Trang chủ > Phật Học > Thiền
Phương pháp tu thiền theo kinh Pháp Bảo Đàn & Chơn lý "Nhập Định"
Xem: 29833 . Đăng: 25/10/2014In ấn
Phương pháp tu thiền theo kinh Pháp Bảo Đàn & Chơn lý "Nhập Định"
HT. Giác Toàn
I. PHƯƠNG CÁCH NGỒI THIỀN THEO TRUYỀN THỐNG CĂN BẢN
1. Điều thân
Bước đầu tu tập thiền định, điểm căn bản là hành giả phải tự chọn cho mình một phương cách ngồi để an trú tự thân, hoặc ngồi bán già (chân trên chân dưới), hoặc ngồi kiết già (2 chân tréo nhau, bàn chân ngửa lên theo thế cách hoa sen). Buổi đầu hành giả tập ngồi từ 15 phút đến 30 phút, rồi tăng dần lên 45 phút, 1 tiếng hoặc nhiều hơn. Thân cho thật ngay thẳng không nghiêng phải, trái; không ngửa về phía sau, không cúi khom về phía trước; luôn giữ thân thăng bằng trong suốt thời gian ngồi tịnh tu.
2. Điều tức
Bước tiếp theo, sau khi điều thân ngay thẳng là điều hòa hơi thở. Tự hành giả phải biết cảm nhận điều hòa hơi thở của chính mình cho thật cân bằng và thật nhẹ nhàng. Hít hơi thở vào từ mũi, đưa qua ngang ngực, rồi đi sâu xuống qua khỏi rốn độ 10 phân, rồi trở ra. Hơi thở hít vô, thở vào thở ra cho thật nhẹ nhàng, ngày càng thật sâu, thật nhẹ… gọi là điều tức.
3. Điều tâm
Sau khi thân và hơi thở điều hòa thật tốt, thật cân bằng rồi thì hành giả bước sang giai đoạn thứ ba là điều tâm, tức là tu tập rèn luyện làm cho tâm tánh mình an định. Đây chính là điều căn bản trong sự tu.
Xưa nay, tất cả chúng ta điều biết tâm tánh chúng sanh phàm phu luôn vọng động, bay nhảy, chuyền níu như con vượn con khỉ rất khó kiềm chế. Cho nên, một khi muốn tu tập thiền định cho thật tốt, có hiệu quả thì trước tiên chúng ta phải biết điều thân, điều tức; tức là làm cho thân an và hơi thở an, dọn dẹp nền móng thật sạch, thật vững… để đi vào điều tâm; tức là kiểm soát tâm ý của mình. Muốn kiểm soát tâm ý phải có thời gian dài, trải qua nhiều giai đoạn tu tập tinh tấn, liên tục không gián đoạn thì chúng ta mới có thể đi đến thành tựu. Thông thường muốn điều tâm, hành giả phải lần lượt vượt qua 4 giai đoạn: Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền; tức tầm, tứ, hỷ, lạc, tịnh (định).
Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu 2 phương pháp điều tâm của Tổ sư Huệ Năng trong kinh Pháp Bảo Đàn và Chơn lý “Nhập Định” của Tổ sư Minh Đăng Quang để chúng ta cùng tham khảo và chọn cho mình một phương pháp, một định hướng tu tập.
II. Ý PHÁP TU TẬP THIỀN ĐỊNH CỦA TỔ SƯ HUỆ NĂNG
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm Diệu Hạnh (thứ năm), Tổ sư Huệ Năng đã dạy rõ:
1. Thiện tri thức! Sao gọi là thiền định? Ngoài lìa tướng là thiền, trong không loạn là định. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm bèn loạn; ngoài mà lìa tướng, thì tâm không loạn, bản tánh tự tịnh tự định. Chỉ vì thấy cảnh, tư duy về cảnh mới loạn, nếu thấy cảnh tâm không loạn đấy là định chơn chánh.
Thiện tri thức! Ngoài lìa tướng tức thiền, trong không loạn tức định. Ngoài thiền trong định gọi là thiền định. Trong kinh Bồ Tát Giới dạy: “Ta xưa nay tự tánh thanh tịnh”.
2. Thiện tri thức! Sao gọi là tọa thiền? Trong pháp môn này không chướng không ngại, bên ngoài đối hết thảy cảnh thiện ác, không khởi tâm niệm gọi là tọa, bên trong thấy tự tánh bất động gọi là thiền.
3. Thiện tri thức! Người tu hạnh bất động thì chỉ cốt khi thấy mọi người, không thấy chuyện phải trái tốt xấu hay dở của họ, ấy là tự tánh bất động.
Thiện tri thức! Người mê thân tuy không động mà mở miệng là nói toàn việc phải trái tốt xấu ngắn dài của kẻ khác thật trái với đạo. Nếu dính mắc vào tâm, dính mắc vào tịnh, ấy là chướng ngại đạo vậy.
