Trang chủ > Phật Học > Thiền

Quán chiếu Khổ Đế - Những cảm thọ và thân chứng - phần 1

Tác giả: Hòa thượng Giác Toàn.  
Xem: 40147 . Đăng: 21/10/2014In ấn

Quán chiếu Khổ Đế - Những cảm thọ và thân chứng - phần 1

HT. Giác Toàn

I. XÁC LẬP NIỀM TIN & NHẬN THỨC CĂN BẢN VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TẬP THIỀN ĐỊNH

1. Xác lập niềm tin Tam bảo

Trong Kinh Tương Ưng, chương I: Tương Ưng Nhân Duyên, bài kinh thứ 5, Phẩm Gia Chủ, phần 2, đức Phật đã dạy: “Thế nào là bốn Dự Lưu chi được đầy đủ” như sau:

i) Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử đầy đủ lòng tin bất động, đối với đức Phật: "Ðây là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn".

ii) Vị ấy đầy đủ lòng tin bất động đối với Pháp: "Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu".

iii) Vị ấy đầy đủ lòng tin bất động đối với chúng Tăng: "Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh, chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh; tức là bốn đôi, tám chúng. Chúng Tăng đệ tử của Thế Tôn đáng được cúng dường, đáng được hiến dâng, đáng được bố thí, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở trên đời".

iv) Vị ấy đầy đủ các giới đức, được bậc Thánh quý mến, không bị bể vụn, không bị hủy hoại, không có tỳ vết, không có vết nhơ, đưa đến tự do, được người trí tán thán, không bị nhiễm trước, đưa đến Thiền định, bốn Dự Lưu chi này được đầy đủ.

2. Xác lập nhận thức căn bản về phương pháp tu tập thiền định

Cũng trong bài kinh đã nêu, đức Phật dạy chúng ta cần có một nhận thức căn bản để tu tập “Thế nào là Thánh lý nhờ trí tuệ được khéo thấy, được khéo thâm nhập” như sau:

i) Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử khéo chánh tư duy định lý Duyên khởi như sau: "Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này diệt, cái kia diệt".

ii) Tức là do duyên vô minh có hành. Do duyên hành có thức... (như trên)... Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt... (như trên)... Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

Đi đường dài, nếu không có bản đồ định vị chắc chắn chúng ta dễ bị lạc đường. Trên đường tu tập, từ phàm phu đến hiền thánh nếu không có nhận thức căn bản và phương pháp tu tập, nhất định không thể nào chúng ta đi đến đích, lịch sử đã chứng minh điều đó. Xưa nay, người tu thì rất nhiều, nhưng người đến đích thì rất ít. Vì thế, rất mong huynh đệ chúng ta, những người thật sự có duyên với giáo pháp, một khi đã đi thì nhất định đến nơi đến chốn. Trong Kinh Tạp A Hàm, tập 2, bài kinh 434, đức Phật đã dạy: “Thế nào là trí tuệ sáng suốt? Đó là biết như thật về Khổ Thánh đế, về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế, hay là không biết như thật chăng?” .

Các Tỳ-kheo bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, theo như sự hiểu biết của chúng con về những lời dạy của Phật, đối với bốn Thánh đế mà biết như thật, thì đó gọi là trí tuệ sáng suốt”.

Phật bảo các Tỳ-kheo: “Lành thay! Lành thay! Nếu đối với bốn Thánh đế mà biết như thật, đó gọi là trí tuệ sáng suốt. Cho nên, Tỳ-kheo đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán”.

II. TIẾN TRÌNH THỰC HIỆN PHƯƠNG PHÁP TU TẬP THIỀN ĐỊNH CĂN BẢN VÀ TRUYỀN THỐNG

Bước 1: Quán chiếu, cảm nhận về Khổ đế

Câu chuyện đức Phật chuyển pháp luân lần đầu tiên độ 5 anh em A Nhã Kiều Trần Như tại Lộc Uyển. Ngài đã giảng dạy rành rẽ về Bốn Chơn lý tối thượng đó là “Tứ Diệu Đế”: KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO và đã độ cho 5 vị này nhận thức rõ về giáo pháp và chứng ngộ đạo mầu.

Trong Kinh Tạp A Hàm, tập 2, các bài kinh sau đây sẽ giúp chúng ta nhận ra được điều đó.

Thứ nhất: bài kinh 435, trang 149

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, trưởng giả Tu-đạt-đa đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, bốn Thánh đế này là thứ lớp hiện quán hay phải hiện quán tức thời?”.

Phật bảo trưởng giả: “Bốn Thánh đế này phải hiện quán theo thứ lớp, chứ không phải hiện quán tức thời”.

Phật bảo trưởng giả: “Nếu có người nói: ‘Đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế có thể hiện quán’, lời nói này không đúng. Vì sao? Vì nếu đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế hiện quán thì điều này không thể có được. Cũng giống như người lấy hai lá cây nhỏ xếp lại làm đồ đựng nước mang đi thời không thể được. Cũng vậy, đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế muốn hiện quán,’ thì điều này không thể có được.

“Ví như có người lấy lá sen kết lại làm đồ chứa nước đem đi, thì việc này có thể có được. Cũng vậy, này trưởng giả, đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, thì đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế có thể hiện quán,’ điều này có thể có được. Cho nên, gia chủ, đối với bốn Thánh đế này, nếu chưa hiện quán, thì nên siêng năng tìm phương tiện, phát khởi ý muốn mãnh liệt, tu học hiện quán.”

Thứ hai: bài kinh 436, trang 150

Như điều trưởng giả Tu-đạt đã hỏi ở kinh trên, có Tỳ-kheo khác hỏi, đức Phật cũng được nói như vậy. Chỉ có sai biệt nơi thí dụ: “Như có bốn bậc thềm đi lên chánh điện. Nếu có người nói: ‘Không cần lên bậc thứ nhất mà lên ngay bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư, lên chánh điện’; thì điều này không thể có được. Vì sao? Phải do bậc đầu tiên rồi sau đó đến bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư để lên được đến chánh điện. Cũng vậy, Tỳ-kheo đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế muốn hiện quán’, thì điều này không thể có được".

“Ví như Tỳ-kheo, nếu có người nói: ‘Nhờ bốn bậc thềm đưa lên chánh điện, phải từ bậc thềm đầu, rồi sau đó đến bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư mới lên được điện đường,’ nói như vậy thì mới đúng. Vì sao? Vì phải do bậc thềm đầu tiên, sau đó mới leo lên bậc thềm thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi lên được chánh điện, việc này có thể có được. Cũng vậy Tỳ-kheo, nếu đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, thì tuần tự đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế có thể hiện quán,’ nên nói như vậy. Vì sao? Vì đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán, sau đó theo thứ lớp đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế hiện quán, việc này có thể có được.”

Thứ ba: bài kinh 437, trang 152

Như Tỳ-kheo khác hỏi, những điều Tôn giả A-nan hỏi, đức Phật cũng dạy như vậy, chỉ có thí dụ là sai khác, Phật bảo A-nan: “Như cái thang có bốn bậc đưa lên chánh điện. Nếu có người nói: ‘Không cần nhờ vào bậc ban đầu mà lên ngay bậc thứ hai, bậc thứ ba, bậc thứ tư là lên được chánh điện’; thì không thể có được. Cũng vậy A-nan, nếu đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế muốn hiện quán’; điều này không thể có được. Vì sao? Vì nếu đối với Khổ Thánh đế chưa hiện quán mà đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế muốn hiện quán thì không thể có được.

“Này A-nan, như cái thang có bốn bậc đưa lên chánh điện, nếu có người nói: ‘Phải do bậc đầu tiên, sau đó mới lên bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi lên tới điện đường,’ nói như vậy mới đúng. Vì sao? Vì phải do vào bậc đầu tiên, tuần tự lên bậc thứ hai, thứ ba, thứ tư rồi mới tới điện đường, thì điều này có thể có được. Cũng vậy, A-nan, đối với Khổ Thánh đế đã hiện quán rồi, tuần tự đối với Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo Thánh đế có thể hiện quán’; điều này có thể có được”.

Bước 2: Quán chiếu, cảm nhận về cảm thọ của Khổ đế

Cũng trong kinh Tạp A Hàm, tập 2, lần lượt các bài kinh 474, 475, 476, 478, 479 & 480; đức Phật đã dạy rõ về điều này trong bài kinh số 474, trang 209 như sau:

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương Xá. Bấy giờ, Tôn giả A-nan ở một mình chỗ vắng, trong lúc thiền tịnh nghĩ rằng: ‘Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Vậy điều này có nghĩa gì?’.

Suy nghĩ vậy rồi, sau khi từ thiền tịnh tỉnh giác, đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên, bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, lúc con một mình ở chỗ vắng, thiền tịnh tư duy rằng: ‘Như lời Thế Tôn nói ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, không khổ không lạc thọ; lại nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Vậy điều này có nghĩa gì?”.

Phật bảo Tôn giả A-nan: “Vì tất cả hành là vô thường, tất cả hành là pháp biến đổi, nên nói những gì thuộc về thọ đều là khổ. Lại nữa A-nan, do các hành dần dần vắng lặng, do các hành dần dần dừng nghỉ, nên Ta nói tất cả thọ đều là khổ”.

Tôn giả A-nan bạch Phật: “Thế Tôn, làm thế nào mà các thọ dần dần vắng lặng và nói ra điều nầy?”.

Phật bảo Tôn giả A-nan: “Khi nhập vào Sơ thiền chánh định, thì ngôn ngữ vắng lặng. Khi vào chánh định Nhị thiền thì giác quan vắng lặng. Khi vào định Tam thiền thì tâm hỷ vắng lặng. Đến định Tứ thiền thì hơi thở ra vào vắng lặng. Khi vào định Không xứ thì sắc tưởng vắng lặng. Khi vào định Thức xứ thì tưởng không xứ vắng lặng. Khi vào định Vô sở hữu xứ thì tưởng thức xứ vắng lặng. Khi vào định Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì tưởng vô sở hữu xứ vắng lặng. Khi vào định Diệt thọ tưởng thì tưởng thọ vắng lặng. Đó gọi là các hành dần dần vắng lặng”.

Tôn giả A-nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Thế nào là các hành dần dần dừng nghỉ?”

Phật bảo Tôn giả A-nan: “Khi vào định Sơ thiền thì ngôn ngữ dừng nghỉ. Khi vào định Nhị thiền thì giác quán dừng nghỉ. Khi vào định Tam thiền thì tâm hỷ dừng nghỉ. Khi vào định Tứ thiền thì hơi thở ra vào dừng nghỉ. Khi vào định Không xứ thì sắc tưởng dừng nghỉ. Khi vào định Thức xứ thì tưởng không xứ dừng nghỉ. Khi vào định Vô sở hữu xứ thì tưởng thức xứ dừng nghỉ. Khi vào định Phi tưởng phi phi tưởng xứ thì tưởng vô sở hữu xứ dừng nghỉ. Khi vào chánh định Diệt thọ tưởng thì tưởng thọ dừng nghỉ. Đó gọi là các hành dần dần dừng nghỉ”.

Tôn giả A-nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, đó gọi là các hành dần dần dừng nghỉ?”

Phật bảo Tôn giả A-nan: “Lại có sự dừng nghỉ thù thắng, dừng nghỉ kỳ đặc, dừng nghỉ tối thượng, dừng nghỉ vô thượng. Sự dừng nghỉ như vậy, đối với những sự dừng nghỉ khác, không có gì hơn được”.

Tôn giả A-nan bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Thế nào là dừng nghỉ thù thắng, dừng nghỉ kỳ đặc, dừng nghỉ tối thượng, dừng nghỉ vô thượng mà những sự dừng nghỉ khác, không thể hơn được”.

Phật bảo Tôn giả A-nan: “Đối với tham dục, mà tâm không vui thích, được giải thoát; với sân nhuế, mà tâm không vui thích, được giải thoát; đó gọi là dừng nghỉ thù thắng, dừng nghỉ kỳ đặc, dừng nghỉ tối thượng, dừng nghỉ vô thượng mà những sự dừng nghỉ khác, không có gì hơn được”.

Bài kinh 475, trang 212

“Khi Phật Tỳ-bà-thi chưa thành đạo, một mình ở chỗ thanh vắng thiền tịnh, tư duy, quán sát như vầy: “Quán sát các thọ, thế nào là thọ? Thế nào là thọ tập? Thế nào là thọ diệt? Thế nào là thọ diệt đạo tích? Thế nào là thọ vị? Thế nào là thọ hoạn? Thế nào là thọ ly?’ Như vậy quán sát, có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Xúc tập là thọ tập, xúc diệt là thọ diệt. Nếu đối với thọ mà yêu mến, khen ngợi, đắm nhiễm, kiên trụ, thì đó gọi là thọ tập đạo tích. Nếu đối với thọ mà không yêu mến, không khen ngợi, không đắm nhiễm, không kiên trụ, thì gọi là thọ diệt đạo tích. Nếu cảm thọ là nhân duyên sanh ra vui thích thì gọi là thọ vị. Nếu cảm thọ là vô thường, biến đổi, thì gọi là sự thọ hoạn. Nếu đối với cảm thọ mà đoạn dứt dục tham, vượt qua dục tham, thì gọi là thọ ly”.

Bài kinh 476, trang 213

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, có Tỳ-kheo, một mình ở chỗ vắng vẻ, thiền định, tư duy, quán sát các thọ như vầy: Thế nào là thọ? Thế nào là thọ tập? Thế nào thọ diệt? Thế nào là thọ tập đạo tích? Thế nào là thọ diệt đạo tích? Thế nào là thọ vị? Thế nào là thọ hoạn? Thế nào là thọ ly?

Khi ấy Tỳ-kheo kia, sau khi xả thiền, đi đến chỗ Phật, lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật: “Bạch Thế Tôn, con một mình ở nơi chỗ vắng thiền định, tư duy, quán sát các thọ: Thế nào là thọ? Thế nào là thọ tập? Thế nào thọ diệt? Thế nào là thọ tập đạo tích? Thế nào là thọ diệt đạo tích? Thế nào là thọ vị? Thế nào là thọ hoạn? Thế nào là thọ ly?

Phật bảo Tỳ-kheo: “Có ba thọ: khổ thọ, lạc thọ, không khổ không lạc thọ. Xúc tập là thọ tập, xúc diệt là thọ diệt. Nếu đối với thọ mà yêu mến, khen ngợi, đắm nhiễm, kiên trụ, thì gọi là thọ tập đạo tích. Nếu đối với thọ mà không yêu mến, không khen ngợi, không đắm nhiễm, không kiên trụ, thì gọi là thọ diệt đạo tích. Nếu thọ là nhân duyên sanh ra ưa thích, thì gọi là thọ vị. Nếu thọ bị vô thường biến đổi, thì gọi là thọ hoạn. Nếu đối với thọ mà đoạn dứt dục tham, vượt qua dục tham, thì gọi là thọ ly”.

Bài kinh 478, trang 215

Phật bảo các Tỳ-kheo: “Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì các thầy mà giảng nói.

“Này các Tỳ-kheo, có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ và không khổ không lạc thọ. Xúc tập là thọ tập, xúc diệt là thọ diệt. Nếu đối với thọ mà yêu mến, khen ngợi, đắm nhiễm, kiên trụ, thì gọi là thọ tập đạo tích. Nếu đối với thọ mà không yêu mến, không khen ngợi, không đắm nhiễm, không kiên trụ, thì gọi là thọ diệt đạo tích. Nếu thọ là nhân duyên sanh ra ưa thích, thì gọi là thọ vị. Nếu thọ bị vô thường biến đổi, thì gọi là thọ hoạn. Nếu đối với thọ mà đoạn dứt dục tham, vượt qua dục tham, thì gọi là thọ ly”.

Bài kinh 479, trang 216

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Nếu Ta đối với các thọ không biết như thật; đối với thọ tập, thọ diệt, thọ tập đạo tích, thọ diệt đạo tích, thọ vị, thọ hoạn, thọ ly không biết như thật, thì Ta ở giữa chư Thiên, thế gian, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng trời, người, không được giải thoát ra khỏi điên đảo, cũng chẳng được Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì Ta đối với các thọ, thọ tập, thọ diệt, thọ tập đạo tích, thọ diệt đạo tích, thọ vị, thọ hoạn và thọ ly đều biết như thật, nên ta ở trong chúng chư Thiên, thế gian, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn và các chúng trời, người, Ta là bậc Giải Thoát, là bậc Xuất Ly, là bậc ra khỏi các điên đảo và đạt được vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

Bài kinh 480, trang 217

Một thời, Phật trú trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: “Nếu Sa-môn, Bà-la-môn đối với các thọ không biết như thật; đối với thọ tập, thọ diệt, thọ tập đạo tích, thọ diệt đạo tích, thọ vị, thọ hoạn, thọ ly không biết như thật, thì người ấy chẳng phải Sa-môn, chẳng phải Bà-la-môn, không đồng với Sa-môn và Bà-la-môn, cũng chẳng phải nghĩa Sa-môn, cũng chẳng phải nghĩa Bà-la-môn, đối với hiện pháp chẳng tự biết tác chứng: ‘Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn thọ thân sau”.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào đối với các thọ mà biết như thật; đối với thọ tập, thọ diệt, thọ tập đạo tích, thọ diệt đạo tích, thọ vị, thọ hoạn và thọ ly biết như thật, thì người ấy là Sa-môn của Sa-môn, Bà-la-môn của Bà-la-môn, đồng với Sa-môn, đồng với Bà-la-môn, đúng nghĩa Sa-môn, đúng nghĩa Bà-la-môn, hiện pháp tự biết tác chứng: ‘Sự sanh của ta đã dứt, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm xong, tự biết không còn thọ thân sau”.

Bước 3: Quán chiếu các nhân duyên của cảm thọ: Dục, giác, quán, xúc

Cũng trong Kinh Tạp A Hàm, trong bài kinh 481, có ghi rõ về ý pháp nầy:

“Khi Ta mới thành Phật, tư duy về các pháp thiền, được ít phần thiền. Nửa tháng nay, Ta tư duy, khởi nghĩ rằng: có những người sinh ra, cảm thọ đều có nhân duyên, chẳng phải chẳng có nhân duyên. Thế nào là nhân duyên? Dục là nhân duyên, giác là nhân duyên, xúc là nhân duyên. Này các Tỳ-kheo! Vì đối với dục chẳng vắng lặng, đối với giác chẳng vắng lặng, đối với xúc chẳng vắng lặng, do những nhân duyên đó nên chúng sanh sinh ra cảm thọ. Do nhân duyên chẳng vắng lặng nên chúng sanh sinh ra cảm thọ.

“Nếu dục vắng lặng mà giác chẳng vắng lặng, xúc chẳng vắng lặng. Do nhân duyên chẳng vắng lặng nên chúng sanh sinh ra cảm thọ. Do nhân duyên chẳng vắng lặng nên chúng sanh sinh ra cảm thọ. Nếu dục vắng lặng, giác vắng lặng mà xúc chẳng vắng lặng, do những nhân duyên ấy nên chúng sanh sinh ra cảm thọ. Do nhân duyên chẳng vắng lặng nên chúng sanh sinh ra cảm thọ. Nếu dục vắng lặng, giác vắng lặng, xúc vắng lặng do nhân duyên đó nên chúng sanh sinh ra cảm thọ. Do nhân duyên vắng lặng đó nên chúng sanh sinh ra cảm thọ.

Bước 4: Quán chiếu tinh tấn học pháp hỷ lạc về hạnh viễn ly

Trong Kinh Tạp A Hàm, tập 2, bài kinh 482, Đức Phật dạy như sau:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ vào lúc hạ an cư, trưởng giả Cấp Cô Độc đi đến chỗ Phật, lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Phật vì trưởng giả thuyết pháp, khai thị, chỉ giáo soi sáng làm cho vui mừng, nói các thứ pháp. Phật khai thị, chỉ giáo soi sáng làm cho vui mừng xong, trưởng gia đứng dậy sửa lại y phục, đảnh lễ chân Phật, chắp tay bạch Phật:

“Cúi xin Thế Tôn và đại chúng từ bi thọ nhận lời thỉnh nguyện của con, trong ba tháng hạ, cúng dường y phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn yên lặng nhận lời. Khi ấy Cấp Cô Độc biết Phật đã im lặng nhận lời rồi, đứng dậy từ giã trở về nhà mình. Qua ba tháng, ông đến chỗ Phật, lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên. Phật bảo Cấp Cô Độc:

“Lành thay, trưởng giả! Ông ba tháng qua đã cúng dường y phục, ẩm thực, y dược, ngọa cụ. Ông do đạo trang nghiêm thanh tịnh, vào đời vị lai sẽ được phước báo an lạc. Nhưng ông không nên thản nhiên hưởng thọ sự an lạc nầy, ông phải luôn luôn siêng năng tinh tấn học pháp hỷ lạc về hạnh viễn ly để tự thân tác chứng đầy đủ.

Khi ấy, trưởng giả Cấp Cô Độc nghe Phật dạy như thế, hoan hỷ, tùy hỷ, đứng dậy đảnh lễ ra về.

Bấy giờ, Tôn giả Xá-lợi-phất đang ngồi giữa đại chúng, biết ông Cấp Cô Độc đã về rồi, liền bạch Phật:

“Lạ thay, Thế Tôn! Khéo vì trưởng giả Cấp Cô Độc thuyết pháp khích lệ ông Cấp Cô Độc rằng: ‘Ông ba tháng đã cúng dường đầy đủ cho Như Lai và đại chúng, nhờ đạo trang nghiêm thanh tịnh nên vào đời vị lai sẽ được phước báo an lạc. Nhưng hiện tại ông không nên thản nhiên vui đắm phước nầy. Ông phải luôn siêng năng tinh tấn học pháp hỷ lạc về hạnh viễn ly để tự thân tác chứng đầy đủ’.

“Bạch Thế Tôn, nếu muốn khiến thánh đệ tử học pháp hỷ lạc về hạnh viễn ly để tự thân tác chứng đầy đủ, thì được năm pháp viễn ly, tu đủ năm pháp. Thế nào là năm pháp viễn ly? Nghĩa là đoạn dứt cái hỷ dục trưởng dưỡng, đoạn dứt cái lo do dục trưởng dưỡng, đoạn dứt cái xả do dục trưởng dưỡng; đoạn dứt cái hỷ do pháp bất thiện trưởng dưỡng, đoạn dứt cái lo do bất thiện trưởng dưỡng. Đó gọi là năm pháp viễn ly. Thế nào là tu đủ năm pháp? Đó là tùy hỷ, hoan hỷ, khinh an, lạc và nhất tâm.

Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất: Đúng thế, đúng thế! Nếu Thánh đệ tử tu học về hạnh viễn ly thì tự thân tác chứng đầy đủ, viễn ly năm pháp, tu đủ năm pháp.

Bước 5: Quán chiếu, thân chứng các pháp thấy, nghe, vui, tưởng và hữu đệ nhất ngay trong đời sống thường nhật

Trong Kinh Tạp A Hàm, bài kinh 484 đã ghi lại câu chuyện Tôn giả A-nan hỏi Tôn giả Bạt-đà-la như sau:

“Thế nào gọi là thấy đệ nhất? Thế nào là nghe đệ nhất? Thế nào là lạc đệ nhất? Thế nào là tưởng đệ nhất? Thế nào là hữu đệ nhất?”

Tôn giả Bạt-đà-la nói với Tôn giả A-nan: “Có Phạm thiên, là đấng tạo tác tự tại, biến hóa theo ý mình, là cha của thế gian. Nếu người nào thấy Phạm thiên gọi là thấy đệ nhất. Này A-nan, có chúng sanh ly sinh hỷ lạc, toàn thân thấm nhuần vui vẻ, sung mãn, mọi chỗ đều tròn đầy. Đó là ly sinh hỷ lạc. Người ấy xuất định xướng lên giữa đại chúng: Người thật vắng lặng thì ly sinh hỷ lạc, người thật an lạc thì ly sinh hỷ lạc, người nào nghe được âm thanh nầy gọi là nghe đệ nhất. Lại nữa A-nan, nếu có chúng sanh đối với thân nầy lìa bỏ sự thấm nhuần vui vẻ, sung mãn cùng khắp toàn thân của hỷ, đó là cái vui của ly hỷ. Ấy gọi là cái vui đệ nhất.

Thế nào là tưởng đệ nhất? Này A-nan, có chúng sanh vượt qua tất cả thức nhập xứ và an trụ trọn vẹn vào vô sở hữu nhập xứ, nếu người nào khởi tưởng kia thì gọi là tưởng đệ nhất. Thế nào là hữu đệ nhất? Lại nữa A-nan, có chúng sanh vượt qua tất cả Vô sở hữu nhập xứ, an trụ trọn vẹn vào phi tưởng phi phi tưởng xứ, nếu người nào khởi hữu ấy thì gọi là hữu đệ nhất.

Tôn giả A-nan nói với Tôn giả Bạt-đà-la:

“Có nhiều người thấy như thế, nói như thế; thế thì Tôn giả cũng giống họ, đâu có khác gì? Tôi dùng phương tiện hỏi Tôn giả, Tôn giả hãy lắng nghe. Theo như chỗ quán sát đó mà lần lượt sạch hết phiền não thì mới là thấy đệ nhất, theo như chỗ quán sát đó mà lần lượt sạch hết phiền não thì mới là nghe đệ nhất, theo như chỗ phát sanh niềm vui mà lần lượt sạch hết phiền não thì mới gọi là vui đệ nhất, theo như tưởng kia mà lần lượt sạch hết phiền não thì mới gọi là tưởng đệ nhất, theo như chỗ thực quán sát mà lần lượt sạch hết phiền não thì mới gọi là hữu đệ nhất.

Bước 6: Quán chiếu các cảm thọ, thân chứng và niềm vui thù thắng trong đời sống tu tập thiền định

Trong phần nầy, chúng ta hãy nghe câu chuyện đối đáp của vua Bình Sa và Tôn giả Ưu-đà-di cùng với lời dạy của Đức Phật về các pháp liên hệ cảm thọ.

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ vua Bình-sa đi đến chỗ Tôn giả Ưu-đà-di, cúi đầu đảnh lễ, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Tôn giả Ưu-đà-di: “Đức Thế Tôn nói về các thọ là những thọ gì?”.

Tôn giả Ưu-đà-di đáp: Tâu Đại vương, Thế Tôn nói ba thọ: thọ khổ, thọ vui và thọ không khổ không vui.

Vua Bình-sa bạch Tôn giả Ưu-đà-di: Chớ nói như thế! Thế Tôn nói ba thọ là thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không vui. Đúng ra nên nói có hai thọ là thọ khổ và thọ vui vì thọ không khổ không vui là tịch diệt.

“Nói ba lần như thế”.

Tôn giả Ưu-đà-di không thể xác lập ba thọ với vua và vua cũng chẳng thể xác lập về hai thọ của mình, bèn cùng nhau đi đến chỗ Phật, lễ chân Phật, rồi lui ngồi một bên. Khi ấy, Tôn giả Ưu-đà-di bạch lại với Phật những việc trên và thưa: Bạch Thế Tôn! Con cũng không thể xác lập về ba thọ và vua cũng chẳng thể xác lập về hai thọ; nên nay chúng con cùng đến hỏi Thế Tôn, xin quyết định nghĩa này, là có mấy thọ?”.

Phật bảo Tôn giả Ưu-đà-di: Ta có khi nói một thọ, có khi nói hai thọ, hoặc có khi nói ba, bốn, năm, sáu, mười tám, ba mươi sáu, cho đến một trăm lẻ tám thọ, hoặc có khi nói vô lượng thọ. Vì sao Ta nói một thọ? Như nói, hễ có cảm thọ đều là khổ.’ Đó gọi là Ta nói có một thọ. Ta nói hai thọ như thế nào? Đó là nói, ‘Thân thọ và tâm thọ.’ Đó gọi là có hai thọ. Thế nào là ba thọ? Nghĩa là Thọ khổ, thọ vui, thọ không khổ không vui. Thế nào là bốn thọ? Nghĩa là thọ hệ thuộc Dục giới, thọ hệ thuộc Sắc giới, thọ hệ thuộc Vô sắc giới và thọ không hệ thuộc đâu cả. Thế nào là nói năm thọ? Nghĩa là lạc căn, hỷ căn, khổ căn, ưu căn và xả căn. Đó gọi là năm thọ. Thế nào là sáu thọ? Nghĩa là thọ sanh từ nhãn xúc, thọ sanh từ nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc. Đó gọi là sáu thọ. Thế nào là mười tám thọ? Nghĩa là cảm thọ, theo hành tác của sáu hỷ, sáu ưu và sáu xả. Đó gọi là mười tám thọ. Thế nào là ba mươi sáu thọ? Nghĩa là sáu hỷ dựa theo tham trước, sáu hỷ dựa theo lìa tham trước; sáu ưu dựa theo tham trước, sáu ưu dựa theo lìa tham trước; sáu xả dựa theo tham trước, sáu xả dựa theo lìa tham trước. Đó gọi là ba mươi sáu thọ. Thế nào là một trăm lẻ tám thọ? Nghĩa là ba mươi sáu thọ quá khứ, ba mươi sáu thọ vị lai và ba mươi sáu thọ hiện tại. Đó gọi là một trăm lẻ tám thọ. Thế nào là vô lượng thọ? Như nói thọ này, thọ kia v.v… Này Tỳ-kheo, như thế gọi là vô lượng thọ.

“Này Ưu-đà-di, như vậy Ta nói các thứ thọ đúng nghĩa như thật. Thế gian không hiểu, nên tranh luận và mâu thuẫn chống trái nhau, cuối cùng không nắm được nghĩa chân thật trong pháp luật của Ta, hãy tự dừng lại. Này Ưu-đà-di, nếu đối với những thứ nghĩa của thọ mà Ta vừa nói đây, hiểu biết như thật, thì không khởi tranh luận và mâu thuẫn chống trái nhau. Khi tranh luận đã khởi lên hay chưa khởi lên, có thể dùng pháp luật này mà ngăn ngừa, khiến cho nó chấm dứt. Nhưng này Ưu-đà-di, có hai thọ: thọ dục và thọ ly dục. Thế nào là thọ dục? Nghĩa là thọ do nhân duyên công đức ngũ dục sanh ra, đó gọi là thọ dục. Thế nào là thọ ly dục? Nghĩa là Tỳ-kheo ly dục và pháp ác bất thiện, có giác, có quán, ly sinh hỷ lạc, an trụ trọn vẹn vào Sơ thiền, đó gọi là thọ ly dục.

“Nếu có người nói: ‘Chúng sanh nương theo Sơ thiền nầy chỉ là vui chẳng còn gì khác hơn, thì điều này không đúng. Vì sao? Vì còn có cái vui thù thắng hơn cái vui này. Đó là vui gì? Nghĩa là Tỳ-kheo lìa giác, lìa quán, trong tâm định tỉnh sinh ra hỷ lạc, an trụ Nhị thiền; đó gọi là vui thù thắng. Như thế, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, càng lên càng thù thắng hơn. Nếu có người nói: ‘Chỉ có những xứ này, cho đến Phi tưởng phi phi tưởng là cực vui, chẳng còn chỗ nào khác.’ Như thế cũng lại không đúng. Vì sao? Vì còn có cái vui thù thắng hơn đây nữa. Đó là vui gì? Nghĩa là Tỳ-kheo vượt qua tất cả Phi tưởng phi phi tưởng nhập xứ, tưởng thọ diệt, tự thân tác chứng thành tựu; đó là cái vui thù thắng hơn cái vui trên. Nếu có kẻ dị học xuất gia nói: “Sa-môn Thích tử chỉ nói đến tưởng thọ diệt và cho là chí lạc”, điều này không đúng. Vì sao? Nên nói rằng: “Đây chẳng phải số thọ lạc mà Thế Tôn đã nói, Thế Tôn nói về số thọ lạc, như nói: Này Ưu-đà-di! Có bốn thứ lạc. Những gì là bốn? Đó là lạc ly dục, lạc viễn ly, lạc tịch diệt và lạc bồ-đề”.

(Bài giảng khoá tu truyền thống Giới Định Tuệ của Khất Sĩ lần 3 được tổ chức tại Tịnh xá Ngọc  Đà - Đà Lạt - Lâm Đồng)

---oOo---

Nguồn: Đạo Phật Khất Sĩ

BÀI LIÊN QUAN

Thiền quán theo phương pháp Mật Tông – phần 2  ( Thượng tọa Minh Thành dịch , 41457 xem)

Thiền quán theo phương pháp Mật Tông – phần 1  ( Thượng tọa Minh Thành dịch , 11695 xem)

Thiền định Phật giáo Việt Nam  ( Hòa thượng Thích Chơn Thiện , 7458 xem)

Hướng dẫn thực hành thiền  ( Thiền sư Sayadaw U Tejaniya , 105818 xem)

Thở có ý thức là nuôi dưỡng điều lành  ( Tỳ kheo Giác Kiến , 7215 xem)

Thiền là gì?  ( Như Tân , 10052 xem)

Vipassana & Kinh doanh  ( D.B. Gupta - Mỹ Thanh dịch , 7256 xem)

Thiền Trúc Lâm Yên Tử - Dòng thiền Việt Nam  ( Chánh Tấn Tuệ , 36026 xem)

Pháp hành Như Lai thanh tịnh thiền  ( Hòa thượng Giác Ngộ , 33134 xem)

Con người và chức năng khám phá  ( Thể Như , 8276 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 41 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Long (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai)

THÔNG BÁO Khóa tu Truyền thống lần thứ 41 Do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức từ ngày 11/3 - 17/3 năm Ất Tỵ (08 - 14/4/2025) tại Tịnh xá Ngọc Long (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).

Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