Trang chủ > Giáo Pháp KS > Các Bài Viết
Các hoạt động Phật sự trọng yếu của GHPGVN hiện nay
Xem: 3843 . Đăng: 16/06/2023In ấn
Các hoạt động Phật sự trọng yếu của GHPGVN hiện nay
CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ TRỌNG YẾU
CỦA GHPGVN HIỆN NAY
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật.
Theo sự gợi ý và sắp xếp của Ban Tổ chức, sáng nay, con xin chia sẻ với chư Tôn đức về những Phật sự trọng tâm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) hiện nay. Đây cũng là một trong những hoạt động Phật sự của toàn Giáo hội.
Năm 2023 là một năm hết sức quan trọng đối với các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự các cấp và Tăng Ni Phật tử của toàn Giáo hội, bởi đây là năm đầu tiên chúng ta thực hiện kế hoạch Nghị quyết và chương trình “Mục tiêu hoạt động Phật sự nhiệm kì 2022 – 2027” trong Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX.
Qua thành công của Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, cũng khẳng định sự trưởng thành, lớn mạnh của GHPGVN, mà trong đó có sự đóng góp hết sức to lớn của Tăng Ni Phật tử Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam của chúng ta – một trong 9 tổ chức, Giáo hội, Hệ phái.
Chúng ta tự hào thành lập nên GHPGVN và mô hình GHPGVN, cũng có thể nói, rất tự hào đối với Phật giáo các nước trên thế giới. Nếu chư tôn đức có cơ hội tham dự các Hội nghị quốc tế, đặc biệt là các kì đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, mới thấy Phật giáo các nước rất ngưỡng mộ mô hình của GHPGVN của chúng ta. Nhiều quốc gia như Thái Lan, Sri Lanka… bày tỏ mong muốn có được tổ chức Giáo hội như GHPGVN, vì chúng ta có sự đoàn kết hòa hợp, thống nhất của tất cả các Hệ phái Phật giáo.
Không có gì hạnh phúc bằng, khi trong cùng một Hội trường, trên cùng một giảng đường Đại học, trong cùng một lớp học, chúng ta nhìn thấy hình ảnh của tất cả các màu y và truyền thống Hệ phái, qua đó thể hiện đúng ý nghĩa Tăng đoàn của đức Phật, đó là sự thanh tịnh và sự hòa hợp, mà GHPGVN là biểu tượng cho sự thanh tịnh và hòa hợp đó.
Có thể nói, trong suốt quá trình hơn 40 năm hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam, có sự đóng góp rất lớn của Tăng Ni Phật tử Hệ phái Khất sĩ, đây là một điều rất đáng tự hào và cũng là một minh chứng lịch sử rõ ràng. Từ những đóng góp cho các sự thành lập khi vận động để đi đến thống nhất Phật giáo thành GHPGVN, đến các hoạt động Phật sự, đào tạo, giáo dục Tăng tài, các hoạt động từ thiện xã hội và đoàn kết Giáo hội.
Hôm nay, hiện diện ở đây, gần 400 chư Tôn đức là trụ trì các cơ sở tự viện, điều đó cho thấy sự đóng góp của chúng ta hết sức lớn lao, bởi lẽ, việc trụ trì các cơ sở tự viện, số lượng tự viện của chúng ta, sự lớn mạnh của GHPGVN, đó cũng là một minh chứng hết sức rõ nét.
Năm 2023 là một năm hết sức quan trọng, vì chúng ta triển khai các mục tiêu và chương trình hoạt động Phật sự lớn. Kì Đại hội lần thứ IX vừa qua hết sức thành công và Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự có nhiều chỉ đạo hết sức đổi mới, ngay sau kì Đại hội xong, mọi Nghị quyết và các mục tiêu Phật sự liền được triển khai.
Nếu những nhiệm kì trước, có khi một năm sau, chúng ta mới có thể triển khai, bổ sung, hoàn thiện cơ cấu, hoàn thiện nhân sự, các Quy chế hoạt động, thì kì Đại hội lần thứ IX này, ngay sau khi Đại hội thành công vào tháng 11/2022 tại Thủ đô Hà Nội, đến cuối tháng 12/2022, chúng ta đã có một Hội nghị của Hội đồng Trị sự tại Văn phòng II – Thiền viện Quảng Đức, TP. HCM – để chúng ta triển khai nghị quyết của Đại hội, đưa Nghị quyết của Đại hội đi vào thực tiễn hoạt động Phật sự và đời sống, sinh hoạt Phật sự của Tăng Ni Phật tử.
Vì vậy, các Ban, Viện, Ban Trị sự đã bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu mà Đại hội IX đã đề ra ngay từ những ngày đầu của nhiệm kì, từ những ngày đầu của năm 2023, do đó, trong các chương trình, mục tiêu Phật sự của Đại hội IX vừa qua, chúng ta tập trung vào 12 mục tiêu lớn mà Giáo hội của chúng ta – trên cơ sở kế thừa những kết quả, những thành tựu Phật sự hết sức đáng trân trọng trong quá trình hơn 40 năm hình thành phát triển, để định hướng cho những hoạt động Phật sự của nhiệm kì IX (2022 - 2027) và những mục tiêu, phương hướng hoạt động Phật sự này có tầm nhìn xa hơn cho những nhiệm kì tiếp theo, kỉ niệm 100 ngày lập đất nước Việt Nam. Thế nên, các hoạt động Phật sự được chư Tôn đức chỉ đạo mà chúng ta phải định hướng, cũng căn cứ vào vị thế, tiền đồ của đất nước chúng ta trong giai đoạn hội nhập quốc tế này.
Chúng ta rất tự hào về phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng Việt Nam chưa bao giờ được có vị thế, cơ đồ như ngày nay; và Phật giáo cũng chưa bao giờ có được vị thế và cơ đồ đồng hành phát triển cùng đất nước như ngày nay!
