Trang chủ > Hoạt Động Hệ phái > Khoá Tu
Ni sư Tín Liên hướng dẫn pháp tu thiền và trả lời câu hỏi của thiền sinh
Xem: 5502 . Đăng: 30/09/2021In ấn
Ni sư Tín Liên hướng dẫn pháp tu thiền và trả lời câu hỏi của thiền sinh
1. Giai đoạn một: gồm có ba bước:
- Bước thứ nhất hơi thở đi tới đâu chúng ta biết tới đó và đếm;
- Bước thứ hai cũng giống như bước một là hơi thở đi tới đâu biết tới đó nhưng không đếm chỉ quan sát hơi thở đi tới đâu biết tới đó;
- Bước thứ ba là phải xác định được điểm tiếp xúc dưới mũi trên môi. Làm thế nào để chúng ta xác định được điểm tiếp xúc? Chúng ta thở mạnh ra và hít mạnh vào, thường là chỗ nhân trung hoặc là ở dưới chân mũi.
Sau khi biết được điểm tiếp xúc chúng ta quan sát hơi thở đi ngang qua điểm tiếp xúc. Khi hơi thở đi ngang qua điểm tiếp xúc thì nhận biết hít vào thở ra tại điểm tiếp xúc và đếm 1 là đếm chẵn. Còn nếu hít vào ngang qua điểm tiếp xúc chúng ta đếm 1 và khi thở ra ngang qua điểm tiếp xúc chúng ta đếm 2 thì như thế là chúng ta đếm lẻ. Như vậy còn đếm là được xếp vào trong sổ tức.
Điểm chú ý của bước ba này là khi hơi thở đi ngang qua điểm tiếp xúc chúng ta biết có hơi thở dài chúng ta đếm; nhưng khi hơi thở qua điểm tiếp xúc nó vào trong mũi nó đi tới đâu chúng ta không cần bận tâm theo dõi, mà tâm chỉ chú ý ở điểm tiếp xúc mà thôi, cho đến khi hơi thở đi ra ngang qua điểm tiếp xúc chúng ta biết hơi thở đi ra và đếm. Như vậy là bước ba của giai đoạn một.
2. Giai đoạn hai:
Bước sang giai đoạn hai thì trong giai đoạn hai này thực tập giống bước thứ ba của giai đoạn một nhưng khác ở chỗ nào?
Giai đoạn hai là giai đoạn tùy tức. Tức là theo dõi, chú tâm vào quá trình sanh diệt của hơi thở, liên tục quan tâm, chú ý hơi thở nơi tiếp xúc. Chú ý hơi thở là pháp niệm hơi thở, cho nên chú ý hơi thở nơi tiếp xúc của hơi thở ra và vào mà không để ý đến, không tưởng đến chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối cùng của hơi thở ra vào đó. Tức là hơi thở ra vào nó đi qua điểm tiếp xúc rồi nó đi tới đâu mới chấm dứt; nhưng chúng ta chỉ biết khi nó đi ngang qua điểm tiếp xúc là ta biết có hơi thở vào có hơi thở ra, rồi đếm giống như bước ba của giai đoạn một. Điểm quan trọng trong giai đoạn này là chúng ta nhìn kỹ hơn.
Giai đoạn hai này là khi hơi thở đi ngang qua điểm tiếp xúc thì ta phải gia công, có sự chú ý, nhìn kỹ hơi thở khi đi ngang qua điểm tiếp xúc đó như thế nào để nhìn ra cái tướng, cái tánh của nó, để nhận dạng nó. Quán xem nó liên tục hay nó là những cái gì nối lại với nhau, nó là những điểm kết hợp để nối lại với nhau hay nó là sợi dây liên tục của hơi thở. Tức là quan sát bản chất, thực chất của hơi thở như thế nào.
Như vậy, giai đoạn hai cũng giống như bước thứ ba của giai đoạn một nhưng khác là không có đếm và sự quan sát của chúng ta kỹ hơn. Kỹ hơn là thay vì ở bước ba của giai đoạn một chúng ta chỉ biết hơi thở đi vào đi ra, đi ngang qua thôi. Còn trong giai đoạn này khi nó đi ngang qua điểm tiếp xúc chúng ta phải chú tâm nhìn kỹ từ tâm, cũng như chúng ta cố gắng nhìn kỹ hình dạng, hình tướng của nó như thế nào khi đi ngang qua điểm tiếp xúc.
Đó là đặc điểm của giai đoạn 2: không đếm và chú ý nhìn kỹ hơi thở khi đi ngang qua điểm tiếp xúc. Cũng như cái ghế xích đu đưa qua đưa lại ngang qua mặt chúng ta, chúng ta sẽ chú ý nhìn kỹ xem trên chiếc xích đu có người ta hay không hay có cái gì trên đó.
