Trang chủ > Phật Học > Phật Pháp
Lời Phật dạy - Quyển I - Chương hai: Quả báo thiện ác
Xem: 5801 . Đăng: 17/04/2021In ấn
Lời Phật dạy - Quyển I
Dịch giả: Tuệ Liên
Chương hai
Quả báo thiện ác
La hán gặp nạn
Xưa kia, ở nước Kế Tân Tây Vực, có một vị cao Tăng tên là Ly Việt, ở trong hang động trên một đỉnh núi tu hành, công phu thiền định rất chuyên cần, chứng đắc quả A la hán. Tuy Ngài đã chứng Thánh quả, nhưng vẫn tinh cần tu trì không ngừng, thời gian ngủ nghỉ rất ít. Vào một ngày nọ, có chút thời gian rỗi rảnh, Ngài mới dọn dẹp những vật linh tinh trong hang động. Ngài nhìn thấy tấm y mà mình thường mặc, trải qua thời gian lâu dài, màu xám tro đã dần dần biến thành màu bạc trắng, bèn đi vào trong núi, hái một số rễ cỏ và vỏ cây để làm thuốc nhuộm lại tấm y đó. Bỏ tấm y trong nồi thuốc nhuộm thì lạ thay tấm y mà Ngài đang nhuộm trong nồi lại biến thành một tấm da trâu, nước nhuộm trong nồi đang đen như mực bỗng biến thành nước đỏ như máu và những rễ cỏ vỏ cây lại biến thành từng miếng thịt trâu. Quái dị hơn nữa là mùi thịt trâu lại bốc lên từ trong nồi thuốc nhuộm.
Ly Việt đang lúc kinh ngạc, thì đúng lúc ấy một người nông phu chạy đến, nhìn thấy thịt trâu và da trâu trong nồi, bèn giận dữ hét lớn:
- A! Ông thật là to gan, hôm nay khai sát giới, giết trâu cày của tôi. Buổi sáng tôi cột con trâu này ở bên rừng ăn cỏ, không bao lâu thì thấy mất trâu, tôi tìm khắp nơi mà tìm không ra, thì ra chính là ông, một kẻ xuất gia đã ăn trộm con trâu lại giết ăn, may mà có cơn gió thổi mùi thịt trâu vào mũi của tôi nên tôi mới tìm được đến đây. Bây giờ ông còn lời gì để nói không? Đi ! đi ! đi theo tôi đến chỗ nhà vua.
Người nông phu nóng giận này không để cho Ly Việt phân trần, kéo Ngài đến chỗ quốc vương. Người nông phu kể hết cho quốc vương câu chuyện đã xảy ra như vậy, quốc vương hỏi Ly Việt có gì để biện bạch, nhưng chứng cớ đã rành rành như vậy thì còn nói được gì? Vì thế, Ly Việt bị vua phán 12 năm tù.
Trong thời gian 12 năm này, La hán Ly Việt ban ngày thì làm những công việc dọn dẹp, quét dọn nhà lao và chùi rửa nhà vệ sinh cho sạch sẽ, ban đêm lại dụng công ngồi thiền, không bao giờ nằm xuống. Sự từ bi và nhẫn nhục của Ngài đã làm rất nhiều cai ngục và lính vô cùng cảm động.
Thời kỳ 12 năm tù đã mãn hạn, những người đệ tử tham thiền trong núi xưa kia đều không hẹn mà cùng nhớ đến người thầy trong núi. Mỗi người đều vận dụng thần thông quan sát mới biết sư phụ bị 12 năm hàm oan. Mọi người đều bay đến hoàng cung, ở trên không trung đánh lên tiếng trống pháp kêu oan cho sư phụ. Lúc này vua biết được vô cùng kinh ngạc, tự mình đến nhà giam tha cho La hán Ly Việt. Lúc này Ly Việt râu đã bạc, tóc đã dài, nhưng khi Ngài bước chân đi ra khỏi cửa của nhà giam, tự nhiên râu tóc tự động rụng xuống, và Ngài bay trên hư không, biến ra vô lượng hoá thân, mỗi hoá thân lại phóng hào quang lớn. Thái độ an nhiên của Ngài không giống như người mới ra khỏi nhà giam. Lúc đó, các vị La hán khác muốn trừng phạt nhà vua xử lý công việc không sáng suốt. Nhưng Ly Việt ngăn lại nói:
- Các con không được làm như vậy, đây là nghiệp chướng của ta, không nên oán trách người. Trong một kiếp quá khứ ta là người nông phu, có lần bị mất con trâu, ta vào trong núi kiếm tìm, nhưng tìm không ra. Trong núi gặp một vị xuất gia tu hành, ta không biết ất giáp gì lại nghi ngờ cho Ngài ăn trộm. Trong 12 giờ của ngày đó, trong tâm của ta lúc nào cũng khởi lên vọng niệm là muốn đuổi Ngài ra khỏi núi, bắt Ngài giao cho quốc vương giam vào ngục. Vì thế, ta đã tạo nên nghiệp, kiếp này phải chịu 12 năm hàm oan trong ngục. Giống như mượn tiền vậy, thời gian càng dài, lợi tức càng cao, quả báo của ta phải hoàn trả gấp hơn tám ngàn lần. Ta không oán hận người khác, chỉ hận mình xưa kia tại sao làm những việc bất lợi cho người, mà không phát thiện tâm, bố thí cho người, mà còn trách móc người tu hành.
(Ly Việt bị phỉ báng - Tạp Bảo tạng kinh)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Đọc câu chuyện của La hán Ly Việt, mọi người đều giác ngộ một cách sâu sắc, hiểu rõ đạo lý nhân quả không sai. Bất luận là ai, cũng không thể thoát khỏi nhân quả. Từ việc làm thiện hoặc làm ác cho đến lúc nhận chịu quả báo, thời gian có nhanh có chậm. Nhanh thì kiếp này nhận quả báo; chậm thì kiếp trước tạo nhân, kiếp này mới nhận quả báo, hoặc kiếp này tạo nhân kiếp sau mới lãnh thọ quả báo.
Phi lễ với thiếu nữ
Có tôn giả Ca Da là anh em chú bác với đức Phật. Một hôm Ngài trên toà sen kể cho mọi người nghe những quả báo khổ đau mà Ngài đã chịu ở nhiều kiếp trước:
- Ta ở thời quá khứ là một người thương nhân nhỏ, bán các loại nhang. Lúc đó vì thường thân cận các bậc đại đức nên cũng hiểu sơ về đạo lý Phật giáo, biết lễ kính Tam bảo, biết siêng năng tu tập các công đức lành, đương nhiên cũng hiểu rõ quả báo thiện ác. Vì chỗ ở của ta ở gần đạo trường, nên làm nghề bán nhang, bán đủ các thứ nhang thơm. Sau đó nhang của ta nổi tiếng, bất luận là xa xôi đến đâu cũng tìm đến ta mua nhang nên việc buôn bán của ta rất phát đạt. Tuy cuộc sống rất an ổn, nhưng những tập khí đời thường không thể hoàn toàn đoạn trừ, dục vọng hồng trần vẫn thường xao động trong tâm. Sự dụ dỗ của ngoại cảnh bên ngoài ta không dằn được nên đã phạm tội.
Một ngày nọ có một thiếu nữ đến quán ta mua nhang. Cô này rất xinh đẹp, còn mặc y phục hoa lệ cho nên càng nhìn càng cảm thấy dễ thương. Cô ta vô tâm giao tiếp nói chuyện với ta, mà ta trong lúc dâm niệm nổi lên đã đưa bàn tay vô lễ của ta nắm lấy cánh tay tôn quý của cô. Lúc đó cô ta nhìn thấy ta phi lễ như vậy lập tức nghiêm nét mặt nói ta không thể xâm phạm cô như vậy. May mà ta có một niệm sám hối lập tức rút cánh tay lại, nhưng đã quá muộn, chính vì vọng niệm nhất thời sanh khởi mà tội nghiệp đã thành lập sau khi mạng chung, lập tức đoạ vào địa ngục thiêu tay chịu khổ.
Khi ở trong địa ngục thiêu tay chịu khổ, có lẽ khi ta còn sống từng nghe Phật pháp, biết sám hối, nên trong lúc đau khổ ta bèn phát nguyện sám hối. Sau đó lửa tắt đi, quả báo trong địa ngục cũng hết, ta được sanh vào trong cõi người. Tuy may mắn được sanh vào trong cõi người, nhưng tay phải thường giống như cây khô vậy, máu huyết không thể lưu thông, mỗi khi động niệm thì cánh tay đau nhức, làm việc gì đều cảm thấy đau khổ không chịu được. Ta đã từng mời rất nhiều danh y đến chữa trị, uống thuốc, nhưng không một chút hiệu quả, thật là quá đau khổ. Sự đau khổ này trải qua nhiều đời nhiều kiếp, sau đó lại gặp đức Phật ra đời mới đến trước Phật xin Ngài cứu độ và xuất gia làm sa môn, chứng đắc quả A la hán, được Niết bàn thanh tịnh giải thoát.
(Phẩm Ca Da – Kinh Phật ngũ bách đệ tử tự thuyết bổn khởi)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Người ta thường nói “no ấm thì nghĩ đến sự dâm dục, đói khát cơ hàn thì khởi lên tâm trộm”, tà dâm là một loại dục vọng chấp trước của nhân loại, hành vi xấu ác phi lễ với thiếu nữ khiến cho tôn giả gặp phải quả báo đau khổ. Làm người cũng vậy, không nên khởi lên tà niệm, mà thường khởi thiện niệm, làm việc thiện lành, đó là chánh đạo ở nhân gian.
Hành thiện thoát nạn
Xưa có một người nhà giàu tên là Tiên Thán, tin phụng Tam Bảo, thông hiểu giáo điển. Tiên Thán nghĩ: “Con người ở thế gian này không ai tránh khỏi có lúc nhức đầu, nóng lạnh, cảm mạo… Ta nên mua thuốc để bố thí làm phước cho người, trị bệnh cho họ, quan tâm đến sức khoẻ của họ”. Vì thế ông bèn kiếm các thứ thuốc danh quý, mỗi ngày ở chợ bố thí cho những người bệnh hoạn. Thời gian kéo dài, tài sản của Tiên Thán dần dần kiệt quệ, nhưng ông ta vẫn đi kiếm thuốc cho bệnh nhân. Bệnh nhân lành bệnh còn Tiên Thán thì nợ một số tiền rất lớn, cuộc sống đói khổ, quẫn bách.
