Trang chủ > Đức Tổ Sư > Bài Viết
Những ý pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang trong Chơn Lý "Bát Chánh Đạo"
Xem: 17370 . Đăng: 16/10/2015In ấn
Những ý pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang trong Chơn Lý "Bát Chánh Đạo"
Bài học thứ nhất: “Bát chánh đạo” là sự sống, tâm hồn của chúng sanh
Bát chánh đạo tức là tám cách hành đạo theo lẽ chánh của bậc thánh nhân, cũng kêu là bát thánh đạo, là pháp tự độ độ tha, sống chung với tất cả, để cùng đưa nhau lên đến nơi cùng tột là Niết-bàn. Bát chánh đạo cũng gọi là chánh pháp hay trung đạo, gồm cả sự học và hành. Bát chánh đạo là tám cửa, tám đường vui, tám pháp giải thoát, tám tia sáng… là con đường tiến hóa của chúng sanh, tức là chơn lý của võ trụ mà muôn loại đều ở trong.
Bát chánh đạo là bà mẹ hay khí thở, hoặc như mặt đất, cái nhà, mà người, Trời, không bao giờ thiếu sót, lạc loài. Tất cả chúng sanh đều ở trong đạo bát chánh, cõi đời có cũng do bát chánh đạo. Bát chánh đạo là sự sống hay tâm hồn của chúng sanh, mà các tông chi giáo lý văn minh thảy từ đó mà ra cả. Bát chánh đạo không phải riêng của một đạo giáo nào, chính đạo là nấc thang chung của toàn thể.
Tám đường chánh ấy là:
1.
Chánh kiến đạo, là con đường thấy chánh.
2.
Chánh tư duy đạo, là con đường suy gẫm chánh.
3.
Chánh ngữ đạo, là con đường nói chánh.
4.
Chánh nghiệp đạo, là con đường làm chánh.
5.
Chánh mạng đạo, là con đường sống chánh.
6.
Chánh tinh tấn đạo, là con đường siêng năng chánh.
7.
Chánh niệm đạo, là con đường tưởng nhớ chánh.
8.
Chánh định đạo, là con đường yên nghỉ chánh.
Cũng có thể nói như vầy:
1.
Chánh kiến đạo, là thấy con đường chánh.
2.
Chánh tư duy đạo, là suy gẫm con đường chánh.
3.
Chánh ngữ đạo, là nói con đường chánh.
4.
Chánh nghiệp đạo, là làm con đường chánh.
5.
Chánh mạng đạo, là sống con đường chánh.
6.
Chánh tinh tấn đạo, là siêng năng con đường chánh
7.
Chánh niệm đạo, là tưởng nhớ con đường chánh
8.
Chánh định đạo, là yên nghỉ con đường chánh.
Nghĩa là:
1. Sự thấy chơn chánh, trước khi thấy, đang thấy và sau khi thấy, sự thấy (bằng mắt trí nhận xét) nghe, hiểu, biết, phải cho hạp lẽ chánh chơn thật.
2. Sự suy gẫm chơn chánh, trước khi suy gẫm, đang suy gẫm, sau khi suy gẫm, tầm tòi quán xét, phải cho hợp lẽ chánh chơn thật.
3. Sự nói chơn chánh, trước khi nói, đang nói, sau khi nói, lời lẽ phải thiện lành, trong sạch, hạp theo lẽ chánh chơn thật.
4. Sự làm chơn chánh, trước khi làm, đang làm, sau khi làm, việc làm phải đừng tham sân si, nên đi xin ăn cho hạp theo lẽ chánh chơn thật.
5. Sự sống chơn chánh, phút sống đã qua, phút đang sống, phút sống sắp đến, không tham sống sợ chết, sống theo lẽ phải không vị ác tà, sống theo đạo lý, cho hạp theo lẽ chánh chơn thật.
6. Sự siêng năng chơn chánh, việc đã qua, việc hiện tại và việc chưa tới, phải bền chí mà lướt tới, không thối chuyển ngã lòng, cố gắng sự hành đạo, cho hợp theo lẽ chánh chơn thật.
