Trang chủ > Quý Ni Trưởng > Lễ Tang

Lời tưởng niệm Ni trưởng Khiêm Liên của Ni giới Hệ phái Khất sĩ

Tác giả: Ni trưởng Viên Liên.  
Xem: 5802 . Đăng: 08/07/2021In ấn

 

LỜI TƯỞNG NIỆM NI TRƯỞNG KHIÊM LIÊN
CỦA NI GIỚI HỆ PHÁI KHẤT SĨ

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,

Kính bạch Quý Ni trưởng Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ,

Kính thưa quý Ni trưởng, Ni sư, Sư cô,

Kính thưa Quý Phật tử,

 


 

Tối hôm nay là Lễ Tưởng niệm trước khi cung tiễn nhục thân Ni trưởng Khiêm Liên - Viện chủ Tịnh xá Nhật Huy, Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ ngày mai đến đài trà tỳ, nơi ngàn thu vĩnh biệt của trần thế, thay mặt Ni giới Hệ phái Khất sĩ, chúng tôi xin có đôi lời tưởng niệm về công hạnh và đạo nghiệp của Ni trưởng đã cống hiến cho Đạo pháp và dân tộc.

 

Kính bạch Giác linh Ni trưởng,

 

Hồi tưởng lại mới ngày nào là một cô gái với tuổi thanh xuân tươi đẹp, cũng là lứa tuổi đang trong thời kỳ nhiều mơ mộng. Thế nhưng Ni trưởng khác với bao cô gái khác... Nhờ hữu duyên gặp được Phật pháp, tiếp cận với nhiều bậc có giới đức, thấu hiểu được giáo lý, tin sâu Tam bảo từ đó đã thúc đẩy Ni trưởng nuôi ước mơ, hoài bão được sống đời thoát tục.

 

Trải qua tháng ngày cầu học đạo pháp, tuy đời sống khó khăn, lam lũ, mẹ già cô quạnh chẳng muốn rời xa con trẻ, nhưng vốn được un đúc trong một gia đình trí thức, đạo đức thuần lương. Riêng Ni trưởng lại là người hẵn đã gieo mầm trí tuệ, kết giống bồ đề từ thuở trước, nên tâm hướng thượng ước nguyện thành tựu chí xuất trần ngày càng mạnh mẽ, nên dù khó khăn thử thách thế nào cũng chẳng hề lay động,.. Cuối cùng đến năm 21 tuổi, có lẽ cơ duyên đã đủ, tình thầy trò khế hợp, xét thấy cô gái này hiền lương, chất phác, kiên trì chí nguyện, ham tu, nên Ni trưởng Đức Liên đã từ bi tiếp độ và làm lễ thế phát tại Tịnh xá Ngọc Kỳ.

 

Kể từ khi duyên lành hội đủ, được sống trong ngôi nhà chánh pháp, Ni trưởng Khiêm Liên luôn chuyên cần, nỗ lực trong mọi công việc được Thầy giao phó, đối với thời khóa công phu, sớm hôm tu hành, đạo hạnh, giới nghi Ni trưởng luôn rốt ráo, dốc chí thọ trì. Không chỉ vậy, về mặt Tuệ - Đức, Ni trưởng cũng rất kiên tâm vun bồi, trưởng dưỡng chẳng hề biếng nhác. Bởi vì theo tôn chỉ của Tổ sư cũng như chư vị Ni trưởng dạy, pháp môn tu tập ba đời của chư Phật không ngoài Giới Định Huệ. Thế nên, các Ngài luôn răn nhắc, hằng ngày phải trau dồi thân, khẩu, ý trong sạch bằng ba pháp học Giới Định Huệ, như trong Chơn lý "Cư sĩ" đã dạy: “Từ trong gia đình đến ngoài xã hội, cùng khắp cả thế gian, tham sân si là cái chết sình từ trong ruột mà ra, nó sẽ giết thân mạng ta, của ta và tất cả... Chính tham sân si là ác độc, là khổ hại. Đối trị nó chỉ có đạo đức của giới định huệ mà thôi”.

