cư và cũng là phẩm vật quý báu nhất chúng ta dâng lên cúng dường chư Phật, chư Bồ tát trong pháp giới.
Nguồn: daotrangphaphoa.net
BÀI LIÊN QUAN
Hành giả khất sĩ an cư như thế nào? ( Tỳ kheo Giác Minh Luật , 5551 xem)
Pháp an cư của Người Khất sĩ ( Tỳ kheo Giác Minh Luật , 20 xem)
Truyền thống an cư ( Thiện Đức , 5864 xem)
An cư - Quay về tìm lại bản tâm ( Thiện Ý , 5113 xem)
Kỷ niệm Hạ trường Ngọc Phú 2014 ( NS Hạnh Liên , 4929 xem)
Kính tặng Hành giả an cư ( Ni trưởng Phục Liên , 5092 xem)
Phát Bồ đề tâm ( Liên Duy , 5015 xem)
Điều tâm đắc nhất ( Liên Phương , 5990 xem)
Cảm tưởng về mùa An cư kiết hạ ( Liên Tuệ , 10528 xem)
An cư tìm về cội nguồn “Chơn lý” ( Quảng Hậu , 4997 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ
Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023
Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