7. Sự niệm tưởng chơn chánh, niệm tưởng việc qua rồi, việc hiện tại và việc sẽ đến, phải ghi nhớ điều răn dạy, hằng ngó mắt xuống một chỗ tâm chơn, không cho vọng động, không quên lẽ đạo, cho hạp lẽ chánh chơn thật.
8. Sự yên nghỉ chơn chánh trước khi nhập định, đang nhập định, sau khi nhập định, phải giữ sự yên lặng, ngừng nghỉ tất cả mọi việc, quyết định không sanh, bất thối, không rời bỏ đạo chánh, nhứt định không xao lãng, không đổi dời, hằng nghỉ ngơi yên vui sau sự thiện huệ cho hạp lẽ chánh chơn thật.
Như vậy, trên đây là những lời, những ý pháp Tổ sư dạy về Bát chánh đạo. Là Tăng Ni, Phật tử chúng ta phải cố gắng thọ học, trước hết là phải nhận ra bằng tâm tánh, bằng tri thức của chính mình. Sau đó, khi đã hiểu rõ những ý pháp này rồi thì hàng ngày chúng ta cần phải ứng dụng thực hành, tu tập từng giờ, từng phút không xao lãng, cho đến một ngày ta đã thật sự thẩm thấu, liễu tri Bát chánh đạo rồi thì từ cái thấy, cái suy nghĩ, nói năng, hành động… kể cả sự siêng năng, nhớ nghĩ… đều đúng theo chánh đạo, đúng theo những ý pháp mà Tổ sư đã dạy. Khi đã thân chứng, đã hiểu, đã ngộ đạo, tức là chúng ta đã không còn cái thấy biết phàm phu, chấp ngã mê lầm với những vui-buồn, mừng-giận, thương-ghét… nữa. Do vậy, dù đang sống trong đời nhưng không bị pháp đời chi phối, bởi chúng ta sống bằng cái thấy biết của người có thân chứng Phật pháp, và mọi hành xử của chúng ta trong cuộc sống này đều được an vui giải thoát vì không còn khổ não tham sân si v.v… chi phối.
2. Bài học thứ hai: “Bát chánh đạo” với vạn vật thiên nhiên
Chơn lý của vạn hữu cũng y thế nên chúng ta khỏi phải lo sợ rằng: vạn vật chúng sanh hay tứ đại địa cầu, quá đông quá nặng. Chỉ có điều cần là chúng ta ráng giữ mình, làm sao cho cái ta nào đó được thường bền yên vui, đứng nghỉ, có mãi, nơi một cảnh giới là khỏe hơn. Điều ấy tức là giải thoát hay đạo, là con đường của chúng ta vậy. Con đường ấy cũng sẵn có trong trần, chỉ có điều là ta chịu nhận xét quan tâm tất sẽ thấy ngay rõ rệt:
1.
Trong nước có sở kiến, là sự thấy.
2.
Trong đất có tư duy, là thức sống hay cái biết đang cử động.
3.
Trong cỏ có ngữ, là lời nói do sự rung khua.
4.
Trong cây có nghiệp là trái hột của cải.
5.
Trong thú có mạng sống, là tư tưởng (sống lâu mau tự nó tìm ăn).
6.
Trong người có tinh tấn, là hành vi tiến hóa.
7.
Trong Trời có niệm, là sự ghi nhớ điều lành, nên được vui thanh nhẹ.
8.
Trong Phật có định, là sự đứng ngừng yên lặng, cái sống mới vững vàng.
Từ nước đến Phật, từ kiến đến Định, là nấc thang tấn hóa kêu là Đạo, đến Phật, Định, kêu là đắc đạo. Kết quả của sự sống là đắc quả, hay là bậc giải thoát hoàn toàn. Định là dứt khổ. Định là có ta, dứt luân hồi sống mãi đời đời.