Lúc đó, có một số thương nhân kết bạn lên thuyền ra biển tìm kiếm ngọc ngà châu báu, Tiên Thán cũng muốn thử vận may, mượn một số tiền cùng đi với đoàn thương nhân ra biển tìm châu ngọc. Trải khó khăn gian khổ nỗ lực tìm kiếm, họ đã kiếm được rất nhiều báu vật, vì thế vui mừng lên thuyền trở về nước. Những người thương nhân đó để ý đến trong số báu vật của Tiên Thán có một hạt ngọc trai trắng rất lớn, lóng lánh tuyệt với, thật là một báu vật hiếm có trên đời. Trong tâm của họ vừa hâm mộ, vừa đố kỵ nên sinh lòng xấu. Họ nhìn thấy Tiên Thán đang cúi mình trên giếng múc nước uống, thật là một cơ hội đoạt tài hại mệnh, bèn cùng nhau xông đến xô Tiên Thán vào trong miệng giếng.
Do Tiên Thán bình thường làm rất nhiều việc thiện lành, cho nên đã cảm động đến trời đất, vì thế trong lúc nguy hiểm bị xô vào giếng thì Tiên Thán được chư thiên ở dưới miệng giếng đỡ lấy khiến cho bình an vô sự, thân thể của ông không bị tổn thương tí nào. Tiên Thán được chư thiên cứu sống, nhìn thấy dưới vách giếng có một đường hầm nhỏ, liền theo đó trèo lên miệng giếng. Sau đó trải qua bảy ngày trèo non lội suối, cuối cùng trở về đến đất nước của mình. Nhà vua nhìn thấy Tiên Thán hỏi:
- Cùng ra biển tìm châu ngọc, những người thương nhân kia đều đầy túi trở về còn ngươi tại sao lại không kiếm được món gì?
Tiên Thán than rằng:
- Tôi không có phát hiện được vật báu nên chỉ đành tay không trở về.
Quốc vương nghe rồi khởi lên lòng nghi ngờ nghĩ thầm: “Đây ắt phải có duyên cớ gì”. Nhà vua bèn ra lệnh tìm những người thương nhân đó vào triều hỏi:
- Báu vật của Tiên Thán đi đâu rồi? Các ngươi phải thành thật thú tội mới hy vọng sống còn, nếu dối gạt chỉ có con đường chết.
Đoàn thương nhân sợ hãi, bèn khai ra sự thật. Sau khi biết được chân tướng, nhà vua vô cùng giận dữ, bèn ra lệnh nhốt tất cả vào trong ngục, chuẩn bị chém đầu. Tiên Thán nghe tin, lập tức chạy vào hoàng cung, khấu đầu xin nhà vua tha tội cho đám thương nhân. Qua nhiều lần khẩn cầu của Tiên Thán, nhà vua mới tha tội cho đám thương nhân, và ra lệnh phải trả lại báu vật cho Tiên Thán. Đoàn thương nhân vô cùng cám ơn Tiên Thán đã không nhớ tội của mình mà còn xin vua tha thứ, nên chọn báu vật quý nhất của mình tặng cho Tiên Thán. Tiên Thán chỉ nhận một nửa, đoàn thương nhân nói:
- Không có ông, tính mạng của chúng tôi không thể bảo toàn, xin ông thu nhận hết những lễ vật của chúng tôi.
Tiên Thán bèn thu nhận những báu vật này, dùng nó trả xong nợ cho nhà vua, phần còn dư thì bố thí cho dân chúng.
Dân chúng nghe được chuyện này đều hết lòng khen ngợi, kính phục phẩm đức cao thượng Tiên Thán.
(Tiên Thán lị gia bổn sanh – Lục độ tập kinh)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Thế sự vô thường, sanh mạng không thể vĩnh viễn còn hoài, tài sản không biết lúc nào lìa bỏ chúng ta ra đi; chỉ có làm nhiều việc thiện lành, tích chứa công đức mới thật sự có ích lợi. Người ta thường nói: làm một việc tốt thì dễ dàng, khó là suốt một cuộc đời làm việc tốt, nhưng mà Tiên Thán đã làm được như vậy. Và cũng chính những hành vi cử chỉ thiện lành của Tiên Thán đã khiến cho ông ta nguy hiểm hoá thành bình an. Càng khó làm hơn nữa là đối với những kẻ xấu có tâm ám muội hại ông, ông cũng không ghi nhớ những điều xấu của họ mà khoan dung đối đãi với họ, cuối cùng đã cảm hoá được họ.
Cá trăm đầu
Ngày nọ, Đức Phật và các đệ tử muốn đến thành Tỳ Xá Ly, khi đi ngang bờ sông Lê Việt, thì thấy có 500 ngư dân, 500 người chăn trâu ở đó. Những người ngư dân có ba loại lưới bắt cá lớn nhỏ không giống nhau: lưới nhỏ thì 200 người kéo, lưới vừa thì 300 người kéo, lưới lớn thì 500 người kéo. Lúc đó, Đức Phật và các đệ tử đang ngồi nghỉ ngơi cách bờ sông không xa. Lúc đó, một chiếc thuyền bắt được con cá lớn nhưng mà dùng cách nào cũng không kéo lên nỗi. Cuối cùng 500 người ngư dân gọi 500 người chăn trâu cùng với sức kéo của các con thú, đem hết sức mới kéo được con cá lên bờ. Khi nhìn thấy con cá vừa được kéo lên, mọi người đều giật mình, lông tóc dựng đứng, vì trên mình con cá này có đủ 100 cái đầu: Đầu lừa, đầu ngựa, lạc đà, cọp, sói, khỉ, chồn, heo, … có nhiều thứ đầu còn không biết tên gọi và cũng chưa từng thấy bao giờ. Mọi người đều cảm thấy rất kỳ lạ liền bèn xúm lại xem. Đức Phật bảo A Nan :
- Ngươi đến đó xem có việc gì xảy ra vậy?
A Nan đi xem, biết là con cá trăm đầu, bèn trở về bạch Phật. Đức Phật bèn cùng với chúng đệ tử đi đến gần bên mình cá, dùng lời nói ôn hoà hỏi ba lần:
- Ngươi có phải là A Tỳ Lê không ?
Cá trả lời:
- Thưa phải.
Đức Phật lại hỏi:
- Người dạy dỗ ngươi khi xưa nay ở đâu?
- Bà ta nay ở địa ngục, khổ không kể xiết.
Nghe thấy cá trăm đầu biết nói chuyện, mọi người càng thêm nghi hoặc, vì thế A Nan cung kính đến trước Phật bạch hỏi rằng :
- Bạch Đức Thế Tôn! Kính xin Ngài khai thị cho chúng con biết được nhân duyên quả báo của cá trăm đầu.
Thì ra, thời Đức Phật Ca Diếp, có người con trai của vị Bà la môn tên là Ca Tỳ Lê. Ca Tỳ Lê thông minh tài trí, lại hiếu học, từ nhỏ đến lớn, bất luận ở trong đoàn thể nào chàng đều biểu hiện vô cùng ưu tú, xuất sắc, không bao giờ để cho cha mẹ thất vọng vì mình.
Sau khi người cha qua đời, thì người mẹ già càng đặt thêm niềm kỳ vọng vào Ca Tỳ Lê. Một ngày nọ, bà hỏi Ca Tỳ Lê:
- Con à! Con thông minh như vậy, e rằng trong thiên hạ không có ai hơn con.
Ca Tỳ Lê thành thật trả lời:
- Thưa mẹ, Đức Phật Ca Diếp trí huệ rộng lớn, con thật không bằng Ngài. Bất cứ ai có nghi vấn đến thỉnh giáo với Đức Phật, đều được câu trả lời viên mãn. Nhưng những vấn đề này, con lại không trả lời được.
Người mẹ nói:
- Vậy thì tại sao con không đi học Phật pháp? Như thế con sẽ không thua ai đâu.
Bản tính vốn thuần hậu, Ca Tỳ Lê nghe lời mẹ xuất gia vào Tăng đoàn, bắt đầu nghiên cứu Phật pháp. Với sự thông minh tài trí của mình, Ca Tỳ Lê trong thời gian ngắn đã thông suốt kinh điển, giáo lý. Mẹ của chàng thường đến thăm hỏi. Cách một thời gian, bà thường đem lòng hy vọng hỏi thăm:
- Con à, nay con học như thế nào rồi? Có thể thắng hơn Đức Phật Ca Diếp chưa?
Nhưng mỗi lần như vậy, Ca Tỳ Lê lại lắc đầu, khiến cho lòng bà nặng trĩu như rơi vào đấy giếng.
Cuối cùng, mẹ của Ca Tỳ Lê không nhịn được bảo với người con rằng:
- Mẹ dạy con cách này, lần sau nếu có người thuyết pháp hơn con, con không tiếc lời mắng thẳng vào người ấy : “Ngươi thật là quá ngu si, không có kiến thức. Đồ ngu hơn bò, đồ ngu hơn trâu, đồ ngu hơn heo….” Như thế, không ai dám nói nữa, hoặc không dám chê cười con.
Ca Tỳ Lê tuy biết sân si mắng người là không đúng. Nhưng nghĩ đến mình từ xưa đến nay cái gì cũng giỏi nhất, nay dù có đem hết sức nghiên cứu học tập kinh điển cũng không thể đuổi kịp Đức Phật Ca Diếp, nên cảm thấy nóng ruột. Vì thế chàng bắt đầu dùng phương pháp mắng chửi người để che đậy khuyết điểm của mình.
Cứ như thế, vốn là người hiền lành, đôn hậu, Ca Tỳ Lê đã trở nên càng ngày càng kiêu ngạo, càng ngày càng chửi người không cần lựa lời, khi nghĩ ra được một loài súc sinh nào thì dùng đó để mắng chửi như: đầu heo, đầu chó, đầu lừa, mặt ngựa, mặt khỉ… để mắng chửi, làm nhục hết vị Thánh A la hán này đến vị A la hán kia.
- Với việc ác, tội lỗi nặng nề như thế, Ca Tỳ Lê bị đoạ vào trong loài cá, trên mình mọc ra trăm đầu súc sinh để trả quả báo mắng chửi các vị Thánh nhân.
Trong lời nói của Đức Phật chan chứa vô hạn lòng từ bi thương xót, giáo hoá mọi người đang đứng nghe pháp.
(Phẩm A Tỳ Lê 100 đầu – kinh Hiền Ngu)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Những hành vi của thân, của khẩu, của ý, không thể không thận trọng. Thông minh tài trí có thể đem lại sự vinh quang nhất thời, nhưng lại không có phương cách khắc phục những tư tưởng ác xấu đang xâm chiếm tâm niệm của ta. Cứ mãi tranh cường háo thắng, tìm mọi cách vượt qua người, chỉ khiến cho mình càng hãm vào hố sâu tội ác. Giống như cá lạ A Tỳ Lê vì tạo ác nghiệp mà sanh làm loài cá có trăm đầu thú. Trong chúng ta có một số người cũng như vậy, chỉ vì lợi ích nhỏ nhất thời mà quên đi đạo lý làm người, chỉ vì một chút tổn thất nhỏ mà thất vọng oán than, thì phạm vào điều đại kỵ.