 

Hơn nữa, Ni trưởng Khiêm Liên vốn là người chăm học, siêng tu, năng nghiên cứu kinh luật, giỏi văn chương, thơ phú, có khả năng đảm đương Phật sự, gánh vác việc giáo dưỡng đàn hậu học... Điều này thông qua quá trình hành đạo dưới sự chỉ dạy của Ni trưởng Đệ nhất như sau:

 

Năm 1963 trụ trì Tịnh xá Ngọc Cơ – Đà Nẵng; Năm 1967 – 1968 do tăng sai lại đảm nhiệm trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu – Hội An, cuối cùng là Tịnh xá Nhật Huy.

 

Về mặt giáo dục, khi xã hội đang trong thời kỳ loạn lạc, Ni trưởng cũng góp phần đào tạo các em ở Ký nhi viện, mở các trường lớp Sơ cấp từ thiện tại nhiều địa phương, lúc thì làm chức vụ Giám đốc hoặc Thanh tra các Ký nhi viện, lúc lại đứng ra giảng dạy, dù phải di chuyển từ Nam đến Trung, những nơi xa xôi hẻo lánh, Ni trưởng vẫn không nề khó nhọc chỉ một mực hoàn thành tốt công việc để đúng với lòng từ bi của người con Phật...

 

Về mặt sáng tác thơ văn phú kệ..., mỗi khi Ni trưởng tham gia các khóa an cư, hoặc các khóa học nội bộ... Ni trưởng đều tranh thủ sáng tác vài bài vài tác phẩm, Ni trưởng từng được giải “Văn Chương Đệ Nhất”.

 

Riêng về phần tham học cầu đạo, Ni trưởng đã từng đến Tu Viện Chơn Không - Vũng Tàu học thiền với Hòa thượng thiền sư Thanh Từ, có lúc lại đến Thiền viện Thường Chiếu ở Phước Thái - Long Thành cầu học thiền “tri vọng”, hoặc học kinh Kinh Trung Bộ với Hòa thượng Minh Châu. Thậm chí với tuổi 46, Ni trưởng vẫn vào trường thế học để theo học lớp Ngữ Văn. Ni trưởng không phân biệt Bắc tông, Nam tông hay một giáo phái nào, chỉ cần quán xét thấy phù hợp chơn lý, đúng với tông chỉ “Nối truyền Thích Ca chánh pháp” như đường hướng Tổ sư đã vạch ra, đồng thời kết hợp với lời dạy của cố Ni trưởng Đệ nhất, Ni trưởng Đệ nhị, Ni trưởng Đức Liên... trên đường tu tập giải thoát, phải sống đời thiện lành tốt đẹp, không quấy ác, không lầm lạc, không ích kỷ tư riêng, thương yêu kính quý tất cả mọi người, đúng với tinh thần chư Phật đã dạy: “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba loài”. Hoặc như tâm nguyện Ni trưởng đệ nhất đã lưu lại:

                   

                                  Nguyện xin hiến trọn đời mình,

                         Cho nguồn Đạo Pháp cho tình Quê hương.

 

Hoặc như bài Hoài niệm của cố Ni trưởng Đệ nhất đã thể hiện tâm ý cao thượng của người tu đạo:  

 

                          Sức dầu yếu, mong tát vơi biển khổ,

                          Tay dầu mềm, toan phá đổ non sầu.

                          Nức tiếng lành, đạo thạnh khắp đâu đâu,

                          Rạng danh đấng buổi đầu khai giáo pháp.

 

Thế nên đến cuối đời, trải qua các giai đoạn đảm nhiệm Phật sự, trụ trì, dạy học, lãnh đạo điều hành trung tâm Ký nhi viện, giảng dạy các khóa tu, an cư kiết hạ, làm rẫy ruộng... với tâm nguyện “Nơi nào cần thì con đến”. Thậm chí Người còn là hành giả tham gia các khóa tu thiền, khóa tu truyền thống... để khích lệ ban tổ chức khóa tu cũng như động viên tinh thần chư Ni trẻ sự ham tu ham học. Đó chính là biểu tượng thiết thực dùng thân giáo để sách tấn tự thân và làm tấm gương mô phạm cho đoàn hậu bối. Hình ảnh ấy quả là bài học sống động nhất đối với Tăng Ni trẻ ngày nay, cũng để góp phần làm rạng ngời chánh pháp.

 

Ngoài ra, để đáp đền và noi theo gương hạnh của chư Phật, Tổ sư và quý Ni trưởng những bậc thầy đã giáo dưỡng tinh thần giải thoát và hoằng đạo cứu đời, Ni trưởng Khiêm Liên còn ra công biên soạn, viết bài, viết sách, thuyết trình hội thảo... có thể nói Ni trưởng đã để lại cho đời rất nhiều tác phẩm rất giá trị như trong Tiểu sử đã nêu ra. Đây chính là tư lương góp phần trang nghiêm ngôi nhà Đạo Phật Khất sĩ nói riêng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung.

 

Bằng chất liệu tuệ trí, Người đã thể hiện được tinh thần “Duy tuệ thị nghiệp”. Bởi vì trên lộ trình giải thoát chỉ có trí tuệ mới là điểm then chốt soi sáng bóng tối vô minh, giúp cho nhân sinh sớm giác ngộ. Nguồn tư liệu Ni trưởng Khiêm Liên để lại cho đời thật sự đã góp phần làm ngôi nhà chánh pháp được hưng thịnh, bởi vì “Phật pháp xương minh do Tăng già hoằng hóa”.

 

Tóm lại, trải qua bao năm xuất gia, hành đạo và hoằng hóa, với đức tánh cần mẫn, siêng năng tu học, dồi trau cội đức, hoàn thành trách nhiệm, hiếu kính Thầy Tổ... Đặc biệt là gương hạnh tinh tấn của Ni trưởng Khiêm Liên quả thật đã trở thành tấm gương mẫu mực, hầu thúc liễm cho đoàn hậu học siêng tu, hiếu học, không chểnh mảng trên lộ trình tấn tu giải thoát. Công trình viết sách, nghiên cứu của Ni trưởng mong rằng sẽ đóng góp cho sự nghiệp hoằng truyền Phật pháp, đồng thời cũng góp phần khai mở cho chúng sinh nhận chân được chân lý, lấy đó làm tư lương để tưới tẩm, trang nghiêm làm tươi đẹp cho Đạo pháp và dân tộc.

 

Trong suốt cuộc đời tu học và hành đạo tuy công hạnh của Người không giống các vị trụ trì khác, nhưng Ni trưởng Khiêm Liên bằng một phương diện khác vẫn luôn hướng về Tổ đình và tích cực đóng góp cho Giáo hội bằng sự nghiệp trí tuệ của mình trên con đường hoằng pháp. Tuy phương hướng khác nhau nhưng cũng góp phần không nhỏ cho ngôi nhà Đạo Phật Khất sĩ. Đặc biệt là đối với Ni chúng hàng hậu học, Ni trưởng quả là bậc Thạc đức chân tu, xứng đáng làm gương hạnh sáng ngời cao đẹp cho Ni chúng và Phật tử.

 

Những tưởng, Ni trưởng còn trụ thế lâu hơn nữa để cống hiến cho Giáo hội, cho Hệ phái, cho Đạo pháp và Dân tộc, ngờ đâu duyên đã mãn, hạnh đã tròn, Ni trưởng đã thuận thế vô thường, thu thần thị tịch, để lại cho bao người nỗi kính tiếc nhớ thương.

 

Chúng tôi, thay mặt cho quý Ni trưởng Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ, cũng là những người bạn đồng hành trong Chánh pháp, trước giờ tiễn biệt có đôi lời tưởng niệm công hạnh và đạo nghiệp của Ni trưởng. Giờ đây, để bày tỏ tình linh sơn Pháp lữ trải qua mấy chục năm gắn bó cùng tu, cùng hành đạo, chúng tôi xin thắp nén tâm hương cúng dường Giác linh Ni trưởng, thành tâm kỉnh nguyện Giác linh Ni trưởng Khiêm Liên cao đăng Phật quốc.  

 

Cuối cùng chúng tôi cũng đại diện cho quý Ni trưởng có đôi lời với quý vị trong Môn đồ Pháp quyến. Tình thầy trò là do kết duyên đời trước, nay thuận lý duyên hợp duyên tan, mọi thứ hợp tan, thành hoại là điều tất yếu. Hôm nay, Ni trưởng ân sư của quý vị đã xả bỏ huyễn thân, tròn xong hạnh nguyện trở về cõi tịnh. Vậy nên, chúng ta người xuất gia, điều thương kính nhất đối với Thầy, không gì hơn là huynh đệ phải biết yêu thương, tinh tấn tu tập, hoàn thành tốt mọi Phật sự, làm phát triển ngôi đạo tràng Tịnh xá Nhật Huy để góp phần tỏa sáng chánh pháp mà bậc ân sư của quý vị đã dầy công khai mở.

 

Với hàng Phật tử cư gia, dẫu biết rằng cách xa bậc Thầy tinh thần là điều vô cùng kính tiếc, nhưng trong Phát Bồ Đề Tâm Văn có dạy: “Nếu không có bậc Thầy tinh thần thì không hiểu Phật pháp, không hiểu Phật pháp thì không biết lễ nghĩa…”. Vậy nên quý Phật tử nếu kính thương Thầy, thì không gì hơn chính là sự tu học rốt ráo, trưởng dưỡng đạo tâm, thương yêu quý kính, sống không ích kỷ, không tổn hại nhau. Đó là người biết kính thương và đền ơn bậc Thầy của mình, đồng thời việc tu học ấy chính là chất liệu góp phần làm hưng thịnh ngôi nhà Đạo pháp.

 

Kính nguyện Giác linh Ni trưởng sớm hồi nhập Ta bà, để chúng ta cùng tiếp tục hạnh nguyện độ sanh, hoằng dương Phật pháp, làm phát triển Giáo hội và làm cho ánh đạo vàng Khất sĩ tỏ rạng khắp muôn nơi.

 

Kính bái biệt Giác linh Ni trưởng

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

Ni trưởng Viên Liên

Đại diện Giáo phẩm Ni giới Hệ phái Khất sĩ

 

 


  

Ni trưởng Viên Liên đọc Lời tưởng niệm của Ni giới Hệ phái Khất sĩ trong buổi Lễ Tưởng niệm trực tuyến 

   

BÀI LIÊN QUAN

Tưởng Niệm Ân Sư  ( Môn đồ Pháp quyến , 6136 xem)

Trực tuyến Lễ Tưởng niệm Ni trưởng Khiêm Liên  ( Ban Truyền thông NGKS , 5176 xem)

Bài Thi điếu Ni trưởng Khiêm Liên  ( NT. Xuân Liên , 5020 xem)

Thương kính tiễn Người  ( Huệ Hiếu , 2752 xem)

Hoa Sen thanh khiết  ( Ngọc Phụng , 4196 xem)

Người mãi trong con  ( Thụy Khanh , 3420 xem)

Đồng Nai: Lễ truy niệm, phụng tống kim quan Ni trưởng Khiêm Liên trà tỳ  ( Ban Truyền thông NGKS , 6100 xem)

Đồng Nai: Ban Trị Sự GHPGVN Thành phố Long Khánh viếng tang lễ cố Ni trưởng Khiêm Liên  ( Ban Truyền thông NGKS , 6860 xem)

Đồng Nai: Lễ nhập kim quan cố Ni trưởng Khiêm Liên  ( Ban Truyền thông NGKS , 11352 xem)

Chùm ảnh Lễ nhập quan Ni trưởng Khiêm Liên  ( Ban Truyền thông NGKS , 4704 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