Trang chủ > Bồ Tát > Bồ tát

Con đường Bồ-tát

Tác giả: Thiện Ý chuyển ngữ.  
Xem: 5586 . Đăng: 14/06/2015In ấn

Con đường Bồ-tát

 

GN - Con đường Bồ-tát - con đường lý tưởng nổi tiếng của Phật giáo Đại thừa - không phải là pháp tu để thành thánh, thành tiên, mà là một lối sống ai cũng có thể ước mong thành tựu được.  Ngài Chogyam Trungpa Rinpoche giải thích rằng, ai phát nguyện tu hạnh Bồ-tát thì chỉ có một lời nguyện đơn giản là: lo cho chúng sinh trước hết và không giữ lại gì cho chính mình.  (Carolyn Rose Gimian)

Tu hạnh Bồ-tát là phát nguyện lo cho chúng sanh trước bản thân. Đó là một lời tuyên bố tự nguyện hy sinh bản thân mình, ngay như cả hy sinh sự giác ngộ của mình vì tất cả mọi loài. Và một vị Bồ-tát là một người chỉ sống vì hạnh nguyện đó, hoàn thành công hạnh qua việc thực hành sáu ba-la-mật (lục độ) - bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, và trí tuệ - nỗ lực để giải thoát cho tất cả hữu tình.

Phát nguyện tu hạnh Bồ-tát bao hàm ý rằng mình mở rộng lòng đón mời thế giới mình đang sống và không cầm giữ, hay bảo vệ bất cứ cái gì cho bản thân. Nghĩa là, mình tự nguyện chấp nhận một trách nhiệm rộng lớn, bao la. Đúng ra, nó có nghĩa là tạo một duyên lớn. Nhưng việc tạo ra một nhân duyên rộng lớn như vậy không phải để làm một anh hùng rơm hay phục vụ cho cá tính lập dị của mình. Mà nhân duyên này từng được hàng triệu Bồ-tát, như các bậc đã giác ngộ và các vị đại sư, đã tạo ra trong quá khứ. Vì vậy, một truyền thống chịu trách nhiệm này đã được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, và giờ đây, chúng ta cũng đang tham gia vào cái truyền thống sáng chói và danh giá này.

Có một dòng truyền thừa con đường Bồ-tát không gián đoạn, bắt nguồn từ đại Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokiteshvara),  Đại Thế Chí (Vajrapani), và Văn Thù (Manjushri).  Nó không gián đoạn vì không Bồ-tát nào trong dòng truyền thừa này, qua nhiều thế hệ và thế kỷ, sống tham đắm bảo vệ cho mình. Thay vì vậy, các Bồ-tát này liên tục nỗ lực tu tập vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Di sản này đã được truyền lại không gián đoạn, cho đến ngày hôm nay, không phải là một huyền thoại, mà là một bằng chứng sống.

Sự trong sạch của truyền thống này rất có uy lực. Việc chúng ta phát nguyện tu theo hạnh Bồ-tát là một điều rất cao quý và vinh dự. Với một truyền thống gom hết tâm ý cho tinh thần Bồ-tát như vậy nên ai mà chưa gia nhập vào sẽ cảm thấy mình còn tệ lắm. Họ có thể ganh tức với một truyền thống phong phú như vậy. Nhưng gia nhập vào cũng sẽ khiến mình cảm thấy có một trách nhiệm vô cùng to lớn. Mình sẽ không còn có ý định tìm kiếm sự thoải mái cho bản thân; mình phải làm việc với những thứ khác. Nghĩa là làm việc với những thứ liên quan đến bên trong bản thân, như là tính toán tương lai cho mình, tình cảm cá nhân, mong muốn làm cho đời mình thoải mái hơn…; và làm việc với những thứ liên quan với thế giới bên ngoài, như là thế giới đang hiện hữu ngoài kia, nào là con cái la khóc, dĩa chén dơ bẩn, rối loạn đường tu, và đủ loại chúng sanh…