Trong bài học thứ hai, Tổ sư đã cho chúng ta thấy khi mình là đệ tử Phật thì dù xuất gia hay tại gia, một khi đã quyết tâm tu học thật sự rồi thì nhất định con đường thân chứng đạo quả chỉ là vấn đề thời gian mau hay chậm. Tất cả do ta quyết định: tinh tấn quyết liệt thì mau, rề rà do dự thì lâu. Có điều khi đã ngộ đạo, đã thân chứng rồi thì giữa mình với vạn vật thiên nhiên xung quanh không còn có sự cách biệt, không có sự sai khác, không còn xa lạ. “Cái sống là phải sống chung / Cái biết là phải học chung / Cái linh là phải tu chung”. Vô cùng kỳ diệu, một khi ta đã thân chứng rồi thì không còn “nhân, ngã, bỉ, thử”, không còn ích kỷ, tự ngã, tự ái tư riêng, không còn tham sống sợ chết… mà luôn luôn biết chia sẻ, hòa điệu với cuộc sống, với thiên nhiên xung quanh. Ta, vạn vật và chúng sanh như là một.
3. Bài học thứ ba: Khẳng định chức năng, phận sự của người tu
Bát chánh đạo cũng là con đường từ đầu tới cuối mà chư Phật đã đi qua rồi.
1. Chánh kiến là sự nhận xét thấy tỏ rõ lẽ thật đạo pháp, liền xuất gia giải thoát, lìa bỏ sự tà kiến vô minh lầm lạc của đời ác trượt, bỏ khổ tìm vui.
2. Chánh tư duy là sự chiêm nghiệm, sưu tầm chơn lý để được trí huệ, phải ở nơi chỗ vắng, núi, rừng, vườn một mình ít lâu.
3. Chánh ngữ là tới lui cõi đời để nói pháp dắt dẫn dạy khuyên người sau khi đã thấu lý đạo đắc quả, để cho được cái học từ nơi nghe, nơi suy nghĩ, nơi sự hành động, cùng nơi sự nói luận, giảng giải.
4. Chánh nghiệp là đi xin, ăn một ngọ chay, mặc một bộ áo vá ba cái, ở lều lá gốc cây, bịnh không tự làm thuốc, vật chất không không, không một chỗ, không một vật. Đi khắp nơi học dạy trau tâm. Lấy sự cứu độ người làm nghề nghiệp, không tích trữ của cải, không tự lấy vì tự lấy là tham, không tự làm vì tự làm là ác[1]. Ta xin ăn của người mà sống, người xin học nơi ta mà sống; sống lo chuyền nhau, bỏ cái sở chấp ta, và của ta, gian ác. Ở nơi rừng lượm xin trái lá, vào xóm xin thuốc xin cơm, uống nước xin sông xin suối, ngồi nằm xin đất đá; lẽ xin tự người vui hạp mà cho, là tốt đẹp hơn các nghề nghiệp.
5. Chánh mạng là không có cái sống cho mình, thân là của đạo, của chúng sanh, sống bằng tâm chơn như, thân có không còn mất chẳng mến, chết trong sạch hơn sống nhơ bẩn.
6. Chánh tinh tấn là sự cố gắng kiên tâm, trì giới, nhập định, và đi hành đạo giáo hóa khắp nơi.
7. Chánh niệm là niệm tưởng Phật, niệm tưởng Pháp, niệm tưởng Tăng, niệm tưởng chúng sanh khổ, để tìm phương tiện cứu độ.
8. Chánh định là Niết-bàn chơn như, hay là sự nhập định sau khi từ bi trí huệ đã đủ đầy. Cũng gọi hưu trí nín nghỉ, sau khi rồi xong hết việc, của cải có dư.
Ở bài học thứ ba, Tổ sư đã phác thảo con đường từ ngày mỗi người chúng ta mới bắt đầu đi tu, rồi lần lượt trải nghiệm nếp sống của nhà đạo; từ việc chuyển hóa của việc thấy biết, suy nghĩ, lời nói đến hành sự hằng ngày của chúng sanh cho đến ngày an trú Niết-bàn… Gần như lúc nào chúng ta cũng sống, hành trì Bát chánh đạo, không chút xao lãng xa lìa. Nếu mỗi huynh đệ bám chặt trong bài học này, thiết nghĩ đây cũng là phương pháp tu tập thiền định trong Bát chánh đạo của Tổ sư.