4. Thiện tri thức! Trong từng mỗi niệm hãy tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo.
Như vậy, chúng ta có thể thấy đối với Tổ sư Huệ Năng, ngồi chỉ là một động thái trợ duyên, còn phần căn bản vẫn là chuyển hóa tâm thức “ngoài lìa tướng là thiền, trong không loạn là định”. Hay “bên ngoài đối hết thảy cảnh thiện ác, không khởi tâm niệm gọi là tọa, bên trong thấy tự tánh bất động gọi là thiền”. Như vậy, rõ ràng tọa thiền của Tổ sư Huệ Năng không phải là tướng ngồi thiền mà là biết rõ, giữ vững tâm thức nơi chính mình không để bất cứ ngoại, nội duyên chi phối trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh.
III. Ý PHÁP TU TẬP THIỀN ĐỊNH CỦA TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG
1. Ý pháp tổng quát
Chơn lý của võ trụ là yên lặng. Yên lặng là lẽ thật là huyền bí, là không vọng động, nên cũng gọi là chơn như hay sự kín đáo. Định tức là mật, trong mật định có chứa linh giác và thần. Cho nên gọi định năng sanh chơn huệ và giới. Định là chánh, loạn là tà, nên mới có tên chánh định; và cũng là có chánh mới có định, chánh định là Niết-bàn, tâm người trở lại chánh định chơn như sau khi toàn giác, gọi là Như Lai hay là Phật. Thế nên chánh định là chỗ sanh ra tất cả chúng sanh vạn vật và các pháp, mà cũng là chỗ trở về, hay chỗ đến, nghỉ ngơi hưu trí của chúng sanh, vạn vật và các pháp kia vậy.
Thể của định là võ trụ bao la vô cực, không không vắng lặng và tối đen. Tướng của định là chơn như không vọng động, đứng ngừng, chết nghỉ, trơ sựng. Dụng của định là thay đổi, tiến hóa, an vui, giác ngộ và quả linh thần thông. Lý của định là tự nhiên, chơn thật. Thân của định là giới, trí của định là huệ, tánh của định là chơn, còn định là tâm của tất cả chúng sanh hay cũng là sự sống sức mạnh và bao gồm tất cả, v.v...
Định là quả yên vui, mà con đường đi đến định kêu là đạo, và đắc chánh định gọi là đắc quả. Định là chỗ đến, kết quả, mục đích của các con đường. Định là một năng lực mạnh mẽ nhất, định là sanh mạng của thân tâm trí ta. Chính chánh định mới là bổn ngã vậy. Trước quả địa cầu là định, sau quả địa cầu là định. Trước sanh thân là định, sau sanh thân là định.
Trước khi thức là định, sau khi thức là định.
Trước khi làm là định, sau khi làm là định.
Trước khi nói là định, sau khi nói là định.
Trước khi nghỉ ngơi là định, sau khi nghỉ ngơi là định.
Cái định hằng có nơi mỗi chỗ, nơi mọi lúc; mắt tai mũi lưỡi thân ý phải định luôn luôn. Ông thầy giáo không định thì chết, người học trò không định thì điên. Ai ai không định thì khổ. Định là giấc ngủ ngon, hay như cái chết sướng. Cho nên định là mùi vị của các sự việc. Có định mới có thành công thất bại cho mỗi hạng người.
Có chánh mới có định, chánh đạo là năng sanh định quả. Chánh là thiện, thiện là không ác, ác là che mất bản tâm, che mất bản tâm là quên định, cho nên kẻ không định là ác tà loạn vọng, rối khổ tơi bời, không đường lui tới. Vậy muốn định thì phải răn ngừa ác, và tránh xa chỗ ồn ào, tức là giữ giới luật, tự ta chế ra giới luật cho ta, để bảo tồn định. Có định mới không có phiền não, vô ích tai hại. Thế nên đời sống của ta phải có kỷ luật, giới nhiều là định nhiều, giới ít là định ít, không giới là không định. Tâm không định là sự nghỉ ngơi, quán xét không đặng sáng và chẳng năng dứt bỏ được điều càn. Không định không có thần thông quả linh thì con người phải té sa vào nơi vật chất giả dối, nắm níu lấy ác tà loạn vọng, chôn nhốt giết hại tâm mình. Cho nên tâm định thì trí mới huệ, huệ nhiều ít là do định. Định nhiều là huệ nhiều, định ít là huệ ít, không định là không có huệ. Có huệ được học tỏ sáng, mới hết mê lầm. Không mê lầm là không vọng động theo cảnh chiêm bao mộng ảo của lớp thấp thỏi đầu tiên, thì con người mới đặng hưu trí, chơn như nín nghỉ, làm kẻ ông già, làm người cao cả, không còn nói làm bậy bạ ác quấy, uổng công nhọc sức.
Có định, trí mới nhớ chứa xa, đựng gồm lớn. Nhờ nhớ đựng bao việc quá khứ hiện tại, mà thấy rõ các pháp vị lai, xét rõ được việc đời, nhìn xa được tâm lý, nghe rõ được trình độ, diệt dứt được phiền não, mà chứa đựng an hòa.
Có định thì cái hình bóng của biết mới cứng vững chắc già, to lớn tốt tươi, không hư hoại. Định là một sức mạnh thần thông, nhờ yên lặng cái ý mới mạnh mẽ gom hiệp mà điều khiển sự biến hóa, linh nghiệm.
