Trang chủ > Phật Học > Phật Pháp

Phát Tâm Thiên và Viên

Tác giả: Liên Hạnh.  
Xem: 10389 . Đăng: 12/05/2014In ấn

Phát Tâm Thiên và Viên

 

Liên Hạnh - TX Ngọc Tuệ - Long Thành

 

A. Dẫn nhập

Trong cuộc đời tu hành, ai ai cũng có những thuận duyên để tiến triển tốt hơn, đồng thời những nghịch duyên thì cũng khó mà tránh khỏi. Nếu biết vượt qua chính mình, khắc phục những khó khăn thì mọi ma chướng đều tiêu tan mà thay vào đó là sức kiên định vững vàng, thẳng tiến trên con đường mà mình đã chọn. Muốn có được sức mạnh ấy điều tiên quyết là phải có tâm Bồ đề dõng mãnh, muốn có tâm Bồ đề dõng mãnh cần phải lập nguyện kiên cố, phát Bồ đề tâm mạnh mẽ. Bồ đề tâm vừa làm nền tảng, vừa là một dấu ấn không phai mờ và cũng là hành trang trên bước đường thành công của chúng ta sau này.

Trong bài văn Khuyến Phát Bồ đề tâm do ngài Thật Hiền soạn có dạy về tám loại phát tâm: Tà, Chánh, Chân, Nguỵ, Đại, Tiểu, Thiên, Viên. Trong đó khi nghe giảng về loại phát tâm Thiên và Viên, chúng con có một số cảm nghĩ từ cuộc đời tu hành của bản thân và của những người chung quanh. Chúng con kính xin trình bày kiến giải hạn hẹp của mình lên Giáo thọ sư liễu tri và chỉ dạy cho chúng con để sửa đổi, hoàn thiện hơn và bổ sung khiếm khuyết của mình.

B. Nội dung

Theo Phật Quang Đại Từ điển thì Bồ đề tâm là tâm hướng về giác ngộ, tâm an trú trong giác ngộ, tâm của sự giác ngộ. Đây là một trong những thuật ngữ quan trọng của Đại thừa. Theo cách định nghĩa của Phật giáo Tây Tạng thì Bồ đề tâm có hai dạng, tương đối và tuyệt đối.

1. Bồ đề tâm tương đối lại được chia làm hai cấp bậc:

- Xuất phát từ lòng từ bi, hành giả quyết tâm giải thoát để cứu độ chúng sinh.

- Hành giả hành trì thiền định, mục đích đạt được phương tiện thiện xảo, để biến ước mơ thành hiện thực.

2. Bồ đề tâm tuyệt đối chính là sự chứng ngộ được tánh Không của mọi hiện tượng. Đó là một dấu hiệu chứng tỏ rằng, hành giả đã bắt đầu bước vào cấp Kiến đạo của Ngũ đạo, đã trở thành một Thánh nhân và từ lúc này trở đi, mỗi khi hành giả trực nhận được tính Không thì tâm thức nội tại lúc ấy của họ chính là Bồ đề tâm tuyệt đối.

Trong Khuyến Phát Bồ Đề Tâm Văn, Ngài Thật Hiền lại phân tích thành tám tướng trạng khác nhau, trong đó phát tâm Thiên và Viên, Ngài trình bày như sau đây:

Nếu ngoài tâm thấy có chúng sanh mình nguyện độ, có Phật đạo nguyện thành, công phu không xả, thấy biết không tiêu mất, phát tâm như vậy gọi là thiên. Nếu biết tự tánh là chúng sanh nên nguyện độ thoát, tự tánh là Phật đạo nên nguyện viên thành, không thấy một pháp nào lìa tâm mà riêng có, lấy cái tâm hư không phát cái nguyện như hư không, làm cái hạnh như hư không, chứng cái quả hư không, cũng không có cái tướng hư không có thể đắc được, phát tâm như vậy gọi là viên.

Qua đoạn văn trên ta thấy Đại Sư thật có cái nhìn sâu rộng về việc phát tâm Bồ đề. Tuy nhiên về mặt tính chất của việc phát tâm có viên mãn chưa, hay vẫn còn thiếu sót là vấn đề quan trọng.

