Trang chủ > Văn Học > Văn
Hành trình Hà Giang yêu thương
Xem: 4282 . Đăng: 16/09/2022In ấn
Hành trình Hà Giang yêu thương
Thành kính biết ơn Sư trưởng khoa và ban tổ chức.
Chân thành cảm ơn và gởi yêu thương cho những ai đủ duyên đi cùng nhau qua các cung đường.
“Hà Giang yêu thương” đó là chủ đề và cũng là Slogan của chương trình kết nối các hoạt động văn hóa - xã hội - tâm linh do Thượng tọa Tiến sĩ Thích Giác Hoàng - Trưởng khoa Phật học từ xa thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức từ ngày 5-8/9/2022 vừa qua. Đồng hành với Thượng tọa trưởng khoa trong chuyến đi là Đại đức TS. Thích Lệ Ngôn, Trưởng phòng hành chánh Học viện, Đại đức ThS. Thích Giác Thọ, Trưởng phòng sinh viên vụ.
1. Những việc đã làm, những nơi đã đi qua
Đây là hành trình nằm trong kế hoạch trải nghiệm thực tế của khoa Phật học từ xa. Do vậy, thành phần chính trong đoàn là 100 Tăng Ni và cư sĩ học viên các khóa cùng một số thân hữu của các vị. Xuất phát từ mục tiêu đó, Ban tổ chức đã hoạch định một chương trình hết sức chi tiết, phong phú, nhất quán, thể hiện tâm huyết và ý tưởng vô cùng nhân văn, sâu sắc của những người thực hiện.
Hành trình diễn ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang: thành phố Hà Giang, một số xã nghèo ở các huyện: Bắc Quang, Mèo Vạc, Quang Bình. Đoàn đã trao hai ngôi nhà tình thương, tặng 1.000 suất quà và tổ chức buổi tối Trung thu "Trăng nơi cửa Phật", xây dựng và bàn giao một ngôi trường mầm non cho đồng bào và trẻ em người dân tộc.
Bên cạnh các hoạt động thiện nguyện, bước chân của những người con Phật cũng có dịp được dừng lại chiêm bái, đảnh lễ Phật và chư Tôn đức ở các ngôi tự viện đóng trên miền biên giới phía Bắc Tổ quốc: chùa Thiên Ân (huyện Bắc Quang), chùa Quan Âm (TP. Hà Giang), chùa Lũng Cú (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn).
Trong hành trình ấy, những thành viên trong đoàn cũng được tận mắt thưởng lãm cảnh quan hùng vĩ và nên thơ của núi rừng Đông Bắc, đặc biệt là cao nguyên đá Đồng Văn, một tuyệt tác mà thiên nhiên đã ban tặng cho Hà Giang.
2. Những cung bậc cảm xúc qua mỗi chặng đường
*Hà Giang- đất và người:
Đây là địa phương nằm ở vùng cực Bắc Việt Nam, có đường biên giới tự nhiên giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Hà Giang là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em: H’Mông, Tày, Dao Đỏ, Nùng… Mảnh đất địa đầu Tổ quốc này, ngay từ những ngày đầu các vua Hùng dựng nước, đã là một trong 15 bộ của quốc gia Lạc Việt. Ngược dòng thời gian, càng thấy yêu hơn, trân quí hơn giá trị lịch sử, tầm quan trọng về chính trị, quân sự của vùng biên viễn. Qua đó, càng biết ơn các thế hệ cha ông đã hy sinh bao xương máu để giữ gìn biên cương đất nước trước bao thử thách do họa xâm lăng từ phương Bắc !
Chúng con đã đặt chân đến cột cờ Lũng Cú - cột mốc đánh dấu chủ quyền quốc gia ở miền cực Bắc nước ta. Cột cờ được xây dựng lần đầu tiên dưới thời danh tướng Lý Thường Kiệt và được xây lại vào thời Pháp. Trải qua nhiều lần trùng tu, cột cờ hiện nay có chiều cao khoảng 20 mét. Dưới chân cột có 8 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cắm quốc kỳ Việt Nam (dài 9m x 6m chiều ngang = 54 m, biểu trưng cho 54 Dân tộc Việt Nam).