Có định ta mới dám tin chắc ta là trọn lành, không lầm lạc rối loạn ác quấy. Định nơi lẽ chánh thiện sẽ đến kết quả an lạc nghỉ ngơi đại định. Bằng như định nơi sự tà ác, ắt phải gấp rối khổ, lao chao đại loạn. Cho nên gọi sự quyết định hay nhứt định là cái định yên lặng. Chỉ có cái ấn dấu không dời đổi, chắc chắn tin cậy làm định mạng cho chúng sanh, cái ấn định ấy là sự yên lặng mà thôi, lại sự yên lặng ấy có là do nơi lẽ chánh thiện. Dầu chưa phải là đại định lâu ngày, chớ cái định trong chốc lát, nó cũng giúp cho ta bao biết bao điều khỏe khoắn nghỉ ngơi, và làm cho ta được tỉnh táo trí huệ. Vậy chúng ta nên nhớ rằng người không định là sẽ điên, mà kẻ điên thì đâu có cái sống biết chi chi ở tại chỗ nào? Cũng như nước xao lộn là nước đục bùn, đã là nước dơ thì đó là đất chứ đâu còn nước? Nước yên lặng thì có mắt kiếng sáng thấy rõ muôn hình, cũng như tâm định mới thấy rõ có tâm, và trí sẽ được huệ sáng soi ra cùng khắp. Như vậy nghĩa là không định là không có tâm, không tâm là không có ta, thì đâu còn sự sống?
Chúng sanh ai mà không có định, hoặc nhiều hay ít, hoặc trong giấc ngủ yên. Nhưng bởi sự sanh ra từ nhỏ tới lớn là ở trong vật chất, trong cái ăn mặc ở bịnh, mà vật chất tứ đại thì vô thường thay đổi biến hóa. Chúng ta mảng quanh quẩn đảo lộn mỗi ngày, còn có đâu giờ phút rảnh rang mà xem xét lại, coi cái sống, cái biết cái ta, nó còn hay mất, sống hay chết, lớn hay nhỏ ra sao? Nào ta có cần biết định hay không định. Lắm kẻ quên lửng, đâu còn biết đến định là gì! Ích lợi chi? Để khi đến lúc bịnh hoạn ốm đau, phải khi già yếu, hoặc thấy mình sắp chết, hoặc bị thất bại, hoặc phải mệt khổ đớn đau, âu sầu sợ sệt, mà cũng không biết vì đâu? Lẽ nào? Nguyên cớ tại đâu? Vì sao? Thôi thì ta lại đánh liều nhắm mắt đưa chơn há miệng, hoặc lại đổ thừa nghiệp vận, khấn vái rủi may mặc cho số phận. Than ôi! Đời sống đường dài nhắm mắt quên mình mà đi như thế, thì ta hỏi thử có ai là kẻ được bình yên lâu dài? Chẳng phải riêng nơi loài người, mà là tất cả chúng sanh, sanh ra từ nơi tứ đại địa ngục, sanh ra từ trong cái ác, từ trong bóng tối, từ trong sự đảo lộn lăng xăng của địa cầu thì cỏ cây thú người, từ dưới thấp mọc đứng lên cao, cho đến khi đi chạy nói làm, lúc đầu ở trong cái loạn mà ra, và nếu không đứng nơi cái loạn thì lại biết đứng đâu, ở đâu? Nhưng nếu chúng ta hôm nay may mắn sống sót tiến đến bậc người, nhờ nói làm sanh ra hiểu trắng, thì lẽ nào chẳng biết phân biệt cái đen, để giữ gìn mạng sống, để khi chết thân thì tâm còn tồn tại. Hơn là đất nước lửa gió vô tri, sanh hóa lăn tròn đời đời là đất nước lửa gió chẳng đầu đuôi, không có cái ta thật nhứt định. Cũng như tứ đại sanh cỏ cây thú, rồi cỏ cây thú chết thành tứ đại, cứ mãi như thế mà không có cái gì là hột giống đứng vững lâu dài, cho nên chúng sanh chỉ là tôi mọi cho cái khổ, cái không ta. Ấy vậy chúng ta phải định, để nắm giữ cái ta, đứng ngừng nơi một địa vị tối cao tốt đẹp, mà đừng thèm nhắm mắt ôm theo bánh xe vô thường quỷ quyệt, để khỏi phải tan hình rã bóng; mà sau khi thân xác rã rồi, thì còn được lại cái chủ tể tâm hồn.
Vậy chúng ta nên nhớ rằng kẻ nào không có chút định quá rối loạn khổ não theo vật chất tứ đại đất nước lửa gió lăn xoay, thì sau khi chết rồi xác thân trả về tứ đại, cái tâm hồn cũng sẽ tan rã rối loạn nhập đeo theo vào vật chất, không còn hình bóng, chẳng còn có được cái chi để nhập thai trở lại kiếp thân người. Đến chừng đó chỉ còn là đất nước lửa gió, lâu ngày sanh ra cỏ cây thú khác, sự chết sống cũng y như cỏ cây thú, mà chưa hề được có cái tự chủ của ta, cái ta hột giống để đời chi cả.