Để hiểu được điều đó ta cần phân tích rõ thêm:

I. Phát tâm Thiên

1. Ngoài tâm có chúng sanh để độ:

Vấn đề này các bậc tiền bối đã dạy rất kỹ, cụ thể trong Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Sám Hối, Lục Tổ có dạy:

“Chư Thiện tri thức, chúng sanh trong tâm mình tức là: Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ganh ghét, lòng ác độc. Các tâm này đều gọi là chúng sanh. Mỗi người phải dùng tánh mình mà độ lấy mình, mới gọi là thiệt độ. Cả thảy phiền não chẳng xiết kể đều thề nguyền dứt bỏ, nghĩa là đem Trí Bát Nhã của tánh mình mà dứt bỏ lòng nghĩ tưởng giả dối. Thế mới gọi là thiệt học”.

Quả thật như vậy, nếu chúng ta chỉ thấy bên ngoài có nhiều chúng sanh để độ mà không tự xét lại trong tâm mình có biết bao phiền não xấu xa, những tánh xấu đã huân tập từ bao đời kiếp, nhưng ta đã độ được chưa? Đừng mong sửa đổi người khi mình chưa thật sự toàn hảo. Đừng nhìn thấy lỗi người vì khi đó, mình đã có lỗi trước tiên. Do đó, điều mà mỗi người chúng ta cần làm là tự gạn lọc tâm ý cho trong sạch, sửa đổi những tật xấu xa ô uế trong tâm. Điều này thực hiện được khi ta chuyên chú vào thiền định, bởi vì thân an thì tâm mới an, thân ngừng hoạt động thì tâm mới định tĩnh, không còn xao động nữa.

Ngay cả đức Toàn Giác của chúng ta, trước kia khi Ngài đã chứng đến Phi tưởng Phi phi tưởng xứ rồi, mà Ngài còn chưa thoả mãn, chưa ra tay cứu người độ đời, huống hồ chúng ta ngày nay tâm ý còn lao xao như vượn chuyền cành, như ngựa chạy rông mà chỉ thấy chung quanh là những chúng sanh đang đau khổ, đầy dẫy lỗi lầm và cần mình ra tay cứu giúp. Nếu chúng ta đã thực sự giác ngộ hoặc chứng đắc một phần nào đó, với tâm nguyện độ tha, cứu giúp chúng sanh bằng nhiệt tâm của mình thì đấy là điều tốt đẹp thay, bằng ngược lại chẳng khác nào như những người chưa biết bơi mà lại cứu người chết đuối thì chúng ta vẫn tiếp tục đau khổ, trôi lăn trong sanh tử như bao chúng sanh khác. Mỗi người tu hành cần phải có trí tuệ để tự nhận thức việc nào cần làm trước, việc nào tuần tự làm sau thì việc lớn của đời người mới có thể thành tựu. Ba đời chư Phật đều theo quy trình ấy, đó là tự giác, giác tha sau đó mới có thể giác hạnh viên mãn. Các chúng sanh phiền não trong tâm mình còn chưa độ được thì làm sao các phiền não của những chúng sanh khác ta có thể hoá giải?

Chúng ta nên biết rằng muôn pháp đều do tâm dẫn đầu. Nếu tâm chúng ta còn phiền não thì nhìn những phiền não bên ngoài ta sẽ cảm thấy khó chịu, bực bội, từ đó một phiền não mới nữa tiếp tục phát sanh, rồi chúng ta truyền cái phiền não của mình cho người khác, trút cái giận của mình cho người khác, người ấy nếu không tu tập thì cũng sân giận lên và tiếp tục tạo thêm một phiền não nữa. Thế đó, vòng vòng loanh quanh rốt cục ai ai rồi cũng phiền não. Do đó, muốn cứu độ chúng sanh trước tiên cần tự độ lấy chính mình. Ngoài tâm không có chúng sanh nào để độ cả. Khi ta đã độ tất cả chúng sanh trong tâm và đắc đạo rồi thì việc hoá độ chúng sanh bên ngoài đơn giản như người đã tốt nghiệp đại học mà dạy lại cho các em học tiểu học vậy. Nếu ta cũng học tiểu học thì làm sao ta có thể đứng lớp giảng dạy những người ngang bằng mình được? Trong tâm ta còn biết bao cấu uế, nhơ bẩn thì làm sao ta có thể thành tựu được tâm nguyện rộng lớn là cứu vớt tất cả chúng sanh? Mải mê cho rằng độ chúng sanh thì sẽ được công đức, công phu không xả, tâm niệm thường chấp trước, thấy biết không tiêu mất, tà tri tà kiến như vậy làm sao ta có thể làm được việc đại sự đây?

Đó là hiểu biết sai lầm, thiên lệch của người phát tâm Bồ đề mà chưa hiểu rõ phiền não của tự tánh, chưa lau sạch được bụi mờ trong tâm mình mà chỉ tìm cầu bên ngoài vậy.

2. Ngoài tâm có Phật đạo để thành

Cũng trong Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Sám Hối, Lục Tổ dạy chúng rằng:

“Chúng sanh không giới hạn trong tâm mình đều thề nguyền hoá độ.

Cả thảy các điều phiền não chẳng xiết kể trong tâm mình đều thề nguyền dứt bỏ.

Cả thảy các pháp môn kể không hết trong tánh mình đều thề nguyền học cả.

Đạo Phật cao hơn hết trong tánh mình thề nguyền tu đến thành công”.

Đạo Phật cao hơn hết thề nguyền tu đến thành công, nghĩa là đã thường hạ cái tâm, làm việc chơn thành, lìa mê lìa giác, thường sanh Bát Nhã, bỏ chơn trừ vọng, tức khắc thấy tánh Phật. Như vậy đấy, tỉnh cơn mê thì bờ giác liền xuất hiện, ngay cả những tên giết người, tội lỗi vô số mà còn có thể “phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật” thì huống hồ chúng ta, cần nỗ lực tu tập nhiều hơn thì sẽ thành tựu, đừng tìm cầu Phật bên ngoài để có thể thành tựu. Khi xưa kia, Thiền sư Mã Tổ miệt mài ngồi thiền mong cầu làm Phật, còn bị Thiền sư Hoài Nhượng nhắc nhở ngồi thiền không thể thành Phật được, cũng giống như mài gạch không thể nào thành gương. Lúc nào cũng nghĩ ngồi thiền để đắc một cái gì đó gọi là “Phật” thì thật là phí thời gian lắm vậy. Thiền sư Hoài Nhượng dạy rằng:

“Nếu học toạ thiền thì Thiền không dính chi đến việc nằm ngồi. Nếu học toạ Phật thì Phật vốn chẳng có hình tướng nhất định. Cái pháp vô trụ, không nên buông bắt. Nếu chấp cái tướng ngồi thì không đạt được cái lẽ đó”.

Đấy là những kiến giải của người viết về Thiên, tức là yếu tố lệch lạc, sai lầm của người phát tâm Bồ đề mà chưa hiểu rõ được tự tánh của mình. Còn thế nào gọi là Viên?

II. Phát tâm Viên

1. Độ chúng sanh phiền não trong tâm

Trước khi muốn hiểu rõ tự tánh của mình, cần biết rõ con người sinh ra không ai lại không thoát khỏi phiền não, vậy phiền não là gì?

Các phiền não thuộc về Ác nghiệp được chia làm 2 loại là Căn bản phiền não và Tuỳ phiền não. Căn bản phiền não gồm 6 món là Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác kiến. Tuỳ phiền não gồm 20 món được chia làm 3 thứ là 10 thứ Tiểu tuỳ, 2 thứ Trung tuỳ và 8 thứ Đại tuỳ. Khi trừ được tất cả phiền não ấy, tâm không còn loạn động, bất an mà luôn an trú trong các đề mục thiền định, luôn chánh niệm tỉnh giác, quán sát 12 nhân duyên cho thấu đáo, lần lượt chứng các tầng thiền rồi đi đến giác ngộ hoàn toàn, tức là thành Phật.