Bần nữ thí đèn
Nan Đà là một cô gái nghèo rớt mồng tơi, cuộc sống đói nghèo bức bách. Mạng vận đói nghèo khiến cô phải ăn xin qua ngày, nhưng mà một nhân duyên đã làm thay đổi đời cô.
Một ngày nọ, trong cơn gió lạnh thấu buốt ruột da, cô xin được một đồng tiền, đó là hy vọng duy nhất để nuôi mạng sống của cô trong ngày. Nhưng mà tin tức đốt đèn cúng Phật đã làm chấn động trái tim của cô. Nhìn thấy vua quan nhân dân thành Xá Vệ thành tâm dùng đủ các thứ dầu thơm quý, những ngọn đèn tinh chế thắp lên những ngọn đèn sáng cúng dường Đức Phật, cô gái nghèo sanh lòng tán thán:
- Đức Phật trụ thế thật là cơ duyên hy hữu!
Rồi cô lại nghĩ, thật là xấu hổ! Vì quá khứ không gieo trồng thiện căn phước đức, kiếp này mới bần cùng khốn khổ như vậy, dù muốn cúng dường Đức Phật mà cũng không có gì để cúng. Cô nắm chặt đồng xu trong tay, biết rằng nếu không có đồng xu này đêm nay nhất định sẽ đói, nhưng mà tâm nguyện muốn cúng đèn cho Phật càng tha thiết hơn.
Một đồng tiền ít ỏi chỉ có thể mua được một ít dầu. Người bán dầu nhìn thấy cô đói không còn sức lực, nhưng lại tha thiết mua dầu cúng Phật mà chịu nhịn đói nhịn khát, nên vô cùng cảm động, cho cô thêm chút dầu, muốn giúp đỡ cho cô hoàn thành tâm nguyện.
Khi đêm đến, trên từ vua quan quý tộc cho đến người dân, ai nấy đều chí thành thắp đèn cúng Phật. Cô Nan Đà cũng có mặt trong đám người, cung kính thắp lên ngọn đèn của mình. Quỳ trước Phật, cô nghĩ đến cảnh bần cùng khốn khổ của mình, lại càng nghĩ đến chúng sanh đang luân chuyển trong đêm trường tăm tối, nên phát nguyện:
- Nguyện ánh sáng này chiếu khắp mười phương, khiến cho những loài hữu tình đều được lìa khỏi biển khổ sanh tử, được vô thượng an lạc.
Trời sắp sáng, việc bất khả tư nghì phát sanh! Tất cả những ngọn đèn đều tắt, hoặc bị Ngài Mục Kiền Liên thổi tắt. Duy chỉ có ngọn đèn của cô gái nghèo Nan Đà dù Ngài Mục Kiền Liên có dùng thần thông đến đâu đi nữa cũng không thể thổi tắt được. Ngài Mục Kiền Liên vô cùng kinh ngạc, ai đã thắp lên ngọn đèn này mà bậc có thần thông trí tuệ như Ngài cũng không thể thổi tắt?
Đức Phật chỉ vào ngọn đèn của cô gái nghèo, mỉm cười giải đáp mối nghi hoặc của Ngài Mục Kiền Liên:
- Mục Liên! Người cúng dường ngọn đèn này đã phát đại nguyện cứu độ chúng sanh. Dù có dùng nước bốn biển tưới cũng không thể nào dập tắt. Đây là ngọn đèn đã dùng đại nguyện chí thành thắp lên, do vì lòng chí thành khẩn thiết cho nên ánh sáng ngọn đèn vô tận.
Lúc đó, Nan Đà lại đến Tinh xá, thành tâm cung kính đảnh lễ Đức Phật. Đức Phật biết cô gái phát vô thượng đạo tâm, bèn thuyết pháp cho cô nghe và thọ ký:
- Hai mươi kiếp sau, ngươi sẽ thành Phật, rộng độ chúng sanh hiệu là Đăng Quang, đầy đủ 10 hiệu.
Cô cảm động, những giọt nước mắt từ từ rơi xuống, nghĩ đến việc kiếp này gặp được Đức Phật thật là đầy đủ phước duyên, cô lập tức quỳ xuống chắp tay xin Đức Phật cho phép xuất gia. Sau đó cô tinh tấn tu hành, trở thành một vị Tỳ kheo ni đức hạnh, được mọi người kính trọng.
(Phẩm Bần nữ Nan Đà – Kinh Hiền Ngu nhân duyên kinh )
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Nếu cuộc sống của bạn đầy đủ an lạc, có lẽ khó mà tưởng tượng tấm lòng kiên định cúng dường của cô gái nghèo, nếu bạn bất luận làm việc gì cũng đều chỉ nghĩ đến mình, thì không thể tưởng tượng được tấm lòng phát nguyện cứu độ chúng sanh của cô gái nghèo Nan Đà. Dù trong cuộc sống gặp những lúc gian khổ nghèo khó, Nan Đà vẫn mong muốn cống hiến cho mọi người, chỉ vì tin tưởng người quan trọng hơn mình. Đây là tấm lòng xem trọng chúng sanh, cũng là tấm lòng thiện lành, chí công vô tư.
Bần nữ thí đậu
Khi Đức Phật đang truyền bá Phật pháp tại nước nọ, quốc vương nước này thiết lễ cúng dường cho Đức Phật và chúng Tỳ kheo. Trong thành có một bà già rất nghèo, ngày ngày đi xin ăn để nuôi sống. Bà nghe nói nhà vua đang thiết lễ cúng dường cho Đức Phật và chúng Tỳ kheo, tâm rất hoan hỷ vui mừng. Bà muốn cúng dường chút gì đó cho Đức Phật và chúng Tỳ kheo, nhưng trong nhà không có một vật gì, chỉ đành than thở không thôi.
Lúc đó, bà nhìn thấy một chút đậu nành do người khác bố thí cho bà, trong tâm loé ra tia sáng. Bà vội nắm lấy nhúm đậu này chạy đến hoàng cung, để cúng dường Đức Phật nhúm đậu này, nhưng người canh cửa nhìn thấy bà già áo quần lam lũ cầm trong tay có chút đậu mà muốn vào hoàng cung cúng dường Đức Phật, cảm thấy buồn cười bèn nhất quyết không cho bà vào.
Đức Phật thần thông quảng đại đang ở trong hoàng cung biết được việc này, Ngài vận dụng thần lực lấy nắm đậu trong tay của bà lão rồi để trong các món ăn của vua. Khi ăn đụng phải hạt đậu trong món ăn, nhà vua vô cùng tức giận, bèn kêu đầu bếp đến để trị tội.
Đức Phật khuyên rằng:
- Đại vương! Đây không phải là lỗi của đầu bếp, những hạt đậu nành này là của bà già đang đứng ngoài cửa hoàng cung cúng dường.
Vua nghe nói không vui, Đức Phật nói tiếp:
- Đây là tấm lòng chân thành của bà lão, tuy là nắm đậu nhỏ, nhưng mà có thể giúp cho quốc vương cúng dường thức ăn được kết quả nhiều hơn, cho nên trong mỗi món ăn đều có đậu của bà.
Vua nghe nói không đồng ý, thưa rằng:
- Có chút đậu mà đáng cái gì? Làm sao có thể so sánh được với những món ăn cao lương mỹ vị của trẫm cúng dường?
- Bà lão nghèo cúng dường đậu tuy ít ỏi, nhưng phước đức sẽ được nhiều hơn đại vương.
Nhà vua không hiểu nên thỉnh giáo Đức Phật :
- Chẳng lẽ trẫm cúng dường đồ ăn thức uống phong phú như vậy mà công đức không bằng nắm đậu nhỏ của bà lão hay sao?
Đức Phật giải thích:
- Tuy bà lão cúng dường ít, nhưng bà đã đem tất cả những gì bà có để cúng dường. Đại vương cúng dường tuy nhiều nhưng đều lấy từ nhân dân, còn đối với mình thì không mất mát món gì. Nên nói bà lão nghèo cúng dường nhiều, đại vương cúng dường ít, cho nên phước đức mà bà lão được sẽ nhiều hơn đại vương.
Nhà vua nghe nói thật sự tỉnh ngộ, bèn sai người đi mời bà lão vào trong cung.
(Chúng kinh soạn tạp ví dụ quyển thượng)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Phụng hiến không quý ở chỗ nhiều hay ít mà quý ở chỗ thành tâm, thành ý, theo khả năng mình mà làm là đã đầy đủ rồi. Khi bạn nghèo, bạn có thể lấy sức mình đi làm những điều thiện lành, ví dụ: quét rác, tưới cây, dọn dẹp, đó cũng là một loại bố thí cúng dường. Có người vì lợi ích của mọi người, dâng tặng những gì mình có, đó là sự phụng hiến chân thành nhất. Cho nên người ta thường nói: Xem một người đối với bạn tốt hay không, không phải ở chỗ người ấy cho bạn bao nhiêu mà ở chỗ người ấy có tặng cho bạn hết những gì người ấy có không.
Ni Đề đắc đạo
Nước Xá Vệ có một người tiện dân tên là Ni Đề, vì chủng tánh thấp hèn, chỉ có thể làm công việc dọn dẹp phân uế để sinh sống. Hôm nay Đức Phật và A Nan cùng vào trong thành để độ Ni Đề, đem về Tinh xá Kỳ Hoàn. Tại đây, Ni Đề nghe Đức Phật khai thị, tâm khai, ý giải, chứng được sơ quả, vì thế khẩn thiết thỉnh cầu Đức Phật cho phép mình xuất gia. Đức Phật bảo:
- Thiện lai Tỳ kheo!
Ni Đề râu tóc lập tức rụng hết, cà sa trên mình, hiện Tăng tướng thanh tịnh, chính thức trở thành đệ tử của Đức Phật.
Người dân trong nước Xá Vệ nghe nói người đổ phân Ni Đề là một giai cấp thấp hèn được xuất gia, sinh tâm khinh miệt, khắp đường phố nghị luận xôn xao. Mọi người đều nói:
- Người có giai cấp hèn hạ như thế làm sao xứng đáng cho chúng ta lễ bái, cúng dường? Giả như Ni Đề ôm bát vào thành khất thực, nhà chúng ta đều bị ông ấy làm cho dơ dáy.
Nhà vua biết được việc này, trong lòng vừa không hoan hỷ vừa nghi hoặc, bèn ngồi xe báu, đem theo đoàn tuỳ tùng đến Tinh xá Kỳ Hoàn, xin Thế Tôn giải lòng nghi hoặc của mình.