4. Bài học thứ tư: Quan niệm sống và sự hành trì hàng ngày
4.1 Tu tập, hành trì “Bát chánh đạo”
1. Chánh kiến là thấy chắc các sự khổ, thấy chắc lòng tham ái là nguyên nhân sanh các sự khổ, thấy biết chắc chỉ có cảnh Niết-bàn cắt tham ái, là nơi dứt khổ, thấy biết chắc con đường trung đạo dắt dẫn đến nơi diệt khổ, thấy biết chắc nhơn và quả, thiện là đi tới ác là đi lui trong sạch là giải thoát, thấy rõ sự tiến hóa chớ không có chi lưu luyến tríu mến cuộc đời.
2. Chánh tư duy là sự suy xét không đành làm loài vật phải bị hại. Suy xét không đành làm cho loài vật phải đau đớn. Suy xét đặng tránh khỏi ngũ dục để tìm sự xuất gia giải thoát, tầm tòi các nghĩa lý để độ mình và độ người. Quán xét sự khổ của muôn loại, chơn lý của võ trụ.
3. Chánh ngữ là không nói dối, không đâm thọc, không rủa chửi, không khoe khoang vô ích, nói chơn thật, nói lời lành, nói đạo lý, khuyên lơn, can gián, khen ngợi…
4. Chánh nghiệp là không làm nghiệp sát sanh, trộm cắp, tà dâm, không làm các nghề nghiệp ác để cho có của cải. Không tham, sân, si.
5. Chánh mạng là không nuôi loài vật để bán, không mua bán loài vật, không mua bán người (sự mai dong). Không mua bán thuốc độc, không mua bán đồ binh khí, không mua bán các thứ rượu để nuôi sống, không sống theo lẽ ác tà, không vì lẽ sống của mình mà giết hại mạng sống khác.
6. Chánh tinh tấn là ráng giữ không cho sự ác sắp phát khởi ra được, ráng dứt sự ác đã có trong thân tâm, ráng làm những sự lành mà mình chưa làm, ráng làm những sự lành mà mình sẵn có cho được thêm lên, ráng nghe, học hỏi, giảng dạy, tu tịnh, giữ giới.
7. Chánh niệm là nhớ chắc các tướng trong thân thể là vô thường, khổ não, vô ngã. Ghi nhớ rằng: cái thọ vui hay cái thọ khổ, những sự lành, những sự ác, các danh từ và sắc pháp trong thế gian đều là vô thường, khổ não, vô ngã, không tham sân si, dục vọng, luyến ái.
8. Chánh định:
a.
Định sơ thiền: tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định, xả.
b.
Định nhị thiền: hỷ, lạc, tịnh, định, xả.
c.
Định tam thiền: lạc, tịnh, định, xả.
d.
Định tứ thiền: tịnh, định, xả”.
Tất cả các pháp lành trong thế gian đều thuộc vào tám phần của bát chánh đạo, không thể nói viết cho cùng… bát chánh đạo gồm cả tam tàng Pháp bảo, tám muôn bốn ngàn Pháp môn, ba ngàn Pháp cái, mà chơn như (chánh định) là mục đích chỉ có một.
4.2 Khéo tự soi sáng tâm thức để xa lìa tà đạo
Tám tà đạo như vách đá, như giăng dây, như chuồng lồng, như khám ngục bao vòng; chúng sanh ở sâu trong chính giữa; hay là ở trong một nhà của tám nhà tà, thì có bao giờ thấy biết đường ra?
1. Tà kiến đạo là thấy biết mê tín, xác thân, quyến thuộc, vật chất cõi đời cho là có thật bền dài, hạnh phúc đầy đủ, không có chi hơn nữa.
2. Tà tư duy đạo là sự so tính trù lượng, mưu hay trí giỏi, khéo léo tài nghề, nghiên cứu, học hành, chủ ý để đua tranh giành giựt lẫn nhau, đặng nuôi huyễn thân mộng cảnh.