Ngay như ngài Thần Tú ở chùa Đông Thiên, huyện Huỳnh Mai, xứ Kỳ Châu do Ngũ Tổ chủ trì giáo hoá được toàn thể Đại chúng ủng hộ và kính trọng qua cuộc đời tu tập miên mật, công phu trau dồi và càng kính trọng hơn qua bài thơ thể hiện sự ngộ đạo của mình được Sư phụ dạy toàn thể đại chúng phải học thuộc lòng. Đại ý bài kệ là dạy mình cần tu tập miên mật, tỉnh giác trong mọi lúc, luôn giữ sạch tâm ý như việc lau gương, gương có lau chùi hằng ngày thì mới sáng đẹp, hình mới rõ ràng, tâm có giữ trong sạch thì các pháp thiện lành từ đấy mà xuất hiện. Vậy mà sự chứng ngộ của ngài Huệ Năng còn cao hơn thế nữa, ngài cho rằng không có gương, cũng chẳng có tâm thì bụi trần lấy đâu mà dính vào. Cũng vậy, không có chúng sanh cũng không có Phật thì phải độ ai, thành cái gì đây mà suốt ngày ta cứ tìm cầu?

2. Tự tánh thành Phật

Muốn thành Phật trước tiên cần qua các giai đoạn, đó là bốn thánh quả, cũng giống như muốn lên các lầu cao thì phải bắt đầu từ lầu một vậy. Các thánh quả ấy lần lượt như sau: Sơ quả Tu đà hoàn, Nhị quả Tư đà hàm, Tam quả A na hàm, Tứ quả A la hán. Vị A la hán tự tại phi thường, tuổi thọ vượt hơn người bình thường, không còn bị cuốn vào luân hồi sinh tử nữa, muốn viên tịch lúc nào cũng được. Sự vĩ đại của một bậc A la hán thì không một ngôn từ nào có thể diễn tả được. Mỗi người chỉ tuỳ theo nhân duyên và trí tuệ của riêng mình để hiểu một phần nho nhỏ nào đó mà thôi.

Từ A la hán tu tập đến một giai đoạn nhất định nào đó rồi sẽ hoàn toàn giác ngộ để trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, nhưng tất cả đều là tiến trình diễn ra trong tâm thức, không thể nằm ngoài tâm mà thành tựu. Do đó, tự tánh là chúng sanh nên nguyện độ thoát, tự tánh là Phật đạo nên nguyện viên thành. Đồng thời còn phải hiểu “không thấy một pháp nào lìa tâm mà riêng có, lấy cái tâm hư không phát cái nguyện như hư không, làm cái hạnh như hư không, chứng cái quả hư không, cũng không có cái tướng hư không có thể đắc được” có ý nghĩa như thế nào?

Hoà thượng Tuyên Hoá giải thích rằng: Không có pháp nào mà có thể chấp trước, cho nên chúng ta không nên sanh ra pháp chấp nào. Nếu cảm thấy có pháp để học, thì đó là ngoài tâm học pháp, ngoài tâm cầu pháp, đó là ngoại đạo. Vậy thì phải như thế nào ? Cần phải giống như hư không, phát nguyện rộng lớn như hư không, lập các hạnh nguyện của mình cũng phải như hư không. Chứng đắc quả vị rộng lớn như hư không nhưng vẫn không chấp trước, không chấp trước hư không có tướng gì. Nếu chấp trước có một tướng tồn tại thì đã là chấp trước. Được như vậy tức là cách phát tâm Viên mãn, tròn đủ.

Còn đây là lời dạy của Thiền sư nổi tiếng Thái Lan, ngài Ajahn Chah:

“Yếu chỉ của việc tu hành rất là giản dị, không cần phải giải nghĩa dài dòng. Buông xả mọi điều yêu và ghét, mọi sự vật thế nào thì chỉ coi chúng như vậy. Đó là tất cả kinh nghiệm của bản thân tôi. Đừng cố để ‘trở thành’ một cái gì. Đừng biến đổi mình thành một cái gì. Đừng coi mình như một người đang hành Thiền. Đừng muốn trở thành người giác ngộ. Khi ngồi, chỉ biết ngồi, khi đi chỉ biết đi. Không bám chấp vào bất cứ gì. Không chống chọi lại bất cứ gì”.

Thế đó, cho dù là tư tưởng Nam tông hay Bắc tông, phương pháp tu tập dù có đôi chút khác biệt nhưng vẫn theo một trình tự trong tiến trình chuyển hoá tâm thức chứ không phải từ bên ngoài có thể đạt được. Không ngoài ý nghĩa đó, câu kệ thứ 26 trong Chứng Đạo Ca của ngài Huyền Giác cũng đã nêu lên cái sai lầm thiên lệch khi tìm cầu những cái bên ngoài vậy:

Bất cầu chân, bất đoạn vọng,

Liễu tri nhị pháp không vô tướng.

Vô tướng vô không vô bất không,

Tức thị Như Lai chân thực tướng.

Tức là:

Không cầu chân, chẳng dứt vọng,

Mới hay chân vọng không chẳng tướng.

Chẳng tướng, chẳng không, không chẳng không,

Ấy mới Như Lai chân thực tướng.

Qua bài kệ trên ta thấy rằng ngay cả “vọng” mà các ngài còn không muốn dứt nữa, huống chi là cầu “chân”. Chân cũng không, vọng cũng không bởi vì tánh vốn không, tướng vốn không. Cái không đó cũng không, mà cái không không đó cũng không. Nếu tánh đã không, tướng đã không, tất cả vốn là không thì còn tìm cầu chúng sanh ở đâu để độ, tìm cầu Phật ở đâu để thành? Thế đó, vậy mà chúng ta ngày nay chỉ vì mải mê tìm cầu cái “có” mà chạy lăng xăng chỗ này chỗ nọ, người thế gian thì tìm cầu vật chất để nuôi dưỡng xác thân cho mập mạp, phè phỡn, đẹp xinh; người học đạo lại đi chạy Đông chạy Tây để tìm cầu pháp thượng thừa, bậc chân tu thạc đức để mong nhận được cái gọi là Pháp Thành Phật! Sao chẳng biết quay trở lại Chơn tâm Bổn tánh của mình mà tìm, tất cả vốn sẵn trong ấy đấy thôi!

C. Kết luận

Hiểu một cách sâu sắc Phật tánh của mình vốn ở trong Chơn tâm hằng hiện hữu như vậy ta cần phải phát tâm rộng lớn mạnh mẽ hơn là độ tất cả chúng sanh phiền não trong tự tánh, thành tựu Phật quả trong tự tánh, như vậy việc phát tâm của ta mới được thành tựu viên mãn.

 

BÀI LIÊN QUAN

Tiếng chuông tỉnh thức  ( Tịnh Tùng , 6578 xem)

Phát Tâm Hư Nguỵ  ( Liên Minh , 6704 xem)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC


NI TRƯỞNG HUỲNH LIÊN
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên
  • Thích Nữ Huỳnh Liên

 

Nguyện xin hiến trọn đời mình

Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương

 

THẬP ĐẠI ĐỆ TỬ
  • Thích Nữ Bạch Liên
  • Thích Nữ Thanh Liên
  • Thích Nữ Kim Liên
  • Thích Nữ Ngân Liên
  • Thích Nữ Chơn Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Quảng Liên
  • Thích Nữ Tạng Liên
  • Thích Nữ Trí Liên
  • Thích Nữ Đức Liên
  • Thích Nữ Thiện Liên
THÔNG BÁO

Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam

Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.

Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)

Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức

Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu

Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến

Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày

VIDEO HÔM NAY

Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO

Pháp âm MP3

  • 0 - Lời Mở Đầu
  • 01 - Võ Trụ Quan
  • 02 - Ngũ Uẩn
  • 03 - Lục Căn
  • 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên

LỊCH VIỆT NAM

THỐNG KÊ