Đoàn người ngựa đến trước cổng Tinh xá bèn ngừng lại ngơi nghỉ đôi phút, lúc này tỳ kheo Ni Đề đang ngồi trên tảng đá lớn may vá áo, nhà vua đến trước mặt Ni Đề nói:
- Trẫm muốn gặp Đức Phật, phiền tôn giả vào bạch giúp.
Ni Đề lập tức đi vào trong tảng đá, xuất hiện trước mặt Phật bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn ! Vua Ba La Nặc đang ở ngoài cổng Tinh xá, muốn đến thỉnh pháp với Đức Phật.
Đức Phật bèn bảo với Tỳ kheo Ni Đề rằng:
- Ngươi sử dụng thần thông như vừa rồi, mời nhà vua vào đây.
Tỳ kheo Ni Đề lập tức lại đi vào trong tảng đá và hiện thân trước mặt đức vua, giống như nước tự do ra vào các kẻ hở không mảy may chướng ngại. Thầy thưa với nhà vua rằng:
- Đã giúp đại vương thông báo rồi, thỉnh đại vương vào trong.
Nhà vua đến trước Đức Phật, đảnh lễ là nhiễu quanh bên phải ba vòng, cung kính ngồi một bên, thưa với Thế Tôn điều nghi hoặc của mình :
- Vị tôn giả giúp trẫm bẩm báo với Đức Phật có thần thông lớn, người có thể toàn thân xuyên ngang tảng đá, giống như nước chảy vậy, lại có thể tự tại từ trong tảng đá xuất hiện, không biết vị tôn giả này xưng hô như thế nào?
Đức Phật bảo với vua Ba Tư Nặc rằng:
- Vị Tỳ kheo có thần thông quảng đại này tức là người đổ phân Ni Đề mà hiện nay dân trong nước Xá Vệ đang nghị luận xôn xao. Ta đã hoá độ cho Ni Đề xuất gia và chứng quả A la hán.
Vua Ba Tư Nặc lại thưa hỏi Đức Phật :
- Kính bạch Đức Thế Tôn! Tôn giả Ni Đề, thời quá khứ đã trồng nhân gì, mà kiếp này bị quả báo bần cùng hạ tiện? Trong quá khứ gieo tạo nhân gì, mà kiếp này gặp được Phật hoá độ thành tựu Thánh quả. Kính mong Đức Thế Tôn từ bi khai thị.
- Sau khi Đức Phật Ca Diếp diệt độ, có mười vạn Tỳ kheo Tăng cùng ở trong một tòng lâm. Có một vị Tỳ kheo đảm nhiệm việc chấp sự, vị này thường đau bụng tháo dạ, nhưng thầy không ra nhà vệ sinh bên ngoài mà bài tiết trong những khí cụ bằng vàng, bằng bạc, dựa vào quyền thế, ra lệnh cho đệ tử xử lý những vật bài tiết này. Vì thầy ở trong Tăng đoàn đảm nhiệm chức vụ quan trọng, nên tự cao tự đại buông thả cho những tập khí của mình. Hễ có chút không khoẻ bèn làm biếng giải đãi, sai vị đệ tử đổ phân cho mình. Nhưng mà người đệ tử mà ông sai đó là bậc Thánh nhân đã chứng đắc Sơ quả. Vì duyên cớ này, 500 đời đều sinh làm người hạ tiện, lại là người đổ phân nuôi sống bản thân. Cho đến đời này vẫn là kẻ tiện dân đổ phân cho người. Nhưng do vì Ni Đề đã từng xuất gia, giữ gìn giới luật, cho nên đời này nhân duyên thành thục, được gặp Như Lai, được nghe chánh pháp, phiền não đoạn tận, chứng quả A la hán. Đại vương nên biết, người chấp sự thường sai bậc thành nhân đổ phân cho mình là tiền thân của Ni Đề.
(Phẩm Ni Đề độ duyên – kinh Hiền Ngu)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Tiền thân của Ni Đề cống cao ngã mạng, thường hay sai khiến người, phải bị quả báo 500 năm làm nghề đổ phân. Cũng may đời trước xuất gia tu hành, nghiêm trì giới luật, kiếp này mới được Đức Phật hoá độ, nghe pháp chứng quả. Ở thế gian, những người hoặc có quyền thế, hoặc có tiền của, hoặc có một chút tài hoa và năng lực thường hay có lòng tự cao tự đại, kiêu căng ngạo mạn, tập thành những thói hư tật xấu, rồi theo quyền lực, tiền của, năng lực tăng cao thì những thói hư tật xấu đó càng nhiều. Giống như Ni Đề kiếp trước sai bảo bậc Thánh đổ phân cho mình mà cuối cùng phải mắc vào quả báo 500 kiếp làm nghề đổ phân bần tiện nghèo hèn. Vì thế khuyên những người có những tật xấu này nên lấy đó làm điều răn, bỏ đi những tật tánh không tốt để tránh làm khổ cho mình.
Nghiệp ác gây hoạ
Vua A Dục là một vị vua nổi tiếng hiền minh nhất ở Ấn Độ. Vua có một vị thái tử tên là Câu Na La rất tuấn tú, vì thế nhiều cô gái rất thích thái tử. Trong hoàng cung có một vương phi trẻ tên là Đế Thất La Xoa, bà nhìn thấy thái tử đem lòng yêu mến, thường tìm cơ hội thân cận thái tử.
Một ngày nọ, vương phi Đế Thất La Xoa gặp cơ hội bèn bày tỏ cho thái tử Câu Na La biết tình yêu của bà đối với Thái tử và hy vọng Thái tử tiếp nhận tình yêu của bà. Nhưng thái tử Câu Na La là người vốn tin thờ Phật pháp, biết bà là vợ của cha mình, cũng giống như mẹ mình vậy. Thái tử không thể nào làm những việc điên đảo luân lý, bại hoại cang thường như vậy. Cho nên khi vương phi bày tỏ tình yêu, thái tử không chút động tâm. Thái tử chẳng những không chấp nhận tình cảm của bà mà còn khuyên không nên có tư tưởng như vậy. Vị vương phi si tình này xấu hổ thành tức giận, sanh lòng oán hận. Bà xúi giục người ác móc đôi mắt và giết thái tử Câu Na La.
Mọi người biết được tin này đều cảm thấy lạ kỳ. Vị thái tử hiền lành đức độ như thế, tại sao lại gặp quả báo bất hạnh như vậy? Vì thế mọi người mới đi thưa hỏi một vị Tỳ kheo có thần thông, vị này trả lời:
- Thuở xưa, tại nước Ba La Nại có một người thợ săn. Năm nọ vào mùa đông, người này vào rừng săn bắn, phát hiện có rất nhiều nai ở trong một hang động, vì thế mỗi ngày đến đây bắt một con nai đem về. Trước móc đôi mắt của nai, sau đó mới giết chết. Như thế, trải qua thời gian một năm, đám nai đáng thương này đều bị ông giết sạch. Do vì sự nhân duyên sát sanh như trên mà suốt đời ông phải chịu quả báo trước là bị móc mắt, sau bị giết chết. Nên ngày nay, thái tử Câu Na La chính là người thợ săn kiếp trước.
Tôn Giả nói đến đây, thì mọi người lại nghi hoặc mới hỏi:
- Đã là người thợ săn ác độc như vậy, tại sao lại được sanh vào nhà của người tôn quý làm thái tử, và hình mạo đoan chánh trang nghiêm, được nhiều người thương mến.
Tôn Giả giải thích:
- Đó không có gì lạ, vì thái tử có lần làm việc thiện. Sau khi Đức Phật Ca La Tôn Đại tịch diệt, có một vị vua tên là Đoan Nghiêm, Ngài mời thợ đến điêu khắc Thánh tượng của đức Như Lai, và xây dựng một bảo tháp cúng dường, nhưng sau đó có vị vua hôn quân không tin phụng Tam bảo, lại huỷ hoại tượng Phật. Lúc đó trong nước có một người thợ điêu khắc, vô cùng thương xót hành động vô đạo của nhà vua, vì thế phát đại nguyện tu bổ tượng Phật trang nghiêm. Người thợ điêu khắc đó tức là tiền sanh kiếp trước của thái tử Câu Na La, do vì công đức tu bổ tượng Phật cho nên kiếp này được sanh vào nhà vua chúa, nhưng vì do nghiệp sát chưa hết nên phải chịu quả báo.
(Câu Na La bổn duyên – Truyện vua A Dục)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Câu chuyện này, đối với người hiện đại đã chịu sự ảnh hưởng của nền giáo dục vô thần luận thì dường như có chút hư huyễn, nhưng ý nghĩa của nó rất đáng học tập: có nhân như vậy thì sẽ chịu quả báo như vậy, có câu “thường làm những điều bất nghĩa thì sẽ tự hại mình”, chính là ý nghĩa này vậy. Tự mình tạo nghiệp ác, tự mình phải lãnh thọ, không ai thay thế được.
Ác khẩu hại mình
Ngày xưa, có một ông trưởng giả rất giàu có, tiền muôn bạc triệu, cuộc sống vô cùng khoái lạc. Ông có một người vợ vừa xinh đẹp, vừa hiền đức, nên khiến cho cuộc sống hạnh phúc của ông càng hạnh phúc, an lạc hơn. Nhưng sự hạnh phúc của ông chỉ là ngắn ngủi tạm thời, không bao lâu lại đi vào vực sâu đau thương lo buồn, không ai còn nhìn thấy ông với vẻ mặt hạnh phúc an vui như xưa nữa. Tại sao vậy? Ông bà kết hôn đã lâu năm mới sinh được một đứa con trai, nhưng thật là bất hạnh, con của ông mới bập bẹ tập nói, thì mắc bệnh nặng. Thầy thuốc chẩn đoán nói đó là những mụt nhọt độc hại mọc trên mình đứa bé. Mụt nhọt khiến cho đứa con rên la kêu khóc suốt ngày. Tuy đã từng mời rất nhiều danh y, nhưng không có cách này trị lành, vì thế ông trưởng giả suốt ngày nhăn nhó ủ dột buồn rầu.
Tội nghiệp đứa bé, rất nhiều thầy thuốc đã bó tay, nó chỉ còn biết ngày ngày rên la, khóc gào. Tiếng khóc gào rên rỉ của nó làm náo động tới làng xóm, nên người ta đặt tên cho nó là thằng "Khóc Gào". Thời gian trôi qua, Khóc Gào đã lớn khôn, nhưng bệnh tật trên người thì vẫn chẳng hề bớt chút nào, vẫn là ngày đêm rên la đau nhức. Gần nhà của họ có một ông hàng xóm già, nghe tiếng kêu rên la đau nhức khổ sở, bèn sanh lòng bất nhẫn, đến nhà Khóc Gào an ủi, nói:
- Tôi nghe nhiều người xưng tán rằng, ở Tinh xá Kỳ Viên có vị đại y vương, phàm là chúng ta có thân bệnh hoặc là tâm bệnh, Ngài đều có thể trị lành. Ngài có diệu dược thần thánh, bất luận là bệnh nan y khó trị như thế nào đều có thể trị lành, tại sao con không đi đến đó thành tâm xin người chữa bệnh cho mình?