2. Ý pháp thiền định qua Bát chánh đạo
Có định mới có vui và có sống. Vui tức là sống, sống tức là vui, còn khổ là chết, chết là khổ. Nếu chúng ta sống đời để phải vô minh chịu khổ thì sống để mà làm chi? Và liệu ta có sống được chăng? Vô minh khổ để sống, hay là vô minh sống để khổ, rối loạn tức là chết rồi vậy. Kẻ mà bị chết và ở trong vô minh tức là địa ngục, thì còn có được sự vui vẻ gì? Ấy vậy như kẻ chết mà vui, hay vui mà chết, có chẳng phải là quý hơn không? Nhưng chính thật vui là ta, là sống, sống là vui, là ta. Muốn vui sống có ta thì phải định, muốn có định là biết định, thì phải tầm tòi quán xét thấy cho rõ lẽ thật là chánh kiến. Có CHÁNH KIẾN thấy rõ lẽ chánh mới phát sanh được những điều suy gẫm về lẽ chánh chơn như, mà thấu rõ đạo lý các pháp! Có thấu đạo lý do CHÁNH TƯ DUY, mới năng nói lời chơn chánh! Từ nơi CHÁNH NGỮ mới có thật hành CHÁNH NGHIỆP, là việc làm đúng theo đạo lý! Có làm việc phải mới được nuôi thân mạng bằng cách trong sạch thiện lành, hưởng sự yên vui! Có được CHÁNH MẠNG mới biết mừng vui siêng năng giữ đạo đi tới! Nhờ CHÁNH TINH TẤN mới không có thì giờ xao lãng vọng động ác tà, bấy giờ tâm mới trong sạch, ý ngó ngay vào một chỗ chơn như không vọng động, niệm tưởng không rời xa một chỗ phải! Nhờ CHÁNH NIỆM giữ ý nơi một điều lành, nơi một chỗ một, thì ý mới định. Ý định thì thân khẩu phải định, thân khẩu ý đều định gọi là tâm định, định tại nơi lẽ chánh, chỗ thiện lành sáng suốt kêu gọi CHÁNH ĐỊNH, là sự yên lặng, nín nghỉ hưu trí. Niết-bàn là nơi rốt ráo quyết định, là cảnh giới nhứt định. Cái tâm đã ấn định không còn dời đổi, hay là ý đã ở trong cái chơn như không còn vọng động, ngủ nghỉ vui sướng, sống mãi đời đời.
Từ chánh kiến đến chánh định kêu là đạo, đến chánh định gọi là kết quả, quả ấy là quả yên vui sống mãi, do sự giác ngộ, quét sạch diệt dứt căn trần, tứ đại vô minh, chơn như. Có chơn như mới được giác ngộ, cũng như có chánh kiến mới có chánh định, có chánh định mới là chánh kiến. Có chánh kiến mới giác ngộ, có chánh định mới có chơn như, hay tức là giác ngộ sanh chánh kiến, chơn như sanh chánh định, là thể nương nhau hiệp một chẳng chia lìa.
3. Ý pháp thiền định từ sơ thiền đến tứ thiền
Cũng như có TẦM SÁT là tầm tõi quán xét thấy rõ lẽ thật, mới có sự mừng. Có HỶ mừng vì lẽ đã gặp được đường đi, mới có sự vui. Có LẠC vui khi đã đi tới trúng đường, không còn khổ não, thì thân tâm trí mới trong sạch. Có TỊNH sạch ý mới yên lặng đứng ngừng, không còn bị sự lôi cuốn hấp dẫn nên mới ĐỊNH. Từ tầm sát đến định kêu là đạo, đắc định thì có đủ quả linh và đạo lý, tức là trí huệ và thần thông, kêu là đắc quả. Quả ấy là tầm sát và định, trong đó có chứa hỷ lạc tịnh, là sự mừng vui trong sạch; quý báu nhứt trong đời, là sự sống của ta đó.
Nên nhớ rằng: Có tầm sát đúng lẽ thật mới có hỷ lạc tịnh định. Định là do tịnh, tịnh là do lạc, lạc là do hỷ, hỷ là do tầm sát. Bằng mà tầm sát sái trật hay không có tầm sát là sẽ có nộ giận, có nộ giận mới sanh buồn khổ, có buồn khổ mới sanh cấu trược, có cấu trược mới loạn vòng bối rối, chết khổ điên cuồng vô ích tai hại.
Cần nhứt là phải biết rằng: lúc khởi đầu thì phải TẦM SÁT là tìm xét nghĩa lý. Hiểu nghĩa lý rồi mới có HỶ, có hỷ rồi mới có LẠC, có lạc rồi mới có TỊNH, có tịnh rồi mới có ĐỊNH. Về sau hết nghĩa lý để tầm sát rồi, tức là giác ngộ hết pháp nơi mình, thì chỉ còn hỷ lạc tịnh định, lâu sau nữa chỉ còn lạc tịnh định, và sau rốt là còn định và xả, xả và định. Bấy giờ cái học sẽ từ nơi yên lặng mà ra, và từ nơi cảnh ngoài mà đến thêm, thêm mãi, tức là giải thoát đã đến bờ bên kia, Niết-bàn hết luân hồi khổ não.