GHPGVN không chỉ hạn hẹp trong quốc gia, mà có tầm vóc trên cộng đồng quốc tế, thể hiện hội nhập qua các kì chúng ta tổ chức thành công đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc và các Hội nghị quốc tế, qua việc chư tôn đức chúng ta lãnh đạo Giáo hội tham gia vào các hoạt động quốc tế.
Ngay sau khi Đại hội IX tổ chức thành công, với tình cảm hữu nghị vĩ đại giữa Việt Nam và Lào, chúng ta đã mời Hòa thượng Chủ tịch Liên minh Phật giáo Lào và phái đoàn cấp cao của Liên minh Phật giáo Lào sang thăm chính thức Việt Nam, kí kết một chương trình phối hợp giao lưu. Sau đó, đức Pháp chủ GHPGVN Đệ tứ tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo toàn cầu được tổ chức tại Ấn Độ với bài phát biểu là diễn giả chính, là người quan trọng nhất của diễn đàn quốc tế đó. Gặp gỡ nhiều các vị Tăng thống, cao Tăng của Giáo hội các tổ chức Phật giáo trên thế giới và được Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đảnh lễ dâng y cúng dường.
Từ đây có thể thấy vị thế của Phật giáo Việt Nam chúng ta. Trong đại lễ Vesak, chúng ta cũng có đoàn Giáo hội đến thăm và làm việc chính thức với Sri Lanka, được Thủ tướng Sri Lanka đón tiếp; GHPGVN đã làm việc với Bộ trưởng ngoại giao, Bộ trưởng Phật giáo tôn giáo Sri Lanka rất thành công.
Trong các chương trình hoạt động Phật sự, GHPGVN bắt tay ngay từ những ngày đầu của nhiệm kì IX, năm 2023. Với chủ đề của Hội nghị IX là kỉ cương, trách nhiệm, đoàn kết, phát triển; Giáo hội chúng ta nhấn mạnh đến kỉ cương, đầu tiên là nghiêm trì giới luật, nhấn mạnh đến pháp hành trong đời sống tu tập của Tăng Ni và đồng bào Phật tử. Cái cốt lõi, cái trọng tâm mà chúng ta nhận ra là: Thực tế xã hội càng phát triển, đời sống xã hội phát triển, thì nhu cầu tâm linh cũng lớn mạnh và phát triển.
Sự mô phạm, việc nghiêm trì giới luật của Tăng Ni hết sức quan trọng, thậm chí là tối quan trọng! Việc này cũng đúng với lời dạy của đức Phật và chư Tổ về vai trò của giới hạnh.
Chúng ta nhìn thấy được: Đạo Phật lớn mạnh trường tồn là y cứ vào pháp hành, các pháp môn tu tập, đặc biệt là sự tu tập của Tăng Ni. Thế nên, vai trò của các vị trụ trì hết sức quan trọng, và đặc biệt phấn khởi là Hệ phái Khất sĩ tổ chức hàng năm được những lớp Bồi dưỡng trụ trì, chia sẻ những kinh nghiệm để cùng thực hành giáo pháp, song song với việc thực hiện chủ trương của Giáo hội thì cũng rất tự hào với thông điệp của đức Tổ sư: Nối truyền Thích-ca Chánh pháp!
Những lớp Bồi dưỡng như thế này, là cơ hội chúng ta đang thực hiện chương trình hoạt động Phật sự trọng tâm của Giáo hội.
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
1. Nêu cao kỷ cương giới luật, gắn liền trách nhiệm trong mọi hoạt động Phật sự của Tăng Ni Phật tử là trên hết, trước hết. Nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế. Vững vàng kiên định trên con đường phụng sự theo lý tưởng: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội.
Ở đây, chúng ta dùng từ “trên hết” và “trước hết”, bởi lẽ, trong khi chúng ta thừa hành Phật sự, với các mục tiêu là để đáp ứng cho đồng bào Phật tử và bà con nhân dân, thế nhưng, chúng ta luôn luôn phải chú trọng đến sự trong sáng của Đạo pháp; đến hình ảnh của Giáo hội mà chư Tổ đã gầy dựng trong suốt chiều dài lịch sử 2.000 năm phát triển của GHPGVN, nên mọi hoạt động Phật sự phải gắn liền với chủ trương đó. Có như vậy, chúng ta mới bảo đảm được, nhất là với những vị Tăng Ni trẻ, trụ trì các ngôi chùa, các cơ sở tự viện - phát triển các cơ sở của mình. Mỗi Tăng Ni phải thường chú tâm, vì xã hội hiện nay rất phát triển, các hình ảnh của chúng ta, các hoạt động Phật sự được phản ảnh rất nhanh trên không gian mạng. Chúng ta phải thường chú ý đến sự trong sáng của Đạo pháp và hình ảnh của GHPGVN, đây là việc Giáo hội rất chú trọng.
2. Nâng cao năng lực quản trị hành chính và điều hành hoạt động Phật sự của Giáo hội. Xây dựng Giáo hội số theo xu thế thời đại. Kiện toàn và hoàn thành các trung tâm điều hành điện tử của 2 Văn phòng Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự GHPGVN các địa phương.
Chúng ta đang sống ở thời kì công nghệ rất phát triển, gọi là “thời đại công nghiệp 4.0”, “thời đại chuyển đổi số”, thế nên, cách vận hành hành chính của Giáo hội, hay cách quản trị các cơ sở tự viện cũng cần thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, trọng tâm thứ hai là phải nâng cao năng lực quản trị hành chính và điều hành hoạt động Phật sự của Giáo hội, xây dựng Giáo hội số theo xu thế thời đại và kiện toàn, hoàn thành các trung tâm điều hành hành chính điện tử. Đây cũng là một hoạt động Phật sự trọng tâm của năm 2023.
Nói về năm 2023, chúng ta đã đi qua được sáu tháng, đã chuẩn bị Hội nghị Sơ kết giữa kì. Dự kiến, Hòa thượng Chủ tịch sẽ cho tổ chức Hội nghị Sơ kết của Ban Thường trực vào ngày 07 tháng 7 năm 2023, tức là ngày 20 tháng 5 âm lịch, chúng ta chỉ còn hơn một tháng nữa!