* Phật tử hỏi, Ni sư trả lời:
Ngọc Phụng: - Đây là khóa tu đầu tiên con học ngồi thiền, từ ngày hôm qua con ngồi tu thiền nhưng mà mắt cứ hướng lên rồi hướng ngang và cơ thể cứ xoay trở liên tục. Nhưng từ đầu giờ chiều hôm nay cố gắng không xoay trở người nữa và ngồi yên bán già trong 2 thời. Con có hướng về oan gia trái chủ con có thì cho con hồi hướng cho con tọa thiền viên mãn, thì con không có đau mấy, nhưng mà con không chú tâm được. Con ngồi được tầm một tiếng, nhưng từ phút 30 trở đi thì đùi của con bị đau nhức, con cố gắng nhìn một hướng và ngồi chứ cũng không dám xoay trở người như buổi trước, nhưng hơi thở thì con không kiểm soát được. Vậy xin cho con nhờ Sư phụ giải thích dùm cho con ạ!
Ni sư Tín trả lời: Tuy ngồi thiền cả ngày như thế này nhưng do chúng ta học online nên có gián đoạn trong giờ nghỉ như đi đi luộc rau, nấu cơm,.... thành ra Phật tử không miên mật lắm. Trong trường thiền chúng ta miên mật gia tu suốt ngày. Bốn đề mục quán tưởng là quán tưởng từ lúc sáng sớm, tức là thời thiền sớm nhất của mình, mình quán tưởng một lần thôi rồi trong ngày chúng ta đi thiền hành và ngồi thiền là chánh niệm. Chánh niệm hơi thở, hoặc chánh niệm tâm,... tức là đi thiền hành chánh niệm mà ngồi thiền cũng chánh niệm. Cho nên những lúc có tư thưởng cho oan gia trái chủ đừng khởi lên trong quá trình ngồi thiền thì hành giả xem đó như vọng tâm, hành giả liên tục chánh niệm, nhìn nó cho nó biến mất. Cho nên Phật tử vì mới thực tập thiền chưa có quen, mà ngày hôm qua đến hôm nay thấy đã quen rồi là có sự tiến bộ tốt. Ngày hôm qua rất khó khăn tại vì mình mới mẻ quá nên khi mình xếp chân lại thì đau, lúc này quay qua hướng này, lúc này quay qua hướng khác, và mới sau một ngày thì Phật tử đã thấy êm êm thì như vậy là được rồi.
Sau khi ngồi thiền thì Phật tử hãy hướng về các oan gia trái chủ và chia phước cho họ. Hoặc cầu nguyện trước khi ngồi thiền để mong rằng cái thời ngồi thiền của mình tốt, mong rằng không bị oan gia trái chủ hay một cái chi cản trở quá trình ngồi thiền thì Phật tử hướng tâm như thế cũng không có sao hết. Phật tử ngồi thiền với niềm tin đó và ngồi thiền ít có phóng tâm và cảm thấy cảm giác chân mình đỡ đau hơn thì nó tốt hơn. Còn ngồi tới nửa tiếng đồng hồ thì đau thấu xương thì đó là tự nhiên thôi, tại vì mình chưa quen ngồi nhiều nên ngồi đến nửa tiếng thì đau. Nếu mà đau nhiều quá thì Phật tử không nên cố chịu đau như vậy, tại vì chịu đau nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới tim của mình. Có những vị khi họ bị đau ghê gớm lắm nhưng phấn đấu và kiên trì cho đến khi hết đau luôn. Bản thân Ni trưởng khi bị đau cột sống thì nó đau như thấu trời xanh, thứ nhất Ni trưởng quán tưởng biết cảm thọ là cảm thọ thôi, cái cảm thọ nó khác với cái chơn tâm của mình, nó không bị ảnh hưởng bởi thọ đau này, tức là thân đau mà tâm không đau. Ni trưởng hiểu như thế rồi là Ni trưởng phấn đấu kham nhẫn cho đến một lúc cái đau đó bật ra một cái là nó hết đau luôn. Mà sự thật là cái kinh nghiệm này không phải một mình Ni trưởng mà bản thân Sư cô cũng có kinh nghiệm qua. Một lần kiết già kham nhẫn đến một lúc đau ở đầu gối, ở chân nó bật ra rồi hết đau. Cho nên cảm giác đau khi ngồi nửa tiếng đầu là không sao nhưng khi đau nhiều thì Phật tử phải đổi tư thế và đổi trong chánh niệm như Sư cô giải thích, tức là cái chân mình giơ ra, cái tay mình đưa ra rồi cảm thọ chỗ cái chân nó tê rần rần và bắt đầu nó lan ta từ từ nó biến mất. Phật tử nếu quan sát được thấy chú ý xem cái cảm thọ đó lan ra như thế nào và nó biến mất như thế nào thì như vậy là mình đang chánh niệm về thọ. Và khi Phật tử quan sát cái chân mình kéo ra như thế nào, cái bàn tay của mình nó co vào giơ ra nắm bàn chân như thế nào thì Phật tử gắng tâm quan sát cái quay của cái tay và cái chân thì như vậy là đang chánh niệm về thân. Hành giả vẫn chánh niệm nên không sao hết, sau khi thấy thoải mái thì ngồi thiền tiếp.