Vậy nên sơ định là: tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định.
Nhị định là: hỷ, lạc, tịnh, định.
Tam định là: lạc, tịnh, định.
Tứ định là: tịnh, định, và sẽ đến định xả, là đắc đạo, đắc chơn ngã, chủ tể, kết quả.
Sơ định là cảnh Trời dục giới, nhị định là cảnh Trời sắc giới, tam định là cảnh Trời vô sắc giới, hay xứ cực lạc của Phật A-di-đà, tứ định là xứ Tịnh độ. Qua khỏi tứ định, xứ Tịnh độ mới gọi là đắc Niết-bàn nín nghỉ thiệt thọ, kêu là đại định. Trong đại định là tự nhiên chớ không còn có pháp gì, như niệm chăm chú, hay tầm sát, hỷ, lạc, tịnh chi cả.
IV. MƯỜI Ý PHÁP CĂN BẢN TRONG CHƠN LÝ “NHẬP ĐỊNH”
Người có định thì thân khẩu ý mới trong sạch, tuy ít nói mà nói hay, tuy ít làm mà làm nên, tuy ít nhớ mà nhớ phải, là được kết quả yên vui biết bao nhiêu. Và cũng nhờ định, mà mắt tai mũi lưỡi thân ý mới trọn lành hữu dụng, tốt đẹp trang nghiêm, mới ra con người có giá trị, xứng đáng để nêu gương. Căn nghiệp tròn sáng, tức là viên ngọc quý báu của chúng sanh tôn trọng, để dành, cất giữ, về sau mãi mãi, và là một nhân vật đáng sống đời đời. Mỗi lời nói, mỗi việc làm, mỗi ý niệm là những đám mưa hoa, là những cơn gió mát, là những sự phân phát của cải, đủ cách xinh lịch tốt đẹp.
Muốn nhập định không phải một lần mà được định. Chúng ta phải dò lối, bước đi từ bước và tập lần lần. Định yên lặng là cái kho tàng vô tận, là phòng bí mật, là tủ sách chứa kinh; hay cũng như một cái trái, mà chúng sanh từ xưa đã nhọc sức trơn trợt, rờ rẫm leo trèo bên ngoài, chớ chẳng bao giờ vào được bên trong đắc định, để hưởng quả quý báu hay lạ ấy, là bởi không tìm ra được chìa khóa, hoặc cái cửa kín, hay cái cuống tim là chỗ ra vào. Đành rằng: Ai cũng biết sự nhập định là vui sướng ích lợi sống đời, trong định trí mới huệ, có huệ trừ vọng mới chơn, chơn như là linh ứng; nghĩa là: Định nhiều thì huệ nhiều, phép linh nhiều, định ít thì huệ ít và phép linh ít. Chắc ai cũng muốn có trí huệ đạo lý, với quả linh thần thông, và cũng biết rằng: Cái sống là linh, cái biết là sáng, nhưng khó nỗi là sự thật hành, hoặc thiếu sự kinh nghiệm hoặc không bền chí, hoặc thiếu sức trợ lực của người khác, thì dễ gì đặng kết quả thành công. Cho nên lắm kẻ chán sợ sự nguy hiểm, đành giữ tập việc thiện lành ngay chánh bên ngoài, mà cho là vừa đủ với sức của mình, không ráng chịu khó để đến tận nơi tâm Phật. Thiện chánh là đi tới định, nếu đứng mãi một chỗ chánh thiện mà không định, thì đâu tránh khỏi khổ não luân hồi. Kẻ ác là bởi không định, người thiện mà không định thì khổ, kẻ trí mà không định thì điên. Hễ có sống, ắt có khổ, mà nếu chúng ta chịu khổ tu trong một đời, thì muôn kiếp được thảnh thơi. Như thế có chăng là hay hơn sự kéo dài đau đớn? Vả lại sự nhập định đâu có khổ nhọc gì sức lực; càng định là càng vui, miễn là ta chịu bỏ cái ham chơi dốt học nô đùa cẩu thả, thì sự nhập định đối với ta cũng không có lấy chi làm lạ. Con người nếu làm được cái khó, cái hơn người, cái tiến hóa, thì mới được gọi là bậc siêu nhân, không còn lẩn quẩn trong cỏ cây thú người, tứ đại, một chỗ. Cũng như kẻ biết lìa bà mẹ, mới gọi là kẻ có chí lượng hơn người, không phải chịu ở trong thai bào mãi mãi.