3. Tà ngữ đạo là quỉ quyệt lời nói, trau chuốt khoe khoang, dua bợ nịnh hót dối trá hơn thua, rủa xả đâm thọc, nói lời vô ích.
4. Tà nghiệp đạo là lấy tham, sân, si làm của cải, sanh đủ nghề nghiệp xảo trá, sanh nhai.
5. Tà mạng đạo là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, uống rượu, trà, thuốc, biếng nhác, lợi dụng mong cầu sự sống, sướng ngon cho thân mạng.
6. Tà tinh tấn đạo là siêng lo việc ác, cố gắng làm càng, chen đua danh lợi, liều mạng quên thân, lướt càng theo ý dục.
7. Tà niệm đạo là niệm tưởng mãi ghi sâu húc chặt theo vật chất, xác thân, quyến thuộc, luyến ái dục tình, tưởng nhớ không nguôi.
8. Tà định đạo là cái sở định luân hồi, quyết giữ cõi đời thân xác, yên tâm trong của cải tình thương. Không còn biết đâu cõi khác, bậc nào; chỉ giữ vững lập trường chí hướng, tôn thờ xác thân, biết có một mình, mục đích tham sống, khổ sở thất bại không nao. Tự mình làm ác, xúi người làm ác, ưa chịu việc làm ác; tội ác không chừa, quả báo không sợ, tới đâu hay đó, miễn được vui cười, ai sao bỏ mặc.
Tám tà đạo gồm cả các pháp ác trược của thế gian, sanh ra tám muôn bốn ngàn sự khổ, ba ngàn cái ác, đem lại sự vọng động không ngừng, đối nghịch với chánh đạo. Tà đạo là địa ngục mãi luân hồi, biến hóa không lường, giỏi hay không đếm, nói chẳng hay cùng… tám tà đạo là tám vách địa ngục, những ai càng đi sâu vào, càng mất lối ra, như bãi sình lầy càng lún, càng chìm. Dầu ở một chỗ, một nhà (là một đạo trong tám đạo) hay đi quanh quẩn thế mấy, cũng không ra khỏi tay vô thường, bắt buộc khổ đau.
4.3 Tự giải thoát chính mình
Người tà kiến thì đi sâu vào trong chốn khổ mịt mờ đen tối, nếu quay trở lại chánh kiến tức nhiên giải thoát xán lạn vui tươi. Bởi vậy cho nên:
1.
Chánh kiến là đạo thoát khổ của kẻ tà kiến.
2.
Chánh tư duy là đạo thoát khổ của kẻ tà tư duy
3.
Chánh ngữ là đạo thoát khổ của kẻ tà ngữ.
4.
Chánh nghiệp là đạo thoát khổ của kẻ tà nghiệp.
5.
Chánh mạng là đạo thoát khổ của kẻ tà mạng.
6.
Chánh tinh tấn là đạo thoát khổ của kẻ tà tinh tấn.
7.
Chánh niệm là đạo thoát khổ của kẻ tà niệm.
8.
Chánh định là đạo thoát khổ của kẻ tà định.
Tà là có có, đến vọng động chịu khổ phạt. Chánh là không không, đến chơn như hưởng phần vui. Tà là vũng sình lầy lún ngộp, bước xuống đó là sái trật lộn đường; quay trở lên chánh đạo là con đường cao ráo, sạch sẽ, bằng phẳng, mát êm. Thế nên gọi tà là đời, chánh là đạo. Đạo là sự không khổ tức lẽ yên vui, con đường đúng phải, chốn rảnh rang, nơi nghỉ mệt” (…).
(…) “Đạo là sự xuất gia tấn hóa bỏ lạc lầm lớp thấp, dứt sở chấp, thương yêu, tránh khổ cho mình và cho kẻ khác, ăn chay, đi xin, không của cải, không luân hồi, giải thoát khổ, trau dồi trí huệ, nhập định chơn như. Người đạo là người hành theo bát chánh đạo, chánh pháp của chư Phật ba đời.
