Trang chủ > Hoạt Động Hệ phái > Khoá Tu
Báo cáo tổng kết Khóa tu Truyền thống Khất sĩ Giới - Định - Tuệ lần thứ 34
Xem: 1474 . Đăng: 21/04/2024In ấn
Báo cáo tổng kết Khóa tu Truyền thống Khất sĩ Giới - Định - Tuệ lần thứ 34
Khóa tu Truyền thống Khất Sĩ lần thứ 34 do GĐ.V đăng cai tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Cẩm, TP. Hội An (từ mùng 3 đến ngày 13 tháng 3 năm Giáp Thìn, nhằm ngày 11 đến ngày 21 tháng 4 năm 2024) đã viên mãn. Giờ này, thay mặt Ban Tổ chức, Ban Thư ký xin báo cáo tổng kết tình hình tu học và sinh hoạt của chư hành giả trong 10 ngày qua:
I. CÁC BAN CỦA KHÓA TU
- Ban Chứng minh
- HT. Giác Tường – Ủy viên Ban Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái Khất sĩ.
- HT. Giác Giới – Phó Thư ký Ban Thường trực HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, đương vi Thiền chủ khóa tu.
- HT. Giác Tùng – Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Giáo phẩm Chứng minh Hệ phái, Tăng trưởng Giáo đoàn V.
- Ban Chức sự
Trưởng ban Tổ chức: HT. Giác Toàn – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ.
Phó Thiền chủ: HT. Minh Tuyên – Giáo phẩm hệ phái, Tăng trưởng Phật giáo hải ngoại.
Phó Trưởng ban kiêm Đệ nhất Giám luật: HT. Giác Pháp – Ủy viên HĐTS, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN, Phó thường trực Ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự trưởng Giáo đoàn V.
Đệ nhị Giám luật: HT. Giác Cảnh - Ủy viên HĐTS, Tri sự phó Giáo đoàn V.
Phó Trưởng ban kiêm Hóa chủ: HT. Giác Nhân – Ủy viên HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử T.Ư GHPGVN, Tri sự Phó Thường trực Giáo đoàn V.
Phó Trưởng ban kiêm Đệ nhất Giám thiền: HT. Giác Minh – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Giáo đoàn II.
Đệ nhị Giám thiền: HT. Giác Điệp – Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự phó Giáo đoàn VI
Đệ tam Giám thiền: TT. Giác Minh (GĐ VI): Giáo phẩm Hệ phái, Giáo phẩm Giáo đoàn VI
Đệ nhất Kiểm soát: HT. Minh Lộc – Giáo phẩm Hệ phái, Phó Trưởng ban TTXH Trung ương GHPGVN, Trưởng ban Từ thiện xã hội hệ phái Khất sĩ
Đệ nhị Kiểm soát: HT. Giác Thông – Giáo phẩm Hệ phái, Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Tri sự phó Giáo đoàn V.
Sáu vị kiểm soát tương ứng với 6 Giáo đoàn: TT. Giác Hạnh, TT. Giác Thạnh, TT. Giác Viễn, ĐĐ. Minh Y, TT. Giác Phương, ĐĐ. Minh Kính
- Ban Giáo thọ
HT. Giác Giới, HT. Giác Toàn, HT. Minh Tuyên, HT. Giác Pháp, HT. Giác Nhân, HT. Giác Đăng, HT. Minh Thành, TT. Giác Hoàng.
- Ban Thư ký
Chánh thư ký: TT. Giác Hoàng – Chánh Thư ký Hệ phái
Phó thư ký: ĐĐ. Minh Đẳng, ĐĐ. Minh Giáo, ĐĐ. Giác Thống
- Số lượng và chương trình tu học:
Khóa tu lần này, số lượng hành giả về tu tập khá đông, 140 vị. Đặc biệt, quý Hòa Thượng và Thượng tọa về tu tập cũng đông hơn những khóa tu khác. Hội chúng luôn được ấm áp bởi 11 vị Hòa thượng và 16 vị Thượng tọa đồng hành xuyên suốt trong tất cả thời khóa.
Mỗi ngày, các hành giả tu học bắt đầu từ 03g30 sáng đến 09g00 tối, gồm có 1 thời Pháp thoại (60 phút), 1 thời Pháp đàm (90 phút), 2 thời thiền tọa (mỗi thời 60 phút), 4 thời thiền hành (mỗi thời 30 phút), điểm tâm sáng trong chánh niệm, độ ngọ trưa hòa chúng và kết thúc 1 ngày tu học bằng 1 thời sám hối cuối ngày (60 phút).
Vào buổi sáng của ngày khai mạc và bế mạc của khóa tu, chư Tôn đức đã thực hành hạnh trì bình khất thực hóa duyên tại phố cổ Hội An để gieo duyên với bà con địa phương.
II. NỘI DUNG GIẢNG DẠY
- Nội dung
Trải qua 10 ngày tu học, chư vị hành giả đã tuần tự được học nhiều đề tài khác nhau để hỗ trợ cho lộ trình tu tập. Mỗi đề tài được phụ trách bởi một vị giáo thọ như:
- HT. Giác Toàn: Hạt giống tâm Bồ-đề
- HT. Giác Giới: Chủ trương khóa tu truyền thống Hệ phái
- HT. Minh Tuyên: Chơn lý Bát chánh đạo
- HT. Giác Pháp: Cách tiếp cận Chơn lý - Võ trụ quan
- HT. Giác Nhân: Quay về nguồn cội
- HT. Giác Đăng: Vài ý pháp trong Chơn lý - Thập nhị nhân duyên
- TT. Giác Hoàng: Những lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang về pháp trau tâm
- HT. Minh Thành: Tiếp cận chữ “Tánh” trong Chơn lý
Nội dung giảng dạy trong khóa tu này được nối kết với nhau một cách rất tự nhiên. HT. Giác Toàn với vai trò Trưởng Ban Tổ chức khóa tu đã khơi dậy phương thức, cách chuyển hóa 3 nghiệp từ bất thiện đến thiện lành ngang qua Đại kinh Saccaka trong Trung Bộ. Đồng thời, qua lời dạy của Đức Tổ sư trong các bài Chơn lý như “Tu và nghiệp”, “Tâm”… Hòa thượng đã hướng dẫn đại chúng cách thức tịnh hóa tam nghiệp để nuôi dưỡng hột giống Phật, hột giống tâm chơn, hột giống no tròn chắc thiệt đời đời.
Tiếp theo, để giúp cho vị Khất sĩ tu tập có kết quả trong thời đại ngày nay, thì việc nhìn lại những chủ trương, đường hướng của các bậc Thầy lớn trong việc đào tạo, giáo dưỡng học trò, ngang qua những khóa tu truyền thống như thế này là vô cùng quan trọng. HT. Giác Giới với vai trò Thiền chủ khóa tu, đã nhắc lại về chủ trương, đường hướng là “Học, Tu, Phụng sự” và luôn luôn được đi kèm với đạo lộ Giới - Định - Tuệ. Trong khóa tu này, thực hiện lời chỉ dạy của Hòa thượng Trưởng ban Thường trực GPHP, chư vị giáo thọ đã triển khai và tập trung vào việc giảng dạy Chơn lý.
Nếu ví toàn bộ lời dạy của đức Tổ sư như một Đại bảo tháp trang nghiêm vĩ đại gồm 70 tầng (HT. Minh Tuyên) thì lần này, chư vị hành giả đã được HT. Giác Pháp “cầm tay và trao cho chìa khóa” để mở cửa, chiêm ngưỡng tầng thứ nhất, đó là tầng tháp mang tên “Võ trụ quan”. Khi vào được tầng tháp này rồi, các vị Khất sĩ sẽ dễ dàng và vui thích leo lên những tầng khác của đại lâu đài này. Quả thật vậy, sau khi nghe giảng xong, đại chúng vô cùng hoan hỷ khi hiểu được nội dung cốt lõi của bài Chơn lý Võ trụ quan. Tổ sư đã mượn đề tài võ trụ để chỉ chúng ta biết cội nguồn của cả chúng sanh. Đây là con đường tiến hóa từ thấp tới cao, chúng sanh thuận theo con đường này là sống đúng chơn lý võ trụ, sẽ được an vui, tốt đẹp. Và tất cả chúng ta là con chung của vũ trụ, từ đó Tổ sư kêu gọi nên tập sống chung tu học.
Để sống chung tu học theo đúng lời dạy của Phật - Tổ - Thầy, đại chúng tiếp tục được học và tìm hiểu đến những bài Chơn lý tiếp theo như “Bát Chánh Đạo” do HT. Minh Tuyên chủ giảng. Hòa thượng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Bát Chánh Đạo đối với mỗi vị hành giả tu tập. Đây cũng là thánh đạo tám ngành, cũng là con đường trung đạo, con đường Giới - Định - Tuệ mà cả một cuộc đời tu luôn luôn thực hành để đến với mục tiêu cuối cùng của Phạm hạnh.
HT. Giác Nhân với đề tài “Quay về nguồn cội” đã kêu gọi chư Tăng 6 Giáo đoàn nên sống với đường lối do Tổ sư Minh Đăng Quang đã vạch ra trên 70 năm về trước. Mặc dù thời duyên cảnh ngộ hôm nay đã khác với lúc Tổ sư hoặc Đức Thầy xuất thế dạy đạo khi xưa, nhưng với hiếu tâm của người con của giáo pháp Minh Đăng Quang, chắc chắn đại chúng sẽ rút tỉa được những tinh hoa của giáo pháp và ứng dụng vào trong cuộc sống tu tập và phụng sự nhân sinh.
HT. Giác Đăng đến với hội chúng qua bài Chơn lý - Thập nhị nhơn duyên. Hòa thượng đã giúp cho đại chúng hiểu rõ hơn Y tánh Duyên khởi pháp. Trong 12 mắc xích của Thập nhị nhân duyên, “ái” là một mắc xích quan trọng. Nơi “ái” là giữa chặng đường và chia hai nẻo: ái chúng sanh và ái tình dục. Ái chúng sanh từ bi bác ái và duyên lần đến cuối cùng là nhập diệt, chơn như, Niết-bàn, hưu trí. Ái tình dục thì duyên đến khổ điên, tiêu diệt.
Đức Tổ sư dạy rằng “Kẻ trí trau tâm chớ chẳng giồi thân, nói ít mà nên, làm ít mà hay, lo ít mà đặng, là bởi nơi tâm đã trọn tốt”. Đây là nội dung mở đầu cho bài giảng Pháp trau tâm của TT. Giác Hoàng. Ngang qua những đoạn trích yếu trong các bài Chơn lý, Thượng tọa tiếp tục hỗ trợ đại chúng thông qua việc nhắc lại việc quan trọng của người tu là Trau tâm. Tâm trọn tốt, tròn trịa là bởi thấy được tầm quan trọng và mục đích của việc trau tâm, sau đó thiết lập môi trường điều kiện tốt đẹp và ứng dụng các phương pháp hành trì mà Tổ sư dạy trong Chơn lý như “Hãy xét ngó tâm mình, đừng ngó việc người” - (Chơn lý - Đi tu), “thà là chúng ta đừng làm chi hết, hay tốt hơn là trau tâm trước rồi sẽ làm sau, chớ đừng vội tham làm, làm cho nhiều để thất bại cho nhiều, đã bị chúng cười chê và không kể công lao với ai đặng” - (Chơn lý - Đi tu) v.v… Những phương pháp trau tâm ấy, cuối cùng cũng để làm cho thân khẩu ý trở nên tự nhiên vắng lặng, ẩn mật kín đáo, thành tựu tâm chơn.