Vậy thì chúng ta phải cố gắng nhập định, và phải hiểu những pháp của nhập định như vầy, mà đừng trọn chung thủy với cỏ cây thú người, tứ đại, cùng là trọn tình nghĩa với ác tà vô minh loạn khổ:
1. Từ nhỏ đến lớn thân và miệng sanh tập thành ý mà thân miệng ác nên ý phải ác, vậy phải sửa thân và khẩu cho thiện thì ý mới thiện. Chúng nó ác là bởi vọng động, vậy bây giờ cần phải tịnh định, nên tập ngồi một chỗ, trói chân ngồi kiết già (hoặc bán già), nắm tay lại. Ngồi ngay, miệng ngậm, cắn răng, đầu cúi, mà chăm chú nơi một việc phải nào đó, mỗi ngày một hai lần theo sức, vừa sức, chớ đừng thái quá hay bất cập. Chớ nên cố gắng quá hoặc lãng xao, phải nhớ giữ một đề mục mãi, dầu trong lúc động tịnh đều không cho xao lãng, lâu ngày sẽ quen lần từ ít tới nhiều, từ mau tới lâu. Cho đến khi ta đã được chủ tâm, thân khẩu ý đã qui phục tùy theo mạng lịnh, chừng đó mới gọi là có ta và thấy lần kết quả.
2. Mắt tai mũi lưỡi thân sanh ra ý, vậy muốn phục ý, thì trước phải phục mắt tai mũi lưỡi thân. Xưa năm căn vọng động cấu trược, mở cửa thâu trần chôn giết ý, ý ngộp mới giẫy giụa, nay phải đóng các cửa, tuôn bỏ vật chất ra ngoài, thì ý nhẹ nhàng thong thả mới ngồi yên. Ý vốn hay chuyền theo các cửa, vậy hãy đóng cửa là ý hết chỗ leo trèo, lâu ngày buồn ngủ mỏi mệt là sẽ nằm yên. Xem chừng ý thiệt đã giải đãi không còn cử động, chừng đó ta sẽ bắt đem ra tập dạy khiến xài, thì nó mới không còn tánh ác, và trở nên con vật hay quý khó tìm. Chớ bỏ qua khi nó có sẵn, không biết nhốt dạy, thì sau này ta thiếu thốn, lại hối tiếc không nên.
3. Cái ý có ba là: tham, sân, và si, bằng trị ngay nó, là phải chăm nom gìn giữ, rình đón ngăn rào, xem chừng từ chút, nuôi nó như nuôi con, đừng cho tham sân si tam độc bên ngoài nhập vào và coi chừng, tham sân si tam độc bên trong lộ ra, thì phải mau trừ khử chùi lau! Ý nay mắc bịnh độc tham sân si, vậy phải mau lo chữa chuyên săn sóc nó, vì nó là ý độc hại lây. Phải cần cho ăn uống bằng giới định, huệ, trí trong ra, từ ngoài vào, phải là chỉ một thứ giới định huệ thôi, thì lâu ngày hết bịnh, mới trở nên ý quý. Ý là ma mà ý cũng là Phật, kẻ ở nhà của ta sai khiến đó, ta cần phải nuôi nó tử tế, nó mới có giúp được việc cho mình nên. Như vậy là đừng cho nó ra gần năm cửa mắt tai mũi lưỡi thân (hay là thân khẩu), với kẻ ác tà, với đồ cấu trược, thấp thỏi xấu dơ mà phải để nó lên cao chỗ thanh tịnh, mặc cho áo tốt bằng sự vắng lặng, cho đồ ăn ngon là thiện lành, thì nó mới lớn nên người được.
4. Hoặc đổi ý ra làm trí giác, chỉ có còn biết trí giác, mà quên hẳn bỏ ý đi, thì lâu ngày nó sẽ mất đi hoặc hổ thẹn mà phục tùng theo trí giác, muốn như vậy thì đừng ở chỗ phiền não; và chớ đem bụi trần nuôi sóc nó. Mà muốn có trí giác, thì phải yên lặng, ở nơi yên lặng mãi, cho đến khi hết ý khuấy rầy, bấy giờ mới nên đứng dậy ra đi, làm nói theo trí giác.
5. Hoặc xem như mình đã chết, hưu trí, nghỉ mệt, mà bỏ hẳn việc đang làm, hoặc phải làm cho rồi, thấy mình như chết nằm trong hòm dưới đất, không còn dính mắc nợ chi nữa. Hoặc như cứ xem là ngủ nghỉ đời đời, để đứng ngừng giữa lúc bánh xe lăn, mặc cho sự thế đổi xoay, đói no sống chết phải quấy, mất còn, đến đi, không có... gì, trối mặc, chỉ biết một cái chơn như yên tịnh mà thôi.
6. Hoặc cứ mãi nói một lời, hoặc cứ mãi làm một việc chăm chú chẫm rãi bền công, không màng biết đến việc ngoài chi khác. Hoặc phải lặp đi lặp lại mãi một câu, để cho thấy rõ nghĩa lý, phân biệt kỹ càng. Hoặc ra đi giáo hóa cho đầy trí huệ, để sức học nơi nghe thấy, lo tìm, thật hành, và dạy nói, có đủ trí như chai nước đầy, thì mới không còn lưng vọng, tự nhiên chơn như hiện đến.
7. Hoặc tập sửa tướng nói tướng làm, tướng nơi mắt tai mũi lưỡi thân, cho có quy tắc điều độ, chậm chạp, chẫm rãi, thong thả, thanh nhàn, ngay thẳng, chín chắn, trang nghiêm, nết hạnh. Cái ý không cho ra ngoài các tướng bảo ấy, cũng như bắt đứa tớ chăn bò, chẳng cho ở không thì nó không còn phóng túng, chạy chơi ngông dạo để gây tai nạn.