Đạo nghĩa là pháp lý, giáo lý, hay đạo lý.
Đạo là sự tấn hóa, bỏ ác lên thiện, đến nghỉ ngơi.
Đạo là con đường của người giác ngộ.
Đạo là sự quét sạch bụi trần.
Đạo là chơn như tự nhiên vắng lặng.
Đạo cũng là giới định huệ hay không không…
Nói cho rõ, đạo là con đường từ địa ngục đến Niết-bàn, con đường có tám chặng, đi đến đoạn chót Niết-bàn chánh định mới kêu là đắc đạo. Đạo là bát chánh, là trung đạo tuyệt đối, giữa tương đối hai bờ lề, mực giữa phẳng bằng, không cao thấp ngăn ranh, tức là sự sống chung của chúng sanh vạn vật trong võ trụ, hay là cái sống vĩnh viễn đời đời, của ta và tất cả” (...).
Không làm Tăng, không làm Phật đặng, chư Phật ba đời thảy như vậy. Trong trần thế chỉ có một con đường ấy thôi, ai cũng thấy con đường ấy cả, kẻ đã đi, kẻ đang đi, kẻ sắp đi, sau trước tùy duyên, ai rồi cũng đi đến được cảnh tuyệt hảo ấy, chớ có ai đứng mãi dưới sình mà không khổ nhọc, mỏi mệt đói khát bao giờ? Ai rảnh rang thấy rõ trước thì sẽ đi trước, ai lôi thôi thì đi sau, mau chậm cũng tới, hãy chung một đường, tìm lành lánh dữ, diệt khổ yên vui, như nhau có một việc.
5. Bài học thứ năm: Tám đạo và tám quả
5.1 Bốn nhơn và bốn quả
“Trong bát chánh đạo có bốn nhơn và bốn quả, gồm tất cả là một Niết-bàn:
1.
Chánh kiến là nhơn, sanh ra chánh tư duy là quả.
2.
Chánh ngữ là nhơn, sanh ra chánh nghiệp là quả.
3.
Chánh mạng là nhơn, sanh ra chánh tinh tấn là quả.
4.
Chánh niệm là nhơn, sanh ra chánh định là quả.
Muốn có bốn quả: tư duy, nghiệp, tinh tấn, định; phải có bốn nhơn: kiến, ngữ, mạng, niệm. Muốn có định phải trải qua: tư duy, nghiệp, tinh tấn. Muốn có niệm phải qua khỏi: kiến, ngữ, mạng.
Vậy nên:
1.
Muốn đắc chánh tư duy thì phải thật hành chánh kiến.
2.
Muốn đắc chánh nghiệp thì phải thật hành chánh ngữ.
3.
Muốn đắc chánh tinh tấn thì phải thật hành chánh mạng.
4.
Muốn đắc chánh định thì phải thật hành chánh niệm”.
5.2 Tám đạo và tám quả
“Tám đạo và tám quả:
1.
Chánh định là pháp của bậc Như Lai.
2.
Chánh niệm là pháp của bậc Bồ Tát.
3.
Chánh tinh tấn là pháp của bậc Bích chi.
4.
Chánh mạng là pháp của bậc A-la-hán.
5.
Chánh nghiệp là pháp của bậc Bất Lai.
6.
Chánh ngữ là pháp của bậc Nhứt Vãng Lai.
7.
Chánh tư duy là pháp của bậc Nhập Lưu.
8.
Chánh kiến là pháp của bậc Chư Thiên.
Nhờ chánh đạo mới đi đến chơn như, nên gọi chánh chơn là đạo của Phật. Tám đạo để trừ tám khổ. Đạo là giác sáng, khổ tức mê mờ. Bảy giác trong đạo sáng tỏ hơn trăm ngàn mặt nhựt:
1.
Phân biệt sự lành với sự dữ.
2.
Tinh tấn mà lướt lên.
3.
An lạc trong vòng đạo đức.
4.
Thắng phục tâm ý mình đặng làm lành.
5.
Nhớ tưởng đạo lý.