Khóc Gào nghe ông già hàng xóm nói như vậy, rất vui mừng, bèn đến Tinh xá Kỳ Viên cầu gặp Đức Phật. Đức Phật cũng hoan hỷ thuyết pháp cho anh ta nghe làm như thế nào để tiêu trừ những khổ đau.
Khóc Gào sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp bèn thành tâm sám hối tội lỗi. Lúc đó, những mụn nhọt trên thân đã hành hạ mình mười mấy năm lập tức lành lặn, sự đau khổ hoàn toàn tiêu trừ, tâm sinh lòng thành kính hoan hỷ.
Sau đó, Khóc Gào xin Đức Phật cho phép xuất gia làm Tỳ kheo. Thầy tinh tấn tu hành, không bao lâu đắc quả A La Hán.
Các vị Tỳ kheo cảm thấy lạ kỳ, bèn thưa hỏi Đức Phật, Khóc Gào do nhân duyên gì mà bị quả báo mụt nhọt trên mình, và do duyên lành gì mà đắc được Thánh quả.
Đức Phật bèn kể câu chuyện quá khứ:
- Thời quá khứ rất xa xưa, tại nước Ba La Nại có hai ông nhà giàu là ông Giáp và ông Ất. Vì họ có chút đụng chạm xô xát nên hàng ngày tranh chấp với nhau. Ông Giáp liền đem nhiều châu báu dâng tặng cho nhà vua. Nhà vua được ông Giáp cống hiến lễ vật, cho nên đối với ông ta đặc biệt thương mến quý trọng. Vì thế ông Giáp trước mặt nhà vua phê bình ông Ất rằng:
- Ông Ất kia vô cùng hiểm ác, thường âm mưu dùng kế hại tôi, mong đại vương nghiêm trị kẻ ác, bảo hộ người dân lương thiện.
Nhà vua bèn sai người bắt ông Ất đem giam vào ngục, dùng hình phạt tra tấn tàn nhẫn. Ông Ất bị tra khảo toàn thân đều là thương tích, chịu đủ mọi thứ hành hạ thống khổ, cuối cùng do người nhà bỏ tiền chuộc tội mới được tha về nhà.
Sau khi trở về nhà, Ông Ất thấy rõ tài sản thật là vật hại người, thân là nguồn gốc của khổ đau. Nếu không có tiền thì sẽ không cùng ông Giáp sanh ra tranh cãi gây cấn. Nếu không có thân này, thì cũng sẽ không gặp phải sự thống khổ của thảm hình tra tấn. Vì thế, Ông Ất bèn lập chí vào núi tu hành, sau đắc quả Phật Bích Chi. Lúc đó Phật Bích Chi phát tâm đại từ bi, sợ ông Giáp hãm hại người hiền, đời sau sẽ gặp quả báo khổ đau, bèn đi đến nhà ông Giáp hiện các thứ thần thông biến hoá. Ông Giáp nhìn thấy cảnh tượng bất khả tư nghì như thế bèn sanh lòng tín ngưỡng và cung thỉnh Đức Phật Bích Chi vào nhà, cúng dường các thứ phẩm thực ngon ngọt và sám hối những lỗi xưa của mình, cúi mong Đức Phật Bích Chi tha thứ.
Đức Phật nói đến đây, ngừng một chút lại nói tiếp:
- Các thầy nên biết, thời quá khứ ông Giáp ở trước mặt nhà vua nói lời sàm tấu hãm hại người lành, chính là Tỳ kheo Khóc Gào bệnh khổ ngày nay. Sau đó do được Đức Phật Bích Chi giáo hoá, sám hối tội xưa, tâm thành quy y Tam Bảo, do công đức đó mà hôm nay được Đức Phật thuyết pháp cứu độ, tu hành mau đắc quả A la hán.
(Trưởng giả sanh ghẻ – Soạn tập bách duyên kinh)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Vì một chút việc nhỏ mà dùng lời nói ác, cùng nhau kết oán hận, từ đó trở thành kẻ thù trong cuộc sống hiện thực không phải là ít; vì oán hận mà mượn cơ hội tìm cách trả thù cũng chẳng phải là không có. Sau khi đọc xong câu chuyện này, không biết những người đó có cảm xúc gì chăng? Chỉ là vì tâm khí nóng giận một thời mà làm những việc hại mình hại người, thật là cái mình được không bằng cái mình đã mất.
Oan oan tương báo
Xưa có một người lấy 2 bà vợ, người vợ lớn không có con, người vợ nhỏ thì sanh ra đứa con trai kháu khỉnh dễ thương, dung mạo đoan trang.
Người chồng rất thương yêu đứa con trai, người vợ lớn vì thế sanh lòng đố kỵ, cứ mãi tìm cách hại đứa con trai của bà vợ nhỏ. Khi đứa con được một tuổi, bà vợ lớn dùng kim đâm sâu vào đầu đứa trẻ. Đứa trẻ vì thế sanh bệnh, không bao lâu thì chết.
Người vợ nhỏ với những chứng cứ hiển thị, bắt đầu nghi ngờ người vợ lớn là hung thủ. Do vì mối đau đớn mất con, lại còn mối thù chưa báo nên cứ mãi uất ức, thương tâm, và không bao lâu người vợ nhỏ qua đời. Sau khi qua đời, với tâm niệm oán hận muốn báo thù cho con, nên đầu thai sanh làm con gái của người vợ lớn. Nhưng đứa con gái mới một tuổi thì chết yểu khiến người vợ lớn đau đớn buồn thương, cơm nước không muốn ăn. Sau đó người vợ nhỏ liên tiếp 7 lần đầu thai làm con của người vợ lớn. Lần cuối cùng đầu thai là một cô bé rất xinh đẹp, dung mạo đoan trang hơn những người trước, nhưng vào một buổi tối đang chuẩn bị xuất giá làm đám cưới vào lúc 14 tuổi lại bất hạnh qua đời. Bà vợ lớn suốt ngày than khóc, đem xác của đứa con gái bỏ vào trong quan tài không chịu đóng nắp, suốt ngày cứ nhìn xác con trong quan tài, không nói không năng cũng không chịu ăn cơm.
Hai mươi mấy ngày sau, có một vị A La Hán có nhân duyên với người vợ lớn, biết được câu chuyện như thế, muốn nhân cơ hội này hoá độ 2 người, vị A la hán đó bèn đến nhà người vợ lớn ôm bát khất thực. Vị A la hán nhìn thấy người vợ lớn tiều tuỵ, bèn hỏi rằng:
- Tại sao như vậy?
Người vợ lớn bèn thưa rằng:
- Tôi sanh bảy đứa con gái, đều vô cùng dễ thương, nhưng mà cứ lần lượt qua đời. Đứa con gái cuối cùng sắp lấy chồng cũng chết đi, thật khiến tôi đau khổ không còn muốn sống nữa.
Vị A la hán hỏi :
- Thế người vợ nhỏ vì sao mà chết vậy?
Người vợ lớn đang than khóc, nghe hỏi như vậy giật mình, muốn nói mà lại im, trong lòng hổ thẹn vạn phần. Thánh giả nói:
- Ngươi giết đứa con trai của người vợ nhỏ khiến bà ta đau buồn oán hận mà chết. Do đó, trước sau 7 lần đầu thai làm con gái của ngươi, trở thành oan gia của ngươi, ý định là muốn ngươi cũng bi thương, đau buồn mà chết. Ngươi có thể đi xem đứa con gái đã chết trong quan tài có còn đẹp như xưa chăng?
Người vợ lớn bèn đến chỗ quan tài xem xác đứa con gái, nhìn thấy thây chết đã rữa nát, hôi thúi khiến người không dám đến gần. Người vợ lớn cảm thấy xấu hổ vô cùng bèn lập tức đem con đi chôn và thỉnh vị A la hán truyền giới cho mình.
Hôm sau, y theo lời dạy của vị A la hán, người vợ lớn đến chùa thọ giới, nhưng mà người vợ nhỏ lại biến thành rắn độc chặn đường người vợ lớn muốn cắn chết bà ta. A la hán biết việc này bèn đi ra đón. Ngài nói với rắn:
- Ngươi vì muốn báo thù cho con mà đã đầu thai làm con gái của người vợ lớn đã 7 lần, hai bên kết oán thù, sau này cứ mãi làm hại lẫn nhau, sự độc hại luân chuyển vô cùng vô tận. Tuy như thế, nhưng tội này cũng có thể cứu độ được. Nhưng nay nếu ngươi ngăn cản người vợ lớn thọ giới thì quả báo rất lớn, sau này sẽ sanh vào địa ngục đời đời kiếp kiếp không có lối ra.
Rắn nghe lời khai thị của vị A la hán, biết được nhân duyên quả báo đời trước, những sự phiền não oán hận trong lòng tức thời tiêu tan, cúi đầu nằm trên mặt đất. Vị A la hán nhìn thấy cảnh này, bèn chúc nguyện cho 2 người:
- Hai ngươi do vì nghiệp duyên kiếp trước mà giết hại báo thù lẫn nhau, nay 2 bên nên gỡ bỏ oán thù, không nên có ý ác với nhau nữa; những tội lỗi đã tạo từ quá khứ, từ nay đều được tiêu trừ.
(Chúng kinh soạn tạp ví dụ quyển hạ)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Tục ngữ nói “oan oan tương báo đời nào chấm dứt?” Hai người vợ vì oán thù mà đôi bên oan oan tương báo, phải chịu quả khổ đau không ngày nào ngừng. May có vị Thánh giả A la hán vì 2 người khai thị hoá giải thù xưa, mới có thể tiêu trừ ác duyên cho họ. Chúng ta nên học theo tâm từ rộng lớn của Bồ tát, không nhớ ác xưa, không ghét người ác. Dùng tâm lượng oán thân bình đẳng để hoá giải ác duyên, rộng kết thiện duyên.
Tự hái ác quả
Xưa kia, trong thành có vị tài chủ tên là Thủ Đà La, tuy tiền của rất nhiều, nhưng không có con. Vì thế Thủ Đà La nuôi một đứa con, xem nó như con ruột của mình, hết lòng nuôi nấng dạy dỗ. Nhưng được vài tháng thì vợ của Thủ Đà La mang thai, Thủ Đà La vô cùng mừng rỡ và sanh tâm bỏ đứa con nuôi. Ông bỏ đứa trẻ vào trong một cái bọc, nửa đêm đem quăng vào một cái hố. Đứa bé được người chăn dê phát hiện, đem về nhà, hàng ngày dùng sữa dê nuôi đứa bé, Thủ Đà La biết được, sanh lòng hổ thẹn, hối hận, nên đem đứa bé về nuôi dưỡng như xưa. Được mấy tháng thì người vợ sinh đứa con trai.
Hai đứa trẻ càng ngày càng lớn, Thủ Đà La mời thầy giáo đến nhà dạy 2 đứa con đọc sách, viết chữ, học tập các thứ tri thức và kỹ thuật.
Đứa con lớn tức đứa con nuôi bản tánh thông minh, học một biết mười, bất luận là môn học nào, vừa học liền biết. Còn đứa con nhỏ, tức là con ruột của Thủ Đà La chỉ là đứa trẻ khờ lại hay nghịch ngợm. Thủ Đà La nhìn thấy như vậy, sanh lòng đố kỵ, lại quyết tâm trừ đứa lớn để tránh hậu hoạ về sau.
Thủ Đà La bèn kêu đứa con lớn đi đưa thư cho người thợ rèn ở ngoài ngoại ô, vừa đi đến cửa thành gặp phải đứa em đang chơi bắn bi với đám trẻ. Đứa em càng chơi càng thua, nhìn thấy anh mình đi ngang bèn mừng rỡ kêu lên:
- Anh hai ! Anh đến đây hay quá, giúp cho em lấy lại vốn.
Người anh nói:
- Không được ! Cha bảo anh đi đưa thư cho người thợ rèn.
Người em giật lá thư nói:
- Anh giúp em bắn bi, em đưa thư giúp anh.
Người anh bằng lòng, người em bèn đem thư đến nhà người thợ rèn trao tận tay cho ông ta. Người thợ rèn mở thư ra xem, chỉ thấy trên thư viết rằng: “Từ khi đứa trẻ này đến nhà tôi, trong nhà bệnh tật liên miên, gia sản không ngừng tiêu hao, gia súc không ngừng chết chóc, tôi thỉnh thầy bói xem quẻ, thầy bói nói: ‘Tất cả đều là do đứa trẻ này gây ra’. Nhận được thư của tôi, ngươi lập tức quăng đứa bé này vào trong lò lửa thiêu chết”. Người thợ rèn xem thư xong, không nói một lời, quăng đứa em vào trong lò lửa.
Nhận được tin đứa con trai ruột của mình chết, Thủ Đà La ngất xỉu, lâm bệnh nặng. Ông ta càng thêm oán hận, càng quyết tâm tiêu trừ đứa trẻ này.
Vì thế Thủ Đà La bèn kêu người con nuôi đi quản lý trang trại của mình. Thủ Đà La có đứa em trai đang ở một trang trại gần đó. Đi ngang qua trang trại người em của Thủ Đà La, đứa con nuôi vào thăm. Em trai của Thủ Đà La bèn thiết yến tiệc, mừng đón người con nuôi. Ông có cô con gái xinh đẹp tuyệt trần, thông minh hơn người, nhìn thấy người anh họ, sanh lòng ái mộ, nhưng việc người anh đột nhiên đến thăm cha mình cảm thấy thắc mắc. Bèn đợi đến đêm chờ mọi người đều ngủ say, cô lén mở túi anh, lấy bức thư ra xem, chỉ thấy trên thư viết rằng : “Khi đứa trẻ này đến, lập tức trói lại, cột trên hòn đá lớn quăng xuống vực thẳm”.
Cô ta coi xong ngẩn người, nghĩ đến lúc người anh họ khôi ngô tuấn tú sẽ bị bỏ mạng vào trong vực thẳm không tránh khỏi sự lo sợ, cô ta muốn cứu người anh họ thoát khỏi tai hoạ này. Cuối cùng cô nghĩ ra một diệu kế, cô bắt chước chữ của bác mình, viết rằng: “Ta nay đã già, thời gian gần đây thường hay sanh bệnh, sức khoẻ càng ngày càng yếu. Em trai của ta có cô con gái, thông minh, hiền đức, đoan trang lễ mạo, ta muốn đem nó về làm dâu. Được bức thư này, lập tức chuẩn bị các thứ sính lễ, cần phải chọn những món tốt nhất, đẹp nhất, thân hành đến nhà người em làm lễ hỏi và nhanh chóng cử hành hôn lễ”. Sau đó, cô bỏ bức thư vào trong bì thư, dán kín lại và bỏ vào chỗ cũ. Sáng sớm hôm sau người anh từ biệt ông chú để lên đường, không bao lâu đến trang trại của Thủ Đà La. Tổng quản của trang trại xem thư của chủ xong, lập tức chiếu theo lời dặn trong thư, chuẩn bị rất nhiều vàng ngọc châu báu, tơ lụa vải vóc, tự mình đến nhà cô gái đính hôn cho đứa con nuôi của ông chủ. Cha của cô gái cũng vui vẻ đồng ý việc cưới hỏi này. Họ cử hành hôn lễ và mời bà con bè bạn đến dự. Hôn lễ vừa xong, vị tổng quản phái người báo cáo cho chủ nhân hay.
Thủ Đà La nghe nói đứa con nuôi kết hôn với con gái của người em, tức giận không nói được một lời, run rẩy tay chân, trợn mắt và tắt thở. Người con nuôi thấy cha chết, than khóc vô cùng thương tâm. Hai vợ chồng tổ chức tang lễ rất long trọng, chu đáo. Dân trong thành ai nấy đều khen hai người là con hiếu, dâu hiếu.
(Đồng tử bổn sanh – Lục độ tập kinh)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Thủ Đà La muốn nhờ vào số mạng tốt của đứa con nuôi để khiến cho mình càng thêm giàu sang phú quý. Nhưng khi có đứa con ruột thì ác niệm lại nhiều lần khởi lên, cứ muốn trừ bỏ đứa con nuôi thông minh tuấn tú, kết quả mỗi lần như vậy lại khiến cho mình gặp phải mạng vận không may, cuối cùng còn mất cả tánh mệnh của mình nữa. Làm người không nên có ác niệm, nếu không sẽ khiến cho mình rơi vào vực sâu của vận mạng xấu ác.
Thái tử Ca Lan
Ngày xưa vua nước Ba La Nại, khi qua đời bèn truyền ngôi cho thái tử Ca Lan. Ca Lan cho rằng đức hạnh của mình không đủ bèn truyền ngôi cho em, còn mình thì dắt vợ vào trong rừng học đạo.
Khi đó nước láng giềng có người phạm tội, phép nước chặt hết tay chân, cắt tai mũi, để tội nhân trên một chiếc thuyền rách, cho xuôi theo dòng nước, mạng sống do trời quyết định. Kẻ tội nhân nuôi niềm hy vọng sống sót, trên thuyền lớn tiếng kêu cứu mạng.
Vào lúc đó, Thái tử Ca Lan đang tu luyện gần đó, nghe thấy ngoài rừng xa xa có tiếng vọng lại cứu mạng. Tiếng cầu cứu sao mà bi thương, tuyệt vọng như thế, Ngài sanh lòng bất nhẫn, bèn vội vàng đến bên bờ sông, nhìn thấy từ đằng xa có một chiếc thuyền trôi đến, bèn quyết tâm cứu người. Ngài không nghĩ đến thân mình nhảy vào trong dòng sông, nhanh chóng bơi đến chiếc thuyền, kéo thuyền người ấy đưa vào bờ, và cõng kẻ tội nhân đến chỗ tu hành của mình. Sau 4 năm trị liệu không mệt mỏi, vết thương của người tội nhân đã lành lặn. Nhưng không ngờ trong thời gian này, mỗi lần Ca Lan ra ngoài tu hành thì người vợ bèn câu thông với người tội nhân. Ngày qua tháng lại, họ xem Ca Lan như gai trong mắt, muốn tìm cơ hội giết hại Ca Lan.
Người vợ Ca Lan bảo với tội nhân rằng:
- Nếu anh giết được chồng em, em sẽ kết hôn với anh, chúng ta có thể sống chung với nhau.
Người tội phạm cảm thấy Ca Lan là ân nhân cứu mạng của mình, dù mình đã làm những việc có lỗi với người nhưng không nỡ nhẫn tâm giết hại thái tử. Nhưng vợ của Ca Lan vốn không nghe lời khuyên của người tội phạm, cứ theo yêu cầu người này tìm cách giết Ca Lan. Người tội phạm nói:
- Việc này không phải dễ dàng đâu. Em xem, tay chân anh không còn, ngay sự sinh hoạt hàng ngày đều phải nương vào em và thái tử, làm sao có thể cầm vũ khí giết người được ?
Vợ của Ca Lan suy đi nghĩ lại, cuối cùng nghĩ ra một cách. Khi Ca Lan trở về, vợ của chàng làm bộ đau đầu ghê gớm, nhăn mặt nhăn mày, đau khổ khôn cùng, nói với chồng rằng:
- Em chưa từng có chứng bệnh này, e rằng có việc gì đắc tội với thần núi, cho nên Ngài phạt em như vậy. Anh không phải ngày mai phải lên núi tu hành sao? Em cùng đi với anh, lên núi cầu nguyện, xin thần tha thứ, ban phước cho em.
Ca Lan cũng cảm thấy đó cũng là cách hay, nên đồng ý.
Hôm sau hai người lên núi. Ngọn núi này cao tít trời xanh, bốn bên tám phía đều là vách đá thẳng đứng, địa thế vô cùng hiểm trở. Người vợ nói:
- Chỗ này rất tốt, chúng ta ở đây tế thần đi! Anh đứng đối diện với mặt trời giúp em tế lễ.
Ca Lan nghe theo đứng trên một hòn đá lớn, hướng về phía mặt trời. Vợ của chàng giả vờ đi chung quanh chàng vài vòng, khi di chuyển đến sau lưng chàng, thình lình dùng sức xô chàng xuống vực sâu, rồi vui mừng trở về nhà. Ca Lan bị vợ xô, thân bị rơi xuống vực, may mắn giữa chừng có một cây lớn, chàng rơi đúng vào trong đám lá cây rậm rạp, tầng tầng lớp lớp những cành cây mềm mại nâng đỡ làm cho chàng không bị thương một chút nào cả. Nhưng mà kẹt ở giữa sườn núi lên cũng không xong, xuống cũng không được. Chàng lớn tiếng kêu cứu, nhưng không có ai trả lời, không biết phải làm sao đây. Trời càng ngày càng tối, Ca Lan cảm thấy đói bụng, miệng thì khô khát, may mắn trên cây có rất nhiều trái chín thơm, chàng hái rất nhiều, ăn một bụng mới đỡ đói, và cũng không thấy khát nữa. Như thế mấy ngày trời hoàng tử ở giữa lưng chừng núi, trên không với tới trời, dưới không đụng đến đất.
Gần cây này, có một con rùa, hàng ngày nó thường trèo lên cây ăn trái. Hôm nay nó lại đến tìm trái cây ăn, phát hiện trên cây có người, sợ quá không dám trèo lên. Nhiều ngày như vậy, rùa không ăn được trái nào, đói đến nỗi tay chân bủn rủn, mắt hoa, chỉ đành làm gan đến hái trái ăn. Ca Lan ở trên cây mấy ngày trời, không nhìn thấy bất cứ sanh vật nào, nay nhìn thấy con rùa bò đến nên cảm thấy rất thân thiết. Chàng rờ vào mai rùa, hái trái để trước mặt rùa. Cứ như thế, Ca Lan và rùa dần dần thân thuộc, trở thành bạn bè.
Một ngày nọ rùa lại đến ăn trái cây, Ca Lan như thường lệ hái trái cây cho rùa. Lúc rùa đang ăn trái cây, Ca Lan bỗng nhiên khởi tâm đồng tử, nghĩ rằng: “Lưng rùa vừa rộng vừa lớn, cưỡi lên trên chắc rất thoải mái”, bèn trèo lên mình rùa. Rùa đang cúi đầu ăn trái, không ngờ trên lưng có người nhảy lên nên giật cả mình. Nó và Ca Lan đều từ trên cây rơi xuống, rơi vào vực thẳm sâu không thấy đáy, Ca Lan nhắm mắt, chỉ nghe bên tai gió thổi vù vù, chàng nghĩ thầm: “Chết rồi! Lần này chắt chết rồi. Ta chết cũng không sao, chỉ là liên luỵ đến bạn rùa cùng nhau bỏ mạng dưới vực sâu!” Đang nghĩ như vậy bỗng nhiên thấy mình rơi trên một đống cỏ mềm mại, chàng đứng dậy đã thấy mình rơi xuống đáy vực lại không một chút thương tích. Lại nhìn thì thấy rùa đang ở bên mình đang thụt thò đầu cười. Thì ra sơn thần đã cứu mạng cho cả hai. Ca Lan nghĩ: “Nay nên đi đâu? Trở về nhà trong rừng chăng, nhất định không được rồi. Hay là trở về nước ? bỏ đất nước đi đã nhiều năm, giờ này cũng nên trở về thăm. Không biết em trị nước như thế nào?”
Ca Lan trèo non lội suối, đói ăn khát uống, ngày đi đêm nghỉ, cuối cùng trở về nước.
Em thấy anh tu hành trở về, vô cùng vui mừng, bèn nhường lại ngai vàng cho anh. Ca Lan mỗi ngày đều xuất thành tìm hiểu hoàn cảnh trong nước, bố thí cho người nghèo, cứu giúp cho họ tiền bạc, y phục, xe cộ … Việc lành của Ca Lan khiến người kính phục, mọi người rủ nhau đến nương tựa vào Ngài.
Lại nói về người vợ của Ca Lan, sau khi xô Ca Lan xuống vực, nghĩ rằng Ca Lan đã chết, mình muốn làm gì thì làm, bèn có ý định trở về nước. Nàng nghĩ: “Dù sao đi nữa cũng không ai nhận ra ta, vì ta đã lìa nơi đó lâu năm rồi”. Vì thế cô liền đem theo một ít đồ cần dùng, cõng người tội nhân què quặt trở về nước. Gặp người hỏi thăm cô bèn đặt điều nói dối rằng:
- Chồng của tôi là người an phận, vì đất nước chiến tranh bị bắt đi lính, cuối cùng tàn phế thân thể, không thể kiếm sống. Nay tôi nghe nói đại vương thường bố thí, nên cõng chồng chịu muôn ngàn cay đắng khổ cực, đến đây mong cầu được bố thí, để sống qua ngày.
Người ta nghe nàng nói như vậy, tin cho là thật, đều thông cảm thương xót, biếu cho thức ăn vật dụng. Có người còn bảo rằng:
- Ngày mai, hai ông bà nên đi qua cửa đông, thì có thể được bố thí rất nhiều, vì ngày mai đại vương bố thí ở cửa đông. Như bà là người có phẩm đức cao thượng như vậy, chỉ cần kể cho đại vương nghe cảnh ngộ của mình, nhất định đại vương sẽ ban thưởng rất nhiều.
Hôm sau, nàng quả nhiên đến cửa đông, lại thêu dệt câu chuyện khiến cho người xúc động. Nhưng nàng không ngờ rằng Ca Lan vẫn còn sống trở về nước làm vua, nàng càng không thể nhận ra vị quốc vương với áo mão sang trọng, phú quý kia chính là Ca Lan.
Ca Lan thì nhận ra nàng bèn kể cho mọi người nghe việc làm xấu ác của vợ mình. Các quan đại thần nghe Ca Lan kể xong đều vô cùng tức giận, có quan đề nghị thiêu chết, có người đề nghị chặt đầu. Vị đại thần nắm quyền tư pháp nói :
- Tội ác dù có lớn cũng không lớn hơn việc bội phản đạo lý chân chánh mà đi vào con đường phản nghịch, cần phải đem tội nhân đóng đinh trên lưng của người vợ, khiến cho cô ta phải cõng người đó suốt đời.
Mọi người đều cho rằng đây là phương pháp hay nhất, bèn dùng phương pháp này để trừng trị cô ta
(Kinh Vua nước Ba La Nại – kinh Hiền Ngu)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Tham dâm đa dục sẽ khiến cho lòng người thường sanh những tâm niệm xấu ác, do vậy mà đi trên con đường phạm tội. Vợ của Ca Lan chính là như vậy, cuối cùng gặp phải báo ứng. Ca Lan gặp phải kẻ ác ám hại, nhưng cuối cùng do những hạnh nguyện thiện lành của mình mà được giải cứu, hoá sự nguy hiểm thành bình an. Chúng ta nếu biết làm những việc thiện lành, rộng kết thiện duyên, tin rằng sẽ chuyển xấu thành tốt.
Bà la môn và Liên Hoa
Thuở xưa có cô gái tên là Liên Hoa, cô rất xinh đẹp mà lại ôn hoà, lương thiện, thông minh hiền huệ, rất có gia giáo. Sau khi gả cho người Bà la môn giàu có, cô trở thành người vợ hiền thục, hết lòng quản lý việc gia đình. Nhưng nàng không ngờ rằng người Bà la môn lại không vừa lòng sự hiền thục xinh đẹp của nàng, âm thầm cùng với người tớ gái trong nhà câu kết, càng ngày càng thân mật. Vì có nàng trước mắt, nên người Bà la môn và cô tớ gái cảm thấy không tiện. Một ngày nọ, người Bà la môn lên núi vui chơi, nhìn cây ưu đàm bát đầy quả bèn nghĩ ra một kế.
Bà la môn giả tâm giả ý quan tâm săn sóc cho Liên Hoa và đem cô lên núi vui chơi. Liên Hoa bản tánh hiền lành, vốn không biết ý xấu của người Bà la môn, hân hoan thưởng thức cảnh đẹp của núi rừng. Bỗng nhiên một luồng gió đem lại mùi thơm ngát mũi, họ nhìn thấy cây ưu đàm trên đầy những quả, Liên Hoa vui mừng chạy đến gốc cây muốn hái trái cây, nhưng cây quá cao.
Người Bà la môn trèo lên cây, Liên Hoa đứng đợi dưới gốc cây lòng tràn ngập hy vọng chồng mình sẽ hái trái cho mình. Người chồng hái một vài trái còn non chưa chín quăng cho Liên Hoa, còn mình thì hái những trái vừa lớn vừa chín đỏ ăn một cách ngon lành. Liên Hoa không hiểu, hỏi:
- Tại sao anh ăn trái chín, còn quăng trái xanh, trái chát cho em?
- Chẳng lẽ em không có tay, không có chân sao? Muốn ăn trái chín thì tự trèo lên mà hái.
Liên Hoa cho rằng chồng muốn mình trèo lên cây, nên vui vẻ nói:
- Anh đã dạy như vậy thì em nghe theo.
Nói xong bèn trèo lên cây.
Nhìn thấy Liên Hoa trèo cây, Bà la môn ngầm đắc ý, vì cơ hội đã đến. Khi Liên Hoa trèo lên cây chú tâm hái trái, thì Bà la môn lén tụt xuống, tìm một đống gai góc bao quanh gốc cây. Nhìn thấy dưới cây một đống gai, Liên Hoa hoảng sợ la lên:
- Anh hãy đem những cây gai này đi chỗ khác, nếu không em làm sao mà trèo xuống được?
Người Bà la môn không thèm ngẩng đầu, tiếp tục rào thêm gai cho đến khi chung quanh cây ưu đàm đầy những gai góc, mới ngẩng đầu lên nhìn Liên Hoa đang kinh hoàng thất sắc trên cây, đắc ý cười rồi bỏ đi.
Trong tiếng kêu cứu của Liên Hoa, người Bà la môn vừa đi vừa nghĩ: “Lần này Liên Hoa nhất định sẽ chết đói trên cây”, cuối cùng đã bỏ được cây gai trong mắt, ông có thể cùng với người tớ gái sống chung với nhau không còn uý kỵ gì nữa.
Nhìn thấy người Bà la môn càng đi càng xa, hồi tưởng lại những việc xảy ra trong gia đình, Liên Hoa bỗng hiểu rõ tâm niệm ác độc của chồng, nhưng khi cô hiểu thì đã quá muộn. Cô nằm trên cành cây, nhìn thấy đống gai chất đầy dưới đất và núi rừng vô tận, cho rằng mình không còn cách nào thoát khỏi bèn thương tâm khóc lớn lên.
Trong lúc Liên Hoa than khóc kêu trời trời không ứng, kêu đất đất không linh thì bỗng nhiên từ đằng xa vọng lại những tiếng xe ngựa. Nàng nhìn thấy đàng xa một đoàn xe ngựa đang rầm rộ tiến đến phía nàng. Thì ra đội ngũ săn bắn của nhà vua vừa đúng lúc đó đi ngang qua đây. Liên Hoa càng khóc lớn lên.
Quốc vương nhìn thấy một cô gái đang khóc trên cành cây trong rừng núi hoang vắng, dưới cây lại chất đầy gai góc, cảm thấy rất kinh ngạc, lập tức ra lệnh xe ngựa dừng lại, sai người dẹp bỏ đống gai và đưa Liên Hoa xuống. Nhà vua hỏi lý do, Liên Hoa kể hết ngọn ngành. Nhà vua và đoàn tuỳ tùng nghe xong vô cùng phẫn nộ. Trên đời này sao lại có hạng đàn ông tàn nhẫn ác tâm như vậy, câu kết với tớ gái, lại gạt người vợ trèo lên cây, dưới gốc thì chất đầy gai góc, muốn cho vợ mình chết. Nhà vua cảm thấy thương xót bèn đem Liên Hoa trở về hoàng cung.
Dần dần nhà vua phát hiện Liên Hoa không những xinh đẹp mà còn nói năng lanh lợi, thông minh hơn người, phân tích sự vật rất có kiến thức hiểu biết. Liên Hoa còn có một tài năng đặc biệt tức là tinh thông các loại cờ bạc. Từ khi cô vào cung, tất cả con gái ở trong và ngoài hoàng cung đều tìm nàng đánh bạc, kết quả ai nấy đều thua sạch túi.
Tình cảm của nhà vua đối với Liên Hoa từ tội nghiệp chuyển thành tình yêu. Sau đó nhà vua lập nàng thành vương hậu, tiếng tăm của vương hậu càng ngày càng lớn, tài năng đánh bạc của nàng đã thu thúc nhiều tay cao thủ, những người muốn tranh thắng hơn thua với nàng, sau khi đánh bạc đều cháy túi mà ra về.
Còn người Bà la môn, sau khi nhốt Liên Hoa trên cây trở về nhà, cùng với đứa tớ gái như cá gặp nước, hàng ngày ham ăn biếng làm, chỉ mải vui chơi. Xưa kia Liên Hoa quản lý gia đình rất gọn gàng ngăn nắp nay thì không ai lo lắng, chăm sóc nên nhà cửa vườn tược càng ngày càng tiêu điều, hoang phế. Lại còn tiền vào không bằng tiền ra, vì thế cuộc sống càng ngày càng khó khăn, không thiếu ăn thì cũng thiếu mặt, đứa tớ gái hàng ngày trách móc, cằn nhằn người Bà la môn, khiến người Bà la môn không ngày nào được yên thân.
Một ngày nọ, người Bà la môn nghe tin vương hậu tinh thông cờ bạc thường chơi với những người cao thủ, ông ta rất vui mừng vì tài nghệ bài bạc của ông ta cũng rất cao, ông ta muốn đến đó hơn thua với vương hậu, nhân cơ hội này kiếm một vố. Đứa tớ gái cũng cho rằng dự định này rất hay, vì thế người Bà la môn bán hết tất cả sản nghiệp trong nhà, kiếm đủ tiền đánh bạc, hùng hổ ra đi.
Khi đến hoàng cung, đối diện với hoàng hậu, người Bà la môn giật mình, ông đã nhận ra vương hậu tức là Liên Hoa. Ông biết kỹ thuật cờ bạc của mình thua Liên Hoa rất xa, nhưng mà ván bài đã định, dù có hối hận muốn thối lui e rằng cũng không còn kịp nữa, chỉ đành miễn cưỡng ngồi lại. Ông nuôi mầm hy vọng, người ta thường nói “một ngày vợ chồng trăm ngày ân nghĩa” huống chi vợ chồng của ông đâu chỉ là một ngày. Liên Hoa là một cô gái hiền lành, nàng nhất định sẽ nhìn thấy hoàn cảnh của người chồng cũ, sẽ nể tình, như vậy mình cũng có cơ hội thắng cuộc.
Người Bà la môn nghĩ như thế, cười nói với Liên Hoa, hôm đó ông ta để nàng trên cây chỉ là để giỡn chơi mà thôi, sau đó trở lại tìm nàng thì không thấy đâu nữa. Ông đi khắp nơi tìm nàng, lo lắng cho nàng, ăn ngủ không an, không còn tâm trí quản lý việc gia đình, hôm nay thì gia đình xuống dốc, hoàn cảnh khó khăn, nay nhìn thấy nàng đã trở thành vương hậu, cũng mừng cho nàng. Vì nàng nay đã thành vương hậu, ông không dám đón nàng về nhà, ông chỉ hy vọng nàng nhớ lại cuộc sống hạnh phúc xưa kia của họ. Lời của người Bà la môn khiến cho Liên Hoa nhớ lại những việc đau khổ, nói:
- Tôi không quên đâu, tôi vĩnh viễn không quên những quả chua mà ông đã hái cho tôi. Nay tôi không muốn nói việc xưa nữa, chúng ta bắt đầu vào cuộc đi.
Có thể biết được cuối cùng người Bà la môn thua sạch cả tiền, tay không trở về nhà. Sau đó người tớ gái cũng bỏ ông mà đi, ông trở thành một ông già cô độc bần cùng khốn khổ.
(Phật thuyết phu phụ kinh – Sanh kinh)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Liên Hoa là người thông minh, hiền thục, có tài năng, trải qua những sự khổ đau thử thách mà thành vương hậu, giống như người đã chứng quả đắc đạo, làm sao mà có thể lưu luyến những tham ái sân si của tục trần? Mà những người có tâm niệm xấu ác, bất luận dùng cách gì che đậy cũng không bù đắp được, cuối cùng sẽ bị ác báo, những ác báo này là từ lòng dục vọng tham lam không biết đủ của mình. Người Bà la môn đối đãi với vợ mình như thế là bất trung với gia đình, gặp phải báo ứng như vậy cũng đáng lắm.
Không mất đồ
Ngày xưa trong một gia đình nọ, chỉ có người mẹ và một đứa con trai. Người mẹ thường khoe với mọi người rằng:
- Ta không bao giờ mất đồ.
Một hôm, khi bà đang kể cho mọi người nghe về việc không bao giờ mất đồ của mình, thì đứa con muốn thử thách xem mẹ mình có bản lĩnh đó hay không bèn lấy chiếc nhẫn vàng trên tay bà quăng vào dòng sông đang cuồn cuộn chảy gần đấy, rồi thưa với mẹ:
- Mẹ không phải thường nói mình không mất đồ sao? Nay con quăng chiếc nhẫn của mẹ vào trong dòng sông, mẹ có thể tìm được chăng?
Người mẹ không trả lời, chỉ xoa đầu con nói rằng:
- Mẹ không bao giờ mất đồ, vài ngày sau chiếc nhẫn sẽ trở về với mẹ mà thôi.
Lúc đó đang là mùa bắt cá, người mẹ đến chợ mua một con cá lớn tươi ngon đem về nhà. Khi làm cá, vừa mổ bụng thì bà nhìn thấy chiếc nhẫn của mình đang ở trong ấy. Người mẹ liền lấy chiếc nhẫn đưa cho con xem:
- Lần này con đã tin lời mẹ chưa? Mẹ nói mẹ chưa bao giờ mất đồ. Con xem, đây có phải là chiếc nhẫn mà con đã quăng xuống sông?
Đứa con nhìn thấy chiếc nhẫn thật không mất, cảm thấy vô cùng kinh ngạc.
Vài ngày sau đó, trên đường hoằng pháp độ sinh, Đức Phật cùng với Mục Kiền Liên, A Na Luật, Ca Diếp…, đi ngang qua đó. Đứa con bèn đi đến chỗ Đức Phật hỏi rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn! Mẹ của con tại sao lại có phước báu không bao giờ mất đồ ?
Đức Phật bèn chỉ ngọn núi ở xa xa kể cho người con nguyên do : Phía bắc của ngọn núi đằng kia, mỗi năm đến mùa đông khí hậu rất lạnh lẽo, bầu trời u ám, cho nên mọi người đều dọn đến cư trú ở phía nam của ngọn núi. Có một bà già sống đơn chiếc, tuổi già, sức yếu lại đói nghèo, không có cách nào để dọn tới dọn lui, nên đành ở lại một mình. Bà già giúp mọi người giữ của cải đồ vật. Mùa xuân đến, mọi người lại trở về nhà, bà đem những món đồ mà mình bảo quản trả cho mọi người không sót một món, không bao giờ làm hư hoặc làm mất món gì. Ai ai cũng đều vui mừng.
- Bao nhiêu năm trôi qua, bà lão đơn chiếc cứ làm việc giúp mọi người như vậy. Vì thế mọi người đều cảm ơn bà.
Nói đến đây, Đức Phật ngừng một chút nhìn đứa con đang tập trung tinh thần lắng nghe nguồn gốc câu chuyện, lại nói tiếp:
- Phẩm hạnh cao quý của bà lão, đã làm một vị tiên nhân ở nơi đó vô cùng cảm động, bèn âm thầm ban thưởng cho bà cái phước báu là “Không bao giờ mất đồ”.
Đến đây, người con trai vẫn không hiểu bà lão được vị tiên nhân ban thưởng phước báu với mẹ mình có quan hệ gì. Đức Phật lại nói tiếp:
- Bà già đơn chiếc đó chính là đời trước mẹ của ngươi. Đời trước giữ của cải cho mọi người nên nay được phước báu không mất một món vật gì.
Đứa con nghe xong vô cùng cảm động bởi đức hạnh tốt đẹp đời trước của mẹ mình. Từ đó về sau, người con càng kính phục và càng hiếu thuận với mẹ.
(Cựu Tạp Thí dụ kinh quyển thượng)
Lời Phật dạy đạo lý làm người:
Tận tâm tận lực phục vụ cho mọi người, dù chỉ là một việc nhỏ, cũng có thể khiến cho bạn gieo trồng phước đức. Người mẹ trong câu chuyện này chính vì kiếp trước giữ đồ cho người không để làm mất một món đồ gì cho nên kiếp này được phước báo “không mất đồ”.
BÀI LIÊN QUAN
Tinh thần Phật giáo Đại thừa ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 4036 xem)
Phật pháp tại thế gian ( Hòa thượng Thích Thanh Từ , 3077 xem)
Lời Phật dạy - Quyển I ( Tuệ Liên , 5651 xem)
Giáo pháp như chiếc bè qua sông ( Thích Trung Định , 2632 xem)
Tranh chăn trâu qua cái nhìn của luận Đại thừa khởi tín ( Chân Hiền Tâm , 2644 xem)
Truyền thống nhập thế sinh động của Phật giáo Việt Nam ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 2744 xem)
Hãy tỏ ra mình là Phật tử ( Hòa thượng Thích Trí Quang , 4064 xem)
Ý nghĩa xuất gia của Đức Phật ( Hòa thượng Thích Trí Quảng , 6344 xem)
Người có tâm ( Thích Trung Hữu , 2528 xem)
Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ nhân duyên với Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang ( Hòa thượng Giác Toàn , 6944 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 41 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Long (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai)
THÔNG BÁO Khóa tu Truyền thống lần thứ 41 Do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức từ ngày 11/3 - 17/3 năm Ất Tỵ (08 - 14/4/2025) tại Tịnh xá Ngọc Long (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam
Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