Cô Tuệ An hỏi: - Khi con ngồi thiền thì con bị vọng tưởng miên man về chuyện này, chuyện nọ. Con cũng có cố kéo cái suy nghĩ của mình về hơi thở để cột lại như Sư cô chỉ dạy. Nhưng sau nhiều lần con thấy không cải thiện được bao nhiêu thì sau đó con thêm một cái nữa là con niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật thì con thấy rằng con tinh tấn hơn và không bị như vậy nữa. Vậy thì con muốn hỏi Sư cô là con làm như vậy có sai hay không?
Ni trưởng Hiệp Liên - Trụ trì Tịnh xá Ngọc Trung trả lời: - Trước tiên là chúc mừng cô Phật tử Tuệ An có tâm tu, quyết chí tu muốn ngồi thiền mà cái tâm bị vọng động, vọng loạn. Nhưng cô quyết chí nên cô có niềm tin, có niềm tin nên cô niệm danh hiệu của Đức Phật, đây là không phải Phật hộ cho mình, mà mình có niềm tin như có Phật trong lòng nên cô tin tưởng niệm. Cô Tuệ An có niềm tin niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật nên cô bớt vọng tưởng, cô có niềm tin như vậy là tốt không sai. Nhưng không phải niệm như vậy là Phật hộ cho mình mà là niềm tin của mình có Phật hộ mình. Cho nên cô cứ niệm, niệm chân chánh, niệm liên tục, mà vừa niệm mình cũng theo đề mục của mình chẳng hạn là mình cứ niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật cho đến khi nhất tâm. Chúc cho cô Tuệ An luôn giữ vững niềm tin, cố gắng tu học tinh tấn, gia đình hạnh phúc yên vui.
Sa di Ni Liên Trúc - Tịnh xá Ngọc Quang: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, kính bạch quý Ni sư, Ni trưởng cùng chư Tôn đức Ni đại chúng. Con Sa di Ni Liên Trúc tại đạo tràng Tịnh xá Ngọc Quang, Thốt Nốt, Cần Thơ, trực thuộc giáo đoàn I. Trong khóa tu truyền thống Ni giới Khất sĩ lần này thì con xin phép có một vài thắc mắc thỉnh quý Ni trưởng, quý Ni sư chỉ dạy cho con ạ! Mô Phật, trong bối cảnh dịch bệnh covid 19 đang diễn ra hết sức phức tạp thì con nhận thấy được là mỗi cá nhân của mỗi người phải đấu tranh trong từng hơi thở để có được mạng sống thì qua đó con càng nhận thấy tầm quan trọng của hơi thở. Một hơi thở vào mà không thở ra thì trải qua một đời sau và trong những ngày qua được sự hướng dẫn của quý Ni trưởng, Ni sư về thực tập thiền, các bước trong giai đoạn chánh niệm về hơi thở thì con lại càng thấy rõ được tầm quan trọng đó. Trong kiến thức hạn hẹp của con, con tự nhận thấy chánh niệm về hơi thở mà Ni sư hướng dẫn có một số nét tương đồng trong 16 đề mục quán tưởng hơi thở trong bài kinh Tứ niệm xứ mà Đức Phật đã dạy. Con thỉnh quý Ni trưởng, quý Ni sư dạy cho con là con suy nghĩ như vậy có đúng hay không và nếu như đúng thì phương pháp hành trì giữa hai bên có giống nhau hay không? Và phải chăng trong đại dịch diễn ra này cái việc chánh niệm về hơi thở thiền định ngày càng được lan tỏa khắp mọi nơi để cho mọi người có thể trở về với nội tâm của chính mình và đạt được sự an lạc, tịch tịnh có thể an yên qua mùa dịch? Mô Phật, con thỉnh quý Ni trưởng, quý Ni sư dạy cho con ạ, con cảm ơn!
Ni sư Tín Liên trả lời: Qua lời lẽ cô trình bày như vậy thì cô là người có tri kiến, có hiểu biết nhiều. Trong nghiên cứu nói rằng pháp môn niệm hơi thở vô ra tương tự chánh niệm trong bài Tứ niệm xứ niệm về hơi thở của Đức Phật. Quả đúng như vậy, trong khóa tu này là chúng ta tu theo Phật. Và Tổ Sư của chúng ta có nói rằng “nối truyền Thích ca chánh pháp”, theo chánh pháp của Đức Phật Thích Ca. Khóa tu của chúng ta không ngoài giáo lý của Phật, pháp môn thở vô ra giống như 16 đề mục trong bài niệm về hơi thở. Tức là hơi thở nó dài hay nó ngắn hay nó như thế nào ta biết nó như thế đó và pháp môn niệm hơi thở này cũng được trình bày rất kỹ trong Thanh Tịnh Đạo Luận. Chúng ta chỉ áp dụng thêm những kinh nghiệm của các vị Ni trưởng, Ni sư đi trước cũng như chư Tôn đức đã tu về pháp môn này. Thật ra thì có những kinh nghiệm chúng ta đưa vào thực hành để cho chúng rà sát với thực tế để thực tập. Về lý thuyết thì không khác gì với niệm hơi thở vô ra của 16 đề mục cả. Không phải đọc 16 đề mục mà chúng ta tu trì theo ý nghĩa nó đúng như vậy và cái niệm sổ tức của chúng ta cũng được giải thích rất kỹ. Nếu Ni cô có tinh thần nghiên cứu thì Ni cô đọc Đạo Luận về pháp niệm sổ tức thì sẽ được hướng dẫn rõ về pháp niệm sổ tức đang hành trì đây, thực hành đây để có thêm kiến thức kinh nghiệm của những vị đi trước thêm vào để chúng ta rõ hơn trong thực hành.