8. Hoặc tìm xét nơi tâm lý của chúng sanh, xem xét nhơn duyên, tìm lẽ thật, hay sự nghe pháp nghe kinh, hoặc nghe trái tim nhảy, hoặc thấy hơi thở điều hòa, hoặc ghi nhớ thân mình nơi mọi chỗ, hoặc giữ gìn ngũ tạng, hoặc thận trọng ngăn ngừa bịnh, hoặc giữ oai nghi, hoặc ngồi đếm số, hoặc lượm món đồ, hoặc tập thở bằng rún, hoặc đếm bước đi, hoặc tưởng tượng trên không, hoặc nghe hơi gió, hoặc lặng lóng bên trong, nghe xét bên ngoài. Hoặc hằng giữ đúng một chữ trung trung, hay tập cái công, cái hòa, cái tự nhiên cũng được v.v... thảy đều là phép nhập định từ ít tới nhiều, từ mau tới lâu, mà người thật hành thì phải bền chí, chịu buồn, giữ tâm nơi rừng rậm, không cho thối chuyển.
9. Hoặc chỉ tìm xét trong cái không, cái vắng lặng, tối tăm, cái huyền bí võ trụ. Hoặc yên lặng dè dặt mà xem nghe chừng, sự động tịnh, sự động tịnh của tâm mình, với các điều chi xảy đến. Hoặc tin tưởng một vị Phật thánh, hoặc gìn giữ một câu triết lý. Hoặc suy gẫm từ tiếng nói của thế gian, nhận xét sự biến hóa của vạn vật, tìm hiểu thời duyên, xét xem sự sống của thánh hiền, tập sửa tư cách làm thầy dạy học, học trò... thảy đều là phép nhập định, giữ tâm yên lặng, tránh xa ác khổ.
10. Hoặc tìm xét nơi màu xanh, đỏ, trắng, vàng, đen, tím, đất, nước, lửa, gió, khoảng trống, cái không, cái có; nơi các tử thi, sự chết, thây ma. Hoặc suy gẫm nơi Phật, Pháp, Tăng, Giới, Định, Huệ, ơn đức của Phật và chư Thiên, nơi đức tin, nơi ánh sáng, nơi sự sống, hoặc quán xét nơi phép linh, nơi lòng từ bi hỷ xả vô lượng, nơi cái không có, không lường, không biên, không nhớ tưởng, không nhận biết, không cái ta, không thường, không ranh mé... nơi miếng ăn dơ bẩn, nơi xác thân nhơ nhớp. Hoặc chán ghê hổ thẹn, sợ cho cái khổ, cái luân hồi... Cả thảy các pháp lý sự gì trong thế gian, quấy phải gì cũng có thể làm đề mục cho ta nhập định được cả. Khi ta hành đến là sẽ được học lần lần, cũng có pháp cao thấp tùy theo trình độ, nhưng ta có thật hành mới có hiểu và rồi tự mình lựa chọn, chế biến cho hạp vừa. Chớ đối với người đã nhập định vững rồi, thì phép nào, đề mục nào, cũng được, cũng y như nhau, vốn không cao thấp khác lạ. Hoặc lúc đầu ta tập giữ một đề mục, hay một câu thoại đầu, đặng chăm chú mà soi sáng, rồi về sau duyên cảnh thay đổi, là ta thay đổi, đề mục khác nữa. Hoặc bữa nay làm việc với một câu này, rồi ngày mai làm việc với câu kia. Hễ khi làm việc là xong, nghỉ xong là đứng dậy, chẳng luận lâu mau sau trước. Hoặc giữ một đề mục cho có ấn chứng, rồi sẽ qua đề mục khác cao hơn cũng được.
V. KẾT LUẬN
1. Trong phẩm Dặn Dò (thứ mười) kinh Pháp Bảo Đàn, Tổ sư Huệ Năng đã nhấn mạnh: “Muốn tìm thấy Phật chỉ cần biết rõ tâm chúng sanh. Chính vì chúng sanh mê không thấy Phật, chứ không phải Phật làm cho chúng sanh mê lầm. Nếu ngộ được tự tánh, thì chúng sanh là Phật”.
2. Qua toàn bộ những lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang trong Chơn Lý “Nhập Định” sở dĩ Tổ phải giải thích nhiều là nhằm khai thị, vạch lối chỉ đường một cách cặn kẽ, giúp cho chúng ta làm thế nào cạo bỏ, rũ sạch những bụi bặm nhiều đời nhiều kiếp che mờ tâm trí, che mờ cái thấy, cái biết của mình, để mình nhận ra và làm sạch nhẹ tâm hồn của mình trước cuộc sống. Chơn lý là lẽ thật, là phương tiện phơi bày giúp cho hậu sinh chúng ta mà thôi.