Vậy, phát nguyện tu Bồ-tát hạnh là một cam kết thật sự vì nhận thấy những khổ đau và vô minh của chính bản thân và của các hữu tình khác. Cách duy nhất, để có thể phá vỡ màn vô minh và khổ đau, và tu tập để thành tựu đạo giác ngộ, là phải tự nhận chịu trách nhiệm. Nếu mình không làm gì với tình trạng vô minh này, và nếu mình không tự giải quyết vấn đề này, thì sẽ chẳng có gì thay đổi. Mình không thể lệ thuộc vào người khác làm việc này cho mình. Đây là trách nhiệm của chúng ta, và chúng ta có một sức mạnh kinh thiên để làm thay đổi nghiệp lực của thế gian này. Vậy, phát nguyện đi con đường Bồ-tát, chúng ta đang công nhận rằng chúng ta sẽ không tiếp tục làm kẻ đồng lõa với những hỗn loạn và khổ đau trong thế gian này. Ngược lại, chúng ta là những người giải phóng, những Bồ-tát, mong muốn tự cứu độ mình, cũng như cứu độ những người khác.

Quyết định cứu độ người khác cần có sự cảm hứng rộng lớn. Mình không còn nỗ lực để biến mình thành một kẻ vĩ đại. Mình chỉ đơn giản muốn làm một con người với thực tâm muốn cứu giúp người khác; nghĩa là, chúng ta phát huy vượt bậc cá tính vị tha, một đặc tính luôn thiếu thốn trên thế gian này. Noi gương Phật Thích Ca, người đã từ bỏ ngai vàng để cống hiến đời mình cho chúng sinh, chúng ta, cuối cùng rồi, cũng trở thành người giúp ích cho xã hội, nhân quần.

Mỗi người chúng ta có thể đã khám phá ra một ít sự thật, như là sự thật về thơ văn, phim ảnh, hay vi sinh vật, mà có thể dùng để giúp ích cho người khác. Nhưng chúng ta hay có khuynh hướng dùng những sự thật như vậy để xây đắp uy tín, tiếng tăm riêng cho mình. Chỉ lo phát huy những sự thật đó cho mình là một hướng hành động ích kỷ, thấp hèn. Ngược lại, công hạnh của một vị Bồ-tát là không cần uy tín, tiếng tăm. Chúng ta có thể bị đánh đập, hành hạ, hay bạc đãi, nhưng chúng ta vẫn tử tế và tự nguyện giúp ích người khác. Đây là một công việc hoàn toàn không được công trạng, nhưng lại rất chân thật và uy dũng.

Phát nguyện con đường Đại thừa bao la nghĩa là từ bỏ cá nhân và phát huy tâm tánh rộng lớn hơn. Thay vì tập trung vào kế hoạch nhỏ nhoi của mình, chúng ta mở rộng tầm nhìn của mình để ôm trọn cả thế gian, thiên hà, và vũ trụ.

Muốn thực hiện tâm bao la như vậy đòi hỏi chúng ta phải hiểu thấu tình hình thật rõ ràng và toàn diện. Chúng ta cần phải phát triển tâm từ bi để loại trừ bản ngã vì bản ngã sẽ khiến giới hạn tầm nhìn và làm sai lạc hành động của mình. Theo truyền thống, mình phải bắt đầu bằng việc khai mở lòng từ bi với chính mình, rồi hướng tâm này đến những người gần gũi mình nhất, và sau hết, là tất cả mọi loài chúng sinh, kể cả kẻ thù của mình. Tột cùng, chúng ta xem tất cả mọi loài chúng sinh như là những người mẹ ruột thịt của mình. Chúng ta có thể chưa theo đúng con đường truyền thống ở thời điểm này, nhưng mình có thể phát huy thêm tâm tính rộng lượng và hòa nhã. Điểm chính là mình phải bắt đầu bằng cách bắt tay vào việc trước.

Thông thường chúng ta hay bị mắc kẹt với cách cư xử ở đời: “Anh ta sẽ nói lời xin lỗi trước hay là tôi phải nói xin lỗi trước?”. Nhưng khi trở thành một vị tu theo hạnh Bồ-tát, chúng ta phá cái rào cản đó: mình không đợi người kia làm, mà mình đã quyết định tự làm trước. Con người có quá nhiều vấn đề và chính vậy, mà họ khổ vì đó. Và chúng ta chỉ ý thức được một phần rất nhỏ, những khổ đau đang xảy ra trong đất nước mình, chưa nói là cả thế giới. Hàng triệu người trên thế giới đang hứng chịu khổ đau vì thiếu từ bi, giới luật, kham nhẫn, tinh tiến, thiền định, và tuệ giác. Điểm chính của sự khởi đầu phát nguyện tu Bồ-tát hạnh là không tìm cách cải đạo người khác; cần quan niệm rằng là chúng ta nên đóng góp cái gì đó cho thế giới, chỉ bằng sự tương trợ và hòa hợp theo tính cách riêng của mình.

Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, mình công nhận rằng mình có thể thực hiện được công hạnh đó trong thế giới này. Từ quan điểm của một Bồ-tát, không có gì khó khăn và không chữa trị được trong cuộc đời này. Noi theo đời sống điển hình của Phật cùng chư đại Bồ-tát, và trong những lời dạy đầy cảm hứng của Phật pháp, không gì không làm được trong thế gian này. Chúng ta có thể tham gia vào công cuộc vận động của chư Phật và Bồ-tát để hóa độ chúng sanh một cách đúng đắn, đầy đủ, và triệt để mà không bị chấp thủ, vô minh, và sân hận quấy phá. Một công cuộc như vậy là sự phát triển một cách tự nhiên của việc thực tập thiền quán vì thiền quán mang đến việc cảm nhận được tính vô ngã.

Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, chúng ta mở lòng đón nhận những yêu cầu của chúng sinh. Nếu ai cần đến chúng ta, mình không nên từ chối; nếu chúng ta được mời làm bậc phụ huynh, mình sẽ không từ nan. Nói một cách khác, mình phải có sự thích thú trong việc chăm sóc, giúp đỡ người khác, và sự biết ơn đối với thế giới quanh mình và các chúng sinh sống trong đó. Đây không phải là một vấn đề dễ làm! Việc này đòi hỏi chúng ta phải hoàn toàn phụng sự không mỏi mệt và kham nhẫn với tất cả những sự điên rồ, ích kỷ, đáng kinh tởm của người mình phụng sự; hơn vậy, chúng ta luôn biết ơn và dọn sạch những thứ đó cho họ. Chúng ta thanh thản, nhẹ nhàng cho phép những tình cảnh như vậy xảy ra dù phải chịu một chút bất tiện; chúng ta chấp nhận những khó khăn và choáng ngộp do những tình huống trên gây ra cho mình.

Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát nghĩa là chúng ta phát tâm sống đời sống hàng ngày của mình theo lời Phật dạy. Hành trì như vậy giúp chúng ta đủ trưởng thành để không giữ gì lại cho mình. Tài năng thế tục của chúng ta không bị chối bỏ, mà còn được tận dụng làm một phần của quá trình học và tu. Một vị Bồ-tát có thể dạy Phật pháp trong hình thức hiểu biết về mặt kiến thức, nghệ thuật, và ngay như cả thương mại. Như vậy, dấn thân vào con đường Bồ-tát, chúng ta tiếp tục tận dụng những tài năng của mình theo hướng giác ngộ, mà không bị chúng đe dọa hay làm xáo trộn. Lúc đầu những tài năng thế tục của chúng ta tưởng đã bị “tước bỏ,” vì một phần hiểu lầm, nhưng giờ đây chúng ta đang làm chúng sống lại. Chúng có thể được nẩy mầm thêm nhờ có Pháp bảo, Tăng bảo, và sự kham nhẫn của chúng ta. Điều này không có nghĩa là chúng ta đã hoàn hảo mọi tình huống trong đời sống. Tất nhiên, vẫn còn một ít hiểu lầm sẽ xảy ra! Nhưng đồng thời cũng thấy có một tia sáng của sự khai thông và một tiềm năng vô hạn.

Vào thời điểm này, mình cần phải tin tưởng chính mình mà nhảy vào cuộc.  Chúng ta, thực ra, có thể điều chỉnh bất cứ những ý tưởng kích động, hay thiếu lòng từ bi nào xảy ra, mà có tính cách chống phá Bồ-tát hạnh; mình có thể nhận ra sự điên đảo của mình và chuyển hóa nó, thay vì là cố tình che giấu hay loại bỏ nó. Theo cách này, những hình thức suy tư điên đảo sẽ được hóa giải. Bất cứ khi nào chúng ta trực tiếp ‘làm việc’ với sự điên đảo của mình thì nó liền trở thành một hành động từ bi. Bản năng thông thường của con người là tính lợi cho mình trước và chỉ làm bạn với ai nếu họ có thể đem lợi lạc về cho mình. Đây có thể gọi là “bản năng của loài khỉ” (ape instinct). 

Nhưng trong trường hợp của hạnh nguyện Bồ-tát, chúng ta đang nói về một loại bản năng siêu phàm, thâm sâu và đầy đủ hơn hết. Được gợi hứng từ bản năng này, chúng ta tự nguyện chấp nhận cái cảm giác trống vắng, kiệt sức, và xáo trộn. Nhưng chính nhờ sự tự nguyện khiến mình cảm nhận được như vậy, và cùng lúc, mình cũng có thể ra tay cứu giúp người. Như vậy, chúng ta vẫn còn chỗ dành cho sự lẫn lộn, rối tung, và ngã ái của mình vì chúng là những viên gạch nền tảng. Ngay như những phiền não xảy ra trong lúc tu theo con đường Bồ-tát đều là một cách để xác định sự quyết tâm của mình.

Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát, chúng ta thực sự biến mình thành tài sản chung cho mọi loài chúng sanh: tùy theo hoàn cảnh, mình tự nguyện làm một đại lộ, một con thuyền, một cái sàn nhà, hay là một căn nhà… Chúng ta cho phép tất cả hữu tình sử dụng chúng ta bằng mọi cách họ chọn. Cũng như trái đất duy trì không khí, và không gian dung chứa các vì sao, thiên hà, và tất cả những thứ khác, chúng ta tự nguyện mang gánh nặng của cả thế gian. Chúng ta lấy cảm hứng từ thí dụ vật thể của vũ trụ. Chúng ta cống hiến chính mình như là gió, là lửa, là không khí, là đất, và là nước - tất cả ngũ đại.

Nhưng điều cần thiết và rất quan trọng là phải tránh khởi tâm từ một cách thiếu tuệ giác. Nếu mình sử dụng lửa không đúng cách, mình sẽ bị bỏng; nếu cưỡi ngựa không đúng kiểu, mình sẽ bị nó hất rơi xuống đất. Mình phải có một cảm nhận thực tế trong thế giới này. Làm việc trong thế gian đòi hỏi phải có một tri thức thực tế. Chúng ta không thể là một Bồ-tát “yêu thương và nhẹ nhàng” nếu chúng ta không biết cách giúp đỡ chúng sanh một cách thông minh, sự cứu giúp của mình có thể hoàn toàn khiến họ lệ thuộc, chứ không phải là vì lợi ích cho chúng sanh. Chúng sanh sẽ trở nên lệ thuộc vào sự cứu giúp của mình cũng giống như người bị nghiện thuốc ngủ vậy. Họ càng ngày càng trở nên yếu ớt vì cứ muốn được cứu giúp hoài! Do vậy, vì lợi ích cho chúng sanh, chúng ta cần mở rộng lòng với một thái độ vô úy, không sợ. Vì bản tính cố hữu của con người hay thích lệ thuộc, nhờ cậy, đôi khi điều tốt nhất là mình phải nói thẳng và làm thẳng. Phương pháp tế độ của một Bồ-tát là giúp người để họ tự cứu chính họ.  Tương tự như bốn đại đất, nước, gió, lửa sẽ không hợp tác với chúng ta nếu mình không sử dụng chúng một cách thích đáng, nhưng đồng thời, chúng rộng lượng cống hiến và hòa hợp nếu được sử dụng đúng đắn. 

Một trở ngại lớn đối với việc thực hiện giới Bồ-tát là sự thiếu vắng của tính hài hước; chúng ta có thể đã xem vấn đề giữ giới quá nghiêm túc. Thực hiện lòng nhân từ của một Bồ-tát theo kiểu quân cách sẽ không thành tựu được gì. Người mới bắt đầu tu thường quá khắt khe với việc hành trì và tiến bộ của họ, tu Đại thừa theo phong cách của Tiểu thừa. Nhưng quân cách khắt khe thì hoàn toàn khác với tâm từ ái và vui vẻ của con đường Bồ-tát. Khi mới bắt đầu, bạn có thể chưa thực sự rộng lượng và vui vẻ. Nhưng ít nhất bạn nên cố gắng rộng lượng, tươi vui, và luôn cả can đảm. Điều này đòi hỏi bạn phải liên tục tu tập một cách uyển chuyển vì muốn tu theo con đường Bồ-tát bạn phải luôn luôn biết linh động.