Và ý thứ hai Ni cô hỏi là trong mùa dịch phát triển thiền tập trong giai đoạn này nhất là đối với những người bệnh thì nó thực sự rất cần thiết. Nhất là những vị tinh thần bị chao đảo hoang mang thì thiền sẽ giúp người ta tĩnh tâm lại, tức là thiền có hỷ, có lạc và nhất tâm, nó làm cho con người ta sẽ khống chế, sẽ đẩy lùi được những cái hiện tại, phát triển được giới, định, tuệ của mình. Khi chúng ta gieo những cái nhân tốt và giới định tuệ tăng trưởng là chắc chắn chúng ta sẽ có quả tốt đẹp. Các vị đó nếu hành trì thì chắc chắn người đó sẽ có quả đẹp ở hiện tại và tương lai nên thiền hết sức cần thiết cho mọi người đặc biệt là giai đoạn dịch bệnh vô thường như thế này. Nếu có hơi thở vô mà không có hơi thở ra là bước qua một đời, thấy vô thường ở ngay trước mắt, ái biệt ly khổ làm cho con người thức tỉnh và có sự tinh tấn hơn để người ta tự cứu mình và chuẩn bị cho mình một hành trang cho kiếp sau. Còn đặc biệt đối với những người bệnh thì nó lại rất cần thiết nữa, cái thân đau làm cho tâm bấn loạn, nhưng nếu vị đó có thể bắt đầu gắng gượng được và tĩnh tâm trong giây phút nào thì những vị đó áp dụng thiền vào thì nó hết sức là lợi lạc. Trong lúc các vị thiền như vậy, nếu thiền miên mật thì hỷ lạc khởi lên, nhất tâm khởi lên, tâm định khởi lên thì cái hỷ lạc đối trị tâm sân, nhất tâm đối trị dục tham, tứ đối trị với nghi. Đối với những người bệnh khó vượt qua khỏi trạng thái cái thân quá đau, không thể tập trung tâm để nhớ tới một cái gì để tu tập, nhưng nếu vị nào gắng gượng được hướng về tu tập thì điều này vô cùng tốt đẹp. Vị đó thứ nhất được cái hỷ lạc hiện tại cho mình, không bị sự thống khổ của bệnh hiện tại đang hoành hành, thứ hai là vị đó đang gieo cái nhân hết sức tốt đẹp và phước báu chắc chắn sẽ hiện báo, sanh báo hay là hậu báo.
Sa di ni Liên Trúc: Con trọng ơn quý Ni trưởng, quý Ni sư đã giải thích cho con ạ!
Thuận Nghiêm: - Nam Mô Bôn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch quý Ni trưởng, kính bạch quý Ni sư, kính bạch quý Sư cô và tất cả đại chúng Phật tử đồng tu với con chiều hôm nay. Con mạo muội mạn phép xin quý Sư cho con được trình pháp bởi vì con có một vài lợi lạc trong việc tu thiền, cụ thể con xin trình như sau. Đầu tiên con xin giới thiệu về con: Con là Phật tử Thuận Nghiêm đến từ Tịnh xá Ngọc Mỹ ở Mỹ Tho. Vào năm 2019, con đã tham gia khóa tu truyền thống Ni giới Khất sĩ khóa 34 nên con có chút xíu kinh nghiệm. Lần này được tổ chức tu online thì con quyết tâm đăng ký và tu tập thì con áp dụng những kinh nghiệm đã có từ lần tu trước. Thời gian gần đây có tu Bát Quan Trai ở Tịnh xá Mỹ Đức, thành phố Mỹ Tho cũng dạy thiền Tứ niệm xứ nhưng chưa khi nào con ngồi thiền được một cách đầy đủ và an lạc như lần tu kỳ này. Đặc biệt là trong hai thời tu của chiều nay thì thực hành theo chỉ dạy của Ni sư để quán xét hơi thở đi qua điểm tiếp xúc để biết được bản chất của hơi thở. Con thực tập thấy và hiểu rất rõ hơi thở của con đi qua và tiếp xúc ở cửa mũi và phần nằm gần góc giữa của nhân trung, cả hai bên đều có nhưng một bên nhẹ và một bên mạnh hơn. Mũi bên phải con hơi thở ra vào là mạnh hơn nhận ra rất rõ, bên trái thì nhẹ hơn một chút nhưng vẫn có và đặc biệt cấu tạo của mũi con khi hít vào thì nó chạm vào ống mũi và tác động lên ống mũi nghe hơi thở cọ sát và rất rõ. Khi hít vào thì luồng không khí đưa vào nó mạnh và có độ mát. Khi ra thì thở dài hơn và hơi thở ấm hơn chứ không mát như khi con hít vào. Điều đó con nhận ra rất rõ ràng và con kiểm nghiệm trong suốt quá trình trong hai thời tu chiều nay đều như vậy cả. Và vào đầu thời tu buổi sáng con cũng theo dõi thử, xem