Một điều hết sức ấn tượng và hạnh phúc là trong buổi sáng ngày 6/9/2022, đoàn chúng con đã được chào cờ ngay tại cột cờ Lũng Cú, dưới sự hướng dẫn của bộ đội biên phòng địa phương. Trong nắng sớm mai, trong cảnh hùng vĩ, bát ngát của núi non trùng điệp, trong tiếng quốc ca trầm hùng gọi hồn thiêng sông núi, chắc hẳn, trong lòng mỗi người, ai cũng bồi hồi phát khởi tình yêu nước ?
Sau giây phút thiêng liêng ấy, Thượng tọa trưởng khoa đã hướng dẫn cả đoàn diễu quanh cột tháp. Thanh âm xướng niệm danh hiệu đức Phật Bổn sư; lời khấn nguyện chí thành, tha thiết về nền độc lập, hòa bình cho Tổ quốc; về cuộc sống an lạc cho chúng sinh vạn loài; lời tri ân các chiến sĩ trận vong trong công cuộc giữ gìn bờ cõi quê hương…tất cả ắt hẳn đều được khắc sâu trong tâm thức mỗi người !
Chúng con cũng đã đến nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, nơi lưu giữ hơn 1700 hài cốt chiến sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989). Vẫn còn hơn 3000 phần mộ liệt sĩ nằm rải rác ở khu vực biên giới. Những con số biết nói ấy đã phần nào cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh to lớn của người Hà Giang nói riêng và dân tộc nói chung. Lịch sử lưu danh, đất nước muôn đời tưởng nhớ những anh hùng ở tuổi đôi mươi.
Trong khói hương nghi ngút nơi đài tưởng niệm, Thượng tọa trưởng khoa đã hướng dẫn đại chúng thắp hương, đọc kinh và khấn nguyện cho hương linh các chiến sĩ trận vong. Xin quý vị hãy yên lòng an nghỉ, chúng tôi những người dân Việt, những Phật tử khắp ba miền câu hội về đây, nguyện sống xứng đáng là công dân nước Việt, nguyện tu học theo lời dạy của đức Thế Tôn, đem đạo vào đời một cách khế hợp, uyển chuyển, ngõ hầu tìm được sự an lạc cho mình, cho đời, góp phần dựng xây và bảo vệ non sông gấm vóc Việt Nam.
Trên từng cung đường đến mảnh đất Hà Giang, chúng con đã nhiều lần ngỡ ngàng trước cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng của núi rừng Đông Bắc. Cao nguyên đá Đồng Văn với vẻ đẹp hoang sơ, tựa như một “thiên đường xám” giữa miền sơn cước địa đầu Tổ quốc. Đây cũng là nơi có nhiều di tích danh thắng quốc gia được công nhận: Di tích kiến trúc nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, núi đôi Quản Bạ… Đoàn đã có dịp đi qua tất cả những nơi này. Quả thật, có tận mắt ngắm nhìn mới cảm nhận được sự hút hồn trong chiều sâu của những vẻ đẹp ấy.
“Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi !” ngân nga trong lòng mỗi người là lời thơ cảm thán tuyệt vời.
Để đến được nơi này, du khách phải vượt qua đoạn đường đèo dài khoảng 150 km. Một bên là vực sâu hun hút, một bên là những dãy núi đá tai mèo với những khúc cua nguy hiểm. Thầm tri ơn những người đã ngày đêm phá núi, mở đường, để hôm nay, những chiếc xe bon bon trên cung đường hạnh phúc.
* Những cảm nhận về việc hoằng pháp ở vùng cao:
Trong chuyến đi, chúng con đã đến được một số ngôi tự viện ở Hà Giang, được nghe chư Tôn đức trải lòng về những khó khăn trong việc hành đạo ở vùng cao. Đời sống vật chất vô cùng khó khăn, trình độ văn hóa – giáo dục còn hạn chế, khoảng cách xa xôi, hiểm trở về địa lý giữa các địa bàn trong các địa phương, sự thiếu hụt về nhân sự…..là những bài toán hết sức nan giải.
Thật ấn tượng với ngôi chùa nơi vùng cực Bắc: chùa Lũng Cú. Thật ngưỡng mộ và kính quí Thượng tọa Thích Thanh Lâm, vị trụ trì chùa. Thượng tọa đã dành cả ngày hôm ấy để tiếp đoàn và chia sẻ những tâm nguyện của mình về trọng trách truyền thừa Phật pháp nơi đây. Chúng con đứng trên lầu chuông, lắng nghe âm thanh của tiếng chuông huyền diệu vang lên trầm hùng giữa đại ngàn, như nhắc nhở mọi người tỉnh thức, như xua tan bao phiền não trong cuộc sống đời thường của thế nhân.
Nhưng có lẽ, điểm nhấn quan trọng nhất trong suốt hành trình là các hoạt động thiện nguyện của đoàn. Hai ngôi nhà tình thương, một ngôi trường tiểu học, một đêm Trung thu… những con số tuy không lớn về vật chất, nhưng gói trọn tấm lòng của các mạnh thường quân. Nhìn từ góc độ hoằng pháp, càng thấy rõ hơn, sâu sắc hơn cách làm của Thượng tọa trưởng khoa. Thông qua hoạt động này, quý Ngài đã hướng dẫn Phật tử thực hành tâm từ và hạnh bố thí đúng Pháp, như lời Phật dạy.
Tại các điểm diễn ra hoạt động thiện nguyện, Thượng tọa đều dành thời gian để hướng dẫn đồng bào cách sống, cách ứng xử có đạo đức, giảm thiểu những thói quen , những tập quán tiêu cực, lạc hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Ngài đã khéo léo lồng ghép lời Phật dạy bằng cách nói rất bình dân, dễ hiểu, dễ chấp nhận và làm theo.
Với chúng con, những Phật tử hữu duyên được đi cùng đoàn, có quá nhiều cung bậc cảm xúc khi trực tiếp chứng kiến niềm vui của chủ nhân những ngôi nhà mới. Nhìn cách những người dân tộc ấy thể hiện lòng biết ơn một cách chân thành mà rụt rè, mới thấy thương làm sao. Phút chốc, cảm giác sợ hãi lúc ngồi trên xe gắn máy vượt đèo cao di chuyển sâu vào bản làng để trao nhà tình thương bỗng dưng tan biến!
Nhìn những ánh mắt ngây thơ, hồn nhiên, nhìn những mái tóc và làn da cháy nắng của trẻ em người dân tộc, không ngăn nổi sự xót xa, thương cảm. Vẫn nhớ như in những phụ nữ H’ Mông lưng địu con, gương mặt hằn lên sự khắc khổ. Quên sao được những ánh mắt trẻ thơ háo hức nhận lồng đèn, nhận quà. Nhìn từng nhóm học trò đầu trần, chân đất đi học về giữa trưa nắng chói chang trên lưng đèo, mới thấm thía phần nào nỗi nhọc nhằn oằn nặng bao đời người dân nơi đây.
Biết đến bao giờ mới có thể rút ngắn khoảng cách về tất cả giữa miền xuôi và miền ngược? Các hoạt động từ thiện chỉ giải quyết phần ngọn, chứ không thể giải tỏa tận gốc rễ những nỗi khổ, niềm đau trong cuộc sống. Đưa ánh sáng Phật pháp vào từng bản làng chính là giải pháp căn cơ và bền vững, dẫu biết là gian khó gấp nhiều lần so với vùng đồng bằng.
Do vậy, hoạt động thiện nguyện chính là bước đầu, là phương tiện để từng bước giáo hóa chúng sinh. Sự nghiệp hoằng pháp nơi vùng đất này đòi hỏi những trái tim Bồ-tát, đòi hỏi một tầm nhìn và những cách làm thiết thực, uyển chuyển, phù hợp với thực tế từng địa phương, và cần lắm sự góp sức từ xa của rất nhiều cánh tay từ mọi miền đất nước, trong đó giáo dục và tôn giáo cần thiết phải là những lĩnh vực đi đầu.