6.
Nhứt tâm đại định.
7.
Vui chịu với mọi cảnh ngộ.
Bảy giác ấy do nơi đạo mà ra, cho nên gọi là đạo Phật. Nhờ bảy giác ấy mới thành Phật, cho nên gọi Phật là giác, là cội cây của chúng sanh nương dựa và đeo theo, làm lá bông trái nhánh để tìm vui.
Tám đạo là tám nấc thang trên nhơn loại.
KẾT LUẬN
Tóm lại, trong “kinh Nhật xuất” – số 748, thuộc kinh Tạp A-hàm, Đức Phật một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Bát chánh đạo – Con đường diệt tận vô minh, phiền não khổ đau… an trú Niết bàn:
“Như khi mặt trời mọc có tiền tướng của nó, là minh tướng, ánh sáng ban đầu. Cũng vậy, Tỳ-kheo tận cùng biên tế khổ, cứu cánh biên tế khổ có tiền tướng là chánh kiến. Chánh kiến này có thể phát khởi lên chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Vì nhờ phát khởi định chánh thọ, nên Thánh đệ tử tâm chánh giải thoát tham dục, sân nhuế, ngu si. Với tâm khéo giải thoát như vậy, Thánh đệ tử đạt được Chánh tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết không tái sanh kiếp sau’.”
Đức Phật từng dạy, pháp của vị Sa-môn là Bát chánh đạo, quả của Sa-môn là quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm và quả A-la-hán. Bát chánh đạo là con đường đưa đến đoạn trừ ái dục, nếu hành giả tu tập tinh tấn tám pháp này sẽ được pháp cam lộ, có khả năng điều phục, chế ngự, ma quân phiền não, đoạn trừ vĩnh viễn tam độc tham sân si, giải thoát và cắt đứt mọi khổ đau, thẳng tiến đến quả vị Niết-bàn an vui giải thoát. Tổ sư cũng nương ý pháp của Đức Phật và khẳng định trong Chơn Lý rằng:
“Bát chánh đạo là con đàng đi của tất cả, của người đã giác ngộ hết mê lầm… Đắc đạo là đắc Niết-bàn, đắc đời là luân hồi, tức là đắc thiên đường hay đắc địa ngục. Đạo chánh là bởi thiện lành, không ác quấy. Ấn chứng của đạo là sự vui tươi, không khổ nhọc. Kẻ đã đi rồi mới tự biết là vui say no sướng hơn hết”.
Ghi chú: Những đoạn in đứng được trích nguyên văn từ Chơn lý “Bát Chánh Đạo”, những đoạn in nghiêng là nhận định của tác giả.
[1] Tất cả các bản khác đều ghi là “…không tự lấy là tham, không tự làm là ác.”
-----oo0oo-----
Nguồn: Đạo Phật Khất Sĩ
BÀI LIÊN QUAN
Điếu văn Tưởng niệm của TT. Giác Phùng ( Hòa thượng Giác Phùng , 15354 xem)
Tưởng niệm Đức Tổ Sư ( Ni trưởng Mỹ Liên , 5954 xem)
Cảm niệm ân đức Tổ sư ( Ni trưởng Thành Liên , 8556 xem)
Tưởng Niệm Đức Tổ Sư ( Ni trưởng Phục Liên , 8828 xem)
Nếp sống đạo hạnh của Tăng Ni Khất Sĩ thời Tổ Sư Minh Đăng Quang ( Ni trưởng Tràng Liên , 8792 xem)
Tưởng niệm Tổ Sư ( Ni trưởng Tân Liên , 8976 xem)
Tưởng niệm Tổ Sư vắng bóng ( Ni trưởng Thành Liên , 8276 xem)
Tổ Sư Minh Đăng Quang hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm ( Phật tử Tịnh xá Ngọc Phương , 31357 xem)
Minh Đăng Quang – Ngọn đèn Chơn Lý ( Hòa Thượng Giác Ngộ , 11230 xem)
Tưởng niệm ( Ni trưởng Thẩm Liên , 7752 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng