Trang chủ > Phật Học > Phật Pháp
Rải tâm từ
Xem: 7615 . Đăng: 30/10/2014In ấn
Rải tâm từ
Ni sư Khiêm Liên
Thời khóa tu tập Giới - Định - Tuệ bảy ngày gồm có những pháp tu như sổ tức, kinh hành, học Chơn Lý (của Tổ sư Minh Đăng Quang), nghe giảng giáo lý, trình pháp và rải tâm từ. Pháp tu mà con tâm đắc nhất đó là rải tâm từ. Khi thực hành, tâm con cứ dạt dào xúc động, hình ảnh chư Tôn đức trong hệ phái lại hiện lên trong con thật kính thương, thật tôn quý.
Trong thời tu tập cuối của mỗi ngày, hành giả để ra mười lăm phút rải tâm từ – đem công đức tu tập trong ngày của mình để kính dâng lên Thầy Tổ, mẹ cha, để hồi hướng đến chư thiên hộ pháp, tín thí đàn na và tất cả chúng sanh trong bốn loài noãn, thai, thấp, hóa. Đây là cách để vừa đền ơn đáp nghĩa, vừa chia sẻ phần phước do tu tập của mình có được đến với các đối tượng bất hạnh, kém phước duyên trong xã hội. Và cũng để mở rộng từ tâm của chính mình, cho thiện pháp trong ta mỗi ngày thêm tăng trưởng, cho bất thiện pháp mỗi ngày mỗi suy giảm cho đến tiêu vong.
Thực tập trong khóa tu là để sau đó, khi trở về bổn tự, hành giả sẽ áp dụng vào cuộc sống thường nhật của mình, từ lý thuyết đến thực hành. Phải làm cho được những điều mình đã nói, sống cho đúng những điều mình luôn cầu mong, sẵn sàng chia sẻ những hạnh phúc của cá nhân mình cho tất cả những người xung quanh. Có được như vậy thì sự tu tập của chúng ta mới có giá trị thiết thực.
Đạo Phật được mệnh danh là đạo của trí tuệ và từ bi. Người tu mà thiếu hai chất liệu trên thì không đủ tiêu chuẩn để đạt mục tiêu giác ngộ, giải thoát. Sự hiện hữu của đạo Phật trên thế gian này bắt nguồn từ lòng từ bi vô hạn của thái tử Sĩ-đạt-ta. Mặc dầu sống trong cung vàng điện ngọc với bao lạc thú xa hoa, thái tử vẫn cảm nhận sâu sắc về nỗi khổ đau bất tận của kiếp nhân sinh qua bốn tướng sanh, lão, bệnh, tử; cho nên Ngài quyết tâm tìm cho được giải pháp, đưa nhân loại thoát khỏi hiểm họa tử sanh. Tâm từ bi của Ngài quá mãnh liệt, quá lớn lao, lớn hơn cả hạnh phúc ngũ dục mà Ngài đang có. Vì thế Ngài không ngần ngại từ khước ngôi vị đế vương, viễn ly lạc thú trần tục, dấn thân vào núi Tuyết hành Thiền. Suốt sáu năm trời, thái tử đã trải nghiệm tất cả những pháp tu của các giáo phái đương thời, nhưng không có pháp môn nào giải quyết được rốt ráo vấn đề sinh tử. Cuối cùng Ngài đến dưới cây Bồ Đề, ngồi nhập định suốt 49 ngày đêm và đã tìm ra tác nhân, giải pháp chận đứng dòng khổ ưu đã chảy xiết từ vô lượng kiếp. Từ đây, Ngài hoàn toàn giải thoát, tự tại an vui. Với lòng từ bi ấy, Ngài đã dìu dắt bao người hữu duyên, đưa họ ra khỏi mê tân, khổ hải, bước lên bờ giải thoát.
Vào thập niên bốn mươi, đất nước Việt Nam ta đang dưới ách đô hộ của ngoại bang, nhân dân phải chịu biết bao cảnh lầm than tủi nhục. Phật giáo Việt Nam cũng lâm vào tình trạng suy vi biến chất. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đau lòng trước sự suy vong của đạo pháp, Ngài quyết định xây dựng lại nền móng xưa, bằng cách đơn độc thực hành rốt ráo con đường Giới - Định - Tuệ của đức Thế Tôn Thích Ca – con đường tự tu, tự chứng. Qua nhiều suy tư, trăn trở, cuối cùng Ngài đã dõng mãnh thực hành theo pháp môn “Tứ Y Pháp” và thành tựu viên mãn. Từ đó, Ngài quyết định thành lập Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam, đem kinh nghiệm tu chứng của bản thân, hướng dẫn biết bao người hữu duyên, đưa họ lên bờ giải thoát. Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã rải tâm từ như thế đó.
Từ năm 2010, cũng với tâm từ bi đó, chư Tôn đức trong hệ phái Khất Sĩ Việt Nam do Đức Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập, đã đề xướng mở những khóa tu thiền Giới - Định - Tuệ, rất tích cực, rất quy mô, cho toàn thể Tăng Ni Khất Sĩ trên toàn quốc về tu tập với mục đích bồi dưỡng và nâng cao pháp hành, đồng thời cũng tạo cơ may cho đoàn hậu lai được tiếp cận với pháp môn Tứ Niệm Xứ của đức Như Lai, thực hành triệt để pháp môn Giới – Định – Tuệ theo tinh thần Bát Chánh Đạo, đó là con đường duy nhất đưa hành giả vượt khỏi khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn.
Cứ mỗi lần đến giờ tu rải tâm từ, tâm con lại trào dâng cảm xúc, chạnh nghĩ đến các bậc Tôn túc đang hiện diện trên bàn chứng minh. Với cái tuổi đời gần 90 và với bề dày hạ lạp, đáng lý quý Ngài phải được an hưởng chế độ “Niên cao lạp trưởng”, thế mà vì đoàn hậu học, giờ đây quý Ngài phải có mặt trong mỗi khóa tu, để cùng thiền sinh hành thiền trong suốt những giờ tu tập, làm gương tinh tấn cho các môn sinh và triển khai chân lý uyên áo của Tổ Thầy cho thiền sinh am hiểu, tháo gỡ những vấn đề mà thiền sinh đang vướng mắc, mặc cho sức kiệt hơi cùng, lưng đau gối mỏi như vua Trần Thái Tông đã miêu tả về tướng già: “Đứng ngồi khó nhọc, co duỗi đau ê. Tướng thì má cóp hình khô, ăn thì hết nghẹn lại vướng” v.v... Ôi! Thật xúc động làm sao, hành giả chúng con thì rải tâm từ bằng cầu nguyện, còn quý Ngài thì “xăn tay áo lên” để thực hiện từ tâm – Nói đâu làm đó, nói sao làm vậy.
Tổ chức cho được một khóa tu có bài bản đâu phải là chuyện dễ. Phải là người có đủ đức, đủ tài,… phải giảng trạch như thế nào cho hàng xuất gia ý thức được rằng: Giới – Định – Tuệ là món ăn nuôi lớn thân tuệ mạng, là nhu cầu thiết yếu cho tâm linh cũng như thực phẩm là nhu cầu thiết yếu cho thân tứ đại, để cho họ hoan hỷ hưởng ứng, nỗ lực thực hành. Với hàng cư sĩ tại gia, phải nói sao cho có sức thuyết phục cao, để họ phát tín tâm cúng dường tứ sự cho khóa tu. Về cơ sở vật chất như thiền đường, thiền xá, trai đường, khu nhà trù, khu sinh hoạt, mỗi mỗi phải thích hợp, đơn giản mà tiện nghi. Phải biết điều phối đúng người đúng việc cho từng phân ban để mọi việc được đồng bộ, trôi chảy nhịp nhàng. Cuối cùng là khâu đoàn kết. Phải là người có đức mới tập hợp được mọi thành phần, mới dung chứa được mọi căn cơ. Ca dao Việt Nam có câu: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Hồ Chủ Tịch cũng nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”.
Hình ảnh Bồ-tát Quán Thế Âm: “Nghìn tay bủa khắp tứ phương, nghìn mắt nhìn suốt mọi đường trần gian” để mà “ban vui cứu khổ” cho sanh linh. Với sức mạnh đoàn kết, chúng ta cũng sẽ có nghìn cặp mắt trí tuệ, nghìn cánh tay từ bi để “Biến ước mơ thành hiện thực”. Cách thức rải từ tâm của chư Tôn đức không chỉ là cầu nguyện suông, mà dốc hết tài lực và sức lực của mình để phục vụ cho mọi người, tận tay trao tặng niềm hỷ lạc của mình cho đoàn hậu học, với tâm nguyện thế hệ mai sau sẽ thay mình nối bước cha ông, đem thương yêu và hiểu biết ban rải khắp mọi nơi để nhân loại và chư thiên đều được an vui hạnh phúc.
Xin kính cẩn dâng lên quý Ngài niềm cảm nghĩ chân thành của chúng con. Cầu hồng ân Tam bảo gia hộ quý Ngài tuổi thọ dài lâu, để ánh sáng trí tuệ quý Ngài chiếu sáng mãi trên lộ trình tu học của chúng con, cam lồ từ bi của quý Ngài nhuận thắm cuộc sống bé nhỏ của chúng con, cho đời sống xuất gia của chúng con có ý nghĩa đích thực để chúng con đủ duyên lành thể hiện hạnh nguyện tự lợi, lợi tha, tự giác, giác tha viên mãn.
Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát tác đại chứng minh.
Long Khánh ngày 05 /12/2012
BÀI LIÊN QUAN
Những giáo lý căn bản của Hệ phái Khất sĩ ( Thượng tọa Giác Nhân , 6951 xem)
Tư tưởng hoa sen trong bộ Chơn Lý ( Tỳ kheo Minh Lợi , 15080 xem)
Doanh nhân theo Phật giáo ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 9101 xem)
Bốn Chân Lý cao quý ( Đức Đạt Lai Lạt Ma - Tuệ Uyển dịch , 4976 xem)
Tuyển tập các bài viết về Luân Hồi Nhân Quả ( Nhiều tác giả , 8849 xem)
Phật pháp trong đời sống ( Tâm Diệu , 4761 xem)
Tám ngọn gió đời ( Quảng Tánh , 8138 xem)
Tinh thần giải thoát trong giáo lý Phật Đà ( Hòa thượng Thích Thanh Từ , 6467 xem)
Ý nghĩa giác ngộ trong đạo Phật ( Hòa thượng Thích Thanh Từ , 5297 xem)
Xuất gia như thế là đúng hay sai? ( TỔ TƯ VẤN , 4908 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam
Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