Muốn cho các hoạt động hành chính của Giáo hội được nhanh chóng, thông suốt, thì các Ban Trị sự cần phải trang bị những Trung tâm hành chính điện tử, để chúng ta có sự kết nối với hai văn phòng Trung ương Giáo hội – Văn phòng I tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội và văn phòng II tại Thiền viện Quảng Đức – được nhanh chóng, nên Giáo hội cũng chủ trương thiết lập các trung tâm hành chính điện tử này.
Trong sáu tháng đầu năm vừa qua, có một số Ban Trị sự, ngay sau khi Đại hội xong thì tiến hành thiết lập các trung tâm hành chính điện tử tại trụ sở của Ban Trị sự, nên các hoạt động kết nối đã được diễn ra nhanh chóng.
Vì vậy, đối với các cơ sở tự viện của chúng ta, nếu những tịnh xá, tịnh thất nào có điều kiện, thì chư Tôn đức cũng nên thiết lập những trung tâm này, chi phí cũng không quá lớn, chỉ cần một màn hình và một đầu chụp là chúng ta cũng có thể kết nối được, làm được như vậy, sự liên thông của chúng ta sẽ tốt hơn. Phật sự này cũng hết sức cần thiết trong giai đoạn năm 2023.
Về phía Giáo hội, cũng có mô hình xây dựng Giáo hội số. Để xây dựng Giáo hội số phù hợp với công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, ngay sau những tháng đầu năm của năm 2023, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự đã chỉ đạo cho Ban Thường trực, Ban Thư kí ở Văn phòng thành lập tổ công tác của Hội đồng Trị sự về dữ liệu Tăng Ni và Phật tử. Hiện nay, tổ công tác này đang hoạt động rất tốt, phối hợp với Trung tâm Dữ liệu Dân cư Quốc gia để xây dựng một phần mềm quản lý Tăng Ni cơ sở tự viện và Phật tử, cũng như kết nối liên thông với Trung tâm Dữ liệu Dân cư Quốc gia.
Tất cả công dân đã bỏ sổ hộ khẩu, thay vào đó là Căn cước công dân có gắn chíp và được xác định bằng mã định danh dân cư, trên mã định danh đó, mỗi người sẽ có một mã định danh suốt đời, tất cả dữ liệu đều ở trong đó. Chúng ta không còn giấy tờ sổ sách nữa, thế nên, Giáo hội chúng ta cũng cần phải có chuyển đổi phù hợp với công cuộc chuyển đổi số quốc gia, nên Hòa thượng Chủ tịch, Hội đồng Trị sự Phật giáo cũng sớm thành lập việc này. Hiện nay, Tổng Thư kí Hội đồng Trị sự đã phát đi văn bản, mong chư Tôn đức các tỉnh thành và Tăng Ni các nơi sẽ gởi địa chỉ thống kê về cho Ban Trị sự, Ban Trị sự sẽ gởi cho văn phòng Hà Nội. Chúng ta sẽ tập hợp lại, đưa vào dữ liệu Tăng Ni và Phật tử của Trung tâm.
Phật sự này cũng hết sức quan trọng, bởi kết nối của chúng ta hiện nay, khi chúng con làm việc với Trung tâm Dữ liệu Dân cư Quốc gia, phải nói rằng, có một thực tế là phản ánh về số lượng Phật tử của chúng ta trên đó rất ít, chưa phản ánh được Phật giáo là tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam, có chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm. Đây là một vấn đề, và cũng gợi cho tất cả Tăng Ni, nhất là các vị trụ trì, một trách nhiệm: Chúng ta phải đăng kí vào trong Căn cước công dân, đăng kí vào trong dữ liệu khi đăng kí định danh, ở mục tôn giáo là Phật giáo. Chúng ta cũng phải có trách nhiệm đối với đồng bào Phật tử, khích lệ bà con nhân dân niềm tự hào khi mình đăng kí tôn giáo của bản thân là Phật giáo.
Khi chúng con làm việc, thấy số lượng Phật tử đông nhất là ở An Giang, tìm hiểu thì biết rằng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh An Giang có phối hợp với Công an tỉnh An Giang trong vấn đề thu thập dữ liệu để làm Căn cước công dân.
Vậy nên, các vị quản lý cơ sở, các vị trụ trì tịnh xá, tịnh thất nên lưu ý vấn đề này. Hiện nay, tổ công tác của Hội đồng Trị sự cũng đang thiết kế một app điện tử, làm sao thật gọn, thật đơn giản, để sau này các Phật tử có thể tự mình đăng kí bằng điện thoại thông minh. Có các mục để họ vào đăng kí, họ xác định ở tỉnh nào, chẳng hạn, tỉnh này có cơ sở tự viện này, có tịnh thất này, tôi muốn làm đệ tử của Sư trụ trì tịnh thất này, tôi vào đây, Sư trụ trị sẽ nhận và cho pháp danh.
Phải đơn giản hóa quá trình cấp chứng chỉ, phái quy y cho Phật tử thì mới phản ánh được số lượng tín đồ của chúng ta trên Trung tâm Dữ liệu Dân cư Quốc gia. Đây là Phật sự hết sức quan trọng, qua đó, chúng ta thấy định hướng mục tiêu phương hướng hoạt động Phật sự bám rất sát với thực tế và có tầm nhìn xa.
3. Tăng Ni Phật tử GHPGVN không ngừng phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, chung tay cùng đồng bào và nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam là niềm tự hào, là tinh hoa; Phật giáo với 2.000 năm lịch sử mà Tăng Ni chúng ta được thừa hưởng di sản này. Thế nên, với tinh thần nhập thế, Giáo hội đã rất chủ động trong các hoạt động, các phong trào yêu nước, đem lại lợi ích cho xã hội.
Qua kì đại dịch Covid vừa qua, có thể nói, cả xã hội đánh giá rất cao sự đóng góp của Phật giáo. Hình ảnh của Tăng Ni và Phật tử trong công cuộc chiến chống dịch Covid-19, hình ảnh Tăng Ni phục vụ trong các bệnh viện dã chiến… là thời pháp vô cùng giá trị cho đồng bào Phật tử và cho xã hội. Chúng ta không chờ xã hội phục vụ mình, mà chúng ta đến phục vụ người dân! Bản thân chúng con bưng cơm, bê nước cho các cụ già trong bệnh viện, các bác sĩ vô cùng cảm động. Mình đã đem lại sự trị liệu, sự chữa lành cho các bác sĩ, để cho họ bớt bị stress trước những nguy hiểm của dịch bệnh.
Ngay những ngày đầu của năm 2023, trước chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác an toàn giao thông để giảm thiểu tai nạn giao thông, thì Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự cũng đã chỉ đạo những văn bản kêu gọi Tăng Ni và các cơ sở tự viện tham gia vào việc:
1. Nâng cao ý thức về phòng cháy chữa cháy ở các cơ sở tự viện. Tự chúng ta phòng, đảm bảo an toàn trong phòng cháy chữa cháy, trước hết là an toàn tính mạng cho Tăng Ni Phật tử và đảm bảo tài sản của chùa chiền, các cơ sở tự viện, các di tích lịch sử.
2. Giáo hội đã kí kết với Cục Cảnh sát Giao thông của Bộ Công an về việc chúng ta sẽ tuyên truyền ý thức tham gia giao thông, để chúng ta giảm thiểu tai nạn giao thông. Khi Bộ Công an làm rất tốt quy định về tham gia giao thông, thì tỷ lệ số lượng tai nạn giao thông, số người chết vì tai nạn giao thông giảm một cách rõ rệt.
Về việc phải phát huy tuyên truyền ý thức an toàn giao thông này, Bộ Công an thấy rằng, không gì bằng việc các Sư trong những bài giảng của mình, tuyên truyền cho đồng bào Phật tử và nhân dân, nên Bộ Công an đã kí kết một phối hợp, và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự cũng đã chỉ đạo cho Giáo hội. Sắp tới, Hòa thượng cũng sẽ ra thông tư hướng dẫn về công tác phối hợp này.
Trong những thời giảng, những buổi chia sẻ, chư Tôn đức Tăng Ni, nhất là những vị trụ trì các cơ sở tự viện của Giáo hội, chúng ta kêu gọi, hướng dẫn cho đồng bào Phật tử và bà con nhân dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, bởi tai nạn giao thông chủ yếu là do ý thức của bản thân. Chúng ta tôn trọng luật khi tham gia giao thông, thì đảm bảo an toàn trong lúc điều khiển các phương tiện khi tham gia giao thông; không những không vi phạm những luật an toàn giao thông đã quy định, mà chúng ta luôn nâng cao ý thức này, để cho người dân đảm bảo được an toàn khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hướng tới kỉ niệm 70 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 2024, đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi xây dựng các nhà Đại đoàn kết, xóa nhà tạm cho đồng bào nghèo trên địa bàn của tỉnh Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Bắc, GHPGVN cũng tích cực tham gia. Đó là những hoạt động mà chúng ta đã tích cực tham gia vào phong trào ích nước lợi dân.
4. Đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo pháp của đức Phật vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đổi mới, sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử. Hướng dẫn các pháp môn thực hành của Phật giáo phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội, góp phần chăm sóc sức khỏe tinh thần, xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội.
Đây là hoạt động Phật sự hết sức quan trọng, thường xuyên liên tục, trọng tâm trọng yếu của mỗi Tăng Ni Phật tử. Cần đẩy mạnh sự nghiệp hoằng dương giáo pháp của đức Phật vào mọi mặt của đời sống xã hội. Đổi mới, sáng tạo trong phương thức hướng dẫn tín đồ Phật tử, hướng dẫn các pháp môn tu tập của Phật giáo phù hợp với xã hội hiện đại và mọi tầng lớp nhân dân; chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân dân. Đây là sự nghiệp của mỗi Tăng Ni chúng ta, đặc biệt là các vị trụ trì trong hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử.
Tuy nhiên, cần chú trọng đổi mới phương pháp để phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng. Cần phân ra các đối tượng, dựa trên giáo lý của chúng ta là khế lý khế cơ, dựa vào căn cơ của các đối tượng khác nhau mà chúng ta có những phương pháp hoằng pháp với những nội dung khác nhau trong một thời pháp, thì mới đem lại hiệu quả, tăng trưởng niềm tin cho đồng bào Phật tử và xã hội.
Hiện nay, nhu cầu tu tập của xã hội rất lớn, đây là một thực tế, do vì áp lực xã hội, áp lực từ công việc, áp lực từ cuộc sống gia đình; giữa nhu cầu và sự thỏa mãn nhu cầu của xã hội có khoảng trống rất lớn, nên con người của thời đương đại thường bị stress, bị trầm cảm. Càng ngày, chúng ta càng thấy tần suất của cụm từ “chữa lành” xuất hiện vô số trên các phương tiện báo chí, trên thông tin quần chúng, vì nhu cầu chung của xã hội, người ta cần một sự chăm sóc cho đời sống sức khỏe tinh thần. Bấy lâu nay, con người chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, ăn gì, ngủ làm sao, chứ không hề nghĩ đến tu tập theo pháp môn nào để cho mình có sự an lạc hạnh phúc; còn bây giờ người ta lại chuyển sang ăn ít đi, vì bệnh tật nhiều; ngủ ít đi, vì ngủ nhiều cũng sinh ra bệnh tật; bây giờ người ta muốn đến chùa nào để tu, tu theo pháp môn nào, đây là nhu cầu hết sức thực tế.
Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta, trách nhiệm của những vị trụ trì là chữa lành cho mọi người. Nhưng chữa lành bằng cách nào? Bằng các pháp môn tu tập truyền thống như niệm Phật, hành thiền,…
Rất tự hào là Hệ phái Khất sĩ đã duy trì việc hành thiền rất tốt, kể cả trong một khuôn viên tịnh xá, cũng có thể tổ chức khất thực theo truyền thống, các khóa tu mùa hè cho thanh thiếu niên. Lâu nay chúng ta thường nhìn nhận kiểu: Chùa này có mấy nghìn khóa sinh, chùa nọ có mấy nghìn khóa sinh, mà nên biết rằng, có được bao nhiêu chùa có tổ chức khóa tu!
Thật ra, chỉ cần 20, 30 cháu thôi, một vị Tăng, một vị Ni trẻ ở trong khuôn viên một tịnh xá ở một miền quê cũng có thể tổ chức một khóa tu mấy ngày. Vấn đề là chúng ta truyền cảm hứng, truyền tải giáo pháp của đức Phật đến được với các cháu mới là điều quan trọng. Chúng ta không theo phong trào, mà cần đi vào thực chất. Mong rằng chư Tôn đức Tăng Ni không ngại vất vả, không ngại khó khăn, chúng ta tổ chức các khóa tu mà không cần quá đông, mà chỉ cần phù hợp với điều kiện của cơ sở tự viện mình.
Chư Tăng Ni phải có trách nhiệm gìn giữ tín đồ Phật tử, tăng số lượng tín đồ Phật tử, nhất là ở các tỉnh vùng cao, miền núi, Tây nguyên, Tây Bắc, là những địa bàn mà chúng ta hết sức chú trọng trong việc tăng tín đồ Phật tử, chăm sóc tín đồ Phật tử, gìn giữ tín đồ Phật tử, đây là những việc hết sức cần thiết.
5. Phát huy tinh thần nhập thế của đạo Phật, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục Phật giáo trên cả hai lãnh vực: Đào tạo Tăng Ni và tham gia vào nền giáo dục xã hội. Nâng cao chất lượng đào tạo, đa dạng loại hình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và thực hành giáo pháp tại các cơ sở giáo dục đào tạo của GHPGVN.
Từ nhiệm kì trước, chư Tôn đức Tăng Ni lãnh đạo Giáo hội đã chủ trương đổi Ban Giáo dục Tăng Ni thành Ban Giáo dục Phật giáo, với định hướng chúng ta không chỉ giáo dục Tăng Ni, mà chúng ta tham gia và giáo dục xã hội. Xã hội là gì? Các Học viện, các cơ sở đào tạo của chúng ta có thể đào tạo tu sĩ và cả cư sĩ. Chúng ta phải nghĩ đến việc mở các cơ sở Mầm non, cho nên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM đã phối hợp với Đại học Sư phạm đào tạo khóa học để các vị Ni tham gia và có kiến thức trong môi trường Mầm non. Chúng ta mở trường Mầm non tư thục và dần tiến đến mở hệ thống giáo dục tư thục, là điều mà chúng ta cần nghĩ đến.
Đặc biệt, chúng ta chú trọng đến việc đào tạo Tăng tài. Chúng con rất tự hào với sự nghiệp đào tạo Tăng tài của Hệ phái Phật giáo Khất sĩ Việt Nam. Khi tìm hiểu về lịch sử Hệ phái Khất sĩ với thời gian chỉ gần 80 năm, nhưng sự phát triển Tăng tài rất tốt. Khi tham gia buổi khai giảng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, con được sắp xếp ngồi ở trên, nhìn xuống các vị Khất sĩ đều là học vị Tiến sĩ, đây là điều rất đáng tự hào. Chúng ta phải lưu tâm đến sự nghiệp đào tạo Tăng tài. Các vị trụ trì nên khuyến khích đệ tử mình đi học các lớp Phật học từ Sơ cấp, Trung cấp đến Học viện.
Nếu không có sự nghiệp đào tạo Tăng tài, thì chúng ta không thể phát triển một cách mạnh mẽ và trường tồn được. Cho nên đây là một điều hết sức quan trọng.
6. Giữ gìn và pháp huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam, đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc Dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế.
Trọng tâm Phật sự thứ sáu là về lĩnh vực Văn hóa Phật giáo: Chúng ta phải gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam, đảm bảo có sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ những nhiệm kì trước, Giáo hội đã chỉ đạo cho Ban Văn hóa Trung ương và Ban Văn hóa Phật giáo các tỉnh thành, tập trung và thực hiện bốn đề án: 1. Pháp phục, 2. Di sản, 3. Ngôn ngữ, 4. Kiến trúc. Chúng ta phải có tầm nhìn và như chúng ta biết, chủ trương của Việt Nam chú trọng đến văn hóa. Tổng Bí thư khi chủ trì Hội nghị Văn hóa năm 2021 đã xác định: “Phát triển văn hóa phải xứng tầm với kinh tế xã hội, vì lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến kinh tế xã hội.” Phật giáo cũng vậy, muốn gìn giữ được giáo pháp của mình, muốn gìn giữ được truyền thống của mình thì chúng ta phải giữ gìn văn hóa, vì Phật giáo chứa đựng trong văn hóa Phật giáo. Trong cơ sở tự viện, hình ảnh các tịnh xá vừa là nét đặc thù, vừa là tinh thần thống nhất trong sự đa dạng.
Trong chủ trương Giáo hội Phật giáo có có quy định, Giáo hội là ngôi nhà chung của tất cả các Hệ phái Phật giáo Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn tôn trọng sự biệt truyền, những văn hóa của các truyền thống Hệ phái Phật giáo, đó là chúng ta thống nhất trong sự đa dạng, là một trong những hoạt động Phật sự.
7. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và quan hệ Phật giáo quốc tế theo định hướng gắn với ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kiện toàn, mở rộng và kết nối chặt chẽ với các hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.
Hoạt động Phật sự quan hệ quốc tế là một trong những thành tự Phật sự mà Phật giáo đóng góp vào cho hoạt động đối ngoại nhân dân của đất nước. Phật giáo rất chủ động trong hoạt động quốc tế. Hiện nay, chúng ta cũng rất tự hào là chúng ta có đầy đủ đội ngũ Tăng Ni được Giáo hội đưa đi đào tạo ở nước ngoài về, có đủ tầm để hội nhập vào quốc tế. Phật giáo của chúng ta hiện nay đã được quốc tế đánh giá, trân trọng ở tầm và vị trí khác và chúng ta cũng đã có những định hướng cho hoạt động Phật giáo quốc tế.
GHPGVN có chư Tôn đức là sáng lập của tổ chức Phật giáo quốc tế rất sớm, đó là Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới, được thành lập từ năm 1950 tại Colombo Sri Lanka, có Hòa thượng Thích Tố Liên của GHPGVN đại diện tham gia sáng lập. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh lịch sử chiến tranh, trải qua thời gian rất dài, chúng ta không tham gia.
Năm nay, Chủ tịch của Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới chính thức có thư mời đến đức Đệ tứ Pháp chủ của chúng ta để tham gia trong Hội đồng Tăng trưởng Chứng minh của tổ chức này. Hòa thượng đã có thông điệp nhận lời mời gọi, trong tháng 8 tới, đoàn sẽ sang thăm Việt Nam, nên có thể nói, vị thế hiện tại của GHPGVN đã khác.
Phật sự hoạt động Phật giáo Quốc tế trong năm 2023 có hai hoạt động lớn:
1. Tổ chức Hội nghị thượng đỉnh. Chủ tịch Phật giáo ba quốc gia: Việt Nam – Lào – Campuchia, dự kiến tổ chức vào tháng 11.
2. Tổ chức Hội nghị Thứ kí của Tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ABCP), dự kiến tổ chức vào cuối tháng 9.
Đây là hai sự kiện đối ngoại Phật giáo diễn ra ở Việt Nam. Cạnh đó, chúng ta cũng sẽ tham dự những Diễn đàn, những Hội nghị Phật giáo quốc tế.
Vì vậy, hoạt động về đối thoại Tôn giáo cũng rất phát triển. Chia sẻ để hiểu biết lẫn nhau với tôn giáo, không chỉ diễn ra giữa các tổ chức tôn giáo, không khuôn khổ Giáo hội, mà còn diễn ra trên phạm vi ngoại giao đa phương: Giữa các quốc gia với nhau; giữa các tổ chức quốc tế; tổ chức liên nghị viện thế giới.
Hiện nay, có thể nói hoạt động quốc tế của GHPGVN rất chủ động. Từ trạng thái bị động – họ mời thì cố gắng cử người tham gia, đến để nghe thôi, thì nay chúng ta chủ động tổ chức, đưa ra đề tài tổ chức Hội thảo.
Trong công tác chuẩn bị đã bắt đầu từ năm nay, để đến năm 2025, chúng ta sẽ là lần thứ tư, đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc, sẽ tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. HCM, cơ sở 2, tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Vừa qua, Thành ủy TP. HCM cũng đã đồng ý cho Giáo hội xây dựng một Trung tâm Hội nghị Phật giáo Quốc tế - cũng được dự kiến ở Bình Chánh, để phối hợp cùng với Học viện để chúng ta có đầy đủ cơ sở vật chất mà tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2025. Và sau này, đó cũng sẽ là nơi diễn ra Hội nghị Phật giáo Quốc tế.
Hơn nữa, tại trụ sở Pháp viện Minh Đăng Quang này, ngay tại đây chúng ta đã tổ chức một Hội thảo Phật giáo Quốc tế.
8. Mở rộng và thúc đẩy công tác nghiên cứu Phật học tại các Viện, Trung tâm nghiên cứu Phật học của Giáo hội Việt Nam. Hợp tác và liên kết nghiên cứu Phật học với các cơ sở nghiên cứu, trường đại học ở trong nước và nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam.
9. Tăng cường công tác pháp chế, giám sát, kiểm soát các hoạt động Phật sự của các cấp Giáo hội. Quản lý chặt chẽ sinh hoạt tự viện, sinh hoạt của Tăng Ni theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước.
10. Xây dựng nền tảng chuyển đổi số của Giáo hội Phật giáo Việt Nam phù hợp và tương thích với công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao hiệu quả và đẩy mạnh hơn nữa truyền thông Phật giáo là kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động Phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của Đạo Phật. Hình ảnh tốt đẹp của Tăng Ni, Phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
11. Phát huy tinh thần từ bi của đạo Phật, không ngừng đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội. Kêu gọi Tăng Ni, tín đồ Phật tử tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo công tác an sinh xã hội.
Hoạt động từ thiện là hoạt động trọng tâm không chỉ của năm nào, mà của tất cả mọi thời gian đối với Tăng Ni của chúng ta. Sự đóng góp của chư Tôn đức Tăng Ni Phật tử các cơ sở tự viện, tịnh xá của Hệ phái Khất sĩ rất lớn.
Có thể nói, Hệ phái Khất sĩ rất tích cực tham gia vào công tác từ thiện xã hội rất hiệu quả. Quý Hòa thượng đã xây nhà tình nghĩa ở Điện Biên từ nhiều năm về trước. Mới đây, Thượng tọa Giác Hoàng đã hướng dẫn khoa Phật học từ xa cũng đã đến Điện Biên xây trường Mầm non. Quý vị đã phối hợp rất nhiều trong công tác phối hợp giữa Hệ phái Khất sĩ không chỉ ở miền Tây Bắc mà ở tất cả các địa phương trong cả nước, đây là một điều đáng tự hào. Thay mặt cho Hội đồng Trị sự GHPGVN, con hết sức tri ân và tán thán công đức của chư Tôn đức Hệ phái Khất sĩ của chúng ta trong các hoạt động Phật sự, đặc biệt là công tác từ thiện xã hội.
Trong năm 2023, Giáo hội có phát động hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng các cơ sở nhà Đại đoàn kết cho đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc. Thay mặt Giáo hội, thay mặt cho Tăng Ni Phật tử và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên, chúng con kêu gọi chư Tôn đức Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ phát tâm tham gia vào chương trình này. Chúng ta vừa hoàn thành đăng kí của Giáo hội. Chúng ta đăng kí với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là 150 căn và tổng số các chùa Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên, chúng con ủng hộ 50 căn và các chùa trong Giáo hội chúng ta đăng kí khoản 350 căn nhà, mỗi căn 50 triệu đồng, chúng ta ủng hộ cho đồng bào nghèo ở tỉnh Điện Biên và các tỉnh Tây Bắc để hưởng ứng chào mừng kỉ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Trong chương trình từ thiện này, Giáo hội chủ trương trong nhiệm kì này, chúng ta bên cạnh việc làm công tác từ thiện an sinh xã hội, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, hay khi lũ lụt thiên tai dịch họa xảy ra, thì cũng chú trọng đến việc xây dựng các công trình như nhà tình nghĩa đại đoàn kết, trường học.
Ngoài ra, chúng ta chú trọng đến việc có thể mở những lớp dạy nghề là việc rất quan trọng. Hiện nay, Giáo hội đau đáu về việc chúng ta cần mở những trung tâm dạy nghề, vì trong tổng thể của xã hội hiện nay, năng suất lao động của đất nước chúng ta rất thấp so với các quốc gia khác trên thế giới, nhưng kĩ năng của người Việt Nam rất khéo léo. Vấn đề là chỗ dạy nghề của chúng ta chưa được phát triển, khi chúng ta nhìn sang các tôn giáo bạn, họ đều có trung tâm dạy nghề rất tốt, còn chúng ta thì chưa có.
Chúng ta dạy nghề là đem cần câu đến cho con em Phật tử của mình, thay vì chúng ta chỉ cho họ ăn, chỉ là nhất thời mà thôi, còn nghề nghiệp thì cả đời, dẫn đến niềm tin của họ cũng bền vững. Chúng ta hướng dẫn cho con em Phật tử có một nghề cho tinh, để sống có ý nghĩa, có mục đích, sống có ích cho xã hội là quan trọng, chứ không nhất thiết lúc nào các em cũng phải đưa tấm bằng Đại học ra mới là thành công.
12. Lan tỏa triết lý Phật giáo trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng đội ngũ doanh nhân Phật tử hướng tới tự chủ tài chính trong các hoạt động Phật sự của Giáo hội qua việc xây dựng mô hình kinh tế Phật giáo ở những lĩnh vực hợp lý, khuyến khích phát triển kinh tế tự túc của các cơ sở tự viện.
Tập hợp các Phật tử doanh nhân để định hướng phát triển kinh tế Phật giáo, đây cũng là điều mà Giáo hội đề cập. Cạnh đó, các cơ sở tự viện, các tịnh xá, tịnh thất có điều kiện thì chúng ta phát triển kinh tế tự cung tự cấp. Giáo hội nhiệm kì này chủ trương chương trình đón nhận Phật tử các nước đến sinh hoạt, tu tập ở các cơ sở tự viện hoặc ở nơi lân cận có điều kiện. Chúng ta vừa trao đổi, vừa giao lưu về Phật giáo, về văn hóa, về phương pháp tu tập, thực hành, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau; đồng thời, cũng là để phát triển du lịch. Đây cũng là chủ trương của Giáo hội.
Chúng ta tập trung vào những cái tổng thể để thực hiện thành công chương trình mục tiêu và phương hướng hoạt động Phật sự của GHPGVN nhiệm kì IX chia ra từng năm một, mà năm 2023 này là năm quan trọng để chúng ta triển khai.
Trong khóa Bồi dưỡng trụ trì này, cũng thực hiện một trong những nhiệm vụ Phật sự trọng tâm của Giáo hội, đó là phổ biến nội dung Hiến chương sửa đổi GHPGVN. Trong các điều lệ Hiến chương GHPGVN đã sửa đổi, con nhấn mạnh đến việc thành lập các Ban Quản trị cơ sở tự viện.
Chúng ta phải thấy rằng, để được thông qua Hiến chương thành lập Ban Quản trị tự viện là một thành công của tu sửa Hiến chương sửa đổi lần này và của Đại hội lần này, vì hiện nay chúng ta thực hiện theo Luật tín ngưỡng tôn giáo thì chỉ có tổ chức tôn giáo trực thuộc mới có cơ sở pháp nhân phi thương mại; còn nếu chỉ là cái chùa, chỉ là tịnh xá, tịnh thất, thì chưa phải là cơ sở tôn giáo trực thuộc, mà chỉ là một cơ sở tôn giáo thôi.
Từ những năm trước, chúng ta không còn được cấp con dấu nữa, một số cơ sở đã được cấp rồi, thì phải thu hồi theo Luật tín ngưỡng tôn giáo. Thế nhưng, nếu cơ sở tự viện thành lập Ban Quản trị, thì đây là tổ chức tôn giáo trực thuộc trong hệ thống tổ chức hành chính thuộc GHPGVN qua bốn cấp: 1. Cấp Trung ương, 2. Cấp tỉnh, thành phố, 3. Cấp Quận huyện, 4. Cấp đơn vị cơ sở.
Ban Quản trị là một tổ chức tôn giáo trực thuộc mà vì Giáo hội cảm thấy tất cả các hoạt động Phật sự thật ra đều rất quan trọng ở các cơ sở tự viện này. Đối với các trụ trì, họ là trưởng ban của cơ sở tự viện, có tư cách pháp nhân.
Mong rằng trong sáu tháng đầu năm và trong kì họp của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự vào ngày 7 tháng 7 năm 2023 này, Ban Thư kí Trung ương sẽ trình với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông tư về việc thành lập Ban Quản trị cơ sở tự viện và Quy chế hoạt động của Ban Quản trị cơ sở tự viện. Trên cơ sở lắng nghe tất cả những ý kiến được tập họp từ các địa phương, phản ánh từ các vị trụ trì, để chúng ta nắm vững được những vấn đề gì sẽ phát sinh; vấn đề gì chúng ta cần điều chỉnh, làm sao với tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các Sư trụ trì trong việc điều hành các hoạt động Phật sự, quản trị cơ sở tự viện, tịnh xá, tịnh thất và các hoạt động Phật sự tổ chức trên cơ sở tự viện đó được thuận lợi nhất, mà phải đảm bảo đúng theo Hiến chương của Giáo hội và phù hợp với Luật tín ngưỡng tôn giáo, với Nghị định, Quy định của pháp luật.
Có thể nói, Giáo hội nhận định rằng: Vai trò của các vị trụ trì là hết sức quan trọng, trong hoạt động Phật sự của GHPGVN, bởi tất cả các chủ trương, các hoạt động Phật sự, 12 mục tiêu này phải được triển khai đến các vị trụ trì, đến các cơ sở tự viện thì mới hoạt động được, còn các tổ chức Giáo hội chỉ là điều hành và tạo điều kiện để các vị trụ trì có hoạt động Phật sự.
Mọi hoạt động, ví dụ như từ thiện xã hội thì cũng phải được đóng góp từ các vị trụ trì, các Phật tử đệ tử của trụ trì, cho đến các hoạt động Phật sự, lễ nghi, văn hóa, cũng đều ở nơi các vị trụ trì, nên Ban Quản trị cơ sở tự viện hết sức quan trọng.
Từ đây, Giáo hội sẽ phổ biến và tiếp tục, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ có kế hoạch, trong mùa An cư kiết hạ năm nay, sẽ đến các trường hạ để phổ biến về nội dung Hiến chương đã sửa đổi; triển khai 12 chương trình Mục tiêu hoạt động Phật sự của nhiệm kì và Quy chế hoạt động của Ban Tăng sự, Quy chế hoạt động của Ban Quản trị cơ sở tự viện đến với chư Tôn đức Tăng Ni.
Kính chúc sức khỏe đến chư Tôn đức, kính chúc lớp Bồi dưỡng của chúng ta đạt được kết quả viên mãn.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
TT. Thích Đức Thiện
(Sư cô Liên Mãn phiên tả)
-----oo0oo-----
Nguồn: www.daophatkhatsi.vn
BÀI LIÊN QUAN
Chưa gặp lại mà đã chia ly (Kính tiễn giác linh Hòa Thượng Giác Ánh tức anh Lê Hùng Anh, chùa Viên Giác) ( Thị Nghĩa Trần Trung Đạo , 7720 xem)
Dấu ấn 65 năm của Giáo đoàn III - Hệ phái Khất sĩ: Ôn cố, tri tân ( Mây Thong Dong , 4308 xem)
Giáo đoàn VI chuẩn bị đi hành đạo các tỉnh miền Tây ( Diệu Anh , 3688 xem)
Hòa thượng Thích Giác Giới: Phụng sự tối thượng ( Quảng Đạo ghi/Báo Giác Ngộ , 5140 xem)
Tưởng niệm một vầng dương ( Như Liên , 4560 xem)
Chơn tánh Đạo Nguyên ( Hòa thượng Giác Toàn , 6064 xem)
Những giá trị của Hệ phái Khất sĩ trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ( Vũ Mạnh Hải , 5052 xem)
Tưởng nhớ bậc chơn Tăng ( TK. Minh Điệp , 3708 xem)
Kính Điếu Trưởng Lão Hòa Thượng Giác Lượng ( Ni trưởng Thẩm Liên , 3324 xem)
Kính Điếu Trưởng Lão Hòa Thượng Giác Phúc ( Ni trưởng Thẩm Liên , 2820 xem)
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn Đạo pháp cho tình Quê hương
Thông báo Khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 do Ni giới Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Tiếp theo thời khóa tu học trong 3 tháng An cư là chương trình 10 ngày bồi dưỡng đạo hạnh lần thứ 8 cho chư Ni NGHPKS, bắt đầu từ chiều mùng 1 tháng 7 đến ngày 11 tháng 7 năm Giáp Thìn (nhằm ngày 4/8/2024 – 14/8/2024) tại Tổ đình Tịnh xá Ngọc Phương (Số 498/1 đường Lê Quang Định, Phường 1, quận Gò Vấp, Tp. HCM)
Thông báo khóa Bồi dưỡng đạo hạnh lần 9 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức
Nhằm nâng cao đời sống Phạm hạnh và thắp sáng lý tưởng giải thoát, giác ngộ và phụng sự Đạo pháp cho các Tăng Ni trẻ vừa bước chân vào đạo, Hệ phái Khất sĩ mỗi năm tổ chức một khóa BỒI DƯỠNG ĐẠO HẠNH tại Pháp viện Minh Đăng Quang (505 Võ Nguyên Giáp, phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. HCM) dành cho các Sa-di, Sa-di-ni và Tập sự.
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thư mời viết bài Tập san Đuốc Sen - số 35 chủ đề Lễ tự tứ Tăng và Vu lan Báo hiếu
Thông báo Lớp Giáo lý trực tuyến
Thời gian tụng kinh, thuyết giảng trực tuyến như sau: Tụng kinh: Hàng ngày từ 6g30 – 7g15 tối là thời khóa tụng kinh Dược Sư, các ngày sám hối trì tụng Hồng Danh Bửu Sám Thuyết giảng: 7g30 – 8g30 tối hàng ngày
VIDEO
Trực tiếp: Phiên Bế mạc Hội thảo Khoa học Ni trưởng Huỳnh Liên tại Pháp viện Minh Đăng Quang - Ban Truyền hình Trực tuyến PSO
Pháp âm MP3
- 0 - Lời Mở Đầu
- 01 - Võ Trụ Quan
- 02 - Ngũ Uẩn
- 03 - Lục Căn
- 04 - Thập Nhị Nhơn Duyên
BÀI XEM NHIỀU
Kinh sách PDF của HT Nhất Hạnh
Kinh sách PDF của Hòa thượng Thích Thanh Từ
Ưng Vô Sở Trụ Nhi Sanh Kỳ Tâm “Bất ưng trụ sắc sanh tâm”
Ảnh hưởng của Kinh Kim Cang đối với Thiền tông
Thiền tông Trung Quốc qua các giai đoạn phát triển quan trọng