Niềm tri ơn tất cả những nhân duyên cho hành trình Hà Giang yêu thương:
Để có được một hành trình vượt hàng ngàn cây số từ phương Nam, hàng trăm km từ thủ đô Hà Nội, rồi vượt đèo đến Hà Giang, chúng con đã được sự trợ duyên của rất nhiều người.
Xin thành kính niệm ơn Thượng tọa trưởng khoa, dù Phật sự đa đoan, vẫn lên ý tưởng và tổ chức chương trình với những nội dung phong phú, thiết thực, toàn diện. Mỗi điểm dừng chân, từng việc làm trong suốt hành trình đều in đậm dấu ấn hoằng Pháp ở Sư, vị tổng chỉ huy của toàn đoàn.
Sẽ nhớ mãi lời Ngài căn dặn: đi với Sư là phải có học, có tu trong tất cả các thời, trong tất cả các việc làm. Do vậy, cứ sau mỗi chuyến đi, chúng con trưởng thành hơn trong cách nhìn, cách nghĩ, cách học, cách tu. Sư cũng luôn quan tâm đến sự hòa hợp trong toàn đoàn. Nói như cách nói của Hòa thượng Nhất Hạnh: chúng ta đi như một dòng sông, chứ không đi như từng giọt nước. Sông sẽ xuôi về biển cả, thể nhập vào biển cả, như người tu rồi sẽ thể nhập vào Niết-bàn !
Xin niệm ơn Đại đức Thích Lệ Ngôn, Đại đức Thích Giác Thọ đã đồng hành cùng chúng con trên từng chặng đường. Những tấm ảnh trong chuyến đi không chỉ đẹp về cảnh quan thiên nhiên, mà còn thắm nghĩa thầy trò, đậm tình đạo vị. Sẽ mãi là những kỷ niệm khó quên với chúng con trong những tháng ngày nơi Học viện.
Xin chân thành cảm ơn quý học viên trong Ban tổ chức đã sát cánh cùng quý Thượng tọa, quý Đại đức trong toàn bộ hành trình, từ những ngày đầu thiết kế chương trình đến khi thực hiện. Quý vị với tâm hy sinh, phụng sự đã không quản vất vả để chu toàn mọi việc.
Xin cảm ơn quý học viên đã phát tâm ủng hộ cho các hoạt động thiện nguyện trong toàn bộ chuyến đi Hà Giang lần này. Xin cảm ơn sự có mặt của tất cả các thành viên trong đoàn.
Hành trình Hà Giang yêu thương sẽ mãi là kỷ niệm đẹp, là bước trưởng thành trên con đường tu học của những ai đủ nhân duyên đi cùng nhau. Hẹn gặp lại trong những hành trình tiếp theo với những trải nghiệm mới, yêu thương và chia sẻ !
Như Liên
-----oo0oo-----
Nguồn: www.daophatkhatsi.vn
BÀI LIÊN QUAN
Đánh thức yêu thương ( Ban Mai , 3884 xem)
Nghĩ khác đi để hạnh phúc ( Báo Tin Tức Việt Đức , 4204 xem)
Đừng nhầm lẫn giữa kỷ luật và trừng phạt ( Lưu Đình Long , 4600 xem)
Tâm thư một Phật tử: “Xin đừng phân biệt tông phái…” ( Phật tử Phan Minh Đức , 5220 xem)
Cảm xúc trên đường tu ( Hoàng Nguyên , 4752 xem)
Về cội ( Thích Thông Huệ , 4336 xem)
Bốn điều không thể ( Liên Trí , 3440 xem)
Hạnh phúc ở đâu? ( Liên Trí , 4804 xem)
Đừng để tâm bận rộn ( Liên Trí , 5516 xem)
Tìm lại nụ cười ( Nguyên Cẩn , 2408 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng