Trang chủ > Hoạt Động Hệ phái > Khoá Tu

Lâm Đồng: NT. Hiệp Liên nhấn mạnh về vai trò của Sứ giả Như Lai tại Khóa Sống chung tu học lần thứ 18 của Ni giới GĐ.III

Xem: 1062 . Đăng: 01/05/2024In ấn

Lâm Đồng: NT. Hiệp Liên nhấn mạnh về vai trò của "Sứ giả Như Lai" tại Khóa "Sống chung tu học" lần thứ 18 của Ni giới GĐ.III

 

Sáng ngày 27/4/2024 (nhằm ngày 19/3/Giáp Thìn), NT. Hiệp Liên - Trưởng ban Quản sự Ni giới GĐ.III, Trưởng ban Tổ chức khóa “Sống chung tu học” lần thứ 18 tại Tịnh xá Ngọc Ninh (Đức Trọng, Lâm Đồng), đã sách tấn hành giả Ni với pháp thoại “Sứ giả của Như Lai”.

 

 

Gọi các hành giả Ni bằng hai chữ “huynh đệ”, Ni trưởng dạy: “Chư huynh đệ nên nhớ rằng, người xuất gia đi trên con đường giác ngộ, được đắp trên mình chiếc y vàng giải thoát mà Đức Thế Tôn trao truyền, đó là niềm hạnh phúc vô biên. Người tu xuất gia luôn giữ giới luật, tu trì tinh tấn, siêng năng trong các công tác Phật sự, tiếng thơm lan xa, được mọi người kính quý. Mình phải biết nhìn lại bản thân để khắc phục những lỗi nhỏ nhặt, còn đối với cuộc sống biết bao dung, độ lượng với những người đã từng làm mình tổn thương, khổ đau. Thực tập được như vậy chính là một tấm gương đức hạnh ban tặng cho cuộc đời”.

Hương của các loài hoa
Không bay ngược chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay.

                                (Kinh Pháp cú, kệ 54)

 

 

Ni trưởng đã đề cập: “Chất liệu, hương vị giải thoát không chảy trong dòng ô nhiễm của thế gian, mà chỉ hiện hữu trong đời sống Tăng đoàn thanh tịnh, từ bi. Huynh đệ cần tập cho mình những bước đi dũng khí như con sư tử vươn mình đứng dậy, bỏ lại mọi phiền não, các pháp bất thiện. Chư huynh đệ cũng tập vun đắp cho mình năng lượng tình thương, biết nâng đỡ, dìu dắt nhau khi gặp khó khăn, trợ duyên lẫn nhau trên bước đường tu tập. Tình thương này tinh khiết, không có cái tôi, không còn ngã chấp, ích kỷ nhỏ nhoi”.

 

 

Ni trưởng nhấn mạnh: “Giờ đây chư huynh đệ mang trên vai sứ mệnh ‘thiệu long Thánh chủng’, nghĩa là tiếp nối và làm cho hưng thịnh dòng Thánh. Các huynh đến bước theo bước chân của Tổ Thầy ‘Nối truyền Thích Ca chánh pháp’, làm cho Phật pháp mãi trường tồn trên thế gian, không bị mai một. Vai trò ấy cao quý biết bao. Chúng ta, những người con gái của Đức Như Lai, đã từ biệt thân quyến, từ bỏ gia đình, sống không gia đình để tìm cầu chánh pháp thì cố gắng nuôi dưỡng tâm tinh tấn, an lạc. Các huynh đệ luôn tự nhắc nhở mình rằng dù ở môi trường nào đều nhớ mình là người xuất gia ‘tâm hình dị tục’. Thân tướng chúng ta khác người thế tục, đi ngược dòng đời, hãy bỏ những thú vui phù phiếm, tâm hoang vu, hãy đến với những giá trị của sự giải thoát. Bên cạnh đó, chúng ta quyết tâm, kiên định từ bỏ những tư duy lệch lạc phiến diện về tinh thần nhập thế nhằm thỏa mãn những sở thích, dục vọng cá nhân. Có như vậy Phật pháp mới hưng thịnh và cửu trụ Ta-bà.”

 

 

Ni trưởng khẳng định: "Người xuất gia khác với người tại gia ở chỗ là người xuất gia tự xây dựng cho mình một cuộc sống tràn đầy năng lượng thiện lành, hỷ lạc, khinh an, còn người tại gia xây dựng cho mình một cuộc sống với sự hơn thua, tranh giành cũng vì cái danh để làm thỏa mãn cái tôi của mình”.

Ni trưởng đặt nặng ân đàn-na tín chủ và nhắc hàng hậu học tu học thận trọng, tinh cần để đền đáp ân nặng này. Ni trưởng kể câu chuyện Đức Phật sai Tôn giả A-nan giặt tấm y. Tôn giả A-nan vâng lời mang tấm cà-sa xuống sông. Khi để chiếc y xuống nước thì y không chìm mà cứ nổi lên mặt dù Tôn giả tìm đủ mọi cách, thậm chí lấy đá đè lên. Thấy lạ, Tôn giả A-nan bèn bạch Phật.

Đức Phật dạy: “Hãy lấy hạt cơm còn dính trong bình bát đặt lên xem sao!”

A-nan liền đi lấy một hạt cơm còn sót lại trong bình bát đặt lên chiếc y, quả nhiên tấm cà-sa từ từ chìm xuống nước. (Truyện cổ Phật giáo)

 

 

Ni trưởng mượn câu chuyện, hình ảnh trên để khuyến tấn huynh đệ biết được ý nghĩa sâu sắc của việc thọ nhận sự cúng dường từ đàn-na, thấy được giá trị hạt cơm tín thí nặng thế nào.

Hạt gạo của thí chủ,
Lớn tựa núi Tu-di,
Nếu đạo lớn không thành,
Mang lông đội sừng trả.

“Chư huynh đệ siêng năng công phu, công quả thì người cúng dường cũng được phước báu. Ngược lại nhận mà không siêng năng tu tập thì lần lần sẽ hết phước, như đá mài dao, sau này sẽ mang lông đội sừng để trả công ơn của đàn-na tín thí đã cúng dường cho chúng ta thọ dụng hàng ngày, hoặc đọa lạc trong ba cõi sáu đường. Cũng như câu chuyện nhà Sư ăn nấm của thí chủ nhiều năm, chỉ mãi mê lo hưởng thụ không lo nghĩ đến việc tu hành, khi thân hoại mạng chung, tái sanh làm từng cây nấm, để trả lại ơn đức cúng dường của thí chủ", Ni trưởng sách tấn. Đức Tổ sư có dạy trong bài Thọ bát mỗi trưa:

Món vay món trả phải đồng,
Người dâng vật quý là mong phước lành.

 

 

Phật tử cúng dường cho người xuất gia với tâm cung kính, quý trọng, dù đó chỉ là một cử chỉ nhỏ như chắp tay xá, quỳ lạy,... Cái xá tay dụ cho con dao, người xuất gia dụ cho viên đá mài, con dao càng mài thì càng bén, đá mài thì càng mòn. Vì thế, người xuất gia phải cố gắng tu tập chánh niệm trong từng phút từng giây.

Trong thời đại 4.0 này, người xuất gia trẻ hướng về ngoại cảnh nhiều hơn tu tập. Vì lòng thương tưởng hàng hậu bối, Ni trưởng đã giúp cho đại chúng nhìn nhận lại bản thân, biết trân quý khi khoác trên mình chiếc y của đức Như Lai trao cho. Và càng trân quý hơn, hạt cơm tín chủ cung kính cúng dường, đại chúng hằng ngày tinh tấn tu tập hồi hướng về cho tín chủ. Ni trưởng chỉ bảo: “Luôn quán chiếu trong một ngày tu tập của hành giả phước báu đạt nhiều hay ít để có thể hồi hướng cân xứng với sự cúng dường của đàn-na. Không may mình tu ít mà sự thọ nhận nhiều thì phước mỏng nghiệp dày. Vậy nên huynh đệ phải biết phân bổ thời gian tu tập để có công đức mà hồi hướng cho đàn-na”.

 

 

Trong bài kệ “Thân” có viết:

Phước gom nghĩ được là bao,
Nếu đem trừ cấn biết sao thiếu thừa.

“Khi được xác thân này thì huynh đệ phải biết tận dụng tu tập, thường quán xét chính mình mỗi ngày để chuyển hóa làm tiến bộ tự thân. Với sự chuyển hóa tu tập trong tâm, đó chính là huynh đệ đã tạo công đức phước lành làm hành trang, tư lương trên con đường bước tới tương lai. Chính vì thân này giả tạm rồi cũng trả về cho tứ đại, cuộc đời là vô thường, huynh đệ đừng nên quý trọng tấm thân nhiều mà để tự nhiên, đói cho ăn, lạnh cho mặc ấm thế thôi. Trong bài thơ Cư Trần lạc đạo phú, ngài Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã dạy:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.

Thân cũng như chiếc thuyền để đưa ta qua sông. Khi đến bờ rồi, không mang thuyền theo nữa mà hãy để thuyền lại bên bờ sông. Nhờ cái thân này nuôi linh hồn, cái tâm, đến lúc già thì cái thân tứ đại này cũng về với cát bụi.

 

 

Đạo chưa thành, thân bỏ sao đang,
Độ đời nguyện lớn thênh thang,
Mỏi mòn thể vóc, đảm đang sao rồi.

                                      (Nghi thức Tụng niệm, tr.158)

“Làm thế nào để một đời của mình có ý nghĩa khi còn sống và cả khi chấm dứt sự sống. Sống mà hưởng thụ, ăn mặc, chạy theo lục trần thì không có giá trị. Sống lợi ích cho mình, cho người  thì dù sống một ngày một phút cũng có giá trị”.

Dầu sống một trăm năm
Ác giới không thiền định
Tốt hơn sống một ngày
Trì giới tu thiền định.

                                      (Kinh Pháp cú, kệ 110)

 

 

Trong thời pháp thoại này, Ni trưởng chia sẻ một vài câu chuyện của các vị đồng tu thời của Ni trưởng làm bài học cho đại chúng. Bài học lớn mà chư Phật, Tổ Thầy luôn dạy đó là tu tập trên hành trình Giới - Định - Tuệ. “Giới sinh ra Định, Định sanh Tuệ, Tuệ là minh tâm kiến tánh mới thành Phật”. Cho nên, thực tập Giới - Định - Tuệ không thể thiếu đối với người xuất gia. Chúng ta kính giới làm thầy, trân trọng hành trì Giới. Giới được trang nghiêm thanh tịnh rồi thì Định và Tuệ sẽ sanh khởi. Ni trưởng mong muốn chư hành giả giữ giới luật trang nghiêm tu hành tinh tấn. Vì Giới là thềm thang, là tư lương cho người tu học mà đức Phật đã nhiều lần khuyến tấn.

 

 

Đức Tổ sư cũng dạy: “Có giữ giới thì vạn vật được tốt đẹp. Có thiền định thì chúng sanh được tồn tại. Có trí tuệ thì các pháp trọn lành trong sạch”, (Chơn lý - Có và không, số 6)

Cuối thời giảng, Ni trưởng khen ngợi sự hành đạo của chư Ni ở các tịnh xá đều tuân thủ giới luật, vâng thuận theo ý chỉ của chư Tôn đức trong Giáo đoàn; Ni chúng tại các trú xứ đều ổn định, ngoan ngoãn, chuyên cần. Một lần nữa, Ni trưởng tán thán công đức của Ni trưởng trụ trì tịnh xá Ngọc Ninh đã đăng cai khóa “Sống chung tu học” lần thứ 18 với sự tham gia tu học đông đảo của chư Ni các miền tịnh xá về đây hội tụ cùng tu tập, khóa tu chắc chắn thành công viên mãn.

 

 

TKN. Liên Trầm phiên tả

Nguồn: www.daophatkhatsi.vn

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