Cái cảm giác sung sướng và hân hoan vì cuối cùng chúng ta có thể gia nhập vào gia đình của chư Phật. Rốt cuộc, mình đã quyết định tuyên bố quyền thừa kế về sự giác ngộ của chính mình. Từ khía cạnh còn hồ nghi, bất cứ đặc tính giác ngộ nào còn lại trong chúng ta dường như là rất nhỏ nhoi. Nhưng từ khía cạnh thực tế, một hữu tình đã giác ngộ trọn vẹn đang tồn tại bên trong chúng ta rồi! Vì vậy, chúng ta không còn nghi ngờ gì về việc mình đang đi trên con đường đạo hay không. Rõ ràng chúng ta đã phát nguyện và rằng mình sẽ phát triển lộ trình rộng lớn này để thành Phật.

Phát nguyện tu theo con đường Bồ-tát là một biểu thị của việc an cư và sống tự tại trong thế gian này. Mình không lo sợ ai đó tấn công hay giết chóc mình. Mình luôn hy sinh thân mình vì lợi ích của chúng sanh. Thậm chí, mình còn từ bỏ việc tìm kiếm con đường giác ngộ cho riêng mình vì muốn cứu khổ người khác. Tuy nhiên, dù không nỗ lực gì chúng ta vẫn đạt được sự giác ngộ. Chư Phật và chư Bồ-tát đã từng làm như thế trong quá khứ, và chúng ta cũng có thể làm được như vậy.  Đơn giản là do chúng ta có chấp nhận sự sung túc này hay là bác bỏ nó và chấp nhận sống trong một trạng thái tâm linh nghèo nàn.

 

CHOGYAM TRUNGPA RINPOCHE
Thiện Ý chuyển ngữ
(Trích từ 
“Tác phẩm chọn lọc của Chogyam Trungpa”, tập 3,
Nhà xuất bản Shambhala phát hành năm 2003)

 

Đôi dòng về tác giả:

 

Chogyam Trungpa Rinpoche (1940-1987) là một trong những vị Giáo thọ Phật giáo người Tây Tạng tiên phong đến hoằng pháp tại Hoa Kỳ, là một trong những người đóng vai trò then chốt trong việc truyền bá Phật pháp chân chính đến phương Tây. Ngài đã sáng lập trường đại học Naropa ở Boulder, tiểu bang Colorado, và thành lập tổ chức Shambhala International với khoảng 200 trung tâm thiền trên khắp thế giới. Ngoài  những tác phẩm bán chạy nhất về Phật giáo, như là: Cắt đứt nguồn vật chất tâm linh và Huyền thoại của tự do, ngài là tác giả của 2 quyển sách về truyền thống hiệp sĩ Shambhala:  Shambhala: Con đường thiêng liêng của hiệp sĩ, và Mặt trời Đông vĩ đại: Tuệ giác của Shambhala.

 

-----oo0oo-----

Nguồn: Báo Giác Ngộ

 

BÀI LIÊN QUAN

Bồ-tát không giúp gánh nghiệp cho người khác  ( Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ , 5372 xem)

Tán tụng công hạnh Bồ-tát Quán Thế Âm  ( Chân Nguyên , 5556 xem)

Hành trạng Bồ tát Quán Thế Âm  ( Hòa thượng Thích Phước Sơn , 6294 xem)

Hạnh nguyện Quan Âm  ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 6438 xem)

Gia trì lực của Quan Âm thậm thâm vi diệu  ( Diệu Tịnh , 10667 xem)

Khái niệm Quán Thế Âm  ( Toại Khanh , 6938 xem)

Xin nguyện học theo hạnh của Ngài  ( Thích nữ Tịnh Tâm , 6979 xem)

Tương tác với Đức Quán Thế Âm  ( Xuân Phương , 6503 xem)

Mẹ hiền Quán Thế Âm về đây…  ( Đỗ Thị Hiền , 6215 xem)

Nghĩ về hạnh Quán Thế Âm  ( Trang Châu Tuệ , 6153 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