3. Cho nên, dù trong ngôn từ, chúng ta tưởng như có khác nhưng thực ra khi cảm nhận được rồi thì chúng ta sẽ thấy rõ ở 2 vị Tổ sư, với không gian và thời gian dù có cách biệt, nhưng trọng tâm đều chỉ cho chúng ta pháp quay về để chuyển hóa tự tâm.
Chúng ta cần phải mượn cái thiện để học tập đến xuất gia Khất sĩ, giới định huệ mà tu Phật. Như vậy là người xuất gia Khất sĩ phải có đủ thiện căn trí thức. Chớ nên vì nghe nói ích lợi mà ham muốn khi mình còn tội lỗi. Nếu kẻ còn quấy ác, thiếu học, không minh mà luyện tập tư tưởng ắt cũng được vì linh thiêng, nhưng kẻ ác linh thiêng là không có trí huệ, vì tự cao mà sanh quỉ quyệt là tà ác sái đạo. Vậy nên ai muốn tu chánh định đến Niết-bàn, thì trước phải tu tập phước thiện nuôi trí, học hành chơn lý, mở trí thông minh, tập lần giữ giới. Sau lần chắc vững, sẽ đi ngay vào trong nhà Phật. Cần nên hiểu biết sự tu là mãi mãi đời đời, là nơi cuối chót của khoảng đường dài, mà ta kết thúc, chớ không phải ra vào lui tới thông thường, hay là sự đắc quả trong một hai ngày giây lát, hoặc khi làm Phật, lúc lại làm ma.
Vả lại sự tu hành cũng như ăn cơm để sống, điều ấy vốn không mau chậm, hay đường quanh nẻo tắt gì cả. Vậy nên chúng ta hãy chậm rãi mà đi, nếu là kẻ thiện lành, thì tâm trí đâu có tiêu diệt trong ngày hôm nay, mà hòng lo sợ! Còn như sự nhập định là lúc đầu phải chấp để thực hành, tu tập đi tới, khi đã tới nơi yên lặng rồi, thì cảnh ấy là tự nhiên vắng lặng chơn như, chớ không còn có chấp hay không chấp, cùng chấp có, chấp không chi cả, theo như lời tranh luận. Muốn nhập định cũng phải cần cảnh tịnh, tâm cảnh phải y nhau, thời duyên phải hạp lúc, sanh chúng chớ cho gần, hoặc gần thì phải thuận hạp, hoặc hộ trì tán trợ, mà người lành thì phải kiên tâm trì chí, tuy không sợ chết nhưng cũng chớ liều mình, vì quả đạo không có ở nơi người chết. Cảnh định là cảnh tự nhiên, tự nhiên là yên lặng. Vậy nên tâm và cảnh phải yên lặng thì mới có cái sống tự nhiên được.
Trước khi nhập định, thì sự việc chi phải cho rồi xong, hoặc nếu có thể bỏ ngang được, mà trong ngoài phải không còn dính mắc thì mới yên lặng.
Phép tu phải có động tịnh tập lần từ chút cho quen, chớ khá ham mê thái quá, mà ra tù túng bẩn chật. Mỗi khi ngồi phải thay đổi chỗ, không ngồi hai lần một chỗ ngồi, phải tìm nơi thanh vắng hoặc nơi trống trải thấy được chơn trời, bằng nơi chỗ xao động phải ngồi day mặt vào vách, vào gốc cây. Tốt hơn là ban ngày ngồi dưới gốc cây, ban đêm ngồi nơi chỗ trống. Sáng thì phơi chút nắng, khuya nên hứng chút sương. Phải thường xuyên thay đổi để không cho nhàm chán, nhưng không lìa xa mục đích. Chính nhờ sự tinh tấn đó mà kết quả vậy. Con đường chánh định là nơi cuối chót của chúng sanh. Chúng ta ai ai khá nên nhập định hết.
Tịnh xá Trung Tâm, ngày 15/11/2011
---oOo---
Nguồn: Đạo Phật Khất Sĩ
BÀI LIÊN QUAN
Quán chiếu Khổ Đế - Những cảm thọ và thân chứng - Phần 2 ( Hòa thượng Giác Toàn , 16236 xem)
Quán chiếu Khổ Đế - Những cảm thọ và thân chứng - phần 1 ( Hòa thượng Giác Toàn , 38513 xem)
Thiền quán theo phương pháp Mật Tông – phần 2 ( Thượng tọa Minh Thành dịch , 39509 xem)
Thiền quán theo phương pháp Mật Tông – phần 1 ( Thượng tọa Minh Thành dịch , 9783 xem)
Thiền định Phật giáo Việt Nam ( Hòa thượng Thích Chơn Thiện , 7034 xem)
Hướng dẫn thực hành thiền ( Thiền sư Sayadaw U Tejaniya , 101694 xem)
Thở có ý thức là nuôi dưỡng điều lành ( Tỳ kheo Giác Kiến , 6723 xem)
Thiền là gì? ( Như Tân , 8612 xem)
Vipassana & Kinh doanh ( D.B. Gupta - Mỹ Thanh dịch , 6788 xem)
Thiền Trúc Lâm Yên Tử - Dòng thiền Việt Nam ( Chánh Tấn Tuệ , 34214 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng