Trang chủ > PG Việt Nam > Sự kiện
Lời khấn của người học trò cũ trong ngày giỗ lần thứ 21 của Thầy Nguyễn Tri Bật
Xem: 3804 . Đăng: 04/12/2014In ấn
Lời khấn của người học trò cũ trong ngày giỗ lần thứ 21
Thầy Nguyễn Tri Bật tại Nha Trang (27-11-2014)
Học trò cũ của thầy - Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân
Kính lạy thầy
Con là Nguyễn Đắc Xuân – người được học lớp Nhì với thầy niên khóa 1953-1954 tại trường Tiểu học Đa Phước (Trại Mát) Đà Lạt, người được thầy đưa đến trường Tuệ Quang gặp Thầy Thích Nhất Hạnh xin một cái học bạ Lớp Nhất để đi thi. Con đã đậu Tiểu học năm 1954 tại trường Xuân An Đà Lạt. Nhờ công ơn của thầy mà một cậu bé làm vườn thất học ở Túy Sơn vượt qua số phận học hết Đại học, quy y Tam bảo, đấu tranh bảo vệ Đạo pháp và dân tộc, sống bằng ngòi bút và được người đời biết đến như là một nhà nghiên cứu có lương tâm với lịch sử văn hóa dân tộc. Có được sự thành đạt ấy là con nhờ buổi đầu thầy đã đặt vào tâm trí con không những kiến thức trong sách giáo khoa mà còn hình ảnh trí thức mẫu mực của một người thầy dạy dỗ học trò như dạy dỗ con mình. Thầy không bao giờ nặng lời với học sinh nhưng học sinh luôn kính trọng và vâng lời thầy. Lúc con đến cám ơn và xin xa thầy để về quê hương trong không khí vui mừng Hiệp định Genève vừa ký kết, chiến tranh vừa chấm dứt, thầy dặn:
-” Con là người Huế thông minh, gắng học tiếp để nên người, nhưng bao giờ con cũng nên nhớ: học phải đi đôi với hành”.
Kính lạy thầy,
Sáu mươi năm qua (1954-2014) con không ngừng thực hiện lời thầy dạy. Nhờ cái nghiệp nghiên cứu Triều Nguyễn và Huế xưa con rất hạnh phúc biết được cặn kẽ thầy Nguyễn Tri Bật kính yêu của con là hậu duệ của Đại thần Nguyễn Tri Phương. Ngày xưa vua Minh Mạng hỏi chuyện người thanh niên Nguyễn Văn Chương ở huyện Phong Điền, thấy Văn Chương có khả năng biết được phương hướng xây dựng và bảo vệ đất nước lâu dài nên ban cho tên Tri Phương, và nhận vào làm việc tại Triều đình. Và đúng như nhận xét của vua Minh Mạng, Nguyễn Tri Phương – không xuất thân khoa bảng đã thực hành việc giữ nươc đối đầu với thực dân Pháp khắp ba miền Trung Nam Bắc và trở nên một danh tướng số một của Việt Nam thế kỷ XIX. Hiểu được người xưa như vậy cho nên giữa thế kỷ XX, con hiểu được thầy Nguyễn Tri Bật của con – một giáo viên Tiểu học thời Tây học có đủ trình độ Hán Ngữ và Đạo Phật để chuyển ngữ Đại tạng Kinh Hoa Nghiêm ra Việt ngữ. Sự việc nầy chưa một Giáo sư Đại học nào làm được, ngay cả trong chốn Thiền môn xưa nay cũng chỉ mới có Hòa thượng Trí Tịnh thực hiện được mà thôi. Có người đặt câu hỏi: “ Lần đầu dịch Kinh, tại sao thầy Bật của anh không dịch các Kinh khác nhỏ hơn, dễ dịch hơn mà lại đi chọn Đại Hán tạng Kinh Hoa Nghiêm đại cà sa như vậy?”. Sau nhiều đêm ngày suy nghĩ về câu hỏi nầy, cuối cùng con đã thử trả lời cho mình rằng: Ngày xưa cụ cố Nguyễn Tri Phương thấy trước được tình hình đất nước trước tham vọng của phương Tây sẽ xảy ra vào các đời vua Nguyễn kế tiếp, cụ nghĩ đến những phương cách giữ nước, xây dựng cơ sở kinh tế quân sự để cứu nước. Ngày nay hậu duệ của cụ là thầy Nguyễn Tri Bật sớm thấy được lòng người bị dày vò vì chiến tranh quá lâu dài, bị những lý thuyết vật chất chế ngự, truyền thống nhân nghĩa của dân tộc bị xói mòn, xã hội thiếu cái tâm. Con người mà thiếu cái tâm thì họ có thể làm bất cứ việc gì gian ác đến mấy họ cũng làm để dành phần thắng lợi về mình. Có lẽ vì thế mà thầy đã bỏ ra bảy năm trời để dịch Kinh Hoa Nghiêm. Hòa thượng Trí Tịnh đã viết trong lời tựa Kinh Hoa Nghiêm do Hòa thượng chuyển ngữ rằng:
“Hoa Nghiêm tiếng Phạn là Avatamsaka, có nghĩa là đóa hoa thanh khiết tuyệt đẹp nhất trần gian, ngát hương khắp mười phương các cõi pháp giới.
Tư tưởng Hoa Nghiêm trình bày vạn pháp do tâm sanh. Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, như lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với Tâm là một, vạn pháp đồng nhất thể. Tâm thanh tịnh thì thấu đạt chơn lý Phật tánh, suốt thông pháp giới vô ngại, thể nhập bất tư nghì giải thoát hạnh môn. Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng-sanh thấu rõ cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng trong nước. Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sanh. Tâm trùm khắp cả pháp giới. Tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong hạt cải. Hạt cải có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ vạn pháp. Thể tánh của Tâm nhiếp thâu tất cả. Tất cả là một, một là tất cả. Ðó là bản tánh vô ngại của Tâm. Bản tánh chơn tâm suốt thâu vạn pháp hữu tình và vô tình; lấy toàn thể pháp giới tánh làm lượng; lấy xứng tánh bất tư nghì vô ngại giải thoát làm thể. Ðó là ý nghĩa căn cốt của Kinh Hoa Nghiêm”.
Sinh thời thầy dạy con cháu, thầy dạy học trò sống lương thiện, thương người, yêu quý sự sống. Khi thầy trở về với tổ tiên thầy không để lại tài sản, mà để để lại sách vở trước tác, đặc biệt là bộ bản thảo chuyển Việt ngữ Kinh Hoa Nghiêm tức để lại con đường cho dân tộc, nhân loại học để giữ cái tâm để làm người. Bộ bản thảo nầy được xuất bản đưa tên tuổi của thầy ghi vào danh sách các ngài đại trí tuệ nghiên cứu và chuyển ngữ Đại Hán Tạng kinh sách Phật giáo Việt Nam. Tựa như vua Minh Mạng mời Nguyễn Tri Phương vào triều đinh Nguyễn vậy.
Kính lạy thầy,
Thầy đã vào cõi vĩnh hằng 21 mùa sen nở (1993-2014), nhưng trong tâm trí con vẫn luôn được theo thầy để học làm người, theo thầy để có thêm năng lượng gìn giữ sự bình yên của trái tim con. Và con thật bất ngờ trong giờ phút nầy con còn được theo thầy để cái tâm vào việc nghiên cứu lịch sử văn hóa. Trong Lời nói đầu bản dịch Kinh Hoa Nghiêm thầy viết:
“Việc dịch rất khó khăn, vì nó đòi hỏi những điều mà tôi rất thiếu sót: Ấy là phải thâm Nho học và phải nhập diệu kinh tạng” Tôi chỉ đem tín tâm đặc biệt để hiểu Hoa Nghiêm, cho nên có nhiều khi tôi thấy rất lạ lùng Tôi như quên hẳn thân hiện tại và tự thấy nhập một với Ngài Thật Xoa Nan Đà –tác giả đời Đường đã phiên dịch bộ Hoa Nghiêm từ bổn tiếng Phạn ra Hán văn, Và vì vậy, quý độc giả sẽ thấy trong toàn bổn dịch bộ kinh của tôi đi rất sát với lối hành văn phóng khoáng, rất phổ thông, rất bình dân, rất dễ dãi Thật Xoa Nan Đà tránh hết sức danh từ văn chương tối nghĩa quá hàm sức…”
Chỉ trong 132 từ trong Lời nói đầu trích dẫn trên, con lại được học hỏi thêm: Đức khiêm tốn, đem cái tín tâm vào việc khảo cứu dịch thuật và diễn đạt những điều thâm thúy mình đã hiểu được bằng ngôn ngữ bình dân để cho bá tánh được học. Từ hơn nửa thế kỷ qua thầy đã thực hiện tinh thần “thoát Trung” trong Kinh Phật. Khi chưa được đọc Lời nói đầu của bản dịch Kinh Hoa Nghiêm, con cũng đã theo phương pháp nghiên cứu của thầy thực hiện các công trình nghiên cứu Triều Nguyễn và Huế xưa, đặc biệt là với cuốn Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế (chùa Kim Tiên) mà hôm nay con gặp được duyên lành đem về Nha Trang xem như một món quà dâng lên cúng giỗ thầy. Cuốn sách nầy cùng 61 cuốn sách đã xuất bản của con là cái quả mà thầy đã gây nên cái nhân từ năm 1953-1954 cho con.