HT. Minh Thành đến với hội chúng qua đề tại “Tiếp cận chữ Tánh trong Chơn lý”. Sử dụng công cụ tìm kiếm trong tất cả các văn cảnh khác nhau trong Chơn lý, kết quả cho ra khoảng 329 chữ “tánh” được tìm thấy. Tuy nhiên, Hòa thượng chỉ chia sẻ 6 chữ “tánh” nằm trong các bài Chơn lý như Võ trụ quan, Ngũ uẩn, Pháp học cư sĩ (bài kệ “Xin đừng giết thú” và “Nguyện về cõi Phật”). Sáu cụm từ có chứa đựng chữ Tánh lần lược được xuất hiện như sau: đức tánh, tánh tự cao, tánh giác, tánh giác không mê, tánh linh, tánh Phật. Với thời gian 60 phút, Hòa thượng đã giúp cho các hành giả vừa tiếp cận chữ Tánh dưới góc độ học thuật, nghiên cứu, đồng thời cũng khai mở đường hướng tu tập ngang qua những phương thức hành trì như gieo hạt giống, ngòi mộng Bồ-đề lên mảnh đất tâm để một lúc nào đó chạm được tánh Phật, tánh chơn như bên trong của mỗi người. Đây cũng là thành quả cuối cùng trên hành trình tu tập, tiến hóa tâm linh.
Trong khóa tu lần này, quý Thượng tọa và quý Đại đức như TT. Giác Nhẫn, ĐĐ. Minh Đẳng, ĐĐ. Minh Tuế, ĐĐ. Minh Nhật cũng được quý Hòa thượng chỉ dạy trình pháp và chia sẻ những Pháp mà mình đã học được và tâm đắc. Đây là lần thứ 2, phương thức trợ giảng, trình pháp được triển khai nhằm giúp các thế hệ kế thừa vững chãi hơn trong việc tập chia sẻ trước những hội chúng lớn, chuyên tu.
- Những điểm nổi bật của khóa tu:
- Đây là khóa tu đầu tiên sau khi Ban thường trực Giáo phẩm Hệ phái quyết định tăng thêm thời gian tu từ 7 ngày lên 10 ngày, tưởng chừng sẽ ít hành giả vì thời gian được kéo dài nhưng lại đón nhận số lượng hành giả đông bất ngờ, nhất là số lượng quý Hòa thượng và Thượng tọa khá đông.
- Tất cả các thời giảng đều có tư liệu để hành giả vừa xem, vừa nghe, giúp hành giả tập trung hơn trong thời học Pháp và có tài liệu mang về để tiếp tục nghiên cứu
- Việc trợ giảng buổi sáng và trình Pháp, thảo luận Pháp buổi chiều cũng là điểm nổi bật trong khóa tu này.
- Thời gian của các thời khóa được Ban Tổ chức đưa ra khá hợp lý nên các hành giả thấy thời gian trôi qua rất nhanh và an trú hỷ lạc trong mỗi thời khắc.
III. NHẬN XÉT
Khóa tu này Ban Ngoại hộ tịnh xá Ngọc Cẩm đã hết lòng với đại chúng. Với sự chỉ đạo của chư Tôn đức Lãnh đạo GĐ.V, từ TT. Giác Nhẫn – Trụ trì TX. Ngọc Cẩm đã cùng chư Tăng và Phật tử đã hoan hỷ không ngại mưa gió, thức khuya dậy sớm chăm lo từng món ăn, ly nước uống sao cho đầy đủ bổ dưỡng cho hành giả tu tập. Và Ban Y tế cũng rất nhiệt tâm, đã trực xuyên suốt ngày đêm để chăm lo sức khỏe cho chư Tôn đức cũng như chư hành giả.