xét thấy “vận tốc thở” của mình khoảng 13 hơi hít vào và thở ra trong 1 phút. Buổi chiều con thở cũng đúng y một nhịp độ đó 13 lượt trên 1 phút. Về quá trình tu, khi điều thân thì con ngồi bán già chân trái gác trên chân phải, và trong hai thời chiều nay thì con ngồi nguyên một tư thế từ lúc bắt đầu thiền cho đến khi xả thiền không thay đổi một chút nào. Mặc dù gần cuối buổi tu nó có phát lên là đau chân, đau đầu gối và đau bàn tọa nhưng con thấy sức chịu đựng của mình có thể chịu được. Con nhất tâm cố gắng theo dõi hơi thở thì lần lần con thấy bớt đau chân, không đau nhiều như lúc nó phát đau nhất và sau đó khi hết thiền thì con để chân xuống thì lại thấy không bị đau, mà cũng rất ít tê. Điều đó làm cho con rất hoan hỷ! Về tâm và cảm thọ thì con thấy vui mừng là năm triền cái không có ngăn cản sự tu tập. Chỉ có một chút còn lại là thỉnh thoảng phóng tâm nghĩ về chuyện này chuyện kia. Nhưng mới vừa thoáng nghĩ qua một hai câu là con biết ngay, con kéo nó trở về con niệm phóng tâm, phóng tâm quay lại theo dõi hơi thở. Trong suốt thời thiền 45 phút vừa qua thì cũng vài chục lần phóng tâm như vậy con quay lại hết chứ không có lần nào để cho phóng tâm dẫn dắt mình đi xa đề mục. Tóm lại con xin trình pháp là tu tập có sự lợi lạc rất lớn và con thấy được sự hỷ lạc trong chính con người con, cái tâm thái của mình nhẹ nhàng, an lạc. Con thực tập tu thiền đã 2 năm nay trong chiều nay lần đầu tiên con nhận rõ chữ pháp hỷ là như thế nào. Con xin hết, xin cảm ơn quý Ni trưởng, Ni sư và tất cả đại chúng đã nghe con trình pháp trong sự chân thật nhất của con và nếu có điều chi con thực hành chưa đúng hoặc là có suy nghĩ lệch lạc thì con mong quý Ni trưởng, Ni sư, quý Sư cô chỉ dạy cho con. Dạ con xin trọng ơn tất cả quý ngài. Mô Phật.
Ni sư Tín Liên: - Phật tử Thuận Nghiêm ở Tịnh xá Ngọc Mỹ, Mỹ Tho đã trình pháp rất rõ, có sự chú ý, có sự quan sát rất là kỹ trong thời thiền của mình. Đã quan sát rất kỹ các chi tiết trong thời thiền và cảm thấy có hỷ có lạc khởi lên trong tâm, chứng tỏ có định nên 5 thiền chi có sự hiện khởi. Khi tu thiền tiến bộ thì từ từ chúng ta sẽ quen dần, quen dần như Phật tử ngồi tới phút chót mới thấy chân đau. Phật tử đã quen ngồi thiền rồi nên có sự kham nhẫn, kiên nhẫn, kiên trì và từ từ chúng ta sẽ khắc phục được những khó khăn. Ở đây Phật tử Thuận Nghiêm là minh chứng cụ thể để làm tấm gương cho những vị mới bắt đầu trong việc tập tành ngồi thiền. Chúng ta sẽ phấn khởi, có niềm tin rằng từ từ mình sẽ được như Thuận Nghiêm thôi, nên mình kiên trì thực tập thì từ từ cái chân mình nó quen, nó quen rồi mình ngồi sẽ cảm thấy bớt đau rồi từ từ an bình, yên tĩnh, thanh tịnh. Khi cái thân mình được yên thì cái thân cũng hỗ trợ cho cái tâm yên và ngược lại cái tâm chúng ta yên thì cái thân cũng yên, nghĩa là có sự hỗ trợ qua lại giữa thân và tâm. Cho nên khi tâm mình động thì thấy cái chân nó đau, chỗ này ngứa ngáy, chỗ kia khó chịu và mình lại nhúc nhích. Muốn tiến bộ chúng ta phải rút kinh nghiệm từ những thời thiền tốt của mình để biết rằng khi mình có thời thiền tốt như vậy thì mình đã tạo những điều kiện gì để mình được ngồi thiền tốt. Những thời thiền sau mình cũng rút kinh nghiệm đó để từ từ phát huy cái tốt đó, để chúng ta đạt kết quả tốt đẹp trong lúc thiền Từ phấn khởi đó chúng ta sẽ tinh tấn tiến lên và thiền của chúng ta sẽ rất tiến bộ. Sư cô có lời khen ngợi Phật tử Thuận Nghiêm đã ngồi thiền rất tốt, có sự kiên tâm trì trí hành thiền tốt đẹp và chú tâm thật nhiều, thật kỹ trong thời thiền của mình. Nhờ chú tâm thật kỹ đó tâm mới đưa đến định, có hỷ, có lạc đạt kết quả như mong muốn.
Ngọc Minh: - Kính bạch Ni trưởng, kính bạch quý Ni sư con là Ngọc Minh, con ở nhà rất buồn và nghĩ hết đời này con cũng không thể đi chùa ngồi thiền đọc kinh được vì đầu gối của con bị rách sụn. Nay Ni sư dạy online con mừng quá thì xin phép Ni sư con ngồi trên ghế thôi được không Ni sư?
Ni sư Tín trả lời: - Chân mình đau thì mình ngồi ghế vẫn được không sao hết, mình mới mẻ thì mình ngồi nửa tiếng, qua thêm một hai lần sau mình tăng thêm 5 phút, tăng thêm 10 phút cứ như vậy rồi sẽ tăng lên. Chân mình đau thì mình ngồi ghế không sao hết miễn là mình giữ cái thân mình yên thôi.
Tuệ An: - Con mạn phép xin hỏi quý Ni sư, quý Sư cô con muốn biết rằng là Phật tổ của mình có thiền Vipassana, thiền tứ niệm xứ. Như vậy thiền tứ niệm sư và Vipassana khác nhau như thế nào? Lợi ích của hai cái như thế nào?
Ni sư Tín trả lời: - Vipassana là gì? Vi là thấy rõ, passana là sự thấy cho nên gọi là sự thấy rõ, sự quan sát rõ và dịch ra là thiền minh sát. Thiền Vipassana là quan sát rõ, quan sát kỹ để thấy bản chất thật vạn pháp nên còn gọi là thiền minh sát. Mà tứ niệm xứ thân, thọ, tâm, pháp cũng chính là thiền minh sát vì khi chúng ta niệm hơi thở, bắt đầu giai đoạn hai là chúng ta đã quan sát, hướng cái tâm để tập quan sát. Giai đoạn hai, giai đoạn ba, giai đoạn bốn càng quan sát kỹ nữa để thấy cái bản chất thật, cái thể trạng thật của pháp. Khi một hành giả thực hành tứ niệm xứ lấy đối tượng cả thân cả thọ cả pháp trong khi tu thiền và vị đó nói rằng: “Tôi đang thực hành thiền minh sát” là đúng cho nên tứ niệm xứ là minh sát tuệ.
Tuệ Giác: - Kính Bạch Ni trưởng, Ni sư và quý Sư cô. Trong quá trình tu thiền lần đầu từ hôm qua đến nay con cảm thấy tâm và toàn thân con chỉ là hơi thở ấm nóng. Trong chiều nay thì con luôn bị hôn trầm mặc dù con có niệm Phật nhưng vẫn bị hôn trầm dẫn dắt, thì không biết con đã làm sai ở chỗ nào ạ?
Ni sư Tín Liên: - Ý thứ nhất cô nói là lần đầu tiên ngồi thiền nên hơi thở vẫn chưa nắm rõ và bị hôn trầm nên không thể nắm rõ. Mặc dù là trong khi hôn trầm cô có niệm Phật nhưng không hết hôn trầm. Hôn trầm là vấn đề rất tự nhiên khi mới bắt đầu ngồi thiền, cô có quan sát hơi thở tuy không rõ nhưng không sao. Chỉ là chứng tỏ rằng mình mới mẻ nên cái chú tâm và hơi thở của mình chưa khít khao, chưa có miên mật, tinh tấn thành ra mình không chú tâm nhìn hơi thở được. Tâm mình uể oải và dễ buồn ngủ, khi buồn ngủ thì cô niệm Phật nhưng cũng không chống chọi nổi. Cô hãy nhớ 8 điều Phật dạy ngài Mục Kiền Liên, thứ nhất khi bị hôn trầm thì đổi đối tượng, quan sát hơi thở mà buồn ngủ thì cô chuyển qua niệm Phật là đổi đối tượng. Cô niệm Phật mà vẫn còn hôn trầm thì Đức Phật dạy tiếp theo là nhớ về một bài kinh nào mà mình thuộc, mình nhẩm đọc bài kinh trong tâm đọc từ đầu tới cuối, đọc tới đọc lui. Đọc một hơi mà vẫn còn buồn ngủ thì tiếp theo mình đọc lớn lên nếu khi ngồi một mình. Còn buồn ngủ nữa thì thứ tư là con mắt chúng ta có ngọn đèn pha chiếu, ban đêm tưởng tượng như ban ngày như thế ánh sáng mặt trời rọi vô con mắt. Nếu vẫn còn buồn ngủ thì thứ năm là lấy tay nhéo lỗ tai, xoa lỗ tai, chà trán, chà mặt. Thứ sáu vẫn còn buồn ngủ nữa thì đi ra rửa mặt. Ra rửa mặt rồi quay trở vô ngồi thiền mà vẫn còn buồn ngủ nữa thì chuyển qua thứ bảy, đi ra khoảng không nhìn trời mây mát mẻ, không gian bao la. Mà mình vẫn còn buồn ngủ nữa thì thứ 8 là đi ngủ, ngủ trong chánh niệm mấy giờ sẽ thức, 3 giờ hay 4 giờ,... thức dậy để ngồi thiền nữa. Cô áp dụng điều Đức Phật dạy, vì mới ngồi thiền có một hai ngày đầu, lần đầu mà được như vậy là giỏi rồi. Còn nếu sau này mà cô còn buồn ngủ hoài như vậy thì cô gia công nhìn vô hơi thở quan sát nó rõ hơn thì cô sẽ đối trị được buồn ngủ, còn nếu cô cảm thấy cứ buồn ngủ hoài thì cô xem xét nguyên nhân buồn ngủ là gì. Có thể cơ thể bị cảm là rất dễ buồn ngủ, nếu uống thuốc cảm là dễ buồn ngủ, rồi chẳng hạn như do mình thiếu ngủ, hôm qua mình mất ngủ thì nay buồn ngủ,... hoặc là mới uống sữa nóng nên ngồi thiền thì sẽ buồn ngủ, hoặc là ăn cái gì làm cái bụng ấm ấm là buồn ngủ. Tìm những nguyên nhân tại sao mình lại buồn ngủ, khi biết nguyên nhân mình trừ các nguyên nhân đó thì sẽ hết. Còn nếu không có những nguyên nhân nào mà hễ ngồi thiền là buồn ngủ và buồn ngủ rất nhiều, buổi thiền nào cũng buồn ngủ hết thì lúc đó chúng ta phải xem tới việc chia phước cho oan gia trái chủ, nghiệp lực tiêu tan đi để hỗ trợ cho việc ngồi thiền được tốt đẹp. Như vậy những lần sau cô sẽ ngồi thiền được tốt hơn, cô sẽ thấy tâm mình phấn chấn, rồi lúc đó mình cảm thấy có niềm vui, có hỷ, thân mình khỏe lạc thì chú tâm vào đối tượng là nhất tâm. Năm thiền chi đã khởi lên rồi nhờ tầm, tứ mạnh nên mới được như vậy. Bây giờ mình còn mới mẻ thì tầm tâm sở đối tượng của mình chưa mạnh cho nên mới dễ bị hôn trầm.
Thứ hai, Phật tử hỏi là cảm giác cả người chỉ là một hơi thở ấm nóng thôi mà không có cảm giác của toàn thân thì như vậy là tốt. Vì lúc đó cô chỉ chú ý hơi thở của mình mà thôi, sự chú tâm rất cao độ cho nên không thấy những cái khác của thân thì nhất tâm của cô rất là đạt. Đó là ý kiến của Sư cô, chúc cho Phật tử đạt được kết quả tốt trong thời ngồi thiền tiếp theo.
Tịnh xá Ngọc Cảnh ở Đà Lạt: Thưa Ni sư con là Ngọc Quyên, trong lúc con ngồi thiền con biết hơi thở ra hơi thở vào thì phần ngực bị đau lúc con đứng dậy. Con hành thiền thì con cảm thấy phần sau ót của con nó bị chông chông đau đau. Con muốn hỏi về vấn đề này của con thì sẽ xử lý như thế nào?
Ni trưởng: - Vấn đề ngực bị tức là do khi hít vào thở ra không đều, hít vào nhiều thở ra ít chưa hết một hơi. Khi mình hít vào mình có tư tưởng là hít những cái trong lành vào cơ thể rồi mình tống khí độc trong người mình ra, mình hít vô bao nhiêu thì mình phải đưa ra bấy nhiêu. Ở đây nhiều khi cô hít vô nhiều cô thở ra lại ít cho nên cái hơi nó còn lại, nó chướng trên chỗ ngực. Chẳng những cái ngực mà nếu mình đưa ra không hết thì sau này sẽ ảnh hưởng đến cái bụng làm cho bụng to nữa, cho nên cô cần phải để ý chỗ đó. Còn đau ót là do khi ngồi cổ mình không thẳng, tư thế không thẳng. Trước khi vào ngồi thiền có 3 điều phải làm, một là điều thân, hai là điều tức, ba là điều tâm. Trước nhất là điều thân, mình xoay qua xoay lại cái cổ, cuối xuống ngửa lên cử động cho máu trong cơ thể mình chạy đều và cổ ngồi thẳng thì không bị chướng ngại và đau. Hoặc là trong lúc ngồi thiền mình quá gồng hoặc do tư tưởng của mình nữa, lúc đó thì mình đừng nghĩ tới nó đau mà mình phải theo dõi hơi thở ra vô, lúc đau chỗ nào thì mình ghi nhận chỗ đó là mình cảm thọ. Như vậy, một là hít hơi thở vô theo hơi thở xuống ngay đan điền rồi trụ lại khoảng 3 đến 5 giây rồi đưa mạnh hết cái hơi ra rồi mới hít trở lại, khi thở ra là bụng hóp lại.
Ngọc Quyên: - Lúc sáng con có nghe Ni sư giảng quán hơi thở ra hơi thở vào và theo dõi quan sát từng hơi thở thì lúc đó trong con nhầm lẫn là điều khiển hơi thở, thì con muốn được hướng dẫn lại chi tiết hơn cách quán hơi thở ra hơi thở vào từ mũi đến tận bụng dưới ạ!
Ni sư Tín: Thiền là tự nhiên, khi hơi thở tự nhiên đi vào chúng ta chỉ quan sát biết là hơi thở đi tới đâu tới và mình quan sát cái luồng hơi thở lúc đó của mình nó mạnh hay nó yếu. Tức là nó vô tới đâu mình biết tới đó nhất là khi chúng ta nằm là chúng ta sẽ thấy rõ hơn, như tối nay cô nằm cô ngủ cô hít vào thở ra và khi hít vào như vậy cô quan sát có luồng hơi thở đi vô nó có sự tiếp xúc rất là rõ có sự cọ sát trong khí quản mình cảm biết, khi nó vô mình biết khi nó ra mình biết, cô hít thở nhiều lần như vậy là cô đang thực tập bước hai của giai đoạn một mà không đếm. Không điều khiển hơi thở, mình để nó tự nhiên rồi quan sát thôi.
Phật tử: - Dạ thưa Ni sư, khi con ngồi thiền thì có lần con ngồi thiền rất tinh tấn có thể hơn một nửa thời gian ngồi thiền. Có thời thì con ngồi chưa được một nửa thời gian thì trong người con nó bức rức khó chịu, những lúc như vậy con ngồi cho hết thời thiền hay là con thả ra con đứng dậy?
Ni sư Phụng trả lời: - Lúc mình ngồi xuyên suốt hay ngồi một lát nó khởi lên bức rức khó chịu thì đó là do tâm của mình thôi. Cảm giác bức rức khó chịu thì nhìn cảm thọ chứ không bỏ cuộc vì mình đã quen ngồi được rất lâu gần như xuyên suốt thời thiền. Những lúc trong cơ thể mình thay đổi khi nóng khi lạnh khi đau khi bệnh và cái tâm của mình cũng thay đổi thì thứ nhất mình nhìn cảm thọ để xem cái cường độ nó tăng lên nữa hay nó giảm xuống. Thứ hai là nhìn xem đó là cái đau của thân hay là cái ảo tưởng của tâm, mà ảo tưởng của tâm nó đến từ nghiệp nó sẽ bắt mình đứng dậy. Nếu là ảo tưởng của tâm, là nghiệp thì mình nhìn nó thì nó sẽ mất và trở lại quân bình. Cứ tập như vậy, khi mà nó đến thì chúng ta nhìn và quay trở lại với đối tượng tu tập liền là quan sát hơi thở, chứ không suy nghĩ nó mất là mình vui hay mình buồn hay là mình đi tìm. Có nhiều người nói là đi tìm cái đau để mà nhìn tâm thì cái đó là sai, cái đau nó đến tự nhiên mình nhìn nó còn nếu nó không đến thì mình kiếm nó chi, mình đi kiếm nó để tạo nghiệp à, mình đi kiếm nó để phiền não à?
Ban Truyền thông NGHPKS
-----ooOoo-----
BÀI LIÊN QUAN
Ni sư Tín Liên chia sẻ Chơn lý tâm tại Khóa tu Truyền thống trực tuyến Ni giới Hệ phái Khất Sĩ ( Ban Truyền thông NGKS , 4588 xem)
Thực phẩm cho Tâm - Hoa trái của những ngày tu tập ( Như Liên , 5036 xem)
Khóa tu truyền thống trực tuyến Ni giới Hệ phái Khất sĩ – Ngày thứ ba ( Ban Truyền thông NGKS , 7556 xem)
Bình Thuận: Tịnh xá Ngọc Vân tham dự Khóa tu Truyền thống do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức trực tuyến ( Ban Truyền thông NGKS , 4932 xem)
Video Ni giới Hệ phái Khất sĩ khai mạc Khóa Tu Truyền thống trực tuyến ( Ban Truyền thông NGKS , 7108 xem)
Khóa tu Truyền thống trực tuyến Ni giới Hệ phái Khất Sĩ - ngày thứ hai ( Ban Truyền thông NGKS , 7464 xem)
Khóa tu Truyền thống trực tuyến Ni giới Hệ phái Khất Sĩ - ngày thứ nhất ( Ban Truyền thông NGKS , 7836 xem)
Ni giới Hệ phái khất sĩ khai mạc khóa tu truyền thống qua hình thức trực tuyến ( Nhã An , 4444 xem)
TP.HCM: Lễ khai mạc Khóa tu truyền thống trực tuyến Ni giới Hệ phái Khất sĩ ( Ban Truyền thông NGKS , 8776 xem)
Thời khóa tu học Khóa tu Truyền thống Online Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam ( Ban Truyền thông NGKS , 6716 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa tu Truyền thống lần thứ 41 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức tại Tịnh xá Ngọc Long (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai)
THÔNG BÁO Khóa tu Truyền thống lần thứ 41 Do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức từ ngày 11/3 - 17/3 năm Ất Tỵ (08 - 14/4/2025) tại Tịnh xá Ngọc Long (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
Thông báo: Hội thi giáo lý nhân ngày Lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam
Nhân ngày lễ Tưởng niệm lần thứ 38 Ni trưởng Huỳnh Liên - Đệ Nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương sẽ tổ chức Hội thi giáo lý về cuộc đời và đạo nghiệp của Ni trưởng Đệ Nhất.
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng
LỊCH VIỆT NAM
THỐNG KÊ