Kính lạy thầy,
Qua hiện thực liên quan đến thầy, con thấy nhân quả không phải là chuyện xa vời, chỉ tưởng mà không thấy. Nhân quả hiện ra ngay trong cuộc đời nầy. Các con cháu của thầy, đã sống theo chỉ dạy của thầy cô, sống với cái tâm luôn hướng thiện nên đã vượt qua được những thử thách giữa hai chế độ mà nhiều gia đình VN đã không vượt được. Các con cháu của thầy đều thành đạt. Nhờ sự thành đạt đó mà có được ngày giỗ trọng đại nầy, khát vọng được đưa vào cuộc đời bộ Đại tạng Kinh Hoa Nghiêm thành sự thực. Nhờ cái quả đó mà có sự gắn bó của các con thầy với học trò của thầy hơn nửa thế kỷ quả. Đặc biệt có một sự gặp gỡ Phật giáo Huế vô cùng thú vị: Người dịch Kinh Hoa Nghiêm là Cư sĩ Nguyễn Tri Bật - hậu duệ của Đại thần Nguyễn Tri Phương. Không ai ngờ người hiệu đính là Ni sư Tuệ Liên – hậu duệ của ông hoàng hay thơ Tùng Thiện Vương – con vua Minh Mạng nổi tiếng nhất triều Nguyễn. Hậu duệ của một anh hùng và một thi bá cùng thời không hẹn mà có tên trong bản dịch Đại tạng Kinh Hoa Nghiêm. Quả thật đây là một đóa hoa đàm quý hiếm dâng tặng cho Thủ phủ Phật giáo Thuận Hóa Phú Xuân của xứ Đàng Trong.
Kính lạy thầy,
Đối với con bây giờ: Thầy là một thầy giáo chỉ làm đến Hiệu trưởng một trường tiểu học (trường Xuân An Đà Lạt) mà có trình độ bác học thật xưa nay hiếm; thầy là một Cư sĩ sống lặng lẽ mà khi xuất hiện với bản dịch Kinh Hoa Nghiêm đã trở nên như một ngọn núi cao; thầy là một người thầy, một người cha truyễn dạy cho con cháu và học trò không chỉ kiến thức mà còn một cái tâm để làm người tử tế.
Trước hương linh thầy, những năm tháng còn lại con tiếp tục làm việc với cái tâm mà thầy đã đặt vào đời con để khi gặp lại thầy ở cõi vĩnh hằng con xứng đáng là học trò của thầy.
Cầu mong còn được nhiều dịp cúng giỗ thầy.
Cầu nguyện thầy cô thường lạc ở chốn vĩnh hằng.
Kính lạy thầy.
Học trò cũ của thầy
Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân
BÀI LIÊN QUAN
Lời phát biểu của đại diện gia đình ( Nguyễn Tri Hướng , 4315 xem)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng Đại tháp Giác Ngộ ( Văn Công Hưng , 3394 xem)
Phật Pháp nhiệm mầu, rút ống thở để chuẩn bị hậu sự, bé 10 tuổi bất ngờ hồi sinh ( Bảo Hằng , 3589 xem)
Học viện PGVN tại TP.HCM mở lớp Sư phạm mầm non ( Hoàng Diệu , 3118 xem)
Những câu hỏi cần lời giải đáp ( Thích Tâm Hải , 3127 xem)
Thêm 530 triệu đồng và ngoại tệ hỷ cúng xây Học viện ( Bảo Toàn , 3814 xem)
Phái đoàn GHPGVN do HT.Thích Thiện Nhơn- Q.Chủ tịch HĐTS GHPGVN làm trưởng đoàn tham dự Đại hội Liên hữu Phật giáo Thế giới lần thứ 27 ( Thích Thiện Tịnh , 4072 xem)
Họp tổng kết và triển khai xây dựng Việt Nam Quốc Tự ( Bảo Toàn , 3918 xem)
Chùm ảnh: Trang nghiêm nét đẹp lễ hằng thuận tại chùa Quán Sứ ( Cẩm Vân , 4815 xem)
Phân ban Ni giới T.Ư làm việc tại 3 địa phương ( C.T.V , 3589 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ
Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 36 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 36-37-38 của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm Quý Mão 2023
Khóa tu Truyền thống của Ni giới Hệ phái Khất sĩ năm 2023 sẽ tổ chức tại các Tịnh xá, như sau: KHÓA 36: Tịnh xá Ngọc Long - Xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. KHÓA 37: Chùa Thuận Phước - số 171, ấp 4, Phước Vân, Cần Đước, Long An. KHÓA 38: Tịnh xá Ngọc Lâm - số 839 Trần Phú, phường B’Lao, TP. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