Điều đáng hoan hỷ của khóa tu lần này là chư vị hành giả trẻ đông, dưới sự chăm sóc, hướng dẫn các bậc trưởng thượng, niên cao lạp trưởng nhiều nên chỉ trong vài ngày đầu là chư vị đã khép mình vào khuôn khổ của nội quy và thời khóa tập tu, hạ mình trong sự hướng dẫn của chư Tôn đức trong Ban Tổ Chức.
Chúng con xin tri ân chư Tôn đức trong Ban Chứng minh, Ban Tổ chức, Ban Giáo thọ không ngại sức khỏe, đường sá xa xôi, quang lâm chứng minh và giảng dạy giáo pháp cho chúng con. Ngưỡng nguyện quý Ngài sức khỏe khương an, mãi là bóng cây đại thụ che mát cho chúng con và chúng sanh trên lộ trình tu tập.
Xin tri ân đến chư Tôn đức GĐ.V, Thượng tọa Trụ trì và Tăng chúng cùng Phật tử nơi đây, đã hết lòng lo cho khóa tu được thành công tốt đẹp. Kính chúc chư Tôn đức và quý Phật tử thành tựu mọi tâm nguyện hiện tại. Kính chúc chư hành giả có nhiều sức khỏe và tiếp tục sử dụng những thành quả tu tập trong khóa tu này để từng ngày tròn xong đạo nghiệp.
IV. KẾT LUẬN
Trên đây là bản báo cáo kết quả khóa tu TRUYỀN THỐNG KHẤT SĨ do GĐ.V đăng cai tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Cẩm TP. Hội An (từ mùng 3 đến ngày 13 tháng 3 năm Giáp Thìn, nhằm ngày 11 đến ngày 21 tháng 4 năm 2024), chúng con kính trình lên chư Tôn đức chứng minh.
Nam-mô Chứng Minh Sư Bồ-tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh.
Ban thư ký khóa tu
----ooOoo----
BÀI LIÊN QUAN
Quảng Nam: Giáo đoàn V Bế mạc Khóa tu truyền thống Giới - Định - Tuệ lần thứ 34 (788 xem)
Bình Thuận: Khai mạc Khóa tu Tưởng niệm Hòa thượng Minh Nhơn ( Diệu Anh , 976 xem)
Quảng Nam: Pháp thoại Tiếp cận chữ Tánh trong Chơn lý do HT. Minh Thành thuyết giảng tại Khóa tu Truyền thống lần thứ 34 ( Ban TTTT Giáo đoàn V , 1348 xem)
Quảng Nam: Chư hành giả Khóa tu truyền thống Giới - Định - Tuệ lần thứ 34 trình bày về Sự quân bình trong 5 căn lành tu tập ( Ban TTTT Giáo đoàn V , 1488 xem)
Quảng Nam: Chư hành giả trình bày quan điểm tại tọa đàm của khóa tu truyền thống Giới - Định - Tuệ lần thứ 34 ( Ban TTTT Giáo đoàn V , 952 xem)
Quảng Nam: TT. Giác Hoàng giảng về Pháp trau tâm của Tổ sư Minh Đăng Quang tại Khóa tu truyền thống lần thứ 34 ( Ban TTTT Giáo đoàn V , 1556 xem)
Quảng Nam: Vài ý pháp trong Chơn lý - Thập nhị nhân duyên qua lời giảng của HT. Giác Đăng ( Ban TTTT Giáo đoàn V , 1508 xem)
Đồng Nai: Tịnh xá Ngọc Uyển tổ chức khóa tu Bát Quan Trai kỳ 1 năm 2024 ( Ban Truyền thông NGKS , 2600 xem)
Quảng Nam: HT. Giác Nhân với thời pháp Quay về cội nguồn tại Khóa tu truyền thống lần thứ 34 (1336 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng